Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.209
123.206.037
 
Giỗ nhà ông phó bộ di
Tiểu Lục Thần Phong

 

Tiếng quết lá gai để làm bánh ít cứ thùm thụp vang lên từ nhà từ đường ông phó bộ, cái âm thanh lụp bụp khi chày giã nện vào khối lá gai gần nhuyễn quện với nước đường sền sệt và bột nếp, cả một cối đầy màu xanh đậm đen lại ngời lên bóng nhẫy vì lớp dầu phộng xoa cho đỡ dính chày dính cối. Bánh ít là món không thể thiếu trong những ngày giỗ của từ đường. Bác Ba gái hỏi anh Quý:

- Mỏi tay chưa con? để mẹ thay cho một lát.

Nói xong bác đứng dậy nhận lấy cái chày từ tay anh Quý, từng chày nện xuống rất nhịp nhàng và dứt khoát. Bác Ba đã ngoài sáu mươi nhưng khỏe khoắn và gân guốc lắm. Người đàn bà nhà quê lam lũ làm lụng luôn tay, rất chấc phác thật thà, đừng tưởng đàn bà mà khi dễ. Bác Ba quết bánh ít dẻo dai khó ai bì kịp. Bác còn khuấy chảo bánh hồng mấy ký lô luôn, làm bánh hồng rất khó, phải khuấy liên tục, nếu không là cháy dính ở đáy nồi. Khi bột làm bánh hồng dẻo và đặc lại thì việc khuấy bánh rất nặng, không phải tay nào cũng khuấy nổi. Ngoài bánh ít, bánh hồng còn có bánh thuẫn, bánh in, bánh bò ba tai… mấy bạn dì, con cô con cậu xúm vào phụ với bác, mỗi người làm một việc, dù chẳng có chỉ huy nhưng mọi việc cứ trôi chảy tự nhiên. Bác ba gái là dâu trưởng của ông phó bộ Di, bác quán xuyến nhà cửa trong ngoài rất chu đáo, giỗ quả, tết tư đều một tay bác xếp đặt cả. Bác về làm vợ bác Đông, con trai trưởng của ông phó bộ Di, dưới bác Đông còn có chú Đức và chú Đại. Tân nghe nói thế chứ chưa bao giờ biết chú Đức, chẳng qua là thấy di ảnh ở trên bàn thờ.

 

***

Tân lon ton theo chân anh Toàn, anh Tánh lên nhà trên lau chùi khám thờ, khám làm bằng gỗ lim dựa lưng vào tường quay mặt ra sân. Khám thờ hai tầng, sáu gian, gian giữa ở trên thờ Phật, hai bên thờ gì thì Tân không biết. Gian giữa dưới thì thờ bài vị tổ tiên, bên phải thờ cha mẹ ông phó bộ, gian trái thờ ông Táo và những vị nào nữa Tân có nghe nói nhưng chẳng nhớ… Bộ lư đồng và cặp chân đèn sáng choang, hổng biết đánh bóng tự lúc nào.

 

Sáng hăm ba tháng bảy là ngày giỗ cha ông phó bộ, buổi sáng trời trong xanh, nắng vàng ươm rực rỡ trên cánh đồng làng Phước An. Bà con họ hàng đã tụ tập đông đủ ở từ đường. Dưới bếp rộn ràng làm thức ăn và nấu cỗ, đây là ngày giỗ lớn nhất của họ Nguyễn ở tổng An Huy này. Cha ông phó bộ là tộc trưởng của chi họ Nguyễn, theo lời ông phó bộ thì tổ tiên họ Nguyễn xưa vốn ở vùng Châu Hoan tức Thanh Nghệ ngày nay. Tổ mười mấy đời trước theo quân Nguyễn Huệ vào đàng trong khai hoang lập ấp. Thuở ấy cả tổng An Huy còn hoang vu lắm, cho đến tận bây giờ vẫn còn những vùng hoang hóa âm u như gò Đu, gò Sành, gò Miểng… Họ Nguyễn chiếm đa số ở đây, ngoài họ Nguyễn còn có họ Lê, họ Trần, họ Lý và vài họ người hoa như họ Tạ, họ Diệp, họ Khưu…

 

Mười giờ sáng thì mân cỗ đã bày biện xong, đèn nến sáng lung linh, hoa quả dâng cúng vừa đẹp lại trang nghiêm. Ông phó bộ Duy mặc quần kaki màu vàng nhạt, áo bốn túi kiểu áo đại cán, cài  nút tận cổ, cài cả khuy tay áo. Ông phó bộ quỳ dâng hương trước bài vị tổ tiên khấn:

- Cáo yết tổ tiên, con là Nguyễn Duy, hôm nay con cháu trong họ tụ tập về đây, trước tưởng nhớ tổ tiên sau cúng cơm cho tía. Con cháu thành tâm dâng mân cỗ cùng hương đăng hoa quả, kính mong hương linh tổ tiên về thọ thực hưởng hương. Con cháu đê đầu tạ thâm ân tổ tiên, ngưỡng mong tổ tiên phù hộ con cháu khỏe mạnh, an lạc, trường tồn.

Sau khi cắm nén hương vào bát nhang, ông phó bộ lại quỳ trước di ảnh của tía ở phía bên phải :

- Thưa tía, hôm nay con cháu và họ hàng tụ hợp về đây dự ngày kỵ của tía. Con cháu có mân cỗ dâng lên tổ tiên và tía. Kính mong tía hưởng hương thọ thực. Hương linh tía ở đất Phật có linh thiêng xin phù hộ cho con cháu phát triển trường tồn.

Ông phó bộ niêm hương và khấn vái xong lui xuống. Ông bảy Thạnh, ông chín Phi đồng lễ một lượt, cả hai ông đều mặc áo dài chữ thọ trên nền xanh đậm, đội khăn đóng màu đen. Sau hai ông là đến các bà và sau nữa là lớp con cháu vào lễ lạy trước khám thờ ông Cửu Hương, tía của ông phó bộ. Mọi người lễ lạy xong thì các cụ ngồi uống trà, các bà lăng xăng bày biện chờ tàn nén hương mới hạ cỗ nhập tiệc.

Bàn lớn giữa nhà là bàn của mấy ông, mấy bác trong họ. Bàn kế dành cho mấy chú và mấy anh trẻ hơn. Phản gỗ là mâm của các bà các cô, giữa nhà bếp trải bốn chiếc chiếu dọn mâm cho tụi con cháu. Ngày giỗ ông Cửu Hương là ngày tụ tập con cháu và họ hàng đông đủ nhất, mọi người ăn uống vui vẻ, những ai có xích mích nhau cũng tạm gác lại để về ăn giỗ với họ hàng. Ông bảy Thạnh, em ông phó bộ Duy cầm cái chén hột mít, ngửa cổ, một tay che miệng và làm cái ót; cả bèn khen ông bảy uống sành điệu, nội cái cách bưng ly và cái âm thanh uống ấy khó ai làm đẹp hơn. Người hổng biết uống thấy ông bảy uống tự dưng cũng phát thèm. Ông bảy hỏi:

- Anh sáu, vụ cái rẫy mía đất thổ sao rồi? Có điều đình được gì không?

Ông phó bộ im lặng, ông chín Phi trả lời thay:

- Vậy coi như xong rồi, điều đình gì nữa. Mình chỉ là con sâu cái kiến, nói nữa e họ khép mình tội chống phá chính quyền.

Cậu năm Định bảo:

- Tình hình chung, nào chỉ có gia tộc mình. Bà hai Nhị ở đầu ngõ có mỗi sào ruộng mà họ cũng lấy và buộc vào hợp tác xã. Nhà ông bốn Tứ có mấy công vườn cũng bị phải vào hợp tác xã… nói chung là hễ có tí đất nào cũng phải vào hợp tác hết ráo.

Rẫy mía đất thổ nhà họ Nguyễn lớn mấy mẫu, nằm sau lưng nhà từ đường vốn thuộc quyền của gia đình ông phó bộ. Người ta buộc phải vào hợp tác xã cho dù ông phó bộ có muốn hay không, cả gia tộc không muốn nhưng không thể làm khác, không thể chống lại. Người ta đã quyết rồi, đây là chính sách của chính quyền. Rẫy mía xưa nay có tiếng tăm trong vùng, mỗi mùa mía cho cả chục tấn đường, giờ cả rẫy mía và ruộng vườn đều vào hợp tác xã, thành của chung, nói khác ra thì mất trắng cả! Họ hàng nhiều người trách trã lời ra tiếng vào vụ mất rẫy mía và ruộng vườn. Ông phó bộ trước sau gì cũng im lặng không một lời phân bua, ông lặng lẽ âm thầm chăm chút phần vườn còn lại quanh từ đường mỗi khi từ thị xã trở về.

Thời Pháp thuộc, ông phó bộ làm thư ký ghi chép sổ sách cho ông xã trưởng, chức danh phó bộ bé tí teo nhưng đất lề quê thói, dân vẫn cứ ghép chức vào tên để gọi nên người đời mới gọi ông là ông phó bộ Di. Thật ra thì tên ông là Duy nhưng dân địa phương chẳng chịu uốn lưỡi, cứ nói phang ngang là Di, rồi riết ông thành tên Di, ông phó bộ Di.

 

**

Năm ấy Pháp thua trận và đình chiến, nhiều thanh niên trong tổng phải đi ra bắc tập kết, ông phó bộ Di cũng nằm trong số đó, riêng hai ông bảy Thạnh và chín Phi thì trốn ở lại; những tưởng đi hai năm thì về như người ta hứa, nào ngờ mút chỉ cà tha luôn, phải đến hai mươi mốt năm sau mới được về lại quê nhà. Ông phó bộ Di đi tập kết bỏ lại bà Tư Thiện với ba thằng con, thằng Đông thì đã có vợ, còn thằng Đức và thằng Đại thì còn đang tuổi ăn tuổi ngủ. Bà Tư Thiện khá trẻ lại có chút nhan sắc nên tụi hội tề trong ấp o ép dữ lắm. Bà khăng khăng cự tuyệt quyết tâm chờ đợi chồng, bà chờ mòn mỏi trong hai mươi mốt năm trường. Khi ông về thì bà đã luống tuổi, thằng Đức thì đã chết vì tai nạn rớt máy bay, nó vốn là phi công của quân đội quốc gia. Thằng Đại vượt biên không biết sống chết ra sao.

 

Bà Tư Thiện chờ chồng trong hai mươi mốt năm ròng, ngày ông đi tập kết ra bắc bà như chết nửa con người nhưng vẫn nuôi hy vọng. Ngày ông về thì bà chợt mừng nhưng rồi thất vọng não nề, hai mươi mốt năm chờ đợi hy vọng để rồi ngã gục như cây chuối bị một lưỡi đao bén chém phạt sát gốc. Ông phó bộ về mang theo một bà ngoài ấy cùng với mấy đứa con riêng. Ông chỉ về ghé nhà một tí rồi thôi, ông ở nhà tập thể do nhà nước cấp cho ông với bà vợ bắc. Ông phó bộ chẳng bao giờ nói về cuộc sống hai mươi mốt năm ở ngoài ấy, thỉnh thoảng có tiết lộ vài ý nhưng cũng đủ cho người tinh ý nhận biết là rất khốn khó và khổ sở.  Khi phong trào hợp tác xã nổ ra, chính quyền buộc ông phó bộ Di phải làm gương cho làng nước. Thật tình mà nói thì ông phó bộ Di có đồng ý hay không đồng ý gì cũng thế. Họ đã lấy đất, ruộng, vườn của tất cả những ai có để lập hợp tác xã, cả nước này chứ đâu mỗi ở tổng An Huy. Cũng vì việc này mà cậu năm Hưng, em bà tư Thiện thường bóng gió:

- Theo người ta mấy chục năm, giờ bị người ta lấy sạch ruộng, rẫy.

Bữa giỗ ông Hương Cửu, hai đứa con của ông phó bộ Di với bà vợ sau cũng có về dự. Họ hàng anh em trong họ đối xử tử tế như con cháu, chẳng có chút chi phân biệt cả. Duy mẹ của chúng thì không thấy về dự bao giờ, có lẽ điều ấy cũng tốt cho cả hai bên, lòng người dù sao cũng có những nỗi đau khó vượt qua. Nếu bà ấy về ăn giỗ ông Hương Cửu thì ăn nói làm sao với bà Tư Thiện đây? Liệu bà vợ bắc có hiểu nỗi đau chờ chồng trong hai mươi mốt năm trường? Hai mươi mốt năm chiến tranh, ly tán, loạn lạc bà tư Thiện vẫn âm thầm hy vọng trong nỗi tuyệt vọng; rồi còn những khác biệt về văn hóa, tư tưởng, quan điểm… có lẽ ông phó bộ không cho bà vợ sau về từ đường trong ngày giỗ ông Hương Cửu là vậy! Có đôi lần hai đứa con ướm hỏi ông phó bộ Di để mẹ chúng về từ đường lễ lạy nhưng ông thoái thác gạt đi.

Bàn cỗ mấy ông liên tục nâng ly cụng chén, tiếng nói chuyện râm ran. Ông phó bộ tuy cũng vui với anh em con cháu nhưng vẫn giữ nét lặng lẽ, nói chừng mực, ít khi nào ông nói nhiều, dường như trong ông có sự u uất mà không thể thổ lộ ra. Ông phó bộ Di ở thế kẹt, bị trói buộc một cách vô hình, nói thì đụng bên này, làm thì đụng bên kia. Có những vấn đề ông từng cho là lý tưởng và phục vụ mấy mươi năm, giờ sụp đổ tan tành như ảo mộng. Có những điều lúc trước thấy sao cao cả đẹp thế, giờ mới ngã ngửa ra toàn xạo sự, giả trá và tàn bạo quá. Trước khi về nam, ông cứ  đau lòng, tâm tư dày vò vì ở trỏng bị kềm kẹp, đói khát, lạc hậu. Nào ngờ về đến nơi mới thấy chính mình mới là kẻ bị kềm kẹp, đói khát và lạc hậu. Ông phó bộ Di thất vọng não nề, hiện thực hoàn toàn trái ngược với những gì mà người ta nhét vào đầu ông cũng như cấy vào óc người dân ngoài ấy trong hai mươi mốt năm nay. Người ta đút vào tai ông, tọng vào miệng ông, ghép vào não ông những lời gì cần phải nói. Ông và mọi người ngoài ấy chỉ có thể nói những gì được cho phép, nghe những gì đã được duyệt qua, xem những gì người ta cho xem. Ông và mọi người cứ sờ soạng mà dắt díu nhau đi. Khi ông về thấy nhà cửa khang trang, mặc dù vợ đơn thân nhưng vẫn chu đáo gọn gàng, họ hàng khá giả, láng giềng sung túc, ti vi, xe máy, sách báo khắp mọi nơi. Nhìn rộng ra nữa thì cả miền nam trù phú, giàu có, văn hóa văn nghệ vô cùng rực rỡ. Ông đã hoa cả mắt khi nhìn thấy phố xá, khách sạn, hiệu buôn, nhà sách, sạp báo… khi về lại miền nam! Có nằm mơ ông cũng không thể nào tưởng tượng nổi như thế này, hồi mà còn ở ngoài ấy. Ông run run cầm những tờ tạp chí, sách báo trên tay mà không tin ở mắt mình, chao ôi cả một rừng sách báo! Ông đã từng đem cái sự thật này kể cho vài đồng nghiệp ngoài ấy và bị bọn họ cho là ông nói điêu, làm gì có chuyện ấy! Bọn họ còn mắng ông: ” lão gàn, lão mới về nam mà đã ăn phải bã của bọn đế quốc nảy sinh tư tưởng hữu khuynh”. Kể từ đận ấy, ông im lặng, chẳng bao giờ nói lại chuyện này lần nào nữa. Ông chín Phi đọc được chút ít tâm sự của ông nhưng không thể nào biết hết những gì đang diễn ra trong tâm tư ông. Ông chín Phi thương anh, vừa trách vừa an ủi:

- Anh theo họ mấy chục năm mà giờ chẳng được gì, thật ra thì thân phận người dân như con sâu cái kiến, thời cuộc đẩy đưa trôi dạt chứ làm sao quyết định được đời mình. Năm ấy anh đi rồi, ở nhà cũng khổ sở lắm. Bọn hội tề làm khó o ép trăm điều, nhà có người đi tập kết bị ghi sổ đen, bị theo dõi nghiêm ngặt, bị làm tình làm tội nghiệt ngã lắm. Rồi năm pháp nạn xảy ra vô cùng kinh hoàng và đầy máu lửa. Quê mình là vùng xôi đậu, ngày quốc gia đêm Việt Cộng. Em vừa trốn quân dịch lại phải trốn cả mộ quân của Việt Cộng. Dân vùng xôi đậu kẹt giữa hai làn đạn, đêm đêm em và anh năm Hưng, Bảy Thạnh, tám Bửu phải vào thị trấn ngủ nhờ ở nhà cô Mười. Những năm ấy, đàn ông không ai dám ngủ ở nhà, nửa đêm bọn họ tới bịt mắt dắt đi là coi như tiêu, còn những nhà giàu mà bọn họ đến đòi đóng thuế nuôi quân, nếu đóng ít hay từ chối thì cũng kể như đi mò tôm.

Cô Mười đang ngồi ở phản gỗ với các bà, nghe ông chín Phi nói thế bèn nói với lên:

- Thôi anh chín ơi! Đứng nhắc chuyện cũ nữa, cái gì qua thì cho qua luôn đi, nhắc lại hổng được gì, nhiều khi còn sanh rắc rối bên này bên kia.

Bà Tư Ù bưng ly trà đá quất một hơi cạn nửa ly, thủng thẳng nói:

- Hồi nẳm uống cô ca đã đời luôn, ăn đồ hộp Mỹ ngon bá cháy, con nít thì uống toàn sữa guigoz của Đại Hàn nên mập úc núc, trắng phỉu dễ thương gì đâu á! Giờ thèm một miếng cũng hổng có.

Bà tư Thiện nhỏ nhẹ:

- Thôi chị ơi! Thời thế giờ khác rồi, nhắc lại chi thêm rầu.

Ông sáu Thạnh ở bàn trên nói:

- Chú chín Phi nói làm tui nhớ, hồi ấy mỗi mùa mía làm ra cả chục tấn đường. Ông bá hộ Thì thầu hết, ổng là vựa đường lớn nhất vùng này. Ổng giới thiệu anh em mình ngủ nhờ suốt mấy năm trời ở nhà cô Mười, em ổng trong thị trấn. Tánh cô Mười rộng rãi, hào sảng, đàn bà nhưng tánh tình rất phóng khoáng và đầy bản lãnh.

Ông năm Hưng móm mém trệu trạo gặm cục gân gà, cục gân coi bộ ngon vậy nhưng khó nhá, nhả ra cũng kỳ, nuốt vô cũng không xong. Ông thò tay túi quần rút khăn mù xoa làm bộ lau miệng vuốt râu nhưng thực tình thì tém cục xương trong khăn, đoạn đưa xuống gầm bàn giũ ra. Việc tưởng không ai hay biết, tuy nhiên không qua được mắt ông phó bộ Di, ông ấy cười nhẹ, nói khẽ:

- Chú lịch lãm và điệu đà, người mình trong này có khác.

Chú tư Cần, một người láng giềng thân thuộc, lúc trước có đi lính quốc gia một thời gian ngắn, sau bị thương nên giải ngũ sớm. Chú ấy khen:

- Anh năm Hưng lên Sài Gòn ăn học, trốn quân dịch, ảnh cũng là một tay ăn chơi lịch lãm có tiếng. Hồi thằng Đức làm phi công ở Tân Sơn Nhất, hai bác cháu nó nổi tiếng đẹp trai ăn chơi mát trời ông địa luôn. Ca ve vũ trường quen mặt hết ráo.

Nhắc đến thằng Đức, ông phó bộ Di thoáng trầm ngâm, nỗi đau ngầm trong lòng ông khó có ai biết được, chỉ những người sâu sắc nước đời mới có thể nắm bắt phần nào. Ngày ông đi tập kết, thằng Đức mới chín tuổi và thằng Đại mới bảy tuổi. Thằng Đức học giỏi và được tuyển làm phi công, nó thực hiện được ước mơ bay bổng trên bầu trời. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt, những chuyến bay đầy nguy hiểm vì đạn pháo, những chuyến bay đổ quân hay tải thương gặp muôn vàn khó khăn chứ không phải những chuyến bay của giấc mộng tuổi thơ. Một lần tham gia bay tải thương từ chiến trường, chiếc máy bay gặp nạn, thằng Đức lẫn những thương binh trên máy bay đều trở thành tử sĩ cả. Bà tư Thiện hay tin vật vã chết đi sống lại mấy lần, nhiều lúc bà muốn liều chết theo con nhưng bản năng sinh tồn đã giữ bà lại. Bà phải sống, bà còn thằng Đại và còn phải gặp lại ông phó bộ Di, mặc dù cái hy vọng mong manh mờ mịt ấy chẳng biết đến bao giờ mới có thể thành hiện thực. Thi thể phi công Đức được đưa về An Huy để an táng. Họ hàng chọn một mảnh đất thổ mộ bên cạnh rẫy mía vốn đã có nhiều mộ phần của gia tộc ông phó bộ Di. Ngày di quan ra huyệt mộ, quan tài phi công Đức lại bị đứt dây rớt ở gần gò Đu. Bà tư Thiện và nhiều người tin là vong linh Đức chọn chỗ này, nên cuối cùng chôn Đức ở đó. Dân địa phương cứ bàn tán hoài, vì tên Đức nên đứt bóng hai lần, lần đầu rớt máy bay, lần sau rớt khỏi đòn khiêng quan tài. Cũng may là nơi rớt quan tài cũng gần với mả tổ nhà họ Nguyễn. Ngày ông phó bộ Di đi tập kết, thằng Đức chín tuổi, ngày ông về nó chỉ còn di ảnh trên bàn thờ. Họ hàng ai cũng trầm trồ khen thằng Đức giống ông phó bộ Di như đúc, mắt, mũi, miệng… cứ như từ một khuôn sáp. Ông phó bộ Di đứng lặng người hàng tiếng đồng hồ trước di ảnh của thằng Đức.

Trò đời trớ trêu như đùa, như bỡn cợt con người ta, cha con máu mủ ruột rà vậy mà bày ra kẻ bên này người bên kia, dù oái oăm như vậy nhưng cũng còn may phước. Thằng Đức không phải lái máy bay chiến đấu nên không phải bỏ bom lên phần phía ba của nó và ông phó bộ Di cũng không phải là lính phòng không nên cũng không phải chỉa cao xạ lên để bắn vào con mình. Âm đức là cái gì khó biết, không thể thấy hay cảm nhận ấy vậy mà nó vận hành âm thầm thật không sao lường được. Ông phó bộ Di ra thăm mộ thằng Đức, ông ngồi bất động bên mộ nó. Làng nước láng giềng có kẻ thắc mắc:

- Ông ấy ngồi bên mộ thằng Đức âu sầu đau khổ, giả sử thằng Đức còn sống và phải đi tù thì ông ấy sẽ như thế nào?

Thằng Đức dù đã về với tổ tiên nhưng phần mộ nó còn đây, xác thân nó hòa với đất mẹ nhưng còn biết rõ ràng nơi nó an nghỉ. Riêng thàng Đại thì bặt tăm, ông phó bộ Di về nam được ba năm thì thằng Đại vượt biên. Nghe phong thanh nó ra cửa Nhơn Lý và đi cùng với một nhóm người trên một ghe đánh cá. Sau đó thì không còn ai biết tin tức gì nữa. Người thì bảo ghe đó bị chìm vì gặp bão biển, cũng có kẻ thì nói ghe gặp hải tặc Thái Lan nên bị giết toàn bộ. Bà tư Thiện không còn nước mắt khóc con, bà khóc hai mươi mốt năm rồi, giờ lệ đã cạn nhưng nỗi đau của bà thì như nước biển, chẳng thể nào vơi. Bà hận ông, bà nhớ con đời bà sao toàn những bất hạnh sầu thảm, lẽ ra bà phải được sống hạnh phúc bên chồng con. Bà lên chùa Khánh Lâm quỳ gối trước tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm hàng giờ mà chẳng nói một lời, có lời nào, ngôn ngữ nào đủ để tỏ nỗi lòng của bà? Mỗi chiều bà lại đem hương ra mộ đốt cho thằng Đức, đã bao nhiêu năm rồi nhưng bà vẫn làm thế. Sở dĩ bà không lập ảnh thờ thằng Đại là vì vẫn hy vọng nó còn sống, có thể nó lưu lạc chân trời góc bể nào đó và chỉ mất liên lạc mà thôi! Họ hàng có người trách móc bà sao không nhờ ông phó bộ Di tìm cho nó một chân trong chính quyền, nhiều ông đi tập kết về đều xin cho con cháu làm cán bộ cả mà. Bà chẳng thanh minh thanh nga chi cả. Thằng Đại có gặp ông phó bộ Di vài bận nhưng sau đó nó cũng cảm thấy có một khoảng cách vô hình nào đó, rồi nó rủ rỉ với bà tư Thiện về chuyện vượt biên. Bà khóc mấy đêm liền nhưng không ngăn cản nó, dường như bà cũng đồng tình với cái ý nghĩ vượt biên của thằng Đại, tuy nhiên bà mơ hồ nhận ra một cái nguy cơ mất con, lòng bà lại một lần nữa giằng xé dữ dội. Bà không biết ăn nói làm sao hay phải làm việc gì, mãi cho đến khi có tin báo thằng Đại đã xuống tàu thì bà như đổ sụm xuống. Thằng Đại đi vượt biên mà ông phó bộ Di hoàn toàn không biết, mãi sau này tin đồn rộ lên và trong họ có người báo cho ông, lúc này thì đã muộn.

Ông phó bộ Di thi thoảng mới về thăm mộ thằng Đức, ông vẫn tìm mọi cách, liên lạc với những người quen làm ở biên phòng hoặc bên ngoại giao để tìm tin tức thằng Đại nhưng bặt vô âm tín. Ai bảo đàn ông không biết khóc, người trong họ và cả người làng đã từng thấy ông khóc bên mộ thằng Đức nhưng vội vàng gạt lệ và làm mặt lạnh khi nhác thấy bóng người. Ông cứ xoa xoa tấm bia và vỗ về ngôi mộ xi măng cứ như là vỗ về con người bằng xương thịt. Ông phó bộ Di ở ngoài ấy hai mươi mốt năm, cái tư duy và nhìn nhận của ông khá giống người bắc, năm đầu mới về ông cự tuyệt chuyện cúng bái và chống báng thánh thần dữ lắm. Ông thay đổi nhiều trong mấy năm sau này, nhất là từ ngày thằng Đại vượt biên và mất tích. Họ hàng có không ít lời nói ra nói vào: ” phải mất sinh mạng con mới thay đổi được cách nhìn”.

Ngày ông phó bộ Di trở về nam, người ta chia cho ông một tòa biệt thự ở trong thị xã nhưng ông không nhận. Bản chất thật thà và tính liêm khiết của ông rất cao, ông không giống như những người đồng chí của ông. Ông chỉ nhận một căn phòng của khu tập thể mà thôi. Nhiều người bảo ông sao không xin cho thằng Đại một chân gì đó trong chính quyền, ông gạt phắt đi. Bạn ông, ông hai Thảnh cùng đi tập kết có dẫn theo thằng con lớn, giờ nó làm giám đốc sở văn hóa, thằng kế làm giám đốc công ty cao su… Họ hàng trách ông phó bộ Di không thương con, quá lý tưởng hóa những giáo điều mà người ta nhồi nhét trong đầu ông. Có lần ông tâm sự với bảy Thạnh:

- Hồi đi tập kết, thằng Đức và thằng Đại còn nhỏ quá nên không thể dắt theo, bởi vậy hai mốt năm ở ngoài ấy dằn vặt và hối hận vì điều này. Giờ về lại thì mới biết vậy mà hay, may là không dắt theo con ra bắc. Đất nước hòa bình rồi, hết chiến tranh, vậy mà thằng Đức thì vĩnh viễn ra đi, thằng Đại thì chẳng còn tông tích. Chú nghĩ thử tôi phải sống như thế nào đây?

- Anh phải biết! tui hổng dám can dự hay nói bất cứ lời gì. Thời thế nó thế, mình cứ như những con cờ trên bàn cờ, cứ mỗi nước đi sai của người chơi thì số phận những con cờ cũng tàn theo cuộc cờ ấy.

 

***

 

Giỗ ông Hương Cửu là giỗ lớn của họ Nguyễn ở tổng An Huy, không chỉ họ hàng con cháu mà có cả những chức sắc trong làng cũng đến dự, nhiều vị cũng có dây mơ rễ má họ hàng với lông phó bộ Di. Những người bên họ bà tư Thiện vốn thông gia với nhà ông phó bộ Di thì cũng chẳng ai xa lạ, đều họ hàng gần xa chia nhánh lâu đời. Bà con trong tổng An Huy vốn là họ hàng từ thuở xa xưa vào đây khai hoang lập ấp. Bởi vậy giỗ ông Hương Cửu như thể một buổi cúng đình nho nhỏ vậy.

Ăn giỗ xong, cậu Đôn và cô Viên con của bà vợ bắc lên trước bàn thờ bái yết ông bà lần nữa trước khi ra về. Cô Viên nhìn di ảnh của Đức trên bàn thờ bảo:

- Anh ba giống bố như đúc.

Cậu Đôn thì nói:

- Bố với ông nội cũng y hệt như hai giọt nước.

 

 

Ất Lăng thành, 01/22

 

Tiểu Lục Thần Phong
Số lần đọc: 449
Ngày đăng: 18.08.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Triền dốc lãng quên - Đỗ Nguyễn
Hai thằng nó và tôi - Vinh Anh
Nhà mình - Bùi Thanh Xuân
Vài chuyện nhỏ đầu tuần - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Tuổi thơ tôi, ở miền quê ngoại… - Nguyễn Vĩnh Căn
Hang người - Nguyễn Thỵ
Cữ sáng... - Phạm Nga
Trò đùa số phận - Nguyễn Vĩnh Căn
Cô và những mối tình ảo - Trần Hạ Vi
Nàng và những câu chuyện - Trần Hạ Vi
Cùng một tác giả
Dòng đời (truyện ngắn)
Ngày lễ cha (truyện ngắn)
Cừu (truyện ngắn)
Nhà ông Huie (truyện ngắn)
Thằng Mauricio (truyện ngắn)
Nhập dòng chính (truyện ngắn)
Dịch ngôn (truyện ngắn)
Bỏ đi Tám (truyện ngắn)
Gã khờ (truyện ngắn)
Lão tạ (truyện ngắn)
Con Leslie (truyện ngắn)
Bà Deborah (truyện ngắn)
Chơi chứng khoán (truyện ngắn)
Chuyện họ nhà xe (truyện ngắn)
Đổi thay (truyện ngắn)
Tác phẩm để đời (truyện ngắn)
Hồn dâu bể (tạp văn)
Cừu (truyện ngắn)
Họ nhà nến (truyện ngắn)
Mồ chôn tình yêu (truyện ngắn)
Ta đi (thơ)
Bán sách (truyện ngắn)
Rocky (truyện ngắn)
Mai tết (truyện ngắn)
Con nhỏ khờ dễ sợ (truyện ngắn)
Ngày lễ mẹ (tạp văn)
Bộ ba (truyện ngắn)
Công án tân thời (truyện ngắn)
(truyện ngắn)
Cô Mười (truyện ngắn)
Ma mỹ (truyện ngắn)