Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.202.396
 
Tình hình Huế, Quảng Trị gần 200 năm trước, qua hồi ký của một văn nhân Trung Quốc.
Hồ Bạch Thảo

 

“Vào ngày 30 tháng chạp [16/2/1836] (1) đến thành Phú Xuân [Huế] (tục gọi là thành Thuận Hóa). Thành xây bằng gạch, hết sức kiên cố, cao hơn 1 trượng [1 trượng=3.2 mét], chu vi khoảng 4,5 dặm [1 dặm=0.576 km.] (2); xây 8 cửa, thành lầu hẹp nhỏ. Trên thành, khoảng hơn 200 bước đặt 5 cỗ đại pháo nối liền nhau, các khẩu pháo đều che bởi pháo đình, trông như bầy chim vung cánh. Ngoài thành có hào (hào sâu nước không bao giờ cạn); ngoài hào lại có sông [sông Hương] (sông rộng và sâu, phía trong thông với các sông khác, phía ngoài chảy ra biển. Phàm chiến hạm, thuyền lớn nhỏ các màu đều đậu ven bờ sông, mui thuyền bằng lá. Bốn phía thành, thị tứ rất hoa lệ, hàng hóa phong phú, dân chúng đông đúc, nhà cửa chỉnh tề. Tôi đến thành vào buổi trưa, viên Cai đội (Cai đội là quan danh tương đương với Thiên tổng) dẫn đến thành, gặp quan Phủ doãn [Kinh đô trưởng] Nguyễn Thạc Phủ, quan Phủ thừa Lê Tiếu Hạ. Quan họ Nguyễn gặp tôi rồi lui, riêng quan họ Lê có tài hùng biện, trao cho giấy tờ với thơ và phú, múa bút bình luận, đến quên ngày giờ. Trời sắp tối, tôi từ giả, đi sang phố mới (tại bờ sông phía bắc thành) trú tại nhà người thân họ Trần (người đất Tấn giang) [Tấn Giang thị, Phúc Kiến]. Hôm đó là đêm Trừ Tịch [ba mươi tết, 16/2/1836], nhà nhà thay đối liễn, đốt pháo, tống cựu nghênh tân giống như Trung Quốc; xa nhà nhớ người thân, tôi và em suốt đêm nhỏ nước mắt, không ngủ được.

Hôm sau là ngày mồng một tháng giêng năm Bính Thân, Đạo Quang thứ 16 [17/2/1836] ( Việt Nam là năm Minh Mệnh thứ 17); lễ tết bắt đầu, hân hoan chúc mừng may mắn, mọi đường trong phố thị, ca múa tưng bừng, niềm vui tràn trề. Tôi mang bài văn khánh chúc, cùng với Hồng Lương (người Hạ Môn) [Phúc Kiến] đến dinh Phủ Doãn chúc năm mới và xin giới thiệu đến mừng Quốc vương. Gặp lúc quan Đông các đại học sĩ Quan Nhân Phủ, Lang trung bộ Hộ Nguyễn Nhược Thủy đều tại dinh; cùng đem bài văn ra bình phẩm khen lao. Ông họ Quan bút đàm cho biết:

Nước tôi có lệ ngày Nguyên Đán lúc gà vừa gáy sáng, các quan văn võ vào cung mừng Vua, được ban vàng rồi ra về. Sau đó lập tức đóng cửa cung, đợi chiếu chỉ cho mở cửa, mới được ra vào. Nay ông muốn làm lễ tại nước tôi, xin đợi khi mở cửa, sẽ dẫn vào; e rằng Vua chúng tôi sẽ giữ ông lại, chờ thuận tiện thuyền thì đưa về, lúc đó không thể khước từ được. Nếu không làm như vậy, thì cứ theo lệnh cũ, lấy giấy thông hành từ quan tỉnh, đợi đến ngày mồng bảy [23/2/1836] lúc mở kho, lãnh lương khởi hành;rồi lưu văn chương tại tòa Phủ Doãn, sẽ giúp ông đạt lên chúc mừng Vua.”

Ý tôi quyết muốn về, bèn từ giả các quan lớn, rồi du lịch khắp trong thành. Cung điện Vương tại góc đông nam, đối mặt với núi Ấn Sơn [Ngự Bình ?] (núi hình như quả ấn, tại ngoài thành, phía trên có núi sông, đàn xã tắc); qui mô tráng lệ, lầu, gác, đình, đài, đều là những công trình cực kỳ tinh xảo, phía trên điện trang trí bình hồ lô [trái bầu] vàng, đẹp chóa mắt. Trước cung có cửa Ngọ Môn, giữa đường trước cửa Ngọ Môn dựng một lá cờ lớn. Bên trái và phải cung là doanh trại, thân quân bảo vệ, khí giới chỉnh túc. Xế bắc là phủ của Tả, Hữu tướng quân; chứa 16 gian đại pháo, thuốc súng. Phía ngoài chu vi tường, đào hào sâu, rộng hơn một trượng; ngoài hào lại có 2 vòng rào ngăn, cấm người vô sự không được gần. Lại xây lầu Minh Viễn, tại một cung riêng, song cửa, hàng hiên sáng sủa, phòng ốc huy hoàng, đây là nơi dùng để chiêu đãi. Phía tây Vương cung, là các cung  cho các con Vương và  thân thuộc; lại phía tây là nha môn của các quan lớn trong nội. Gần phía đông bắc là kho tàng, gạo lương thực chất đầy, có thể dùng đến hàng chục năm. Ngoài ra là dinh của các quan văn võ, doanh lính phòng thủ, doanh viện, chùa miếu, nhưng ít nhà dân.

Ngày mồng 2 [18/2/1836] đến dinh Phủ Doãn dự yến; những người nghe tin tôi là nhân sĩ Trung Quốc, nên đến dự gần chật phòng, vì đông nên không biết rõ địa vị cao thấp.

Ngày mồng 7 [23/2/1836], làm thơ từ biệt các quan Đông các, Phủ doãn, rồi mướn thuyền đến Nghênh Hạ (tên đất) [Đông Hà, Quảng Trị]; quan Phủ thừa họ Lê tiễn ra khỏi thành, lệnh lính hộ tống đi đường bộ đến đợi ở tỉnh Quảng Trị trước, người thân họ Trần đem cả gia đình đến sông đưa tiễn. Đi trên sông 2 ngày [từ sông Hương, qua phá Tam Giang, đến sông Ô Lâu Quảng Trị], mây mù giăng mắc, 4 phía núi tuy ban ngày nhưng trời tối, cửa mui thuyền ẩm ướt, qua chốn lau lách nước chảy sột soạt, thủy triều mới dâng lên khoảng 2,3 thước [1 thước=0.32 mét].

Đến bình minh ngày mồng 10 [26/2/1836] đến Quảng Trị (từ Huế đến nơi này, đường thủy 120 dặm) [1 dặm=0.576 km.]. Ghé thuyền vào bến đò khúc khuỷu, nên phải nhờ người chèo thuyền giúp lên bờ; đi khoảng 2, 3 dặm đến tỉnh thành Quảng Trị, viên Cai đội đã đến trước đứng đợi tại cửa thành. Mưa bắt đầu, nên phải gọi gấp viên thư lại dẫn đến gặp quan Tuần phủ họ Hà ( quan kiêm quản tỉnh Quảng Bình nên gọi là Tuần phủ Trị Bình, tên là Đăng Khoa) (3). Bấy giờ viên quan đang mặc áo ngắn nghỉ ngơi, thấy khách tới phải vội vàng thay y phục; nên giận viên thư lại, đánh 20 roi. Tôi vội đưa thư:

“Khi tôi đến anh ta không thất lễ, sao lại trừng phạt nhục nhã thế?”

Hà công dịu mặt từ tạ rằng:

“Hắn ta không thông báo trước, khiến lão phu thảng thốt không kịp làm lễ; nhất thời đường đột, xin tha lỗi!.”

Rồi mời vịnh thơ tức cảnh, công xem thơ rất vui, mời lưu lại, nhưng không nhận. Tôi đốc thúc công soạn văn thư giới thiệu xuất quan ải, hoán đổi hộ tống, lệnh họ đến đợi trước tại Nghênh Hạ. Tôi cáo từ, phu thuyền cõng tôi đội mưa đi xuống thuyền. Ngày hôm sau [27/2/1836] lên bờ (từ tỉnh thành Quảng Trị tới nơi này đường thủy 40 dặm) [0.576 km . 40 = 23.04 km.] trú tại Nghênh Hạ [Đông Hà, Quảng Trị] (4), rồi mướn phu võng để ngày hôm sau đi tiếp.

 

 

 

Chú thích:

1.Chữ trong ngoặc [] là của người dịch; chữ trong ngoặc () của tác giả.

2.Tác giả ước tính sai; thực sự thành chu vi gần 10 km, cao 6.6 mét.

3. Đại Nam Thực Lục [ĐNTL], Hà Nội: NXB Giáo Dục, tập 4, trang 875, xác nhận vào tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 17 [17/3-15/4/1836] Hà Đăng Khoa làm Án sát tỉnh Quảng Trị.

4.Nghênh Hạ: xét vị trí cách tỉnh thành Quảng Trị 23 km đường sông, có thể là Đông Hà, Quảng Trị.

 

 

 

 

 

 

 

Hồ Bạch Thảo
Số lần đọc: 456
Ngày đăng: 22.08.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đích thực cho một tác phẩm - Võ Công Liêm
Tình hình Quảng Nam, Đà Nẵng gần 200 năm trước, qua hồi ký của một văn nhân Trung Quốc. - Hồ Bạch Thảo
Tình hình tỉnh Quảng Ngãi gần 200 năm trước, qua hồi ký của một văn nhân Trung Quốc. - Hồ Bạch Thảo
Cái nắng cái mưa và những cuộc rong chơi của bé - Hoàng Xuân
Đọc Kiều: Thương “khách viễn phương” - Ninh Giang Thu Cúc
“Hoài thu”, ban nhạc được cảm tác từ tùy bút “Cảm thu” - La Thụy
100. Vua Lê Thánh Tông. 6 - Hồ Bạch Thảo
Phật tính trong cây dâu tằm - Nguyễn Anh Tuấn
Theo Đoàn Quân – Cố quận ta về - Hoàng Dục
Bang giao giữa chính quyền Đàng Trong với Nhật Bản thế kỷ XVI-XVII qua các bức quốc thư - Nguyễn Hoàn
Cùng một tác giả
Biển Giao Chỉ (lịch sử)
109. Vua Lê Uy Mục. (tiểu luận)