Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.218.116
 
Những thầy cô giáo không ngạch bậc
Nguyễn Quốc Lãnh

 

Cuộc di cư của 350 hộ dân 7 xã Thủy Xuân, Thủy Biều, Thủy Trường, Thủy Phước, Thủy Lương, Thủy Phù, Thủy Châu huyện Hương Thủy đến với A Sầu vào tháng 7 năm 1975 được chia thành 2 đợt.

Đầu tiên là các chủ hộ và lao động chính xuất phát vào các ngày 10, 15 tháng 7. Nơi họ đến là nơi mà Tiểu đoàn xe tăng 408 trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu Trị-Thiên (B4) vừa mới rời Hậu cứ 108 hành quân về Huế theo đường 73 gần 4 tháng trước, 19-03-1975. Những bước chân đầu tiên của họ dẵm trên nền đất còn tươi nguyên lằn xích xe tăng … Ngày mỗi ngày trôi qua, thấp thoáng trong làn sương sớm, một hai rồi nhiều căn nhà được mọc lên. Mái tranh phên lách cột cây rừng. Đến cuối năm Ất Mão thì cơ bản hoàn tất. Đúng ngày Mùng Sáu Tết Bính Thìn, (05-02-1976) toàn bộ các gia đình đoàn tụ.

Cuộc sống mới bắt đầu.

Canh cánh bên lòng là nỗi lo cơm áo. Trằn trọc giấc khuya là chuyện học hành của con cái mình. Năm học 1974-1975 đã dang dở. Nguy cơ năm học này cũng dở dang. Thôn tổ nào cũng có hội trường có thể dùng tạm làm phòng học. Mảnh đất đẹp nhất, bằng phẳng nhất bên bờ A Sáp là nơi trường học được dựng lên. Các cháu cũng đã nôn nao háo hức mong được đi học sau hơn 1 năm gián đoạn… Phòng học, lớp học dẫu tranh tre nứa lá nhưng tạm đủ. Ai đứng lớp mới là vấn đề. Liệu có thầy cô nào dám rời bỏ ánh điện phố phường đến dạy học tại một nơi chưa đủ đèn dầu thắp sáng…

 

Tin vui từ trên bắn về. Có một đoàn thầy cô giáo, đa phần là trẻ, hơn 80 người được điều động lên 3 quận miền núi công tác. Riêng đoàn đi A Sầu, sau khi chia tay thầy Phó Ty Giáo dục Nguyễn Đình Ngộ tại Bat Tôn (cách Huế gần 30 km, Bình Điền ngày nay), đang đi bộ lên theo đường 12. Đáng lẽ đi sớm hơn nhưng vướng trận lụt tháng 9 nên mãi giữa tháng 10-1975 mới xuất phát. Hành trang của họ giống như các tân binh ra trận mấy năm trước. Cũng dép Bình Trị Thiên cũng mũ tai bèo. Có khác chăng là ba lô trĩu nặng sách vở và những tài liệu tối cần thiết của người thầy trên vùng đất còn khét lẹt mùi khói lửa đạn bom… Biết vậy nhưng nào đâu đã hết nỗi lo. Toàn vùng A Sầu, A Lưới có đến hàng chục xã cũng tức là hàng chục trường. Chỉ bấy nhiêu thầy cô giáo thì biết chia vào đâu. Chỉ có  thầy Phạm Thanh Châu và Hoàng Văn Giáp đến với xã nhà. Thiếu! Vẫn thiếu người.

 

Không thể chần chừ nữa. Phải tự cứu mình. Nào! Ai đã từng là giáo viên? Đã từng thỉnh giảng? Là công chức? Có ai không? Có! Từng thỉnh giảng nhưng vốn là ngụy quân. Công chức đồng thời là ngụy quyền… Số còn lại thì không ít người cố tình dấu thân phận mình. Vậy thì những Tú Tài Bán, Tú Tài Toàn đâu hết rồi? Kể cả Đệ Tam nữa. Ngày mai khỏi đi lao động sản xuất, chuẩn bị tinh thần nhận lớp khai trường.

Năm học đầu tiên trên vùng đất mới của người dân xã Hương Phong diễn ra như thế đó. Bắt đầu vào khoảng cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 1976. Phần lớn học sinh được học lại lớp mình đang học của năm học 1974-1975. Thầy Châu, thầy Giáp ngoài công tác quản lý tổ chức sắp xếp lớp còn phải soạn chương trình, trao đổi nghiệp vụ với những đồng nghiệp mới. Thầy Ký (thôn Hương Thịnh) dạy lớp 5, thầy Hoan (Hương Thịnh) dạy lớp 4, thầy An dạy lớp 3. Cô Trúc (Hương Phú) về dạy lớp 1 của thôn Hương Hòa. Cô Linh dạy lớp 2 tại thôn nhà Hương Cường… Và nhiều thầy cô khác nữa. Ngoài các lớp học tại trung tâm xã, các tổ, các thôn còn lại đều tổ chức được lớp học. Các lớp mẫu giáo cũng được mở ra. Thầy cô giáo không ai khác là các chị các anh thân quen của mình…

 

Ngày tháng cứ thế trôi. Năm học 1975-1976 của chúng tôi êm đềm khép lại. Chúng tôi lại ngày ngày dầm mình bên dòng Pa Re, dòng Cân Te để câu tôm bắt cá…. Sau khi thành lập huyện và ổn định các phòng ban, hàng loạt thầy cô giáo từ miền xuôi được gấp rút điều động lên vùng cao, đã lấp đầy những chỗ trống phát sinh trong ngày đầu gian khó.

Các thầy cô người địa phương trở lại cuộc sống đời thường của mình. Cũng cày, cũng cuốc, cũng phát nương làm rẫy và cũng thiếu đói như bao gia đình khác trong xã nhà. Công cuộc mưu sinh ngày càng khốn khó vậy là hàng loạt gia đình âm thầm lặng lẽ ra đi. Thầy An, cô Linh hiện sống ở Cẩm Mỹ Đồng Nai. Không có tin tức gì về thầy Ký, còn cô Trúc hình như ở Lâm Đồng. Thầy Hoan vẫn bám trụ tại xã Hương Phong cho đến nay. Liên tiếp trong các năm 1979-1989, thầy giữ chức vụ Ủy viên, một trong ba chức danh chủ chốt bên cạnh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã. Và nhiệm kì 1989-1994, thầy giữ chức Chủ tịch UBND xã.

 

… “Ai qua vùng giải phóng ghé thăm ngôi trường em. Đây ngôi trường em lớn với bao kỷ niệm yêu”. Từ đâu đó vọng đến lời bài hát một thời chúng tôi thường cất lên trước hoặc sau giờ học. Lứa học sinh đầu tiên là chúng tôi thuở ấy giờ đã bạc tóc. Phần lớn đã hưu hoặc ngấp nghé hưu. Có ai nhớ không về một mái tranh bên dòng A Sáp nơi ngày ngày chúng ta học tập nô đùa và những người thầy người cô đầu tiên trên vùng đất mới của 48 năm trước…

 

Ảnh thầy Nguyễn Hoan hiện nay.

 

 

 

Nguyễn Quốc Lãnh
Số lần đọc: 545
Ngày đăng: 13.09.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dọc đường văn nghệ (Phần 89) Nguyễn Thị Ánh Huỳnh với khung trời thi ca rất riêng - Trần Dzạ Lữ
Một chuyến hành hương núi Thị Vải - Phan Anh
Dọc đường văn nghệ (Phần 90) Phương Tấn – người khéo tận dụng thời gian cho thi ca - Trần Dzạ Lữ
Pompei, hình ảnh sống trên một thành phố chết - Trương Văn Dân
Tưởng như bâng quơ... - Nguyễn Quốc Lãnh
Ký ức củ mài - Hoàng Xuân
Phú Quốc, âm vang và hào khí phố biển - Nhiều Tác Giả
Cô Hai Sâm - Hoàng Thị Bích Hà
20 năm – nghe thầy kể chuyện trường xưa - Bùi Hoàng Linh
Tản mạn cùng Cô Tô - Phan Anh