Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.168
123.203.591
 
Hình bóng Hemingway ở Paris (Kỳ 3)
Phan Tấn Uẩn

 

 

***

Khi Hadley và Hemingway trở lại sau chuyến đi chơi xa, trời Paris lạnh  và đáng yêu. Các quán cà phê mở cửa với sân hiên có lò sưởi , đường phố tuyệt đẹp.

 

Lò sưởi trên sân hiên quán cà phê

 

Bức tranh toàn cảnh Paris nhìn từ căn hộ của Hemingway

                                                                                                                                                                                                                                     Căn hộ của Hemingway lúc nầy   là  nơi làm việc ấm áp và dễ chịu. Do lạnh và đam mê công việc, Hemingway luôn cảm thấy đói, ông mua quýt và hạt dẻ nướng làm thức ăn nhẹ. Khi cố gắng hoàn thành một câu chuyện, ông uống kirsch (rượu mạnh trái cây). Và khi khởi thảo một câu chuyện mới mà gặp khó khăn, ông  quăng vỏ quýt vào lửa, hoặc đứng nhìn ra  khoảng trời Paris và tự nhủ : trước đây ta đã vượt qua được những trở ngại, bây giờ việc cần làm là “viết ngay  một câu đúng sự thật” .Ông lập luận rằng miễn viết được một câu chân thật , thì sẽ dễ dàng viết tiếp. Sau đó, ông quyết định viết một truyện ngắn nói về những gì mình biết rõ chi tiết, và xem đây không khác gì một thứ kỷ luật cần thiết.

  Ngay cả khi không viết, bất cứ câu chuyện nào định viết cũng ở trong tâm trí Hemingway , đó là chất liệu để dành cho lần viết tiếp. Ông hy vọng sẽ lắng nghe, học hỏi và cảm nhận được mọi thứ về thế giới xung quanh .


 

 

Vườn Luxembourg

 

Vườn Luxembourg là một khu vườn xinh xắn ở Quận 6, Paris, nơi Hemingway thường đi dạo, đặc biệt là “những ngày đầu chúng tôi rất nghèo nhưng rất hạnh phúc”, cũng là nơi nhà văn nghĩ về việc khởi thảo tác phẩm Mặt Trời Vẫn Mọc. Vườn Luxembourg luôn là một góc lãng mạn của Paris, nơi người ta có thể thoát khỏi tiếng ồn và cảnh náo nhiệt của đường phố. Được bao quanh bởi những cây kiểng và hàng rào, những hồ nước trong xanh và những bức tượng trang nhã, khu vườn là nơi thích hợp để gia đình ông rời khỏi căn hộ chật chội …

Vườn Luxembourg còn giúp Hemingway thoát khỏi những cám dỗ ngọt ngào của hàng chục tiệm bánh ở Paris lúc bụng đói và túi rỗng.

            Ngày nay,vườn Luxembourg là một trong những công viên được người dân địa phương yêu thích nhất và là nơi tuyệt vời để tổ chức dã ngoại trên bãi cỏ hoặc đi dạo buổi chiều.  

 

            Qua khỏi các khu vườn Luxembourg, Hemingway đến Viện bảo tàng Luxembourg . Gần như ngày nào ông cũng đến đây để xem các kiệt tác thuộc trường phái Ấn tượng của Cézanne , Manet hay Monet mà ông biết đến lần đầu tiên ở Viện Nghệ thuật Chicago.

“  Khi xem những bức tranh mà bạn khao khát muốn hiểu chúng, bạn sẽ thấy chúng sắc nét rõ ràng và đẹp hơn. Tôi đã học cách làm thế nào hiểu được tranh Cézanne và nhận ra cách sáng tạo những bức tranh phong cảnh của ông ấy (Cézanne) .” Ông nhận thấy những bức tranh của Cézanne có thể dạy mình viết theo một phong cách  mới lạ, nhưng ông “không đủ trình độ” để diễn đạt bài học này thành lời.  Ngạc nhiên trước tác phẩm của Paul Cézanne (ngày nay được đặt ở Musée d' Orsay), Ernest muốn lời nói của mình giống như những nét vẽ của Cézanne : có kiểm soát, rõ ràng và tập trung, và hiểu rằng sức mạnh không nằm ở chi tiết, mà nằm ở sự gợi ý giữa những hàng chữ.

 

 

 

Bảo tàng Luxembourg

 

Cézanne :Cha đẻ của trường phái ấn tượng 

   

        Các tác phẩm của họa sĩ theo

                                                                                     trường phái ấn tượng (Impressionnisme)

 

         Khi bảo tàng Luxembourg đến giờ đóng cửa, Hemingway đi ngược trở lại và ghé thăm Gertrude Stein tại 27 rue de Fleurus. Stein và người bạn đời chung phòng Alice B. Toklas, “rất nhiệt tình và thân thiện”. Chính Sherwood Anderson cung cấp cho Hemingway những lá thư giới thiệu tới Gertrude Stein, James Joyce, Ezra Pound và Sylvia Beach. Hemingway đã viết cho Anderson: “Những lá thư giới thiệu của anh giống như việc hạ thủy một chiếc tàu ”.

            Ông mô tả căn hộ của Stein là “một trong những căn phòng đẹp nhất trong những bảo tàng đẹp nhất ngoại trừ có một lò sưởi lớn, ấm áp và thoải mái, họ cho bạn những món ăn ngon, trà và rượu chưng cất tự nhiên làm từ mận tím, mận vàng hoặc quả mâm xôi dại.” Căn hộ của họ treo đầy tranh, giống như một viện bảo tàng.

 

            Rất ít nhà văn có mối liên hệ sâu đậm với Paris như Ernest Hemingway. Thành phố đã tạo dựng nên sự nghiệp của ông, định hình và mài giũa phong cách viết của ông, đồng thời nâng cao khát vọng sống của ông. Ông chỉ sống ở Paris trong những năm 1920, nhưng đó là những năm tháng hình thành con người và sự nghiệp của ông. Paris như ngôi nhà thứ hai của Hemingway ,ở lại với ông mãi mãi. Ông từng nói: “Chỉ có hai nơi trên thế giới mà chúng ta có thể sống hạnh phúc, đó là ngôi nhà của mình và Paris”.

 


 

27 Rue de Fleurus, quận 6

 

          Biết vậy, nhưng không ai quên vai trò quan trọng của Gertrude Stein trong việc chỉ bảo Hemingway ở Paris chuyển biến những bước đi đầu tiên từ nhà báo qua nhà văn chuyên nghiệp. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng đầu tiên Hemingway xuất bản, được viết tại Paris là cuốn Mặt Trời Vẫn Mọc (The Sun Also Rises)

 


 

Ảnh Gertrude Stein trong khu vườn ở Luxembourg (khoảng năm 1905)

tại  Thư viện Đại Học Yale (ngành Văn Học Mỹ)

 

Đầu tháng 3 năm 1922, Hemingway có cuộc gặp đầu tiên với nhà văn và nhà sưu tập nghệ thuật người Mỹ Gertrude Stein. Stein rất vui khi được làm cố vấn cho một nhà văn trẻ đầy nhiệt huyết và nghiêm túc, họ đã có những cuộc trò chuyện thú vị về nghệ thuật, văn học và cuộc sống nói chung.

            Trong cuốn hồi ký  A Moveable Feast, Hemingway mô tả những cuộc gặp gỡ của mình với Ezra Pound và Gertrude Stein rất chi tiết (ví dụ: chương Miss Stein Instructs.. Gertrude Stein cũng giới thiệu Hemingway với các nhà văn và nghệ sĩ Paris khác cũng như trao đổi những ý tưởng mới về hội họa và viết lách.

            Ngày nay, không có nhiều thứ để xem ở số 27 Rue de Fleurus, nhưng có một tấm bảng ở lối vào phía trước. Và bạn vẫn có thể nhìn thấy máy tính để bàn của Gertrude Stein và các đồ dùng cá nhân khác tại Musée Carnavalet ở Le Marais.

 

 

Tấm bảng ở số 74 Rue du Cardinal Lemoine...

 

 

 

 

Máy tính để bàn của Gertrude Stein tại Musée Carnavalet

Hemingway mô tả  Stein trông giống một phụ nữ nông dân Ý và có "mái tóc của dân di cư dày, đáng yêu và sống động." Ông cho biết Stein nói rất nhiều về những người quen biết  thân sơ hoặc các địa điểm xa gần đây đó. Bà bạn đồng hành của Stein, Alice Toklas, người  nhỏ nhắn, da sẫm màu với mái tóc “cắt giống như Joan of Arc ” và mũi khoắm . Stein nói với Hemingway mình luôn nói chuyện với các bà vợ , điều nầy khiến Hadley và Hemingway cảm thấy họ được tôn trọng . Đôi vợ chồng trẻ Hadley-Hemingway hào hứng  tận hưởng chuyến thăm của mình tại 27 rue de Fleurus và mời Stein, Toklas ghé nhà mình.

 

 

Alice B. Toklas, bà bạn ở chung phòng với Stein

 

Alice B. Toklas và Gertrude Stein tại căn hộ 27, Rue de Fleurus

Vào một ngày nọ, Stein và Toklas đến thăm Hemingway. Stein phê bình tác phẩm “Up in Michigan.” (Lên miền Michgan) của Hemingway, cho rằng nó giống như một bức tranh mà họa sĩ không thể treo lên và sẽ không ai mua. Hemingway muốn lên tiếng phản đối, nhưng cuối cùng chỉ trả lời “Tôi hiểu rồi,” vì ông không muốn tranh cãi với người lớn tuổi hơn  mình. Ông cho biết Stein đề nghị  ông từ bỏ nghề báo.

            Stein trò chuyện cùng Hemingway với tư cách một người đi trước chỉ bảo đàn em đi sau, Bà hướng dẫn Hemingway cách mua tác phẩm nghệ thuật. khuyên đôi bạn Hadley và Hemingway tránh mua nhiều quần áo, để dành tiền mua tác phẩm nghệ thuật. Hemingway trả lời, cho dù ông không mua quần áo cũng vẫn không  có tiền mua tranh Picasso dù rất thích.

            Stein lên tiếng bảo :

             “Picasso ở ngoài tầm với của cậu. Cậu nên mua tác phẩm của những người cùng trang lứa “trong nhóm nghĩa vụ quân sự của cậu”. Bà cảnh báo Hemingway nên cẩn thận, đừng để Hadley tiêu quá nhiều tiền vào quần áo, vì quần áo phụ nữ  đắt hơn.

 

 

Gertrude Stein ,  Alice B. Toklas và chó 'Basket'

Hemingway liếc thấy Hadley đang để mắt đến bộ trang phục kỳ dị  của Stein.

Trong một lần khác, Hemingway gặp Stein đi dạo trong vườn Luxembourg, không thể nhớ đây có phải là trước khi bà ấy mua một con chó hay không.

 

            Stein thường cho Hemingway xem những trang bản thảo bà viết và Toklas đánh máy hàng ngày. Viết lách khiến Stein hạnh phúc, nhưng sau nầy Hemingway mới biết rõ hơn,hạnh phúc thực sự của bà  phụ thuộc vào kết quả xuất bản và sự công nhận của quần chúng đôi với  tác phẩm của mình. Stein đã có ba tác phẩm xuất bản : Q.E.D. (1903), kể về một mối tình lãng mạn đồng tính nữ có sự tham gia của một số bạn của Stein; Ba Cuộc Đời (1905–06); Sự hình thành người Mỹ (The Making of American ,1902–1911)

 

            Bà có cá tính mạnh đến mức nói gì người khác cũng tin theo. Các nhà phê bình hoàn toàn tin tưởng vào khiếu thẩm mỹ của Stein cũng như tư cách đáng quý của bà  về cả hai phương diện con người và nhà văn. Bà cũng là người có những đổi mới mẫu mực trong ngôn ngữ, đặc biệt là thông qua việc sử dụng nhịp điệu và sự lặp lại. Việc quan trọng nhất trong sự nghiệp văn chương của Stein liên quan đến trường thiên tiểu thuyết The Making of American, tác phẩm dài đến khó tin. Hemingway biết rất rõ cuốn sách nầy. Khởi đầu tuyệt hay, càng về sau càng kéo dài lê thê, lập đi lập lại nhàm chán đến nỗi nhà văn nào có lương tâm đến mấy cũng sẳn sàng vứt nó vào sọt rác. Tác phẩm không làm tác giả hạnh phúc hơn,nếu không nói là mang đến nỗi buồn. Hemingway phải đọc và biên tập lại bản in thử ,vì Stein không muốn làm việc nầy trước khi được Ford Madox Ford miển cưỡng xuất bản nó trên The Transatlantic Review .

 

Hemingway không ngại kể chuyện Miss Stein dạy bảo ông về tình dục. Stein nhận xét Hemingway không được giáo dục nghiêm túc về tình dục .Hemingway thừa nhận mình có “những thành kiến nhất định đối với đồng tính luyến ái”. Đề cập đến chuyện nầy, Hemingway tề nhị nói về bọn vô lại đầu trâu mặt ngựa trước Stein. Những câu bé không may sống chung với bọn đàn ông vô lại, muốn được yên thân, phải luôn luôn dắt bên mình một con dao sẳn sàng ra  tay giết người và phải biết cách giết người. Stein không đồng tình, nói rằng Hemingway  chỉ nghĩ đến “những kẻ biến thái” và “những kẻ bệnh hoạn”. Họ thảo luận về những người đồng tính cụ thể quen biết họ, nhưng không nêu tên, trong số nầy có một vài nhân vật nổi tiếng. Stein nhấn mạnh, Hemingway thực sự không biết gì về đồng tính luyến ái và nói thêm rằng những người đồng tính nam buộc phải sống trong sự xấu hổ vì cách họ quan hệ tình dục nên luôn luôn thay đổi người tình,  ngược lại với những người đồng tính nữ  có thể sống rất hạnh phúc bên nhau. Hemingway chỉ trả lời “Tôi hiểu rồi,” và nhắc lại, ông thật sự hiểu những gì Miss Stein cố sức nói cho lọt tai ông. Trước khi kết thúc câu chuyện, ông cám ơn Miss Stein và vui vẻ ra về. Đến nhà, ông thuật chuyện cho Hadley nghe, nàng không hào hứng tham gia câu chuyện riêng của Hemingway… 

***

            Chúng ta hiểu thế nào về nội dung câu chuyện Miss Stein chỉ dạy  Hemingway ? 

Theo đó, hình ảnh Hemingway hiện ra là một chàng trai vào đời với bước đi ban đầu khá sớm trong sự nghiệp với tư cách là một nhà văn và vẫn đang học cách thiết lập những thói quen đúng đắn như bình tĩnh, khát khao học hỏi và tự ép mình trong kỷ luật viết lách.

Hemingway không bị áp lực bởi sứ mệnh nhiệm vụ gì đó  với nhà văn; thay vào đó, ông tiếp cận nó một cách bình tĩnh, tự tin. Mục tiêu viết đúng sự thật cho thấy trong tự truyện A Moveable Feast ,ông ưu tiên sự chân thật, điều này đặc biệt quan trọng vì cuốn sách là một cuốn hồi ký .

 

Nghệ thuật thấm sâu vào mọi khía cạnh trong cuộc sống của Hemingway ở Paris. Ranh giới nghệ thuật  giữa hội họa và văn chương bị xóa nhòa giống như ranh giới giữa nghệ thuật và đời thường. Mọi khoảnh khắc tồn tại của Hemingway đều trở thành một phần công việc của ông với tư cách là một nhà văn, ngay cả khi ông không thực sự tham gia vào công việc viết lách. Cách thưởng thức đồ ăn thức uống và tiêu thụ trong cuộc sống có tính nghệ thuật của Hemingway cũng làm người khác chú ý .Ở một mức độ lớn hơn, khả năng dẫn đạo của Stein khiến bà trở thành kiến trúc sư của “bữa tiệc văn chương di động” trong tựa đề hồi ký. Stein đóng một vai trò vừa truyền thống vừa độc đáo trong cuộc đời Hemingway. Bà là người cố vấn với những lời khuyên khôn ngoan cho sự nghiệp của ông.

 

Về mối quan hệ của Stein với người bạn đồng hành Toklas chẳng khác gì một cuộc hôn nhân thực sự hơn là mối quan hệ đồng tính nữ như nhiều người vẫn nghĩ .

Nhận xét của Stein về “nhóm nghĩa vụ quân sự” nêu bật cách mà chiến tranh đã định hình xã hội và đọng lại trong tâm trí mọi người. Những nghệ sĩ tài năng trẻ tuổi cùng trang lứa với Hemingway đều phải phục vụ quân đội trong thời chiến . Chiến tranh đã có tác động  mạnh đến xã hội.

            Việc Stein mong muốn được công nhận, khiến Hemingway quan tâm đến chuyện nổi tiếng của một nhà văn. Stein thuộc thế hệ lớn tuổi (sinh năm 1874 so với Hemingway 1899),sự nghiệp dài hơi và đã chứng tỏ là người thành công. Hemingway hy vọng đến ngày nào đó có thể nổi tiếng không kém Stein , hoặc vượt qua với mức độ nào đó !

Tình bạn thân thiết và mối quan hệ tri thức của Hemingway và Stein không hoàn toàn hài hòa. Hemingway nghiêm khắc chỉ trích những đóng góp của Stein cho văn học. Ông cho rằng thành công của Stein phần lớn do tính cách mạnh mẽ và các mối quan hệ hửu hảo cọng với tư cách nhà văn của bà. Mặc dù Hemingway không nói ra những lời chỉ trích này với người lớn tuổi hơn mình, nhưng ông không ngần ngại ghi chúng trong sổ tay và xuất bản chúng nhiều thập kỷ sau đó.

            Một chi tiết khác cần biết : Stein là bà mẹ đỡ đầu cho con trai đầu lòng của Hemingway, John (Bumby), vào năm 1923.

 

 

Gertrude Stein với John Hemingway (Bumby) ở Paris (WikiCommons)

Ernest Hemingway và Bumby

Hemingway, Hadley và Bumby ở Schruns, Áo (1925)

 

            Thảo luận về tình dục đồng tính, dù Stein thuộc thế hệ cũ, nhưng có quan điểm cởi mở và tiến bộ trong khi Hemingway bảo thủ hơn và chống đồng tính luyến ái nam. Điều nầy cho thấy Hemingway sống theo truyền thống xã hội khi cưới Hadley và xem đồng tính luyến ái là một căn bệnh cần được chữa trị.

---------------------

            (*) Gertrude Stein (1874 –1946 )là một tiểu thuyết gia, là nhà thơ, nhà viết kịch và nhà sưu tầm nghệ thuật nổi tiếng người Mỹ. Sinh ra ở Allegheny, Pennsylvania (nay là một phần của Pittsburgh) và lớn lên ở Oakland, California, Stein chuyển đến Paris vào năm 1903 và nhận nước  Pháp làm  quê hương của mình trong suốt quãng đời còn lại. Bà tổ chức một phòng trưng bày tranh ở Paris, là nơi gặp gỡ của những nhân vật hàng đầu của chủ nghĩa hiện đại trong văn học và nghệ thuật, như Pablo Picasso, Ernest Hemingway, F. Scott Fitzgerald, Sinclair Lewis, Ezra Pound, Sherwood Anderson và Henri Matisse .

Năm 1933, Stein xuất bản cuốn hồi ký “The Autobiography of Alice B. Toklas” nôi dung hầu hết kể về những năm tháng ở Paris của bà qua tiếng nói của Alice B. Toklas. Cuốn sách trở thành một bestseller đưa Stein từ không mấy nổi bật trở thành nổi tiếng thế giới.

Các hoạt động của bà  trong Thế chiến thứ hai là chủ đề được phân tích và bình luận rộng rãi. Là người Mỹ gốc Do Thái sống ở nước Pháp do Đức Quốc xã chiếm đóng, Stein chỉ có thể duy trì cuộc sống của mình với tư cách là một nhà sưu tập nghệ thuật… (Wikipedia)

 

 


 

 

Phan Tấn Uẩn
Số lần đọc: 448
Ngày đăng: 27.09.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hình bóng Hemingway ở Paris (Kỳ 2) - Phan Tấn Uẩn
‘1945 – Gabriela Mistral (Chi-lê, 1889–1957) - Lê Ký Thương
Hình bóng Hemingway ở Paris (Kỳ 1) - Phan Tấn Uẩn
1944 Johannes V. Jensen (Đan Mạch, 1873 – 1950) - Lê Ký Thương
1939 – Frans Eemil Sillanpaa (Phần Lan, 1888 – 1964) - Lê Ký Thương
Bạn tốt bạn xấu (II) Một thuở xưa nay - Võ Công Liêm
1938:Pearl Buck (Mỹ, 1892 –1973) - Lê Ký Thương
1937: Roger Martin Du Gard (Pháp, 1881 – 1958) - Lê Ký Thương
1936 – Eugene Gladstone O’neill (Mỹ, 1888 – 1953) - Lê Ký Thương
1934 - Luigi Piradello (Ý, 1867 – 1936) - Lê Ký Thương
Cùng một tác giả
Đêm Mù Mộ Địa (truyện ngắn)
Chuyến về quê (truyện ngắn)
Giấc mơ chiếu manh (truyện ngắn)
Trên sợi tóc buồn (truyện ngắn)
Quán về khuya (truyện ngắn)
Phố đỏ (truyện ngắn)