Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.165
123.224.243
 
Bà tôi
Ngọc Thảo

 

1. Bà tôi. Bà còn là mẹ tôi nữa.

Tôi sinh ra chưa được đầy năm thì mẹ tôi bị ốm phải đi chữa trị nhiều nơi. Thế là bà thay mẹ nuôi tôi từ thuở ấy. Nghe bà và những người cùng xóm kể lại, bà nuôi tôi vất vả vô cùng. Khi tôi mới lọt lòng chỉ bằng cái chai, chưa được hai cân. Sữa mẹ không có, có lúc bà ẵm tôi đi xin sữa của những người trong xóm đang cho con bú. Đấy là thi thoảng thôi. Còn chủ yếu là bà chắt nước cơm, cho ít đường vào rồi bón cho tôi, mà đường hồi ấy cũng hiếm, không có đường thì bà cho ít muối vào. Khi tôi lớn một chút, bà thường nhai cơm rồi mớm cho tôi. Rồi sau đó, mẹ tôi mất khi tôi chưa biết gì. Bà trở thành mẹ tôi.

 

Tôi lớn lên trong tình thương yêu vô bờ bến của bà và những người trong gia đình. Do thể trạng lúc sinh ra cũng như sau này không được bú sữa mẹ, cho dù bà đã cố gắng chăm bón, nuôi nấng nhưng tôi vẫn cứ dặt dẹo, ốm đau liên tục. Không biết có phải vì thế không mà tôi chậm biết nói. Gần ba tuổi mà vẫn ú ớ, nói không rõ được. Lớn lên một chút tôi vẫn ngọng líu ngọng lo. Bữa chú tôi ở Hà Nội về chơi, tôi nhảy cẫng lên:

- Chú Ù, chú Ù về…Trong khi tên chú tôi Bình.

Lớn thêm một chút nữa, chắc khoảng năm tuổi thì tôi mới bớt nói ngọng, không cần bà phiên dịch. Riêng ốm đau thì vẫn không rời bỏ tôi. Nghe kể lại, có lần tôi bị đau tay, không biết bị bệnh gì nhưng bà bảo tôi bị thối tay, thuốc thang mãi không khỏi, có người mách bắt con cóc mổ lấy gan đắp vào chỗ đau. Thế là bà lật những viên gạch, viên đá trong bụi khoai gần vại nước tìm bắt được một con cóc to. Thấy bà mổ cóc, tôi vỗ tay:

- Ăn thịt cóc, được ăn thịt cóc.

Bà nhìn tôi cười, rơi nước mắt. Hồi đó rất khó khăn, chỉ dịp tết hoặc nhà có giỗ mới có thịt. Bữa ăn chủ yếu vẫn là sắn trộn cơm, ăn với con tôm, con tép bà bắt ngoài đồng. Con cóc là cậu ông trời. Người ta bảo thịt cóc rất độc, ăn vào là chết người. Do vậy lúc đó không ai dám ăn thịt cóc. (Đến bây giờ thì tôi biết thịt cóc ăn được, có chứa nhiều đạm, kẽm, nhưng lại rất dễ gây độc nếu chế biến không đúng cách). Vì thương đứa cháu ốm đau nên bà mới bắt và mổ cóc. Tôi thì quá nhỏ, không biết gì. Thấy bà mổ cóc nghĩ sẽ được ăn thịt nên mừng ra mặt.

Mổ cóc xong, moi lấy lá gan, bà gọi tôi lại:

- Cháu đưa tay đau lại đây bà bảo.

Tôi đưa ngón tay thối ra, bà đắp lá gan cóc vào rồi lấy miếng vải xé từ tay áo của bà ra buộc lại. Tự nhiên tôi thấy ngón tay mát rượi, không thấy đau. Và sau đó không biết do lá gan cóc hay tình yêu thương của bà mà ngón tay tôi khỏi hẳn.

2. Tôi lớn lên nhưng vẫn là đứa bé còi cọc. Khi chú tôi đi bộ đội ở Miền Nam về cho tôi con búp bê biết nhắm mở mắt, sau này tôi mới biết đó là vào năm 1975, đất nước ta hoàn toàn giải phóng. Đó là năm tôi lên sáu tuổi. Bà dẫn tôi đến lớp vỡ lòng, do ông trẻ (em trai bà tôi) dạy. Hồi đó, sáu tuổi đi học vỡ lòng sau đó mới vào lớp 1. Tuy là cháu nhưng có lần tôi vẫn bị ông quất ba roi vào mông vì cái tội dốt, đánh vần không được. Trong trí nhớ, hôm đó tôi được ông gọi lên bảng đánh vẫn hai chữ “Nhà tầng”.

Tôi lên bảng, đọc to ngon ơ:

- Nhờ a nha huyền nhà, tờ ơ tơ ngờ tâng huyền tầng; nhà tầng.

Ông tôi vung roi lên, nói:

- Đánh vần lại chữ “tầng”?

Tôi vẫn cứ ngọt sớt “Tờ ơ tơ ngờ tâng huyền tầng; tờ ơ tơ ngờ tâng huyền tầng”. Thế là ông vung roi quất cho ba cái vào mông, đau xoắn đít mà không dám khóc. Lúc đó tôi cũng không biết vì sao lại bị ông đánh. Đang xoa mông thì ông kêu một bạn khác lên đánh vần:

- Nhờ a nha huyền nhà, tờ ớ tớ  ngờ tâng huyền tầng; nhà tầng.

Thì ra, tôi đánh vần sai “tờ ớ tớ thành tờ ơ tơ”. Sau lần ấy tôi không bị ông đánh lần nào nữa nhưng tôi nhớ mãi, cho đến giờ ông đã là người thiên cổ, tôi vẫn không thể nào quên. Tuy nhiên, chuyện bị ông đánh thì tôi giấu không cho bà biết, từ bấy đến nay.

3. Tôi thường theo bà ra đồng, nhất là vào mùa gặt. Những con cào cào, con chìa vôi, con muồm muỗm bay rào rào trong ruộng lúa. Mấy con đồng quê này bắt về nướng ăn được hết, nhưng tôi chỉ thích con muồm muỗm. Con cào cào bà bảo đừng ăn, có sán. Còn con muồm muỗm nướng lên ăn ngon vô cùng, tuổi thơ ở làng quê ai cũng thích chứ không riêng mình tôi. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác cho con muồm muỗm vào bếp (đốt bằng củi hoặc rơm, rạ…), nó giẫy giẫy mấy cái, đến khi nghe mùi thơm lựng thì khều ra. Cầm trên tay còn nóng hôi hổi, thổi phù phù bay hết tro, rồi cho vào mồm ăn ngon lành...

Có lần mải đuổi theo con muồm muỗm tôi bị ngã vào vũng trâu đằm, lấm lem bùn đất từ đầu đến chân. Bà vội chạy đến, xuýt xoa:

- Bà bảo đứng đấy rồi mà?

- Tại con muồm muỗm béo quá. Tôi vừa vuốt nước và bùn trên mặt vừa trả lời.

- Để bà vừa gặt vừa bắt muồm muỗm cho.

Bà nói rồi dẫn tôi ra mương nước gần đó gột rửa hết bùn trên quần áo và tắm cho tôi, bảo tôi ngồi ở bờ ruộng chờ bà gặt thêm tí nữa, khi nào có kẻng thì về (Hồi đó, nhà nào cũng vào Hợp tác xã, đi làm theo tiếng kẻng). Tôi ngồi chờ bà, thấy mấy con muồm muỗm bay qua bay lại nên quên cả quần áo đang ướt sũng, đuổi theo bắt. Đến khi ra về trong túi quần tôi cũng được mười mấy con muồm muỗm béo nhẫy. Về đến nhà, bà lấy trong gấu áo, gấu quần và cả trong cạp quần mấy chục con muồm muỗm cũng béo không kém. Nhìn đứa cháu vui mừng, nhẫy cẫng lên, bà cười, mắt ánh lên những niềm vui.

Còn có chuyện này, đến nay tôi còn ân hận mãi. Sáng hôm đó, bà dắt trâu ra bừa ở thửa ruộng gần nhà. Tôi đi theo, vừa xem bà bừa, vừa để bắt cào cào, con tôm, con cá gặp nước đục nổi lên. Đang bừa, bỗng nhiên con trâu phải gió lồng lên, dây chạc bung ra. Những tưởng con trâu chạy lên phía trước (để khỏi phải bừa???) nhưng nó quay lại húc bà ngã ra ruộng. Lẽ ra tôi phải kêu thật to cho con trâu sợ bỏ đi hoặc gọi ai đó ra cứu bà thì tôi lại bỏ chạy về nhà. Một lúc sau, bà vác bừa đi về, người ướt sũng, toàn mùi bùn. Thấy tôi, bà nói:

- Sao cháu không đuổi trâu cứu bà?...

4. Những buổi chợ phiên, bà bán kẹo bột. Quê nhà tôi hồi ấy không họp chợ như bây giờ mà chỉ có chợ phiên, nhóm họp vào sáng sớm các ngày 5, 10, 15…âm lịch. Chợ họp ngay trên con đường to nhất xã, bày bán hàng hóa, hoa quả, con gà, con vịt, bó rau, nải chuối…ở hai bên đường. Người đi chợ đi ở giữa. Thường thì chợ chỉ họp đến tầm 8-9 giờ sáng thì tan. Riêng những phiên chợ ngày Tết, nhất là ngày 25, 30 tháng Chạp thì rất đông, kéo dài theo con đường từ đầu xã đến cuối xã, đến tận trưa vẫn còn người bán mua.  

Buổi chợ, bà bày cái mẹt với vài thứ quả như chuối, ổi, mận,…tùy theo mùa. Đặc biệt là kẹo bột, thứ không thể thiếu trên mẹt của bà. Kẹo được làm từ mật mía, gừng và vừng. Từng viên kẹo to gần bằng ngón tay cái, dài tầm đốt rưỡi ngón tay, được lăn qua bột sắn, bột mỳ cho khỏi dính. Cái ngọt của mật mía hòa quện với vị cay nồng của gừng, vị thơm của vừng làm cho ai một lần ăn kẹo bột thì nhớ mãi. Có thể nói, đây là thứ quà quê mà tuổi thơ chúng tôi ai cũng mê.

Tôi nhớ, cứ gần đến buổi chợ, bà lại bảo:

- Mai chợ rồi, cháu hái lá chuối cho bà nhé.

Tôi liền chạy ngay ra vườn, hái những lá chuối khô đem về cho bà để gói kẹo bột. Thể nào bà cũng cho tôi vài ba cái. Làm sao tôi quên được cái động tác cho viên kẹo vào mồm, ngậm thôi, chao ôi là ngon, là ngọt, ngọt đến giờ vẫn chưa tan.

Và tôi nhớ có phiên chợ Tết, đã đến trưa rồi mà mẹt kẹo của bà vẫn chưa vơi. Bà ngồi bó gối, mắt nhìn xa xăm. Thương bà, sau này tôi đã làm bài thơ có đoạn như thế này:

“…Người ta bán đủ thứ

Bà bán kẹo bột thôi

Lá chuối khô cháu hái

Bà gói những niềm vui

 

Năm nay trời rét ngọt

Bà bảo sắp Tết rồi

Chợ sao thưa thớt quá

Mẹt kẹo vẫn chưa vơi…”.

 

Lại nói chợ Tết. Sau khi dạo chợ chán chê, tôi được bà cho đi cùng mua lá dong. Háo hức lắm, vì lá dong là để gói bánh chưng, mà bánh gì chứ bánh chưng là tôi thích vô cùng. Nó là thứ bánh của Tết, đậm đà mùi vị Tết nhất trong các loại bánh mà tôi biết. Đặc biệt, đó là thứ bánh của bà dành cho suốt những năm tháng tuổi thơ tôi. Tôi thích nhất là khi gói bánh, bao giờ bà cũng gói cho tôi cái bánh nhỏ hơn nhưng phần nhân đỗ và thịt thì nhiều hơn những cái bánh khác. Tôi nâng niu, cẩn thận lấy lạt buộc thêm vào cái bánh bà gói cho mình để đánh dấu, sợ nhầm với những cái bánh khác. Lúc vớt bánh, tôi giành vớt cái của mình trước tiên, thả vào chậu nước múc dưới giếng lên để rửa bánh. Nghe bà nói phải rửa hết cái nhớt sau khi luộc thì bánh sẽ ngon hơn, để được lâu hơn, nhưng tôi chỉ rửa qua loa rồi chẳng chờ cho bánh nguội, chạy vào góc nhà hoặc  xó bếp ngồi bóc bánh thổi phù phù, ăn ngon lành, cho bõ những tháng ngày phải thòm thèm…

Cái cảm giác sung sướng ấy vẫn theo tôi từ đó đến giờ, đã mấy chục năm rồi, dù nay tôi đang công tác và sinh sống tại “Xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh”, xa quê nhà hơn ngàn cây số. Giờ bánh chưng chỗ nào cũng bán, muốn ăn lúc nào cũng được nhưng tôi vẫn bồi hồi mỗi khi Tết đến, nhớ bà, thèm cái bánh chưng bà gói năm xưa, gói cả nồng nàn tình yêu thương của bà đối với tôi, gói trọn cả Tết quê nhà trong lớp lớp lá dong xanh…

Giờ bà tôi đã đi xa, xa lắm. Những câu thơ trong bài thơ viết về bà như nói hộ lòng tôi. Rằng, cháu rất nhớ bà, bà ơi.

“…Cả đời bà vất vả

Như phiên chợ muộn ngày

Viên kẹo bà thương cháu

Ngọt từ bấy đến nay

 

Bây giờ nhiều siêu thị

Chợ xưa họp đâu rồi

Bà có còn bán kẹo

Ở mênh mông cuối trời?...”.  

 

 

           

 

 

 

 

 

 

Ngọc Thảo
Số lần đọc: 490
Ngày đăng: 29.10.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chiến công của lão quẹt - Nguyễn Đại Duẫn
Ma-nơ-canh - Nguyễn Thỵ
Giận kẻ bạc tình - Hoàng Thị Bích Hà
Đi tìm câu trả lời về dư luận - Đặng Xuân Xuyến
Mồ chôn tình yêu - Tiểu Lục Thần Phong
Chiều phai Dã Quỳ - Đỗ Nguyễn
Bóng hạnh phúc - Lê Hoàng
Bán sách - Tiểu Lục Thần Phong
Anh Thắng méo - Nguyễn Quốc Lãnh
Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn - Trương Văn Dân
Cùng một tác giả
Trăng (thơ)
Ghen (thơ)
Biển (thơ)
Kêu (thơ)
Thu về (thơ)
Nhớ (thơ)
Nhà em (thơ)
Chuyện ngày xưa cũ (truyện ngắn)
Vụ án đêm ba mươi (truyện ngắn)
Bà tôi (truyện ngắn)
Trở về quá khứ (truyện ngắn)
Bài học của rùa con (truyện ngắn)
Cư dân xóm ao bèo (truyện ngắn)
Chuyện của gà con (truyện ngắn)