Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.211.230
 
Không chỉ là chuyện mưa
Nguyễn Quốc Lãnh

 

 

Một nét rất riêng mà chỉ những người đến Huế vào mùa mưa mới có cơ hội trải nghiệm. Mưa Huế. Vâng. Mưa là một đặc sản của xứ Thần kinh. Cách đây hơn 80 năm, Nguyễn Bính đã có lần than: “Giời mưa ở Huế sao buồn thế!/ Cứ kéo dài ra đến mấy ngày…”

Xa về hướng tây khoảng 70 cây số là huyện vùng cao của Huế. Mưa A Lưới cũng dầm dề không kém. Nói như Phan Thị Cẩm Giang, giảng viên SIU, một người được sinh ra và lớn lên ở A Lưới thì mưa A Lưới không nhiều, tháng chỉ 2 lần mỗi lần khoảng 15 ngày…

Hai thế hệ có hai sự cảm thán khác nhau về mưa Huế. Thế hệ tiền bối thì vì rong chơi, phiêu lãng “Bốn tháng hình như thiếu mấy ngày/Lăn lóc có dư mười mấy tỉnh/Để rồi nằm mốc ở nơi đây”. Thế hệ của Cẩm Giang thì hoài niệm về những ngày mưa gió ruộng vườn ngập nước cái đói đang hiển hiện dẫu trước đó đã đeo đẳng từng ngày…

Với tôi thì lại khác. Trước 1975, nhà tôi ở xóm Giếng Khe, gần Bến xe An Lăng. Anh em tôi học ở trường Tiểu học Cộng đồng Lê Lợi. Thích nhất là mỗi mùa lụt được đi bộ đến trường. Tung tăng lội nước. Say sưa xem người ta kéo lưới ở mấy hồ rau muống ven đường. Có khi còn xin mấy con cá nhỏ về nuôi.

 

Hình như là mùa lụt năm 1973. Ngang qua cầu Kho Rèn thấy nhiều người xúm quanh gốc cây sung ở bến nước phía trên cầu. Ông Ba Tàu đang la lối kêu cứu. Thì ra, một con dê của ông bị rơi xuống nước. Mọi người í ới tìm cách cứu giúp ông ta. Lần đầu tiên trong nhận thức non nớt của cậu bé hơn 8 tuổi, tôi lờ mờ nhận thấy trong niềm vui được lội nước lụt của mình đã hiển hiện nỗi đau của người khác…

Mấy ngày gần đây trời dầm mưa. Bầu trời ảm đạm xám xịt mờ hơi nước. Kỷ niệm xa xưa lại hiện về. Dẫu chỉ là nhắc lại nhưng trong tôi không khỏi hoang mang sợ hãi.

 

Năm học 1995-1996, trường THCS-DTNT A Lưới lần đầu thoát khỏi cảnh “Trường ta Thanh niên Dân tộc! Trường ta chưa mưa đã dột!” (nhại lời bài hát Hành khúc trường Thanh niên Dân tộc, tác giả Châu Đức Khánh-Nguyễn Văn Dương) khi dãy nhà 2 tầng gồm 12 phòng học được đưa vào sử dụng. Đội ngũ giáo viên được tăng cường. Công tác thi đua được triển khai nhịp nhàng. “Tuần học không vắng”, “Ngày học giờ A”,… là những chỉ tiêu và tiêu chí được học sinh hân hoan đón nhận.

 

Sáng nọ, vào lớp thấy có ba học sinh ngồi bàn cuối có vẻ khác thường. Nhìn kỹ lại thấy áo quần các em đang ướt. Các em bảo do đi đường. Động viên nhắc nhở, đi đường đừng đùa giỡn, ni lông thì mua loại lớn trùm cho kín… Hai ngày sau cũng không có gì thay đổi. Vẫn co ro cuối lớp. Hỏi, các em chỉ cười. Một học sinh trong lớp mau miệng: “Các bạn ấy bơi qua sông đó thầy!”. Thì ra, đường đến trường của các em phải qua sông Tà Rình. Thường ngày, nước chỉ ngang đầu gối. Mấy hôm nay trời mưa nước lớn. Muốn qua sông phải bơi. Áo quần sách vở được bọc chặt trong tấm ni lông. Hành trang trở thành phao bơi. Như bộ đội năm xưa… Tôi lặng người nghe các em kể. Dẫu gì cũng là tác giả của các phong trào thi đua. Cho lớp tạm nghỉ. Báo cáo ngay với hiệu trưởng Lê Đa Rao @Lê Đa Rao. Mời thầy lên nói chuyện với lớp. Vẫn thấy không yên tâm. Đề nghị ban giám hiệu, cắt ngay tiêu chí “Tuần học không vắng” dẫu đã chấm điểm được nửa tuần. Chỉ triển khai trở lại vào đầu học kỳ hai, khi mà đất trời đã vào xuân. Sẵn sàng loại bỏ khi thấy có dấu hiệu trời mưa, nhất là mưa nguồn vào những ngày chớm hạ...

Trước 1990, phần lớn dân cư xã Hương Phong ở bờ tây sông A Sáp, trừ thôn Hương Thịnh. Địa bàn ba thôn Hòa, Phú, Cường lại bị ngăn cách bởi suối Pa Re, suối Cân Te và hàng chục con khe nhỏ không tên khác. Thường ngày các sông suối đó hiền hòa, nước trong xanh, có khi một cú nhảy là đã vượt qua mà không ướt chân. Chỉ một cơn mưa nguồn là khác hẳn. Nước đỏ ngầu cuồn cuộn đổ về. Khoảng cách hai bờ dang rộng gấp vài ba lần… Tránh xa và cấm lội qua khe suối là mệnh lệnh của ba mẹ tôi mỗi khi mùa mưa đến. Ở lại nhà người lạ cũng được hoặc đốt lửa ngồi chờ trên bờ đến khi con nước bình thường rồi hãy về nhà. 

 

Mùa mưa 1981. Chiều thứ 7 hàng tuần, thông thường chúng tôi vào nhà bới cơm gạo khoai sắn cho tuần tới. Suốt cả tối hôm trước và sáng hôm sau trời rả rích mưa. Dùng dằng mãi gần 5 giờ chiều mới xuất phát. Dự kiến sẽ ở lại nhà người quen ở mỏ đá Sơn Thủy ngày nay, là nơi trọ học của chúng tôi năm học trước. Nhìn vào hướng nam, trời có vẻ quang mây. Tôi cùng Lê Duy Đức và Lê Nhơn (RIP) quyết định đi tiếp để có cả ngày chủ nhật với gia đình. Chuyện trò vui chân hơn hai giờ sau đã đến bờ sông A Sáp. Qua sông là coi như về đến nhà. Không thể gọi đò ông Hón. Khuya quá rồi.

 

Bến nước nhà Lê Nhơn. Trăng 18 soi rõ mốc đánh dấu. Nước dâng cao hơn ngày thường khoảng nửa mét. Lội, không bơi. Sông thì rộng nhưng khó khăn  nhất ở dòng chảy cách bờ bên kia 2 mét. Tôi được hai anh kẹp giữa. Nào một hai xuống nước. Nhẹ nhàng. Nước cao dần. Nửa đầu gối rồi dưới thắt lưng. Sức mạnh của dòng chảy tăng dần khi bờ càng xa. Đến gần chỗ nước xiết thì đã ngang rún. Bước chân tôi đã cảm thấy khó khăn, vướng víu trong dòng nước. Nước ngang ngực. Mạnh lên. Bước! Sau tiếng hô thì tôi hỏng chân. Chới với. Hoảng loạn. Mất khả năng tri giác. Thoáng qua chỉ thấy bọt nước lấp lóa dưới ánh trăng… Cái bóp mạnh tay và sự ghì siết của hai anh giúp tôi bình tĩnh trở lại. Đúng lúc ấy thì Lê Nhơn níu kịp cành cây bên bờ ngả ra. Ba chúng tôi vào bờ an toàn.  

Mùa mưa năm 1977. Suối Pa Re cuồn cuộn chảy. Nước đục ngầu. Cỏ rác cây gỗ từ thượng nguồn vun vút lao về. Một, hai cây cả cành lá thân rễ bám vào chân cầu của thôn Hương Hòa bắt qua suối Pa Re. Cầu này khởi công hơn tháng trước. Thời tiết không thuận lợi nên bấy giờ vẫn dở dang. Một trụ cầu chơ vơ giữa dòng nước. Nhịp bên kia chưa nối. Nước chỉ cách mặt cầu làm bằng mấy tấm ri 3 lỗ chưa đầy mét. Sau khi lội nước lụt từ xóm trên xuống xóm dưới, anh em tôi đến mố cầu ngồi đợi. Hy vọng sẽ chứng kiến thời khắc cây cầu bị nước cuốn trôi. Năm phút rồi 10 phút trôi qua. Sốt ruột. Chúng tôi đi ra cầu. Nước rào rạt chảy phía dưới. Tưởng như chỉ cần thò tay là chạm nước. Có dấu hiệu cầu rung rinh. Anh tôi cười thích thú. Đứng chống nạnh nơi trụ cầu. Tôi cảm thấy chóng mặt lo sợ nên lập cập bò vào. Một cơn gió nhẹ thổi qua. Hai tay tôi bám vào mấy lỗ ri cho khỏi ngã nên không giữ được chiếc nón lá. Chưa đầy một phút rơi xuống nước, chiếc nón đã lẫn vào đám rác rều đang trôi giữa dòng khuất bóng dưới xa. Thấy dấu hiệu khác thường ở mố cầu nơi đang đứng, tôi gào lên để anh tôi đi vào. Một lúc sau thì cầu trôi…  

Ba tôi tìm chiếc nón ra thăm cây cối sau mấy ngày dầm mưa. Mẹ tôi không tin gió cuốn bay chiếc nón mà không nhặt lại được. Biết không thể giấu, tôi kể ngọn ngành và sẵn sàng đón nhận hình phạt. Nhưng mà không. Ông bà ôm anh em tôi vào lòng rồi nói trong nước mắt “Lần sau đừng dại dột thế nghe con. Nhỡ có chuyện gì biết tìm đâu…”

N.Q.L

Chú thích: Chuyện thỉnh thoảng học sinh phải bơi qua sông Tà Rình đi học xảy ra vào khoảng trước năm 2002. Hiện đã có 2 cây cầu bắt qua sông này.

Ảnh 1: Một đoạn sông Tà Rình ngày nay. Và một trong hai cây cầu kể trên.

 

Ảnh 2: Tấm ri 3 lỗ. Những tấm ri này thường thấy ở sân bay A So. Thuở ấy rất nhiều. Người dân lấy về làm hàng rào, chuồng trâu bò, lót đường đi và làm mặt cầu. Hiện hầu như không còn. Ảnh sưu tầm trên mạng.

 

     

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
 

 

 

 

 

 

Nguyễn Quốc Lãnh
Số lần đọc: 356
Ngày đăng: 06.11.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bức ảnh và chồng thư cũ - Trương Văn Dân
Thương nhớ mưa nguồn - Châu Phước Kim
Nước mắt dành để yêu thương - Phan Trang Hy
Saigon thao thức - Phan Văn Thạnh
Ngọt tựa mùa hè - Quảng Tánh Trần Cầm
Chiếc đĩa trà phơi áo - Châu Phước Kim
Ngày xưa, em là con gái - Vinh Anh
Mùi - Nguyễn Thỵ
Cô Tô và những ngày gió mưa - Giang Hiền Sơn
Giọng kể trong “ Về Huế ăn cơm” - Hoàng Thị Thu Thủy