Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.149
123.226.600
 
Tứ tuyệt tình trong thơ Đoàn Quân
Đặng Ngọc Như

 

 

Có lẽ phải nói ngay từ đầu: tứ tuyệt theo chiều dài lịch sử, thể loại không nhất thiết phải 4 câu mà có thể là 2 câu (tuyệt cú), 3 câu; không cứ phải ngũ ngôn, thất ngôn, có thể đó là lục bát (của Ca dao Việt); từng xuất hiện trước cả thời Tùy, Đường có mặt trong Kinh Thi Trung Hoa.

Điều dễ chấp nhận chung trong giới nghiên cứu thì tứ tuyệt thường là 4 câu, nhưng phá vỡ qui ước thơ niêm luật nhằm tạo ra kiểu cấu trúc vượt lên (tuyệt), đến cõi giới mang tính phổ quát, khái quát cao của cái đẹp, nói như Edgar Allan Poe “Cái đẹp là lĩnh vực hợp pháp duy nhất của thi ca”.

Hình dáng em thanh tao

Anh nghiêng chiều nắng lịm

Tiếng hát em thanh thoát

Chợt sóng nơi hồn chìm

 

Hãy giữ hộ ong một mảnh linh hồn

Ôi đóa vô thường ong đang mải mê hôn

 

Bây giờ quán vắng gió thưa,

Một mình anh với ghế chừa ướt vai

 

*

Trước hết, như người xưa nói “Thi, tác giả nan, tri giả vưu nan”. Khổ nhọc, vì cú pháp tỉnh lược, tỉnh lược đại từ, động từ. Khổ nhọc, vì lối so sánh, tương tự, đồng nhất giữa hai sự vật vốn gần gũi lại xa lạ, thậm chí rất xa lạ. Vì thế, đọc thơ đòi hỏi khả năng tưởng tượng, liên tưởng, mở rộng; đối sánh, tự điền vào khoảng trắng, khoảng trống, khoảng lửng lơ.

Bởi do chính đặc điểm bao quát nhất của tứ tuyệt như nói trên mà ta thấy xuyên suốt qua mấy chục bài thơ tứ tuyệt của Đoàn Quân, riêng về mặt ngôn ngữ, không chỉ sự cô đọng, hàm súc mang tính đặc thù thi ca nói chung mà còn hơn thế nữa, muốn cảm nhận thể tuyệt này, người đọc cần lặn sâu dưới tầng tầng chữ nghĩa.

 

Tóc dài ơi, áo trắng ơi!

Em như sen trắng ngát hương đời

Dấu ở bên trong tình con gái

Duyên ngoài e ấp đợi chờ ai?

 

Người đọc như bị “gây mê” bởi thế giới cái thực-hư, hạnh phúc-đớn đau, đầy-vơi, được-mất, giận hờn-hàn gắn, lặng yên-lên tiếng, gặp gỡ-chia xa, ngọt ngào-đắng cay…của hạnh phúc ơn phước và hệ lụy thế tục níu kéo, dùng dằng. Thơ như chính hạnh phúc thế nhân, đâu dễ ai cũng mãn nguyện, “chứng đạo”, mà cũng đâu dễ đứng ngoài làm nhân chứng, “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”!

 

Cửa đóng chặt trốn trăng tà khuất

Tiếng sấm rền bánh sắt đường ray

Đêm âm thầm cô đơn dấu mặt

Nhói nỗi đau tưởng chừng đã mất…

 

Một khối băng lạnh giá

Anh tạc bằng tình yêu

Tìm thấy em trong đá

Môi hôn bỗng xót xa

 

Giữa chốn đông anh vẫn một mình

Hoài công tìm kiếm em vô hình

 

Bạn đời vẫn bạn mà thôi

Bồ hòn ngọt ngậm chuyện đời trăm năm!

 

Nhà thơ dẫu trải qua trăm sóng ngàn để trốn tránh từng nhánh tình, nhưng làm sao thoát nợ, đành chờ hẹn đến kiếp sau,

 

Đồng hồ kim mãi luân hồi

Sáng trưa chiều tối ngày trôi lại ngày

Nợ đời vay trả trả vay

Nợ tình thì chẳng đổi thay chất chồng…

 

Vô tình hay hữu ý, bằng “liên văn bản” vô thức, tứ này Nguyễn Du đã nói từ lâu lắm, “Nợ tình biết trả cho ai / Khối tình thác xuống tuyền đài chưa tan”.

 

Muốn trả kiếp này cũng không được, huống gì hẹn kiếp sau!

 

*

Thứ đến, trong tứ tuyệt tình của Đoàn Quân có những khoảng trắng, khoảng trống như nói trên giúp tạo nên hệ chìm, cấu trúc chìm, những hệ liên tưởng tương tự,

 

Day dứt một cung đàn

Buồn rơi mộng hợp tan

Bâng khuâng em băng giá

Mặc anh biển sóng tràn…

 

Những giây phút “Chợt sóng nơi hồn chìm” là những giây phút-thiên thu, nói như Bùi Giáng “Nàng thơ của trần gian ứa lệ / bảo con rằng hãy giữ lấy phút giây”.

Nhà thơ bằng cấu trúc “hồn chìm” tạo nên thế giới tương tự, trùng trùng năng lượng nghĩa.

Đi ra nước ngoài, di chuyển đây đó, hồn thơ thêm chất “tình ngoại”, tác giả có “cái thấy” đối sánh, hồi qui theo phép tương tự “Cố sang lại thấy toàn cây cỏ / Tri ngộ, qui hồi thiếu cánh bay!”.

Phép tương tự một lần bên cầu sông Thames tạo nên năng lượng thủy động tương tự (hydrodynamical analogy).

 

Đêm một mình bên cầu xinh một nhịp

Nhớ chuyện tình mười hai vài mờ sương

Trăng treo nhạt lạc lõng hàng đèn tím

Thương con đò, hò mái đẩy sông Hương…

 

Cấu trúc bài thơ theo lối phổ biến 2-2, tạo nên ý cảnh đối sánh 1 nhịp nhưng không phải 6 vài mà là 12 vài thương nhớ; không phải sông Thames-sông Hương mà là chuyện tình và con đò. Vầng trăng nhân chứng hóa nhạt nhòa trong hàng đèn tím lạc lõng. Câu thơ âm vang mãi trong lòng người đọc. Chiếc cầu vốn có chức năng nối, ở đây lại là sự đứt-nối.

 

*

Nhưng đặc biệt, trong thế giới tứ tuyệt tình của Đoàn Quân, khó để đi tìm chi tiết, cái cụ thể được miêu tả tỉ mỉ; dẫu có chăng cũng không là chính yếu, nếu không nói chỉ là cái cớ. Tất cả cái thực, thế giới thực bị “áo xưa lồng lộng xô giạt trời chiều” (TCS), để chỉ còn “hồn chìm, ghế chừa ướt vai, đóa vô thường ong đang mải mê hôn” đang hướng đến cõi khác, không gian khác, vũ trụ thơ của riêng thơ.

 

Không gian hẹp lại đến mức tối giản, nhưng hẹp một cách lạ lẫm,

 

Lang thang phố thị một mình

Trên đường chợt gặp bóng mình bóng em.

 

Chẳng là chúng ta thường nói “đôi bóng chung đôi” sao! và “ghế chừa ướt vai” là chừa cho ai, ướt vai ai? Câu thơ mở ra khoảng trống vắng, khoảng bơ vơ của con người, kiếp người; gợn con sóng, “sóng nơi hồn chìm”, sóng lòng, sóng lặp lại nhưng sóng trở lại khác.

 

Gần 40 bài thơ, có thể in thành một tập tứ tuyệt riêng. Trong đó có cả một thế giới chim, hoa, hương, âm thanh, hình bóng, cát, biển…, nhưng được tổ chức thành một hệ gợi, hệ mở, gây nguồn cảm ứng bâng khuâng không nguôi nơi người đọc, nỗi khát khao về hạnh phúc có thể đã đánh mất,

 

Cái còn lại phải chăng chỉ một nỗi xót xa,

 

Khăn thêu xưa vẽ cành hoa

Rưng rưng một đoá mắt nhoà trên tay

Thời gian hương sắc đổi thay

Tình hồng cứ mặc mưa bay tràn về… 

 

Mưa bay hay chính là nước mắt!

 

*

Chính vì thế giới hiện thực bị “xô giạt” mà có thể nói nghệ thuật ẩn dụ (metaphore) được tác giả sử dụng đắc lực. Ẩn dụ ghi dấu những quan hệ chưa nắm bắt được hay nói đúng hơn những quan hệ bị lãng quên của sự vật và làm bất diệt sự lĩnh hội. Độc giả bị mê đắm trong trạng thái, nói như Shelley “cảm động đến mềm lòng mà không hiểu do đâu và tại sao”. Tác giả như chú chim sơn ca có khi đứng trong bóng râm (thường khi trong bóng đêm) cuộc sống, hót lên lời giãi bày, có lúc là lời tự thú ngọt ngào, chào chính nỗi cô đơn của mình,

 

Anh đang ngắm nửa vầng trăng khuyết

Nửa vầng kia em đang giữ không?

Nhớ đêm trăng tròn sáng đồi Vọng nguyệt

Đường lên đồi sỏi đá chắc chờ trông…

 

Tình mơ, tình mộng, tình hờ

Tình như mây trắng lững lờ trời cao

Tình như gió lá xôn xao

Nửa hư nửa thực, chiêm bao một đời…

 

Gặp người với nét duyên xưa

Nửa đời tháng nắng ngày mưa dãi dầu

Còn chăng một chút tình sâu

Cũng đành dấu kín, kiếp sau giãi bầy...

 

Hoa và sắc màu, hương, vị (hồng, tường vi, phượng, sen, hoa của biển), (trắng, hồng, đen, đỏ, tím, xanh), (bồ hòn, ngọt, đắng); chim và thanh âm (thanh tước, quyên) trong hệ thống ẩn dụ là cái vừa được dấu, che đi (ẩn), vừa cố ý lộ bày ra (dụ), tạo ra khả năng chuyển nghĩa giữa động và tĩnh, giữa khép-mở, làm sống lại những quan hệ tưởng mất nhưng vẫn còn, vãn hồi những giá trị ký ức.

 

 Vô tình trông thấy ảnh đôi quyên

Mãi đứng bên nhau chẳng chịu chuyền

Ngẩn ngơ nhớ một thời mê đắm

Thoáng hiện em về với nét duyên…

 

Nhưng hoa cứ tồn tại theo qui luật mùa luôn tiếp diễn (thời gian vô hạn); chỉ con người và tình yêu thì bị chặn bởi qui luật sinh lão bệnh tử (thời gian hữu hạn). Đành phải nhìn nhận và chấp nhận cái trống không “ghế chừa ướt vai”, “Đèn vàng lùa ngõ vắng / Đêm phủ ghế mây thưa

Và cuộc đuổi bắt, chờ đợi thật trớ trêu,

 

Chớm tàn cuộc vui vừa chợt hiểu

Anh hoàng hôn chờ em bình minh!

 

Và thế là đi tìm, tìm cái khả-bất khả. Tìm thấy được. Nhưng trong tư thế, tâm thế lá rụng, lá dẫu lìa cành nhưng tình xanh còn mãi, chết “lặng” trên đất vẫn chưa yên,

 

Nằm trên đất lặng chiều vội vã

Vương vấn tình xanh lúc mới mùa.

 

Tìm thấy trong băng giá. Tìm thấy rồi nhưng em đâu?

 

Tìm thấy em trong đá

Môi hôn bỗng xót xa

 

Vị hạnh phúc-xót xa như nghịch lý nghệ thuật, nghịch lý mê hoặc đớn đau trước vòng kim cô-vô thường đời sống.

Có thể nói cảm thức thời gian là trải nghiệm hạnh phúc, đau đớn và xót xa nhất của nhà thơ nơi người đọc. Khi đọc những câu như thế, người đọc tưởng cũng bị cuốn theo quan hệ bí ẩn (ẩn dụ là chất xúc tác) với tác giả; không chỉ là quan hệ thân ái, sẻ chia mà tưởng như cùng thâm nhập, đồng tạo tác ý nghĩa câu thơ.

Có thể nói hoa (mùa), thanh âm (tiếng chim, sóng, tàu) tạo ra khoảnh khắc thời-không làm cho thiên nhiên trong toàn bộ những bài tứ tuyệt là nơi lưu dấu vẻ đẹp của cái mong manh nhưng giúp người yêu nhau hội nhập được vào cuộc sống, đó là ký ức. Còn ký ức, còn tình yêu, còn yêu. Ký ức nuôi nấng tình yêu đôi lứa dẫu họ cũng nhận ra rằng tình yêu ấy không thể bất tử. Có chăng những kẻ yêu nhau còn tin được rằng có lẽ trong cái bất tử, có thể có tình yêu của mình. Chính vì thế, trường ẩn dụ giúp tạo nên cõi mông lung, mơ hồ hư-thực mà tứ tuyệt tình thơ Đoàn Quân mang mang dư vị đạo, chỗ giây phút tĩnh lự,

 

Đèn vàng lùa ngõ vắng

Đem phủ ghế mây thưa

Nghiêng đầu em sâu lắng

Lặng lẽ anh nhìn mưa

 

Ngày mới đã về vừa tan đêm

Thực mà như ảo, viết để quên

Câu thơ hư huyễn vầng dương xóa

Thức sửng hoa mai nở trước thềm

 

Chưa đạt tới khoảnh khắc trực ngộ, nhưng chớm tới thời khắc bên bờ trực giác, ngoại diên của cảm thức tâm linh. Khoảng lặng cũng chính là chỗ tứ tuyệt tình Đoàn Quân khiến người đọc phải đọc chậm, luôn chậm mới khả dĩ “kiến đạo”,

 

Sông Hậu Sông Tiền mùa nước nổi

Phù sa ngầu đỏ lục bình trôi

Hai mắt ghe tìm hoa tím nở

Áo tím em tìm thấy mắt tôi

 

Để đạt cõi giới “vật ngã đồng nhất”, người đọc cũng phải chuẩn bị cho mình tâm thế “tĩnh” mới có được mối tương thông.

*

Tóm lại, như chúng ta biết, thơ tứ tuyệt Việt với nhiều tác giả cổ cận đại, cận đại và hiện đại, đã có truyền thống từ thời tiền lập quốc, đặc biệt thời Lý-Trần, đã đạt những thành tựu không thua kém văn học Trung Hoa về giá trị tư tưởng cũng như nghệ thuật.

Ở đây xin lưu ý, trong thế kỷ XX, có lẽ nhà thơ Quách Tấn là người làm thơ lục bát tứ tuyệt vào hàng tiên phong. Đoàn Quân là một trong số những người kế tục.

Gần 40 bài của Đoàn Quân đều theo thể lục bát. Có thể bước thơ nhịp hai âm tiết, vần bằng giúp tác giả nhẹ nhàng mà không kém sâu lắng chở khối “nợ tình” vốn trắc trở của đời sống đến được với độc giả như lời thủ thỉ, như những đoản khúc tâm tình; chở được đạo mà vẫn nhẹ nhàng; giao ước mà không dính mắc.

 

Từ tâm một chút nhu mì

Ngập ngừng đề một tình thi để dành

Đời người lặng lẽ trôi nhanh

Thời gian thì chậm thôi đành chờ nhau…

 

Nhà thơ với chất giọng thiện lành mà chúng ta từng biết trong các tập thơ Nghe em hát về Hà Nội, Tình ngỡ buông dòng, qua Tứ Tuyệt Tình vẫn hiện ra cốt cách “nhu mì”, chỉ dám hứa với mọi người yêu nhau hãy chờ nhau. Vẫn thật khiêm nhường, chỉ xin làm một chứng nhân trong cuộc, trong cuộc đời, cuộc tình; vì thật ra trong tình yêu đã mấy ai cổ kim dám tự xưng mình là người chứng đạo!

 

 

 

(11/2023)

              

 

 

Đặng Ngọc Như
Số lần đọc: 489
Ngày đăng: 21.11.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lâm Thị Mỹ Dạ, thơ là cái đẹp - Nguyễn Đức Tùng
Về với Kinh Bắc qua văn truyện của Trần Thanh Cảnh - Hoàng Thị Bích Hà
Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm (Kỳ cuối ) - Phan Tấn Uẩn
Đến với bài thơ hay của cố thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm - Hoàng Thị Bích Hà
Thơ Phạm Ngọc Thái đối chiếu với thi phẩm nổi tiếng của Hàn Mặc Tử - Nguyễn Thị Hoàng
Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm (Kỳ 3) - Phan Tấn Uẩn
Đời lá hay là nỗi đau kiếp người - Hoàng Xuân
Cung bậc của nỗi xót xa hay là nỗi đau trần thế - Hoàng Xuân
Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm (Kỳ 2) - Phan Tấn Uẩn
Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm (Kỳ 1) - Phan Tấn Uẩn