Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.166
123.224.278
 
Nhà Văn Nguyễn Đình Toàn
Nguyễn Vy Khanh

 

 

Ông sinh ngày 19-11-1936 tại Gia Lâm, Hà-Nội, viết văn từ năm 1954 với bút hiệu đầu tiên Tô Hà Vân. Ông đã cộng tác với các báo Tự Do, Chính Luận, Xây Dựng, Tiền Tuyến (đăng truyện từng kỳ feuilleton một số truyện dài) và các tạp-chí Văn Học (từ 1962), Văn (từ 1964), v.v. , biên tập viên cho đài phát thanh Sài-Gòn, phụ trách chương trình Nhạc Chủ đề và đọc truyện.

Tác phẩm đã xuất-bản:

-  Thơ: Mật Đắng (tuyển thơ, Trường Sơn, 1962);

- Truyện dài: Chị Em Hải (Tự Do, 1961), Những Kẻ Đứng Bên Lề (Giao Điểm, 1964), Con Đường (Giao Điểm, 1967, đăng tạp-chí Văn từ số 15, 1-8-1964), Ngày Tháng (An Tiêm, 1968), Giờ Ra Chơi (Khai Phóng, 1969), Đêm Hè (Hiện Đại, 1970), Không Một Ai (Khai Phóng, 1971), Thành Phố (Kẻ Sĩ, 1971), Tro Than (Đồng Nai, 1972), Áo Mơ Phai (Nguyễn Đình Vượng, 1972, Giải Văn-học Toàn Quốc 1972), Mộ Khúc (Nguyễn Đình Vượng, 1973), Sau Giờ Ra Chơi (Tuổi Ngọc, 1973), Bó Hoa (Vó Câu, 1974);

- Tập truyện ngắn: Bữa Ăn Sáng (Những Tác-Phẩm Hay, 1968), Phía Ngoài (tập truyện, chung với Huỳnh Phan Anh; Hồng Đức, 1969), Đêm Lãng Quên (Tân Văn 24, 4-1970), Đám Cháy (Tân Văn 37, 5-1971) và Bãi Man Rợ (Tân Văn 53, 15-9-1972).

Từ sau khi định cư ở Nam California Hoa-Kỳ cuối năm 1998, Nguyễn Đình Toàn chủ yếu sáng tác nhạc (3 CD “Hiên Cúc Vàng” 1999, “Tôi Muốn Nói Với Em“ 2001 và “Mưa Trên Cây Hoàng Lan” 2002) và viết báo – những bài viết ngắn về một số các văn nghệ sĩ, về sau xuất bản trong hai tập Bông Hồng Tạ Ơn (109 tác giả và 128 nghệ sĩ Việt Nam, tập 1- Các nhạc sĩ & ca sĩ, tập 2- Nhà văn & nhà thơ; Westminster CA: Tự Lực, 2000, 2006). Ông cho biết ông viết về họ “như một cách bày tỏ lòng ngưỡng mộ, lòng biết ơn đối với những người đã dâng hiến những gì tốt đẹp nhất mình có thể làm được cho đất nước, nhờ đó, mọi người đã được thừa hưởng”. Riêng các nhà văn thơ, ông ghi lại một số nét đan thanh, độc đáo của Bùi Giáng, Cao Đông Khánh, Cao Tần, Ðinh Hùng, Cung Trầm Tưởng, Huy Cận, Huy Phương, Mai Thảo, Nguyên Sa, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Tường Tam, Phan Lạc Tiếp, Tô Hoài, Tô Thùy Yên, Trần Ðức Uyển, Trần Mộng Tú, Vũ Hữu Ðịnh, Vũ Thư Hiên, Vũ Hoàng Chương, Vương Ðức Lệ, v.v.

Ngoài ra, sau 1975, ông xuất bản truyện Đồng Cỏ (1973-74; Richmond, Aust.: Đồng Dao, 1994, bản in từ các phần đã đăng báo) và Nguyễn Đình Toàn Tiểu Thuyết (1: Áo Mơ Phai, Con Đường, Tro Than; 2: Đồng Cỏ, Giờ Ra Chơi, Ngày Tháng; Westminster CA: Người Việt, 2014).

*

Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Toàn tinh túy là vào thời văn học miền Nam trước 1975. Như nhà thơ, ông đã đến với văn đàn miền Nam với thi-tuyển Mật Đắng xuất-bản năm 1962. Đó là những bài thơ tâm sự lẫn lo âu của một người luôn bị bệnh tật ám ảnh – tâm tình của một con người mà như trăn trối. Tâm sự, vì đời còn có tình-yêu, có những theo đuổi, dang dở. Ông có những bài thơ rất tình, những câu rất gợi cảm, đầy hình ảnh,

"Nắng soi lọc vách giấy bồi

Mùi hoa hàng xóm chia đôi nỗi buồn" (tr. 78)

"Gục đầu trên gối bệnh / Mưa tràn hai mắt sâu

... Giếng hồn nghe ẩm lạnh / Giọt buồn lên kẽ rêu" (tr. 32).

"Lá rơi vàng cỏ lối em đi

Để đổi cho nhau những tờ thư mỏng" (tr. 18)

"Nước biển lấp đi những vết chân trên cát

Nào ngờ những bước chân đã đi vào hồn anh

Thành những vết thương..." (tr. 31).

 

Và những con chữ và tụ-ngữ bất ngờ:

"Mắt nàng trong – tôi nhìn thấy hồn tôi

Như người ta soi thấy bóng mình dưới đáy giếng khơi" (tr. 16)

"Cho những hạt mưa đầu mùa rơi xuống rất nhanh

Hay chỉ là hạt sương sa lạnh vai áo mỏng" (tr. 20).

 

Không khí thơ ở đây buồn cái bi quan của bệnh tật, Bệnh gợi những máu, mật, vi trùng lao,... và những cơn ho dai dẳng pha máu và nước mắt:

"Anh làm thơ cho em / Dù chỉ để đọc một mình

... tình-yêu là nước mắt / ... là đắng cay, là chua xót

Là những đêm không ngũ được

Đi tìm nhau trong nghĩa địa tha ma

Là máu tuôn trên ngực đỏ chan hòa

Là ghê tởm nhau không dám cầm tay nắm

… Rồi một mình anh trở về gác trọ

Giòng điện vàng như lối dẫn xuống âm ty

Nghe thấy chuyến tàu nào rứt áo ra đi

Và sặc sụa rú lên ở một khoảng đường sau lưng thành phố..."

(Tình-Yêu và Bệnh Tật, tr. 22-24)

 

Một tuyệt vọng vì bệnh tật không rời bỏ:

"Người đau đớn gục đầu trong giấc máu

Tháng ngày đi trong một chuyến thở dài

Người ấp ngực đau từng hơi cháy bỏng..." (tr. 8)

 

Ôm người yêu trong vòng tay mà tâm trí thì ở mãi một chốn u buồn:

"Tóc em cắt lên mặt anh những đường roi tê tái

Anh hủy hoại mình trong cảm giác đớn đau

Anh sẽ chết / Anh sẽ không còn gì cho em

Dù chỉ là một chút hơi ấm trên cánh tay gầy cho êm giấc ngủ" (tr. 14-15)

 

Dĩ nhiên nhà thơ vẫn có những ao ước, hy vọng:

"Cho tôi quỳ giữa giòng kinh mặn

Đau đớn buồn tôi cất cánh bay" (tr. 39)

 

Thơ ông sau đó rời bỏ Mật Đắng, mà ý tình, con chữ vẫn dịu êm như lời ru của một cuộc tình, của những cuộc tình, của những chia xa và hồi tưởng:

Ru em lần cuối cùng này

Bằng hơi mát của một ngày sắp xa

Bằng giờ phút sắp chia xa

Rồi thôi rồi chẳng bao giờ nữa đâu

Giòng kinh năm ngón son cầu

Với môi mặn với hồn trao nghẹn lời

Với sầu xưa ngút trên vai

Tóc xanh non với khuy cài áo thơm

Hàm răng mát tuổi má tròn

Đường thêu chỉ đã hao mòn đây em

Gió trời xin ngủ bình yên

Coi như giấc mộng ưu phiền đấy thôi

Mây cao với mắt trông vời

Soi gương trán bỏng quên người tôi đi” (Ru, Văn, 1965)

 

Thơ ông nhiều bài mang đầy nhạc tính và cũng đã được nhiều nhạc sĩ trong và ngoài nước sau này phổ nhạc như bài Khi Em Về:

“Khi em về trời xanh và gió mát

Con đường mòn thơm lá mục quê hương

Vườn cải ngồng rủ ong bướm về sân

Anh nằm đấy buổi trưa và tiếng nắng

   Mặt đất mềm bước chân em chợt nặng

Lá tre vàng dồn thổi mùa thu đi

Luống huệ ấy xòe những vồng hoa trắng

Và đầy thềm lá rụng liếp phiên che

   Quê mẹ đấy ưu phiền nhiều quá lắm

Hàng cau già mo thương bẹ quắt queo

Anh nằm đếm những ngày rồi những tháng

Đi qua dần khi nước mắt buông theo

(…) Trời sẽ tối, tiếc thương rồi sẽ hết

Và dấu giầy mai sẽ lá sương che”.

Ôi son trên môi còn in dấu người.

Và tóc như dao chia tình đôi.

Đêm hay gương soi nỗi buồn xa ấy.

Yêu người đã bỏ đời vui..." (Dạ Khúc)

 

Than van, kể lể khi cuộc tình đã rời xa, thần tượng của lòng tôi ngày nào đã mất:

“Hỡi thần tượng cuả lòng tôi quá khứ

Trả lại người đầy dĩ vãng yêu thương

Với điện đài xưa hoang phế u buồn

Tôi chỉ là sân rêu mòn đổ nát

   Trả lại người đây lời thơ tiếng hát

Của tuổi hoa ngày mật đã qua rồi

Tôi trở về với đêm tối hồn tôi

Lấy cỏ úa đăng quang niềm hối tiếc

   Tôi yêu người thơ ngây như đợi chết

Tay rã rời không vuốt kết nhớ mong

Kỷ niệm sầu tư , nước mắt âm thầm

Đem tha thiết để dỗ lòng kiêu hãnh

   Tôi yêu người bằng tình-yêu thần thánh

Nên bằng lòng gánh chịu nỗi cô đơn

(sự cô đơn đồng nghĩa với rẻ khinh)

Chẳng đủ kiêu sa , biến thành cay đắng

(...) Thơ buồn không đỡ nổi hồn què quặt

Anh chống tay vào chiếc nạng tình yêu

Em xa rồi tất cả cũng xa theo

Và tất cả còn trơ niềm trống vắng

   (…) Rồi khuất đi như những người đã chết

Cuộc đời còn và sẽ không bao giờ hết

Người ta sẽ hiểu rằng không gì hơn là đươc yêu nhau

Nên anh chẳng tiếc gì kể cả những đớn đau

Và làm thơ như con chim một mình nghe tiếng hót

Giọng chim buồn vì lòng chim đau xót

Thơ anh buồn vì anh yêu em

   Thôi giã từ kỷ niệm !

Thôi giã từ nhé em!…“ (Thần Tượng)

 

Và những điệu ru tình thành những lời đưa đẩy:

Tình vui theo gió mây trôi

Ý sầu mưa xuống đời

Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi

Mấy tuổi xa người

Ngày thần tiên em bước lên ngôi

Đã nghe son vàng tả tơi

Trầm mình trong hương đốt hơi bay

Mong tìm ra phút sum vầy

Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai

Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài

Lời nào em không nói em ơi

Tình nào không gian dối

Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say

Lá thốt lên lời cây

Gió lú đưa đường mây

Có yêu nhau xin những ngày thơ ngây

Lúc mắt chưa nhạt phai

Lúc tóc chưa đổi thay

Lúc môi chưa biết dối cho lời (...)(Tình Khúc Thứ Nhất).

 

Ở Nguyễn Đình Toàn, ý và lời trang trọng, ngay cả để diễn tả những nỗi thất vọng, chia xa; hồn thơ thì ở mỗi bài là một lần gia tăng nồng độ và sự đa dạng trong cái đồng nhất là Tình. Với Nguyễn Đình Toàn, “khó phân biệt giữa văn và thơ nhưng có thể nói thơ là khí hậu của văn-chương” sau khi cho biết “đôi khi tôi tưởng Áo Mơ Phai là một bài thơ dài” (“Phỏng vấn Nguyễn Đình Toàn“. Văn Học, số 179, 3-1974, tr. 96). Thật vậy, thi tính trong các truyện của Nguyễn Đình Toàn có thể tìm thấy trong tâm trạng lưu đày và đã mất quê nhà Hà-Nội, trong tình-yêu câm nín hoặc trễ tràng vì có thể với ông,  tình-yêu dễ là ảo tưởng vì phần nào do cái Tôi, vì nghi ngại, chậm chạp hoặc vì tự kỷ quá cao, trong quan hệ với tha nhân trút lại trong cảm thức chủ quan, và nhất là trong những tâm trạng buồn chán, cô đơn của nhiều nhân-vật. Truyện cũng như thơ Nguyễn Đình Toàn đều có dấu vết của Hiện sinh, khi diễn tả những quan hệ khả dĩ hoặc bất khả với tha nhân, trong việc trung thực với chính mình và việc mình làm và nhất là trong thái độ dấn thân: con người của hoàn cảnh, phải sống cái hôm nay, ở nơi đây, trong từng cảm xúc và hiện thực.

 

Chị Em Hải là tác-phẩm truyện dài đầu tay xuất-bản năm 1961. Về những cuộc tình, tuy không trơn tru, như ý, nhưng đơn sơ và rõ rệt, tức không lan man, lãng-mạn. Ý tưởng làm nền có thể đạo đức, triết lý, nhưng chỉ mới ở ngưỡng cửa những ý tưởng phi lý, buồn nôn. Tình yêu như một "thú" đau thương. Hải ham đọc sách, thông minh nhưng lãnh đạm đến với tình yêu, lần đầu là căn gác lỡ lầm đáng tiếc! Tình-yêu đến với Dung (với Hảo), em của Hải, như một đổi đời, từ cô bé thành thiếu nữ, từ âu lo đến khát khao và sung sướng. Và đến với người chị cả tên Phượng một cách nhẹ nhàng và nhiều hạnh-phúc tinh thần hơn xác thịt. Những người tuổi trẻ này "nghĩ ngợi suốt ngày và đêm bị nằm mê. Những khắc khổ đau đớn của cuộc đời vấy lấy họ. Vì họ đọc sách và biết nhiều họ sống lý tưởng nhưng lại biết rõ mình viễn vông và sự thất vọng tàn của họ (...) Họ thu mình trong chiếc vỏ cứng của cô đơn. Đó là một sự kiêu ngạo vô lý. Nhưng chính đó cũng là cứu cánh của họ. Nếu đập vỡ cái vỏ ấy, họ không còn là họ nữa, có thể họ sẽ tự tử vì không chịu nổi cái vô lý của hiện hữu mình...". Khi biết Tâm buồn vì sắp chết, sắp từ giã cuộc sống cô độc và phức tạp, cô đã cúi xuống hôn và thản nhiên: “Anh hãy hôn tôi đi. Tôi chưa để ai hôn tôi bao giờ đâu. Anh hãy hôn tôi đi” (tr. 46). Duy sẽ đến thế chỗ Tâm trong cuộc tìm kiếm tình-yêu của cô. Cùng với những người bạn nam nữ khác, “họ sống như những mảnh bom, mảnh đạn, nổ rồi, nhưng vẫn là những chứng tích của tàn phá” (tr. 78), như cô bạn tên Hiền sống phóng túng rồi phải chết khi mang thai.

 

Những Kẻ Đứng Bên Lề (1964, đăng nhật báo Tự Do), nhân-vật rõ nét hơn, “tiểu-thuyết” hơn mà cũng 'hôm nay' hơn! Thái, nhân vật chính, sống buông thả, sa đọa, nhưng cuối cùng bỏ Sài-Gòn để trở về với với ốc biển, với biển cả, nơi anh đã rời bỏ. "Tôi là một kẻ viễn vông, ưa suy nghĩ như một cái cây tự mọc lá" (tr. 25). Đúng vậy, con người tự nghĩ mình đứng bên lề, tự đặt lề cho mình, khởi từ một ý thức vô minh nào đó, như Thái tỏ bày với ông Phúc Thành: “Chúng cháu lớn lên giữa những chuyện mình không hiểu gì hết đó và phải đi tìm nơi lánh mặt. Rồi bày ra những trò chơi không cần đến sự hiểu biết” (tr. 14). Ở đây, những dằn vặt, khắc khoải hiện sinh, ý thức đi tìm, ngoài Thái là hai người nữ: Lệ, cháu ông Phúc Thành chủ của anh, và Thanh, một cô giáo hiền hòa, một nhà văn tên/họ Nguyễn, và Hiển, người bạn đang đi lính. Họ thường tranh luận sôi nổi về nhân sinh, cái chết, cả sôi nổi nhưng vội vàng trong làm tình. Những kẻ này ở bên lề thời đại (cũng có thể đi trước thời đại mình - tùy lăng kính!) có thể vì không như những con người khác, hay bên lề cuộc chiến? Cái chết đã hơn một lần ám ảnh: “Người chết đi là mất. Làm thế nào đừng ai phải chết vì bị giết, chết vì mã tấu, vì những hòn hồng, hòn gang cắm vào đầu vào mặt, giữa tim, giữa phổi? Làm thế nào để đừng bị giết và đừng phải giết người khác...” (tr. 57).

Bên lề vì cái thời 'hôm nay' như đang vây bủa làm ngột ngạt ý chí sống của con người, động từ 'chết' chia thời hiện-tại khiến con người không có được cảm giác bình an – một thảm kịch: “Những người sống người chết nào đó hàng ngày ở đâu xa, tôi không hay nhưng biết chắc là có, đang diễn ra trong vùng những tiếng nổ, những cuộc hành quân, những hầm hố trú ẩn,...” (tr. 148). Thảm kịch ý thức và tình ái cũng trở thành trò chơi thân xác dễ dàng hơn tình-yêu thực sự, vì “chúng ta ở ngoài nhau hết thảy”. Đó là đối với Lệ, còn với cô giáo Thanh thì lại là một 'bên lề' khác vì Thanh chưa rời khỏi vùng quá-khứ, mẫu mực và ẩn chứa cả một 'bầu trời hạnh-phúc' làm choáng ngợp và làm sợ Thái.

 

 Con Đường (1967, trích đoạn đã đăng tạp-chí Văn, từ số 15, 1-8-1964): Một câu chuyện độc thoại, hành động và lời đối thoại khá khiêm nhường, hành động qua cái nhìn của nhân-vật chính, lời đối thoại thường được kể lại xen lẫn những độc thoại. Các nhân-vật đều không tên gọi, ngoài tên tả là mẹ, ông nội, bà cô, “chàng”, ông khách, bà bạn, người đàn bà chung chuyến xe,... Nhân-vật xưng “tôi” là một thiếu nữ tật nguyền - nhân-vật của NĐT thường là phụ nữ. Con đường đến với tha nhân (người mẹ, người tình, v.v.), con đường tự tìm mình, đi vào thế-giới con người, bình thường, khác với thế-giới của kẻ tật nguyền.

Từ ngày tự biết mình là một kẻ tật nguyền thì thế-giới của tôi chỉ còn thu hẹp trên cái bao lơn này. Không phải tôi không còn tiếp xúc với ai trong nhà hay người ngoài, cũng không phải tôi không còn bước chân xuống phố nữa, nhưng những lúc ấy tôi cử động, sinh hoạt như sắm một vai kịch, tôi không phải là tôi. Chỉ có những lúc ngồi đây, trên cái bao lơn này, với bóng tối vây quanh, tôi mới thật là tôi, được tự do, dự phóng. Và từ đó tôi phải chịu nhận một khoảng cách với mọi người.

Làm thế nào được khi mình là một kẻ tật nguyền, bất bình thường? Bước ra khỏi thế-giới của tôi, tôi bị quan sát chứ không được nhìn ngắm. Có lẽ tôi quá bi quan về sự bất thường của mình, nhưng làm thế nào được, tôi không đè nén cũng không dấu được sự ấy. (…).

Một cô gái tật nguyền, tự nghĩ mình xấu - vì vết tràm đen trên má, mẹ đẻ theo trai bỏ bố con,  đưa đến cái chết buồn thảm của người bố, “tôi” sống bình thường (thi đậu Tú tài) nhưng vì “mẹ bỏ đi nên còn đành nín thinh”. Năm 17 tuổi được phép ông bà nội để tìm thăm mẹ, để nghe người mẹ phân trần và buộc “tôi” nhận chịp thân phận. Tủi thân đi tìm mẹ, và khi gặp lại thì càng tủi thân hơn. “Ngồi trên chuyến xe đò tôi nghĩ thầm “tôi không phải là kẻ tù đầy, tôi không có chỗ ở, tôi đến với mẹ tôi như một viếng thăm dù tôi không phải là khách””. Nhà mẹ bây giờ là một gia-đình khác, mọi ngưòi xem “tôi” như một kẻ xa lạ. Người mẹ an ủi theo cách xua đuổi máu mủ, “tôi” đành chấp nhận: “con phải nhận lấy cái phần của con. Những giọt nước mắt không lấp đầy được khoảng trống con nhìn thấy giữa con và mọi người “thân yêu”, nói gì người lạ. Mẹ đừng khóc nữa. Con cũng sẽ không trước mặt mẹ nữa. Mẹ có thương con cũng không ích gì. Con phải trở về nơi mẹ đã bỏ con, trở về nơi con-đã-sinh-ra-như-một-sự-tự-nhiên. Chỗ của con ở đấy”.

Vội vàng từ giã mẹ để trở về Sài-Gòn, trở về nhà bên bố, bên nội, nơi mà “tôi” cũng không được vui đón cho lắm. Chuyến xe có người nam đồng hành quãng đường dài, qua phà, … Nắng và mệt mỏi vì chuyến đi – và có thể vì câu chuyện “chàng” kể (chàng đóng quân ở nơi đợi phà, tình nguyện đến đây sau khi vợ chồng cô em gái đang mang thai đến thăm chồng, cùng chết bên nhau khi Cộng quân tấn công đồn), làm “tôi” ngất xỉu, được chàng đưa về nơi đồn trú nghĩ qua đêm. Sáng hôm sau “tôi” rời căn phòng và chưa bao giờ gặp lại “chàng”. “Sau chuyến đi tôi biết được điều này: không chắc gì những người mình tưởng xa lạ với mình đã thật xa lạ. Tôi mang ơn nhiều người. Tôi sợ hãi tất cả mọi kiểm tra về mình. Ngồi thu mình trên chiếc bao lơn này tôi không dấu gì được tôi. Vẫn khuôn mặt bàn tay nay. Con đường bên dưới bỗng dưng buồn hết sức. Tôi phải quyết định một vật gì. Tôi đã quanh quẩn với những nỗi buồn riêng của mình lâu quá rồi. Vài ngày nữa đây tôi sẽ 21 tuổi. Tuổi trưởng thành. Nghĩ vậy, một lần nữa tôi lại thấy mình muốn khóc”.

Ngày tháng đầy đưa “tôi” lên Đà-Lạt, gặp bà bạn cùng sở sống tự do sau hai đời chồng và khách của bà, một nhà văn viết kịch. “Tôi” đã ngủ với ông, đã nói yêu anh – người đã 'tỉnh bơ' tuyên bố sau lần ngủ chung “Bằng tuổi tôi, khi người ta nói yêu một người, câu nói ấy... chỉ biểu tỏ một chút cảm tình thành thật nào đó trong giây phút. Thế thôi. Người ta không để ý đến sự đằm thắm hay phai nhạt nữa”. Cho nên “tôi” lại bỏ trờ về Sài-Gòn tìm thăm với tự nhủ để vĩnh biệt mẹ. Trên con đường định mệnh đó, “tôi” trở lại đồn lính bên sông tìm lại “chàng” thì chàng sau lên thiếu-úy, có thể đã chết sau một cuộc tấn công của địch. Như vậy là tôi mất tất cả rồi, tất cả đều “không có gì đáng kể phải không anh. Không có gì thật, cả sự buồn vui, cả sự thành thực, cả sự gian dối, cả hạnh-phúc lẫn bi thảm”. Con đường tuyệt đạo cũng khép lại nơi đây!

Nhân-vật không tên – tại sao phải có tên?, phải chăng tác-giả muốn người đọc chú tâm hơn đến tâm sự, tâm thức và những biến thay trong suy tưởng, tình cảm? Con Đường thành công đưa người đọc 'nhập thân' vào thân phận con người, những thân phận bị bỏ bên lề, do tha nhân tàn nhẫn, không thông cảm và mở cửa tâm thức.

 

Ngày Tháng (1968) truyện kể lại thảm kịch của góa phụ tên Hà. Kỹ thuật tự truyện, trên nền độc thoại, với hình ảnh mở ra/khép lại bằng tâm thức, cảm nhận,... Ngôn-ngữ và giọng văn vẫn là của Nguyễn Đình Toàn, của Con Đường:

Khi anh còn sống tôi sống với anh và hưởng những giây phút êm đềm hay gay gắt cùng với anh, sự hiện diện của anh lẫn lộn với những xúc động đó trong tôi, và tôi không một lần để ý phân biệt. Bây giờ anh không còn nữa, tôi không ngờ sự trống trải anh để lại, lại rộng lớn đến thế. Tôi đã bơi đến muốn kiệt sức mà không ra khỏi, tôi đã ngụp lặn, ngoi ngóp, thở những hơi tanh nồng, buổi sáng trở dậy đánh răng rửa mặt tôi ngửi rõ mùi rỉ sắt trong nước, buổi tối nằm ngủ trên chiếc giường mênh mông chỉ có chỗ người chạm xuống nệm là đủ cho tôi tin được một mình không ngã, đôi lúc trở mình tôi hốt hoảng tưởng như mất đà và đang lao đầu xuống vực, choàng thức dậy, tôi muốn gọi anh, muốn gọi tôi, nhưng không cất được thành lời, bởi vì lời kêu gọi ấy cũng như cái chết của anh, tôi làm sao lấy lại được, hai mắt khô cứng và cay xót vì thiếu ngủ và đã mở hoài trong tôi. Mọi sự đối với tôi bỗng trở nên bưng bít, hơi thở đau trong ngực tim đập từng hồi thôi thúc, lúc thoi thóp như không còn theo được nhịp máu, tôi mê thiếp trong giấc ngủ một nửa, phải lấy tay bóp dưới ngực giúp máu chạy đều sau khi vùng thoát được cơn thoi thóp, núm vú căng dưới bàn tay sâm sấp mồ hôi, có những sự chuyển động như các gân máu chằng kéo bên trong và đang xiết lại. Những trận thức dậy không giờ giấc nhất định như thế, đã tập cho tôi thói quen hút thuốc lá. Buổi tối trước khi đi ngủ việc đầu tiên của tôi là phải kiếm bao thuốc và chiếc hộp quẹt để trên mặt bàn ngủ để lúc cần thì lấy châm hút. Ngồi một mình trong màn, lưng tựa vào thành giường, đốt thuốc nhìn ngó căn phòng với ánh sáng mờ của ngọn đèn ngủ, tôi tập thở khói ra đằng mũi, ngó những ngón tay mình, ngửi mùi thuốc bắt đầu bám khét trên đó, ngó nhìn chiếc tủ áo nơi góc phòng, khung cửa sổ đóng kín, nghe ngóng tiếng những con chuột lục lọi nơi phía nhà sau, có lần ngủ quên để điếu thuốc rơi xuống nệm suýt cháy nhà, tỉnh dậy thấy khói bay mù mịt ho sặc sụa phải chạy xuống bếp lấy nước dội bừa lên dập tắt, sau đó giường ướt sũng phải ngủ dưới đất nơi tấm cói trải sàn chỗ bàn khách, sáng dậy phải lau lại nhà cửa, gói chiếc khăn trải giường và chiếc chăn mỏng bị cháy vào một bóc giấy bỏ thùng rác trước khi đi làm, tự nghĩ giá đừng thức dậy đêm qua. Mùi cháy khét làm cho căn phòng thêm mờ ám, buổi trưa về thay quần áo tôi tự ngửi mùi trên vai và trên hai cánh tay mình. Chỉ là những mùi vị ảo tưởng mà thôi. Một chút gì đó nơi mình đã bị cháy thiêu cùng với chăn nệm”.

Chuyện tự sự của Hà, người nhiều tâm sự và có nhu cầu được nghe, được thống hiểu (“Tôi không thể chịu nổi nữa cái cảnh nói không ai nghe tiếng mình, có lẽ tất cả những người đàn bà không có ai yêu, hay người yêu đã chết đều hiểu rõ điều này, mặc dù tôi biết, tôi hiểu rằng, những điều tôi nói ra không có gì đáng nói, nhưng ý nghĩa của nó là được nói với người khác không phải nói một mình”). Sau khi chồng mất tích (“anh đã bị rơi máy bay đâu đó trong một khu rừng, tất cả chỉ còn lại một chút tro than, người ta đã phủ cho anh một lá cờ, thổi hiệu kèn vĩnh biệt, bồng súng chào người chết cho Tổ quốc”), Vinh là người nam đầu tiên. “Lần thứ nhất gặp Vinh khi vừa từ một tỉnh xa trở về Sài Gòn, cái nóng bức của thành phố cũ còn vây hãm lấy tôi làm cho tôi khiếp sợ. Ở đó đêm không thể ngủ thẳng giấc vì trời nóng và vì tiếng phi cơ bay lượn suốt hai mươi bốn giờ một ngày. Gió từ những bãi cát trắng chói mắt ngoài bờ biển và các dãy núi đá, về mùa hè, thổi tới như hơi nước sôi. Những cây thông trong vùng phi trường cháy đen vì gió. Hoa phượng vĩ trên các hè đường giống như những tia lửa nhìn thấy đằng sau các chiếc phi cơ phản lực đinh tai nhức óc lên xuống mỗi phút. Đời sống cũng bàng hoàng như tin tức về cuộc chiến tranh mỗi ngày đè nặng lên đất nước, tiếng bom đạn và động cơ rung chuyển nhà cửa, người nói chuyện không nghe thấy tiếng nhau. Người lớn ngày tắm hai ba lần vẫn nóng, trẻ con rôm sẩy đầy mình. Tôi có thể nói một điều gì về Vinh trong tình trạng này chăng? Hơi lửa mặt trời còn chạy rần rần trong máu chưa thoát khỏi các lỗ chân lông cùng với cái chết của chồng tôi còn ở bên cạnh những đêm ngủ một mình. Vinh mời tôi uống một tách trà trong ngày đầu tiên ấy và tôi nghĩ anh còn trẻ hơn tôi nhiều. Buổi chiều đó cơn mưa thổi bụi và lá vàng bay xao xác trong công viên ở phía bên kia đường. Tôi nghĩ giá được sang ngồi trên chiếc ghế đá ở góc vườn hoa lúc đó cũng thích. Vinh bỏ đường, vắt chanh vào tách trà cho tôi. Chén trà ấy sẽ là phai đi phần nào lượng mặt trời đang muốn biến tôi thành cây thông cháy trong phi trường. Khi Vinh hôn tôi cái hôn đầu tiên, tôi nghĩ, cuộc hỏa hoạn đã được dập tắt, tôi bắt đầu phải thở hết thán khí ra khỏi ngực. Mấy ngón tay Vinh thơm mùi vỏ chanh. Mùi thơm ấy báo hiệu rằng tôi phải làm người làm vườn trở lại. Phải trồng trọt lại những tình cảm của mình. Trên mảnh đất tôi không nhìn rõ mặt. Trên mảnh đất tôi đã khóc than và đã chôn một quãng đời của mình”.

Hà dọn về sống trong một `chung cư` và chung đụng, gặp gỡ một xã-hội ồn ào, phức tạp nhưng mới của thủ đô: một người Mỹ, một bà giáo già người Pháp, cô sinh viên, những nhà văn, nhà báo, một giáo-sư Triết (xác chết thì đúng hơn!), v.v. Nơi mà Vinh thỉnh thoảng ghé qua, ngũ trưa, ngũ vùi sau những cuộc `giao tình`. Nơi mà người bạn Hoa-Kỳ cũng đến hỏi cưới Hà. Truyện kết thúc khi Vinh ở tù ra vì tìm cách xuất ngoại bất hợp pháp, nay bị động viên, còn Hà thì rã rời, không lối thoát và không định hướng – đã và vẫn sẽ là đời-sống như định mệnh của nàng!

Lúc tôi trở dậy được để lo tắm rửa đi ăn thì đã giữa trưa, tôi phải thoa vội lớp phấn trên mặt vì da tôi xanh một cách dễ sợ, tôi nói với Vinh, em mệt quá, tôi cũng bắt đầu nhận ra tuổi già của mình trên hai quầng mắt sâu đen, đó là nhan sắc cuối cùng của tôi, chúng tôi tới tiệm ăn cơm, sau đó chúng tôi ra phố và tôi đi tìm mua cho Vinh những thứ vật dụng lặt vặt để anh mang vào quân trường, tôi nhớ mãi khuôn mặt mình nhìn thấy trong gương, với tuổi này tôi sẽ chờ đợi cái gì đây, tôi mua quần áo lót, khăn tay, thuốc lá, dao cạo cho Vinh, và cầm hộp dao trong tay lần này, tôi nghĩ đến lúc cầm đứng lưỡi dao cứa lên những đường gân máu trên cổ tay, đó cũng là cách tưởng tượng tốt nhất, tôi mải mua đồ, mải nghĩ, đến một lúc tôi chỉ còn thấy một mình tôi đi trên những phiến gạch vuông của một hè đường có bóng cây cao, có nắng chói lóa, chỉ còn một mình tôi, Vinh đã biến mất”.

 

Một trong những truyện dài cuối của ông trước 1975 là Đồng Cỏ đăng nhật báo Chính Luận trong năm 1973-74, được một độc giả cất giữ các trang báo gởi lại cho gia-đình nhà văn và được xuất-bản ở Úc năm 1994. Truyện feuilleton này nhiều chấm câu và xuống hàng không như các truyện dài trước đó dù đăng báo từng kỳ. Truyện lấy bối cảnh của thủ đô Sài-Gòn cũng là những mảnh đời-sống hôm nay đầy tâm tư của Phụng, nhân-vật xưng “tôi”, một cô xướng ngôn viên làm việc ở đài phát thanh Sài-Gòn.

Sống ở Sài-Gòn nhưng tâm tư luôn hướng về Hà-Nội; mỗi sự vật, biến cố của Sài-Gòn được so với Hà-Nội,…: “Tôi không được nhìn thấy Hà-Nội mưa, nhưng tôi chắc Hà-Nội không thể có cái mưa Sài-Gòn. Hà-Nội nhìn thấy lại qua những tấm ảnh, Hà-Nội trong văn-chương, Hà-Nội được nghe kể lại, đều có một vẻ gì ẻo lả. Mưa trên cái ẻo lả đó chắn hẳn phải là thứ mưa buồn bã.

Mưa Sài-Gòn mạnh khoẻ hơn.

Cây cối dù ướt sũng, đường phố dù có chỗ nước chưa thoát hết cháy xối trong các ông cống, nhưng Sài-Gòn giống như một người đàn ông có sức lực, mưa không đủ làm cho phải ngừng hoạt động.

Nhà cửa nhìn thấy không có vẻ lạnh lẽo. Những tầng nhà cao ngất, xe cộ qua lại, hàng quán đông đúc, phố xá san sát tựa những bắp thịt trên bộ ngực nở nang, trên bắp tay rắn chắc.

Sài-Gòn như vậy có lẽ nhờ thời tiết của Sài-Gòn.

Dù mưa mù trời như vậy, nhưng không khí vẫn đủ ấm, mặt trời chỉ tạm khuất đi trong chốc lát, trong một phút, trong một giây, sẽ mọc trở lại.

Hà-Nội đàn bà vì Hà-Nội lạnh.

Sài-Gòn đàn ông vì Sài-Gòn nóng.

Ôi giá cái nửa đàn bà đa tình, quyến rũ đó, kết hợp được với nửa cái đàn ông này, đất nước sẽ sung sướng biết bao?”.

Truyện xảy ra sau những trận tấn công Tết Mậu Thân 1968 và Phụng sắp từ nhiệm: “Kể từ hồi Tết Mậu Thân cái cơ sở làm việc này trở nên buồn thảm. Cái cơ sở này trong thời-gian làm việc này đã trở thành như căn nhà thứ hai của tôi, bị đập nát, mỗi khi phải bước qua đống vôi rữa đó, vào làm việc, tôi không khỏi đau lòng.

Trong nhiều ngày, sau vụ Mậu Thân, tới nơi làm việc này, ngồi trước máy vi âm, tôi đã không thể nào đọc được một cách bình thường nữa. Sự đổ vỡ, tan nát, tôi nhìn thấy, hình như bám chặt trong giọng nói. Mỗi dòng chữ đọc lên tôi tưởng chừng đều vương vất những tro tàn, cỏ dại, trên cái nền cũ, đã bắt buộc phải bước qua để vào làm việc.

Tôi e rằng tôi đã không dấu hết được những hình ảnh sầu thảm trông thấy, tôi không quên được nên chắc chắn nó đã hiện ra trong giọng nói của mình. Hôm nay tôi sẽ nói lời giã từ cả với những vật âm thầm đó trước khi đi”.

Phụng nghĩ về ngày cuối thu âm và dự cảm tương lai sẽ đến một nơi nào đó, làm xướng ngôn viên ở một nơi chốn khác, nơi xứ người chẳng hạn: “Mai đây tới cái chốn xa xôi đó, công việc của tôi không thay đổi, nhưng có phải mỗi tiếng nói của tôi sẽ mang một ý nghĩa khác? Những bản tin chắc chắn không hoàn toàn chỉ còn là những bản tin nữa mà nó còn có thể là những lời kêu gọi quê hương, gửi vọng từ chân trời về”.  Nguyễn Đình Toàn đã ghi lại nỗi lòng lữ thứ của Phụng, ở tác-phẩm cuối trước 1975 này, như một tiên đoán – ở đó, tình yêu quê-hương và tiếng nói đẽ/sẽ quan trọng hơn bất cứ gì khác: “... Cứ tưởng tượng ra cái thời khắc lòng tư hương chĩu nặng như kẻ lữ thứ trong bản nhạc Phụng đủ thấy lòng mềm nhũn. Tôi có sẽ hướng về quê-hương đau khổ này, như bông hoa hướng dương đổ về phía mặt trời?

Lòng yêu mến xứ sở, quê-hương, có nhiều khi người ta tìm thấy được trước nhất trong ngôn-ngữ.

Có thể như thế được chăng?

Tiếng nói cho người ta sống trước những kinh-nghiệm, sống lại những kỷ niệm. Chỉ ngôn-ngữ mới chạm tới được những phần sâu thẳm nhất của tâm hồn người ta, và tạo nên cơ hội cho người ta nghe thấy sự rung động hay yên lặng của tâm hồn mình.

Có phải chăng những tiếng nói người ta cất dấu trong lòng, giống như những cơn gió để dành, những cơn gió đã được định hướng, một lúc nào đó, sẽ thổi đưa tâm trí về chốn cố hương?”.

Đồng Cỏ không chỉ là cây, cỏ, Cúc Tần hay rắn, chim, v.v. mà còn là chốn không-gian nơi con người đắm chìm trong suy tưởng, nhớ nhung, khắc khoải và thử nhìn xuyên qua màn mây mù của những cơn mưa bất chợt, mường tượng ra một tương lai cho bản thân và tập thể.

*

Trong các truyện ngắn như Đêm Lãng Quên, bút pháp Nguyễn Đình Toàn mang nhạc tính, trầm lắng, chất chứa quá vãng và dài nội tâm vẫn theo ông đến với độc giả, đã mở truyện như sau: “Không khí bỗng trở nên nặng nề khó thở. Mùa Hè bao giờ cũng bắt đầu như thế. Bắt đầu bằng những đêm thức khuya hơn của những nhà kế cận, bắt đầu bằng những tiếng nước chảy xối xả của những người tắm khuya, bắt đầu bằng những đám bụi phủ đầy trên các khung cửa sổ, dù đã được phủ bụi hai ba bận mỗi ngày. Sự oi bức đã làm cho lũ trẻ biếng chơi và hay khóc. Người ta mong đợi những trận mưa. Nhưng đối với một lão già như ta, cái nóng bức dù sao vẫn còn dễ chịu hơn là những ngày giá băng (giá băng như cái thành phố xa tít nào ta đã sống những năm khoẻ mạnh nhất của đời mình, đánh bạc thâu đêm suốt sáng, nhưng vẫn có thể gần gũi đàn bà ngay sau đó, và lại cũng ngay sau đó, có thể tiếp tục ngồi vào bàn bạc), cái rét cắt thịt da, mùa Đông chỉ cần vô ý vấp chân vào một hòn đá ở ngoài đường, cái đau tưởng không bao giờ dứt. Mùa Đông. Cái mùa Đông lướt thướt sương mù buổi sáng trở dậy thở ra khói mũi, những đám sương muối, dày dặc đến đỗi khi người ta đứng giáp mặt nhau mà không nhìn thấy, cái lạnh thấu xương làm run lật bật cả chân tay. Cái lạnh và đàn bà, đó có lẽ là nguyên nhân gây ra căn bệnh tê thấp khốn nạn của ta giờ đây. (…) ta đâu có ngờ ta đã mang theo cả cái thành phố đó trong xương tủy bằng một chứng bệnh. Cái bệnh này thật là bại hoại quá sức. Nó làm cho ta mất bao đêm không thể chợp mắt. Mỗi cơn tưởng như nó rút gập cả xương sống lại, cơn đau âm ĩ kéo dài trong suốt mùa mưa, không khí ẩm thấp của những ngày mưa đã ảnh-hưởng dữ tợn đến căn bệnh, các bắp thịt bắt đầu mềm nhũn dưới lớp da nhăn nheo, cứ bóp thắt lại từng cơn làm cho rời rã...” (tr. 9-10). Tiếp là những câu văn thật dài khi nhân-vật lão tuổi 60 lùi sâu về quá khứ của … đêm lãng quên.

Bên cạnh đó, Nguyễn Đình Toàn đã có một số truyện ngắn theo khuynh-hướng “tiểu-thuyết mới” nhưng ở ông, thế giới và nhân-vật không nhất thiết phải vô cảm, phải vật vờ như những tĩnh vật hay ù lì không cần thiết.

*

   Về kỹ thuật, tiểu thuyết đầu Chị Em Hải xuất bản năm 1961, cốt truyện, nhân vật rõ rệt và động tác giản dị. Tác giả chi tiết ở những mô tả y phục và cử chỉ nhân vật. Đến Những Kẻ Đứng Bên Lề (1964), nhân vật phức tạp hơn, có sinh khí hơn, trong một cuộc sống đầy bất trắc của chiến tranh, nhưng đồng thời để nhân-vật lý luận nhiều hơn suy nghĩ. Con Đường (1967) đánh dấu một chặng đường mới trong việc tìm kiếm kỹ thuật và ngôn ngữ, trước đó, ông "thường bận tâm về vấn-đề  của cuốn tiểu thuyết sẽ viết, kể từ cuốn Con Đường tôi bận tâm về vấn-đề viết chính cuốn tiểu thuyết đó nhiều hơn" như lời ông xác nhận trong một phỏng vấn của tạp chí Văn (số 207, 1-8-1972, tr 101). Đến Áo Mơ Phai (1972), giải thưởng Văn-học Nghệ-thuật 1973, yếu tố "truyện" nhường chổ cho "truyện kể" để tác giả kể hồi ức, kỷ niệm.

Tập tiểu thuyết bắt đầu như sau: "Hà Nội 1954, tháng sáu chưa hết, nhưng mùa Thu đã đầy hơi lạnh. Buổi chiều im trong văn phòng bước ra tới cửa Tòa Đô Chánh, Quang đã có thể trông thấy sương mù trên mặt hồ Gươm" (tr. 7). Và kết thúc ở trang 309: "Lan ao ước được hòa hợp; được tan biến vào Hà nội, đồng thời nàng cũng hoảng sợ khi tưởng tượng ra nàng đang kề sát mặt mũi mình bên cạnh cái xác chết đang bắt đầu lạnh ngắt. Nàng cũng mong mỏi một buổi chiều nao ngồi ở bao lơn đó, nàng sẽ trông thấy Quang đi tới. Lan không gọi nhưng Quang cũng sẽ ngửng lên và trông thấy nàng. Họ sẽ phải gặp nhau một lần cuối cùng như thế trong Hà nội, rồi có sẽ gặp nhau ở nơi xa xôi nào khác nữa không, là việc sau. Lòng mong đợi gay gắt đến nỗi, đã có khi Lan tưởng như nàng sẽ chết thật, sẽ không bao giờ thở được nữa".

Ở giữa là cuộc sống bình thường của những nhân vật vốn là bạn hữu và gia đình trong chốn không gian đó! Mất mát và đợi chờ là nội dung của truyện, nếu người đọc muốn ngừng lại ở một nội dung, một cốt truyện, một thảm kịch. Kỹ thuật rõ rệt đã tiến đổi, như tác giả xác nhận: "Mỗi tác phẩm đã viết ra như que diêm đã được đốt cháy, nhà văn có bổn phận phải sang tạo, dù rằng toàn bộ tác phẩm chỉ là sự nối dài từ cuốn đầu tiên. Nhiều người đã nói tôi dùng lối viết quá dài, cả trang không chấm trong Áo Mơ Phai này mới mang đủ sắc thái không khí của Hà Nội. Nhân vật chính trong tác phẩm không phải là những nhân vật được nhắc tới trong sách mà chính là thành phố Hà Nội. Ai sống ở nơi này thường có cái cảm tưởng đang song trong một giấc mơ, có lẽ là giấc mơ không bao giờ phai nhạt với sương mù cơn mưa sướt mướt hơi lạnh của mùa thu... Áo Mơ Phai thoát ra từ cơn mơ đó từ khi tôi xa Hà Nội mới 17 tuổi..." (Văn Học. Bđd, tr. 94-95).

 

 Nguyễn Đình Toàn từ thời trẻ đã mang mặc cảm bệnh tật (mừng cho ông vui khoẻ, lạc quan, ở hải-ngoại, rời nước trễ, sau nhiều thập niên đọa đày trong nước), đọc ông (và nghe ông qua đọc truyện từ đài phát thanh), người ta cảm nhận được những khắc khoải, nhức nhối về sông chết, từ tâm trạng đó đưa đến những trang độc thoại dài, nhưng tác-phẩm của ông không nhàm chán. Trái lại, hình-thức luôn có sự đổi mới dù tâm thức tác-giả vẫn vậy, dù có vẻ không thoát được độc thoại nội tâm, nhưng chắc chắn đã có những thay đổi trong cách nhìn cuộc đời, người khác và tự nhìn mình, khiến văn-chương ông vẫn thu hút người đọc.

 

Tóm, từ Chị Em Hải qua Con Đường đến Ngày Tháng, Áo Mơ Phai, v.v., từ thơ (sau này là nhạc) đến truyện, ông luôn đến gần độc giả, ngày mỗi đông hơn, thuộc nhiều thành phần, những độc giả sống với quá vãng cũng như kẻ chuộng văn-chương tân kỳ (truyện khuynh-hướng “tiểu-thuyết mới”, hiện sinh, …). Nhân-vật cũng như văn-chương của Nguyễn Đình Toàn đặc thù, cá nhân (theo nghĩa cá biệt), hình như không đi chung đường với những người chung quanh, cũng không phải tuân theo những mẫu mực xã-hội “hôm nay”.

 

 

Nguyễn Vy Khanh
Số lần đọc: 1347
Ngày đăng: 14.12.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc thơ tình của một người lính cũ - Hoàng Thị Bích Hà
Tứ tuyệt tình trong thơ Đoàn Quân - Đặng Ngọc Như
Lâm Thị Mỹ Dạ, thơ là cái đẹp - Nguyễn Đức Tùng
Về với Kinh Bắc qua văn truyện của Trần Thanh Cảnh - Hoàng Thị Bích Hà
Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm (Kỳ cuối ) - Phan Tấn Uẩn
Đến với bài thơ hay của cố thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm - Hoàng Thị Bích Hà
Thơ Phạm Ngọc Thái đối chiếu với thi phẩm nổi tiếng của Hàn Mặc Tử - Nguyễn Thị Hoàng
Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm (Kỳ 3) - Phan Tấn Uẩn
Đời lá hay là nỗi đau kiếp người - Hoàng Xuân
Cung bậc của nỗi xót xa hay là nỗi đau trần thế - Hoàng Xuân
Cùng một tác giả
Thơ Du Tử Lê (tiểu luận)
Thơ Hôm Nay (phê bình)
Lục Bát Huy Tưởng (nghệ thuật)