Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.209
123.205.934
 
Hai “Đại gia âm nhạc” của hai gia đình Phạm Duy & Lữ Liên
Nguyễn Vĩnh Căn

 

Trong làng âm nhạc VN, phải nói, rất hy hữu để có được hai gia đình mà từ cha mẹ đến con cái đều tham gia vào lĩnh vực âm nhạc: ca hát và sáng tác một cách nổi tiếng. Đây là hai gia đình rất môn đăng hộ đối về âm nhạc.

Đó là gia đình nhạc sĩ Phạm Duy và gia đình nhạc sĩ Lữ Liên. Cả hai tồn tại trong cùng một thời điểm. Nhạc sĩ Phạm Duy (1921 – 2013) và nhạc sĩ Lữ Liên (1920 – 2012). Năm sinh và năm tử chỉ cách có một năm và đều có tuổi thọ là 92 năm. Hai gia đình lại là thông gia với nhau khi có danh ca Tuấn Ngọc con trai của bố Lữ Liên, kết hôn với ca sĩ Thái Thảo con gái bố Phạm Duy.

Nhạc sĩ Phạm Duy có vợ là ca sĩ Thái Hằng (chị của nữ danh ca Thái Thanh) Gia đình có tám người con: Duy Quang, Duy Minh, Duy Hùng, Duy CườngThái HiềnThái Thảo, Duy Đức, Thái Hạnh, và các con ông đều được ông hướng dẫn theo nghiệp nhạc, đều có thành công trong lĩnh vực của mình: con trai cả là ca sĩ Duy Quang, rồi đến nhạc sĩ hòa âm Duy Cường, con gái là các ca sĩ Thái HiềnThái Thảo. (theo Wikipedia)

Nhạc sĩ Lữ Liên có vợ là kịch sĩ Thúy Liễu. Những người con của ông đều gắn bó với âm nhạc, là các ca sĩ: Bích ChiêuTuấn NgọcAnh TúKhánh HàThúy AnhLan AnhLưu Bích. (theo Wikipedia)

Nếu để con cái thành danh nổi tiếng thì gia đình nhạc sĩ Lữ Liên nổi trội hơn gia đình nhạc sĩ Phạm Duy. Trong khi gia đình Lữ Liên gần như người con nào cũng đều tham gia trong lĩnh vực ca hát. Nhưng có 5 người con nổi trội hơn hẳn là các danh ca: Bích ChiêuTuấn NgọcAnh TúKhánh HàLưu Bích... Trong khi gia đình Phạm Duy chỉ có 3 người con trong số 7, thực sự thành danh: Duy Quang và Thái Hiền bên ca hát, còn Duy Cường bên hòa âm phối khí rất nổi tiếng.

Nhưng xét về quan hệ dòng tộc, bên nhạc sĩ Phạm Duy bề thế hơn. Cha của Phạm Duy là Phạm Duy Tốn là một nhà văn xã hội đầu tiên của nền văn học thế kỷ 20. Với tác phẩm “Sống chết mặc bay”. Đặc biệt bên đàng vợ là Thái Hằng – từng một thời là ca sĩ với ban Thăng Long thì cả một bồ đoàn ca nhạc sĩ gồm: anh cả là kịch sỹ Phạm Đình Sỹ, hai anh là Phạm Đình Viêm (Hoài Trung) và nhạc sĩ Phạm Đình Chương (Hoài Bắc), em là danh ca Thái Thanh…Có cháu là ca sĩ Mai Hương, Ý Lan…

Xét về sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Phạm Duy có một gia tài đồ sộ cả 1000 ca khúc gồm đủ thể loại. Trong khi nhạc sĩ Lữ Liên chỉ chuyên sáng tác thể loại ca khúc hài tiếu trào phúng khoảng 30 bài.

Nhìn chung, xét về ca nhạc…Về ca hát thì bên gia đình Lữ Liên thắng thế hơn nhờ có 5 người con danh ca. Nhưng xét về bên sáng tác nhạc thì gia đình Phạm Duy nổi trội hơn. Có nhạc sĩ thiên tài Phạm Duy. Duy Quang ngoài ca sĩ vẫn có khoảng 20 sáng tác: Kiếp đam mê, Bài thơ vu quy, Nắng quê mẹ, Chẳng còn như xưa…

Những giọng ca nổi tiếng của gia đình Nhạc sĩ Lữ Liên:

Bích Chiêu - Một giọng ca ngẫu hứng nhạc Jazz

Bích Chiêu là một nữ ca sĩ trước năm 1975, nổi tiếng với ca khúc Nỗi lòng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh. Tên tuổi Bích Chiêu nổi danh khắp tụ điểm giải trí, phòng trà với lối hát jazz đậm chất ngẫu hứng. Bích Chiêu còn cùng em trai là ca sĩ Tuấn Ngọc tạo thành đôi song ca nổi tiếng một thời. . (theo Wikipedia)

Tuấn Ngọc - Một giọng ca dị thường.

Tuấn Ngọc sở hữu một giọng nam cao – tenor, chất giọng khỏe khắn với những nốt nhạc cao rất chuẩn xác… Với tôi, Tuấn Ngọc là một giọng ca dị thường, mới nghe lần đầu rất khó nghe: vừa ngượng ngọng, vừa khê khê, khi ngân thì rụng bụng như dê, có khi giọng ngân rung lập bập như người bị rét run. Giọng ngân rung không đều tần số. Tôi vẫn thường cho rằng chất giọng Tuấn Ngọc như một loại rượu khê, nhưng với dân ghiền thì rượu khê là rượu ngon khoái vị. Giọng ca Tuấn Ngọc thường dành cho giới thượng ngoạn trí thức thượng lưu, chứ người nghe bình dân thì không mấy phổ biến. Phần tôi chỉ thích nghe một số bài của Tuấn Ngọc: Riêng một góc trời, Phôi pha, Tiễn em…hát xen kẻ với các ca sĩ khác thì nghe như đổi món nghe rất khoái nhĩ, nhưng nếu để nghe hết cả dĩa thì cũng hơi bị tra tấn.

Nhưng phải nói, giọng ca của Tuấn Ngọc rất được nhiều người hâm mộ và có uy tín trong giới truyền thông và giới sành điệu âm nhạc. Kể cả các ca sĩ đương thời vẫn nể phục giọng ca Tuấn Ngọc. Tôi nghĩ, lẽ ra giọng ca của Elvis Phương phải ăn đứt Tuấn Ngọc, vì khi Tuấn Ngọc đang hát nhạc ngoại quốc thời điểm 1972, Elvis Phương đã nổi như cồn với ban nhạc Phượng Hoàng hát nhạc VN.

Xét về giọng ca, Elvis Phương không hề thua kém, thậm chí Elvis Phương có giọng ca nội lực và trầm ấm và tròn vành rõ chữ hơn Tuấn Ngọc. Elvis Phương lại còn có giọng nức khá điệu đà…Vết thù trên lưng ngựa hoang, Không, Áo anh sứt chỉ đường tà… Ngay cả ca sĩ Vũ Khanh, chính nhạc sĩ Từ Công Phụng đã nhận định: trong làng âm nhạc VN, có hai ca sĩ Tuấn Ngọc và Vũ Khanh là chuẩn mực về giọng ca hơn cả, tuy nhiên để tròn vành rõ chữ thì ca sĩ Vũ Khanh có phần nổi trội hơn. Thế mà vị trí trong lòng khán giả, Tuấn ngọc vẫn ưu thế hơn mới là lạ!!! Cho nên mới thấy rằng, trong âm nhạc không phải cứ hay là hơn.

Anh Tú - Giọng ca mong manh tựa pha lê

Khác với người anh Tuấn Ngọc với chất giọng điệu đà, Anh Tú sở hữu một giọng ca nhẹ nhàng, dễ thương, giản dị đến tự nhiên, không màu giáng. Anh Tú hát tựa như đang tự sự tâm tình nên người nghe dễ cảm thấu được những cảm xúc của lời ca. Lần đầu tiên được nghe Anh Tú hát “Buồn ơi! Ta xin chào mi” của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nghe mênh mang một nỗi buồn man mác, sâu lắng chi lạ!! Rất tiếc Anh Tú mất sớm khi sự nghiệp ca hát đang độ chín muồi (1950 – 2003).

Anh Tú nổi tiếng với những nhạc phẩm ngoại quốc êm dịu, đặc biệt là nhạc Pháp, nhưng anh cũng trình bày rất truyền cảm những nhạc phẩm tình cảm Việt Nam. Giọng hát của anh rất thích hợp với những tình ca nhẹ nhàng như Tuổi Xa Người, Linh Hồn Tượng Đá, Bài Không Tên Số 6, Tưởng Rằng Đã Quên… Sau khi sang hải ngoại, anh còn rất nổi tiếng với ca khúc nhạc hoa lời Việt của Khúc Lan như Chiếc Lá Mùa Đông, Đôi Bờ, Một Thuở Yêu Người, Những Lời Dối Gian… (trích nhacxua.vn biên soạn)

 

Khánh Hà: Một giọng ca tuyệt kỹ

 

Trước 75, Khánh Hà bắt đầu nổi với ca khúc “Bay đi cánh chim biển” của Đức Huy.. Có lẽ, Khánh Hà thực sự thành công khi qua bên trời Mỹ để trở thành Nữ Hoàng không đối thủ về các ca khúc trữ tình, lãng mạn, tiền chiến….Đó là một giọng ca có chất giọng đẹp, điêu luyện đến trong từng câu chữ, nén nhã chữ một cách đầy tinh xảo nhưng vẫn đượm cảm xúc tràn đầy.

Ai nghe nhạc Khánh Hà sẽ thấy cái nấc độc đáo như toát lên từ sâu thẳm sự đau đớn, nhưng không bi lụy, giả tạo và sến như một số ca sĩ khác. Cái nấc đó đôi khi là chút duyên dáng cho giọng  hát. Khánh Hà diễn tả ca khúc, rất điệu đà từng câu chữ, nhưng sự điệu dáng nó được che giấu bởi kỹ thuật điêu luyện thanh nhạc và phần hồn cảm xúc đã lấn át để người nghe cảm thấy rất tự nhiên, và không khiên cưỡng như Ý Lan.

Những năm trước 75, Khánh Hà nổi tiếng với ca khúc Bay đi cánh chim biển của nhạc sỹ Đức Huy. Một bài báo viết về Khánh Hà:

Nữ ca sĩ Bay đi cánh chim biển gây ấn tượng bởi giọng hát ngọt ngào và phong cách thời trang gợi cảm, quyến rũ cùng khả năng vũ đạo bốc lửa. Cô được đánh giá là có tiếng hát sang trọng, đầy cá tính.

Theo cảm thụ của tôi về Khánh Hà, với giọng ca điêu luyện, nhấn nhá nhã chữ rất điệu nghệ. Ngân rung luyến láy rất tinh tế, với tiếng nức nghẹn ngào tạo cảm xúc cho người nghe. Với kỹ năng thể hiện ca khúc hết sức tinh tế và đầy cảm xúc như thế, tôi nghĩ tiếng ca của Khánh Hà gần như không có đối thủ. Khánh Hà: với “giọng ca tuyệt kỹ vô tiền khoáng hậu”.

Lưu Bích: Một phiên bản của danh ca Khánh Hà. Nếu Khánh Hà điệu đà, thì Lưu Bích nồng nàn say đắm. Khánh Hà già dặn trong mặn mà, thì Lưu Bích sôi nổi trẻ trung. Khánh Hà điêu luyện trong giọng hát thì Lưu Bích tràn đầy cảm xúc trong ca khúc. Lưu Bích rất hạp với tình khúc nhạc trẻ. Ở đó, là đất diễn đã chắp cánh giọng hát Lưu Bích đến tận cùng của một miền cảm xúc tuyệt diệu. Lưu Bích nổi tiếng với các ca khúc: Làm sao có anh, Đêm Nay Em Thấy Cô Đơn, Nụ Hôn Khó Quên, Hạnh Phúc Trong Tầm Tay, Niềm Đau Của Cát…Ngoài ra, cô còn sở hữu một nhan sắc: trẻ trung, quyến rũ, gợi cảm, năng động.

Tóm lại: Sự nghiệp âm nhạc của gia đình Lữ Liên chỉ với nam danh ca Tuấn Ngọc và nữ danh ca Khánh Hà, hai anh em gần như thâu tóm danh hiệu “Đệ Nhất Danh Ca” dòng nhạc: Tiền chiến và trữ tình một cách vô đối.

Ca nhạc bên gia đình nhạc sĩ Phạm Duy

Duy Quang - Tiếng hát của chàng thư sinh

Giọng ca Duy Quang không có âm lực nổi trội như Elvis Phương, không có cá tính đặc thù như Tuấn Ngọc. Giọng ca Duy Quang với chất giọng nhẹ nhàng, tự nhiên chứ không phô diễn kỹ thuật. Giọng ca Duy Quang chân chất hiền hòa như một dòng sông nước chảy êm đềm, làm cho người nghe có cảm giác gần gũi để chạm đến trái tim. Giọng ca Duy Quang từ trước đến nay luôn được mệnh danh là “tiếng hát chàng thư sinh học trò”. Xem thế mà, những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên: Thà như giọt mưa, Hai Năm tình lận đận, Cô bắc kỳ nho nhỏ, Em hiền như Ma sơ…khó ai có thể hát chuyển tải cảm xúc qua được Duy Quang.

Duy Cường Phù thủy hòa âm phối khí

Duy Cường vốn là thần đồng âm nhạc. Lúc nhỏ phải lén bố Phạm Duy để tập đàn piano. Đến năm 13 tuổi, vì nhu cầu, anh Duy Quang bất ngờ gọi Duy Cường ra Club Mỹ ở Nha Trang chơi nhạc. Chỉ một tuần tập đánh Organ mà đã chơi cho dàn nhạc The Free one’s của các anh Duy Quang, Duy Minh, Duy Hùng…một cách trôi chảy. Lúc chơi đàn Organ cao hơn người, nên phải kê bục lên để đứng. Sau 75, Duy Cường nghiên cứu và học thêm về hòa âm, phối khí. Duy Cường có phong cách hòa âm rất cá biệt, không lẫn được với ai khác. Lối phối âm của Duy Cường mang tính biến ngẫu một cách thần sầu. Âm nhạc cổ điển ít nhiều ảnh hưởng tới Duy Cường bởi Tẩu pháp Fuge của JS Bach… Thông thường vào đầu intro với một âm lượng thanh âm lớn, rồi từ đó, giảm dần để những thanh âm giai điệu với các giọng: kèn, đàn tranh, sáo, violin, guitar…sẽ dần mở ra nhạc đề.  Ca khúc “Chiều về trên sông” là một bài phối âm rất tiêu biểu thương hiệu Duy Cường. Một Symphony “Con đường cái quan” phô diễn hết tài năng phối khí của Duy Cường một cách rất độc đáo. Duy Cường lấy cách hòa âm phối khí của âm nhạc cổ điển Tây Phương để bồi đắp cho nhạc dân gian VN một cách phong phú và hiệu quả.

Thái Hiền – Giọng ca thiên thần vương nợ trần

Thái Hiền sở hữu giọng hát hồn nhiên trong sáng, pha chút nhí nhảnh ở tuổi mới lớn với các ca khúc: Chú bé bắt được con công, Bình ca, Tuổi mộng mơ, Ông trăng xuống chơi… Bẵng đi một thời gian qua Mỹ, Thái Hiền đánh mất cái sự hồn nhiên nhí nhảnh khi tuổi người lớn để vận vào mình cái bi lụy cuộc đời, nghe man mác buồn trong chất giọng, pha chút lạnh lẽo. Từ trước đến nay, tôi vẫn luôn thích giọng ca Thái Hiền. Rất tiếc bẵng đi một thời gian dài, Thái Hiền không tham gia sinh hoạt âm nhạc?? Lúc này Thái Hiền trở lại đường đua ca nhạc, nên có chút hụt hẫng để chỉ hát mộc Acoutic với những fan yêu mến Thái Hiền, mà dường như không dám đua chen với Ý Lan và Khánh Hà. Lẽ ra, với năng lực sẵn có của Thái Hiền đã sớm nổi tiếng trên diễn đàn âm nhạc, Thái Hiền chẳng những không hề thua kém mà dễ có phần hơn, nếu biết tận dụng lợi thế, con gái của bố già Phạm Duy. Tuy nhiên, với chất giọng thanh thoát pha chút đượm buồn, Thái Hiền hát đạo ca và thiền ca rất có chất và đạt đạo.

Nhận xét của Wikipedia: Thái Hiền có một giọng hát điêu luyện. Cô hát bằng giọng thật của mình chứ không sử dụng giọng mũi nhưng vẫn có thể lên được những nốt cao thật nhẹ nhàng và truyền cảm. Ca sĩ Thái Hiền có cách diễn tả chừng mực và theo cảm xúc của bài hát chứ không làm dáng quá đà hay mượn diễn xuất để thay cảm xúc. Có lẽ vì vậy, đôi khi có người cho rằng cách hát của cô có vẻ lạnh lùng. 

Tóm lại: Hai gia đình “ĐẠI GIA ÂM NHẠC” Phạm Duy & Lữ Liên:

Xét về CA - NHẠC, gia đình Lữ Liên nổi trổi hơn về CA (ca sĩ), nhưng gia đình Phạm Duy lại nổi trội hơn về NHẠC (sáng tác ca khúc, phối âm). Cả hai gia đình đều đã có công lao đóng góp hết sức to lớn và quý báu vào sinh hoạt âm nhạc đương đại VN. Chúng ta trân trọng và cám ơn những đóng góp đó của hai “ĐẠI GIA ÂM NHẠC”.

Ngôn ngữ vốn dĩ là phương tiện để truyền đạt ý tưởng và cảm xúc đến với mọi người. Rủi thay, ngôn ngữ tự nó bất lực và tự hạn chế với chính nó, nên khi truyền đạt dễ sai lệch là khó tránh khỏi. Nói như nhạc sĩ Đỗ Thất Kinh: lời lẽ là miền của ý. Thanh âm là miền của cảm. Dùng một ngôn ngữ này, tả một ngôn ngữ khác, ắt không thể đi tới tận cùng.

Vì thế, cảm thụ âm nhạc của tôi trong bài viết này, chỉ đúng cho tôi chứ không đúng với các bạn đâu nhé! Theo cách nói của nhà thơ Valéry viết: "Người ta gán nghĩa gì thì thơ tôi nghĩa ấy. Nghĩa nào tôi định, chỉ đúng với tôi, và không thể buộc ai thừa nhận.".Nguyễn Vĩnh Căn

 

 

 

 

Nguyễn Vĩnh Căn
Số lần đọc: 752
Ngày đăng: 26.12.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc thơ của Linh Phương hay thơ của Chuẩn Nghị? - La Thụy
Tuyết Phượng hay hiện thực một đóa tinh khôi trên lối về nhạc Trịnh - Bùi Đức Hào
Đôi nét chấm phá về kho tàng âm nhạc của cố nhạc sĩ Phạm Duy - Nguyễn Vĩnh Căn
Cung Tiến – Nhạc sĩ bậc thầy trong ca khúc cổ điển - Nguyễn Vĩnh Căn
Ngô Thụy Miên, giấc tình ca bất tuyệt (2) - Bùi Đức Hào
Ngô Thụy Miên, giấc tình ca bất tuyệt - Bùi Đức Hào
« Trầm Tử Thiêng » giữa mơ thiêng và trầm tích phận người - Bùi Đức Hào
"Cung Tiến" qua Camille Huyền và Walther Giger - Bùi Đức Hào
Nhạc Pháp trong hồn người Việt - Đỗ Nguyễn
Trịnh - Tình yêu và những khúc ca bất tử. - Đỗ Nhựt Thư
Cùng một tác giả
Khát vọng sống (truyện ngắn)
Chạm đến tâm linh (truyện ngắn)
Chuyện của Dần (truyện ngắn)
Đôi mắt ấy… (truyện ngắn)
Luỵ đời (truyện ngắn)
Gã ngố ! (truyện ngắn)
Một mảnh đời… (truyện ngắn)
Đời gia sư (truyện ngắn)
Đồ đểu! (truyện ngắn)
Trò đùa số phận (truyện ngắn)
Ngỡ như giấc mơ (truyện ngắn)
Cuộc đời mẹ Monica (truyện ngắn)
Sau mười năm... (truyện ngắn)
Mẹ tôi (truyện ngắn)
Mê cảm (truyện ngắn)
Một số phận (truyện ngắn)