Đêm dần tàn và ngày mới đang lên
Băng tuyết lạnh mần thủy tiên đã nhú
Mùa đông trắng cành đào hồng đơm nụ
Xuân rạng ngời hoan hỷ đợi muôn hoa
Thế là thiên hạ thoát khỏi cơn đại dịch, tuy nhiên nhiều người vẫn còn sệt, một số giới chức và bọn truyền thông quen lối bé xé ra to và hù dọa cứ tung tin linh tinh. Tất nhiên cũng có những trường hợp tái nhiễm virut nhưng không có gì nghiêm trọng. Dịch đã trở thành bình thường như những loại cúm theo mùa.
Giới chức khoa học và mọi người vẫn không có một ai biết chắc chắn nguồn gốc dịch từ đâu, nhiều giả thuyết và thuyết âm mưu đưa ra nhưng chẳng có căn cứ. Có một điểm chung mà người bên đông lẫn kẻ bên tây chỉ có thể giải quyết hậu quả tỉa lá cắt cành chứ không ai có thể giải quyết được cái gốc, cái nguyên nhân của vấn đề.
Dịch bệnh vốn chẳng phải xa lạ gì với nhân loại, xưa nay vẫn thường xuyên xảy ra, hiện tại đang xảy ra và tương lai sẽ còn tiếp tục. Sanh – diệt là lẽ tự nhiên, thịnh – suy là việc thường tình. Lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội cũng đã từng hình thành và cũng đã từng bị hủy diệt. Đạo gia nói dương thịnh thì âm suy và ngược lại. Nhà Phật thì cho rằng khi quả đã chín muồi thì nó ắt sẽ xảy ra, quả tốt hay quả xấu là do chính mình gây nên. Mình đã gieo cái nhân thì mình gặt lấy cái quả. Không có ai đem cái quả tốt hay quả xấu ụp lên đầu mình. Khi một cá nhân bị tổn thương ấy là cái nghiệp riêng của họ, còn khi cả cộng đồng bị tổn thương ấy là cái nghiệp chung cùng chịu. Khi một quốc gia bị họa thì đó là công nghiệp của những người dân trong quốc gia đó. Cơn dịch Covid xảy ra và lan tràn khắp thế giới thì đó là cộng nghiệp của cả loài người. Con virut không phân biệt đông – tây, chẳng biết chánh – tà, lại càng không có ta – địch thì nói gì đến sang – hèn. Cơn dịch rất bình đẳng, ai cũng có thể dính và quốc gia nào cũng bị thiệt hại. Tuy nhiên trong cái nghiệp chung ấy lại có cái nghiệp riêng, trong lúc dịch hoành hành vẫn có những người không hề hấn gì, thậm chí nhiều người vì nhờ dịch mà lại giàu lên; trong cơn dịch đã xuất hiện nhiều triệu phú và tỷ phú vì sản xuất thuốc men, dụng cụ y tế, khăn giấy, khẩu trang, kit test, hóa chất tẩy trùng…
Loài người đã tàn phá thiên nhiên suốt một thời gian dài, làm ô nhiễm nghiêm trọng không khí, sông, hồ, biển, nước, nước ngầm, rừng núi cạo sạch, đại dương ngập rác thải, thú hoang và đời sống hoang dã bị tàn hại khiến nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng… Con người chỉ là một phần nhỏ cùng cộng sinh với muôn loài trong đất trời nhưng con người hỷ hoại thiên nhiên, giờ muôn loài bất an thì con người sao có thể an được? Con người dù có tài giỏi cỡ nào cũng không thể sống độc lập một mình mà không có thiên nhiên, không có muôn loài, không môi trường sinh thái…
Cho đến tận bây giờ thiên hạ cũng không biết rõ nguồn gốc Virut Covid từ đâu. Người ta vẫn nghi ngờ từ Trung Quốc và dĩ nhiên Trung Cộng chối bay biến và chẳng bao giờ công bố tài liệu hay bất cứ dữ liệu nào có liên quan. Cho dù cơn dịch Covid có xuất phát từ đâu đi nữa thì nó vẫn là một cơn dịch như những cơn dịch khác đã từng xảy ra trong lịch sử. Loài người có thêm bài học mới nhưng liệu có học được gì chăng?
Tác hại của dịch lên nhân mạng, sức khỏe, kinh tế xã hội...đã chấm dứt, chỉ còn lác đác vài nơi với hậu quả không có gì đáng để lo nữa. Cơn dịch rồi sẽ hoàn toàn chấm dứt và không ai biết ngày mai sẽ có cơn dịch nào khác. Hiện tại ta vẫn vui sống cho hôm nay, mùa đông đang lạnh giá nhưng mùa xuân vẫn ở phía trước con đường. Có những nơi tuyết phủ nhưng nghệ tây, thủy tiên, tuy lip… đang căng mọng, chỉ cần một chút hơi xuân là lập tức trồi lên và sẽ khoe hương sắc. Trên những cành đào có vô số nụ bé tí teo đã tựu thành.
Mùa xuân sẽ đến, dù xã hội loài người có thế nào đi nữa thì xuân vẫn rực rỡ muôn hoa, thơm ngát sắc hương. Thậm chí xã hội loài người có tuyệt diệt thì màu xuân vẫn cứ đến như thường.
Mùa xuân là mùa của tuổi trẻ, hy vọng, niềm tin. Mùa xuân là sự khởi đầu, con người xưa nay vẫn nói thế và tin như thế. Thật tình mà nói thì cái vòng tròn khép kín xuân - hạ - thu - đông xoay miên viễn ấy thì điểm đầu cũng là điểm cuối, điểm kết thúc lại là điểm mở ra. Sự biến dịch tuần hoàn của thiên nhiên cộng với cái trí và ngôn ngữ của con người mà chúng ta có khái niệm xuân - hạ - thu - đông hay năm tháng ngày giờ… Thiên nhiên vốn không có những khái niệm này, cũng chẳng có phân biệt chẻ chia, tất cả chỉ là ý chí chủ quan của con người. Con người có tâm phân biệt cũ – mới, đông – tây, chánh – tà, ta – địch, yêu – ghét… Nếu dùng cái nhìn chơn đế thì tất cả đó cũng chỉ là sự vọng tưởng mà thôi. Ngày cái thân ta cũng vốn là giả hợp, không thật. Kinh Suy Niệm Về Nghiệp viết: ”… Nó không phải là ta, không phải tự ngã của ta, không là ta...”. Nó chỉ là sự duyên hợp của tinh cha huyết mẹ, là hơi thở của không khí, thức ăn nuôi dưỡng từ đất, nhiệt độ từ sức nóng trời đất rồi kết hợp với những chủng tử từ trong tạng thức mà thành. Con người là sự kết hợp giữa danh (phần phi vật chất) và sắc (phần vật chất). Nó có đấy nhưng giả có chứ không thật có, vì nó đã không thật có thì những sản phẩm của nó sao có thể là thật được? Tất cả chỉ là sự hội tụ của vô vàn nhân duyên, đã có tựu thành thì ắt có phân ly. Kinh Chuyển Pháp Luân viết: “Phầm vật do nhân tập khởi thì tất cả pháp ấy đều bị hoại diệt”. Hoa xuân, nắng hạ, vàng thu, tuyết đông là duyên tập khởi. Thiên nhiên này, xã hội này là duyên tập khởi. Con người với thân và tâm cũng là duyên tập khởi… Bởi vậy khổ đây sướng kia, họa nọ (dịch Covid chỉ là một trong vô số họa của loài người) cũng là duyên tập khởi cả.
Mùa đông đang ngự trị nhưng mùa xuân đang đến. Người dù ở phương đông hay bên tây cũng đều hoan hỷ đón chào xuân, hy vọng xuân, hưởng xuân. Mùa xuân theo truyền thống phương đông rộn ràng lắm, đầy hoa lá, sắc màu và âm thanh. Thiên nhiên và con người cùng hòa xướng hợp tấu khúc xuân ca. Mùa xuân của phương đông lắm lễ lạc hội hè. Mùa xuân hồi sinh lại lá hoa vạn vật, mùa xuân tái tạo năng lượng mới cho con người và muôn loài. Mùa xuân khơi lại những tin tưởng, yêu thương để con người tiếp tục dấn bước trên hành trình bất tận của mình.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà Phật gọi ngày tết của mùa xuân là xuân Di Lặc, tạm gác lại yếu tố tôn giáo thì chúng ta thấy cái ý nghĩa của chữ xuân Di Lặc rất hay. Mùa xuân Di Lặc tức là mùa xuân hoan hỷ, bao dung, yêu thương… như ngài Di Lặc. Mùa xuân là tiếp nối giữa cũ và mới. Thông thường con người ta dễ gác lại những tị hiềm, bất đồng, thù địch, tranh đấu… để cùng vui xuân (dài hay ngắn, nhiều hay ít là tùy thuộc vào cơ duyên). Thiên hạ vốn thiên sai vạn biệt, bởi vậy cũng có những kẻ lợi dụng mùa xuân, lợi dụng sự hoan hỷ và niềm tin của mùa xuân để làm những điều phản trắc, bá đạo, vô luân...miễn sao đạt được được mục đích của mình.
Mùa xuân đất trời chẳng lệ thuộc bất cứ điều gì từ con người nhưng xuân trong lòng người thì bị tác động bởi nhiều thứ từ bên ngoài và những cảm nhận chủ quan. Xuân đất trời dù có rực rỡ sắc hương, rộn ràng ong bướm, huy hoàng quang hoa… nhưng lòng người chất chứa thù hận, oán hờn, chia chẻ, tị hiềm… thì vẫn chẳng thấy, chẳng hưởng được mùa xuân. Khi lòng người ôn hòa, từ bi, bao dung.. thì mùa xuân như hiển hiện trong từng phút giây.
Mùa xuân để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử tộc Việt, quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông tốn biết bao xương máu. Có những mùa xuân chiến công hiển hách oai hùng, có thể kể như: mùa xuân năm 40, Trưng Trắc và Trưng Nhị dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi Tô Định. Mùa xuân Lý Bí lập nước Vạn Xuân cho đến mùa xuân Kỷ Dậu, vua Quang Trung cùng với quân dân đánh tan đội quân xâm lược Mãn Thanh, khôi phục lại độc lập tự chủ của quốc gia. Mùa xuân Kỷ Dậu là bản anh hùng ca cực đỉnh của quá trình dựng nước và giữ nước. Ngoài những mùa xuân chiến công hiển hách, còn có những mùa xuân văn hóa, mùa xuân tâm linh như: Xuân Hoa Lư, xuân Thăng Long, xuân Yên Tử, xuân Phú Xuân…
Tộc Việt vốn là cư dân nông nghiệp lúa nước, từ bao đời gắn bó với đồng ruộng, xóm làng, mồ mả tổ tiên…Người Việt xưa nay đời sống gắn liền với mùa màng, thời vụ mà mùa xuân là lúc nông nhàn và mùa xuân là mùa của lễ hội. Mùa xuân kết nối mọi người lại với nhau, nối con cháu với ông bà tổ tiên. Người Việt sau này có di tản đi đâu nữa lòng cũng hướng về nguồn cội quê hương. Riêng những thế hệ sinh sau ở hải ngoại thì đã nhạt nhòa khá nhiều, không còn gắn bó sâu đậm, không còn vướng víu những hệ lụy về những vấn đề tồn đọng của lớp cha anh, ấy vậy mà lớp trẻ ấy cũng khá háo hức vui xuân, trẩy hội xuân mỗi khi mùa xuân về.
Tộc Việt là cư dân nông nghiệp lúa nước, cuộc sống thường cầu an, an phận thủ thường, thường quan niệm an cư lạc nghiệp nhưng hoàn cảnh lịch sử trớ trêu đã đẩy đưa hàng triệu người ly hương, di cư, tị nạn… Từ trung du bắc Bộ đi dần vào Quảng Bình, Thuận Hóa, Phú Xuân, Khánh Hòa, Đồng Nai, Sài Gòn, Cần Thơ, Cà Mau… Từ đời nhà Lý đã có cuộc di tản sang Cao Ly do hoàng tử Lý Long Tường dẫn đầu. Đời Trịnh – Nguyễn có hàng lọat đợt di cư vào nam. Mấy trăm năm sau lịch sử lập lại, sông Gianh lại bị chia cắt và mấy triệu người lại di tản vào nam, rồi đến 1975 thì hàng triệu người bỏ nước ra đi…
Dù đi đâu, ở đâu nhưng tâm hồn người Việt vẫn nhớ về quê hương, mỗi khi mùa xuân về thì nỗi nhớ lại dâng cao và tha thiết hơn, tuy nhiên không phải ai cũng có thể về quê hưởng xuân. Mỗi độ xuân về là hồn dân tộc lại phảng phất, lại hiển hiện trong tâm tư của những người con xa xứ. Mùa xuân cố quận giờ không còn như xưa, hư hao và biến dạng rất nhiều, không còn tiếng pháo xuân, pháo giao thừa… Tất cả cũng không ngoài sự biến dịch vô thường. Tất cả các pháp do duyên tựu thành thì cũng do duyên mà diệt.
Ất Lăng thành, 010124