Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.212.420
 
Về quê ăn tết với cái bụng đói
Phạm Nga

 

1.

Vài cái Tết thuộc những năm người dân cả nước ‘ăn độn’ trong thập niên 1970 thế kỷ trước đã để lại trong tâm khảm tôi dư vị rất chua chát. Nay ngồi chợt nhớ lại mà không khỏi chạnh lòng, vừa sượng sùng vừa tội nghiệp chính mình.

Sau biến cố 30 tháng 4, khi tôi đi học tập cải tạo về rồi lập gia đình (1977) thì cuộc sống chất chồng khó khăn về mọi mặt. Gia đình cha mẹ, anh em tôi ở Sài Gòn còn gia đình bên vợ tôi ở Vũng Tàu, cách nhau khoảng hơn 100 cây số, còn tôi thì sau ngày học cải tạo về đã bị buộc phải đi làm ở một nông trường tận vùng Củ Chi, cách Sài Gòn 45 cây số. Bên nào cũng nghèo, nhất là nhà bên ba má tôi rất chật hẹp, nên vợ tôi cùng hai đứa con phải về nhờ đỡ bên ông bà ngoại ở Vũng Tàu. Ngày thường thì đã phải sống xa vợ con, cha mẹ nên mùa Tết đến là tôi đắn đo và thường là tôi chọn (gọi là) ăn Tết ở quê vợ, vì dù sao cũng là gần vợ, gần con mình.

 

Thế là, khoảng 27, 28 tháng chạp, từ Củ Chi về Sài Gòn tôi chỉ ngủ lại một đêm, rạng sáng hôm sau tất tả ra bến xe miền Đông đón xe về Vũng Tàu. Cái thời các năm 1976- 1979 ấy, phương tiện giao thông công cộng rất eo hẹp và khó khăn, vài năm đầu còn phải đi xe than. Vì xăng dầu khan hiếm, ngày thường xe khách tại bến rất ít chuyến, còn vào mùa Tết, có tăng cường thêm xe nhưng không bao giờ đủ cho nhu cầu người dân đổ xô về quê ăn Tết. Do đó, tôi phải thức dậy lúc 3 – 4 giờ sáng, vội vội vàng vàng kiếm xe lam chạy ra bến xe, xếp vào cái hàng người đã dài thượt trước quầy vé, thấp thỏm chờ mua cho được cái vé giá chính thức quý giá để về quê vợ, mới mong có mặt bên cạnh vợ con trong ba ngày Tết.

Có năm, liên tiếp các chiều 29, 30 tháng chạp tôi lại thất thểu quay về nhà ba mẹ, vì dù nhịn cả cơm trưa, đứng lì tại chỗ, không dám bỏ hàng nhưng kết quả thê thảm là không mua được vé chính thức vào các ngày cao điểm cận Tết này. Khoảng 5 giờ chiều, hàng người còn không bao nhiêu nhưng loa phóng thanh ở bến đã lạnh lùng thông báo: “Đã hết vé tuyền đường Bà Rịa – Vũng Tàu. Bến xe sẽ bán vé tiếp vào 4 giờ 30 sáng mai. Mời bà con về nghỉ hoặc tìm phương tiện khác mà đi!”. ‘Phương tiện khác’ có nghĩa là xe chui, xe đậu rải rác quanh bến xe, đến 8 – 9 giờ đêm cũng còn nhưng vé giá chợ đen mắc gấp 3-4 lần giá chính thức tại quầy vé.

Tôi buồn rầu, nhớ vợ con đến quặng cả lòng và vô cùng nóng ruột  - thời đó không có điện thoại di động tràn ngập như bây giờ để gọi cho vợ con đỡ mong ngóng, chỉ còn đường ra bến xe vào sáng sớm mùng Một Tết. Sáng ngày đầu năm mới cũng có vài chuyến xe về Vũng Tàu và được cái là khách rất vắng, mua vé chính thức rất dễ… Niềm hạnh phúc lớn lao của tôi năm đó là dù hơi muộn nhưng trưa mồng 1 Tết tôi đã được có mặt bên vợ con.

2.

Về-với-vợ-con-mình, tôi luôn khát khao niềm hạnh phúc đơn sơ ấy nên không chờ gì ngày lễ tết, vào ngày thường cứ vào kỳ lãnh lương cuối tháng tôi lại tất bật làm cuộc hành trình Củ Chi – Sài Gòn – Vũng Tàu. Chuyến đi chỉ dài tổng cộng 145 – 150 cây số nhưng từ khoảng 9 – 10 giờ sáng thứ bảy, tôi đã ‘dù’ sớm (11 giờ 30 mới hết giờ làm việc tại nông trường) sau khi không quên xuống nhà bếp báo cắt cơm đến hết bữa điểm tâm sáng thứ hai tới, xong xuôi tôi leo hàng rào ra hương lộ 7 (dài 3 cây số), hối hả lội bộ ra tới quốc lộ 13 rồi quắt xe Daihatsu hay xe đò nhỏ về ngã tư Bảy Hiền, từ đây lại xe lam, xe bus về bến xe Miền Đông. Phải tất bật tranh thủ thời gian như thế để kịp đứng vào hàng, chờ đến 12 giờ trưa là phòng vé rục rịch bán vé tiếp cho buổi chiều.

 

Không hiểu sao cái gã thanh niên xung phong/nông trường viên gốc nhà giáo, tuổi đã trung niên là tôi thời đó lại khỏe đến thế, vì suốt cuộc hành trình tất tả về thăm vợ con, thường là tôi nhịn đói hay chỉ ‘thủ’ gói xôi hoặc ổ bánh mì xịt nước tương để ăn trưa, nước uống thì đã có bình toong nhà binh mang theo - nghĩa là sao cho ít tốn nhất để tháng lương được giữ cứng nguyên trong túi. Thèm thuốc lá thì tôi đã kiếm loại thuốc ‘cũi’ quấn thủ công, nhãn hiệu Quốc Hùng, chỉ mấy đồng là được một bó.

 

Tất nhiên khi ngồi trên xe đò ‘tịnh tâm’ (không ăn nên tâm hồn thanh tịnh!) và ‘tịnh khẩu’ (có gì bỏ vô miệng đâu nên miệng cũng rất sạch sẽ, thanh tịnh!) như thế, bây giờ nói ra vẫn thấy mình quá hèn mọn: đó là tôi đã không khỏi thèm thuồng trước những món ăn vặt, giá rẻ mạt, bán tại bến xe hay ở những chặng xe dừng bắt thêm khách, bất kể là ổ bánh mì thịt, gói xôi mặn, bịch trà đá, chai nước ngọt hay củ khoai lang, khoai mì, gói mía ghim…

Còn xấu hổ hơn là một lần, khi xe dừng lâu ở ngã ba Vũng Tàu, quà bánh rao bán nườm nượp, tình cờ ngồi bên cạnh tôi có một anh đội nón cối, nói giọng Bắc, có vẻ hiền lành với đôi kính cận và chiếc sơ mi trắng. Anh ta đã mua hai bịch đậu hủ chiên chấm muối tiêu, mời tôi một miếng. Tôi đã lịch sự từ chối và cám ơn anh đã mời. Tôi đã làm bộ ngó chỗ khác – khốn nỗi ngay lúc này bao tử tôi lại chơi xấu tôi: nó cứ sôi lên òn ọt như kêu gào, nhắc nhở… – khi anh ta nhấm nháp hết miếng đậu thứ nhất. Rồi anh gật gù: “Chà, cái thứ quà này rẻ thôi mà ăn cũng thích thích ấy chứ!”, rồi quay sang tôi chìa bịch đậu ra ân cần mời lần nữa:“ Này, anh cứ thử một miếng đi, quà vặt rẻ mạt ấy mà, có gì mà ngại!”.

Trước thành ý của người lạ này, tôi đã buông thả ý thức tự trọng mà mình, ‘nhắm mắt đưa …tay’ nhón lấy một miếng đậu hủ…

3.

Xưa nay, dù là người giàu hay người nghèo, dù là người lớn hay trẻ con, có ai lạ gì món ăn vặt rất rẻ tiền, đạm bạc và lạt lẽo, bán nhan nhản trên đường thiên lý là đậu hủ chiên, nhưng lúc này, riêng đối với tôi, phải nói là cái miếng đậu hủ nhỏ chỉ bằng hai ngón tay ấy lại ngon, thơm cực kỳ!

Đồng thời tôi cũng chua chát nhận ra là trước đó, tôi đã bỏ rơi đâu mất con-người-nhà-giáo mình từng có trong quá khứ, tức dù chỉ là một thầy giáo nghèo nhưng vẫn một mực nho nhã, thanh cao với thiên hướng nghiêng về những giá trị tinh thần hơn là của cải vật chất, chuộng chữ nghĩa, sách vở hơn là món ngon vật lạ, tiện nghi sinh hoạt…, nay chợt đổ đốn là ngồi trên xe đò mà cứ bị thu hút bởi những món ăn thức uống bán rong như: bánh mì, đậu hủ chiên, xôi, bánh tét, bánh tráng, khoai lang, khoai mì, trà đá, nước ngọt, mía ghim.v.v…, toàn những món ăn thức uống bình dân rẻ mạt, nào phải cao cấp, mắc mỏ gì, nhưng như đã nói, bởi nhất định phải đem về cho vợ con càng nguyên vẹn càng tốt cái đồng lương ít ỏi mới lãnh, tôi không thể luông tuồng bỏ tiền ra – dù chỉ rất ít – để mua đồ ăn, dù cái dạ dày lép kẹp đang sôi ùng ục như nổi loạn.

 

Và tôi nhận ra mình đã cùng khổ đến như tàn mạt khi đậu hủ chiên  - cái món cũng có luôn trong danh sách những thứ đồ ăn mình vừa ước ao, lại ngẫu nhiên có người lạ mặt, bảo chỉ là “quà vặt, rẻ thôi mà” rồi chìa ra mời, rồi… tôi đã giữ được sĩ diện chỉ vì… đói!  Quả là một quãng tối tăm thảm hại trong ký ức…

 

 

(Sydney, 23 đưa ông Táo)

 

 

 

 

Phạm Nga
Số lần đọc: 490
Ngày đăng: 12.02.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ghi chép qua một chuyến đi: “Ăn” Dao, “chơi” Mường - Phan Anh
Hành trình “con chữ” Nguyễn Tiến Nên - Hoàng Xuân
Tôi đi buôn và nhọc nhằn mưu sinh (Phần 2: tiếp theo và hết) - Hoàng Thị Bích Hà
Tôi đi buôn (Phần 1) - Hoàng Thị Bích Hà
Tranh hoa giấy – sự sáng tạo không ngừng của họa sĩ – nghệ nhân Thân Văn Huy - Trang Thùy
Chuyện xem phim bãi - Nguyễn Quốc Lãnh
Trải nghiệm xe khách thời nay – chạnh nhớ xe khách thời xưa - Hoàng Thị Bích Hà
Chuyện cậu nhóc đi “giang hồ vặt” gần nhà rồi xa hơn nữa - Phạm Nga
Năm học thứ hai - Nguyễn Quốc Lãnh
Nhờ văn chương mà thoát chết - Hoàng Thị Bích Hà
Cùng một tác giả
Hoa ôm (ký)
Chuyện ở sau chùa (truyện ngắn)
Người già... (tạp văn)
Cữ sáng... (truyện ngắn)
Đám cưới bánh mì (truyện ngắn)