Trước khi vào dự buổi tiếp của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, ông Lee Won hee, Giám đốc đối ngoại Hội Nhà báo Hàn Quốc nói với các nhà báo trong đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam rằng, mấy năm trước qua báo chí, ông thấy Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đến Việt Nam bằng tàu hỏa để dự Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên - Hoa Kỳ tại Hà Nội (năm 2019). Ông cũng như người dân Hàn Quốc mong mỏi có một ngày được đi trên chuyến tàu hỏa từ Seoul lên Bình Nhưỡng, rồi đến châu Âu, như hành trình thông thương trước cuộc chiến tranh hai miền.
Lời tâm sự của ông Lee làm cho cả đoàn lặng im, xúc động. Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chỉ qua tôi và nói: “Tôi với ông Chủ tịch Hội Nhà báo Quảng Trị đang ở đây sinh ra và lớn lên ở vùng đất Vĩ tuyến 17, nơi có con sông Bến Hải từng là giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền Nam - Bắc Việt Nam theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Dân tộc Việt Nam từ đó phải trải qua hơn 20 năm đấu tranh gian khổ mới thống nhất được hai miền”.
Ông Lee nói rằng, ông biết dù chưa phải đã hết khó khăn nhưng giờ đây Việt Nam là một đất nước hòa bình, đang phát triển mạnh mẽ, Nhân dân Việt Nam là một dân tộc hạnh phúc.
Chúng tôi hiểu lời của ông Lee cũng như khát vọng hòa bình, thống nhất của người dân ở một đất nước đang còn trong trạng thái chiến tranh chực chờ. Bởi vậy khi chuyển ngữ “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” sang phiên bản tiếng Hàn Quốc, dịch giả Kyung Hwan đã đổi tên cuốn nhật ký này với tiêu đề “Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình” (Last night I dreamed of peace).
Đây là một câu được trích trong nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, còn trong phim “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh, đó là hình ảnh chị Trâm mang áo dài trắng, đạp xe đi trên đường phố Hà Nội thanh bình. Ngày ấy chiến tranh khốc liệt, ai cũng có chung mong mỏi được sống trong hòa bình.
Trước đó, chúng tôi được đi thăm Đài quan sát thống nhất núi Odusan. Hôm đến đây, bắt gặp du khách của nhiều quốc gia, trong đó có cả người Hàn Quốc, hầu hết còn rất trẻ. Họ đến để tìm hiểu về khát vọng hòa bình, thống nhất hai miền của người dân Hàn Quốc. Trên đài quan sát, nhiều người dán mắt vào ống kính viễn vọng nhìn về phương Bắc để chứng kiến cuộc sống của người dân Triều Tiên ở bên kia sông Hàn. Còn ở dưới đài quan sát, người ta trưng bày mỹ thuật gồm những chiếc vỏ đạn pháo, trên đó đã nảy nở mầm cây hòa bình, thể hiện khát vọng thống nhất hai miền, gác lại quá khứ đau thương để chung sống hòa bình.
Trở về Việt Nam, tôi thông tin trở lại cho Giám đốc đối ngoại Hội Nhà báo Hàn Quốc Lee Won hee ở Quảng Trị quê hương tôi sẽ tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình vào giữa năm 2024. Lễ hội là nơi “chuyên chở” khát vọng hòa bình của nhân loại đến với Việt Nam và từ nơi đây - vùng đất từng mang nỗi đau chia cắt, gánh chịu hậu quả chiến tranh nặng nề luôn biết gìn giữ và mong muốn trên toàn thế giới sẽ mãi mãi không còn chiến tranh, hận thù; mọi quốc gia đều có trách nhiệm kiến tạo hòa bình để phát triển kinh tế, đem lại hạnh phúc cho người dân của đất nước mình.
Tôi còn kể cho ông Lee chuyện cách đây 5 năm, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink trong chuyến thăm, làm việc tại Quảng Trị đã đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ông nói: “Chuyến thăm này là để bày tỏ sự kính trọng đối với những người đã hy sinh vì lòng yêu nước”.
Và cách nay 2 năm, Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 đã nói: “Hòa bình quan trọng hơn bất kỳ thứ gì bạn có trên thế giới này. Quảng Trị là một tỉnh thật đặc biệt, nơi hai phía của cuộc chiến đụng độ nhau nhiều nhất. Đây là một địa điểm anh hùng với rất nhiều con người đặc biệt. Tới thăm và đầu tư vào tương lai của nơi này đối với chúng tôi là một điều vô cùng ý nghĩa...”.
Vậy đó, mảnh đất Quảng Trị, nơi còn mang nhiều chứng tích chiến tranh và có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia luôn chất chứa trong mình khát vọng, ước nguyện hòa bình cho nhân loại. Từ đây cũng truyền đi thông điệp mọi quốc gia, dân tộc đều có quyền được sống bình yên, mưu cầu hạnh phúc, xây đắp thịnh vượng, hướng tới tương lai!
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink viếng các phần mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn vào ngày 27/8/2019 - Ảnh: QUỐC NAM