Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.121
123.228.738
 
Cùng đi tìm bản ngã của người thơ họ Đặng
Nguyễn Tiến Nên

   (Đọc “Núm Sống” - Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2023)

 

       Tôi gặp nhà giáo, nhà thơ Đặng Quốc Việt tại Hà Nội vào tháng 10-2022, khi chúng tôi là học viên K16, một lớp viết văn do Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du - Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Dù đã ở tuổi 75, trông ông có vẻ chỉn chu và hoạt ngôn hơn so với một số học viên kém tuổi mình. Trong thời gian học tập, nhiều lần ông được giảng viên mời đọc thơ. Một hôm, khi cái tên Đặng Quốc Việt được xướng lên, ông từ tốn đọc cho cả lớp nghe bài thơ Namkau: Chiếc bồn tắm khổng lồ, khi chim chích thi uống nước/ Biển chiều hay em dụ tôi trình căn cước/ Sóng chờm hớp ai, ai xúi biển nhập nhèm//Trơ trọi giữa bao la, chú chim chích nhỏ/ Uống cạn trời chiều ôm trọn bóng em (Biển chiều). Và tôi đã cố tìm cách, gần gũi ông từ đó. Ai có thể ngờ rằng, hôm nay, cầm tập thơ trên tay, thi phẩm đáng nhớ trên xuất hiện ở trang 166, trong tôi rạo rực cảm hứng, chưa biết nên bắt đầu từ đâu!

 

      Đúng vây! Trong cuộc đời cầm bút, việc đi tìm bản ngã của chính mình, có thể xem là điều cần thiết nhất. Khi tìm được cái tôi và sống đúng với nó, tự do và hạnh phúc hoàn toàn thuộc về ta; mọi khổ đau, sóng gió trong cuộc đời hầu như được hoá giải. Thế nhưng, nhà viết kịch, nhà phê bình Bernard Shaw lại viết: “Cuộc sống không phải là hành trình tìm kiếm bản ngã, mà là kiến tạo một bản ngã mới”. Đối với thi ca, nhà thơ đi tìm bản ngã là tìm chính mình, xác định mình là ai, với một đòi hỏi khắt khe là phải mới, phải khác người trong sáng tạo. Mảnh đất nơi Đặng Quốc Việt sinh ra và lớn lên ở Xuân Trường - Nam Định, vùng đất bãi bồi do biển tạo nên. Vùng đất mà người dân luôn được đắm mình trong các lễ hội Đền, Chùa truyền thống, đã hình thành nơi ông tính cách dân dã, chân chất. Song, sự nghiệp thời trai trẻ đã chiếm phần lớn thời gian của ông, dù trước đó ông rất yêu thơ. Tuy nhiên, điều kiện để ông thật sự đến với thơ, chỉ từ năm sáu nhăm tuổi trở đi. Trở thành hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, ông viết càng tự tin và lần lượt xuất bản 7 tập thơ. “Núm sống” là ấn phẩm thứ 7 của nhà thơ họ Đặng.

Tập thơ được tác giả bố trí thành những phân đoạn khá gợi: “Núm sống tụ người xa”; “Nhiều mắt nhiều tay”; “Người không bóng” và phân đoạn cuối là “Thơ Namkau” và “Thơ bốn câu”.

 

       Mở đầu phân đoạn thứ nhất là “Núm sống”. Đây là bài thơ mà ông đã rút “tít” đặt tên cho cả tập thơ: Rời quê tay không, phận người nhăn nhó/ Đau mẹ cha thấp mộ trũng đồng/ Đủ Tây Tầu, cứ như nhờ như trọ/ Bả xứ người mật mỡ vẫn long đong//Sụt sịt chiều lạc góc phố tha ma/ Mái tóc bạc loi choi bên mẹ cha xanh cỏ/ Bài nhập thế, học tiền nhân từ sàng thưa, hom giỏ/ Cố hương là Núm Sống tụ người xa.

      Thì ra, cái mà ông gọi là “Núm sống” ấy, chính là cố hương, nơi kết tụ của mỗi đời người. Một khi đã rời xứ, chốn gửi thân chỉ là nơi nương nhờ náu trọ. Bã xứ người dù là mật mỡ, thân này vẫn long đong, đau đáu niềm mẹ cha trong chiều xanh cỏ. Tập thơ là những dồn nén tâm trạng của một người thơ gắn bó đặc biệt với làng quê. Đáng yêu làm sao Những tên đất thật thà: Đồng Chợ, Tư Văn/ Những tấm lưng trần hạn cháy, lụt ngâm/ Tính giờ giấc theo chuông nhì, chuông nhất/ Quen cơm khoai, áo nâu chân đất/ Nhưng chẳng quen chịu khuất, chịu quỳ (Làng Thi). Chưa vơi cảm xúc với Làng Thi, ta gặp ngay một làng quê Việt với những áo nâu váy đũi, vách đất ổ rơm, không vì hơn thua đẹp xấu, bổng cao lộc hậu, ghét thói vải thưa che mắt thánh... Mạch nguồn những câu thơ của ông cứ ào ạt, mà như thú nhận, đó là nơi ông cất tiếng khóc chào đời, nơi nuôi dưỡng lớn khôn ông: Dân làng tôi/ Không than cơ cực/ Áo nâu váy đũi//Vách đất ổ rơm//Chưa bổng cao lộc hậu/ Với thiên hạ khiêm nhường/ Không tranh hơn thua đẹp xấu//Đã qua thời giật gấu vá vai/ Không thờ ơ thài lài khoai nhánh/Không ưa vải thưa che mắt thánh//Chung gánh nghĩa tình quê (Dân làng tôi).

 

       Dù không hé lộ lai lịch, chỉ qua thơ, cha ông từng có những năm tháng nếm trải tù đày ở Máy Chai Nam Định, nơi giam cầm các chiến sỹ yêu nước ở thành Nam thời Pháp. Những chiến sĩ mà nhạc sỹ Thái Cơ từng viết trong ca khúc của mình “thân mang gông miệng ngâm thơ đuổi quân giặc nước (Qua bến Đò Quan)”: Nhớ ngày nhỏ bơ vơ//theo mẹ thăm cha ngồi tù Máy Chai/ Không tiền, bến Đò Quan mẹ con đứng lặng/ Tiếng máy dệt não nùng/ Nhói nỗi đau quê! (Về thành Nam). Thói quen ở đời, lúc sống trong sự chăm chút của cha mẹ, người ta dễ mắc chứng thờ ơ. Và ông cũng vậy, chỉ đến khi xa vòng tay gia đình, nhất là khi đấng sinh thành dần khuất núi, thì những tháng năm ấy càng trở nên thiêng liêng: Ngày nhỏ/ Mỗi khi con nhức đầu mẹ mất ăn mất ngủ/ Cha phong phanh vài manh áo cũ/ Tháng ba thóc chẳng dính bồ/ Tan học về, ấm liễn cơm mẹ ủ//Mẹ nhịn ăn, cha ngầm cõng nợ//Con vô tâm, sách vở chúi đầu/ Cả khi nhà hoạn nạn/ Nào biết cùng cha mẹ gánh lo âu//Hai nắm đất quê nhà sương trắng/ Đốt lòng con nắng lửa mưa dầu (Dĩ vãng thiêng liêng).

 

       Sống xa quê, tác giả ôm vào lòng xa xót khôn nguôi, dù có dày vò, ân hận đến cỡ nào: Mịt mùng tỉnh Bắc, suối vàng cha mẹ lạnh lùng/ Thăm thẳm trời Tây con trai quạnh quẽ/ Ngày nhỏ có khi cãi mẹ/ Nghĩ về nước mắt cơm chan/ Tuổi thơ có lúc dối gian/ Tưởng đến lòng đau gỗ xẻ//Thương cha lam lũ: sáu mươi tư năm đeo bám chữ nghèo/ Xót mẹ yếu đau: năm mươi sáu tuổi xa lìa con trẻ//Khói hương giỗ tết không thể chăm nom/ Sửa cỏ đắp mồ lại đành bê trễ//Câu văn suông không tỏ hết tình con/ Lời nấc nghẹn xin thấu lòng cha mẹ (Khóc muộn). Chưa hết ngậm ngùi cùng những giọt nước mắt muộn mằn của nhà thơ, ta đã gặp một tâm trạng khác của ông cũng não nề không kém: Quặn lòng vẳng tiếng mẹ ho/ Cơn đau hành mẹ, đến giờ con mang/ Mẹ coi con tựa cục vàng/ Đền ơn nấm đất tuềnh toàng mé mương (Gối đầu tay mẹ).

 

       Ở phân đoạn thứ hai, ông tập trung lên án hủ lậu, mỗi câu thơ của ông như nhát chém vào những tệ nạn, thói xun xoe, xu nịnh, đi bằng đầu gối. Ta có thể tìm ngay trong Cơ hội chân dung phú, bộ mặt thật, chân dung của những kẻ đớn hèn: Ngẫm anh ta/ Trang phục chỉnh tề thân hình tròn trặn/ Dáng vẻ con người thông thái/ Điệu cười giọng nói trơn tru//Tưởng như tử tế/ Thực chẳng yêu ai, chẳng vì ai//Ra chiều khép nép, đón cấp trên đầu cúi, tay xoa/ Giã bộ vỗ về, nhìn kẻ dưới mặt cười, môi bặm//Gây bè ép dưới, nhân phẩm nhặng ruổi/ Xu nịnh luồn trên, lương tâm rết rắn. Điều đáng lưu tâm nhất, chính ở sự ngẫm nghiệm của ông: Ngẫm thấy/ Còn người ưa nịnh, còn người nịnh/ Mầm tai ương từ nịnh phát sinh. Ông coi thói đua đòi là một cái tệ trong đời sống, vì vậy ông không ngại ngần khi tế sống cho thói xấu này: Hỡi ôi/ Sang trọng lụa là/ Vóc hình răng tóc/ Bày bới đủ vành diêm dúa chưa chắc còn sang/ Vuốt ve lắm kiểu điệu đàng không chừng mất vóc//Lo hội xa lánh săn gu lùng mốt áo quần/ Sợ người chê bai sửa gáy nuôi mai đầu tóc (Tế sống đua đòi).

        Nhà văn Pháp Ana-tôn-Prăng từng chiêm nghiệm: “Đọc một câu thơ nghĩa là ta đã gặp gỡ tâm hồn con người”. Với ông là thế, ngần ấy đủ cho ta nhìn rõ tâm hồn, bản ngã của ông, một Đặng Quốc Việt miệt mài với nhịp đập nguồn cội, huyết quản luôn ấm nóng một tình yêu cuộc sống và thi ca đến cháy bỏng. Ông sẵn sàng dùng con chữ nhỗ vào tất cả những gì bỉ ổi, mà ông từng ghét cay ghét đắng: Mắt tinh thao láo mang kính trắng gọng vàng/ Mới nhú lông tơ để râu ngang ria dọc/ Thuyết lý những phun châu nhả ngọc/ Thực hành thì trát trấu bôi gio (TSĐĐ).

       Ngoài đời, dung dị, tính cách. Vào thơ, ông đam mê với cái hay, cái đẹp nhưng không cho phép mình dễ dãi, ôm đồm. Hãy nghe ông thú nhận: Đi muộn mon men ngoài cửa lớp/ Ngượng ngùng len lén cạnh em ngồi/ Loay hoay bối rối mắt chạm mắt/ Chết đắm hồn ngây ánh mắt cười/ Em cứ hồn nhiên trong sáng vậy/ Trời mải cao xanh mây mải trôi/ Dao cau nồng thắm trao người ấy/ Cứa rách hồn tôi mấy quãng đời (Ánh mắt). Thường trong cuộc đời, có mấy ai cậy nhờ người làm chứng cho lời thề hẹn, nên đôi khi “nắm tay rồi” mà “chẳng níu được nhau” cũng là chuyện dễ xảy ra. Và đây, khi người thơ bày tỏ nỗi lòng với người xưa, nhẹ nhàng thôi mà xao xót nhường nào: Đã hẹn một lòng sao đôi ngả/ Chẳng tường ngọc đá vàng thau/ Trách gì mỏng manh tầu chuối/ Chụm đầu che mưa vẫn ướt đầu/ Ngọn đèn dầu tối học chung làm chứng/ Nắm tay rồi/ Sao chẳng níu được nhau/ Đã từng môi chạm môi bối rối/ Giờ nơi đâu nơi đâu/Đã từng nghe hơi thở vội vội/ Ai ơi đừng quên mau quên mau! (Đã từng).

        Ở phần thơ Namkau và bốn câu, ông có những cái nhìn xoáy sâu và trực diện: Trời cao thâm góp gió làm bão/ Mẹ với mo cau đêm hè dành mát ru tôi. Nếu chỉ có vậy thì còn nói ra làm gì! Nhưng chính những câu đi tiếp sau đây mới thực sự gieo vào người đọc những ngẫm ngợi: Mắt mẹ quầng thâm, mo cau héo một đời. Thi ảnh “mắt mẹ quầng thâm” có liên quan gì với “mo cau héo một đời”? Mối liên hệ hết sức tinh tế và nhân bản mà tôi đã phát hiện ra ở thơ Đặng Quốc Việt, còn lay gợi đến hôm nay và mãi mãi: Nay đêm hè vẫn thấy mẹ trên cao, vẫy ngọn cau gọi gió/ Mo cau căng buồm tôi hăm hở ra khơi (Mẹ với mo cau).

Tuổi bẩy nhăm, ông còn ôm áo cơm đến Lớp Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, tỉ mẩn dùi mài hơn cả cánh trẻ. Ở đó, qua lời thầy giáo, qua bạn bè đồng môn, có người đã thành danh, không hiếm người vì yêu mến, đam mê mà tới lớp nhưng ở trong họ vẫn có không ít điều cho ông học hỏi. Ông ngộ ra: Khổ luyện thành tài văn như võ/ Nhà văn học người chưa Nhà văn/ Mở đầu pháo nổ, kết thúc chuông ngân/ Ai dạy được hạt mầm tách vỏ/ Viết cho góc cạnh, đừng cuộn tròn bi lăn! (Học viết văn). Và trên thực tế, không ít câu từ trong “Núm sống”, ông đã học được ở nơi này.

       Vốn ghét cay ghét đắng bã danh hoa, mùi phú quý, ông khéo léo nhập vai cụ rùa đá ở Văn Miếu, mà rằng: Đừng xoa đầu ta cầu danh cầu đạo/ Hãy về tăng sách đèn, bớt trò khăng đáo/ Ta nâng niu bảo tồn nguyên khí quốc gia//Mong khổ luyện để cưỡi tàu vũ trụ/ Học giả mua bằng, rồi xúm cưỡi lưng ta (Lời cụ rùa Văn Miếu). Vẫn không tham thay đổi giọng thơ, ông chỉ vận dụng, khai thác các giác quan thơ nội/ngoại giới, để đẩy lên tầm tư tưởng của mỗi bài thơ. Tôi còn nhận ra ở ông, cách lấy xưa để nói nay, chẳng hạn: Vọng tưởng bần hàn theo “tống cựu”/ Mơ mòng phú quý bám “nghinh tân”/ Vun chất thải ba ngày thần tài lưu cữu//Nêu cao phướn lạ doạ dẫm tà ma/ Biết làm gì xua quỷ ám lòng ta (Tục Tết xưa). Tôi như lặng người trước cái kết bất ngờ của ông: Nêu cao phướn lạ doạ dẫm tà ma/ Biết làm gì xua quỷ ám lòng ta. Tới đây, tôi bỗng nhớ tới câu nói mộc mạc, đầy ý tứ của Nhà phê bình văn học Diệp Tiếp, ông nói: “Có tấm lòng làm nền, rồi sau mới có thể làm thơ văn, nếu không thì ngày đọc vạn lời, ngâm ngàn bài cũng là lời điệu hời hợt bên ngoài, chẳng từ trong lòng sâu sắc”. Thật vậy, với Đặng Quốc Việt, ông đã thể hiện một cái nền trong sáng, một cái nền rất phù hợp với cố nhà văn Thạch Lam: “Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người trong sạch và phong phú hơn”. Ở “Núm sống” tập trung nhiều bài thơ giàu cảm xúc và sức lay gợi, đó là các bài: “Nơi giữ núm rau”, “Cãi Mẹ”, “Bạn thương binh”, “Cấp ba Xuân Trường”, “Chung cư nơi biên giới”, “Đất mẹ”, “Tướng của dân”, “Tham si”, “Cột cây số và trăng”, “Mỵ Châu”, “Thạch Sanh”… và nhiều thi phẩm khác đã góp mặt làm nên “Núm sống” đầy đặn, đau đáu nỗi lòng thi nhân!

 

       Thơ Đặng Quốc Việt, đây là dòng thơ được thai nghén từ những suy tưởng, chiêm nghiệm, trở trăn đầy nhân ái, nhân văn. Lẽ dĩ nhiên, có sự xơ cứng của tuổi tác và sự lệch pha vì đói kiến thức chuyên sâu. Chắc đó là lý do để ông “vác lều” đến lớp viết văn, và vì thế, nhìn toàn tập ta còn gặp một số bài chưa chặt chẽ, đại loại thấy gì viết nấy, làm cho mạch thơ đôi lúc giãn ra. Tuy vậy, với phong cách sáng tạo, khao khát tìm cái mới, người thơ sắp bước tới tuổi bát tuần này đã tạo ra nét riêng trong “thế giới thơ” cùng thời. Ông gọi “Núm sống” là “Tuyển thơ” nhưng theo chúng tôi, khi đã kiến tạo cho mình bản ngã sáng tạo đích thực, trên nền tảng phong cách và giọng điệu ấy, chắc chắn nhà thơ họ Đặng sẽ tiếp tục cống hiến độc giả thêm nhiều “Tuyển” nữa. Bởi lẽ, ông đang rất tự tin vào bản ngã của mình: Cái đang có là vò rượu tăm/ Líu lưỡi tình bạn mấy mươi năm/ Ngật ngưỡng thơ say, điếu đổ/ Trời heo may, dốc chén đưa cay...

 

                                                                                      

                                           

 

 

Nguyễn Tiến Nên
Số lần đọc: 528
Ngày đăng: 27.02.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xuân tình trong tình Xuân - Đặng Ngọc Như
Nhân ảnh – một thiên truyện hấp dẫn - Hoàng Thị Bích Hà
Thơ Nhã Ca, một vài tư liệu nhỏ - Nguyễn Lệ Uyên
Nhã Ca, người đàn bà nào cũng đẹp - Nguyễn Đức Tùng
Nhà Văn Nguyễn Đình Toàn - Nguyễn Vy Khanh
Đọc thơ tình của một người lính cũ - Hoàng Thị Bích Hà
Tứ tuyệt tình trong thơ Đoàn Quân - Đặng Ngọc Như
Lâm Thị Mỹ Dạ, thơ là cái đẹp - Nguyễn Đức Tùng
Về với Kinh Bắc qua văn truyện của Trần Thanh Cảnh - Hoàng Thị Bích Hà
Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm (Kỳ cuối ) - Phan Tấn Uẩn
Cùng một tác giả
Mẫu đơn rừng (truyện ngắn)
Tàu bay (thơ)
Cánh chim trong bão (truyện ngắn)
Đốn (thơ)
Khuyên (thơ)
Tưới (thơ)
Khi (thơ)