Trịnh Duy Sản sau khi giết Vua Lê Tương Dực, liền bàn mưu với các tông thất và đại thần, định lập Quang Trị, con của Mục Ý Vương; Mục Ý Vương là em của Cẩm Giang Vương Sùng. Nhưng Vũ Tá hầu Phùng Mại không nghe, bàn lập con trưởng của Cẩm Giang vương Sùng, là Y. Tường quận công Phùng Dĩnh sai lực sĩ giết Mại ở Nghị sự đường trong cung cấm, rồi lập [29b] Quang Trị khi ấy mới 8 tuổi. Mới được 3 ngày, chưa kịp đổi niên hiệu, thì Trịnh Duy Đại, anh Duy Sản, đem Quang Trị về Tây Đô, Thanh Hóa .
Bấy giờ An Hoà hầu Nguyễn Hoằng Dụ đóng quân ở Bồ Đề [Gia Lâm, Bắc Ninh], nghe tin Duy Sản làm việc thí nghịch, liền nổi giận đem quân vượt sông, đốt phá phố xá ở kinh thành, tính việc báo phục; chém Vũ Như Tô ở ngoài cửa kinh thành. Trước đây, Tô xuất thân là thợ, đem kỹ xảo mê hoặc vua làm điện trăm nóc, được bổ làm Đô đốc kiêm coi các sở ở bộ Công. Lúc này đương làm điện lớn chưa xong, dân gian ai cũng nghiến răng tức giận. Đến khi vua bị hại, Như Tô cũng bị quăng xác ra ngoài chợ, quan dân ai cũng chỉ trỏ xác hắn mà chê cười, có người còn nhổ nước bọt. Ngày hôm ấy, Trịnh Duy Sản và Lê Nghĩa Chiêu cùng các tông thất đại thần lại đón con trưởng của Cẩm Giang Vương là Y, lập lên lên làm Vua, khi ấy 14 tuổi; tức Chiêu Tông Thần Hoàng Đế; kể từ tháng 4 [2/5-30/5/1516] dùng niên hiệu Quang Thiệu thứ nhất. Vua là cháu đích tôn của Kiến Vương Tân, cháu bốn đời của Thánh Tông, ở ngôi 7 năm, bị Mạc Đăng Dung giết, thọ 26 tuổi, chôn ở lăng Vĩnh Hưng. Bọn Duy Sản, Nghĩa Chiêu thấy Hoằng Dụ đốt phá kinh thành, bèn sai lực sĩ Đàm Cử đón vua ngự ra ngoài, về thành Tây Đô Thanh Hoa, hội thề dấy quân khởi nghĩa; chỉ có Lê Quảng Độ ra đầu hàng Trần Cảo.
Lúc ấy, kinh thành vô chủ, dân chúng vào thành tranh nhau lấy vàng bạc, của báu, bạch đàn, xạ hương, lụa là, tơ gai. Người mạnh khoẻ tranh cướp vàng bạc, có người lấy được đến ba, bốn trăm lạng, người yếu cũng được đến hơn hai trăm lạng. Cung khuyết, kho tàng do vậy mà hết sạch.
Ngày 11 tháng 5 [10/6/1516], Trần Cảo lấy được Kinh thành, tiếm đặt niên hiệu là Thiên Ứng, ra triều đường làm việc, dùng Lê Quảng Độ coi việc nước. Bấy giờ, Đô lực sĩ Thiết sơn bá Trần Chân người xã La Ninh huyện Từ Liêm, tập hợp dũng sĩ và hương binh được 5,6 nghìn người, dấy binh ở chợ Hoàng Hoa [Ngọc Hà, Hà Nội]. Cảo nghe tin, bèn chia đường sai Phan Ất từ xã Bảo Đà, huyện Thanh Oai tiến đánh. Chân cũng từ xã Dư Dụ, huyện Thanh Đàm kéo đến. Chân đem quân đón đánh trước, tiến đến Cồn bắn [Giảng Võ, Hà Nội] đánh nhau dữ dội với Ất, khí giới hết cả, liền lấy mảnh vò vại ném vào quân của Ất. Chân bị thương ở răng miệng rất đau, lại vì quân bị cô lập không có cứu viện, khó lòng giữ lâu, bèn đang đêm rút về đóng quân ở chợ Hoàng Hoa.
Vua Chiêu Tông từ Tây Đô, tập hợp quân ba phủ (1); dùng Trịnh Duy Sản theo đường Thiên Quan [Ninh Bình], Ứng Thiên [Sơn Tây] tiến phát; Nguyễn Hoằng Dụ theo đường phủ Trường Yên [Ninh Bình] , Lý Nhân [Hà Nam] tiến phát; Bình Phú hầu Nguyễn Văn Lự và Vĩnh Hưng hầu Trịnh Tuy đem quân thuỷ bộ cùng tiến thẳng đến Đông Kinh.
Ngày 19 [18/6/1516], vua đến Tiêu Viên [Ứng Hòa, Hà Tây]. Trần Chân đi trước quân sĩ, một mình đến hành tại bái yết vua.
Ngày 23 [22/6/1516], quân phò Vua, bọn An Tín bá Trịnh Hy, Đề sát Lê Sạn, Tán lý Lê Dực , Ký lục Trương Huyền Linh, kế tiếp tiến vây ngoài cửa Đại Hưng. Cảo dẫn bọn phản nghịch lên lầu cửa Đại Hưng, phất cờ, bắn súng để chống lại quan quân. Trịnh Hy lùi dần, rút về Hồng Mai thì gặp quân của Nguyễn Hoằng Dụ, nên lại tiến vào. Khi ấy, Trịnh Duy Sản chỉ huy các quân thủy bộ cùng tiến, vây bốn mặt thành. Duy Sản đánh giặc từ bến Thái cực đến bến Đông Hà [ô Quan Chưởng, Hà Nội]. Quân giặc thua to. Trịnh Hy vây từ ngoài cửa Đại Hưng; Cảo đóng cửa thành cố thủ. Duy Sản vây phía tây bắc thành, lại gặp bọn giặc phản nghịch ở Sơn Tây là Hà Công Chân đem quân tiến sát thành định giết Cảo và tranh lập với vua. Duy Sản cố sức đánh, Công Chân bị thua và tử trận. Cảo phải mở cửa thành chạy qua sông Thiên Đức [sông Đuống], trốn lên Lạng Nguyên.
Ngày 24 [23/6/1516], vua đóng ở Thanh Đàm [Thanh Trì, Hà Nội], hôm sau Lương Văn hầu Nguyễn Thì Ung cùng với Đỗ Nhạc rước vua về kinh đô.
Tháng 8 [28/8-25/9/1516], bắt được đồ đảng của Trần Cảo là Phan Ất ở huyện Đông Triều [Quảng Ninh], đóng cũi giải về Kinh sư, đem chém ở phường Đông Hà
Nhà vua hạ lệnh cho Trịnh Duy Sản chỉ huy quân thủy, bộ các dinh, và Phạm Khiêm Bính giữ chức tán lý việc quân, đi tuần hành bình định xứ Hải Dương; Trịnh Tuy, Lại Thúc Mậu và lực sĩ Đàm Cử đi tuần hành bình định xứ Kinh Bắc.
Tháng 11[24/11-22/12/1516], vua lại hạ lệnh cho bọn Trịnh Duy Sản, Nguyễn Hoằng Dụ, Trịnh Hồng và Nguyễn Khắc Nhượng đem quân đi đánh Trần Cảo. Vì bại trận, Trịnh Duy Sản bị Trần Cảo giết:
“Bọn Duy Sản và Hoằng Dụ tiến quân đóng ở Chí Linh [Hải Dương]. Duy Sản cùng Trần Cao [Cảo] chống cự với nhau ở chỗ giáp giới xã Nam Giãn. Thấy tên Hạnh, một tì tướng, bị chết ở mặt trận, Duy Sản nổi giận, tiến sát đến nơi, các tướng can ngăn, Duy Sản không nghe, bèn chia đường cùng tiến, tự mình dẫn đầu sĩ tốt. Bên giặc tung quân kỳ binh ra đánh cướp. Duy Sản bị Trần Cao bắt được, đem giết đi, Trần Cao tiến quân thẳng đến Bồ Đề. Nhà vua sai Thiết Sơn bá Trần Chân ra đón đánh, phá tan được. Cảo lại lẩn lút ở Lạng Nguyên không dám ra, truyền ngôi cho con là Cung tiếm niên hiệu là Tuyên Hòa. Sau Trần Cao cạo đầu làm sư, trốn tránh được thoát.”Cương Mục, quyển 26, trang 34.
Tháng giêng năm Quang Thiệu thứ 2 [22/1-20/2/1517], (Minh Chính Đức năm thứ 12). Nhà vua truy tôn cho ông là Kiến vương Tân làm Đức Tông Kiến Hoàng đế, cha là Trang định đại vương Sùng làm Minh Tông Triết Hoàng đế; rồi hạ lệnh cho Đàm Thận Huy, thượng thư bộ Lễ, định những chữ húy. Lại truy tôn Mẫn Lệ công làm Uy Mục đế, Linh Ẩn vương làm Tương Dực đế.
Tháng 7 [19/7-16/8/1517], Nguyễn Hoằng Dụ và Trịnh Tuy hai người sửa soạn binh lính đánh lẫn nhau; sau đó Hoằng Dụ rút quân về Thanh Hóa. Trịnh Duy Đại, anh Duy Sản; bị tố cáo có âm mưu lập Vua khác, nên bị giết:
“Trước đây, Hoằng Dụ và Trịnh Tuy đều phụng mệnh vua đánh giặc, kịp lúc về kinh sư, vì nghe lời con em gièm pha, hai người thành ra hiềm khích, Hoằng Dụ thác là có bệnh không vào chầu, đóng quân ở phường Đông Hà, Trịnh Tuy đóng quân ở ngoài thành Đại La, hai người cùng nhau chống cự. Nguyễn Quán Chi, một viên quan trong Lục Khoa, đem việc ấy tâu bày. Nhà vua dùng sự tích Giả, Khấu, Liêm, Lạn (2) để dụ bảo, nhưng không giải hòa được. Nguyễn Văn Lự cùng Trịnh Duy Đại hẹn nhau cùng vào chầu để tâu vua xin đứng hòa giải. Khi đến trước điện. Văn Lự lấy tờ sớ bí mật trong tay áo đưa ra, nói Trịnh Tuy cùng Trịnh Duy Đại bàn mưu với nhau lập Nguyễn Tùng là con Nguyễn Trinh, làm ngụy chúa, định làm việc bạo nghịch lớn. Bấy giờ nhà vua sai bắt Duy Đại cùng đồ đảng của hắn là bọn Trịnh Bá Quát đều đem chém. Ngày hôm ấy, Hoằng Dụ cất quân đánh Trịnh Tuy ở quãng phường Khúc Phố, Phục Cổ [huyện Thọ Xương] ba lần đánh đều không thắng được. Nguyễn Thế Phó, đồ đảng của Tuy, trúng mũi tên phải rút lui. Tuy bèn bỏ chạy. Trần Chân là người có nghĩa cũ với Trịnh Tuy, cất quân đánh Hoằng Dụ, lại mật hạ trát cho con em các doanh ở Sơn Tây cùng đánh, Hoằng Dụ lánh chạy vào Thanh Hoa.” Cương Mục, quyển 26, trang 35.
Trần Chân đã đuổi được Nguyễn Hoằng Dụ, bèn mang quân về bảo vệ kinh sư. Nhà vua sai viên tướng mới đầu hàng là bọn Nguyễn Công Độ đem quân bộ và Mạc Đăng Dung đem quân thủy đuổi Hoằng Dụ. Hoằng Dụ chạy vào Thuần Hựu [huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa]. Quan quân bèn đào mả bố Hoằng Dụ là Nguyễn Văn Lang đem chém đầu. Hoằng Dụ đem quân chống lại và viết thư trần tình với Đăng Dung. Đăng Dung nhận được thư, đóng quân lại không đánh nữa, nhân đấy, Hoằng Dụ rút quân được toàn vẹn.
Tháng 12 nhuận [12/1/1518-9/2/1518], Lê Quảng Độ bị bắt rồi nhận tội, nhà vua sai đem giết đi. Trước đây, Trần Cảo đem quân xâm phạm vào cung khuyết, Quảng Độ lấy danh phận là thái sư Thiệu quốc công, đón Trần Cảo, xin đầu hàng, được Cảo ủy thác cho giữ công việc trong nước. Đến nay, bọn tướng trấn thủ là Hà Phi Chuẩn và Nguyễn Lỗ bắt được Quảng Độ đưa về kinh sư; bầy tôi trong triều trong đó có Mạc Đăng Dung dâng sớ hặc tâu; nên nhà Vua đem giết đi.
Năm này trong nước bị đói to, nhân dân chết đói, thây nằm chồng chất lên nhau. Các huyện Đông Triều, Giáp Sơn thuộc Hải Dương và huyện Yên Phong, Tiên Du, Đông Ngàn thuộc Kinh Bắc, nạn đói càng dữ.
Tháng giêng năm Quang Thiệu thứ 3 [10/2-10/3/1518], (Minh Chính Đức năm thứ 13); thi Hội các cử nhân trong nước, lấy đỗ bọn Đặng Ất 17 người. Đến khi thi Đình, đầu đề văn sách hỏi về việc biết người yên dân. Cho bọn Ngô Miễn Thiệu, Nguyễn Mân Đốc, Lưu Khải Chuyên 3 người đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ; bọn Lại Kim Bảng 6 người đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Đệ 8 người đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Gia phong Mạc Đăng Dung tước Vũ Xuyên hầu.
Ngày 11 tháng 7 [16/8/1518]; nhà Vua nghe lời dèm pha bởi một câu hát đồng dao vu vơ, giết Thiết Sơn bá Trần Chân; người có công phò Vua dẹp loạn Trần Cảo. Bọn Hoàng Duy Nhạc, đồ đảng của Trần Chân, nổi loạn, nhà vua phải chạy qua Gia Lâm; khiến cơ đồ đi đến chỗ sụp đổ:
“ Trước đây, sau khi đã đuổi được Hoằng Dụ, Trần Chân nắm hết quyền binh trong tay, đến Mạc Đăng Dung cũng phải sợ, hỏi lấy con gái Trần Chân cho con trai mình là Đăng Doanh. Lúc ấy có người hiếu sự làm câu sấm rằng: "Trần hữu nhất nhân, vì thiên hạ quân, thỏ đầu hổ vĩ, tế thế an dân " [họ Trần có một người, làm vua thiên hạ, đầu thỏ đuôi hùm, giúp đời yên dân]. Vì cớ ấy, Quốc cữu Chử Khải, cùng bọn Thọ quốc công Trịnh Hựu, Thụy quận công Ngô Bính mưu tính với nhau rằng: "Trần hữu nhất nhân " tức là Trần Chân, "thỏ [Mão] đầu, hổ [Dần] vĩ " tức là cuối năm Dần, đầu năm Mão . Bọn này sợ năm Mão sẽ có biến loạn, nên khuyên nhà vua toan tính sớm đi.
Đến nay nhà vua cho triệu Trần Chân vào trong cung cấm, hạ lệnh đóng các cửa thành rồi sai lực sĩ bắt, Trần Chân chạy đến trên thành, người giữ cửa bắt được đem chém. Lúc ấy, bộ tướng của Chân là bọn Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính và Nguyễn Áng được tin Chân bị giết, liền đem quân xông vào cửa Đại Hưng, bị người giữ cửa chống cự, không vào được. Nhà vua thống suất quân sĩ tuần hành trong thành, sai đem đầu Trần Chân giơ lên cho mọi người biết, bọn Kính và Áng rút lui tụ hợp ở Yên Lãng [chùa Láng ở quận Đống Đa, Hà Nội], rồi lại xâm phạm sát vào kinh thành. Đương đêm nhà vua phải chạy đi Gia Lâm [Bắc Ninh] lánh nạn, sáng hôm sau đến Dương Quang [huyện Siêu Loại, Bắc Ninh], vào nhà đô lực sĩ Đàm Cử, quá trưa chưa có cơm ăn, dân chúng tranh nhau đem dâng bánh khoai. Lúc ấy, Trịnh Tuy đóng ở Sơn Nam, có hơn vạn quân, được tin nhà vua chạy ra ngoài thành, quân sĩ đều giải tán bỏ đi. Do đó, bọn Duy Nhạc đem đồ đảng cướp bóc thả cửa, trong kinh sư thành ra trống rỗng. Nhà vua
cho triệu Hoằng Dụ đem quân đánh giặc, nhưng Hoằng Dụ chần chừ, không đem quân đến.” Cương Mục quyển 26, trang 38.
Tháng 8 [5/9-4/10/1518], Thừa chính sứ Kinh Bắc Phạm Khiêm Bính nghe tin Vua chạy sang Gia Lâm, bèn đến hành tại bái yết, rồi vâng mệnh điều động lương thực cấp cho quân lính.
Vua sai Cung Kiệm hầu Hà Văn Chính, Cối Khê bá Lê Đại Đỗ đi gọi Mạc Đăng Dung ở Hải Dương về. Đăng Dung lại sai người đi dụ đệ tử của Trần Chân, như bọn Nguyễn Áng; chúng đều nói: “ Thiết Sơn bị giết, do ở bọn Chử Khải, Trịnh Hựu, Ngô Bính dèm pha, nếu giết ba người ấy thì vua tôi lại như cũ, không có mưu đồ gì khác.” Vua chấp nhận giết ba người; nhưng bọn Áng lại càng hoành hành, không chịu rút quân.
Tháng 9 [5/10-2/11/1518], Đăng Dung lấy cớ rằng nhà vua ở Gia Lâm gần địa phận của giặc, xin dời đến Bảo Châu [Từ Liêm, Hà Nội]. Đô ngự sử Đỗ Nhạc và Thiêm đô ngự sử Nguyễn Dự, là những cận thần đều can. Ngày 21 tháng 9 [25/10/1518] Đăng Dung sai đồ đảng của mình là Đinh Mông bắt Nhạc và Dự đem giết ở ngoài cửa bắc chỗ hành doanh xã Xuân Đỗ [Gia Lâm], khiến bầy tôi ai cũng run sợ. Đăng Dung bèn rước vua đi Bảo Châu. Từ đấy quyền binh trong triều đình, ngoài biên trấn, về hết trong tay Đăng Dung.
Sau khi nhà vua đã dời đến Bảo Châu, Trịnh Tuy và Nguyễn Si giao thông với giặc là bọn Nguyễn Kính đệ tử của Trần Chân, cùng nhau lập tên Bảng là con của Tĩnh Tu công Lộc, xưng niên hiệu là Thiên Đức, dựng hành điện ở xã Miêu Nha, huyện Từ Liêm. Lúc ấy, nhà Vua ở Bảo Châu, sai người bảo Nguyễn Hoằng Dụ đem quân cứu viện. Nhà vua hạ lệnh cho Hoằng Dụ cùng với Đăng Dung thống lĩnh quân các đạo Thanh Hóa và Sơn Nam tiến đánh bọn Kính và Áng ở Sơn Tây. Hoằng Dụ đem quân đánh trước, nhưng không thắng lợi, Hoằng Dụ suy tính rằng mình không thể đánh phá được bọn này, bèn dẫn quân về Thanh Hóa, ít lâu sau thì chết, chỉ còn một mình Đăng Dung cầm cự nhau với bọn Kính và Áng.
Tháng 10 [3/11-2/12/1518], sai Mạc Đăng Dung thống lĩnh các dinh quân thủy, bộ; Vua lại trở về hành dinh thuộc xã Xuân Đỗ, huyện Gia Lâm.
Tháng giêng năm Quang Thiệu thứ 4 [31/1-28/2/1519], (Minh Chính Đức năm thứ 14), Vua đóng tại hành dinh Bồ Đề, Gia Lâm. Trịnh Tuy làm cầu phao tiến quân, qua giữa sông để khiêu chiến. Vua sai đại tướng đánh phá, chặt đứt cầu phao, chém được tướng giặc Mai Dương Bá. Bọn Tuy cùng với Lê Do rút về vùng Yên Lãng, Yên Lạc [tỉnh Vĩnh Phú] . Vua lại sai tướng đến đánh, bọn Tuy đang đêm kinh sợ trốn chạy.
Tháng 7 [26/7-24/8/1519], mưa to. Sai Mạc Đăng Dung thống lĩnh các quân thủy bộ vây Lê Do ở Từ Liêm [Hà Nội], rồi phá đê cho nước vỡ vào quân Lê Do. Bọn Do và Nguyễn Sư chạy đến Ninh Sơn [Quốc Oai, Hà Tây], quan quân bắt được, giải về đem đi rao cho dân chúng biết.
Ngày 20 tháng 9 [13/10/1519], vua về kinh đô, đại xá, ban ân khắp, cho các quan được thăng 1 cấp, phong Mạc Đăng Dung làm Minh quận công.
Tháng giêng năm Quang Thiệu thứ 5 [20/1-18/2/1520], (Minh Chính Đức năm thứ 15); cử Mạc Đăng Dung làm tiết chế các quân dinh thủy bộ; lấy Phạm Gia Mô, thông gia với Đăng Dung làm tán lý quân vụ; thế là thế lực quân đội đều vào trong tay Mạc Đăng Dung.
Lúc này Vũ Nghiêm Uy nỗi dậy ở Đại Đồng (thuộc Tuyên Quang), vua sai Quỳnh Khê hầu Vũ Hộ đem quân đi đánh, lấy Phạm Khiêm Bính làm tán lý quân vụ. Quan quân tiến đến xã Đại Đồng thì Nghiêm Uy chạy trốn vào động núi.
Tháng 4 [17/4-16/5/1520], thi Hội các sĩ nhân trong nước, lấy đỗ bọn Nguyễn Bật 14 người. Đến khi thi Đình, vua thân hành ra đầu bài văn sách hỏi về nhân tài, cho Nguyễn Thái Bạt đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Bật 13 người đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.
Ngày 29 tháng 8 nhuần [10/10/1520], truy tặng Đỗ Nhạc hàm Thiếu bảo, Thượng thư, Ngự sử đài đô ngự sử Văn Trinh bá, tên Thuỵ là Văn Tiết. Lấy Ngự sử đài thiêm đô ngự sử Nguyễn Mậu làm Phó đô ngự sử, Nguyễn Quý Nhã làm Lại bộ thượng thư bồi thị kinh diên.
Về phía Chiêm Thành, cũng vào tháng 8 nhuần, Quốc vương Sa Cổ Bốc Lạc sai chú đến nhà Minh triều cống; được tiếp kiến và ban thưởng hai lần:
“Ngày 5 tháng 8 nhuần năm Chính Đức thứ 15 [ 16/9/1520 ]
Nước Chiêm Thành sai Sứ thần, Đầu mục, Thông sự Phiên Sảo và chú của vua là Sa Một Để Đại đến triều cống. Ban yến, thưởng các vật như lụa thải, đoạn có sai biệt.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 171.
“Ngày 17 tháng 12 năm Chính Đức thứ 15 [ 25/1/1521]
Quốc vương Chiêm Thành Sa Cổ Bốc Lạc sai chú là Sa Một Để Đại cùng bọn Chánh Phó sứ Sa Bát Thóat Na Biện tiến cống, tạ ơn được sách phong. Mỗi người được ban cho mũ, dây đai có sai biệt.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 172.
Tháng giêng năm Quang Thiệu thứ 6 [7/2-8/3/1521], (Minh Chính Đức năm thứ 16); phong Mạc Đăng Dung làm Nhân quốc công, tiết chế các doanh quân thủy bộ 13 đạo. Lấy Phạm Khiêm Bính làm Thượng thư bộ Lại.
Ngày 14 tháng 3 [20/4/1521], Vua Vũ Tông nhà Minh băng, không có con nối dõi. Từ Thọ Hoàng thái hậu bàn định theo ý chỉ của tổ tiên, anh chết truyền ngôi cho em; làm di chiếu, sai đại thần rước con thứ là Hậu Thông nối nghiệp, ngày 22 tháng 4 [27/5/1521], lên ngôi Hoàng đế; lấy năm sau làm năm Gia Tĩnh thứ 1.
Tháng 7 [2/8-31/8/1521], vua ngự đến phủ đệ của Mạc Đăng Dung, gia phong Đăng Dung chức Thái phó.
Tháng 8 [1/9-29/9/1521], nhà vua sai Đăng Dung đi đánh Trần Cung con Trần Cảo, ở Lạng Nguyên [Bắc Giang, Lạng Sơn], Trần Cung phải chạy. Trước kia, Trần Cảo trốn lên Lạng Nguyên, triều đình vì bận nhiều việc, nên chưa kịp kinh lý đến nơi xa. Cảo lén lút chiếm cứ các huyện thuộc Lạng Nguyên và Kinh Bắc, qua 5 năm, truyền cho con là Cung. Cung tiếm hiệu là Tuyên Hòa; còn Cảo thì cắt tóc làm sư, lẩn trốn đâu, không ai biết. Tháng 9 [30/8-29/10/1521], quan quân tiến đến vùng Lạng Nguyên, bọn Cung đều bỏ chạy, bắt được vợ và con gái của Cung đem giết đi. Cung chạy vào châu Thất Nguyên [Thất Khê, Lạng Sơn]; lại có thuyết nói Cung chạy trốn sang nước Minh, sau bị đóng cũi giải về kinh sư.
Tháng giêng năm Quang Thiệu thứ 7 [28/1-25/2/1522], (Từ tháng 8 trở về sau, chép Vua Cung Hoàng, Thống Nguyên năm thứ 1; Minh Thế Tông, Gia Tĩnh năm thứ 1). Nhà Minh sai Hàn lâm viện biên tu Tôn Thừa Ân và Cấp sự trung Du Đôn sang báo tin Vua Gia Tĩnh lên ngôi. Gặp khi nước ta có loạn, bọn Thừa Ân không đến nơi được. Đến năm sau [1523], Thừa Ân trở về phủ Thái Bình, còn Đôn bị chết ở dọc đường.
Sử Trung Quốc Minh Thực Lục xác nhận sự kiện nêu trên; duy chép nhầm rằng Lê Huệ [Vua Chiêu Tông] là con Lê Trừu [Vua Tương Dực], thực ra Huệ là cháu ruột của Trừu:
“Ngày 24 tháng 3 năm GiaTĩnh thứ 2 [ 9/4/1523].Trước đây Hàn lâm viện Biên tu Tôn Thừa Ân, Hữu Cấp sự trung bộ Lễ Du Đôn mang chiếu dụ, cùng lụa là đến ban cho Quốc vương An Nam Lê Trừu. Đến Long Châu nghe tin bề tôi nước này là Trần Cảo nỗi loạn, Trừu bị giết, người trong nước lập con thứ của Trừu là Huệ (3) lên làm vua. Bầy tôi là Mạc Đăng Dung lại làm phản, đuổi Huệ. Đường sá không thông, Sứ giả không vào được, về đến Ngô Châu [Quảng Tây], Đôn bị bệnh sắp mất, Thừa Ân dâng sớ trình bày sự việc. Tổng đốc Lưỡng Quảng, Đô Ngự sử Trương Đỉnh cũng dâng sớ; bộ Lễ bàn thêm. Thiên tử mệnh Thừa Ân trở về kinh; lệnh quan Trấn, Tuần điều tra thêm sự tình đất Di rồi trình lên.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 175.
Ngày 20 tháng 4 [15/5/1522], giặc cướp nổi lên ở kinh thành, đốt phá phố xá trong nội thành. Vua sai Đông quân công Mạc Quyết, Quảng quận công Kiều Văn Côn sai thuộc hạ dàn trận ở ngoài thành, kinh kỳ mới được yên.
Cùng trong tháng, Bảo Xuyên hầu Lê Khắc Cương và Lương Phú hầu Lê Bá Hiếu làm loạn, nổi dậy ở vùng Đông Ngàn, Gia Lâm [Hà Nội]. Mạc Đăng Dung thân hành đem các tướng đi đánh không được, Phó đề hình Tứ thành quân vụ Trâu Sơn bá Lê Thị chết tại trận. Sau sai tướng khác đi đánh; Bá Hiếu thua, chạy trốn lên Lạng Nguyên [Bắc Giang, Lạng Sơn], bị bắt giải về Kinh sư, xử tử.
Ngày 27 tháng 7 [18/8/1522], nhà Vua mưu thoát ra khỏi sự khống chế của Mạc Đăng Dung, chạy ra huyện Minh Nghĩa tức huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây.
Bấy giờ Mạc Đăng Dung uy quyền ngày một lớn, lòng người hướng theo. Đăng Dung đem con gái nuôi vào hầu vua, tiếng là chầu hầu, thực ra là để dò xét, coi giữ. Lại cho con trưởng là Đăng Doanh làm Dục Mỹ hầu, trông coi điện Kim Quang. Đăng Dung đi bộ thì lọng phượng giát vàng, đi thuỷ thì thuyền rồng giây kéo, nghi vệ như Thiên tử; ra vào cung cấm, không kiêng sợ gì. Lại giết bọn thị vệ của Vua là bọn Nguyễn Cấu, Đô lực sĩ Minh Sơn bá Nguyễn Thọ và Đàm Cử.
Tình thế cấp bách, Vua mưu ngầm với bọn Phạm Hiến, Phạm Thứ, sai người đem mật chiếu vào Tây Kinh sai Trịnh Tuy nghênh tiếp tăng viện. Vào canh hai đêm 27, bọn Hiến, Thứ vào hầu yến, rồi đón vua ra ngoài, Hoàng thái hậu và em vua là Xuân không được biết. Vua ra đến xã Mộng Sơn, huyện Minh Nghĩa, Sơn Tây; hôm sau Đăng Dung biết chuyện, đem quân đi đón chặn những nơi quan yếu.
Ngày 28 [19/8/1522], Đăng Dung kéo cờ ở Kinh thành, truyền lệnh cho các nhà ở phố phường không được kinh động. Lại sai bọn Hoàng Duy Nhạc binh mã đuổi theo kịp vua ở huyện Thạch Thất, Sơn Tây. Vua đem quân huyện Thạch Thất chống lại, bắt được Duy Nhạc. Đăng Dung vào Kinh tha cho Trình Chí Sâm và Nguyễn Thì Ung ra khỏi tù. Trước đây, Vua cho là hai người này hùa theo Đăng Dung, đem giam ở điện Quỳnh Văn, chưa kịp giết thì chạy ra ngoài, cho nên Đăng Dung tha ra.
Bấy giờ, vua đã chạy ra ngoài, Đăng Dung bèn cùng với Thái sư Lượng quốc công Lê Phụ, Mỹ quận công Lê Chu, Cẩm Sơn hầu Lê Thúc Hựu, Hoằng Lê hầu Phạm Gia Mô, Đoan Lễ hầu Dương Kim Ao, Quỳnh Khê hầu Vũ Hộ, Dương Xuyên hầu Nguyễn Như Quế, cùng bàn lập em vua là Xuân.
Mạc Đăng Dung nhận thấy đóng đô tại kinh thành không an toàn, bèn sai Lê Chu và Nguyễn Như Quế đón Xuân sang Hồng Thị, huyện Gia Phúc, Hải Dương , rồi sai quân dân đắp lũy lập hành điện tại Cẩm Giàng, Hải Dương để phòng giữ. Bọn Phó đô tướng Bắc Giang Phúc Sơn bá Hà Phi Chuẩn, Bình Hồ bá Nghiêm Bá Ký, Phúc Nguyên bá Nguyễn Xí, Phù Hưng bá Phạm Tại đã nhận được mật chiếu và văn phủ dụ của Vua Chiêu Tông từ trước, bèn đem con em xứ Bắc Giang đến đóng quân ở sông Tây Kiều, huyện Đông Ngàn [huyện Từ Sơn, Bắc Ninh]; Lâm Xuyên bá Đàm Thận Huy, Chưởng Hàn lâm viện Nguyễn Hữu Nghiêm và Dương Khảo đều ở cả đấy.
Đăng Dung đốc thúc các tướng cầm cự với bọn Phi Chuẩn; lại dụ được Phạm Tại làm hướng đạo; khiến bọn Phi Chuẩn, Bá Ký đều thua chạy cả.
Ngày mồng 1 tháng 8 [21/8/1522], Đăng Dung cùng với bọn Lê Phụ đem các quan, cùng tôn hoàng đệ Xuân lên ngôi Hoàng đế. Xuống chiếu rằng:
“Trời lập vua là vì dân, vua vâng mệnh trời [57a] là để thương dân. Anh ta là Quang Thiệu hoàng thượng, kính nhậm phúc trời, kế thừa nghiệp tổ, dẹp yên loạn lạc, trở lại chính thống, ban bố ân đức, giữ yên sinh dân, đến nay đã được 7 năm. Đêm ngày 27 tháng 7 nay, bị kẻ gian bắt hiếp dời ra bên ngoài. Triều thần là bọn Lê Phụ thấy trẫm là con thứ hai của Minh Tông Triết Hoàng Đế, là em ruột Quang Thiệu hoàng thượng, đồng lòng suy tôn, hai ba lần khuyên mời lên ngôi. Trẫm thấy tông xã sinh dân là điều hệ trọng, cố ý từ chối không được, bèn kính cáo tông miếu, lấy ngày mồng 1 tháng 8 năm nay lên ngôi, đổi niên hiệu là Thống Nguyên năm thứ 1, đại xá thiên hạ gồm 32 điều.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 15, trang 56b.
Chú thích:
1.Ba phủ: tức là các phủ Thiệu Thiên sau gọi là Thiệu Hoá, Hà Trung và Tĩnh Gia thuộc tỉnh Thanh Hoá.
2. Giả Phục - Khấu Tuân - Liêm Pha - Lạn Tương Như: Giả Phục và Khấu Tuân đều là đại tướng của Quang Vũ nhà Đông Hán, vì Tuân giết một bộ tướng của Phục mà hai người sinh hiềm khích toan đánh chém lẫn nhau. Quang Vũ cho triệu hai người đến trước mặt dụ bảo rằng: "Nay thiên hạ chưa bình định, sao hai con hổ lại đấu chọi với nhau ". Từ đấy Phục và Tuân lại vui vẻ cùng nhau đi chung xe ra về, và kết bạn bè với nhau.
Liêm Pha và Lạn Tương Như người thời Chiến Quốc, đều làm quan nước Triệu; Liêm Pha làm tướng võ, Tương Như làm tướng Văn, chỉ vì ngôi thứ cao thấp mà Liêm Pha toan làm nhục Tương Như, người nhà Tương Như lấy làm hổ thẹn. Tương Như bảo người nhà rằng: "Sở dĩ nước Tần không dám đánh nước Triệu, là vì nước Triệu có hai chúng tôi. Nay nếu hai con hổ đánh nhau, tất nhiên không sống cả được, cho nên tôi cần phải trọng việc nước mà bỏ thù riêng đi ". Khi Liêm Pha nghe được lời nói ấy, thân hành đến nhà Tương Như tạ lỗi và xin kết bạn chí thân.
3. Lê Huệ tức vua Lê Chiêu Tông, con trưởng của Cẩm giang vương Sùng. Tại đây Minh Thực Lục chép lầm; Huệ gọi Vua Tương Dực Lê Trừu là chú ruột, chứ không phải là con.