Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.216
123.207.092
 
Cuông Trại (*)
Nguyễn Thỵ


(Ảnh: Internet)

 

   

          Bất cứ ai khao khát chim công đều trải qua khổ ải...(**)

 

 

1. Miền cát đen

 

Chỉ qua mùa khô này là Lão Dư đã tròn tám mươi tuổi. Tuy vậy, với tư chất mẫn tiệp, thân thể tráng kiện và tinh thần lạc quan, dù râu tóc bạc trắng như cước nhưng gương mặt hồng hào, nhìn ông chỉ độ bảy mươi tuổi là cùng! Cuộc sống yên tĩnh ở vùng nông thôn với không khí trong lành, thói quen ăn uống lành mạnh, cộng thêm chế độ luyện tập võ thuật nghiêm khắc được duy trì từ thời niên thiếu đã giúp cho ông có một sức khỏe tuyệt vời ở độ tuổi của mình.

 

Những bài quyền đặc trưng của hệ phái võ Gò Công xuất phát từ nghĩa quân Trương Định đã giúp Lão Dư có một sức khỏe dẻo dai hiếm có. Mỗi sáng khi mặt trời vừa vén màn sương, mặt đất vừa tỉnh thức, giữa khoảng sân rộng được bao quanh bởi những gốc sơ-ri đầy trái vừa ửng chín trên cành, ông lão bắt đầu những bài quyền danh trấn từ thời còn là môn sinh của võ đường Triệu tử Long- Gò Công. 

 

Giữa thời khắc trong veo sáng sớm, những đường quyền uyển chuyển lúc nhanh lúc chậm, lúc thanh thoát như hoa mai đang hàm tiếu rung rinh trong tiết xuân, lúc cuồn cuộn như rừng mai nở rộ khoe vẻ đẹp mãn khai rồi bất ngờ tung muôn cánh vàng rực rỡ bay rợp trời trong gió. Vẻ đẹp mê hồn của Mai hoa quyền toát ra sự tinh túy thâm sâu của võ thuật phương đông đồng thời dũng mãnh kiên cường như gốc mai già trước phong ba bão táp. Những tuyệt chiêu của bài danh quyền càng ngày càng tinh tấn, điêu luyện, đã làm cho Lão Dư như hóa thành mai tiên, trẻ lại từng ngày như đang trở về thời trai tráng chứ không phải một lão ông đang tuổi kề cận trăm năm.

 

Công việc yêu thích nhất và chiếm nhiều thời gian nhất của Lão Dư là đám chim công gần 100 cá thể trưởng thành và bầy hậu duệ đông đúc của chúng.

"Thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ", ông bắt đầu nuôi công khoảng hơn chục năm trước và gầy dựng Cuông Trại với tâm huyết của một lão nhân vừa khám phá mối duyên nợ muộn màng của mình. Và không có gì là quá muộn khi bắt đầu một công việc bằng tất cả đam mê và khao khát chạm tới tuyệt đỉnh của niềm đam mê đó.

 

Cơ duyên với loài chim khổng lồ đẹp nhất hành tinh này cũng có đôi chút nhuốm màu tâm linh huyền hoặc, vừa như một giấc mơ kỳ ảo vừa như một thực tại từ hàng bao thế kỷ trước quay về.

 

Năm đó, trong một đêm rằm trăng soi vằng vặc, gió thổi hiu hiu, ông nằm lim dim trên chiếc võng bện bằng xơ dừa giăng giữa hai cây sơ-ri già rợp bóng. Đang chập chờn nửa ngủ nửa thức, ông giật mình khi thấy một người đàn ông tướng mạo phương phi từ ngoài ngõ khoan thai đi vào. Theo sau người đàn ông là một phụ nữ rất đẹp, mái tóc đen mượt bới cao, làn da bánh mật, mày ngài mắt phượng, môi đỏ như son. Đặc biệt cả hai đều mặc phẩm phục đại triều của quan văn thời nhà Nguyễn. Họ không có vẻ gì ngại ngùng, xa lạ với nơi đây. Hình như họ cũng không nhìn thấy ông, trong khi ông gắng hết sức để ngồi dậy nhưng cả thân mình dán chặt trên võng không thể nào nhúc nhích. Hai người đó đứng khá lâu dưới bóng cây sứ cổ thụ nở đầy hoa trắng, lặng im chìm đắm trong ánh trăng huyền ảo và hương thơm nồng nàn của hoa sứ. Ông chỉ còn nhìn thấy họ ở góc nghiêng, rồi sau đó là dáng trúc hình mai mông lung mờ ảo khi họ bước dần về phía trái, nơi có hòn non bộ giữa một ao sen rộng với cảnh quan tuyệt đẹp mà ông đã dày công tu bổ.

 

Bỗng dưng mùi hoa sứ trở nên ngạt ngào chưa từng có, mùi hoa cứ dâng lên, dâng lên mãi làm Lão Dư ngộp thở. Ông giật mình thoát ra khỏi trạng thái mơ màng bởi tiếng kêu rất lạ. Không phải tiếng ngỗng, không phải tiếng quạ, cũng không phải tiếng thiên nga, hay đó là tiếng hạc? Ông ngồi dậy trên võng, khua chân tìm đôi guốc mộc rồi vội vàng đi về hướng tiếng kêu và bước tới ao sen. 

Mặt ao trong vắt ánh vàng chen lẫn với bóng sen im lìm vây quanh hòn non bộ. Ông ngỡ ngàng khi thấy cách thềm ao vài thước một đôi chim công lộng lẫy đang múa dưới ánh trăng huyền hoặc như trong cõi bồng lai tiên cảnh. Đó chắc hẳn là giống công ngũ sắc- loài chim đẹp nhất thế giới mà ông từng nghe nói đến.

 

Lão Dư đứng tựa vào cái hồ chứa nước mưa đối diện với ao sen, lặng người chiêm ngưỡng vũ điệu chim công. Đôi chim tuyệt mỹ đang phiêu bồng trong vũ khúc mê hồn mà lần đầu tiên ông được nhìn tận mắt như vừa nhìn thấy hai người từ thiên thu vạn đại ghé qua đây. Chúng xòe đuôi xoay tròn rồi lả lướt bay lên, sải cánh dang rộng như muốn ôm choàng lấy mặt trăng. Dải đuôi dài tha thướt của con trống buông xuống rập rờn như làn sóng đầy màu sắc, chúng lượn nhiều vòng rồi đáp xuống nhẹ nhàng như hai đám mây rực rỡ. Tiếng kêu của đôi công vang lên thành một chuỗi âm thanh lạ thường trong đêm thanh vắng.

Lão Dư không biết mình đang mơ hay tỉnh, cảnh tượng trước mắt là mộng hay thực, chỉ biết cả đời ông chưa bao giờ sống trong cảm giác tuyệt vời đó. Bất chợt trong lòng ông dấy lên một nỗi lo sợ- ông sợ những hình ảnh tuyệt đẹp kia bỗng tan vỡ như một giấc chiêm bao... Ông cứ đứng ngắm nhìn mãi cho đến khi trời rạng sáng.

 

Sáng hôm đó ông lão cứ đi ra đi vô ngoài ngõ có ý ngóng chờ người đi tìm chim công, nhưng quá ngọ cũng chẳng thấy ai. Chung quanh vùng đất mênh mông bạt ngàn ở tận cùng thế giới này cũng chẳng có mấy nhà, họ chuyên nghề ruộng rẫy, nuôi một ít gia súc, gia cầm... chưa bao giờ có ai nuôi công. Hay chúng đã từ phương xa bay lạc tới đây?

 

Trong ảo diệu hoang mang, phải chăng đó là hậu duệ hàng bao thế kỷ của bầy công tụ hội ở đất gò, để miền đất hoang hóa xưa kia trở thành Khổng Tước nguyên trong huyền sử phương Nam?

 

Suốt mấy ngày liền Lão Dư vẫn như người đi trên mây. Ông mê mẩn ngắm nhìn đôi công ngũ sắc, nhất là vẻ đẹp phi thường của chim trống với chiếc đuôi dài lướt thướt chợt vươn cao, xòe rộng tạo nên dáng vẻ đường bệ uy nghi của một bậc đế vương. Chim mái cũng không kém với bộ lông màu nâu tươi điểm đốm trắng lác đác như tuyết rơi giữa miền nhiệt đới, cái ức màu xanh lam lan đều lên phía lưng như một chiếc khăn choàng lụa.

Sau này ông mới biết đó là một dạng đột biến về màu lông của loài công, thay vì có bộ lông đơn sắc, chim công ngũ sắc lại mang bộ lông có nhiều màu khác nhau: trắng, xanh lục, xanh lam, nâu, vàng... được phân bổ ngẫu nhiên từ đầu cho đến ức và đuôi chim.

 

Lão Dư thuê người làm một cái chuồng rộng bằng tre ngâm bùn lâu năm dưới ao, từng nan lớn vót bóng ngới như quét dầu đan thành những tấm liếp chắc chắn. Cột dựng bằng những thân tre lớn, mái lợp lá dừa nước, đảm bảo thoáng mát quanh năm nơi miền đồng khô cỏ cháy này!

Ông sốt sắng gửi thư về thành phố nhờ con trai và thằng cháu nội mua cho một số sách dạy nuôi công, tạm thời thì cho nó ăn gạo thóc, khoai sắn, rau cỏ trong vườn nhà. 

 

Sau đó ít lâu, Lão Dư hoàn thành thủ tục đăng ký thành lập trang trại để hợp thức hóa bầy công càng ngày càng đông đúc. Để khai thác hết diện tích trang trại, ông khoanh vùng chăn nuôi bò, heo, gà và khu vực trồng rẫy.

Số lượng nhân công thuê mướn quanh vùng cũng vừa đủ cho các công việc nói trên. Riêng việc chăm sóc cho bầy công thì có hai vợ chồng người cháu họ xa phụ việc là Hầu và Xinh, cô vợ đảm đương luôn việc chợ búa, cơm nước, v.v..

 

Trang trại của Lão Dư nhiều năm qua chỉ cung cấp heo, bò, gà, trứng và các loại rau củ cho thương lái nhỏ lẻ trong vùng, tuyệt nhiên không động phạm gì đến bầy công.

Vốn đại kỵ việc ăn trứng và thịt chim công, ông rất ghét ai tới hỏi mua để ăn thịt mặc dù biết rõ không phải ai cũng nuôi công chỉ để làm cảnh mà đa số là nuôi công giống và công thịt. Bọn "nem công chả phụng" luôn có nhiều lý do để nài nỉ ông, nào là cúng phong thủy khai trương cơ sở làm ăn, tẩm bổ cho cha mẹ bệnh nặng, con cái suy dinh dưỡng, bồi bổ trí não cho trẻ con... nhưng ông biết họ thường mua chim công để làm quà tâng bốc quan trên nhằm thăng quan tiến chức, hưởng thụ một trong bát bửu để thăng hoa chuyện phòng the... Tất cả  những việc đó làm Lão Dư càng ghét cay ghét đắng bọn quan chức và trọc phú trong vùng. Ông đã từng nửa đùa nửa thật đọc và dịch cho bọn họ nghe mấy câu thơ cổ:

 

Khổng tước phủ hoài độc

Ngộ phục bất khả y (***)

Tạng phủ chim công có chất độc,

Lỡ ăn trúng, không có thuốc chữa

 

Và vẫn nhất định không bán dù là một con!

 

Thái độ đó đã gây cho lão không ít khó khăn trong việc tranh chấp đất đai của tổ tiên để lại với thằng em chú bác đâu từ bên Mỹ trở về sau mấy chục năm biệt xứ.

 

Ông thừa biết nếu mảnh đất cò bay thẳng cánh này rơi vào tay hắn, một tay chơi châu Á có hạng từng ở Las Vegas, thì chỉ một sớm một chiều di chỉ của tổ tiên sẽ sang tên!

Rồi mọi việc cũng qua, ông phải đánh đổi một trong hai cơ ngơi đắc địa ở một thành phố lớn để không phải tiếp tục đưa nhau ra chính quyền giải quyết. Người em họ đã qua đời sau khi bán ngôi biệt thự và thua sạch trong những ván bài máu lửa ở Cam. Ngôi nhà còn lại do vợ ông quản lý đến khi mất cách đây không lâu, bây giờ do người con trai duy nhất của ông thừa hưởng. Năm nay con ông cũng sắp trở thành một ông già và đang có ý định về sống cùng ông với bầy công trên quê cha đất tổ.

 

Ngoài Lão Dư, hai vợ chồng Hầu -Xinh, ở trại Cuông còn có Lem, một bé gái đang tuổi vừa lớn, rất lặng lẽ bên cạnh tất cả những chuyển động của thiên nhiên và cuộc sống con người nơi vùng đồng chua nước mặn này.

Đó là đứa bé lạc loài từ xa thẳm, không tên, không tuổi mà Lão Dư đã cưu mang với tất cả lòng trắc ẩn và yêu thương.

 

Có lẽ do lớn lên trong khuôn viên tĩnh mịch của Cuông Trại cùng với một ông già cô độc, hiếm khi được giao tiếp với thế giới bên ngoài nên Lem rất ít nói hoặc biểu lộ cảm xúc. Cô bé sống bên cạnh ông như chồi non mọc bên gốc cổ thụ, như con mèo con nép bên lão hổ, không cần phải nói gì, làm gì, cứ thế mà lớn lên!

Cô bé sớm sở hữu một vẻ đẹp hiếm thấy- vẻ đẹp được tác tạo bởi sự cô độc và mong manh, pha trộn giữa tinh khôi và hoang dã, đồng thời cũng hứa hẹn sẽ như một chồi trúc vươn lên bất ngờ làm người ta sửng sốt sau một đêm thức dậy bước ra vườn buổi sớm mai nào đó.

 

Nhìn Lem ngày một lớn, vóc dáng mảnh khảnh nhưng khỏe mạnh, Lão Dư nhớ lại buổi chiều năm nào trên bãi biển...

 

Sau trận bão lớn, ông đang đi dọc theo bờ cát đen mênh mông của biển Tân Thành (****), trầm ngâm nhìn những dấu chân mình liên hồi tan biến dưới những cơn sóng từ khơi xa ào ạt kéo vào bờ. Màu đen của cát cho đến bây giờ vẫn là một điều bí ẩn đối với ông lão trong khi khoa học có thể giải thích một cách tường tận. Đối với ông, nó giống như một con đường huyền bí trải dài từ khai thiên lập địa cho đến nay, mang trong mình những thăng trầm dâu bể của đất trời, của biển cả và con người nơi đây.

Bất chợt ông nhìn thấy một bé gái độ chừng ba, bốn tuổi đang đứng một mình trước những lượn sóng từ ngoài khơi xa dội mạnh vào bờ. Bọt sóng làm người nó ướt sũng, mặt mũi thất sắc lấm lem đất cát nhưng con bé không khóc, chắc vì quá sợ và quá lạnh. Có lẽ nó bị lạc người nhà trong cơn bão dữ. Lão Dư nhìn chung quanh chỉ thấy xác thuyền bè, thúng mủng...  sóng cả vẫn đang liên tiếp xô vào đôi chân trần của đứa bé như muốn lôi nó ra xa. Từng cuộn gió lớn quật mạnh làm nó loạng choạng ngả nghiêng. Đứa trẻ quá nhỏ bé trước thiên nhiên, bơ vơ, đơn độc một mình trước biển cả đang còn chưa nguôi cơn cuồng nộ làm lòng ông thắt lại.

Ông đến bên cạnh đứa bé, vừa định ngồi xuống hỏi han thì nó đã té quỵ, ngã xuống bất tỉnh trên nền cát dưới chân ông.

 

Sau khi báo với chính quyền địa phương, ông được phép tạm thời chăm sóc đứa bé trong thời gian tìm kiếm thông tin gia đình nó. Nhưng thời gian trôi qua khá lâu vẫn chưa có tin tức gì, cũng chẳng ai quan tâm coi giải quyết như thế nào! Ở nơi sơn cùng thủy tận này người ta mặc nhiên coi đó là câu chuyện của riêng ông. Và thế là ông cũng chả hỏi han gì thêm, cứ chăm sóc đứa nhỏ lạc loài kia, nếu thân nhân nó có tìm đến thì tốt, không thì nó sẽ là con cháu của ông vậy!

 

Lão Dư nhớ lại gương mặt lem luốc đất cát của cô bé lúc đầu tiên nhìn thấy nên đặt tên là Lem (ông tự hứa nếu không có gì trở ngại, khi làm giấy khai sanh sẽ chọn cho bé một cái tên đẹp và ý nghĩa nhất).

 

Thu nhập thất thường từ một trang trại ẩn sâu nơi đồng không mông quạnh, chi phí nhân công lại phải trả khá cao mới có người làm, vì vậy lời lãi chẳng bao nhiêu. Từ khi có Lem, Lão Dư bất đắt dĩ phải trở thành nhà cung cấp con giống, thậm chí cả công thịt cho thương lái trong vùng! Cũng không ít lời dè bỉu của những kẻ trước kia bị ông từ chối nhưng ông một mực lặng thinh không thèm chấp.

 

Những khoản tiền thu được từ hoa lợi trên đất đai, chuồng trại... đủ cho ông lo toan mọi thứ để duy trì trang trại và chăm lo cho một đứa bé gái, rồi một thiếu nữ, dù có đôi lúc thiếu sót, vụng về. Ông vừa là cha, là mẹ, là ông nội, ông ngoại của Lem với tình thương yêu ngày một lớn dần, như bầu trời đang che phủ trên Cuông Trại mở rộng đến bến bờ xa tắp của biển khơi, nơi duy nhất có thể xem là cội nguồn của Lem cho đến bây giờ.

 

Mỗi năm một lần, Lem được cùng ông lên chợ tỉnh trên chiếc xe bò đóng bằng gỗ rất cứng cáp và chắc chắn. Hai con bò to khỏe kéo chiếc xe lọc cọc trên đường trải đá xanh lâu năm đã trộn hòa với bùn đất. Đó là những chuyến đi mà Lem chờ đợi ròng rã cả năm trời với những mơ mộng về một thế giới xa lạ đầy mê hoặc bên ngoài cánh cổng của Cuông Trại. Nhưng cô bé hiểu đó là nơi chỉ để đến rồi đi, thế giới đó và cô không bao giờ thuộc về nhau. Họa chăng chỉ có thể là Cuông Trại, nơi có cội lão mai bao giờ cũng vươn cành lá chở che cho cô. Cuông Trại hoặc bãi cát huyền vô tận đã nằm trong cổ tích mà ông hay kể ban trưa để dỗ cho cô ngủ lúc bé thơ.

Niềm vui hiếm hoi của Lem là những chiếc lông công rực rỡ, quà tặng hào phóng của loài chim vương giả sau khi đã cống hiến vẻ đẹp cho thế gian. Khi kết thúc mùa sinh sản, lông đuôi của chim trống sẽ tự nhiên rụng dần để thay lông mới. Những chiếc lông tuyệt đẹp với đồng tiền màu xanh pha ánh đồng khiến Lem vô cùng thích thú, cô bé cẩn thận thu hoạch chúng như người ta nhặt trứng vàng! Chỉ những lúc đó mới thấy Lem cười, nụ cười bừng nở trên gương mặt cô như đóa hoa mặt trời sáng rực giữa bầy chim.

 

Ở chợ ông lão đi mua các thứ cần dùng cho trang trại, còn Lem thì đi loanh quanh bán mấy chiếc lông công, có khi chẳng bán được cái nào vì mải thích thú ngắm nhìn những thứ xinh đẹp, lấp la lấp lánh được bày bán khắp nơi. Khi ông lão bảo đứa cháu chọn vài thứ nó thích thì nó chỉ im lặng lắc đầu. Tuy nhiên ông cũng mua cho cháu vài bộ quần áo để mặc cho tới năm sau. "Chế độ" trừ hao của ông làm con bé cứ luôn phải mặc những bộ đồ quá khổ, còn màu sắc thì... khỏi chê: tím than, xanh đen, nâu cà phê... vì sẽ giặt toàn bằng nước phèn (nước mưa chỉ được dành để uống). Còn dép, guốc ông mua cho không hiểu sao Lem không bao giờ mang, cô bé chỉ thích đi chân trần trên nền đất như ở trang trại. Khi có dịp ra ngoài, bị ông la rầy cô cũng mang vào chân nhưng chỉ một lát là đã cầm trên tay hay cắp vào nách!

 

Điều làm Lão Dư băn khoăn trăn trở nhất là đến nay vẫn chưa làm khai sanh được cho Lem để nó được đến trường (mà cho dù có khai sanh đi nữa ông cũng không biết phải thế nào khi trường học ở giáp ranh huyện cách xa hàng chục cây số).

Ông lão đành làm thầy giáo bất đắc dĩ! Ông dạy Lem mặt chữ, ráp vần, tập đọc, tập viết, tập cộng trừ nhân chia và những bài học thuộc lòng của lớp đồng ấu ngày xưa về tình yêu thương và đạo đức làm người mà ông còn nhớ. Những bài học vỡ lòng như những câu chuyện cổ tích in vào tâm hồn non nớt của Lem những dấu ấn đẹp đẽ, từ đó khởi nguồn cho những mơ ước thơ ngây lung linh như sao sáng trên trời.

 

Nhìn con bé xinh đẹp thui thủi bên lũ công, nhiều lúc ông cảm thấy có lỗi. Đáng lẽ Lem phải được học hành, vui chơi, hưởng thụ tất cả mọi thứ như những đứa trẻ cùng trang lứa.

Định ngỏ lời với con trai ông để đưa Lem về thành phố nhưng cùng lúc thằng con lại bày tỏ nguyện vọng muốn về trại Cuông dưỡng già nên ông đành phải hoãn lại ý định đó.

 

 

2. Giấc mơ ngũ sắc

 

Ngày tháng vẫn yên bình trôi qua trong Cuông Trại. Mặt trời vẫn chói chang mỗi ngày trong mùa khô hạn và miên du ẩn dật suốt mùa mưa. Nơi đây thời gian lướt qua như đôi cánh chuồn chuồn, dịu dàng, mỏng manh đến độ chìm lẫn vào không gian. Tiếng người đôi khi cũng ồn ã phút chốc đâu đó trong trang trại nhưng xôn xao đến ầm ĩ thường ngày vẫn là tiếng gia súc gia cầm đòi ăn, tiếng yêu đương náo nhiệt của bầy công, tiếng rì rầm của những tàu lá dừa cọ xát vào nhau, tiếng xào xạc của lá khô rơi, tiếng trái chín rụng ngoài vườn trên những luống cỏ đẫm sương... Nhiều vạt đất trong khuôn viên cứ tưởng bỏ quên, nhưng thật ra Lão Dư đang cho người bồi đắp, vun thành luống thành hàng, từ tốn gieo trồng, thung dung chăm bón và chậm rãi thu hoạch.

Mạch sống vẫn dạt dào tuôn chảy trong từng ngõ ngách của trang trại, âm thầm, bền bỉ như đã bao đời.

 

Cũng một đêm rằm trăng soi lồng lộng, ánh vàng rơi ngập lối đi. Cũng mùi hoa sứ nồng nàn lan tỏa khắp không gian tĩnh lặng. Khung cảnh hồ sen và hòn non bộ đêm nay bỗng đẹp lạ thường. Lão Dư hết ngắm hoa sen, cúi mình thật gần để chắt lọc hương thơm của loài hoa thanh khiết lại say sưa đứng ngắm đôi tiên công. Chúng đang xòe đuôi múa cùng vài cặp công khác với vũ khúc tráng lệ giữa một bầy đàn rập rờn những cánh, những đuôi đầy màu sắc, đông như trẩy hội trong sân. Có lẽ do tình yêu say đắm của ông lão dành cho bầy công nên chung quanh chúng luôn tỏa hào quang mà chắc chỉ mình ông mới nhìn thấy. 

 

Đêm càng về khuya khung cảnh càng huyền ảo, đôi chim đầu đàn từ từ tách khỏi bầy và uyển chuyển bay lên khỏi nền cát. 

Chúng bay lên càng lúc càng cao, đến khi ông lão chợt nhận ra sự khác thường của độ cao đó thì đôi chim quý đã ở lưng trời, rồi chỉ còn là hai chấm xanh nâu lấp lánh như ánh sao trên nền mây vân thủy sáng rực bởi trăng khuya.

 

Lão Dư ngửa mặt nhìn và chạy theo hai con công một cách tuyệt vọng. Cứ vừa chạy vừa nhìn lên trời, ông lão va vào thềm gạch của hồ sen sém ngã chúi xuống nước. Hai cánh tay chới với khuấy động mặt hồ làm bóng trăng vỡ thành từng mảng hòa quyện với bóng sen cứ dập dềnh xao động mãi. Ông sực tỉnh và dừng lại, lòng tan vỡ như mặt hồ, mải miết nhìn về hướng đôi chim mất hút chỉ còn lại vòm trời đêm bàng bạc mông lung.

 

Lão Dư ngồi tựa vào gốc cây sứ cạnh hồ, bần thần, ngơ ngẩn. Râu tóc ướt đẫm nước hồ, không chắc rằng trong đó không có nước mắt của ông. Ông nhớ lại lúc nãy trong những vòng lượn của đôi chim, có lúc chuôi cánh la đà của con mái hay chiếc đuôi kỳ vĩ của con trống đã chạm vào người ông như những dải lụa mềm hay làn mây mỏng hoặc tơ trăng, luyến lưu tựa như lời giã biệt.

Một cái gì cao quý, đẹp đẽ nhất mà ông từng có đã vuột khỏi tầm tay, đã rời xa mãi mãi. Chúng đến từ hư không sẽ trở về hư không, những gì của quá khứ tất nhiên thuộc về quá khứ. 

Dòng suy tưởng miên man của ông lão vừa mất đi báu vật sau giây phút bàng hoàng đổ vỡ đã trở về tĩnh tại. Hạnh ngộ với trăm năm hay ngàn năm cổ sử cho dù trong tơ tóc cũng đã là duyên phúc của đời này. Chuyện mất còn, tan hợp trong cõi vô thường đâu lạ gì với ông.

Cuộc đời và tất cả những gì chứa đựng trong nó vốn dĩ là một giấc mơ, ta đã ở trong giấc mơ đó từ lâu chỉ là chưa nhận ra, đến khi sực tỉnh để biết đó là mơ thì tất cả đã vỡ tan, không bao giờ còn sống lại trọn vẹn giấc mơ đó nữa dù chỉ trong khoảnh khắc. Có chăng chỉ là một vài mảnh vỡ của ký ức đôi khi tìm về rồi cũng xóa mờ dần, trôi dạt mù khơi.

 

Lão Dư không phải người hay ngồi tiếc những giấc mơ, nhất là hiện nay khi tuổi hạc đã chất chồng, ông vô cùng trân trọng và biết ơn từng phút giây quý giá của hiện tại. Tuy vậy, cảm giác vỡ vụn, trống rỗng vẫn đang chiếm lĩnh tâm trạng ông không biết đến bao giờ mới có thể nguôi ngoai.

Ông thẫn thờ đi giữa bầy công như một kẻ mộng du, một lão tướng đã để mất hổ phù, cay đắng với niềm đau thất trận và một mảnh hồn đã âm thầm tuẫn tiết!

Vài chú chim công thản nhiên tắm cát dưới trăng, khoan khoái cất tiếng kêu như muốn an ủi ông lão đang rơi xuống tận cùng của phiền muộn.

 

Nhiều đêm sau nữa, trong giấc ngủ chập chờn đứt quãng trên chiếc võng lặng yên ngoài trời, Lão Dư mơ thấy đôi công huyền thoại bay về. Chúng vờn thật thấp trên hồ sen nở đầy hoa, tất cả vẻ đẹp huyễn hoặc mê hồn của loài công ngũ sắc đã bung tỏa trọn vẹn hơn bao giờ hết. Vẻ đẹp thoát trần và những tiếng kêu hoan lạc chỉ có ở cõi trời đã vây phủ lấy ông, càng lúc càng gần, tưởng chừng những chiếc lông vũ mượt mà ấm áp kia một lần nữa đã chạm vào người ông. Lão Dư đê mê với một niềm thống khoái chưa từng có và ông biết rằng, cảnh tượng và cảm xúc gần như siêu thực này chỉ xảy ra một lần duy nhất trong đời- nhưng cõi đời ấy lại ở trong một giấc chiêm bao! Nhớ lại lần đầu tiên nhìn thấy chúng, ngay từ giây phút đó ông đã biết rằng những điều quý giá mong manh trong cõi thực hư lẫn lộn kia đang chực vỡ tan không biết lúc nào.

 

Vô cùng nhẹ nhàng và thanh thản, như khói, như mây, ông buông mình trôi vào vùng hào quang chói lọi của chim công. Nụ cười thoát tục của lão ông đẹp như đóa sen vừa nở bên hồ, trầm mặc, an nhiên, ẩn hiện dưới bóng trăng hạ huyền lúc mờ lúc tỏ trong mây trôi gió thoảng.

 

Đôi chim khổng tước đã hoàn tất cuộc viễn du từ quá khứ và bay về cõi non bồng nước nhược. Hồn người Cuông Trại cũng nhẹ nhàng bay theo, chơi vơi, bềnh bồng  trong giấc mộng cuối cùng của một cuộc đời bình yên nơi điền dã.

 

Những gì đã từng thuộc về Lão Dư trong cuộc rong chơi tám mươi năm trần thế- cho dù là diệu ảnh của Mai hoa quyền, là Cuông Trại, là một quần thể chim công quý giá đã chắt chiu gầy dựng hay bất kỳ điều gì khác... rồi sẽ yên nghỉ dưới lớp bụi thời gian, tan theo giấc mộng đã lên trời.

 

Nhưng còn Lem, không thể là một giấc mơ.

 

 

3. Theo bóng người thiên cổ

 

Sau đám tang Lão Dư, toàn bộ gia súc, gia cầm, khoai bắp, rau dưa... người con trai của ông đã bán hết, chỉ thành tâm để lại bầy công như một kỷ niệm để tưởng nhớ về cha mình. Ông ta phát tháng lương cuối cùng cho nhân công kèm một khoản tiền nhỏ, xin lỗi vì buộc lòng phải cho họ nghỉ việc. Ông ta cũng để lại một số tiền nhờ cô Xinh ở cùng Lem cho tới khi gia đình thu xếp được sẽ có người về tiếp quản cơ ngơi này. Nhưng sau đó mấy tháng, cô Xinh lại thai nghén nên đã về nhà, chỉ còn mình Lem trong trang trại rộng lớn với lũ chim công.

 

Nơi an nghỉ của Lão Dư nằm trong một nhà mộ đơn sơ ở phía tây của Cuông Trại, bên cạnh những ngôi cổ mộ bằng đá ong lâu đời của dòng tộc. Chiều nào Lem cũng ra nhổ cỏ chung quanh khu mộ, chỉ để lại duy nhất loài cỏ lau bao quanh như bốn lũy tường thành. Những cụm cỏ lau nhanh chóng mọc lan ra, cao vượt lên mỗi ngày và sắp cao hơn cô rồi! Những bụi cỏ lau mạnh mẽ nhưng vô cùng mềm mại dẻo dai, chúng nghiêng mình uốn lượn trong gió gợi nhớ hình ảnh người ông sáng nào cũng luyện Mai hoa quyền trong sân. Lem cứ ngồi nhìn khu mộ hoa lau cho đến chiều tối rồi thơ thẩn trở về dãy nhà dọc ngang giờ đây chỉ còn mình cô với nỗi cút côi hiu quạnh.

 

Năm nay Lem đã trông như một cô gái mười bốn, mười lăm tuổi. Từ khi ông lão mất, người phụ việc cũng nghỉ làm, cô gái càng giống một cái bóng trong trang trại rộng thênh thang. Không ai chăm sóc, nhắc nhở, cô tự do như sóng biển, như ván thuyền, như rong rêu, như vỏ ốc ngoài bờ cát, nơi thủy thần đã để cô lại cho cuộc đời, không tuổi, không tên.

 

Một ngày của Lem bắt đầu khi mặt trời còn say ngủ ở đâu đó, cô đi gánh nước, hái rau đồng, cắt cỏ, bắt cua bắt ốc, mót lúa mót khoai... quần quật như một nữ nông dân trưởng thành nơi đồng không mông quạnh. Khi đã nhặt nhạnh hết những gì còn sót lại trong trang trại, cô đã phải đi rất xa mới kiếm được những thứ cô muốn, có khi xa đến mức phải qua đêm trong chòi vịt hay mái hiên một nhà nuôi yến của ai đó.

Cô chẳng hé môi nói một lời nào khi người ta tò mò hỏi han cô "ở đâu, con nhà ai, nhặt nhạnh mấy thứ này để làm gì, nhiều vậy để lâu hư chớ ăn sao hết"... Cô bé vẫn cứ cười cười cúi mặt xuống đất chẳng nói chẳng rằng. Cô bé đã phải dè sẻn hết mức với số tiền ít ỏi mà người ta để lại cho cô. Không ai biết đó là thức ăn cho cả cô và bầy công nay chỉ còn khoảng trên 20 con lớn nhỏ quây quần trong bãi đất cuối khu nhà, gần ngôi mộ cỏ lau. Bầy chim đông đúc của Lão Dư để lại một số đã bay đi mất, số còn lại lớp chết, lớp bị bắt trộm gần hết.

Chắc cũng chẳng ai ngờ cô bé cô độc nhưng mạnh mẽ đó hàng đêm trong trang trại rộng mênh mông bỗng sợ hãi tất cả. Cô chỉ cảm thấy bình yên và ngủ ngon lành khi nằm trên lớp lá dừa trải giữa bầy công và gối đầu lên những ụ đất nhỏ trong chuồng. 

 

Hôm nay đã là 30 Tết. Vẫn như mọi năm, Lem ôm trước ngực một bó lông công đủ sắc màu rực rỡ, màu vàng anh, vàng cam, xanh phỉ thúy, màu lục ánh đồng... có vài chiếc còn sót lại từ thời Lão Dư còn sống. Đôi mắt to trong vắt của cô phản chiếu những sắc màu tươi sáng đó làm cho gương mặt ánh lên một vẻ đẹp thật đặc biệt. Lem càng lớn vẻ đẹp đó càng khác lạ như cô đã đến thế gian này từ một nơi không có thực. 

 

Cô vẫn giữ thói quen đi chân không, bộ quần áo cũ rộng thùng thình giống như đang mặc một chiếc váy dài tới mắt cá, nó có vẻ đã từng là màu xanh dương hay màu tím than gì đó. Mái tóc mật hơi cháy nắng cột dây thun thấp ở sau gáy, đuôi tóc dài chấm đến thắt lưng. Nhìn cô giống như sứ giả của những người nghèo khổ nơi miền đất này, đại diện cho hàng mấy thế kỷ phôi pha và một hiện tại hoang vu như cánh đồng nắng trơ gốc rạ, như trại yến hoang tàn hay đập nước khô cằn nứt nẻ.

Người ta đã quen với hình ảnh cô bé bán lông công vào những ngày giáp Tết, trước đây thường hay đi cùng một lão nông quắc thước. Hai ông cháu rất kiệm lời, tuy vậy mùa xuân cũng óng ánh trên râu tóc bạc phơ của ông lão và thắm hồng trên đôi má của cô cháu gái chớm tuổi xuân thì. Năm nay chỉ thấy cô bé đi một mình. Mắt cô hoe đỏ mỗi khi có ai đó hỏi về ông lão và cắm cúi bước nhanh.

 

Phiên chợ cuối cùng của năm vãn sớm, chỉ còn lác đác một vài người thu dọn quang gánh sắp sửa về nhà cho kịp rước ông bà. Hai bên đường cũng vắng vẻ đìu hiu, cô gái đi mòn chân khắp các ngả đường mà chỉ bán được vài chiếc lông công. 

Trong những cuộc mua bán diễn ra chóng vánh Lem chẳng nói câu nào, kể cả khi người ta chỉ đưa mấy ngàn lẻ để lấy một cái lông đuôi tuyệt đẹp của loài công ngũ sắc. Cô không biết rằng, với số lông công mà cô ôm trước ngực, ở nơi khác có khi nó đáng giá bằng một đôi công non chứ không ít. Người ta tin những cái lông đuôi công sặc sỡ kia là biểu tượng của sự sang trọng và quyền quý, thu hút vượng khí, hỗ trợ cho sức khỏe và nó còn có tác dụng phong thủy rất tốt, xua đuổi những điều không may mắn... tất cả những điều đó càng nằm ngoài hiểu biết của Lem.

 

Cô gái nắm chặt mấy tờ tiền lẻ trong tay, bước nhanh đến một tiệm tạp hóa mà trước kia hai ông cháu vẫn ghé lại trước khi về nhà. Cô rưng rưng nước mắt nhìn những thứ bánh mứt ông lão vẫn hay mua một ít vào dịp Tết, năm nay cô chỉ hỏi mua một thẻ nhang thơm.

 

Đường về đầy đất đá dưới đôi chân trần khô rát, Lem nhẩm đếm từng bước như một cuộc độc thoại dài lê thê. Nhớ lại những năm trước, ngồi trên xe bò lắc lư cô cũng hay nhẩm đếm những vòng bánh xe khổng lồ gập ghềnh lăn trên đường về nhưng chẳng lần nào đếm được chính xác vì... ngủ gật!

 

... 

 

Chàng trai gỡ chiếc ba-lô trên lưng và buông phịch xuống đám cỏ lau trước chiếc cổng sắt lớn rỉ sét đang đóng im ỉm. Chàng kéo tay áo lau mồ hôi trán, chậm rãi mở tờ giấy nhỏ đã nhàu nát trong lòng bàn tay. Trên tờ giấy ghi một địa chỉ với nét bút chì phai gần hết vì đã mở ra xếp lại nhiều lần:

 

Trại Cuông

Không số

Đường Lim Sét

(Hỏi ông Bảy Dư)

 

Nhét tờ giấy vào túi áo, chàng trai nheo mắt nhìn chung quanh. 

Trang trại nằm cuối con đường trồng toàn cây lim sét hai bên. Hai hàng lim cao vút lả ngọn vào nhau, những cành nhỏ trên cao đan khít lá non hồn nhiên tình tự. Đây có phải hoa phượng vàng hay cây lim xẹt trồng khắp các nẻo đường của tỉnh lỵ nhỏ bé trong chuyện kể của những kẻ tha hương? Khi mùa hè đến, những cây lim nở rợp hoa vàng, hoa rơi xuống mặt đường làm thành những con đường hoàng hoa rực rỡ mà mẹ chàng thường nhắc khi kể về thời nữ sinh hoa khôi của bà ở ngôi trường nơi đồng chua nước mặn.

 

Trái ngược với vẻ đẹp nên thơ, lãng mạn trong tưởng tượng của chàng về một trang trại miền quê bên con đường vàng hoa, khuôn viên trải dài ngút mắt của trang trại là một vùng đất cằn khô nứt nẻ, cỏ lau vươn cao như những chiếc vòi bạch tuộc chờn vờn trong cơn gió hiếm hoi của buổi xế trưa nơi miền biển mặn. Dưới gốc một bụi ô rô đầy gai, một tấm bảng nhỏ bằng thiếc rỉ sét đã bị thủng lỗ chỗ nhưng vẫn có thể nhìn ra mấy chữ ngắt quãng "Cuô...g Tr...i" và tên đường Lim Sét.

 

Đó là Giao, cháu nội của Lão Dư. 

Sau khi tốt nghiệp cử nhân và đã 36 lần nộp CV cho cả doanh nghiệp tư nhân lẫn nhà nước mà vẫn thất nghiệp. Chàng trai tình nguyện về Cuông Trại, bất kể lời yêu cầu của cha và em gái để qua Tết rồi hãy đi (họ không biết chàng còn một lý do nữa là đi trốn Tết!).

Chàng nôn nóng thử sức vực dậy cơ ngơi rộng lớn của dòng họ ở tận vùng ven biển xa xôi, đất điền hoang vắng mà cha chàng từng gọi là nơi sơn cùng thủy tận vì theo một số tài liệu, đó là nơi hội tụ cuối cùng của dòng Cửu Long và dãy Trường Sơn. Chàng đã nghiên cứu cả ngày trời về giấy tờ pháp lý, quyền sở hữu, thừa kế khu đất, về thổ nhưỡng, điều kiện canh tác không điện, nước và khả năng tiêu thụ nông sản trong khu vực. 

 

Đang không biết làm cách nào để vào trong, Giao bỗng nhìn thấy cô gái nhỏ đứng nhìn chàng đăm đăm, trên tay là một bó lông công. 

 

-Xin chào! Em là Lem phải không? Anh là Giao, cháu của ông Dư.

 

Cô bé vẫn nhìn chàng không chớp mắt, chẳng có vẻ gì e ngại thẹn thùng. Cô hơi hé chút nụ cười rồi quay lưng đi về phía chiếc cổng nhỏ cách đó một quãng ngắn. Vừa đi cô vừa quay lại nhìn, không phải tỏ ý muốn Giao đi theo, mà để coi Giao có đi theo hay không!

 

Giao đã được cho biết trước về cô bé kỳ lạ này, điều làm chàng bất ngờ là cô bé đẹp quá! Một vẻ đẹp hoang dã, nâu giòn đến rạn nứt trong nắng gió, không giống những cô nàng trắng sứ pha màu son phấn mà chàng vẫn thường lơ đãng ngắm nhìn khi ngồi trong những quán cà phê chờ thông tin tuyển dụng.

 

Chàng theo chân cô gái đi qua một cái cổng phụ, tiếp theo là khoảng sân rộng và một khu nhà cổ khang trang mà lúc nãy ở ngoài chàng chỉ thấy được hai cánh cửa gỗ nguyên khối đóng kín.

Giao bồi hồi xúc động khi bước qua cửa để vào gian chính của khu nhà, nơi sinh hoạt hàng ngày của người ông đã mất. Tất cả im lìm dưới lớp bụi mờ, chỉ có tia nắng cuối ngày theo chân chàng như một cách chào đón đơn sơ. Chàng nhẹ nhàng đặt ba-lô xuống nền gạch tàu đỏ sậm, tấm thảm bằng bụi dấy lên một làn sương khói là đà như chứa nặng cả tấn thời gian và niềm mong đợi.

 

Ngay sau đó Lem đưa Giao ra mộ Lão Dư. Chàng buồn bã lặng nhìn một vùng cỏ lau trắng xám vời vợi trong nắng chiều. Loay hoay hồi lâu Giao mới vượt qua khỏi đám cỏ lau dày đặc để vào được nơi người ông yên nghỉ. Chàng ngạc nhiên thấy Lem gọn gàng chui qua một lỗ hổng nhỏ giữa đám cỏ lau như một con mèo rồi đến bên cạnh đưa cho chàng bó nhang và cái ống quẹt.

Mùi nhang khói quẩn quanh trên các ngôi mộ khiến Giao ngậm ngùi thương nhớ muôn xưa. Di ảnh Lão Dư với đôi mắt xuất thần và nụ cười nhân hậu trên môi, chắc là ông đang rất hài lòng và mãn nguyện vì đứa cháu yêu nay đã về nhà. Chàng trai thầm khấn hứa với ông nội và các bậc tiền nhân sẽ tiếp nối những gì đang còn dở dang trên nền đất tổ tiên bồi đắp đã gần hai trăm năm.

 

Trong nhà bếp, trên chiếc bàn tròn bằng gỗ chỉ có cái nồi đất đen bóng đựng cơm với mấy quả trứng luộc trong dĩa và một chén nước mắm trong. Lem xới một chén cơm đầy để trước mặt Giao cùng với đôi đũa rồi lặng lẽ đi ra.

Dù nguội lạnh nhưng đó là bữa cơm ngon nhất mà Giao được ăn. Món ăn vô cùng đơn sơ, bình dị nhưng trở thành sơn hào hải vị trong cơn đói của chàng trai.

 

Ngọn đèn dầu thắp lên một vùng sáng ấm áp giữa gian nhà rộng, bóng chàng in trên vách bỗng trở nên cao lớn như một người khổng lồ. Ngay lúc này chiếc bóng như người bạn đồng hành vừa xuất hiện mang đến cho chàng một cảm giác thật an lành.

Chàng lấy một chiếc khăn mới từ trong ba-lô, nhẹ nhàng lau từng món đồ cổ xưa, bộ tràng kỷ, từng cái bàn, cái ghế... nơi đã từng đi đứng nằm ngồi của tiền nhân mà ngay cả cha chàng cũng không biết đã trải qua bao nhiêu đời vì lưu lạc đã lâu.

Trong gian thờ, ngoài khung ảnh của Lão Dư còn khoảng gần chục bức chân dung đen trắng của người thiên cổ đã úa màu thời gian. Những đôi mắt hiền hòa, nghiêm nghị nhìn Giao làm chàng choáng ngợp trong một cảm giác tâm linh lạ lùng khó tả. Có phải chàng là hiện thân của quá khứ hàng trăm năm với dòng máu đang chảy trong huyết quản? Hay chàng từ hiện tại đã lần tìm về quá khứ để gặp lại chính mình trong những gương mặt cổ nhân kia?

 

Chàng quyết tâm sẽ làm sống lại Cuông Trại với một diện mạo mới theo mô hình kinh doanh trang trại. Chàng sẽ tự tìm hiểu thêm về nông nghiệp và chăn nuôi. Điện sẽ được kéo về, sẽ xây thêm nhiều hồ chứa nước mưa, đó là hai thứ tối cần thiết để duy trì sinh hoạt thuận tiện trong mùa khô lẫn mùa mưa. Chàng sẽ thuê mướn nhân công, một hệ thống chuồng trại quy mô lớn sẽ được dựng lên. Trước mắt, vật nuôi chủ lực sẽ là chim công, đó là một trong những mặt hàng đang được xếp vào loại siêu lợi nhuận trong các loài vật nuôi hiện nay.

Ngoài ra, chàng sẽ nuôi thêm trĩ, gà lôi, đà điểu... và những loài quý hiếm khác bên cạnh các loài vật nuôi truyền thống như heo, bò, gà...

 

Với Lem, chàng hy vọng cô bé không bị bệnh tự kỷ như vẻ ngoài có thể nhận thấy mà chỉ do cuộc sống không có điều kiện giao tiếp, không được học hành, lại thêm tính e thẹn của con gái. Chàng nhất định sẽ nâng niu trau chuốt viên ngọc này. Rồi biết đâu chàng sẽ... cưới Lem khi cô bé trưởng thành bởi vì cô bé đẹp quá, lại là người mà ông nội cưu mang và thương yêu từ tấm bé như đã dành sẵn cho chàng một viên ngọc thô quý giá!

 

Bao nhiêu thứ rộn ràng, lan man trong lòng làm chàng trai trẻ không thể nào chợp mắt. Chàng cứ trăn trở trên bộ ván ngựa mát lạnh với những suy tưởng tràng giang đại hải.  Điều vui nhất là chàng không còn cảm giác chơi vơi hụt hẫng khi không tìm được việc làm sau khi ra trường. Không còn phải chịu đựng cái ý nghĩ tương lai mình sẽ phụ thuộc vào quyết định đôi khi rất tùy hứng và bốc đồng, thậm chí dốt nát của những nhà tuyển dụng mà chàng gặp phải khi đi xin việc. Tệ nhất là tâm trạng thiếu tự tin với ý nghĩ bản thân kém cỏi, vô duyên, vận may không đến...

 

Rồi chàng sẽ làm nên một cái gì đó lớn lao, sẽ gây dựng sự nghiệp mà ông nội đã mở ra cho chàng như một cách đền đáp với tổ tiên và đất đai nguồn cội.

 

Đêm giao thừa đặc biệt của Giao ở Cuông Trại trôi qua đen tuyền, lặng im, mùi hương khói trên bàn thờ tổ tiên thoang thoảng vây quanh. Dù sao tiết xuân bàng bạc của đất trời ngoài kia cũng đã làm dịu bớt cơn thao thức bồn chồn của chàng trai trẻ. Cuối cùng chàng cũng mơ màng chợp mắt được một lát trước khi trời sáng.

 

Tiếng gà gáy trong sân đã làm Giao tỉnh giấc. Chàng cố nhắm mắt thêm vài giây, thích thú đắm mình giữa không gian rộng lớn đang bao phủ quanh mình. Tiếng gà từ đâu đó rải rác vang lên khắp nơi, lúc xa lúc gần, tiếng hùng dũng, tiếng non tơ... tựa hồ khúc ca đồng vọng của buổi ban mai. Chỉ mới qua một đêm thôi, chàng đã cảm thấy thân thuộc với nơi này và tin rằng mình sẽ gắn bó dài lâu.

 

Sực nhớ hôm nay là ngày mùng một Tết, chàng hơi có một chút lạ lẫm với mùa xuân trong ngần theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ngày đầu xuân nơi đây chỉ có không gian yên ả với bản hòa âm bình dị, chắc cũng giống như một ngày bình thường đã từng trôi qua trong trang trại này.

Một cái Tết không ồn ào những cuộc viếng thăm chúc tụng, không gò bó trong bộ đồ mới và câu chúc thuộc lòng để mừng tuổi đầu năm khi còn là cậu ấm túi căng phồng bao tiền lì xì. Không mứt gừng mứt bí, không bánh ít bánh tét, không thịt kho dưa giá, không củ kiệu tôm khô...  Rồi khi đã lớn thì ngày Tết kèm theo những câu hỏi: học đến đâu rồi, thi xong chưa, kết quả thế nào, có việc làm chưa, chừng nào cưới vợ, v.v và v.v.. Những cuộc gọi vô bổ rủ rê ăn chơi nhậu nhẹt. Những rà lướt vô thức trên mạng xã hội nghe cả thời gian âm ỉ cháy trong căn phòng riêng ẩn trốn chính cái xã hội đó!

Nghĩ đến đây chàng sực nhớ đã vô tình thực hiện được điều mà chàng từng muốn làm từ lâu. Đó là rút phích cắm, ngừng kết nối với tất cả mọi quan hệ thông qua internet bất kể những lợi ích mà chàng sẽ bỏ lỡ. Thật thú vị, không ngờ thoát khỏi một sự lệ thuộc lại có thể mang lại khoái cảm đến như vậy!

 

Giao vùng dậy bước nhanh ra ngoài để kịp thưởng thức buổi bình minh đầu tiên của năm mới, cũng là buổi sáng đầu tiên của chàng nơi miền thôn dã.

Ngoài cổng lớn một cội mai già trổ hoa thưa thớt chắc vì không ai lặt lá, hơi hướm của vài cơn gió bấc còn sót lại nhẹ lướt qua làm chàng cảm thấy vô cùng sảng khoái như vừa được tắm gội từ tâm hồn đến thân xác.

 

Trong khi làm vài động tác thể dục, chàng mỉm cười nghĩ tới bao tiền mừng tuổi đỏ thắm mà chàng đã chuẩn bị sẵn để làm quen với Lem và sẽ trao cho cô bé ngay trong sáng nay khi cô thức dậy. Rồi chàng sẽ hết sức nghiêm trang và vô cùng thân ái, nói cho cô hiểu rằng cô sẽ đương nhiên trở thành cộng sự cần thiết và lâu dài của chàng trong sự nghiệp tới đây. Không biết cô bé sẽ có biểu hiện ra sao, cô đang ở gian nào trong những dãy nhà đầy bụi bặm và tơ nhện im lìm kia?! 

 

Nhưng Giao không thể ngờ Lem đã rời khỏi Cuông Trại khi trời vừa mờ sáng.

 

Những chiếc lông công ôm trước ngực là hành trang duy nhất của cô. Mái tóc thả dài sau lưng như dòng thời gian êm ả kể từ ngày cô đến trang trại với bàn tay nhỏ xíu nằm trong lòng bàn tay võ sĩ của Lão Dư. 

Cô rời đi thầm lặng như những mùa Xuân cũ đã đi qua, những mùa Xuân mà mỗi một lần đến là thêm một lần cô tự hỏi tuổi tên mình. 

Có lần Lão Dư trìu mến vén tóc trán của cô qua một bên tai, ông bảo: "Tên khai sanh của con sẽ là Khổng Tước, là chim công, là công chúa của ông". Bây giờ ông không còn nữa, Khổng Tước của ông sẽ bay đi. Cô công chúa nhỏ hay chim công chúa rời bỏ ngai vị giữa bầy đàn xơ xác để đi về nơi vô định. Cô thầm mong bầy chim bơ vơ tội nghiệp kia sẽ được người chủ mới yêu thích và trân quý như cô và người ông khuất bóng đã từng.

 

...

 

Mùa Xuân lãng du trên các cửa sông thôi thúc hành trình tìm về biển lớn. Sự bất diệt của dòng sông chính là thu hẹp mình lại để chảy qua, vượt thoát rồi tuôn tràn, hòa mình vào đại dương mênh mông bát ngát. Trước khi thoát khỏi giới hạn của dòng chảy để đến với một thế giới bao la rộng lớn hơn, những con sông tưởng chừng như vô tận kia luôn tiềm ẩn khát khao đi đến nơi tận cùng của cuộc hành trình, mở ra một cuộc phiêu lưu mới trong biển trời vô hạn. Có phải vì thế mà ba đào cuồn cuộn, miên man những rẽ nhánh phân chia, hóa thân trọn vẹn để tồn tại trong bao la trùng điệp.

 

Chiều tàn, thủy triều đã rút dần về khơi xa, bãi cát đen càng trải rộng hoang vu. Trong ráng đỏ chói lòa, Lem đi mãi về phía những triền sóng vẫn còn lan man trôi dạt vào bờ với lời thì thầm từ thiên niên vạn đại. Bóng cô đổ dài về phía sau, mái tóc rối bời trong gió lay động trên nền cát. Những bước chân vô tình in dấu, vết tích của một lần trở lại biển khơi rồi sẽ xóa nhòa hay lưu giữ trong muôn trùng sóng?

 

Cô dừng lại nơi giới hạn của những làn sóng, lặng lẽ nhìn từng đợt sóng đục ngầu lầm lũi tiến vào bờ rồi lùi ra xa. Sóng liên tục vỗ về, xoa dịu đôi chân trần ửng đỏ vì đã bước đi trên cát đá chông chênh từ hừng đông cho đến chiều tà.

Có điều gì đó vừa thoáng qua cô từ ký ức mơ hồ, phải chăng là bóng người sừng sững che khuất những con sóng dữ dội trong một chiều giông bão xa xăm...

 

Từ bây giờ có lẽ Lem chỉ còn là giấc mơ của Cuông Trại.

 

                                                        ♡♡♡

 

Chú thích:

(*) Cuông là tên gọi khác của chim công, cũng gọi là khổng tước hay nộc dung.

(**) Bất cứ ai khao khát chim công đều phải trải qua khổ ải của xứ Hindustan (ngạn ngữ Ba-Tư).

(***) Khổng tước vũ (Nguyễn Du)

(****)Biển Tân Thành, thuộc huyện Gò Công đông, nằm giữa hai cửa sông lớn cùng chảy ra biển Đông là cửa Soài Rạp và cửa Tiểu.

 

 

Bãi biển Gò Công, chút tình cho cố xứ.

 

 

 

 

Nguyễn Thỵ
Số lần đọc: 597
Ngày đăng: 18.03.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bôi trơn - Trần Yên Hòa
Chuyện tình thời xa vắng - Hoàng Thị Bích Hà
Dáng mỏng - Trần Yên Hòa
Khúc vong tình Valentine - Phạm Nga
Mẹ tôi - Nguyễn Vĩnh Căn
Ba mươi Tết - Nguyễn Thỵ
Mai tết - Tiểu Lục Thần Phong
Hương vô tình - Vinh Anh
Mùa Xuân của đá - Nguyễn Thỵ
Đêm đông nhớ ngày xuân - Tiểu Lục Thần Phong
Cùng một tác giả
Thoát (thơ)
Tìm ta (thơ)
Áp thấp nhiệt đới (truyện ngắn)
Caffeine (truyện ngắn)
Mắt Phượng (truyện ngắn)
Quán rượu (truyện ngắn)
Soái hồ (truyện ngắn)
Cảnh giới mong manh (truyện ngắn)
Đêm Xuân màu tím (truyện ngắn)
Phin đen (truyện ngắn)
Người muôn năm cũ (truyện ngắn)
Mùi (tạp văn)
Hang người (truyện ngắn)
Ma-nơ-canh (truyện ngắn)
Ly hôn (thơ)
Mùa Xuân của đá (truyện ngắn)
Ba mươi Tết (truyện ngắn)
Cuông Trại (*) (truyện ngắn)
Khát (truyện ngắn)
Bần xanh (truyện ngắn)