Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.202
123.205.358
 
Chuyện đời dâu bể ở bệnh viện
Nguyễn Vĩnh Căn

 

 

        Nói đến bệnh viện, có lẽ không mấy ai thích thú, mà trái lại còn dị ứng với nó: một chốn cùng cực, buồn chán, tẻ nhạt, để chẳng đặng đừng vào đó! Quả thật, khi bệnh nạo, ốm đau hiểm nghèo, cực chẳng đã mới phải nương nhờ bệnh viện, chứ chẳng có ai dại dột điên khùng, bỏ nhà vào bệnh viện nằm chơi bao giờ?

        Nhưng theo tôi, chưa có một cộng đồng nào lại dễ dàng quen biết, thân thiện, cởi mở, tận tình giúp đỡ nhau và chia sẻ vui buồn dâu bể như ở bệnh viện; kể cả các môi trường: doanh trại quân đội, trường học, chung cư, giáo đường… cũng chẳng thể sánh bằng được.

        Có lẽ cũng dễ hiểu thôi, vì khi vào đó, gần như là đường cùng của con người, khi mà danh vọng, vật chất, những người thân thương đã không còn giúp ích gì được cho mình nữa, thì bệnh viện là chốn nương tựa rốt hết, cũng là đúng thôi. Có lẽ, khi giữa ranh giới của sự sống và cái chết, con người bị tước bỏ vũ khí: tiền tài, danh vọng, để họ chỉ còn trần trụi với thân phận con người, thì chuyện trở nên thân thiện cởi mở với nhau, trong cảnh ngộ đồng hội, đồng thuyền là một bản năng sinh tồn của con người vậy.

        Và vì thế, mà tôi nghĩ rằng: không có nơi nào đông vui, cởi mở và thân thiện bằng môi trường bệnh viện. Hai người Nam, Bắc có thể rất xa lạ, bỗng qua lời thăm hỏi xã giao ban đầu, chỉ mấy phút sau, họ có thể thân quen, để kể hết về cơ ngơi gia cảnh, mà chẳng ai phải giữ ý tứ với nhau. Họ cho nhau số điện thoại, để khi chia tay với bệnh viện vẫn còn lưu luyến gọi nhau. Cũng có những người sau đó sống chân tình như bạn tri âm tri kỷ, và thậm chí là đưa nhau về quê chơi, để kết thành sui gia nữa là đàng khác.

        Và hơn hết, bệnh viện là một bức tranh toàn cảnh về: cuộc sống, con người, gia đình, luân lý, đạo đức, chuyện đời dâu bể, tình yêu, hạnh phúc gia đình và những tan vỡ… đều được biểu hiện đầy đủ nhất ở bệnh viện.

Các nhà: văn, báo, đạo diễn, biên kịch bí đề tài, không cần phải đi thực tế đâu xa xôi, chỉ cần vào bệnh viện là có ngay đề tài viết lách.

         Và vì thế, hai lần đi nuôi bệnh ở Chợ Rẫy (2007), cũng cho tôi nhiều câu chuyện thú vị.

        Ở tỉnh lẻ về TP, xe khách đêm, chở chúng tôi vào nhập viện khoảng 4 giờ sáng. Có lẽ, đây là khoảng thời gian thuận tiện nhất để nhập viện, vì rất ít ca cấp cứu nhập vào giờ này. Có chẳng là các “yên hùng xa lộ” sẩy tay, hoặc các tay say sỉn quậy phá đánh nhau, lỡ làng mới phải vào đây chịu trận.

        Nhưng quang cảnh tầng trệt vẫn nằm la lết ngỗn ngang, bề bộn người nuôi bệnh, hay người khám bệnh ở các tỉnh lẻ, tranh thủ đến sớm lấy vé khám, để tiện về trong ngày.

        Mặc dầu là rảnh người, nhưng nhân viên, y bác sĩ bệnh viện vẫn túc trực suốt đêm để cấp cứu bệnh nhân, và thủ tục cần thiết cũng phải mất hơn một giờ đồng hồ mới chuyển bệnh nhân lên các tầng lầu được.

        Sau khi sắp xếp cho bệnh nhân vào chỗ nằm ổn định, tôi - người nuôi bệnh - trải chiếu, đặt mình nằm ngoài hành lang - sau một chuyến đi thâu đêm mệt mỏi, để ăn mày chút giấc ngủ muộn mằn. Nhưng rồi vừa nhấp mắt, bỗng nghe tiếng chạy rầm rập, với tiếng kêu cứu: “Cứu với! cứu với!”

Tôi choàng tỉnh dậy, thấy một cô gái mình trần như nhộng “thịt da trời ơi trắng rợn người”, tay cầm chai thuốc dọng, chạy về phía hành lang tính nhảy lầu tự tử, khiến cho thân nhân chạy theo kêu cứu. Cũng may là hành lang cao và có sáo nhôm che chắn, nếu không, cô gái ấy đã thoả lòng ước mong rồi!

Và nguyên nhân nào để cô gái nhảy lầu thì chẳng cần phải đôn đáo đâu xa xôi, chỉ một thoáng sau, mọi người trong trại khu B4 đều rõ hết.

Cô gái uống thuốc Bảo vệ thực vật tự tử hồi đêm, sau khi súc ruột, mà vẫn không tiểu tiện được, nên phải thông tiểu. Có lẽ thuốc ngấm vào, khiến cô cuồng lên nhảy lầu. Mà nguyên nhân chính tự tử: ghen bóng ghen gió chồng - tài xế, có hình cô ả nào ở trong ví…nên nỗi máu hoạn thư. Thời này ghen người thật chưa ăn ai nữa là, rỗi hơi đi ghen bóng gió! Anh chồng trông hiền khô - không biết có phải cáo đội lốt cừu? bế đứa con dại, ngồi khóc rúc, và thề có trời đất: “Đó là hình con bồ thằng bạn gửi, khi vợ nó đến thăm, phải quá giang sang ví tui đấy mà! Em đừng nghi oan cho tui”.

Có trời mà biết được: bồ bạn hay bồ hắn ta?

Thật là ấn tượng cho buổi đầu nhập viện, khi được khuyến mãi hình ảnh sex sống động mãn nhãn. Nhưng quả là gái đẹp xinh xắn làm mờ mắt; Bởi bây giờ nhìn lại trại B4, thì mới thấy một sự nhiễu nhương quá tải của bệnh viện. Bệnh nhân hai người phải nằm trở đầu chung nhau một giường, các giường để khít nhau không còn chỗ cho người thăm nuôi bệnh ra vào, và thậm chí là còn phải tăng cường các giường dã chiến cho bệnh nhân nằm ngoài hành lang. Còn người nuôi bệnh, tối đến cải thiện chỗ nằm, từ phòng thang máy, đến hành lang hai bên trại.

Mới vào nằm viện, các giường bên cạnh đã chiếu cố hỏi thăm:“Bác ở đâu? Bị bệnh gì mà vào đây?”. Rồi đôi bên hỏi chuyện qua lại, bí bầu cùng chung một dàn, nên có tinh thần tương thân nhau lắm! Họ nhắc nhở nhau: giờ lấy thuốc, lấy cơm cháo và thậm chí lấy dùm cho nhau. Chuyện đổ nước tiểu, thay nước chuyền, dắt bệnh nhân đi chụp hình…nếu vắng mặt người nhà, họ đều giúp nhau chẳng nề hà quản ngại chi.

        Và rồi chuyện đời dâu bể của gia đình bệnh nhân như những thước phim dàn trải ra mỗi ngày trong bệnh viện.

        Có lẽ câu chuyện đầu tiên của bệnh nhân cùng giường: bại sản vì bỏ hút thuốc lá? Bác ấy vào tuổi lục tuần người vậm vạp da dẻ còn hồng hào lắm! Nhân hôm nhân viên bảo vệ rượt mấy người hút thuốc lá ở hành lang sau, ngồi buồn bác ấy mới tự sự: “Cậu có biết tôi bỏ thuốc lá mà hao tổn đến hơn 200 trăm triệu đồng?”. Tôi hơi bị ngạc nhiên vì chưa bao giờ nghe đến phí tổn của sự bỏ thuốc lá lại quá cao như vậy! Biết tôi ngợ ngợ không tin, nên bác ấy tiếp chuyện: “Vốn tôi hút hơi bị nhiều, ngày cở một gói rưỡi là gọn gàng. Không phải vì tiếc tiền mà nhà tôi và con cái tha thiết mong tôi bỏ, nhưng là lo sức khoẻ cho tôi, mà vì báo đài thường nhắc nhở: hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Và mỗi lần hút thuốc, tôi rất khổ tâm, vì phải tìm nơi vắng vợ con, để khỏi nó khó chịu vì khói thuốc và để khỏi cằn nhằn: “Thời đại văn minh, xã hội ai còn hút thuốc lá nữa hả bố! Bố nghỉ hút cho khoẻ người”. Mà vốn người tôi lúc đó cũng hao hao ốm, nên cuối cùng tôi quyết định bỏ thuốc.

Những ngày sau đó, tôi thật khốn khổ, cứ đi vô đi ra, đứng ngồi không yên, khi nào cũng thèm thuốc đến nhỏ dãi. Một tuần, một tháng… dần dà tôi bớt thèm thuốc, cảm giác ăn ngon, ngủ khoẻ, tinh thần sảng khoái khiến tôi lên cân và cảm thấy lời vợ con khuyên bảo bỏ thuốc là quá chí lý. Nhưng rồi sau gần một năm, tôi bỗng béo phì ra từ 54 kg lên đến 98 kg, khiến tôi nặng nề và đi lại khó khăn. Mặc dầu tôi vẫn làm lao động vất vả với nương rẫy cà phê sớm chiều. Thế là tôi bắt đầu đổ bệnh ra từ tiểu đường, đến huyết áp, tim mạch, gút khớp xương. Và cậu biết tôi phải ra vào bệnh viện trong gần 8 năm trời thì, số tiền hơn 200 trăm triệu là quá khiêm tốn để nằm bệnh viện Bình dân, Chợ Rẫy! Và vườn rẫy phải bán hết. Mẹ con nó biết thế im thít. Và từ đó về sau, không còn dám đả động gì đến chuỵên tôi uống rượu hàng ngày nữa, chứ nếu không thì cũng thiu xương với mẹ con nhà nó. Bác ấy có vẻ hả hê khi kể câu chuyện này lắm!

        Nhưng tôi lấy làm lạ: Gia đình bác ấy bên đạo, xem ra gia đình gia phong lắm! Thế mà làm ngơ để con trai bác ấy đang tuổi sinh viên cặp cô bạn cùng lớp, tối đến ôm nhau rung rúc ngủ, cả bố mẹ biết rõ mười mười, mà cũng đánh cù lơ, thì không sao hiểu nổi!?? Tôi tự nghĩ, có lẽ mình ở nhà quê lâu ngày rồi lạc hậu chẳng? Bây giờ trai gái thời đại như vậy cả rồi sao? Ngay cả đứa em gái nuôi anh ở giường bên, cũng đưa bạn trai vào kề vai áp má ôm nhau ngủ, khiến tôi cũng thao thức khó ngủ không kém!  Bởi vì tối đến, các thân nhân nuôi bệnh, trải chiếu nằm sát kề nhau ở hành lang sau. Hay mình bị tâm lý “trâu cột ghét trâu ăn” đây!?

Phải ở trong bệnh viện mới thấy cụ thể các trường hợp xảy ra đa dạng phong phú không theo một quy cách nào cả.

        Tôi ở miền quê xuống mà phải thầm phục gia đình bác Hanh, với một đàn con, cả dâu rễ có đến mười người, làm đủ chức vụ: Giám đốc, Trưởng phòng, giáo viên…mà phép tắc gia phong với bố mẹ từ lời ăn tiếng nói, thưa chào rất lễ độ. Nhưng điều ấy cũng chưa làm tôi cảm phục bằng việc con cái, dâu rễ ngày đêm xoa bóp cho bác Hanh - bị đau nhức mỏi xương khớp. Bác ấy nằm yên bề không rên la, và cũng không yêu cầu con cái phải thoa nơi này bóp nơi kia, mà con cái vẫn cứ tự nguyện với bố mình như vậy, hết ngày này qua ngày khác, không nản lòng.

Một gương hiếu đạo hơi bị hiếm ở xã hội ngày nay, nhất là ở Tp. Thì phải nói xa xôi chi, chỉ bên cạnh đó thôi, cũng có ông bố có con cái thành đạt: Giám đốc, Cử nhân, Tiến sĩ….mà bốn người con ganh nạnh nhau để rồi cuối cùng cả bốn, cho người ở, vào giúp đỡ nuôi nấng bố đẻ ra mình, thì có hỡi ơi không kia chứ!? Nhưng cũng đừng nghĩ những người học thức chữ nghĩa cao siêu rồi tham công, bận việc rồi hững hờ với đấng sinh thành ra mình. Chỉ cách mấy dãy giường, kế cận đó, có một người trạc tuổi trung niên ăn mặc bình dị, dáng điệu nhẫn nhục, nuôi mẹ ngày đêm, bồng bế mẹ tiểu dãi, đút mớm cháo sữa cho mẹ một bằng một bát, không hề để vợ con làm. Ngày ra viện mới biết: đó làm Tổng giám đốc – Tiến sỹ hoá học ở Mỹ về - của một công ty dệt may có tiếng ở TP. Khi mẹ ông xuất viện, các Giám đốc, Trưởng, phó phòng, nhân viên mới biết để đem quà cáp đến thăm bệnh thì, mẹ ông đã xuất viện. Bởi ông đã cố tình giấu hết mọi người, để khỏi làm phiền toái nhân viên thăm non.

        Những biểu hiện trên, đã phản ánh được hiện trạng của sự giáo dục, sự quan tâm của cha mẹ như thế nào đối với con cái. Chính điều đó phản ánh hiện thực của phép tắc gia phong mà mỗi gia đình có được.

        Ai từng ở bệnh viện, có lẽ cũng đều cảm thấy ngày dài lê thê hơn ở nhà. Nhưng cũng vì thế mà tôi cũng biết đôi điều về bệnh viện Chợ Rẫy. Và thời gian vô bổ nhất là mỗi buổi sáng từ 7 giờ đến 10 giờ. Đó là lúc Bác sĩ khám bệnh, người nuôi bệnh phải xuống hết tầng trệt. Vì thế tôi mới có thời gian đi đây đó, để biết được đôi điều, mà có lẽ, chút kiến thức này cũng bổ ích cho những ai chưa vào bệnh viện Chợ Rẫy.

        Bệnh viện Chợ Rẫy được hình thành vào năm 1900 trên một khuôn viên rộng gần 4 hecta, nằm ở quận 5, định vị trên bốn mặt đường. Cổng chính hướng ra đường Nguyễn Chí Thanh, đường nách cổng sau bệnh viện là đường Thuận Kiều.

Hiện nay, vẫn còn ngôi nhà dài, mái ngói đỏ đã sẩm màu thời gian, tường vàng mới được sơn lại, do Pháp xây dựng vào những năm đầu thế kỷ. Còn ngôi nhà chính của Chợ Rẫy hiện nay, do người Nhật xây dựng năm 1971 trên tình thần hữu nghị Việt Nhật.

Bệnh viện chợ Rẫy là một ngôi nhà đồ sộ, được thiết kế kiểu tiền chế rất hiện đại: sườn, nền bằng bê tông, nhưng phần tường, vách, cửa được thiết kế toàn bằng nhôm, làm sẵn để lắp ráp. Mặt chính diện của bệnh viện được che chắn bằng chớp nhôm, có thể tháo gỡ ra được để lau chùi, nhưng hình như thiết kế không tính đến các chốt khoá an toàn, để phòng sức mãnh liệt của những cơn lốc giông bão, có thể lốc ra từng mảnh rơi rớt. Vì thế mà phải gia cố buộc dây thép, trông không thẩm mỹ chút nào.

Ai cũng khen bệnh viện Chợ Rẫy đẹp và hiện đại, nhưng theo tôi, tổng diện của bệnh viện trông như một trại nuôi gà công nghiệp khổng lồ. Nếu ai không tin, thử hôm nào đứng trước bệnh viện, nhìn lên mặt tiền chớp nhôm, mà không liên tưởng đến song kẻm chuồng gà, kết chồng lên nhau trông chẳng khác Bệnh viện Chợ Rẫy chút nào. Nhưng nói gì thì nói, nó vẫn là một trong hai bệnh viện có tầm quan trọng và lớn nhất V N.

Tản bộ một vòng, thấy thèm thuốc, chỉ cần rảo bước qua một khuôn viên nhỏ, với lác đác những cây cao vừa tầm rợp bóng mát xuống những ghế đá, sắp xếp tuỳ tiện, không theo một quy hoạch nào. Những vạt cỏ chen lấn bên những vũng nước đọng sau cơn mưa, trông bề mặt sân cỏ như con chó ghẻ chốc. Nhưng những tay nghiện thuốc lại rít những hơi phì phào khói một cách rất ngon lành! Ở đây, phần đa là những người nuôi bệnh, họ túm tụm lại với nhau trò chuyện, đọc báo, và trao đổi những tâm tư tình cảm với nhau. Chỉ một thoáng là họ quen biết nhau, nếu tâm giao hơn thì sẽ cùng nhau đi tìm quán nhậu, ngồi khà khê đấu láo cho đến giờ lên thăm nuôi bệnh. Cũng chính ở đây, mà tôi biết được nơi nào ăn cơm giá rẻ mà vẫn ngon và no. Chỗ nào mồi rượu ngon và rẻ. Chỗ nào tô phở to, ngon mà giá bình dân. Chỗ nào tắm giặt thoải mái, mà không phải chờ nhau…

        Có một điều, ai đã đến khu vực này, đều không thể không nghe qua sự tích về tượng đài: người đàn bà Nhật đầu đội nón lá, tay dắt một đứa bé. Chuyện kể rằng: Vào năm xây cất bệnh viện đang lên các tầng cao, có một người đàn bà Nhật, đến đây để đánh ghen chồng – là một kỹ sư người Nhật, ong bướm với một cô gái người Việt Nam (khá khen cho cô gái Việt nào đó, lanh tay lẹ mắt để chài mồi được của bở thế!) Cô vợ Nhật bắt buộc ông chồng phải về nước gấp, nếu không thì sẽ nhảy lầu tự tử. Ông chồng nghĩ chắc là vợ dọa hẩm ấy thôi! Hơn nữa công việc đang dở dang, mà tình thì đang nặng bảo sao về cho được. Thế là người đàn bà Nhật - đang có thai, ôm cả bụng bầu nhảy từ lầu bốn xuống chết tươi. Quả là khi ghen, người đàn bà giận mất khôn để thiệt thân. Và sau về nước, người chồng ân hận để rồi cũng nhảy lầu tự tử cho trọn nghĩa tình (đó là nghe kể chứ không biết có chính xác không?)

        Tượng đài này thường xuyên có hương khói hoa quả, và nhiều người đến vái lạy khấn xin. Tôi tưởng là chỉ có đàn bà con gái yếu bóng vía đến khấn vái, ai dè các đấng mày râu, thanh niên cho đến trung niên, già lão đều đến vái lạy cầu xin khẩn thiết, thì quả là hơi bị lạ. Phía sau tượng đài là một đài nước nhỏ, được thiết kế với hai tượng: Phật Quan Âm và Đức Mẹ Maria đấu lưng nhau giữa đài nước, cũng luôn có người khấn vái với hoa quả và hương nến suốt ngày. Tôi không hiểu họ khấn xin điều gì với ba vị ấy, nhưng hình như bà người Nhật có vẻ linh hơn, vì khi nào cũng đông người tới khấn vái.

        Khi đến giờ lên nuôi bệnh, các thang máy đông nghẹt người, với những đồ đạc lỉnh kỉnh: Phích nước, áo quần, thức ăn, bô…Và sự quá tải đó, làm cho thang máy cũng lắm khi hỏng hóc, làm đình trệ, và khốn khổ cho những ai thăm nuôi ở các tầng cao phải leo bộ lên đến bở hơi tai.

        Ban ngày các thân nhân nuôi bệnh, phải lo nhiều dịch vụ cho bệnh nhân: cơm cháo, thuốc thang…Đi lo các thủ tục giấy tờ, xét nghiệm…nên không mấy khi họp mặt nhau. Nhưng đêm đến, hành lang phía sau là chiến khu cho những bợm nhậu, dân ghiền thuốc, ra đó chích choác thoải mái. Hầu như tối nào các đấng mày râu đều góp gạo thổi cơm chung, để có những cuộc nhậu rôm rã, và biết bao chuyện đời dâu bể cũng  được trút bầu tâm sự tại đây.

Chuyện của Mỹ đen: hắn 40 tuổi, lấy con vợ trẻ 23, đã có một đứa con, vì chịu không nỗi cảnh bên nhà chồng, vợ ôm con về ngoại, và cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn. Khi hắn gọi về, vợ phũ phàng: “Ông còn gọi về đây làm chi nữa!”. Hắn đáp: “Tụi nhớ con gọi về không được sao?” Rồi hắn nốc một hơi ly cối chửi đời: “Mẹ đời đen như mỏm chó!”. Thằng Chiến thì kể đời gian nan ngoài bể khơi ngày đêm đi thả câu thì, lần nào trúng mánh lần đó huy hoàng lần nào trái mánh lần đó điêu tàn, vì chi phí cho chuyến đi dài ngày là cả mấy chục triệu… Rồi chuyện ghen tương, ganh ghét nhau, vợ chồng ôi ly tan, cũng được sẻ chia khi rượu vào lời ra!

        Một buổi sáng tinh mơ, bỗng nghe tiếng lão Hoàng gào thét chửi mắng: “Mày là thứ đĩ ngựa, mày đi nuôi tao để theo trai. Tao giận mày! tao căm thù mày!”. Tôi chợt thức dậy, khi lão Hoàng đang cào xé cô ả. Lão ném đồ đạc của ả ra hành lang, rồi đuổi ả đi.

        Nguyên lão Hoàng năm nay cũng đã xấp xỉ 70, tuy bệnh tật nhưng còn phong độ chán! Người to cao dong dõi, mặt hồng hào phương phi, áo quần khi nào cũng bảnh bao. Có lẽ, cũng là một tay chơi đây! Theo lời lão: Ả là đứa bán nước mía, khi đó lão bỏ bà cả và đang có một con bồ đẹp lắm! Thế mà ả nầy lụa là chiều chuộng, lấy lòng lão đủ cách, khiến lão phải lòng cưới ả. Nhưng cuộc sống giữa người chồng già và cô vợ chỉ mới quá nửa số tuổi của lão làm sao mà dung hoà được. Ả hãy còn trẻ, để đỏng đa đỏng đảnh, chai mồi những thằng bồ trai trẻ… Đã nhiều lần lão bỏ ả, mà ả vấn cứ đeo bám lão. Có lẽ, vì lão có của nên ả bám trụ!? Với tuổi 40 nhưng cô nàng còn son trẻ lắm. Người cao dong dõi, dáng đậm đà, da trắng, mũi cao, mặt tươi tắn. Của phải tội, nếu con nhà đàng hoàng, lão ấy có lấy bạc tỷ chồng, chưa chắc đã có vé. Khốn thay phận nghèo, lão mới mèo mù vớ cá rán!?

Nhưng tôi chưa thấy người đàn bà nào bị đánh đập, chửi bới, sỉ vả mạt sạt thậm tề giữa đám đông thiên hạ, nhục nhã đến thế, mà ả vẫn cứ lặng thinh nhẫn nhục chịu trận. Nhiều người cảm thương và khuyên ả: “Bỏ mẹ lão già vũ phu đó đi, còn son trẻ, đẹp dáng, thì lo gì không kiếm được mối khác khá hơn, tội gì phải chịu đấm ăn xôi như thế!”. Ả chỉ nói với lão một câu: “Em thề, là em không có theo trai như anh nói!”. Không biết có nên tin ả không, nhưng tôi nghĩ: lão già rồi chắc không còn đủ sức cung phụng cho người đàn bà son trẻ tràn đầy nhựa sống, thì cũng nên hy sinh để ả kiếm chút cháo cho hưng phấn cuộc đời chứ! Nhưng rồi chiều đến, lại thấy hai người cuống quýt bên nhau, thật không biết đâu mà lần!

        Rồi chuyện một ông nằm viện, hai bồ nhí thay nhau nuôi sớm chiều, tối đến là vợ nuôi - vì bà bận bán chợ búa cả ngày. Không hiểu bà vợ có biết chồng mình có hai bồ nhí nuôi không, mà sao vẫn thấy vui vẻ với chồng như thế? Xem ra đàn ông có giá và đàn bà rẻ mạt thật. Tôi nghĩ: chỉ vì tôi đòi đồng tiền mà hạ thấp nhân phẩm của mình một cách đớn hèn như thế, thật oan uổng cho thân phận đàn bà.

        Một lần sang thăm phòng bên, thấy người phụ nữ đang son trẻ, chăm sóc cho một lão già gầy còm, tôi hỏi: “Chị đi nuôi ông già đấy ạ!”. Chị ấy lấy ngón tay kề miệng, tỏ ý cho tôi đừng hỏi! Sau đó tôi mới biết đó là chồng chị ta, may ông không nghe, chứ không thì nổi cáu lên với tôi rồi! Đã thế lại hay ghen nữa chứ!

Một chị quê ở Phan thiết nuôi cha già cộc cằn khó tính, cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt để hiếu đạo với cha mình, mà người cha vẫn chửi mắng, thì còn nỗi cực nhục nào hơn nữa đây!? Rồi một người phụ nữ khác nuôi ông chồng thương bình què cụt, nhưng vẫn tươi cười một bằng một bát với chồng, được cái may mắn là có chế độ trợ cấp toàn phần của nhà nước, nên cũng đỡ lo.

        Đúng là “khốn thay thân phận đàn bà”, đã được Nguyễn Du lên tiếng hỡi ôi với xã hội hơn 200 năm rồi, mà số phận người đàn bà vẫn còn chịu nhiều nghiệt ngã đau đớn giữa thế kỷ 21 này, khi mà xã hội vẫn cứ kêu gọi quyền làm chủ, và quyền bình đẳng, thì cuộc sống vẫn cứ vô tâm dày xéo thân phận người đàn bà mãi, là điều mỗi người nên tự suy gẫm lại.

Ông trời có mắt mà cũng vô tâm đáo để. Cả bệnh viện chợ Rẫy có đến gần 90% là đàn ông mắc bệnh nằm viện, để đàn bà phải nhục nhằn nuôi bệnh. Sao đàn bà không đau ốm, để đàn ông nuôi nhỉ? Có mà điên ạ! Đàn ông đau ốm nằm viện mà còn tằng tịu, ong bướm hết cô này bà kia, để vợ đau ốm, đàn ông rãnh nợ bỏ vợ đi ong bướm thì lại khốn khổ cho đàn bà hơn nữa! Thôi đàn ông chịu bệnh là đáng lắm rồi! Có lẽ, đàn ông sống không mực thước và thường hay bừa bãi với các thú tiêu khiển: rượu, bia, thuốc lá, lăng nhăng với đàn bà, để dễ sinh ra lắm chứng, lắm tật?

Nhưng không phải bao giờ đàn bà cũng tốt cả đâu? Chiều hôm đó, một người đàn ông nhảy từ lầu tám xuống, chết không kịp ngáp, mà nguyên do: bị bệnh nan y, vợ bỏ đi để lại đàn con, trắng tay không còn tiền đóng viện phí, phẩn uất đến cuống cuồng nhảy lầu để chạy trốn nợ trần ai là thế đấy!

        Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi điều trị cho các bệnh nhân thuốc loại nan y của từ miền Trung vào đến tận miền Nam. Nhưng số đông phần đa nhập viện là người dân miền Nam: từ Vĩnh Long cho đến Cà Mâu. Không biết có phải do phong thổ, phen chua nước đọng? Mà hễ vô đây là có đến 90% là bị bệnh nan y: Không ung thư dạ dày thì cũng đại tràng, tá tràng, sơ gan, siêu vi B… Nhưng sống gần họ mới thấy được sự vô tư, chân tình, mộc mạc, nơi con người họ. Quê họ nghèo lắm! Hỏi ra mới biết nhà nào nhiều lắm là có 10 công ruộng, còn bình thường thì chỉ dăm ba công ruộng, thì bảo làm sao ăn tiêu đủ dùng được. Nhưng rồi lên bệnh viện cũng điện thoại di động cầm tay, gọi lui tới, đã thế còn bảo anh em chúng tôi gọi về nhà, không sợ tốn tiền nữa chứ!

         Một cộng đồng xã hội được thu nhỏ: Với số bệnh nhân lên đến 2.500 người, với hơn 1000 nhân viê, y bác sĩ bệnh viện, kể cả người nuôi bệnh và khách vãng lai, mỗi ngày phải có đến 10.000 người trong khuôn viên bệnh viện. Nhưng để cho hoàn thiện một bệnh viện có tiếng tăm nhất VN, còn nhiều việc phải làm để xứng tầm một bệnh viện Quốc gia. Ngay cả ngôi nhà chính bệnh viện cũng đã xuống cấp sau 35 năm xây dựng. Những cảnh quan: lối đi, sân cỏ, hành lang, cây cảnh, ghế đá… cũng chưa được thiết kế sạch sẽ đẹp mắt và chăm sóc đúng mức, cũng gây phản cảm cho cảnh quan.

Nhưng hơn hết là con người: Y, Bác sỹ và nhân viên Y tá…vẫn còn làm việc với sự tròn vai, để còn lạnh lùng khô cứng khi tiếp giáp với bệnh nhân, và người nuôi bệnh. Vẫn còn phong cách của thời bao cấp để lại: hách dịch, quan liêu…nơi một số nhân viên, y bác sĩ!!! Đó là chưa nói đến những tiêu cực khi tính hoá đơn thanh toán viện phí – không biết vô tình hay cố ý, thay vì chế độ cháo của bệnh nhân lại tính sang chế độ cơm cả tháng trời cũng chênh lệch mất cả mấy trăm ngàn.

Và ngay cả trường hợp của bệnh nhân người nhà, tôi chứng kiến rõ ràng là hoá đơn công khai thuốc của bệnh nhân ngày cuối cùng là năm chủng loại thuốc, trong đó có hai chai nước chuyền, và ba loại thuốc chích, nhưng thực ra ngày đó chỉ chích một lọ thuốc, không biết bốn loại thuốc còn lại chạy vào đâu. Tôi đã theo dõi hoá đơn công khai thuốc do bệnh viện cấp cũng chỉ là hình thức cho một vài ngày tượng trương chứ không phải ngày nào cũng công khai hoá. Có một điều khi phát hiện ra sự sai lệch, như một ông cụ già ở miết dưới đã đưa cho tôi xem, thì giờ xuất viện bao giờ cũng ba bốn giờ chiều, thành ra muốn khiếu nại, thì phải ở lại một đêm nữa đến ngày mai mới có thể giải quyết được.

 Thế là dẫu có oan trái sai lạc thì cũng ngậm đắng nuối cay để ra bến xe cho kịp về trong đêm. Ở lại thêm tốn kém lợi bất cập hại. Dĩ nhiên tôi không dám kết luận là có sự ăn bớt của bệnh viện, nhưng làm như thế tạo cơ hội cho mọi người có thể hiểu lầm là bệnh viện làm việc thiếu minh bạch. Chuyện nghe kể rằng: bệnh nhân đã lên lịch mỗ mà phải hoãn đi hoãn lại hai ba lần, mà không có lý do giải thích rõ ràng, và không biết có sự trùng hợp hay không mà sau đó có phong bì là được mổ ngay. Những phản ánh trên chưa phải là hoàn toàn đúng, nhưng bệnh viện cần có sự minh bạch, rõ ràng hơn để khỏi mang tiếng cho cả khối lương y  bác sĩ làm việc tắc trách thì cũng oan uống lắm thay!!??

 Trong khi khẩu hiệu cao quý của ngành y: Lương y như từ mẫu. Hình như bây giờ ý nghĩa đó đã không còn nữa, để thay thế theo cách dịch sát nghĩa tiếng việt: Thầy thuốc như bỏ mẹ!!!???

Nhưng dù sao, tôi vẫn thấy bệnh viện là nơi đông vui và thân thiện với nhau hơn bất cứ nơi nào!

 

12.11.2007

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Vĩnh Căn
Số lần đọc: 354
Ngày đăng: 26.03.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện phiếm về một bài ca dao Việt Nam được chuyển sang Hán ngữ - La Thụy
Cơm: Thành ngữ và Tục ngữ - Minh Lê
Nhớ hoa đào - Nguyễn Linh Khiếu
Bóng hình năm cũ - Nguyễn Vĩnh Long
Tản mạn chữ nghĩa ngày Xuân - Tiểu Lục Thần Phong
Beijing lá phong vàng (5) - Nguyễn Linh Khiếu
Nhớ hương bánh xoài của Mạ! - Nguyễn Đại Duẫn
Thế là mùa xuân về - Tiểu Lục Thần Phong
Beijing lá phong vàng (4) - Nguyễn Linh Khiếu
Những kiểu mặt ‘Tâm Linh’ - Phạm Nga
Cùng một tác giả
Khát vọng sống (truyện ngắn)
Chạm đến tâm linh (truyện ngắn)
Chuyện của Dần (truyện ngắn)
Đôi mắt ấy… (truyện ngắn)
Luỵ đời (truyện ngắn)
Gã ngố ! (truyện ngắn)
Một mảnh đời… (truyện ngắn)
Đời gia sư (truyện ngắn)
Đồ đểu! (truyện ngắn)
Trò đùa số phận (truyện ngắn)
Ngỡ như giấc mơ (truyện ngắn)
Cuộc đời mẹ Monica (truyện ngắn)
Sau mười năm... (truyện ngắn)
Mẹ tôi (truyện ngắn)
Mê cảm (truyện ngắn)
Một số phận (truyện ngắn)