Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.211.069
 
Những quan điểm về sáng tạo thơ ca từ một tập sách
Yến Nhi

 

---

              Từng có bao nhiêu người làm thơ và yêu thơ thì cũng có chừng ấy định nghĩa về thơ, về thơ hay. Tùy theo không gian và thời gian, dân tộc và thời đại mà xuất hiện những quan niệm về thơ khác nhau. Các quan niệm này nảy sinh từ khả năng nhận thức đối với thế giới tự nhiên và xã hội, trình độ văn hóa, tâm sinh lý của con người trong dân tộc và thời đại quy định. Sự phát triển của công nghệ điện tử và sự mở rộng thông tin xóa bỏ sự ngăn cách biên giới, quan niệm về thơ  được giao lưu gần nhau hơn nhưng vẫn còn để ngõ vài góc khuất. Tác phẩm Dưới bóng Sao Khuê * đã có những ý tưởng bước đầu soi rọi vài góc khuất đó.

 

            - Tác giả cho rằng, những thi phẩm muốn thực sự hấp dẫn cần vượt thoát những hạn chế cũ thể hiện cái đẹp với những sắc thái mới. Phải mở rộng đề tài và biên độ cảm xúc, phải có một cách tiếp cận tinh tế đối tượng thẩm mỹ của thơ  để tạo được những hình ảnh trọn vẹn hấp dẫn chân thật về tính đa dạng của cuộc sống. Nhà thơ mở lòng với cuộc đời nhiều sắc thái mới mang đến hơi thở mới cho sự tiếp nhận đầy rung động của độc giả. Đại địa văn chương tùy xử kiến (Trên mặt đất chổ nào chẳng có văn chương - Nguyễn Du), cả những miền hiển hiện, cả những vùng bí ẩn. Thơ đương đại từ những miền có thực mở rộng đề tài và biên độ cảm xúc  vươn tới cả miền không thực. Ở rất nhiều bài thơ trong các tập như Sãi cánh giữa chiêm bao ( Hạnh Loan).., Ký ức người xem đồng hồ ( Nguyễn Quang Thiều ), Người câu gió (Hoàng Vũ Thuật), Bước thời gian ( Tùng Bách), Mạc khải ( Lê Quốc Hán) và nhiều tác phẩm khác tác giả trích dẫn đều có những chi tiết thể hiện một hiện thực đa chiều, không chỉ là hiện thực khách quan, mà có thể là một hiện thực tâm trạng, hoặc một hiện thực kỳ ảo - thế giới tâm linh siêu thực. Có những dòng thơ như “sát na” của giây phút mà nhà thơ/ người nghệ sĩ “đốn ngộ” trước chân lý lạc vào một mìên biên viễn khác để sáng tạo. Tác giả đưa ra một ví dụ tiêu biểu, đó là hình ảnh Thúy Kiều trong giấc mơ- một hiện thực kỳ ảo siêu thực mà Nguyễn Du tưởng tượng ra qua bài thơ của Nguyễn Việt Chiến:

 “Trước mùa trăng sinh nở/ Nguyễn Du là người mộng du ân ái cùng trăng nhưng đến nửa đêm thì Truyện Kiều đã viết xong/ và Nguyễn Du đạp mây trở về sông Tiền Đường/ để lại một bông trăng thức trong chiếc bình/ đến sáng thì nở thành một nàng Kiều trắng trong/ giữa vẩn đục cõi người/ khi Nguyễn Du về/ bụi giang hồ/ trần thế vẫn như xưa/ ông lại gặp trăng đêm/ nở một đóa sững sờ/ nở chầm chậm đến sáng thì tắt/ nở chầm chậm đến sáng rồi chết”. ( Trăng Nguyễn Du)

                Bối cảnh của  câu chuyện trong bài thơ là một thế giới siêu thực, trong cái phi thực lại có thể tìm thấy những điều có thực!

       -  Tác giả không chỉ yêu cầu thơ mở rộng đề tài  mà còn đề cập đến việc mở rộng biên giới các sắc thái cảm xúc của Thơ, đặc biệt những trạng thái cảm xúc giàu tính nhân văn còn khá mơ hồ ở Thơ Việt thời qua:  Có những tác phẩm thơ giàu suy tư, bên cạnh những tác phẩm giàu tâm trạng, được diễn đạt bằng một ngôn ngữ dung dị, đời thường, những dòng thơ mang một phẩm chất thẩm mỹ mới. Đó là nỗi buồn,“nỗi buồn nhân thế” làm cho thơ lắng đọng và sâu sắc hơn, nó vẫn nằm trong quỹ đạo của cái đẹp.  Thơ mở rộng biên độ cảm xúc, nói cái điều đơn giản chân thật mà rung động, mà sâu sắc, cái điều mà có thời người thơ hay đắn đo, lẫn tránh.  Cái hùng không loại trừ cái bi. Nỗi buồn mà nhà thơ nói đến…Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má/ Không phải gạt vội vì xấu hổ ( Nguyễn Khoa Điềm) thể hiện sự băn khoăn của con người trước cuộc đời, mà theo cách nghĩ của triết gia người Anh Alan Wats thì chính “… sự băn khoăn và biểu hiện nó trong thi ca nghệ thuật nỗi buồn nhân thế là một trong những phẩm chất quan trọng nhất giúp con người với động vật khác hay phân biệt người thông minh tinh tế với kẻ ngu đần”  (Biết ta đích thực là ai). Từ bài thơ Cửa hàng gốm sứ ( Vũ Quần Phương), tất cả trong cửa hàng gốm sứ đều giả Từ đất / Bàn tay thô trau chuốt mà thành, là tương phản giữa nội dung và hình thức. Nó là của giả, cảm xúc thơ đương đại theo tác giả cần hướng thêm về cái  hài, những xúc cảm trào lộng làm sâu sắc hơn tình cảm con người. Căm thù cái xấu, khinh ghét chúng nhưng cao hơn có thể là sự khinh bỉ. Sự khinh bỉ cái xấu do tiếng cười gây nên làm người ta xa lánh. Ngày xưa có Tú Xương, Nguyễn Khuyến sau này  có Tú Mỡ,tiếng cười trào lộng còn ít trong thơ hiện nay.

                 - Trong sự xuất hiện của tác phẩm văn chương thì việc xây dựng hình tượng là công việc vô cùng quan trọng Trong thiên Thơ và thủ pháp nghệ thuật “lạ hóa”, tác giả cho rằng việc sử dụng thủ pháp “lạ hóa” trong việc xây dựng hình tượng gần như một yếu tố tiên quyết để thơ trở thành hay. Trong sáng tác truyền thống, việc sử dụng thủ pháp này tuy dè dặt, nhưng cũng đã để lại một số thành tựu khá ấn tượng. Tác giả đưa ra mấy  dẫn chứng khá điển hình: Trong ca dao dân ca (Bao giờ cho đến tháng ba), trong thơ Hồ Chí Minh (Vãn cảnh ) và nhiều bài trong thơ Hàn Mặc Tử & Xuân Thu Nhã Tập. Trong thời đương đại, tác giả cho rằng xu hướng sử dụng thủ pháp “lạ hóa” ngày càng phổ biến “Thơ bây giờ có những liên tưởng táo bạo, những liên tưởng như thoát khỏi thực tại, đi về giữa thực và ảo” (Trang 15), để góp phần lạ hóa các hình ảnh, các thi sĩ đương đại sử dụng nhiều thi tiết đậm màu sắc siêu thực. Để ý tưởng bài thơ lắng sâu cần có một cái tứ lạ một “hình tượng tổng thể”cho toàn bài. “Các tác giả cũ cấu tứ quen lối sắp xếp ý cảnh trên nền cái tả thực còn các tác giả đương đại khi cấu tứ lại ưa sử dụng lối nói ẩn, gián tiếp thông qua nhiều chi tiết, hình ảnh giàu màu sắc siêu thực, qua những ẩn dụ có tính tượng trưng ước lệ tạo ra một góc nhìn khác lạ với sự vật. Nó buộc người đọc phải suy nghĩ mong khám phá nhiều tầng nghĩa trong các thông điệp mà tác giả gửi gắm”  (Trang 16). Thủ pháp “lạ hoá” nhằm mục đích đó.

           Để minh họa, tác giả thẩm bình bài thơ Chè sen của  Vũ Quần Phương với những suy nghĩ rất ấn tượng: Tứ thơ xoay quanh sự liên kết hoa và chè. Nhà thơ hình tượng hóa một quan niệm vừa thực vừa ảo, một tương quan đời thường thành một sự hy sinh lý tưởng của phía này cho vẻ đẹp phía kia. Màu sắc dẫn dụ người đọc ngay từ lời thơ mở đầu:

“Hoa khâm liệm/ cho chè bằng chính thân hoa/ …sương đêm ngoài kia - nước mắt/ khóc cho hoa hay khóc cho chè.  Tôi nâng chén chè sen/ ngạt ngào hương mùa hạ/ tôi uống chè hay sen/ không biết/ chỉ biết rằng hoa thác/ thì chè thành hương bay.”

Hay ơ bài thơ Người câu gió ( Hoàng Vũ Thuât), tác giả nêu một thông điệp về quá trình nhận thức của con người trên con đường đi tìm ý nghĩa đời sống, khám phá vũ trụ. Biểu tượng gió được trình bày trong một kết cấu tương nghịch: ngồi câu gió với “sợi dây mảnh mai con người cố gắng nhẫn nại trên đồi” xuyên qua thời gian “tóc xanh hóa thành tóc trắng”  để tìm hiểu “lối đi, gương mặt” của gió…

“…một ngày câu hai bàn tay trắng trở về/ một đời câu tóc xanh hóa thành tóc trắng/lịch trình gió buốt chưa thôi/ gió vô hồi ngàn sau chưa hết

…Không ai nhận ra lối đi của gió/ không ai nhận ra gương mặt gió

Tác giả nhắc lại lời nhận xét của một nhà văn thế giới về những ứng dụng có tính kỳ ảo  trong sự đổi mới văn chương:“…cả hình thức lãng mạn, cả hình thức ước lệ, cả viễn tưởng, cả kỳ ảo, cả kỳ dị, cả những cách biến dạng khác nhau, nếu  chúng trợ giúp cho nhà văn tái tạo sâu sắc hơn, tinh tế  hơn trung thành hơn, diễn cảm hơn bức tranh về thực tại trong sự chuyển hoá hêt sức phức tạp từ hiện tại đến tương lai” (A.I.Ocharenko )

            - Tác giả cũng lưu ý các phương thức làm mới Thơ, tránh những ngộ nhận cực đoan về vai trò ngôn ngữ, tác giả chỉ rõ, đó chỉ là phương tiện; cái mục đích, cái cuối cùng của thơ, là sự tác động vào tâm hồn người đọc là lý tưởng nhân văn với cái nhìn mới có tính phát hiện, tính sáng tạo trong cuộc sống, còn các kiểu ngôn từ  có thể làm thích thú chốc lát nhưng đó không phải cái đích của thơ ca. Tác giả ví công việc viết văn như người bắn súng Các từ là những khẩu súng đã nạp đạn, khi bắn cái quan trọng là đích bắn chứ không phải là tiếng nổ cho vui  tai ( B. Barain )

             Nếu sáng tạo khoa học kỹ thuật hướng vào tư duy lôgic thì văn học nghệ thuật hướng đến tư duy hình tượng. Hai phương cách tư duy bổ sung cho nhau tạo nên cái hình thái tổng hợp thẩm mỹ căn bản của sáng tạo văn chương nói chung và thơ ca nói riêng là hình tượng, nó góp phần tạo nên cái hay cuả thơ. Quan điểm về cái hay, cái đẹp sẽ còn thay đổi hoàn thiện không ngừng theo thời gian, trước hết là mở rộng đối tượng thẩm mỹ của Thơ, thứ đến là nâng cao phương cach thể hiện, tập tiểu luận “Dưới bóng sao khuê” đã góp phần cho việc đổi mới đó.../.

 

03/2024

 

*Dưới Bóng Sao Khuê, Hà Quảng, Nxb Hội Nhà văn, 2/2024

 

Yến Nhi
Số lần đọc: 473
Ngày đăng: 02.04.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đời như một cuộc trốn tìm… - Yến Nhi
Đọc lại “Vòng tay học trò” sau sáu mươi năm tác phẩm ra đời - Hoàng Thị Bích Hà
Cùng đi tìm bản ngã của người thơ họ Đặng - Nguyễn Tiến Nên
Xuân tình trong tình Xuân - Đặng Ngọc Như
Nhân ảnh – một thiên truyện hấp dẫn - Hoàng Thị Bích Hà
Thơ Nhã Ca, một vài tư liệu nhỏ - Nguyễn Lệ Uyên
Nhã Ca, người đàn bà nào cũng đẹp - Nguyễn Đức Tùng
Nhà Văn Nguyễn Đình Toàn - Nguyễn Vy Khanh
Đọc thơ tình của một người lính cũ - Hoàng Thị Bích Hà
Tứ tuyệt tình trong thơ Đoàn Quân - Đặng Ngọc Như
Cùng một tác giả
Ban Mai (thơ)
Thế sự nhàn đàm (tiểu luận)
Cúc xưa (phê bình)