Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.210
123.206.238
 
Cuộc khát sống của con tê giác Việt Nam cuối cùng
Nguyễn Hàng Tình

            Bút ký về Thiên nhiên

 

          Không biết vô tình hay thâm ý gì đó mà Thượng đế đã trao muôn loài cùng mọi rừng hoang trên mặt đất này cho loài người là giống loài rốt lại được nắm lấy nhưng lại không xây cho họ một cánh cổng siêu năng hay giao cho một chiếc chìa khóa nào cả....

 

 

 

            “Arơ Mí ơi ơ …i, ơ…i, ơ…i. A, a….a….a ..ơi.. ơi...ơi...!”. Tôi bụm hai bàn tay lại và hét to dài cái âm kia lên. Cứ thế nhiều lần. Thần khí của rừng bao giờ chẳng là dũng mãnh, khẳng khái, quảng đại, và tự nhiên. Một mình tôi với cõi rừng xưa, cái nơi dạo nào mình và nó có vẻ hiểu nhau. Có thể tiếng của tôi va mơ hồ chút nào đó vào những ngọn núi Vốt Grả, Rai a Pả lờ, Klang ai, Nhai Pả rờ, Điêng R’la (*) phía đàng xa trên kia.

 

Chỗ này có...  “nước”

 

           Giờ lại đứng giữa Vó Brê (đầm lầy trong rừng, chỗ có nước tụ lại_ tiếng thổ dân S’Tiêng), không gian của vùng thung lũng trũng sình hoang dã thuở quanh đây rậm rừng nguyên sinh. Khi người Kinh xuất hiện thì nó có thêm cách gọi, là ... Bàu Chim, theo thói quen tư duy và lối văn hóa của lưu dân_đầm lầy nào mà chẳng đầy chim chóc. Những làng mạc nhà xây đã áp gần sát không gian Vó Brê năm nào, và dòng sông thượng nguồn Dà Đờng_dưới nữa gọi là sông Đồng Nai, rồi dưới thêm nữa gọi là sông Sài Gòn đó_vẫn phía ngoài kia, cách không tới cây số theo đường chim bay. Nhưng giờ nó cũng chẳng còn chút chỉ dấu nào đáng để gọi là đầm lầy: vắng nước, vắng sình, biến mất hệ thủy sinh, mà hiện ra là bãi cỏ phẳng lỳ _hợp cho việc du mục. Rất rỗng lặng sinh khí rừng nhiệt đới. Bá tánh kể là đã hơn chục năm rồi lũ lụt không còn tràn ngập Vó Brê này_ là  rốn của rừng nữa, dù các thập kỷ trước đó theo qui luật tự nhiên cứ mùa mưa là liên miên núi rừng hẹn hò ngập nước, lụt, và diễn ra cơ chế nhuần nhuyễn như là, tích trữ nước tự nhiên cho rừng nhiệt đới ở những thung lũng, bãi bồi, vùng trũng này. Dòng sông Dà Đờng kia lâu đời to dài nhất Nam Tây Nguyên đã có đến sáu cái thủy điện ngăn sáu lần đập tích giữ nước như thế thử nước nào mà còn cho những nơi đó_đến dòng sông mà đoạn có nước đoạn luôn trơ đáy. Cái rát nóng nắng và nực oai bởi ẩm ở sinh cảnh nhiệt đới thường xanh làm mọi thứ biến thành một thứ hoang dại khác. Chỉ có thung lũng này may ra đón nhận tiếng tôi. Lần này tôi lội một mình, vì người bạn già tri âm của tôi Điểu K’Gang _kẻ am tường gắn bó sâu thẳm nhất với con Arơ Mí (Tiếng thổ dân S’Tiêng gọi loài Tê giác) kia_ đã “đi gặp Yàng” rồi, vào mùa khô 2020 vì nỗi buồn rừng núi, vì cái chết của nó, và vì rượu(từ đó uống rượu !).

 

           Cái hàng rào kẽm gai dài lê thê vắt từ mép chân cuối của sườn núi này qua chân sườn núi kia lặng thinh đứng đó. Rất khó để người đời có thể hiểu vì sao giữa rừng lại có một hàng rào kẽm gai như thế. Rằng, ấy là cách thức cuối cùng cho một giải pháp an ninh tượng trưng để ngăn cách người với thú hoang khi nó phải cộng sinh, chung sống với ... người.  Con người quá hiểu con người nên đề phòng con người, chứ không phải đề phòng con thú. Vì nhiều triệu năm qua muôn thú chưa bao giờ cướp miếng ăn, đi xâm lược, hay tấn công không gian sinh tồn của con người. Mục tiêu hàng rào kẽm gai ra đời nhằm bảo vệ con Arơ Mí đó, từ sự tư vấn của các Nhà bảo tồn động vật hoang dã của WWF(Tổ chức bảo vệ thiên nhiên Thế giới). Ngăn không cho con người bước qua cái khu vực con Arơ Mí sinh hoạt_nó thường xuống uống nước phía bên trong nữa kia, tức ngăn phần sình lầy làm lúa nước có tên Sere đăng Plăng với chút thẻo sình lầy hoang dã phía trong cùng sót lại mà con Arơ Mí còn dám xuống tìm nước uống và ăn khoáng chất mà người S’Tiêng đặt cho chỗ đó là Bri dà tụ tắc ke. Đừng vô minh mà bảo chốn rừng hoang hoặc nghĩ về đại ngàn là nơi vô chủ, bỏ không, bởi ở đó bao giờ mọi thứ cũng đều có tên, tên bao giờ cũng hay, đặt tên sát thực nghiêm túc, là luôn “Có chủ” hợp lẽ trời, và cũng được coi sóc và yêu thương theo một cách thức tinh tế sâu nặng ân tình.

 

  *Hàng rào kẽm gai năm nào dựng lên ở đầm hoang này để ngăn cư dân không sinh hoạt lọt qua bên trong vốn là chỗ con tê giác thường xuống uống nước, nạp khoáng chất, và đẫm sình vẫn còn lặng câm đứng đây, bây giờ, mùa khô năm 2024(Ảnh: Nguyễn Hàng Tình).

 

 

          Tôi lại hét Arơ Mí. Hét vào sự um tùm của trảng cây bụi mới kia, vào chỗ ngày nào con tê giác lê cái thân khổng lồ của nó đặt xuống sình để uống nước ở bàu. Hét vào cái xác chết hoang dã. Tôi hét vào nó thì mới đáng để bước chân lên nơi này. Chắc không ai còn nghĩ đến nó nữa đâu. Thì tôi nhớ. Thì tôi tự “giỗ” nó vậy. Tôi giỗ bằng cách quì xuống dải rừng đây thế này, hét lên tên nó, và giữa hương khí nhiệt đới lồng lộng tôi cứ trầm ngâm lê thê thế này đó. Tôi hét cho rừng núi bớt rã rời và nó không còn bị rình rập “ăn tươi”. Trong “rừng” đa dạng sinh học Việt Nam có một loài mới đó đã ngừng “kêu”, để con người phải kêu thay.

 

                                    Hồ sơ “Quần thể thú”

 

 

          Ra trường, chắc nhờ hiền từ nên tôi được biệt phái về vùng sâu xa là cái “ốc đảo” tận cùng và cách trở nhất này để ... Thường trú. Thi  vị.  Chưa có cơ quan báo chí nào trên trái đất hay, độc đáo, có cách nghĩ chiến lược về nguồn thông tin khác với thông thường dễ thương như vậy_thường ở các đầu não, trung tâm chính trị xã hội sục sôi nguồn sự kiện: đô thị. Nhờ vậy mà xứ này vận vào tôi và tôi thương nó tự nhiên. Tôi thương đặc biệt loài Arơ Mí hoang dã còn ở trong rừng kia.

 

          Thập niên 1960s, 1970s, 1980s, 1990s, vẫn còn cả những quần thế tê giác trong tự nhiên ở sườn cuối của dãy Trương Sơn(không gian rừng núi miền Cát Tiên) này. Nghĩa là không phải chỉ có một con, mà nhiều con, nhiều bầy. Không lý tưởng về sự nguyên vẹn, nhưng ước mong về sự sống sót dăm ba đàn là chuyện bình thường, có nhiều cách, và không khó để làm được. Nhưng những quần thể đó “teo” dần theo thời gian, lịch sử, và những “bài toán kỳ lạ”. Khắc nghiệt nhất là thời cận đại. Rằng, lúc xã hội đang trong hơi thở tập trung - quan liêu - bao cấp, kinh tế chỉ huy, chánh chị chánh em đa nghi, ít bang giao với mọi xứ bốn phương, bị cấm vận, nên “Cửa” mới “mở” he hé _đang “tập”  dần không tuyệt đối “nghi ngờ ” sự tử tế của các nước phương Tây khác như ở những chuyện tốt đẹp xuyên biên giới kiểu bảo vệ sinh thái, môi trường. Dưới sự sốt sắng làm thay giúp và lăn xả lẫn hối thúc của các nhà khoa học sinh thái quốc tế Việt Nam đã chấp nhận lập vùng bảo tồn tê giác ở vùng rừng núi này từ năm 1992 và đặt tên hẳn là Khu Bảo Tồn Tê Giác Cát Lộc_ ghép hai địa danh chung lâm phần mà tê giác sinh sống trải dài từ Cát Tiên đến rừng Bảo Lộc. Vườn Quốc Gia Cát Tiên sau đó được lập với liên tụ lâm phận giáp ranh giữa ba tỉnh Đồng Nai- Lâm Đồng-Sông Bé(sau này là Bình Phước) có vai trò rất quyết định từ sự hiện hữu của loài tê giác quí báu. Tôi còn nhớ biểu tượng (logo) ban đầu của Vườn quốc gia Cát Tiên là lấy hình dạng loài tê giác đang sống ở đây mà.

 

           Nó là Tê giác Việt Nam. Hình thái của nó không giống tê giác  hai sừng ở Châu Phi mà chúng ta thường nhìn thấy trên truyền hình, phim, ảnh thế giới. Vẫn là một loài thú lớn, nhưng nó thấp và nhỏ con hơn tê giác hai sừng Châu Phi. Và nó chỉ có một sừng, gần giống với loài tê giác Java ở Indonesia song dáng cũng nhỏ hơn chút. Vì vậy mà hồi đó các nhà động vật học thế giới buộc xếp nó là một phân loài của tê giác Java (Rhinoceros Sondaicus) kia _nghĩa là chúng có cùng một tổ tiên chung cách đây 300 ngàn - 2 triệu năm. Nó đứng riêng một góc trời trong thế giới tê giác trên địa cầu. Nên tên khoa học của nó mới được đặt là Rhinoceros Sondaicus Annamiticus(tôi từng yêu cầu các nhà khoa học sinh thái kia đúng ra phải đặt là.... Cattieniticus hoặc Vietnamiticus chứ không thể lấy đuôi khoa học của nó là “Annam...” được, bởi xứ Annam đã là quá khứ xa lắc của Việt Nam rồi).

      *Đây là bức ảnh gốc quí báu về con tê giác cuối cùng trên lãnh thổ Việt Nam do một chuyên gia nhiếp ảnh động vật hoang dã tài ba của WWF chụp được mà tác giả bút ký lưu giữ để làm kỷ niệm khi nhận được bản rọi in của họ lúc ấy.(Ảnh: WWF)

 

             Nghĩa là nó càng quí hiếm, và quá riêng biệt. Người S’Tiêng thấy sự tồn tại của nó là “chuyện lớn”, các nhà động vật học, tự nhiên học, lâm học thấy nó quá quan trọng với thế giới sinh thái và đa dạng sinh học của đất nước. Nhưng đâu đó có đôi nhà chánh trị thì hình như không thấy nó “lớn”.

 

Sống sót

 

           Rừng núi là quê hương của nó, sinh cảnh sống của nó, nhưng “dùng” rừng như thế nào, cho việc gì thì nằm ở con người. “Con người” mà, đến con người còn phải bầm dập khổ đau trước con người, chịu không nổi với con người, huống chi con vật. Ngay cả loài mãnh thú nào đó cũng chỉ có thể tồn tại khi không chung chạ với con người, chung sống với người. Khi có con người thì không có môi trường sống tự nhiên nào cả. Bản chất về lòng tham ăn vô đạo, lối sống quá nhiều mục đích nhu cầu, cùng sự hỗ trợ của phương tiện kỹ thuật săn bắn tiên tiến của thời đại “văn minh” này  như thế thì không có loài thú nào “thoát” khỏi nanh vuốt của con người được. Nếu không làm thực phẩm “đặc sản” cho con người, không bị nấu cao, thuộc da, ngâm rượu, chặt sừng, thì cũng thành con thú “bê đê”: vô hiệu hóa phẩm chất hoang dã_“bẻ nanh”, làm cho vâng lời, vào rọ. Cả mấy chục ngàn người, với nhiều làng xã bỗng dưng “rơi” xuống, sống xung quanh nó, thì nó thoát bởi đường nào đây !?  Không chỉ các Nhà động vật học của Quĩ bảo tồn Tê giác quốc tế(IRF), của Tổ  chức quốc tế về bảo vệ Thiên nhiên(WWF), của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam thường lên tiếng tại các hội nghị, hội thảo Tê giác Việt Nam mà chính tôi trong những cuộc lội rừng thực chứng sinh thái cũng luôn  thấy vô kể những loại bẫy được thợ săn gài đặt trong rừng. Bẫy như một ma trận, khắp nơi, thu gom vứt đi sẽ xuất hiện lại ít lâu sau đó. Ai là chủ nhân của những hệ thống bẫy đó ? Truyền thống của người S’tiêng bản địa thì không có và họ không nghĩ ra được những chủng loại bẫy siêu thảm sát lạ đó.

          Sau khi con người đã thống lĩnh, bao vây, và “lấy” gần hết rừng của thế giới tự nhiên, thì các loài còn lại bước vào kỷ nguyên chung sống với loài người !?

           Là chỉ còn biết mong cầu từ cơ chế “Vườn Quốc Gia” _Lập một không gian rừng sinh cảnh riêng nguyên vẹn cùng thiết chế bảo vệ động, thực vật khép kín sẽ là trí thông minh/ giải pháp vớt vác cuối cùng của con người để đối phó với ... con người trong bảo vệ thiên nhiên. May thay, các nhà sinh thái học Tây phương đã nghĩ ra cho thế giới. Thú hoang dã, chúng có được may mắn cuối cùng là “được giam” trong “nhà tù” đầy màu xanh rộng nhiều chục ngàn mẫu_ “giam”, không có từ ngữ nào hay hơn để gọi bản chất của một hình thái tốt bụng trong cảnh trạng nghiệt ngã, có chút hơi hướng tương tự như (Hội chứng) “Stockholm syndrome” (**) với  thế giới hoang dã. Lọt ra khỏi đó, “chết chắc!”.  Nhưng,   Arơ Mí này nó đã bị đoạt mạng khi Vườn quốc gia đã ra đời, bởi nhân lực kiểm lâm nào của vườn mà quản nổi mọi giờ mọi khắc trên bảy mười ngàn hecta. Cơ chế quản lý của Vườn cũng bị rượt, “bao vây”, đối phó, chạy đua bởi... người, bởi những làng mạc, xã huyện mới hình thành từ vùng đệm cho đến cố trà trộn lẫn chen vào vùng lõi của Vườn. Tiếng người mới rộn rạo ở cánh rừng nào thì các loài khác ở đó hết quê hương. Các loài thú “ra đi” trước và thổ dân bản địa bằng kiểu gì đó sẽ là chuyển dịch sau cùng. Sự thuận hòa với thiên nhiên là hiện thực mơ ước thôi, không thể thực hiện và không bao giờ có thật suốt nửa thế kỷ qua. Người ta đi “ăn” thiên nhiên mà. Chiến lựơc “khai hoang” đã nói lên tất cả. Mọi thứ của rừng đều phải “ra đi” đề phụng sự hoặc hầu hạ con người, dưới những lớp vỏ ngôn ngữ nhân đức mới hoặc ma mị.

          Quần thể tê giác Việt Nam cuối cùng được ước đoán là 5-8 con, khi lập Khu bảo tồn tê giác. Nhưng mãi rồi còn mình nó. Và nó cũng phải “ra đi”. Nó chết ngoan cường. Chết khi không còn đường nào để sống sót. Chắc nó là con thông minh nhất, hoặc võ nghệ hoang dã rất cao cường. Bởi từ lâu đã chống chọi, đối phó, bị dồn vào ngõ cụt, cửa tử, với tước đi nguồn thức ăn, bao vây, săn lùng, rượt đuổi, chung chạ... mà đến thế kỷ 21 mới “ra đi” đã là ngoạn mục. Kỳ tích sinh tồn. Con người không ai sống được như thế đâu, Arơ Mí. Ngoạn mục trước loài người.

 

                                                     *

 

          Giả sử không có sự thiết lập thêm các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh(ở Lâm Đồng) và hệ thống các xã mới lập sau này ở tỉnh Đồng Nai, Bình Phước vây giáp  không gian rừng nguyên sinh Cát Tiên ?!  Giả sử không có “phong trào” ồ ạt khai hoang, cạo trọc hệ thống rừng nhiệt đới thường xanh nguyên sinh ở thượng nguồn sông Đồng Nai !? Dưới vũ trụ này, những mục tiêu lớn lao, cao cả không bao giờ có sự đi kèm hoặc ảo tưởng về tính “win - win”, cân bằng, giao hòa, bền vững, tử tế được. Nó là một mất, một còn, xung khắc, cái này phải loại trừ, triệt tiêu cái kia, xáo trộn. Nhất là bởi một xã hội mà lòng tham cầu vẫn là quán tính, nghèo khó nhiều đời, và văn minh với thiên nhiên là cái gì đó rất xa vời, xa xỉ. Thì như thuyết duyên khởi thôi, rằng một sự kiện xảy ra là do một sự kiện trước đó xảy ra.

 

           Minh chứng hiện lên đủ đầy, qua số phận của loài Arơ Mí này. Các em nhỏ cứ tin đi, rằng loài tê giác từng có mặt trên đất nước Việt Nam mình. Từng nhiều vô kể, các em à, nhất là ở Tây Nguyên cũng như dải núi non trải dài nằm hút về phía Tây lãnh thổ mà sau này người ta hay gọi là Trường sơn kia. Vùng rừng trộn lẫn giữa đồi cao với đầm lầy nào trên xứ Tây Nguyên này mà không có nó sinh sống, sống tưng bừng, rộn rã, hoặc in dấu chân nó. Nước mình từng nức tiếng bởi sừng tê, ngà voi, da cọp, hương liệu rừng, cây thuốc mà... Xứ nhiệt đới sinh động tiêu biểu ở Nam bán cầu, có nhiều loài cực kỳ quí hiếm,  với vô số rừng núi thanh bình. Đất nước bao đời được tự hào là giang sơn gấm vóc. Cận cảnh, ta đang trở về đây, nơi của những dải núi Vốt Grả, Rai a Pả lờ, Klang ai, Nhai pả rờ, Điêng R’la.... xung quanh. Chao ôi, cái con suối Dà điêng R’la có bàu nước Sere đeng Plăng và nhất là chỗ Dà tu tắc ke một thời không ngừng chảy nước từ khe sâu rừng ra kia. Da tu tắc ke là chỗ thổ dân S’Tiêng gọi vị trí cuối của cái khe nước chứa nhiều khoáng chất mà con Arơ Mí kia thường ra để uống, tắm mát và đẫm mình chơi giỡn với sình lầy hoang dã. Hoang dã là cảm hứng sống của nó. Đỉnh cao của sự cao quí là an nhiên, chạm đến đất trời, vũ trụ. Những kẻ thiên địch chẳng cần để ý, không quan trọng, nếu có chết cũng chết rất tự nhiên. Kẻ thiện lương sẽ chết vì sự trong sáng. Thân nghiệp thanh tịnh làm sao “chơi” marathon nổi với loài thân nghiệp phàm phu, mưu mánh, tủn mủn.  Đón nhận thôi.

 

Dư vang “cơn lũ ngược người” giữa bộ xương khô

 

       “Cửa” rừng là cửa mở, hào phóng tối đa, là không cần ý niệm về cổng, cửa.

         Nhưng có một thứ “lũ” lạ mới xuất hiện. “Cơn lũ di dân”, di dân vào lá phổi xanh của đất nước_Tây Nguyên, từng diễn ra bằng nhiều dạng vẻ suốt bốn thập niên. Những đoàn người mạc vận, rớt hạng, khốn khó, nghèo khổ đi tìm cơm áo, đất sống, “ngày mai”, mà nó khắc vào thơ của ông Thi sĩ Lâm Anh di trú đến xứ này: “Ngó xuống quanh mình bết bụi thú hoang/ Và dựng trại bên góc rừng ngơi nghỉ / Khóc với rừng mưa và ngủ với ngàn sâu/ Con dế ré những tiếng buồn thúi ruột/ Ôi bầu trời như cái thúng đựng khuya”. Lịch sử kỳ dị chìm nổi đã tạo ra họ. Họ cũng phải sống sót. Di dân cả vào xứ cuối cùng của loài Arơ Mí đã sinh sống bao triệu năm, vùng Cát Tiên. Hoang dã biến động, xáo trộn. Một vùng núi rừng nghiên dốc uyển chuyển, chia cắt, đa dạng hình thái và hệ sinh vật giữa cuối của dãy Trường Sơn với mênh mông đại ngàn rừng mưa nhiệt đới thường xanh bí ẩn đã bị lột ra bởi dân di cư mới đến từ miền Bắc, miền Trung mới đến, và nhất là những “thợ săn” Tây Bắc, người Nùng, người Tày, người Thái, người Dao. Trở trêu, thời điểm ra đời khu bảo tồn Tê giác Cát Lộc là thời điểm những làng người di cư tự do này “đỗ” xuống nhiều nhất trong vùng lõi của khu bảo tồn này, kể chi đến vùng đệm. Những huyện, xã, thôn, xóm ... xuất hiện ở rừng nguyên sinh cùng với đó là những điệp trùng rẫy điều thế chỗ cho cây rừng ở trên hệ thống núi đồi và những cánh đồng, thung lũng lúa nước ở dưới các hệ thống trũng sình, đầm lầy. Những rừng điều nối tiếp, những cánh đồng lúa nước bao la, đủ dạng hiện ra cho đến mùa khô giờ.

 

         “Trật tự” rừng núi đã thay đổi mà nó không biết. Loài người đã thành “loài khác” mà nó không biết. Nó tưởng loài ăn chay(chỉ ăn đọt mây, măng le, và vài loại lá cây), thanh liêm, sống kiểu “nước sông không đụng nước giếng” như nó thì không có kẻ thù và khắc được Thượng đế ưu ái trong cuộc lao lực để sinh tồn.

           29/4/2010, mùa khô, những người dân đi rừng phát hiện bộ xương của nó, sừng đã bị lấy đi, ở vùng rừng mà mặt hành chính nó giáp ranh giữa xã Tiên Hoàng với xã Phước Cát_ các xã mới được hình thành giữa không gian rừng xưa vá bá tánh là những lớp người đi Kinh tế mới và di cư tự do. Coi như ngày “Giỗ” nó là cái ngày hai chín tháng tư ấy vậy. Nhiều thế kỷ qua người Việt, người Hoa, cùng các sắc dân gốc Tây Bắc ở gần với văn hóa Trung Quốc đã đồn thổi dân gian xem sừng tê là biệt dược chữa được “bá bệnh”, trong đó có giải độc, bổ khí, bổ huyết, và nhất là bổ dục/sinh lý_nhưng thổ dân miền Thượng như người S’Tiêng này thì không biết dùng đến nó và cũng không có hoạt động “săn bắn hàng hóa” ở truyền thống họ. Nó chết vì cái sừng của nó. Nó chết bởi sinh cảnh không còn khi một loài thú hoang lớn phải có, môi trường sống tự nhiên không bảo vệ được.  Nó chết vì bỗng dưng phải sống chung với người. Nó chết vì nó không biết mặc cả, luồn cúi, thỏa thuận, đàm phán, hạ mình, và không đủ tàn độc. Nó chết vì nó không hiểu ngôn ngữ con người, không biết hộp hành, không biết khái niệm “khai hoang”, và không có trường học. Sự giản dị hồn nhiên sống bắt nó phải chết. Sự ngu dốt bắt nó phải chết. Các chuyên gia của WWF  cùng chính quyền Việt Nam đã nhận ra vết đạn trên thân xác của nó.

 

                                                    *

 

          Tầm nhìn “nông dân” bắt nó phải chết. Vĩ mô sâu kiểu “sàng, nia”, tình thế, “giật gấu vá vai”,  theo “tình huống”  bắt nó phải chết. Sự sai lầm bắt nó “chia tay” chúng ta. WWF cho rằng, “Mất sinh cảnh sống là lý do then chốt dẫn đến sự tuyệt chủng của loài tê giác tại Việt Nam”. Trong cái thông cáo ngang trời mà WWF đưa ra vào cái ngày lịch sử 25/10/2011, lúc 11 giờ, sau khi họ cố từ phương Tây sang xứ ta để vào lại rừng kia các đợt khác nữa cho việc đi tìm dấu vết nào đó trong hy vọng về những con tê giác nào đó khác còn lại ở Việt Nam, ngoài xác chết của con này, cũng như phân tích DNA của mẫu ở bộ xương kia với những mẫu phân lưu trữ về tê giác Việt Nam lâu nay rồi họ đi đến tuyên bố khoa học chuẩn mực nghiêm túc toàn diện của họ: “Tê giác vĩnh viễn tuyệt chủng, mất khỏi Việt Nam”. Giang sơn gấm vóc, tội tình !

          Họ đã nỗ lực hết sức, tận tâm, lặn lội, giữa nhiều năm trên xứ lạ. Có hai chiều cay đắng quyết liệt ngược nhau mà thế nhân không thể lý giải bằng đầu óc. Người đi tìm thú hoang để bảo vệ còn người kia thì đi rượt bắt chúng để sát hạ, trong số những người chúng ta đưa đến đây định cư. Họ đã không cứu được nó cho đất nước tôi, cho nhân loại, giản dị nhất là cho thổ dân S’Tiêng vốn gắn bó, nặng nợ, và thương yêu muôn loài cùng rừng núi.

           Có cái gì đó hổ thẹn.

            Kỳ lạ thật, mọi chuyện, toàn chuyện “lớn” thôi, đều diễn ra trong những mùa khô.

           Khai thác trắng rừng nguyên sinh để lấy gỗ là “chiến lược” kiếm tiền tươi và lòi ra đất nhanh để trồng thứ khác. Di dân mọi kiểu, là “chiến lược” bắt sơn nguyên qui phục đổi kiếp qua trò chơi khai hoang để bố trí người cùng những nhu cầu nọ kia về xã hội mà thiên nhiên không hiểu. Xây dựng hàng loạt thủy điện bậc thang trên một dòng sông là chiến lược sau cùng cho việc kết thúc thế giới tự nhiên hoang dã trên một đất nước. Thượng nguồn sông Dà Đờng( Đồng Nai) này, chốn rừng xưa này cũng đã tích hợp mọi thứ mà trần gian giờ đây có trong cái thòng lọng ngọt ngào bi kịch. Thượng để đã không bảo bọc được sự công bằng giữa muôn loài, không can ngăn được con người ăn hiếp và nuốt chửng mọi thứ ở những loài khác.

          Thượng đế bị tước hết quyền năng.

          Rừng núi sống trong hơi thở gắng.

          Muôn thú giữa cảnh cùng đường, giẫy giụa để hiện hữu.

 

“Ảo” và... Ảnh

 

            Nó từng có mặt thật mà cứ như “ảo”, trên cái đất nước điệp trùng rừng núi gấm hoa này.

           Cọp vẫn còn đâu đó trong đôi vườn quốc gia. Voi cũng vậy. Nhưng Tê Giác thì vĩnh viễn không còn, ở cái xứ sở từng đầy tê giác. Một sự thực như huyền mơ trên đất nước này. Những ai trên mười lăm tuổi ở các bòn S’ Tiêng tôi đi qua họ đều biết tới một loài gọi là Arơ Mí. Nhưng thử hỏi về tên loài nó thì người trẻ dưới mười tuổi đều ngơ ngác, họ quay sang nhìn ba má mình như để hỏi lại họ rằng có - không một động vật tên kia. Ôi cái đất nước nhiệt đới bao la rừng vàng biển bạc này con người đã không sống đúng với sự rực rỡ ấy, niềm tự hào ấy. Có thể dân chúng đã tệ bạc với giang sơn gấm vóc hoặc đế vương đã không biết điều hành xứ sở lẫn gìn giữ những gì trên quê hương tích góp nhiều ngàn năm.

             Sự tồn tại của các loài như Arơ Mí là chỉ dấu cho một xứ sở có thanh bình, mạnh mẽ bằng sự sáng trong thiện thuận, khoa học, nhân bản, và vạn vật còn thuận hòa. Cái thế giới tràn đầy đạo đức tự nhiên, loài nào cũng có chỗ hợp lý của mình, ít hiềm khích, tranh chấp, không âm ỉ xung đột sống mái giữa loài vật với loài người; cái thế giới không có khái niệm tích trữ vật chất, của hồi môn, đồng hóa, tăng trưởng, cổ phần, cổ phiếu, trang trại, bất động sản...

 

             Nhớ về tình rừng buồn như khi suối đầm đã cạn, đất đã thay người, cây đã thay cây. Tôi lật mấy tấm ảnh hiếm hoi duy nhất mà nhà nhiếp ảnh sinh thái tài ba thiện nghệ nào đó của WWF_Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên_ đã chụp được về nó. Nhìn nó mà tôi rưng rưng, mừng. Tôi không thể khóc cho nó, nên tôi hét lên như thế. Tôi giận cho chiếc máy ảnh cơ Pentax K 1000 chụp phim duy nhất của mình lúc đó sắm được nhưng ống kính normal tiêu cự chỉ 50mm làm sao có thể thu ảnh từ xa. Đến hệ thống thiết bị của các chuyên gia Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam, của Bộ Lâm Nghiệp(sau là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), của cục Kiểm lâm... mà còn không làm sao để có được một tấm ảnh về nó. Chỉ có thể WWF làm được. Mấy tấm ảnh này được chuyên gia ảnh hoang dã của WWF chụp được vào cuối mùa khô năm 1999. Giữa buổi đa phần Châu Á, Châu Phi, “Thế giới thứ III” tập trung lo cho “cái bao tử” và ám ảnh “tăng trưởng” thì họ vì bảo vệ sinh thái hoang dã trên địa cầu mà các xứ đó chế tạo ra thiết bị đặc chủng để ghi cho được hình muôn thú ở những xứ sở khác: “Máy bẫy ảnh đêm tự động”(Camera Trapping). Lúc đó, sự xuất hiện máy này là độc đáo, hiện tượng chế tạo. Máy được đặt trong rừng sâu, chỗ khe nước Dà Điêng R’la ở đồi cao nằm trên lối nó thường qua lại để đến khe Dà tu tắc ke có đầm lầy lớn Sere đeng plăng dưới thấp.  Cứ để đấy. Khi một vật thể di động cắt ngang ống kính quang học, hình sẽ được ghi lại, trong đêm. Con tê giác đã “phản ứng” lại chiếc máy kia sau vài lần chớp ghi hình, bởi sự chói sáng của thiết bị làm lóe mắt nó. Nên chỉ được hai tấm ảnh nguyên hình nó, còn lại phần đầu và thân không  ghi được đủ. Và nó có lẽ đã quay lại hất rơi chiếc máy xuống bụi cây đặt máy bẫy ảnh. Máy bẫy ảnh rơi xuống đất, nhưng may mà nó không giẫm đạp vào tiểu bộ phận ghi hình nên chúng ta có được những tấm ảnh được lưu lại cho đến ngày hôm nay. Hình ghi được là ở vị trí rừng Dà Điêng R’la.  Ý nghĩa muôn thời duy nhất của kẻ làm truyền thông là phải “cầm” được hiện thực, “sự sống của hiện thực”, dấn thân sinh tử trong hiện thực, chính mắt thấy tai nghe tràn đầy sự sần sùi hoặc thơ mộng của sự thực chứ không có chuyện chuyên ngồi trong phòng bê tông mà “ăn theo”, “nhai lại” tám chuyện, “nói leo” để kiếm danh lợi từ sự thật mà những người khác chính trực nghiêm túc đổ trí sức đối diện thực địa lao động ra, nhưng tôi kém quá, nhục quá. Những mùa khô, mùa mưa lang thang rừng sâu vì Arơ Mí hoài mà không thể ghi được hình thì đành hèn.

 

       *Tác giả Nguyễn Hàng Tình và người bạn lớn đại ngàn tri âm Điểu K’Giang trên một ngọn đồi là nơi con tê giác thường “qua lại” ở Cát Tiên vào thời điểm sau khi nghe  tin nó bị người ta hạ sát (Ảnh: Điểu K’ Đố).                 

 

 

          Đến một tấm ảnh về nó, một loài động vật trên đất nước mình mà tôi còn không chụp được. Tôi phải xem nhờ qua ảnh của người đến từ những nước xa xôi. Mấy tấm ảnh mang tính ... “di sản”, dữ liệu duy nhất, huyền thoại, về một loài động vật, một phần của rừng núi, văn hóa thiên nhiên nơi đây.

 

                                                  *

 

           Thì ra  “Giao rừng” cho loài người sở hữu và dẫn đường cho việc cư xử với thiên nhiên là Tạo hóa/ Thượng đế thách thức sự thông minh, năng lực, đạo đức, và sự văn minh nếu có thật của loài người đó mà. Từ đó, một “núi” vấn đề đã diễn ra, một “rừng” mênh mông những thăng hoa và bi kịch.

         Không có sự “hy sinh” tuyệt đẹp nào bị lãng quên, giữa thiên nhiên vũ trụ này.

          Mộ phần của Điểu K’ Giang nằm cách bòn Khiêu của ông không xa. Tôi cũng tạt vào lạy hương hồn bạn già. Thầm khuyên: “Thôi, ở yên đấy hén, đừng lang thang trên rừng. Tâm lực có bền bỉ tốt và mạnh mẽ cỡ nào cũng chẳng cứu được loài nào đâu, giữa một thế gian hỗn độn!”. Bạn biết rồi, với Vó Brê, không chỉ con Arơ Mí phải cần đến nó để duy trì sự sống mà K’liu(cọp), K’păng(bò tót), Jun(nai), K’bai( trâu rừng), Brêu(báo), K’rỉ (gấu), rồi con Bya (cá sấu) kia,... cũng thế mà. Cõi sống. Chúng bị bao vây tất cả, bị lùng sục, và xé toạc tất cả. Nhưng với hương hồn của con Arơ Mí thì tôi phải nhìn lên trời để tưởng tượng cho ra một ảo ảnh. Cách khả dĩ duy nhất tôi thương nhớ nó là tự mình làm giỗ nó.

          Một loài trên mặt đất mất đi là một phần dương gian của chúng ta bị khiếm khuyết, tật nguyền, ám ảnh.

         Nhìn bằng chiều của vũ trụ, thì có mặt ở trần gian không loài động vật nào có bình yên, hạnh phúc thật sự cả, kể cả loài người. Bất cứ loài nào cũng có số phận, chằng chịt phụ thuộc, bất trắc, đầy “nghiệp”, cũng bọt bèo như nhau thôi, ở những biểu dạng khác./.

 

.....................................

*Ghi chú: _(*)Những chữ in nghiên là thổ ngữ của người bản địa S’ Tiêng (ở xã Phước Cát II thuộc huyện Cát Tiên, Lâm Đồng) gọi các nơi chốn, con vật, sự vật trong nền văn minh rừng núi của họ.

    _(**): Tạm hiểu gọn: Bỗng một ngày biết ơn kẻ gây cho mình đau khổ, bi kịch.

 

Nguyễn Hàng Tình
Số lần đọc: 992
Ngày đăng: 29.04.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cách sống khôn khéo của con người giữa thần và ma - Phạm Nga
Chuyện ngôi mộ của niềm hóa giải - Nguyễn Hoàn
Du xuân Yên Tử ký - Phan Anh
Ước nguyện hòa bình - Minh Tứ
Đẹp Tuyệt Đỉnh Là Phải… Cô Liêu - Nguyễn Hàng Tình
Về quê ăn tết với cái bụng đói - Phạm Nga
Ghi chép qua một chuyến đi: “Ăn” Dao, “chơi” Mường - Phan Anh
Hành trình “con chữ” Nguyễn Tiến Nên - Hoàng Xuân
Tôi đi buôn và nhọc nhằn mưu sinh (Phần 2: tiếp theo và hết) - Hoàng Thị Bích Hà
Tôi đi buôn (Phần 1) - Hoàng Thị Bích Hà
Cùng một tác giả