Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.198
123.208.387
 
Cư dân xóm ao bèo
Ngọc Thảo

 

1. Mấy ngày nay, cư dân xóm Ao Bèo phải sống trong tâm trạng bất ổn, ăn không ngon, ngủ không yên. Đây là điều từ trước đến nay chưa hề xảy ra. Kể từ khi cụ Ba Ba đáng kính về đây sinh sống cũng đã hàng trăm năm, cư dân xóm Ao Bèo luôn bình an, tận hưởng không khí trong lành. Mỗi dịp cuối xuân, đầu mùa hạ, khi lác đác có những trận mưa rào, cũng là lúc Ao Bèo chuẩn bị bước vào mùa lễ hội vô cùng sôi động và nhộn nhịp. Ấy vậy mà năm nay có thể mùa lễ hội không được diễn ra. Không khí như đặc quánh. Ở nhà cụ Ba Ba, người ta thấy cụ rất tiều tụy, chắp tay sau đít đi ra đi vào, đôi chân mày cau lại. Xung quanh cụ nào là Cô cá tràu dắt theo đàn rồng rồng con mới nở được mấy ngày, anh Rô đồng lực lưỡng như lực sĩ có bộ vảy xù xì, chị cá Trắm hây hẩy đang ở tuổi mới lớn, các cháu đòng đong cân cấn xinh xắn bơi qua bơi lại, bác Cua kềnh già nua khua khua đôi càng sắc nhọn. Phía trên mặt ao, chú Ếch cốm ngồi trên tàu lá sen ngửa mặt nhìn trời, em Chuồn chuồn ớt mắt tròn xoe, diện bộ quần áo cùng màu với cái đuôi đỏ chót đậu trên đám lục bình (còn gọi là bèo tây) hoa tím ngát…Tất cả đều cũng tỏ ra lo lắng không kém.

- Nếu cứ thế này thì chúng ta không thể sống được?. Cụ Ba Ba lên tiếng.

- Đúng thế cụ ạ. Anh Rô đồng vừa nói như trả lời vừa ngoi lên mặt nước đớp không khí.  

- Hu hu, em thương đàn con em quá! Cô cá Tràu thốt lên, nước mắt giàn giụa.

- Cháu cũng thấy ngột ngạt quá cụ ơi. Chú Ếch cốm ngồi trên tàu lá sen nói vọng xuống.

- Hay để tôi lên hỏi ông trời một lần nữa xem sao?. Bác Cua kềnh cất giọng ồ ồ, phá vỡ sự lo lắng của mọi người.

 - Bác có biết đường lên trời không, ngày xưa cụ tổ nhà bác được cụ Cóc mời đi kiện trời. Nay bác định đi cùng ai?. Chị cá Trắm mau mắn hỏi.

- Ờ, ờ, để tôi tính. Bác Cua kềnh đáp lời.

Chẳng là, ngày xưa xưa lắm rồi, có lẽ cũng đến cả ngàn năm chứ không ít, Cóc cùng với Cua, Cáo, Gấu, Cọp và Ong đi kiện ông trời vì không chịu làm mưa cho hạ giới. Theo nhiệm vụ được phân công, Cua chui vào vại nước trước cửa Thiên Đình. Khi Thiên Lôi bị Ong đốt chui vào vại nước thì bị Cua cặp chặt lấy cổ phải vùng vẫy mãi mới thoát ra được… Sau đấy, Ngọc Hoàng gọi Cóc là cậu, sai thần mưa, thần gió xuống hạ giới làm mưa và hứa khi nào hạ giới có hạn hán thì cậu cóc chỉ cần nghiến răng là có mưa ngay. Từ đó đến nay, họ nhà Cua đi đến đâu cũng được ngưỡng mộ. Không phải ai cũng có được vinh dự này. Thế nên, trong lúc chưa biết phải làm thế nào, nghe bác Cua kềnh nói vậy, cụ Ba Ba nói như cầu cứu:

- Thôi thì trăm sự nhờ cả vào bác Cua kềnh.

2.  Trong khi chờ bác Cua kềnh tìm cách đi hỏi ông trời thì cư dân xóm Ao Bèo vẫn cứ phải sống. Hôm qua, do phải ngoi lên mặt nước để hít không khí nên mấy cháu đòng đong cân cấn bị chim Bói cá bắt đi mất. Rồi mấy cháu rồng rồng con của chị cá Tràu cũng vì nổi lên đớp không khí mà bị lạc mẹ, tìm cả buổi vẫn chưa thấy. Mấy khóm lục bình xanh tươi là thế, nay rũ xuống, có cây bị héo khô. Vài khóm sen cũng tàn tạ, khẳng khiu, lá quăn tít…Trước đây đâu có thế, xóm Ao Bèo nước trong leo lẻo, có chỗ nhìn thấy tận đáy. Vào mùa xuân, mùa hè, mùa thu trăm hoa đua nở, nào là những bông sen hồng có, trắng có tỏa hương thơm ngát cả một vùng; nào là những bông lục bình tím cả góc ao; rồi những bông súng xanh, vàng, đỏ…rực cả xóm. Non nước thanh bình nên xóm Ao Bèo nhanh chóng trở thành nơi trú ngụ của nhiều cư dân đến từ khắp nơi trên cánh đồng làng.

Nói về cư dân xóm Ao Bèo, ngoài cụ Ba Ba đáng kính, là người được suy tôn làm trưởng xóm từ vài chục năm nay, thì phải kể đến Chuồn chuồn ớt. Vì không phải sống ở dưới nước, được hít thở không khí trời nên Chuồn chuồn ớt không cảm thấy ngột ngạt như các cư dân khác. Hơn nữa, hàng ngày Chuồn chuồn ớt tự do rong chơi, bay đi bay lại và có thể bay đến nhiều nơi để vừa thay đổi không khí, vừa mở mang tầm mắt, ngắm phong cảnh hữu tình. Cả xóm coi Chuồn chuồn ớt là một cư dân đặc biệt, bởi không chỉ ở chỗ bộ quần áo và cái đuôi đỏ chót nhìn từ xa trông như đốm lửa ai đó vừa thắp lên trên đám lục bình, mà Chuồn chuồn ớt còn là chuyên gia dự báo thời tiết cho cả xóm. Mỗi ngày, cư dân xóm Ao Bèo chỉ cần nhìn Chuồn chuồn ớt bay qua bay lại là biết ngay được hôm đó nắng hay mưa để sắp xếp công việc, điều chỉnh sinh hoạt sao cho phù hợp. Điều đó đã được ghi nhận như là một phần của cuộc sống xóm Ao Bèo:

Chuồn chuồn bay thấp thì mưa

Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm

Có ai nói, bay được như Chuồn chuồn ớt thì chọn chỗ nào sinh sống mà chẳng được. Thế nhưng, Chuồn chuồn ớt lại chọn xóm Ao Bèo là nơi trú ngụ, một phần vì nơi đây đã quá thân quen, từ mặt nước êm đềm với những sen, những súng, lục bình, đến các cư dân như cụ Ba Ba đáng kính, chú Ếch cốm dễ thương, anh Rô đồng lực sĩ…, một phần nữa có lẽ ít người biết, xóm Ao Bèo chính là nơi Chuồn chuồn ớt sinh ra và trưởng thành. Năm đó, mẹ Chuồn chuồn ớt bụng mang dạ chửa bay qua nhiều nơi, cuối cùng đã chọn xóm Ao Bèo làm nơi để đẻ trứng. Mẹ chuồn bay là là mặt nước, nhúng cái đuôi xuống nước để đẻ ra những quả trứng nhỏ li ti. Sau một thời gian, những quả trứng này nở ra ấu trùng, ấu trùng phát triển ( nhiều khi đến vài năm) cho đến thời điểm thích hợp thì bò lên cây như lục bình, sen…và bắt đầu lột xác để trở thành chuồn chuồn, trong số đó có Chuồn chuồn ớt. Bởi vậy nên, dù không bơi lội, sinh sống dưới nước nhưng Chuồn chuồn ớt luôn tự hào khoe với chúng bạn:

- Xóm Ao Bèo là quê hương của tớ đấy.

Có lẽ cũng phải kể thêm một chút về họ nhà chuồn. Nếu như Chuồn chuồn ớt có bộ quần áo đỏ chót thì Chuồn chuồn ngô (có nơi gọi Chuồn chuồn chúa) có đôi mắt to ngay đỉnh đầu, lực lưỡng nhất trong họ nhà chuồn; Chuồn chuồn kim có thân hình nhỏ nhắn như một cái kim; còn Chuồn chuồn cánh tiên thì lúc nào cũng khoác trên mình bộ xiêm y vô cùng lộng lẫy…Với thức ăn là muỗi và bọ gậy cũng như rất nhiều loài côn trùng có hại khác cho cây trồng, Chuồn chuồn rất hữu ích chứ không phải là loài gây hại. Đặc biệt, lâu nay con người, nhất là lứa tuổi gọi là trẻ em vẫn thường rủ nhau chơi trò dùng sợi chỉ để câu chuồn chuồn, cũng có nơi dùng nhựa cây mít để bắt…và truyền tai nhau câu “danh ngôn” nổi tiếng “Chuồn chuồn cắn rốn, bốn ngày biết bơi”, với niềm tin rằng nếu ai đó bắt buồn chuồn cho cắn rốn thì sẽ biết bơi...

3. Xóm Ao Bèo bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nguyên nhân từ đâu thì cụ Ba Ba đang đọc sách nghiên cứu và sai anh Rô đồng đi tìm hiểu, nhưng ai cũng thấy mặt nước xóm Ao Bèo bỗng nhiên nổi nhiều váng xanh, che khuất ánh sáng mặt trời, làm cho cả một vùng bị tối sầm lại, ô xy lọt xuống rất ít. Cư dân cả xóm bị ngộp thở, cứ phải ngoi lên để đớp không khí. Tội cho cụ Ba Ba đã già, đi lại chậm chạp, mắt mũi kèm nhèm mà lâu lâu cũng phải nổi lên để thở. Các cháu đòng đong cân cấn mỗi lần ngoi lên lại phải canh chừng chim Bói cá. Chú Ếch cốm ngồi mãi trên tàu lá sen cũng chán, nhảy xuống nước một lúc thấy ngột ngạt quá đã vội trèo lên. Thời buổi khó khăn, nhìn đàn con rồng rồng đang tuổi ăn tuổi lớn mà bữa đói bữa no, chị cá Tràu liều mình nhảy lên bờ nằm im giả chết để đàn kiến bu đến bám khắp người, chịu nhiều đau đớn; sau đó nhảy xuống nước để đàn con nhao lên đớp kiến cho qua cơn đói…

Trước tình hình đó, vào một đêm trăng thanh gió mát, lẽ ra các cư dân thong thả rong chơi, ngắm trăng đớp bèo thì cụ Ba Ba chủ trì một cuộc họp xóm khẩn cấp.

- Qua nghiên cứu, tìm hiểu cho thấy váng xanh nổi lên trên xóm ta là do một thứ mà con người gọi là tảo lam, nguyên nhân là do chúng ta ăn ở mất vệ sinh, xả rác bừa bãi. Cụ Ba Ba vung tay nói.

Các cư dân dự họp nghe vậy đều im lặng nhìn nhau. Họ biết lỗi thuộc về mình và rất ân hận. Thì ra môi trường trong xóm bị ô nhiễm là do chính họ gây ra. Trong lúc tất cả chưa biết làm gì thì cụ Ba Ba tuyên bố:

- Ngày mai cả xóm tiến hành tổng vệ sinh, từ nay mọi gia đình đều phải giữ gìn vệ sinh, không được xả rác bừa bãi.

 Xóm Ao Bèo sau đó dần dần hết ô nhiễm, cuộc sống trở lại bình thường. Cụ Ba Ba đáng kính tiếp tục cái thú vui hàng ngày là đọc sách đông tây kim cổ, đợi khi nào có mưa rào thì tổ chức lễ hội xóm Ao Bèo. Chú Ếch cốm lại ngồi trên tàu lá sen ngẩng mặt nhìn trời, ngâm thơ. Hàng ngày, Chuồn chuồn ớt lấy mặt nước Ao Bèo trong veo làm chiếc gương soi để trang điểm cho bộ cánh thêm phần lộng lẫy… 

4. Niềm vui như được nhân đôi, bác Cua kềnh từ bữa đi lên hỏi ông trời cũng đã vừa trở về. 

 

 

 

 

 

 

   

 

Ngọc Thảo
Số lần đọc: 410
Ngày đăng: 01.05.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sớm mai - Trần Yên Hòa
Chú Nghĩa cưới vợ - Hoàng Thị Bích Hà
Con nhỏ khờ dễ sợ - Tiểu Lục Thần Phong
Đời là thoáng chốc - Hoàng Thị Bích Hà
Bài học của rùa con - Ngọc Thảo
Cuông Trại (*) - Nguyễn Thỵ
Mua bán lạc son - Trần Yên Hòa
Bôi trơn - Trần Yên Hòa
Chuyện tình thời xa vắng - Hoàng Thị Bích Hà
Dáng mỏng - Trần Yên Hòa
Cùng một tác giả
Trăng (thơ)
Ghen (thơ)
Biển (thơ)
Kêu (thơ)
Thu về (thơ)
Nhớ (thơ)
Nhà em (thơ)
Chuyện ngày xưa cũ (truyện ngắn)
Vụ án đêm ba mươi (truyện ngắn)
Bà tôi (truyện ngắn)
Trở về quá khứ (truyện ngắn)
Bài học của rùa con (truyện ngắn)
Cư dân xóm ao bèo (truyện ngắn)
Chuyện của gà con (truyện ngắn)