Đầu tháng sáu năm 2005 đông đảo người gốc Việt tại thành phố Toronto, Canada rộn rã mừng vui đón bè bạn, người thân khắp nơi đến tham dự đại nhạc hội tầm cỡ hạng nhất thế giới của một tổ chức người Việt hải ngoại nhằm duy trì và tôn vinh văn hoá Việt.
Canada đang trong mùa hạ. Toronto cực kỳ rộn ràng với gần 40 lễ hội, nằm giữa những ngọn đồi nhỏ thoải dần xuống bờ tây hồ Ontario nỗi tiếng, thành phố to đẹp, giàu có bởi kinh doanh phát đạt, văn hoá đa dạng. CN Tower cao đến 553m, thác Niagara lừng danh, … là niềm mong muốn tham quan của nhiều người.
Toronto được chọn tổ chức vì người gốc Việt đang sống ở đây gần đến 50 ngàn trong khoảng 250 ngàn người Việt định cư tại Canada. Cuộc sống đa số đều ổn định lại không lo về an sinh xã hội và lòng hoài hương nên họ tích cực tham gia, hưởng ứng các sự kiện liên quan đến Tổ quốc thiêng liêng xa lắc nhưng luôn đau đáu nỗi ưu hoài.
Studio 40 trong khu phức hợp CBC Toronto to lớn với thiết bị âm thanh ánh sáng hiện đại, tân kỳ hạng nhất thế giới được chọn làm nơi thực hiện sự kiện hoành tráng này.
Nguyễn – MC nỗi tiếng thế giới nhờ kiến thức quảng bác với chất giọng trầm ấm, khả năng ứng biến pha chút hài và trí nhớ siêu việt mọi vấn đề của anh đã lôi cuốn hàng triệu người hâm mộ. Cả tuần nay từ 17g anh thường ngồi với khách: những tác giả, diễn viên, bè bạn, người hâm mộ từ tứ phương dành nhau mời mọc ân cần nhưng anh vẫn dành khá nhiều thời gian để gặp vợ chồng Chu nhạc sĩ và nhóm bè bạn, người thân của ông nhằm đào sâu tư liệu chính xác để giới thiệu về cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa ấy.
Họ thường ngồi ở nhà hàng Asean Legend của người Hoa với các món ăn tương đối hợp khẩu vị lại không ồn ào. Nguyễn chỉ uống rượu Ice Wine – một đặc sản của Canada nhưng Chu, Xi Li lại quen dùng loại mạnh: “Whisky Canada thật tuyệt nhưng thua ‘huýt-ki Bà Quẹo’ ở nhà anh Chu ha.” Xi Li đá xéo Chu rồi cười.
Nguyễn rất trân trọng Chu, anh nể cách sống nghệ sĩ rất hào phóng của Chu với bè bạn những năm 1970 ấy và những mối tình với những giai nhân như những giai thoại của đời ông. Cả nhóm ngồi lắng nghe ông – một người dù đã 82 bay từ Việt Nam qua vẫn hứng khởi kể chuyện với giọng Huế nhẹ thanh đài đệ một cách say mê và khiêm nhã.
Chuyện tình thứ nhất của ông cũng là nguyên nhân làm ông đau đớn mà viết nhạc phẩm Lệ bất tử là năm 1940 khi ông mới 17 đã là một ca sĩ si mê Trần tiểu thư lá nghọc cành vàng, con một vị quan to ở Huế, nàng ngồi trên lầu son gác tía thêu thùa còn chàng tự tin mình đẹp trai lại có tài biết đàn hát rất hiếm hoi thời ấy mà đứng dưới lầu nỉ non đàn hát. Nàng nhìn xuống sổ sàng cứng giọng: ‘Xướng ca vô loại’ rồi nhổ một bãi nước bọt, ô hô lại trúng ngay người chàng. Chết lặng, chàng nhục nhã bỏ xứ ra đi vào Sài Gòn, tìm vui trong giới văn nghệ nhằm lãng quên một kỷ niệm quá sức đau buồn.
Trước 1945 hoà vào tinh thần ái quốc đang sôi sục ông vào đoàn ca kịch Huế, đoàn diễn nhiều vở kịch, bài hát yêu nước nên bị Pháp bắt tại Lào, định thủ tiêu những diễn viên chống đối trong đó có Chu, may mà ông biết tiếng Pháp nên gợi chuyện với chúng rồi hát những nhạc phẩm nỗi tiếng của Pháp cho chúng nghe. May thay, vợ người sĩ quan chỉ huy ấy lại chính là cô Trần ngày xưa, cô lên thăm chồng, cùng ra xem hát và nhận ra ông, cô đã nói với chồng mình để gã xiêu lòng mà cứu đoàn kịch.
Một chiều năm 1960 tại Sài Gòn, Chu đang ngồi uống với bè bạn thì thấy một người giống Trần đi qua trước quán nhưng sao dáng vẻ tiều tuỵ, nghèo khó lắm. Ngờ ngợ Chu đi theo gọi nhỏ tên nàng nhiều lần, có lẽ do phân vân lắm nên nàng làm ngơ, khi đã chắc là nàng Chu vượt lên đón lại, đôi bên sửng sờ nhìn nhau rồi nàng ôm chầm lấy Chu nức nở, hai bên tâm sự bồi hồi, nàng nói về bãi nước bọt năm nào, biết Chu nỗi tiếng và thường nghe Chu hát trên đài phát thanh, gia đình nàng tan nát sau năm 1945, chồng nàng đã bỏ nàng về Pháp năm 1958, nay tự làm ăn nhưng vì là tiểu thư quá lơ ngơ nên rất khó khăn và không dám gặp Chu. Chở nàng về nhưng nàng không cho Chu biết nhà, lí nhí nói chỉ còn 5 đồng cho bữa tối, Chu cám cảnh, vét túi được 300 đồng đưa cả cho nàng, nhìn Chu đầy bi thương nuốt lệ quay mình bước vội.
Nguyễn buồn buồn dò hỏi: “Sau thế nào anh?”
Chu rươm rướm: “Tôi đã đi lại dò tìm vài lần nhưng không ai biết nàng. Về nhà cảm xúc mà viết ca khúc Lệ đầy đau thương. Nghe là nàng sống buông thả, tìm quên trong ma tuý và mất sau đó mấy năm. Tội.”
Cả bàn cùng thở ra, trầm ngâm nâng ly như trong vô thức.
Một tiểu thư sống trong nhung lụa xa rời cuộc sống xã hội, coi khinh tầng lớp dưới, vô công rỗi nghề khi hoàn cảnh đổi thay sẽ bế tắt, khốn khổ, cùng quẫn dẫn đến kết cục bi thương. Đáng thương.
*
Năm 1949 Chu gặp ca sĩ Mi Li, một giai nhân nỗi danh tài sắc hạng nhất làng ca nhạc Việt. Nửa năm sau họ thành chồng vợ và thành cặp song ca được đông đảo người hâm mộ.
Mi Li sở hữu giọng hát lúc cao vút lúc mượt mà của chim hoạ mi độc đáo, lại đẹp như tranh vẽ nên các chương trình ca nhạc cả nước đều săn đón, lắm người si mê, tán tỉnh dù là hoa đã có chủ. Chu bèn đem nàng về Huế vợ chồng cùng hát cho đài phát thanh với mức lương khủng khi đó là 3.800 đồng.
Giai nhân thì ở đâu cũng vậy, những ông hoàng, đại gia mê đắm gạ gẫm, quà pháp, cung phụng khiến nàng kiêu ngạo, ảo tưởng mà ô hô: họ đã có gia đình. Chu ghen là phải, rồi không chịu nỗi phải dẫn vợ vào Sài Gòn. Rồi Đoàn nhạc sĩ nỗi tiếng đẹp trai, giàu có, hào hoa phong nhã xứ Đông chỉ một lần xem nàng hát ở Hà Nội đã mê say, mỗi sáng tặng cho nàng một bó hồng tươi thắm suốt cả ba tháng rồi lại sáng tác những ca khúc vang danh của dòng nhạc slow sang trọng tặng nàng khiến tim người đàn bà lãng mạn thổn thức.
Chu không vì yêu quý vợ mà ngơ ngác như Đường Minh Hoàng si dại Dương Quý Phi. Ông buồn, chìm đắm trong men rượu tìm quên nhưng khi gặp vợ lại chì chiết, ghen tuông thái quá. Thế là cuộc tình đẹp ấy tan vỡ.
Sau những mối tình trăng gió cũng bay theo gió trăng, giai nhân lấy phải một người bạn đào mỏ, họ có một người con gái không bình thường, lại ly dị rồi kết hôn với một sĩ quan, chẳng may thời cuộc biến đổi, ông này mất. Nay giai nhân vang bóng một thời sống lẻ loi với người con tâm thần trong khổ cực, nghèo túng trong ngôi nhà nhò cũ nát.
Cả bàn lại thở ra, lại nâng chén, lại than thầm: Tội.
Một giai nhân tài sắc hiếm có, vì đẹp quá, hát hay quá khiến tâm trí lạc lối đưa đến cuộc sống đầy bất hạnh. Thương thay.
*
Buổi hội ngộ thật vui, ai cũng ngà ngà, Chi Li bỗng bật cười sảng khoái nâng ly rượu nhìn Ka phu nhân: “Kính chị một ly. Ngẫm lại không ai bằng chị.”
Cả nhóm cùng hớn hở nâng ly, Nguyễn phụ hoạ: “Xin vinh danh chị. Một tiểu thư có cách sống thức thời, dám sống, chịu thương chịu khó đã góp phần vào nền văn nghệ nước nhà.”
Bà khiêm nhã: “Các chú quá lời rồi, tôi không nhận đâu.”
Cả bọn cùng hô: “Good! Good! Dzô.” Mọi tấm lòng đầy hoan hỉ.
Chi Li lại đế: “Ông anh tui là quá đáng lắm, chị không biết hết đâu, hà … hà …”
Chu đỏ mặt, bà tỉnh bơ: “Làm vợ văn nghệ sĩ nếu không hiểu để bao dung, hiền thục, tri âm thì làm sao họ dám đủ cảm xúc để sáng tác những tác phẩm để đời hả chú?” Bà nhìn ông đầy âu yếm rồi nhẹ nhàng khoe: “Nay gia đình tôi sống thoải mái là nhờ tiền tác quyền từ những nhạc phẩm luôn được nhiều người ưa thích ấy đó mấy chú.”
Bà Ka – hiền thê của Chu nhạc sĩ cũng là một tiểu thư xinh đẹp của một danh gia xứ sở hoa lệ Nam kỳ. Năm 1955 cô nữ sinh trường Gia Long mới 16 tuổi dám vì tình yêu mà bỏ nhà theo Chu đã 32 mùa lãng tử. Ca khúc Con đường xưa nỗi tiếng là ông viết để tặng cô. Cô chấp nhận cảnh nghèo mà bươn chải, lặng lẽ nuôi ông chồng nhạc sĩ tài hoa, phong lưu, đào hoa nhất xứ. Cô biết phải là hiền thê thì chồng không phụ, rộng lượng thì chồng mang ơn, tri âm thì chồng gắn bó; mấy cô nghệ sĩ vốn lãng mạn ngộ nhận cuộc đời sẽ gặp nhiều hậu quả, họ chỉ là những niềm vui một thời mà thôi.
À, đàn ông muôn đời vẫn bay nhảy như là một bản năng, đàn bà biết phận nội tướng, làm ngơ và biết cách giữ chồng thì cả đời êm ấm. Bà Ka là người như thế.
*
Nguyễn nhà văn than thầm: 3 giai nhân, 3 nhân sinh quan, hạnh phúc hay bất hạnh cũng từ đó mà ra. Hây!
Mùa hè Toronto trăm năm vẫn thế, đất trời thật đẹp nhưng con người vẫn vui buồn với chính cuộc đời mình do mình gây nên.
8/3/2024