Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.220.147
 
Tiếp nhận thêm ánh sáng từ ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu
Võ Phúc Châu

 

Tóm tắt

Bài viết này xin góp thêm vài phát hiện nhỏ về vẻ đẹp nhân cách và đóng góp to lớn của Nguyễn Đình Chiểu trong lịch sử và trong văn học. Đó là vẻ đẹp tỏa sáng của một nhân cách vừa cương vừa nhu trong giao tiếp, ứng xử. Đó là vai trò khởi nguồn, kết nối và chuyển giao của một nhà nho, nhà thơ yêu nước. Đó là ý thức bảo vệ các giá trị xưa cũ và chủ động cách tân trong sáng tạo nghệ thuật của một nhà thơ tiến bộ. Từ khóa: cách tân, cương nhu, kết nối, khởi nguồn, Nguyễn Đình Chiểu

 

Abstract: This article is to contribute some small findings about the beauty of personality and Nguyen Dinh Chieu’s great contribution in history and in literature. That is the shining beauty of a personality which is both hard and soft in communication and behavior. That is the role of origination, connection and transfer of a patriotic poet as well as a Confucian scholar. That is a progressive poet's sense of protection of old values and proactive innovation in artistic creation.

Keywords: innovation, hard and soft, connection, origination, Nguyen Dinh Chieu.

 

Dẫn nhập

Nguyễn Đình Chiểu là một số phận đặc biệt, in dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Việt Nam và văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX. Ông cũng là một tên tuổi đặc biệt, được sự quan tâm đặc biệt của người đương thời và hậu thế.

Từ khi cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận định: “Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc”, dường như “vì sao có ánh sáng khác thường” này càng được nhìn kỹ hơn, càng tỏa sáng thêm, thông qua các công trình nghiên cứu, biên khảo; các Hội thảo khoa học ở địa phương và cấp quốc gia.

Với muôn triệu người Việt Nam, Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ lớn yêu nước, một tấm gương kiên trung bất khuất, một biểu tượng văn hóa dân tộc, một hình mẫu cho nhân cách Việt Nam trong thời kỳ khổ nhục nhưng vĩ đại....

Đọc công trình nghiên cứu của các học giả, tôi hiểu biết thêm rất nhiều. Nhưng cũng còn bao điều tôi chưa biết về Đồ Chiểu. Tôi tự hỏi: Về tính cách, Đồ Chiểu là mẫu người cương hay nhu? Ông giữ vai trò gì trong lịch sử kháng Pháp và trong văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX? Ông có sức ảnh hưởng gì về tư tưởng và ý thức sáng tạo nghệ thuật đối với con người, thời đại bấy giờ và cả hôm nay?

Bài viết này xin được góp phần trả lời những câu hỏi trên, hy vọng được tiếp nhận thêm ánh sáng từ ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu.

Nội dung

  1. Nguyễn Đình Chiểu Cương và Nhu
    1. Cương

 

Nghĩ về tính cách cứng cỏi của người Nam Bộ trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, ta thường nghĩ đến nhân vật Lục Vân Tiên trong truyện thơ cùng tên. Thêm nữa là Hớn Minh, Tử Trực... Tính cách ấy kết tụ vào chữ Cương. Cương được hiểu là sự cứng cỏi, cương quyết, dứt khoát, quyết liệt trong ứng xử. Trần Văn Giàu từng phát hiện: “Các nhân vật tích cực trong “Lục Vân Tiên” đều có chung tính cách “đã tròn thì ra tròn, đã vuông thì ra vuông, dứt khoát rõ ràng như rựa chém đất, không lắt léo khó hiểu…” (Theo Đoàn Lê Giang, 2001, tr.52).

Soi lại tác phẩm của Đồ Chiểu, quả đúng là như vậy.

Trong “Lục Vân Tiên”, đó là chàng Vân Tiên bẻ cây làm gậy, đánh cướp Phong Lai. Đó là chàng Hớn Minh giữa đường trừng trị tên vô đạo:

“Đi vừa tới huyện Loan-minh,

Gặp con quan huyện Đặng Sinh là chàng. Giàu sang ỷ thế nghinh ngang,

Gặp con gái tốt cưỡng gian không nghì Tôi bèn nổi giận một khi,

Vật chàng xuống đó bẻ đi một giò.”

Trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, với tính cách quyết liệt, người nông dân Nam Bộ không ngăn được lửa căm thù lũ giặc Tây dương:

“Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ”.

Lửa căm thù ấy, khẩu khí ấy của Đồ Chiểu có khác gì tiếng nói chất ngất căm thù trong Hịch tướng sĩ khi xưa của Trần Hưng Đạo: "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt, lột da, nuốt gan uống máu quân thù".

Và rồi, bằng cả trí tuệ và bản lĩnh, Đồ Chiểu đã xuyên qua “hai vầng nhật nguyệt chói lòa” để vạch trần, lôi ra cả một “lũ treo dê bán chó”.

Tinh thần quyết liệt này, thái độ cứng cỏi này của Đồ Chiểu có khác gì hành động châm lửa đốt đền của chàng Ngô Tử Văn trong thiên truyện ngày xưa của Nguyễn Dữ.

Sự cứng cỏi, quyết liệt của Đồ Chiểu còn được thể hiện qua truyện thơ Dương Từ

- Hà Mậu. Đề cao đạo Nho, tác giả quyết liệt bài bác đạo Thiên Chúa và đạo Phật. Thực chất, tác phẩm đâu nhằm phủ định, đập bỏ hệ thống giáo lý của Công giáo và Phật giáo. Nhà thơ công phá đạo Chúa, có lẽ vì đó là tôn giáo do chính kẻ thù mang tới. Lại thêm thực tế bấy giờ, nhiều nhà dạy đạo của Thiên chúa cũng là nơi trú ngụ, đi về của bọn Tây dương và lũ Việt gian bán nước. Bởi vậy, nghĩa sĩ Cần Giuộc từng lấy “rơm con cúi mà đốt xong nhà dạy đạo kia”. Còn với Phật giáo? Có lẽ, trước tình cảnh dầu sôi lửa bỏng của đất nước, nhà thơ cần lắm sự ra tay của “những trang dẹp loạn”. Thế mà Phật giáo lại khuyến khích con người xuất gia, xuất thế; coi trọng từ bi, bác ái; lý giải mọi việc đời bằng luật “nhân - quả”. Nhà thơ không chịu nổi tư tưởng lánh đời, hỉ xả trước tội ác quân thù.

 

Điểm qua vài trường hợp trên, chúng ta ghi nhận trước hết chữ Cương – đó là tính cách, là tinh thần đấu tranh quyết liệt của Nguyễn Đình Chiểu đối với cái xấu, cái ác, với kẻ thù cướp nước và bán nước; với cả những kẻ thờ ơ, trốn tránh trách nhiệm trước tình cảnh nguy nan của đất nước và nhân dân.

1.2.Nhu

Ở đây, chữ Nhu không phải là sự nhu nhược, mềm yếu. Nhu được hiểu là tính cách mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt như nước.

Trong giao tiếp, ứng xử, cái nhu của Nguyễn Đình Chiểu thể hiện qua lời lẽ, cách nói ôn hòa, tinh tế, nhẹ nhàng; không làm đau lòng, tổn thương người mình quý trọng; không áp đặt tư tưởng mình cho người khác…

Xin điểm qua vài minh chứng về cái nhu của Đồ Chiểu.

Với tình huynh đệ. Khi ở Tân Thuận (hạt Gia Định), nghe tin em trai là Nguyễn Đình Tự sắp cưới một người thiếp, Đồ Chiểu không hài lòng. Nhưng cụ Đồ không dùng “quyền huynh thế phụ” để răn dạy, cản ngăn em. Ông chọn cách viết một lá thư đầy tình cảm:

“Thương tình bào đệ, Gởi bức tâm thơ.

Nghe em lâm toan việc tóc tơ, Nên anh mới nhả lời vàng ngọc.”

Lời khuyên nhủ trong thư nhẹ nhàng mà thấm thía:

“Sung-sướng chi, mà chồng một vợ hai, Giàu sang mấy, mà quần đôi áo cặp?”

(Theo Phan Văn Hùm, 1957, tr.73)

Với thân nhân người nghĩa sĩ. Tính cách ôn hòa, tinh tế, mềm mỏng của Đồ Chiểu được nhân dân lưu giữ trong truyền thuyết “Ông Đồ Phú Kiết”1. Chuyện kể, Ông Đồ Phú Kiết giấu kín vợ con lai lịch của mình và bí mật tham gia khởi nghĩa chống Pháp ở Đồng Nai. Trước khi từ biệt gia đình, Ông Đồ dặn vợ, khi nào muốn biết tin chồng thì xuống Ba Tri (Bến Tre) tìm cụ Đồ Chiểu để hỏi. Ít lâu sau, Bà Đồ mới sinh con đã nhờ người xuống Ba Tri thăm hỏi tin chồng. Lúc này, Cụ Đồ Chiểu đã biết tin dữ: Ông Đồ Phú Kiết vừa tử trận. Lo lắng cho tính mệnh người mẹ vừa vượt cạn, Cụ Đồ chỉ báo tin tốt để trấn an. Một năm sau, khi Bà Đồ trực tiếp xuống tận Ba Tri, Cụ Đồ ân cần tiếp đón. Cụ mời khách uống chén nước rồi mới tỏ bày: “Năm ngoái, chị có nhờ người đến hỏi, tôi ngại chị mới sinh con non ngày non tháng nên trả lời qua loa. Sự thật anh có về Quảng đâu. Ảnh vừa đến Bình Thuận thì trở vào góp sức chống Tây ở Hồ Tràm, Thị Vải. Anh ấy tử trận rồi chị ạ. Tôi có bảo học trò ghi rõ ngày tháng để chờ đưa cho chị đây! Chị nhớ kỹ ngày tháng để hàng năm cúng cơm cho ảnh. Chị ráng thay anh ấy bảo dưỡng các cháu để anh được vui lòng nơi chín suối!” (Huỳnh Ngọc Trảng, 1992)

 

Ẩn chứa trong lời nói nhẹ nhàng, ôn hòa ấy là biết bao yêu thương, ngưỡng vọng của Đồ Chiểu dành cho người cùng chí hướng đã hy sinh, cùng biết bao thương cảm, xót xa dành cho thân nhân người mộ nghĩa.

Với lãnh tụ nghĩa quân. Giai thoại từng ghi nhận cuộc trò chuyện giữa Đồ Chiểu và lãnh binh Trương Định. Xin đẫn lại giai thoại đầy ý nghĩa này.

“Mùa hè năm 1862, Trương Định có cuộc gặp gỡ với cụ Đồ Chiểu. Trương Định hỏi, giọng còn đượm vẻ ấm ức:

  • Thánh chỉ đòi tôi giải binh về đầu Pháp. Ông Đồ nghĩ thế nào?

Đồ Chiểu hừ một tiếng và không trả lời hẳn vào câu hỏi của Trương Định. Ông chỉ ra hàng dừa trước ngõ và hỏi lại:

  • Cái cây tươi tốt cần ở gốc hay ngọn hở ông?

Trương Định đã nhấc chén trà lên rồi lại đặt xuống:

  • Lẽ đời, xưa nay, cây cỏ tốt tươi là nhờ gốc. Gốc bền thì cây vững.
  • Phải lắm – Đồ Chiểu tiếp lời – Nhưng biết được cái gốc ở đâu mà theo mới là cặp mắt tinh tường…

Trương Định hiểu ngay, nói:

  • Ở đây, cái gốc ở ngay đây! Trong thôn xóm thường dân này. Một ngày lòng dân còn thì một ngày quốc thổ còn, vậy đó!

Nói rồi, Trương Định cười vang. Còn Đồ Chiểu thì hào hứng đọc cho nghe bài thơ mới.”

(Theo Nguyễn Phan Quang, 2001)

Có thể thấy, khi bàn quốc sự, Đồ Chiểu không bao giờ đem cái cương đầy quyết liệt, cứng cỏi của bản thân để áp đặt người nghe. Ông luôn ôn tồn, nhẹ nhàng gợi tình huống, giúp người đối diện thể hiện quan điểm của mình.

Với kẻ thù của nhân dân. Giai thoại từng kể về tài ứng đối khéo léo, linh hoạt của Đồ Chiểu với tên chủ tỉnh Bến Tre Michel Ponchon, với tên Việt gian Tôn Thọ Tường… Cái nhu của Đồ Chiểu trước kẻ thù không phải sự yếu hèn, nhu nhược. Nó là biểu hiện của một trí tuệ lớn, biết tùy cơ ứng biến; biết làm một con rồng ẩn vào mây, khi thời cơ chưa đến.

Như vậy, tính cách Nguyễn Đình Chiểu là cương hay nhu? Thiết nghĩ, câu trả lời đã rõ. Bên cạnh sự cứng cỏi, cương trực, Nguyễn Đình Chiểu chủ yếu dùng cái nhu để thuyết phục người thân; đối đãi người hiền; ứng đối với người gian kẻ ác... Trong gia đình, ngoài xã hội, với kẻ thù… ở đâu, lúc nào, Đồ Chiểu cũng lấy cái sức mạnh vô hình của nước để ứng phó với mọi hoàn cảnh. Tính cách ấy của Cụ, vì vậy, sống ở đâu dân cũng thương; đến đâu sĩ phu cũng quý; gặp đâu kẻ thù cũng sợ…

2.Nguyễn Đình Chiểu - Khởi nguồn, kết nối và chuyển giao

  1. Khởi nguồn

Mọi dòng chảy đều được khởi từ nguồn. Nam bộ nói riêng, cả nước nói chung, từ nửa sau thế kỷ XIX, có một dòng chảy cuồn cuộn tinh thần quyết tâm đánh giặc. Có

 

một dòng chảy thơ văn yêu nước đầy quật khởi giữa đau thương. Vậy ai là người dự phần khởi nguồn cho hai dòng chảy đó?

Năm 1963, giữa lúc cả nước sục sôi tinh thần đánh Mỹ, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dành lời văn trang trọng ca ngợi một vì sao: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước mà tác phẩm là những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống bọn xâm lược phương Tây ngay buổi đầu lúc chúng đặt chân lên đất nước chúng ta.” (Phạm Văn Đồng, 1963, tr.48)

Sau này, Đoàn Lê Giang dành những lời bình thống thiết về nhà thơ mù yêu nước: “Thực dân Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định. Tiếng đại bác vọng vào tai và nhói vào tim người nghệ sĩ mù bên sông Bến Nghé (...). Ông hiểu rằng một thời kỳ đau khổ và tủi nhục đối với nhân dân Nam Bộ và cả nước đã bắt đầu”. Và từ đó, bài thơ “Chạy giặc” trở thành “tác phẩm mở đầu cho dòng văn học yêu nước chống Pháp nửa cuối thế kỷ XIX, và tác giả của nó trở thành ngọn cờ đầu của trào lưu văn học này” (Đoàn Lê Giang, 2001, tr.18)

Trần Văn Giàu cũng phát hiện vai trò khởi nguồn của Nguyễn Đình Chiểu khi nhà thơ viết về người dân cày Việt Nam: “Thật suốt hàng ngàn năm sáng tác, cho đến đấy và còn lâu về sau nữa, chưa có một thi nhân nào rung cảm chân thành và sâu sắc với dân cày như thầy Nguyễn Đình Chiểu của chúng ta!” (Theo Đoàn Lê Giang, 2001, tr.49)

Điểm qua vài nhận định trên đây, ta đủ thấy Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng giữ vai trò khởi nguồn, là người khơi dòng chảy mãnh liệt cho tinh thần kháng Pháp và dòng thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX của đất nước ta.

2.2.Kết nối

Trong lịch sử và trong văn học, có những con người dường như được sinh ra để giữ vai trò kết nối. Nửa sau thế kỷ XIX, Nguyễn Đình Chiểu có lẽ được sinh ra để nhận lãnh vai trò thiêng liêng nầy.

Kết nối các phong trào kháng Pháp ở Nam bộ

Về phương diện lịch sử, từ khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu là nhân vật đã dự phần vào lịch sử dân tộc. Ông bí mật liên lạc, chủ động gặp gỡ các sĩ phu yêu nước như Trương Định, Thủ Khoa Huân, Ông Đồ Phú Kiết… Ông tích cực kết nối các ngọn cờ khởi nghĩa với nhau. Hà Huy Giáp nhận xét: “Ông được mọi người kính phục, Trương Định đã xem ông như vị quân sư, thường bàn với ông về mưu cơ, chiến lược.” (Hà Huy Giáp, 2022). Nguyễn Phan Quang còn lưu giữ một giai thoại hấp dẫn về cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Trương Định và Đồ Chiểu. Huỳnh Ngọc Trảng đã kể một truyền thuyết về mối tâm giao giữa Đồ Chiểu và Ông Đồ Phú Kiết. Qua tư liệu lịch sử và văn học dân gian, Nguyễn Đình Chiểu thật sự là một mắc xích quan trọng trong chuỗi dài các cuộc khởi nghĩa chống Pháp nửa sau thế kỷ XIX. Ông là người kết nối các phong trào kháng Pháp ở đất phương Nam.

Kết nối văn chương

 

Về phương diện văn học, qua sự nghiệp thơ văn, Nguyễn Đình Chiểu đã nhận lãnh vai trò kết nối văn học xưa và nay; văn học dân gian và văn học viết; kết nối văn học Nam bộ với văn học cả nước.

Lê Ngọc Trà ghi nhận công lao kế thừa và phát triển nền văn học dân tộc của Đồ Chiểu: “Nguyễn Đình Chiểu có công trong việc thúc đẩy sự vận động của văn chương dân tộc. Song đáng chú ý hơn là ở chỗ nhà thơ đã thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật dân tộc bằng chính việc tự thúc đẩy sự nghiệp sáng tác của mình.” (Theo Đoàn Lê Giang, 2001, tr.77).

Cụ thể, ông là người kết nối văn học dân gian với văn học viết. Lê Ngọc Trà xem sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu “là sự gặp gỡ giữa hai xu hướng của dòng văn chương dân gian đang vươn lên tiếp cận với văn chương chuyên nghiệp và của dòng văn chương chuyên nghiệp đang trở về gắn bó với dân gian, với đời sống.” (Theo Đoàn Lê Giang, 2001, tr.81)

Còn Nguyễn Lộc nhận định: “Với những sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, nhất là, với thơ văn yêu nước chống Pháp của ông thì, một mặt nhà thơ vẫn tiếp thu được những truyền thống của văn học Nam bộ, nhưng đồng thời ông đã trở thành một nhà thơ của toàn quốc, trở thành ngọn cờ đầu của thơ văn yêu nước chống Pháp.” (Theo Đoàn Lê Giang, 2001, tr.72).

Nguyễn Lộc còn phát hiện thêm: “Với sự xuất hiện của Nguyễn Đình Chiểu, không cỏn ranh giới giữa văn học Nam bộ với văn học “Đàng ngoài”, tính thống nhất của nền văn học dân tộc được mở rộng ra trong toàn quốc và phong phú, đa dạng hơn trước.” (Theo Đoàn Lê Giang, 2001, tr.72)

Và còn nữa, những lời khẳng định như vậy về vai trò kết nối của Nguyễn Đình Chiểu trong lĩnh vực văn chương.

2.3.Chuyển giao

Nguyễn Đình Chiểu quan niệm “Văn dĩ tải đạo”. Ông sáng tác văn chương là để truyền bá đạo lý cho dân mình. Những kinh nghiệm về cách nhìn người, về lẽ ghét thương, về y học… cũng qua thơ văn mà đến với từng thôn xóm, từng thường dân.

Điểm qua một số tài sản tinh thần mà cụ Đồ Chiểu đã chuyển giao cho hậu thế. Đó là hào khí dân tộc, là truyền thống kiên cường chống giặc ngoại xâm. Ca Văn

Thỉnh nhận định: “Lửa thiêng hào khí dân tộc tập trung vào ngòi bút của nhà thơ, đang sống trong hoàn cảnh đen tối của người mang tật đui mù. Ngòi bút ấy thay mũi gươm, là ngòi bút chiến đấu, sát tấm lòng nhân dân, ngòi bút mang đậm hào khí đất Đồng Nai, ngòi bút đâm thẳng bè lũ gian ác cướp nước và bán nước”. Ông cũng nói về sức mạnh giáo dục của văn thơ Đồ Chiểu: “Lửa thiêng chính khí của Nguyễn Đình Chiểu sáng lên đầu ngòi bút ông, ngòi bút đó không ngừng động viên, giáo dục truyền thống hào khí dân tộc, góp phần bồi dưỡng tâm hồn đông đảo nam nữ, nhất là thế hệ trẻ trong sự nghiệp anh hùng giữ nước và dựng nước ngày nay” (Theo Đoàn Lê Giang, 2001, tr.61, 63)

 

Đó là tâm huyết cả một đời người luôn nặng lòng với sinh mạng của nhân dân. Đọc Ngư Tiều y thuật vấn đáp, Đoàn Lê Giang nhấn mạnh: “Nguyễn Đình Chiểu viết tác phẩm cuối cùng: Ngư Tiều y thuật vấn đáp, để truyền lại những điều tâm huyết của đời mình – cuộc đời của một người thầy giáo, người thầy thuốc và người nghệ sĩ – tác phẩm viết ra để truyền lại kinh nghiệm chữa lành những nỗi đau về thân xác và về tâm hồn con người” (Đoàn Lê Giang, 2001, tr.24)

3.Thủ cựu và cách tân

Nguyễn Đình Chiểu thực ra vẫn còn là một ngôi sao xa đối với nhiều người chúng ta. Là người quyết liệt bảo vệ Nho giáo và những giá trị xưa cũ, liệu Ông có phải mẫu người khăng khăng thủ cựu? Là nho sĩ được đào tạo bài bản giáo lý Khổng Mạnh, là nhà thơ nắm vững mọi phép tắc, quy phạm của văn học trung đại, liệu Ông có thể cách tân được gì cho văn chương của thời đại mình?

3.1.Thủ cựu

Trước hết, ta tìm hiểu Nguyễn Đình Chiểu ở góc nhìn thủ cựu.

Thủ cựu được hiểu là giữ cái cũ một cách cố chấp. Theo đó, tư tưởng thủ cựu ở Nguyễn Đình Chiểu, chỉ xét qua Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, không phải là không có.

Trước Đồ Chiểu, Nguyễn Du từng vun đắp cho cuộc tình vượt vòng lễ giáo của Thúy Kiều - Kim Trọng. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương từng táo bạo “Mời trầu” – cũng là mời tình bao đấng mày râu... Ấy thế mà, sau hàng thế kỷ, Đồ Chiểu vẫn buộc chàng Lục Vân Tiên phải ý tứ, giữ gìn khoảng cách nam – nữ khi gặp nàng Kiều Nguyệt Nga xinh đẹp:

“Khoan khoan ngồi đó chớ ra

Nàng là phận gái, ta là phận trai” (Lục Vân Tiên)

Giữa thời buổi biến động, nhà vua sợ giặc, quan lại bạc nhược, ngai vàng bao phen chao đảo, thế mà Nguyễn Đình Chiểu vẫn một dạ trung quân, quyết giữ trọn đạo nghĩa quân - thần:

“Trước sau cho trọn chữ quân-thần.” “Quân-thần còn gánh nặng hai vai” “Giúp đời dốc trọn ơn nam-tử,

Ngay chúa nào lo tiếng nghịch-thần.”

(Điếu Trương Định)

Ngoài đời, tư tưởng thủ cựu của Nguyễn Đình Chiểu cũng hiện lên ít nhiều qua hành động. Giai thoại kể rằng, căm thù giặc Pháp xâm lược, Đồ Chiểu thà lội ruộng băng đồng, quyết không đặt chân trên con đường giặc Tây mới mở. Ông thà gội đầu bằng nước tro dân dã chứ không dùng xà bông của giặc xâm lăng…

Thủ cựu đến mức cực đoan chính là việc Đồ Chiểu quyết liệt phản đối thanh niên học chữ Quốc ngữ. Trước mắt, với Cụ, bấy giờ, ai học chữ Quốc ngữ là rắp tâm làm tay sai cho giặc. Phan Văn Hùm nhận xét: “Nguyễn Đình Chiểu câu nệ cho đến đỗi chữ quốc ngữ mà cũng cấm con cháu học. Hoài cựu chúa như tiên sinh khôn xiết nói

 

cho cùng. Một tấm cô trung tự nhiên ảnh hưởng xa đến con cháu” (Phan Văn Hùm, 1957, tr.27). Ông cũng không quên chỉ ra lối viết theo khuôn mẫu của Cụ Đồ. Trích dẫn một câu trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”: “Đau-đớn bấy! Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo-lét trong lều; não nùng thay! Vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ”, ông bình như sau: “Giọng văn bi đát là dường nào! Ý văn thành thật là dường nào! Thế mà văn ấy đã phải khép vào khuôn khổ biền ngẫu.” (Phan Văn Hùm, 1957, tr.23)

Thủ cựu, từ góc nhìn văn hóa, Cao Tự Thanh nhận định: “Nguyễn Đình Chiểu đã trở thành hiện tượng tiêu biểu cho phản ứng từ chối cực đoan của văn hóa Việt Nam trong khoảng thời gian nửa sau thế kỷ XIX.” (Theo Đoàn Lê Giang, 2001, tr.87).

Đọc những bài thơ thất ngôn của Đồ Chiểu về quan hệ cha con, vua tôi, vợ chồng, anh em, ta đều thấy khởi đầu là lời răn dạy của một ông già xưa:

“Cha phải cha, con phải đạo con” “Vua phải vua, tôi phải đạo tôi” “Vợ phải đạo vợ, chồng phải chồng” “Anh phải anh, em phải đạo em”

(Phan Văn Hùm, 1957, tr.31)

Nguyễn Đình Chiểu đề cao Khổng Tử, tuyệt đối hóa sức mạnh giáo huấn của đạo Nho. Đây cũng có thể xem là tư tưởng thủ cựu của nhà thơ:

“Cho hay muôn nước đều thờ,

Đạo ông Khổng Tử thiệt là giáo dân. Trong đời biết chữ nhân luân,

Biết đường trị loạn muôn phần nhờ ai?” (Dương Từ - Hà Mậu)

Thực ra, suy cho cùng, tư tưởng thủ cựu ở con người Nguyễn Đình Chiểu không đồng nghĩa với sự mê lầm, cực đoan, cố chấp. Ông thủ cựu chỉ để hết lòng bảo vệ những giá trị nào, mà theo ông, còn giúp nhân dân giữ được đạo làm người, không bị cuốn xô vào lối sống thực dụng, quên nguồn cội tổ tiên; quên đạo làm người khi đất nước bị giặc xâm lăng.

3.2.Cách tân

Các nhà tâm lý học cho rằng, người bảo thủ thích gắn bó với những cách thức cổ xưa để vận hành mọi thứ từ sự kết hợp giữa cảm tính với tư duy thực dụng. Người bảo thủ sẽ không bao giờ phá bỏ khuôn phép để thử sức với những cái mới trong cuộc sống.

Nếu theo cách hiểu trên thì Nguyễn Đình Chiểu quyết không phải người bảo thủ. Sự mẫn cảm thời cuộc và tầm nhìn trí tuệ đã kết tụ trong Ông những tư tưởng tiến bộ, vượt tầm thời đại. Trần Văn Giàu nhận xét: “Người thế hệ trước cũng như người thế hệ bây giờ, chúng ta đều mến phục Nguyễn Đình Chiểu trước hết bởi tư tưởng tiến bộ toát ra từ mỗi tác phẩm, từ cả cuộc đời của cụ” (Theo Đoàn Lê Giang, 2001, tr.54)

Bởi sát cánh cùng bao sĩ phu yêu nước đương thời, chứng kiến sự hy sinh cao đẹp của bao người nghĩa sĩ nông dân, Nguyễn Đình Chiểu đã nhận ra mối quan hệ

 

mới, vai trò lịch sử mới của những người yêu nước. Theo Hà Huy Giáp: “Nguyễn Đình Chiểu đã thấy được mối quan hệ giữa lãnh tụ nghĩa quân và quần chúng, tình thương của quân sĩ đối với lãnh tụ cũng như lòng ưu ái của lãnh tụ đối với một quân sĩ, đó là quan niệm rất mới về anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu, rất khác với các quan niệm phong kiến về trung quân, ái quốc.” (Hà Huy Giáp, 2022)

Tư tưởng tiến bộ chính là tiền đề giúp Nguyễn Đình Chiểu có nhiều cách tân đáng quý trong việc xây dựng hình tượng nhân vật; sử dụng ngôn ngữ; tiếp biến tư tưởng Nho, Phật, Đạo…

Tìm hiểu nhân vật Ông Quán trong truyện thơ Lục Vân Tiên, Đoàn Lê Giang có một phát hiện quan trọng. Theo Đoàn Lê Giang, “Nhà nho truyền thống thường coi khinh buôn bán (...) Thế mà nhà nho của Nguyễn Đình Chiểu, nho thì rất nho, đạo đức thì rất mực đạo đức, nhưng cũng biết đến cả kinh doanh. Nếu xu hướng ông Quán này được tiếp tục phát triển thì ông có khác gì các nhà nho duy tân đầu thế kỷ 20: Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Trọng Lội, Hồ Tá Bang... và xa hơn nữa là các nhà nho thành thị của Trung Quốc và Nhật Bản (Đoàn Lê Giang, 2001, tr.14)

Về hình tượng người nông dân, Trần Văn Giàu nhấn mạnh: “Ta chưa hề thấy ở đâu trong văn chương Việt Nam trước Nguyễn Đình Chiểu nói đến người dân, người dân nghèo với một lòng yêu mến, khâm phục như trong văn chương của Nguyễn Đình Chiểu, ta chưa hề thấy ai như Nguyễn Đình Chiểu xem dân xóm dân lân như là những người tiêu biểu nhất cho tinh thần yêu nước, cho ý chí quật cường của đất nước trong cơn khói lửa” (Theo Đoàn Lê Giang, 2001, tr.57)

Đoàn Lê Giang có thêm đối sánh: “Thời đại đã đưa người nông dân lên sân khấu chính trị trở thành nhân vật chính, người nghệ sĩ chỉ có nhiệm vụ nhìn nhận ra hiện thực mới này và phản ánh nó. Trong khi đại đa số các nhà thơ khác vẫn còn say sưa với loại nghệ thuật cao quý trong tháp ngà với những người quân tử kiểu cũ, thì người nghệ sĩ mù Nguyễn Đình Chiểu là người đầu tiên đã sáng suốt phát hiện ra hiện thực mới này và đưa nó vào thơ văn” (Đoàn Lê Giang, 2001, tr.19)

Nguyễn Lộc còn liên hệ xa hơn: “Cái nhìn của nhà thơ về người nông dân đánh giặc theo một kiểu mới, nên khi thể hiện những người cầm đầu các phong trào chống Pháp, cách viết của ông cũng mới. Dưới ngòi bút của ông, họ xuất hiện không phải theo mô hình những tướng lĩnh phong kiến, mà là có bóng dáng của những lãnh tụ quần chúng gần gũi với bóng dáng của những lãnh tụ cách mạng sau này.” (Theo Đoàn Lê Giang, 2001, tr.73)

Lê Ngọc Trà nâng thêm tầm khái quát: “Từ người anh hùng quân tử đến người anh hùng nông dân, từ người anh hùng phi thường với những tài năng và sức mạnh siêu phàm đến người anh hùng bình thường “gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay”, ý thức nghệ thuật của Nguyễn Đình Chiểu đã phát triển một bước quan trọng.” (Theo Đoàn Lê Giang, 2001, tr.80)

Về bản sắc Nam bộ trong văn thơ Đồ Chiểu, Lê Trí Viễn kết luận: “Trong thơ Nguyễn Đình Chiểu, đất trời, con người Lục tỉnh lần lượt hiện ra với dáng vẻ riêng qua

 

một ngôn ngữ góc cạnh, đậm đà.” Giáo sư còn nhấn mạnh “Văn thơ cụ Đồ từ đó lắm nét tự do, rộng mở, có thể nói “ngang tàng” (…) Lại viết bằng ngôn ngữ miền Đồng Nai Gia Định, mới mở sách ra là các lỗ tai nề nếp, trau chuốt đã nghe ngang ngang” (Nguyễn Đình Chiểu, 1982, tr.160,164,165)

Cao Tự Thanh thì quan tâm khía cạnh dung hòa, cũng là một biểu hiện của sự cách tân: “Nguyễn Đình Chiểu trong thực tế đã làm công việc dung hòa hệ tư tưởng Nho giáo với đời sống tinh thần của nhân dân lao động, đặc biệt là nông dân lao động miền Nam (Theo Đoàn Lê Giang, 2001, tr.85).

Về sự tiếp biến tư tưởng Nho giáo trong văn thơ Nguyễn Đình Chiểu, Đoàn Lê Giang nhận ra: “… Đọc kỹ Lục Vân Tiên và một số tác phẩm khác nữa, chúng ta thấy Nho giáo của Nguyễn Đình Chiểu đang có những chuyển động mới, khác trước”. Ông còn khẳng định: “Nho giáo của Nguyễn Đình Chiểu đang trên quá trình Việt hóa một cách sâu sắc”. Ví dụ, chữ trung được Việt hóa thành khái niệm “ngay”; lòng chung thủy, trung thành của người phụ nữ với chồng cũng được gọi là “ngay”… (Đoàn Lê Giang, 2001, tr.14-16).

Về hai chữ Nhân Nghĩa trong thơ văn Đồ Chiểu, Trần Văn Giàu nhấn mạnh: “Toàn là nhân nghĩa có ý thức, có suy nghĩ, mà không tính toán thiệt hơn. Chính vì vậy mà nó cao quý. Càng cao quý vì nó là nhân nghĩa của những người dân thường, và nhân nghĩa với những người thường dân.” (Theo Đoàn Lê Giang, 2001, tr.55).

Học tập người đi trước, Võ Phúc Châu có vài phát hiện thú vị khi tìm hiểu chữ Nhân, chữ Nghĩa trong truyện thơ Lục Vân Tiên: “Với Đồ Chiểu, đức nhân đâu dành riêng cho người quân tử. Nó không phải sự phục tùng. Nó cũng chẳng nhằm duy trì một chế độ đẳng cấp nào. Nó có thương và có ghét, thậm chí ghét rạch ròi. Nó là lòng yêu ghét của người dân lao động”. Và trong 2082 câu thơ, Nguyễn Đình Chiểu có 12 lần nhắc đến Nghĩa, với 14 chữ. Có khi, nó là biến âm theo phương ngôn Nam Bộ: Ngãi. Cấu tạo của nó cũng thật sinh động: có lúc biệt lập; có lúc tạo thành tổ hợp: nhân nghĩa, nhân ngãi, ngãi nhơn. Nó giản dị qua cách nói bình dân: trọn nghĩa, hết nghĩa, nghĩa sâu; đôi lúc sang trọng qua cách nói Hán văn: kiến ngãi bất vi, trọng ngãi khinh tài. Chữ Nghĩa được đặt vào lời ăn tiếng nói của biết bao nhân vật: Lục Vân Tiên – 3 lần, Ông Ngư – 3 lần, Kiều Nguyệt Nga – 2 lần; Tiểu đồng, Sở Vương, Tử Trực, đều cùng một lần lên tiếng. Đặc biệt, có lúc, ta thấy như là lời bình của tác giả. Từ đó, Võ Phúc Châu đi đến kết luận: “Như bao kẻ sĩ có lý tưởng, Nguyễn Đình Chiểu vẫn đi trên con đường mòn Nho giáo. Nhưng ông không bằng lòng với cái đá sỏi giáo lý trải đường, không hài lòng với cảnh quan khuôn mẫu phong kiến cỗi cằn. Ông vừa đi, vừa trồng trên đó thảm cây xanh rời rợi của truyền thống đạo lý dân tộc. Nhân nghĩa của Nho giáo, vì thế, hòa quyện vào nhân nghĩa của nhân dân. Nó trở thành thứ tài sản tinh thần của quần chúng nhân dân.” (Võ Phúc Châu, 2008)

Về sự hiện diện của Đạo giáo trong truyện thơ Lục Vân Tiên, Võ Phúc Châu nhận xét: “Hình ảnh vị thầy mang cốt cách đạo sĩ tinh thông pháp thuật, nhưng cũng chẳng khác một nhà sư Phật Quang ngày xưa truyền phép cho Chử Đồng Tử - Tiên Dung.

 

Còn Du thần, Tiên ông cũng đâu ngoài những ông bụt, ông tiên trong cổ tích, trong tín ngưỡng dân gian. Ở góc độ này, Đạo giáo được Đồ Chiểu hòa trộn vào quan niệm sống, vào thế giới tâm linh của nhân dân, thật tự nhiên, giản dị.” (Võ Phúc Châu, 2008)

Từ những phát hiện trên, Võ Phúc Châu khái quát về sự cách tân trong truyện thơ Lục Vân Tiên như sau: “Trong suốt 2082 câu thơ, Nguyễn Đình Chiểu đã tiếp biến đầy sáng tạo ba tư tưởng Nho, Phật, Đạo, trên nền tảng đạo đức, đạo lý của nhân dân. Truyện thơ Lục Vân Tiên, chính vì thế, là một bài ca lớn về tư tưởng. Người đọc tìm thấy sự hợp lưu kỳ thú giữa các luồng tư tưởng ngay trên mảnh đất Nam Bộ trẻ trung, hoang sơ và phóng khoáng. Nho giáo đạo mạo nơi đâu chẳng biết, Đạo giáo tu tiên chốn nào chẳng hay, Phật giáo cầu siêu cõi nào chưa rõ, chỉ thấy rõ ràng, ba luồng sáng ấy hội tụ và soi rọi một điều trang trọng: tư tưởng, đạo đức, đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam là tốt đẹp và phù hợp với tư tưởng tiến bộ của nhân loại từ xưa. Về điểm này, quả thật, Nguyễn Đình Chiểu đã có công lao xuất sắc.”

 

Kết luận

 

Quả như lời nhận xét của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Nguyễn Đình Chiểu là một ngôi sao “càng nhìn càng thấy sáng”.

Đọc lại thơ văn Đồ Chiểu cùng những công trình nghiên cứu của các giáo sư, các học giả... bản thân như được soi sáng hơn; được tiếp nhận thêm nhiều ánh sáng mới từ ngôi sao văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu.

Qua cuộc đời và sự nghiệp thơ văn, Nguyễn Đình Chiểu tỏa sáng vẻ đẹp của một nhân cách vừa cương vừa nhu trong giao tiếp, ứng xử. Ông là người khởi nguồn cho phong trào đấu tranh chống kẻ thù xâm lược; khởi nguồn cho dòng thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX. Ông giữ vai trò kết nối các phong trào kháng Pháp ở Nam bộ; kết nối văn học xưa và nay; văn học dân gian và văn học viết; văn học Nam bộ với văn học cả nước. Ông mang sứ mệnh chuyển giao hào khí dân tộc, ngọn lửa kiên cường chống giặc ngoại xâm cho hậu thế... Ông thủ cựu để bảo vệ những giá trị nào còn giúp nhân dân giữ được đạo làm người. Ông có nhiều cách tân đáng quý trong việc xây dựng hình tượng nhân vật; sử dụng ngôn ngữ; tiếp biến tư tưởng Nho, Phật, Đạo…

Để kết thúc bài viết này, tôi xin được trân trọng cảm ơn các giáo sư, các nhà nghiên cứu văn học, lịch sử, văn hóa... đã giúp tôi tiếp nhận thêm những tia sáng quý báu từ ngôi sao văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu.

Cùng với mọi người, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với nhà thơ, nhà yêu nước lớn - danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu.

 

Mỹ Tho, tháng 5 năm 2022

 

(Tham luận được trình bày tại Hội thảo khoa học quốc gia "Thi hào dân tộc - Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu: Hướng tiếp cận và thành tựu nghiên cứu mới" do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, diễn ra ngày 11/11/2022, tại hai điểm cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tham luận được in trong kỷ yếu của Hội thảo (NXB Đại học quốc gia Hà Nội, xuất bản năm 2023).

 

--------------

 

Tài liệu tham khảo

  1. Võ Phúc Châu (2008), Truyện thơ Lục Vân Tiên – sự tiếp biến ba tư tưởng Nho, Phật Đạo, www.vanchuongviet.org, ngày truy cập 01/05/2022
  2. Phạm Văn Đồng (1963), Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc, in trong Ngữ văn 12 tập Một, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2016.
  3. Đoàn Lê Giang (2001), Nguyễn Đình Chiểu – ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc, NXB Trẻ - Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP. Hồ Chí Minh
  4. Hà Huy Giáp (2022), Nguyễn Đình Chiểu nhà thơ lớn yêu nước, một tấm gương kiên trung bất khuất, https://nguyendinhchieu.vn/, ngày truy cập 10/05/2022
  5. Phan Văn Hùm (1957), Nỗi lòng Đồ Chiểu, NXB Tân Việt, Sài Gòn
  6. Nguyễn Lộc (1984), Những cống hiến đặc sắc của Nguyễn Đình Chiểu trong lịch sử văn học dân tộc, in trong Nguyễn Đình Chiểu – ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc, NXB Trẻ - Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP. Hồ Chí Minh, 2001.
  7. Nguyễn Phan Quang (2001), Khởi nghĩa Trương Định, NXB Trẻ TP. Hồ Chí Minh
  8. Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường (1992), Nghìn năm bia miệng - tập II, NXB TP. Hồ Chí Minh.
  9. Trần Văn Giàu (1984), Vì sao tôi thích đọc Nguyễn Đình Chiểu, in trong Nguyễn Đình Chiểu – ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc, NXB Trẻ - Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP. Hồ Chí Minh, 2001.
  10. Cao Tự Thanh (1984), Hiện tượng Nguyễn Đình Chiểu trong văn hóa Việt Nam, in trong Nguyễn Đình Chiểu – ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc, NXB Trẻ - Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP.Hồ Chí Minh, 2001.
  11. Ca Văn Thỉnh (1984), Góp thêm vài ý kiến tìm hiểu Nguyễn Đình Chiểu và hào khí dân tộc, in trong Nguyễn Đình Chiểu – ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc, NXB Trẻ - Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP. Hồ Chí Minh, 2001.
  12. Lê Ngọc Trà (1984), Nguyễn Đình Chiểu trong sự vận động của văn chương Việt Nam cận đại, in trong Nguyễn Đình Chiểu – ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc, NXB Trẻ - Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP. Hồ Chí Minh, 2001.
  13. Lê Trí Viễn (1982), Nguyễn Đình Chiểu – ngôi sao càng nhìn càng sáng, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

1 Lược truyện: Ông Đồ Phú Kiết là một nhà nho, người miền Trung. Sau khi nghĩa quân Trương Định thất trận, Ông Đồ đến chợ Thang Trông, làng Phú Kiết, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang) dạy học và xin cưới vợ nơi này. Vì vậy, ông được gọi là Ông Đồ Phú Kiết. Ông Đồ còn làm thư ký cho tên Việt gian Trần Bá Lộc. Thực chất, Ông Đồ chính là tay trong cho anh em nghĩa dõng bí mật liên lạc với Thủ Khoa Huân ở Tịnh Hà và Huyện Lân ở Thang Trông. Ông cũng tìm cách giúp nhiều nghĩa quân đỡ khổ khi bị giam cầm, giúp Thủ Khoa Huân, Âu Dương Lân nhiều phen thoát được vòng vây của giặc. Sau này, khi bí mật tham gia khởi nghĩa ở Hồ Tràm, Thị Vải (tỉnh Đồng Nai bây giờ), ông Đồ nói tránh với vợ là mình về thăm quê miền Trung. Ông còn nói với vợ là vì việc làm ăn nên ông phải thay tên đổi họ. Nay, một phần vì đường sá xa xôi, một phần vì giặc giã liên miên, nếu chẳng may ông gặp nạn giữa đường thì khi có cúng giỗ ông, bà hãy vái tên thật của ông. Và ông nói tên thật của mình cho bà Đồ, rồi dặn rằng, khi muốn biết tin tức của ông thì hãy xuống Ba Tri (Bến Tre) hỏi cụ Đồ Chiểu. (Nguồn truyện: Huỳnh Ngọc Trảng, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1992).

 

Võ Phúc Châu
Số lần đọc: 364
Ngày đăng: 21.05.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc những vần thơ cho mẹ - Hoàng Thị Bích Hà
116. Mạc Đăng Doanh. 3 - Hồ Bạch Thảo
Thế sự nhàn đàm - Yến Nhi
Thượng đế và con người - Võ Công Liêm
115. Mạc Đăng Doanh. 2 - Hồ Bạch Thảo
Đọc lại Minh Đức Hoài Trinh - Nguyễn Đức Tùng
Alain Robbe – Grillet (Tác giả tiểu - thuyết – mới) - Võ Công Liêm
114. Mạc Đăng Doanh [1530-1540] (1) - Hồ Bạch Thảo
113. Nhà Mạc: Mạc Đăng Dung [1527-1530]. - Hồ Bạch Thảo
Wolfgang Amadeus Mozart “Huyền thoại của một thiên tài” - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả