Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.195
123.210.011
 
Hình bóng biển trời (Kỳ 9)
Phan Tấn Uẩn

 

ĐÓI LÀ PHƯƠNG HƯỚNG TỐT

(Hunger Was Good Discipline)

 

**

 

            Donovan đến phòng nội trú của tôi . Phòng nầy là điểm gặp lý tưởng để tổ chức các buổi thảo luận về những tác phẩm yêu thích và các phong cách văn học khác nhau, nhất là các vấn đề nghiên cứu trong lãnh vực văn học so sánh.Việc tổ chức các buổi bàn thảo như vậy không chỉ giúp mở rộng kiến thức mà còn thúc đẩy sự phát triển cá nhân và chia sẻ ý kiến trong cộng đồng nghiên cứu, tăng cường mối quan hệ và giao lưu với những người có cùng sở thích.

Donovan trông có vẻ thoải mái , có lẻ căn phòng được trang trí theo phong cách phù hợp với anh. Anh chú ý đến một số sách tham khảo của tôi đặt giữa bàn (1). Đây là bàn làm việc khá rộng, nhiều người có thể ngồi quanh thảo luận, viết bài, hoặc đọc sách. Tôi dẫn anh ta rảo khắp phòng,giới thiệu  chỗ nghỉ ngơi thư giản với một ghế êm và một sofa. Một bức tranh treo tường thuộc trường phái ấn tượng của Cézanne. Giường ngủ. Đèn trang trí. Gối tựa . Phòng tắm. Góc bàn ăn uống. Các vật dụng cần thiết . Một không gian ấm cúng và thoải mái. Một cảm giác  sảng khoái và tập trung…

            Tôi chuẩn bị sẳn cà phê, trà , nước uống và một ít đồ ăn nhẹ… Donovan lên tiếng khi kéo ghế ngồi đối diện tôi :

            “ Tôi là người thứ mấy đến đây, Trác Bạt ?”

            “ Làm sao nhớ hết. ” Tôi nói. “ Chỉ nhớ một lần James Joyce đến  sau nhiều lần ông thất hứa với tôi. James Joyce là bậc thầy về văn học so sánh.”

 

            Việc chúng tôi hẹn gặp nhau tại phòng nội trú là một nổ lực được xếp đặt trước. Donovan cho tôi mượn bản nháp do chính Ernest viết. Anh muốn tôi thay anh viết phân tích và góp ý. Thật ra đây là cách Donovan hỗ trợ để tôi có dịp làm việc bên cạnh Hemingway. Không biết anh đã nói gì với Ernest, nhưng việc Donovan giao bản nháp cho tôi đã nói lên kết quả.

 

            Tôi lên tiếng khi nhìn thấy màu vàng ố của tờ giấy chi chít những chữ :

            “ Hình như bản nháp nầy Ernest viết cách đây khá lâu, giấy mực gần như mục nát hết ? ”

Donovan hỏi lại :

“ Trác Bạt không biết gì về chiếc vali bị bỏ quên sao ?”

 

Tôi lắc đầu… Donovan  nhắc đến câu chuyện hi hửu về chiếc vali bị bỏ quên :

“ Ernest có nhiều câu chuyện đời thường rất nổi tiếng, một trong số đó là chuyện vào một kỳ nghỉ ,cô vợ Hadley đã bỏ quên một số hành lý tại tầng hầm của khách sạn Ritz ở Paris, trong đó có một chiếc rương hấp (steam trunk) do  Louis Vuitton (2) thiết kế riêng cho ông. Nhiều năm sau, nhận lại chiếc rương , ông đã tìm thấy trong đó nhiều giấy tờ đủ loại, kể cả bản thảo hồi ký… Trong câu chuyện nầy, có một chi tiết rất đáng yêu đó là phản ứng của Ernest. Ông đã không trách móc gì vợ mà còn yêu thương vợ nhiều hơn …”

“ OK . Yêu thương vợ nhiều hơn,” tôi cười lớn, “ vì người vợ quá yêu thương chồng đến nỗi quên hết mọi chuyện, kể cả chiếc vali đựng bản thảo của một nhà văn.. Một chi tiết hay.”

 “Theo tôi biết CBS đang dựng phim về cuộc đời phong phú của Hemingway.” Donovan cho biết. “ Bộ phim sẽ rất dài, ít nhất phải ba tập ,mỗi tập cũng phải hai giờ, nhưng họ nói vẫn không thể bao gồm hết toàn bộ cuộc đời Ernest. Bộ phim sẽ nhấn mạnh vẻ nam tính , nhưng cũng không bỏ qua những khía cạnh nhẹ nhàng pha lẫn rối rắm của con người đặc biệt nầy.”

            “Tôi nghĩ Hemingway giống một huyền thoại hơn là một người đàn ông bình thường. Đọc nhiều tác phẩm của ông, nghe ông kể về những vết thương chiến tranh, tôi thấy những điều ông viết giống như các phiên bản hoang đường của một người anh hùng, đến mức nó làm mờ đi ranh giới giữa thực tế và hư cấu. Và cũng chính yếu tố nầy đã khiến tôi ngưỡng mộ ông và vẫn tự hỏi , thật sự Ernest Hemingway là ai ?...”

“ Có gì lạ đâu. Mỗi người có riêng một Ernest khi đọc ông .  ”

*

             Giao lại xấp bản thảo cho Donovan, tôi rất vui khi đã hoàn thành công việc.

            “ Tôi đã đọc kỹ và ghi đầy đủ nội dung, không bỏ sót một chi tiết nào. Tôi cũng viết xong  bản phân tích kèm theo đây …” Tôi nói.

            “ Trác Bạt viết gì phải giữ lại bản sao.Ernest sẽ không trả lại những gì người khác viết”

            “  Tôi viết trên giấy than…”

 

Nhớ lại cảm giác mới lạ khi ghi lại nội dung câu chuyện.Tôi có thể nhận ra quá trình sáng tác của Ernest qua những dấu gạch bỏ hoặc thêm bớt từ ngữ trong những câu văn . Có thể nhận ra cách thức ông xây dựng câu chuyện, sử dụng ngôn từ và phát triển nhân vật. Nghĩ xa hơn đến ảnh hưởng của tác giả đối với văn học thế giới, đọc bản thảo  ông viết đối với tôi không khác gì một kết nối nào đó với lịch sử . Dù cho các ý tưởng trong bản nháp có thể chưa hoàn thiện và cần được cải tiến, tôi vẫn rất tự hào khi được đọc nó do lòng kính phục và tôn trọng tác giả. Quan trọng hơn,tôi cảm nhận được hình bóng Ernest bên cạnh tôi thông qua từng đoạn văn…

            “ Trác Bạt hãy giao tận tay bản nháp và những phân tích cá nhân cho Ernest. Ông ấy muốn thế…”

            “Vâng…” Tôi tiếp lời. “ Donovan chắc cũng đã đọc "Hunger Was Good Discipline ?" . Tôi muốn biết ý kiến của anh .”

“ Đọc rồi. Nó khiến tôi suy ngẫm về mối quan hệ giữa cái đói và sự sáng tạo trong viết văn . Ernest biết cách diễn đạt cảm xúc của mình về cuộc đấu tranh với nghệ thuật và cuộc sống."

" Đúng vậy. Ernest mô tả cảm giác đói như một loại kỷ luật tinh thần, bắt ta phải tập trung vào việc viết lách ."

"Nhưng Trác Bạt có tin rằng cảm giác đói thực sự làm tăng óc sáng tạo ? Mặc dù tôi thích cách diễn đạt của Ernest, nhưng vẫn nghĩ cái đói làm cho con người cảm thấy mệt mỏi và không tập trung được "

" Tôi không nghĩ như thế. Đói có thể là một loại kỷ luật tinh thần, làm cho tâm trí phải tập trung vào điều quan trọng nhất, đó là nghệ thuật."

Rõ ràng Donovan và tôi đều có quan điểm riêng và không ngần ngại nói lên những ý kiến khác nhau về mối quan hệ giữa cái đói và sáng tạo nghệ thuật…

 

            Tôi đến Closerie des Lilas. Đây là một trong các quán cà phê Ernest thường ngồi viết mỗi ngày. Gặp ông vào lúc ông đang ngồi thư giản , có lẻ ông vừa viết xong một phân đoạn gì đó.

 

            “ Xin chào Ernest…”

            “ Hello Trác Bạt …” Ernest niềm nở…

            “ Donovan muốn tôi gặp trực tiếp Ernest… Xin nói ngay. Tôi rất thích đoạn mở đầu trong câu chuyện “Đói là phương hướng tốt” (Hunger Was Good Discipline)….

Vừa nói tôi đưa xấp bản thảo của ông kèm theo phần phân tích của tôi. Ernest xếp ngay nó dưới chồng giấy nháp đặt trước mặt và hỏi tôi có viết gì kèm theo không, tôi gật đầu và nhìn ông dò hỏi.

Ông hạ giọng :

 “ Trác Bạt cố gắng  trở thành một học giả nổi tiếng … ”

 

Tôi hiểu ý Ernest chưa muốn đối thoại với tôi lúc nầy. Người ta nói ông  thường có thái độ phân biệt chủng tộc và kiêu ngạo.Điều nầy có thể xẩy ra với tôi, nhưng tôi không để ý đến,vì điều quan trọng với tôi là những tác phẩm của ông.

Ernest lật tìm từ chồng bản nháp, lấy ra mảnh giấy…

            “ Đây là bản ghi nhớ cuộc trò chuyện của tôi với Scott Fitzgerald.”

Ernest nói  và chuyển nó qua tôi . Nhìn vào, tôi nhận ra nét chữ Ernest ghi lại cuộc trao đổi ý kiến giữa ông và  Scott …

 

" Scott , tôi vừa viết xong câu chuyện về cái đói. Hy vọng Scott sẽ thích nó."

" Tốt quá, Ernest. Tôi tin đó là một câu chuyện tuyệt vời ! ”

            "Tôi đã cố gắng diễn đạt cảm xúc của mình về cuộc chiến của cái đói đối với nghệ thuật và cuộc sống trong những ngày túng thiếu. Đây là thời đoạn khó khăn nhất, cũng là thời gây tạo nhiều cảm hứng sáng tác nhất của tôi."

" Trung thực . Không ngừng đổi mới. Độc đáo . Gây ấn tượng mạnh. Đó là những gì của Ernest.”  Scott nhấn mạnh từng ý nghĩ nhận xét.

" Cảm ơn. Scott và các nhà phê bình luôn ủng hộ tôi…”

" Chắc chắn rồi. Khi giới phê bình vào cuộc, tài năng và ảnh hưởng của Ernest sẽ nổi bật trên văn đàn…”

**

 

 “Đói là phương hướng tốt”

Ernest đi bộ ngang qua các tiệm bánh, cơn đói nổi lên cồn cào vì mùi thơm từ các loại bánh trưng ra trên các cửa sổ hè phố. Không có tiền, Ernest đành cuốc bộ đến bảo tàng Luxembourg . Tại đây , nhớ lại , Ernest viết : “ Khi đói ,tôi học được cách hiểu tranh Cézanne nhiều  hơn và thực sự nhận ra cách ông ấy hình thành những bức tranh phong cảnh như thế nào. Tôi thường tự hỏi liệu khi vẽ, Cézanne có đói không và nghĩ rằng có lẽ ông ta mê vẽ quá đến phải quên ăn. Đó là một trong những ý nghĩ vô căn cứ nhưng lại sáng tỏ khi ta mất ngủ hoặc đói ăn. Sau này tôi nghĩ có lẽ Cézanne đói theo một cách khác.” (I learned to understand Cézanne much better and to see truly how he made landscapes when I was hungry. I used to wonder if he were hungry too when he painted; but I thought possibly it was only that he had forgotten to eat. It was one of those unsound but illuminating thoughts you have when you have been sleepless or hungry. Later I thought Cézanne was probably hungry in a different way.)

 

Ra khỏi bảo tàng, Ernest đi bộ xuống Shakespeare and Company, cảm thấy “nhận thức của mình sáng suốt hơn”. Vào hiệu sách, vừa thấy Ernest , Sylvia  bảo ông gầy quá và hỏi đã ăn gì chưa. Ernest nói dối chuẩn bị về nhà ăn trưa… Bà bảo Ernest và Hadley sắp xếp thì giờ thuận tiện đi ăn tối , sẽ mời đông đủ bạn bè quen biết và ân cần nhắc Ernest không nên ham việc đến  mức quên cả ăn uống đầy đủ…

 Ernest hỏi Sylvia có thư từ gì không vì ông đang chờ khoản tiền  thanh toán từ nước Đức. Bà tìm thấy một mẫu tin nhắn và vui vẻ nhìn lên rồi mở cánh cửa trên bàn làm việc.Ernest xác nhận đó là thư của Wedderkop báo Der Querschnitt gởi. Hy vọng Wedderkop sẽ trả trước sáu trăm francs.

Ernst viết màn đối thoại của  ông với Sylvia trong hồi ký :

- “Thật buồn cười khi Đức là nơi duy nhất tôi có thể bán bất cứ thứ gì. Chỉ có ông ấy và tờ Frankfurter Zeitung đăng bài tôi.”  - “ Có thật vậy không? Nhưng cậu đâu có gì phải lo. Có thể bán truyện cho Ford,” bà ấy trêu tôi.   - “ Ba mươi franc một trang. Cứ ba tháng viết một  truyện trên báo The Transatlantic. Một truyện năm trang kiếm được một trăm năm mươi francs trong một quý . Sáu trăm francs một năm .” - “ Nhưng, Hemingway, đừng nghĩ đến chuyện tiền bạc bây giờ. Vấn đề là viết chúng.” - " Tôi biết. Tôi có thể viết . Nhưng sẽ không có ai đăng . Không kiếm được tiền kể từ khi  bỏ nghề báo.” - “Họ sẽ đăng. Nhìn kìa. Cái truyện trong tay cậu là tiền đó chứ gì nữa.”  - “Tôi xin lỗi, Sylvia. Quên ngay chuyện tôi vừa nói đi.” – “ Có gì mà phải xin lỗi. Vì lúc nào cũng nói về nó và bất cứ điều gì ư ? Cậu biết không,các nhà văn luôn nói về những rắc rối của họ ? Thôi, hãy hứa với tôi là cậu sẽ không lo lắng và sẽ ăn uống đầy đủ .” - "Tôi hứa." - “Vậy bây giờ về nhà ăn trưa đi.”

  ( “It’s damned funny that Germany is the only place I can sell anything. To him and the Frankfurter Zeitung.” “Isn’t it? But don’t you worry ever. You can sell stories to Ford,” she teased me. “Thirty francs a page. Say one story every three months in The Transatlantic. Story five pages long makes one hundred and fifty francs a quarter. Six hundred francs a year.” “But, Hemingway, don’t worry about what they bring now. The point is that you can write them.” “I know. I can write them. But nobody will buy them. There is no money coming in since I quit journalism.” “They will sell. Look. You have the money for one right there.” “I’m sorry, Sylvia. Forgive me for speaking about it.” “Forgive you for what? Always talk about it or about anything. Don’t you know all writers ever talk about is their troubles? But promise me you won’t worry and that you’ll eat enough.” “I promise.” “Then get home now and have lunch.” )

 

            Ra khỏi nhà Sylvia, Ernest thấy cần phải kiếm thứ gì ăn uống ngay, bèn đi bộ đến quán Lipp's gọi một ly bia lớn và một dĩa khoai tây trộn xà lách. Bữa ăn rất ngon… Ernest vui trở lại. Ông bật cười khi biết Edward O'Brien (3) đưa truyện "My Old Man" của mình vào tuyển tập truyện ngắn hay nhất và đề tặng cuốn sách cho ông. Một truyện khác, “"Up in Michigan" , ông đã viết  trước khi Miss Stein đến thăm. Hai truyện nầy không nằm trong chiếc vali bị bỏ quên tại tầng hầm trong khách sạn Ritz . “My Old Man” trước đó được gởi cho các báo, nhưng bị trả lại. “Up in Michigan” viết xong bỏ vào ngăn kéo, vì Miss Stein chê không đọc được. Ông kể lại tai họa mất vali bản thảo : Hadley khóc sướt mướt còn O’Brien nghe được cũng đau lòng không kém . Nhưng rồi ông tự  an ủi mình,  biết đâu mất bản thảo có khi lại tốt hơn vì ông có dịp viết lại có thể còn hay hơn…Sau chuyện mất vali bản thảo, Ernest viết “The Old Man and the Sea”.

 

Ngồi trong quán Lipp’s , nghĩ về cái đói, Ernest viết trong tự truyện :

            “Cần phải làm chủ bản thân tốt hơn khi nhịn ăn để không phải suy nghĩ quá nhiều về cơn đói. Đói là phương hướng tốt và giúp ta học được nhiều điều. Miễn là người nào không hiểu như vậy thì ta vẫn có ưu thế trước họ. Ồ,chắc chắn như vậy , tôi nghĩ. Giờ đây tôi đã vượt xa họ vì tôi thường xuyên thiếu ăn. Sẽ không tệ nếu họ bắt kịp mình một ít.” (It is necessary to handle yourself better when you have to cut down on food so you will not get too much hunger-thinking. Hunger is good discipline and you learn from it. And as long as they do not understand it you are ahead of them. Oh sure, I thought, I’m so far ahead of them now that I can’t afford to eat regularly. It would not be bad if they caught up a little.)

Mặc dù xem đói như một kỷ luật tốt,nhưng Ernest không để suy nghĩ về cơn đói đi quá xa. Ông  thấy cần phải viết một cuốn tiểu thuyết, nhưng đành gác chuyện ấy lại vì cảm thấy rất khó viết. Ông so sánh việc luyện viết giống như  luyện tập cho một cuộc đua dài hơi. Một lúc nào đó, do áp lực không viết không được, ông sẽ viết một truyện dài về những gì ông đã ấp ủ, lúc đó chuyện ăn uống đầy đủ không còn là vấn đề đối với ông và Hadley.

            Trả tiền , ra khỏi  Lipp’s, trên đường về nhà, vừa đi vừa nghĩ đến chuyện viết lách. Cảm hứng nổi lên, ông lại vào quán Closerie des Lilas…“ Tôi ngồi trong góc quán với nắng chiều chiếu qua vai và viết vào sổ tay.”(I sat in a corner with the afternoon light coming in over my shoulder and wrote in the notebook). Ông gọi một ly cà phê kem và viết câu chuyện “trở về sau chiến tranh” mà không đề cập gì đến cuộc chiến…

 

 Nguyên văn đoạn cuối của "Hunger Was Good Discipline" :

“ Nhưng sáng nào con sông vẫn ở đó và tôi phải viết về nó và quê hương đất nước cũng như những gì sẽ xẩy ra. Vẫn còn thời gian trước mắt để làm việc đó mỗi ngày. Không có điều gì khác quan trọng. Trong túi tôi là món tiền gởi từ một tờ báo bên Đức, nên chẳng có vấn đề gì. Khi món tiền nầy hết , món tiền khác sẽ đến.Tất cả những gì tôi phải làm bây giờ là giữ đầu óc thật tỉnh táo và thanh thản cho đến sáng hôm sau ,khi tôi bắt đầu làm việc trở lại.” ( But in the morning the river would be there and I must make it and the country and all that would happen. There were days ahead to be doing that each day. No other thing mattered. In my pocket was the money from Germany so there was no problem. When that was gone some other money would come in. All I must do now was stay sound and good in my head until morning when I would start to work again.)

**

            Trái với những suy nghĩ tiêu cực của tôi, Donovan cho biết, ngay khi tôi chào Ernest , ra khỏi Closerie des Lilas, Ernest đã lấy ra bản phân tích của tôi trong chồng giấy nháp , đọc kỹ…

 

            Bài viết của tôi gởi Ernest như sau :

“ Những ngày thiếu ăn với cái đói đeo đẳng , một cặp vợ chồng trẻ ở Paris phải đối mặt với nhiều thử thách . Trong khi anh chồng Ernest tin rằng cơn đói là một phương hướng tốt để thúc đẩy óc sáng tạo và lòng kiên nhẫn, cô vợ Hadley lại cho rằng nó gây ra cuộc chiến không cần thiết . Giữa lúc quan điểm của họ trái ngược nhau , họ nhận ra sức mạnh thần kỳ của tình yêu. Đói không thể làm tình yêu nguội lạnh, cũng không thể gây hại cho óc sáng tạo. Họ vẫn mang theo những ước mơ cao đẹp trên đường đời…”

            “ Nhận định tổng quát như trên, nhưng khi phân tích chi tiết, tôi thấy được hai mặt tích cực và tiêu cực trong cuộc đấu tranh của Ernest. Lúc đó ông đang là một nghệ sĩ mới vào đời. Việc thiếu tiền khiến cuộc sống khó khăn trong lúc quanh ông tràn ngập những cám dỗ của những thú vui vật chất . Ông phải kết nối bản thân với thế giới nghệ thuật theo một cách không giống người khác. Nhờ vậy các cảm thức của ông với thế giới xung quanh nhạy cảm hơn, xây dựng được tình đoàn kết với những văn nghệ sĩ Paris đi trước.

            Thỉnh thoảng Ernest cũng thể hiện mình là người sống thực tế, lý trí và vô cảm. Điều nầy có vẻ mâu thuẫn với tính cách phức tạp của Hemingway.Ông bị giằng xé giữa các tâm trạng khác nhau như thua kém, bối rối, lo lắng.... Sylvia đóng vai trò như người đở đầu, trấn an Ernest bằng những lời khuyên có giá trị.

            Thành công của Ernest với tư cách một nhà văn có liên quan sâu sắc đến những nhân vật nổi tiếng trong văn giới. Ông nhận thức được  tác phẩm của ông có thể gây cảm xúc mạnh cho người đọc, mặc dù lúc đó thành công còn hạn chế và chưa được lan tỏa như mong muốn.

            Việc mất các bản thảo là một bi kịch, nhưng có thể chuyện vắng mặt của chúng là dịp để Ernest viết lại hoặc sáng tác những tác phẩm hay hơn trong tương lai. Nhìn chung, những sự việc xẩy ra lúc đầu tưởng như tiêu cực, rốt cuộc đều trở nên tích cực và giúp ông thành công nhanh chóng…”  Trác Bạt.

 

Gainesville tháng 4/2024

 

-------------------------

Chú Thích :

(1)Một số tác phẩm quan trọng trong lãnh vực nghiên cứu văn học so sánh :

"Comparative Literature: A Critical Introduction" của Susan Bassnett.

"The World Republic of Letters" của Pascale Casanova.

"Comparative Literature in an Age of Globalization" của Haun Saussy.

"Comparative Literature: A Very Short Introduction" của Ben Hutchinson.

"The Comparative Approach in Evolutionary Anthropology and Biology" của Charles L. Nunn.

"Literary Theory: A Very Short Introduction" của Jonathan Culler.

"The Princeton Sourcebook in Comparative Literature: From the European Enlightenment to the Global Present" (ed. David Damrosch).

"World Literature: A Reader" của Theo D'haen và David Damrosch.

"Comparative Literature and Cultural Transfer" của Katja Sarkowsky.

"Comparative Literature and World Literature" của Wiebke Denecke.

Các tác phẩm này cung cấp cơ sở vững chắc về lịch sử, phương pháp và lý thuyết của văn học so sánh, và sẽ giúp nghiên cứu sinh có cái nhìn tổng quan và sâu sắc về lĩnh vực này.”(Wikipedia)

 

(2)Rương hấp (steamer trunk) còn được gọi là rương cabin (cabin trunk) hoặc rương du lịch (traveling trunk)thường dùng cho những chuyến đi dài ngày ,có rương làm rất công phu từ trong ra ngoài.

Louis Vuitton thành lập công ty cũng là hảng thời trang cao cấp mang tên ông vào năm 1854, sản xuất từ túi xách,đồ da sang trọng đến quần áo may sẵn, giày dép, nước hoa, đồng hồ, đồ trang sức, phụ kiện, kính râm và sách. Nó là một trong những hãng thời trang quốc tế hàng đầu thế giới. Năm 2013, định giá thương hiệu Louis Vuitton là 28,4 tỷ USD với doanh thu 9,4 tỷ USD ( Wikipedia)

 

(3)Edward O'Brien, tên đầy đủ là Edward Joseph Harrington O'Brien (1890-1941) là  nhà văn, nhà thơ, biên tập viên và là người thiết lập tuyển tập thường niên truyện ngắn hay nhất của các tác giả Mỹ, số đầu tiên năm 1915.Ông sinh ra ở Boston, Massachusetts và theo học tại trường Cao đẳng Boston và Đại học Harvard. Ông cũng là một tác giả nổi tiếng với các tác phẩm White Fountains (1917) và The Forgotten Threshold (1918).

 

 

 

 

 

Phan Tấn Uẩn
Số lần đọc: 342
Ngày đăng: 29.05.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về miền trú ẩn (Phần 6) - Đỗ Nguyễn
Về miền trú ẩn (Phần 5) - Đỗ Nguyễn
Về miền trú ẩn (phần 4) - Đỗ Nguyễn
Hình bóng biển trời (Kỳ 8) - Phan Tấn Uẩn
Về miền trú ẩn (Phần 3) - Đỗ Nguyễn
Về miền trú ẩn (phần 2) - Đỗ Nguyễn
Hình bóng Hemingway ở Paris qua Hồi ký A Moveable Feast (Kỳ 7) - Phan Tấn Uẩn
Về miền trú ẩn (phần 1) - Đỗ Nguyễn
Từ cõi chiêm bao (phần cuối) - Đỗ Nguyễn
Từ cõi chiêm bao (Phần 7) - Đỗ Nguyễn
Cùng một tác giả
Đêm Mù Mộ Địa (truyện ngắn)
Chuyến về quê (truyện ngắn)
Giấc mơ chiếu manh (truyện ngắn)
Trên sợi tóc buồn (truyện ngắn)
Quán về khuya (truyện ngắn)
Phố đỏ (truyện ngắn)