Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.217
123.207.054
 
Tiễn biệt tác giả những bài tình ca về đất Cảng
Trần Trung Sáng

 

 

          Nhạc sĩ  Hoàng Dũng (tên thật Nguyễn Văn Dũng), tác giả ca khúc “Đà Nẵng thành phố tuổi thơ tôi” sinh ngày 15 tháng 12 năm 1962, quê quán Thừa Thiên Huế, nhưng sinh sống và trưởng thành tại Đà Nẵng. Năm 18 tuổi, anh gia nhập quân ngũ, được điều về làm công tác Văn hóa - Văn nghệ ở Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Từ năm 1984 cho đến ngày về nghỉ chế độ (cuối năm 2023), anh công tác ở Phòng tổ chức hành chính thuộc đơn vị Cảng Đà Nẵng. Hoàng Dũng tốt nghiệp Khoa sáng tác tại Học viên Âm nhạc Huế năm 1995. Là hội viên Hội Âm nhạc Đà Nẵng, hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam. Do bạo bệnh, Hoàng Dũng mất ngày 10/5 vừa qua, để lại nhiều tiếc nuối cho gia đình, bạn bè và những người yêu mến.

 

                Theo nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái, hơn 40 năm trước, lúc cộng tác với Hội Liên hiệp Thanh niên Quảng Nam – Đà Nẵng 30 Bạch Đằng, Đà Nẵng, anh gặp Dũng bấy giờ là một trong 4 học sinh tham gia đội múa rối, dưới sự hướng dẫn của Xã Tắc - diễn viên múa từ Bắc vào công tác, xây dựng tiết mục đi thi ở Nha Trang. Các bạn nhỏ diễn xuất quá giỏi, thông minh, nhanh nhạy, tiếp thu tốt những chỉ bảo của người hướng dẫn, gây thích thú cho nhiều người, nhất là ngày ấy múa rối còn rất lạ ở miền Nam. Một thời gian sau, gặp lại Dũng, Duy Khoái kể rõ: “ Dũng đã trưởng thành, được nghe ca khúc đầu tay Dũng “Hát về quê hương”, biết Dũng đã tự học để trở thành người sáng tác ca khúc, diễn viên kịch câm, biên đạo múa và giáo viên âm nhạc, một tài năng trẻ của Đà Nẵng và là cánh chim đầu đàn của Đội văn nghệ đất Cảng”.

    Tác phẩm âm nhạc của Hoàng Dũng để lại tuy không nhiều, nhưng phong phú về thể loại. Trong đó, một số ca khúc của anh đã được xuất bản, phát sóng trên Đài VOV, Đài Tuyền hình VN, và đoạt nhiều giải thưởng lớn. Điển hình như các ca khúc: Âm vang điệu hò ba lý, Gởi con, Sóng nước sông Hàn, Chuyện về quê hương, Ca khúc Mẹ Quảng Nam, Hát về đảo xa … Đặc biệt, ca khúc “Đà Nẵng thành phố tuổi thơ tôi” đạt giải nhất về đề tài TP Đà Nẵng năm 2004, giải thưởng của Liên hiệp CHVHNT TP  ĐN năm 2000-2005. Ca khúc này hằng ngày vẫn được vang lên trong lòng người dân  mến mộ Đà Nẵng qua tiếng hát của ca sĩ Trọng Tấn  (Alum 10 Bài hát hay về Đà Nẵng), với những lời ca:   “Ôi yêu sao những chiều Đà Nẵng/ Xa cách bao năm anh lại về bên em/Yêu sao những con đường mới mở/ Hoa lá nồng nàn thơm gọi bước chân ai/ Yêu con nước sông Hàn chiều nay/Ai bắc nhịp cầu quay cho đôi bờ Đông Tây/ Nhà cao cao mãi... / Thành phố tuổi thơ tôi/ Đang lớn lên từng ngày/ Mơ ước dâng đầy trên nụ cười bé thơ/ Tiếng hát câu hò theo mẹ về sớm trưa/ Rạo rực người đi phố xa đông vui…”

 

   Sinh thời Hoàng Dũng luôn sống thanh thản lãng mạn, lạc quan, yêu đời, cần mẫn, hiền lành và sâu sắc. Trong những trang lưu niệm dành cho Hoàng Dũng, một người bạn thân của nhạc sĩ đã viết: “…Một gã nhạc sĩ tiếng tăm một thời, gã đa tài vừa là thầy dạy Piano, vừa là nhạc công Guitare, cũng từng là một biên đạo múa kiêm diễn viên kịch câm có nghề (…). Hoàng Dũng không bon chen, ganh đua, giành giật và đặc biệt nếu ai có quan niệm chú trọng về công danh thì đó là ý thức rất tầm thường. Chính điều này làm tôi nể phục…”. Trên trang điện tử Công Đoàn Cảng Đà Nẵng, anh em đồng nghiệp cũ của Dũng có đoạn : “ Phải nói rằng Cảng Đà Nẵng rất may mắn khi có một người nhạc sỹ được đào tạo bài bản, có tình yêu sâu đậm với công việc tại Cảng, với thành phố Đà Nẵng, với ngành Hàng hải, với biển đảo quê hương để rồi từ đó rất nhiều ca khúc ấn tượng ra đời như : Cảng Đà Nẵng khúc tự tình, Chúng tôi là công nhân bốc xếp, Đà nẵng thành phố tuổi thơ tôi, Sóng nước Sông hàn, Vimc niềm vui hội ngộ, Vinalines chung một mái nhà, , Hát về đảo xa… Những thành tích cao có được trong các đợt văn nghệ, hội diễn của Cảng Đà Nẵng luôn có dấu ấn đậm nét của nhạc sỹ Hoàng Dũng, anh vừa đóng vai trò đạo diễn chương trình, vừa sáng tác ca khúc. Nhạc sỹ Hoàng Dũng ra đi nhưng chắc chắn hình ảnh của anh cũng sẽ còn mãi như chính những ca khúc của anh, mãi âm vang trong lòng những người ở lại”.

 

  Còn trong ký ức riêng tôi, vào thời điểm những năm 1985-1986, khi phong trào văn nghệ quần chúng sôi nổi nhất, tôi và Hoàng Dũng thường xuyên cùng nhau hợp tác xây dựng các tiết mục văn nghệ “tự biên” cho các đơn vị cơ sở tham gia dự thi các cấp, như: Ban Văn hoá thông tin phường Hải Châu 1, HTX thảm len Phước Hải, HTX Mây tre Phú Vinh…. mà Dũng thường đảm trách phần biên đạo Múa. Trong công việc , tôi luôn ấn tượng Dũng là người năng nổ, nhiệt tình mà lại rất khiêm tốn. Có lần, tôi và Dũng cao hứng ủ mưu thực hiện một ca cảnh thiếu nhi dài hơi (nhằm lên sóng truyền hình, trên nền tảng những kịch bản có sẵn của tôi). Chúng tôi dự kiến sẽ viết ít nhất trên 20 ca khúc rồi mới tính đến dàn dựng. Tuy nhiên, sau đó hình như Dũng soạn được 3-5 bài, thì vì lý do nào đó chúng tôi ít gặp nhau mà quên bẵng (may mà đến nay còn lưu lại một bản đã in trên Tạp chí Văn Nghệ ĐN (cũ), tất cả phần còn lại đã lạc mất). Sau này tôi và Dũng gặp lại nhau, có bàn tính lúc nào thuận lợi sẽ  tiếp tục thực hiện kế hoạch cũ, nhưng điều ấy sẽ không bao giờ thành hiện thực…

     Khoảng hơn 2 năm qua, những người thân gia đình Hoàng Dũng cho biết, anh vẫn cặm cụi làm việc hối hả trên giường bệnh như chạy đua với thời gian, luôn lạc quan, vui vẻ sống những ngày cuối đời để cống hiến. Tác phẩm cuối cùng của anh trên giường bệnh vẫn là chủ đề Đà Nẵng, viết về mảnh đất Cẩm Lệ mến yêu, với những khát vọng anh hằng đeo đuổi suốt thời trai trẻ… ./.

                                                                                                                                                                                                

Ảnh:

 

1/ Chân dung nhạc sĩ Hoàng Dũng  

 

   2/ Nhạc sĩ Hoàng Dũng cũng gia đình tại buổi lễ nhận Giải thưởng ca khúc “Đà Nẵng thành phố tuổi thơ tôi” năm 2004

 

 

Trần Trung Sáng
Số lần đọc: 392
Ngày đăng: 31.05.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tưởng niệm Alice Munro (1931-2024) - Nguyễn Đức Tùng
Lê Triều Điển và Lê Triều Hồng Lĩnh - Trương Văn Dân
Một chốc với “trong những thoáng chốc” - Tiểu Lục Thần Phong
Hình bóng Hemingway ở Paris qua hồi ký A Moveable Feast (Kỳ 6) - Phan Tấn Uẩn
Hình bóng Hemingway ở Paris (Qua hồi ký A moveable Feast) (Kỳ 5) - Phan Tấn Uẩn
Nhà văn Phù Vân! Gió mang niềm nhớ …Và Mây đã bay đi - Trương Văn Dân
Nhà văn Châu La Việt: “Tôi chỉ là một cây vĩ cầm dẫn chuyện” - Minh Tứ
Hình bóng Hemingway ở Paris (Kỳ 4) - Phan Tấn Uẩn
1947 – André Gide (Pháp, 1869 – 1951) - Lê Ký Thương
Hình bóng Hemingway ở Paris (Kỳ 3) - Phan Tấn Uẩn
Cùng một tác giả
Những que diêm (truyện ngắn)
Trái tim con rồng đá (truyện ngắn)
Mát - xa (truyện ngắn)
Người vác chõng tre (truyện ngắn)
Đêm giáng sinh (truyện ngắn)
Đêm trắng phập phù (truyện ngắn)
Bầy ngựa bơ vơ (truyện ngắn)
Họp lớp (truyện ngắn)
Thơ xích lô (tạp văn)
Con gái (truyện ngắn)
Dì ghẻ (truyện ngắn)
Chú hề làng (truyện ngắn)
Ngày Cậu Cóc Ra Đi (truyện ngắn)
Chùa xưa (truyện ngắn)
Bản tin giờ thứ 25 (truyện ngắn)
Giã từ "mưa Huế" (nghệ thuật)
Chiếc nhẫn cưới (truyện ngắn)
Chuyện ngọ xưa (truyện ngắn)