Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.183
123.218.220
 
Về một bài thơ, xưa nay vắng bóng trong các tuyển tập thơ Đường ở Việt Nam
Đặng Ngọc Như

 

 

Hai dân tộc Việt - Trung với phương tiện văn tự "đồng văn" trong quá trình sinh tồn, phát triển trải nhiều nghìn năm đã có sự tiếp xúc, biến đổi sâu sắc về văn hoá cho riêng mình. Sự tiếp biến văn hoá (acculturation) đó cũng đồng thời tạo nên bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc. Điều cần lưu ý là bất kỳ một nền văn hoá nào bên cạnh những tinh hoa với cái hay cái đẹp bao giờ cũng có mặt trái của nó. Chế độ phong kiến Trung Quốc và Việt Nam một mặt đã tạo được những thành luỹ tinh thần, vật chất giúp tự bảo vệ trước nhiều làn sóng xâm lược đến từ nhiều phía; nhưng mặt khác cũng đồng thời xây trong lòng nó một loại thành luỹ của khắc chế bất công mà tiêu biểu là chế độ gia trưởng, trong đó vai trò người phụ nữ vẫn bị xem là thứ yếu so với đàn ông. Chẳng lấy gì làm lạ, một khi văn học vốn là chỗ dựa tinh thần của con người, thì văn học Trung Quốc, văn học Việt Nam từ rất sớm đã đến với tam cung lục viện tìm đề tài cho mình và để giãi bày hộ bao cuộc đời với nỗi oán hận không nguôi, nỗi đớn đau ô nhục nói không hết. Những thân phận ấy với khát vọng tột cùng về một cõi nhân gian bình thường giờ đã vĩnh viễn mất đi kể từ ngày "đưa con vô nội" như người Việt xứ Huế thường nói.

 

Cũng là một tất yếu khi văn học chữ Nôm nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX - với trào lưu nhân đạo chủ nghĩa đạt được những thành tựa xuất sắc thì Cung oán ngâm khúc là một trong những khúc ngâm nổi bật, thành tựu điển hình cho thể loại với nội dung mang đậm màu sắc triết lý về cuộc đời. Ngay từ đầu tác phẩm, nhà thơ Nguyễn Gia Thiều đã viết một câu thơ cực kỳ cô đọng, diễn tả không gì đúng hơn về hoàn cảnh của cung nhân:

Duyên đã may cớ sao lại rủi?

Đúng là người cung nữ có cái may mắn được làm vợ của vua và rủi ro cũng ở chỗ phải làm vợ vua. Đây là cái bi kịch muôn đời của thân phận cung nữ. Điều này, cách đây khoảng mười hai thế kỷ, một nhà thơ đời Đường là Trương Hỗ (1) đã giãi bày khá rõ ràng trong bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt với thi đề HÀ MÃN TỬ:

何滿子

故國三千里

深宮二十年

一聲何滿子

雙淚落君前

Cố quốc tam thiên lý

Thâm cung nhị thập niên

Nhất thanh Hà Mãn Tử

Song lệ lạc quân tiền

(Đường thi tam bách thủ, bản in tại Singapore, tr. 427)

Dịch nghĩa:

Quê cũ cách xa đến ba nghìn dặm,

Vào nơi cung sâu đã hai mươi năm.

Một tiếng ca Hà Mãn Tử,

Hai hàng lệ rơi trước mặt nhà vua.

Trước khi tìm hiểu bài thơ, chúng tôi mạn phép tạm nêu ra đây ba bản dịch với ba thể thơ khác nhau:

1. Quê cũ ba nghìn dặm,

    Cung sâu hai mươi sương.

    Thoắt nghe Hà Mãn Tử,

    Lệ oà trước quân vương.

2. Quê ba nghìn dặm mịt mùng,

    Hai mươi năm chẵn thâm cung buồn rầu.

    Hà Mãn Tử một khúc đau,

    Hai hàng lệ đẫm tủi sầu trước vua.

3. Quê cũ cách xa nghìn dặm trường,

    Một mình cung thẳm hai mươi sương.

    Một điệu khúc ca Hà Mãn Tử,

    Hai hàng lệ nhỏ trước quân vương.

Có lẽ cũng nên nói qua một chút về thi đề. Hà Mãn Tử là tên một ca nhân sống thời Thịnh Đường, đời Khai Nguyên của triều Đường Huyền Tông (Đường Minh Hoàng, năm 713 - 742). Nàng bị tội hình nên trước lúc giã từ trần gian, nàng đã làm ca khúc dâng lên vua mong chuộc tội nhưng cuối cùng vẫn phải chết. Người đời đã cảm thông niềm bi kịch này nên đã lấy tên người soạn cũng là người hát ca khúc ấy để đặt tên cho khúc ca. Khúc ca ấy là cội nguồn thi hứng để các thi nhân đời Đường soạn ra vở múa, khúc hát, bài thơ và trở thành một điệu của tân nhạc phủ mang tên Hà Mãn Tử. Cũng từ đó, nó được nhiều thi nhân về sau đặt lời mới, trong đó có Nguyên Chẩn (nhà thơ có lúc làm đến Tể tướng) đã từng phê bác thơ Trương Hỗ là "điêu trùng tiểu kỉ" và đã dìm, không bổ chức quan cho Trương Hỗ khi ông này được Lệnh Hồ Sở tìm cách tiến cử lên vua Đường.

Nguyên mẫu trực tiếp của bài thơ là câu chuyện của một Tài nhân họ Mạnh trong cung vua Đường Vũ Tông vốn rất được vua yêu vì, trước lúc mất đấng quân vương để lộ cái ý muốn cùng nàng chết theo. Mạnh Tài nhân đã hát khúc Hà Mãn Tử rồi tự vẫn. Câu chuyện ấy là tiền đề gợi cảm hứng cho Trương Hỗ viết bài thơ trên.

*

Điểm đặc sắc thứ nhất của bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt này có lẽ trước hết là ở chỗ xét về phương diện ngôn ngữ do sự quy định ngặt nghèo của thể loại, nó đã đạt đến mức giới hạn cho phép. Bài thơ tối đa hai mươi âm tiết, có ba âm tiết phải dành để gọi tên khúc ca và cũng là người soạn và hát khúc ấy: Hà Mãn Tử.

Sự lặp lại thi đề này với dụng ý nhấn mạnh, nên bài thơ chỉ còn mười bảy âm tiết. Ở đây ta mới thấy khả năng cân nhắc chọn lựa từ ngữ của tác giả dù không phải "thôi xao".

Số lượng 17 âm tiết cũng đồng thời là 17 từ, hơn nữa 17 thực từ. Người xưa có câu "thực tự đa, tắc ý giản, nhi cú kiện" (thực từ nhiều, ý sẽ gọn mà câu mạnh". Tác giả tổ chức câu thơ như thế chắc là có chủ ý.

Đáng chú ý hơn là trong 17 âm tiết ấy có đến 6 âm tiết mang từ loại số từ (chiếm tỷ lệ 1/3. Đặc biệt những số từ trong bài thơ được sắp xếp theo một trật tự rất ấn tượng. Xét ở góc độ thi pháp cổ với các khái niệm chương, cú, từ, cách... hoặc nhìn theo con mắt hội họa với phép phối trí thì bài thơ đã tuân thủ luật viễn - cận, thủ - vĩ (đầu - cuối) hô ứng, nhịp nhàng, chặt chẽ đến từng chi tiết. Tổ chức ngôn ngữ của bài thơ theo phương thức kể, tuyệt nhiên không dùng hư từ, tuyệt đối không để lộ tình cảm trực tiếp, cách kể ấy nhằm chuẩn bị điều gì cho bức thông điệp này?

Nếu dựa vào bố cục một bài thơ tứ tuyệt theo cả trục ngang và trục dọc là: khởi, thừa, chuyển, hợp thì ta sẽ thấy câu 1 và câu 2 đều là câu khởi. Ở đây khởi thừa được nhập làm một theo lối minh phá và thuận phá nhằm đáp ứng cái nhu cầu lớn nhất là đem sự việc để nói ra rõ ràng, rành mạch. Cái thế của hai câu thơ đầu gắn bó xoắn xuýt với nhau như rắn và cỏ trên nền đất, chẳng sát mà chẳng rời.

Hai câu thơ trên còn là một lời thông báo, thông báo về số phận của một con người - người cung nữ sống xa cách quê hương đến nghìn trùng diệu vợi và lẻ loi cô đơn sầu muộn đến quá nửa thời xuân sắc vì nàng ở trong cung sâu đến 20 năm! Sang câu 3 (câu chuyển) vẫn là câu kể, tiếp tục ý của hai câu trên. Nó là câu thơ bản lề vì vừa tựa lại vừa mở. Vẫn là số từ nhưng giờ đây đã lùi lại đến hết mức (nhất thanh) cho nên có cái gì đó khác thường sớm xuất hiện.

Ba tiếng Hà Mãn Tử, tên khúc hát điệu múa và cũng là tên người cùng một lúc ập đến. Điều cốt lõi của bức thông điệp ngôn ngữ đã được giới thiệu.

Về nhịp điệu, nhịp thơ của bài thơ này trong bốn câu đều theo nhịp 2 - 3. Nhịp 3 là nhịp đứng sau tức nhịp trọng nên mạnh. Hai câu thơ đầu số từ rơi vào nhịp mạnh, sang hai câu 3 và 4 thì tình hình đảo lộn. Vẫn là nhịp 2- 3 nhưng số từ được đưa về trước (nhất thanh, song lệ). Số từ lùi về nhịp 2 là nhịp yếu để nhường chỗ cho nhịp mạnh nhằm mục đích thông báo điều hệ trọng nhất: Hà Mãn Tử, lạc quân tiền. Từ "lạc" mang nghĩa rơi là thực từ làm vị ngữ duy nhất của toàn bài, đồng thời là nhãn tự cực tả sự bùng nổ để tạo ý và tứ cho toàn bài thơ.

Quê cũ cách xa nghìn dặm trường,

Một mình cung thẳm hai mươi sương.

Một điệu khúc ca Hà Mãn Tử,

Hai hàng lệ nhỏ trước quân vương.

Chừng như câu thơ vỡ oà nước mắt. Tác giả khúc ca Hà Mãn Tử đã khóc. Sau này Mạnh Tài nhân, người hát lại khúc ca ấy cho vua Đường Vũ Tông nghe trước phút lâm chung cũng đã nhoà lệ. Và nhà thơ Trương Hỗ đã cảm thông rơi nước mắt khi viết những dòng thơ trên. Đến cả những người đọc bài thơ này cũng thương cảm cho những số kiếp hồng nhan mà sụt sùi! Bài thơ đã đạt đến chỗ mà người xưa gọi là "cùng", "cùng nhi hậu công" như nhà thơ Hàn Dũ đã phát biểu.

Đặc điểm thứ hai và có lẽ vì thế mà bài thơ được người đương thời ca ngợi là ở chỗ tâm thế, tư thế của người cung nữ. Trong đại đa số cung từ, cung oán, người cùng nữ dù có hận và trách móc vua đến đâu thì ở họ vẫn chưa hề mất đi niềm hy vọng, dẫu rằng niềm hy vọng ấy như đốm sáng leo lét của ngọn đèn sắp tắt, rằng một ngày kia nhà vua sẽ trở lại, y như Nguyễn Gia Thiều đã nói hộ tâm trạng người cung nữ Việt Nam trong "Cung oán ngâm khúc":

Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi,

Những hương sầu phấn tủi sau song.

Phòng khi động đến cửu trùng...

Vâng! Rồi nhà vua có thể trở lại! Biết bao nhiêu đớn đau trong nỗi mong đợi mỏi mòn đó của người cung nữ.

Ngược lại người cung nữ trong bài Hà Mãn Tử sống trong tâm trạng hoàn toàn khác. Nàng đang ở trước mặt vua, đang hát cho vua nghe. Nhưng vì sao vua đang ở bên cạnh, lời hát vừa cất lên đã đẫm nước mắt? Có lẽ dòng nước mắt ở đây, vấn đề bài thơ đặt ra ở đây không chỉ là hạnh phúc cá nhân của một cung nữ. Nếu chỉ là hạnh phúc cá nhân thì điều đó có thể đã không có vì thất sủng, hoặc có thể đang có vì ưu sủng, mà điều mất mát lớn lao hơn thế, vì trước đó là cuộc đời, là quê hương và giờ đây là cái chết, là dấu chấm hết cuộc đời. Ba tiếng Hàn Mặc Tử như một ngòi nổ kích vào đỉnh điểm của một cao trào tâm lý dồn nén như đánh thức tận cùng sâu thẳm của con người. Bài thơ diễn đạt cái tâm trạng "bất thị tư quân thị hận quân" (không phải nghĩ đến người mà hận người). Đó là chưa nói đến tâm thế, tư thế của người cung nữ với sự dũng cảm đối đầu. Theo qui định khắc nghiệt của chốn uy quyền, cung nữ không được khóc, không được cười trước đấng bề trên, kể cả trước mặt các hoàng hậu, thái hậu... nếu chưa được cho phép. Ở đây người cung nữ đang khóc trước mặt vua. Tiếng khóc ấy đã là một sự phạm thượng, khi quân đáng bị tội trảm. Tiếng khóc ấy có thể còn là một sự thách thức, ngầm ý hờn trách nhà vua!

Bài thơ như muốn vươn đến chỗ chúng ta ngày nay gọi là nhân quyền, nhất là quyền phụ nữ, dẫu rằng những khái niệm này còn xa lạ lắm trong thời đại của các cung phi.

Chính Trương Hỗ bằng cảm thức sáng tạo của người nghệ sĩ chân chính thông qua một câu chuyện có thật, ông đã "đoạt thai hoán cốt" tạo ra được một tầm nhìn "dị đại tương liên". Sức rung cảm và khái quát của bài thơ là ở chỗ ấy.

Như là số phận nghiệt ngã, bài thơ, người làm thơ, người được nói trong thơ và cả người được đặt tên cho khúc hát đều lần lượt lâm nạn. Có phải vì thế mà đại thi hào Nguyễn Du đã viết rằng"Văn chương vô mệnh lụy phần dư" (Văn chương không mệnh đốt còn vương). Và phải chăng cũng vì thế mà nhà thơ Đỗ Mục đời Đường, người cùng thời với Trương Hỗ đã viết:

Thất tử (2) luận thi thùy tự công

Tào Lưu tụ tại chỉ huy trung

Khả liên "cố quốc tam thiên lý"

Hư xướng ca từ mãn lục cung.

Tạm dịch:

Thất tử bàn thơ ai sánh cùng

Tào Lưu còn ở dưới tay ông

Khá thương "Quê cũ ba nghìn dặm"

Thành điệu ca ngâm rộn lục cung.

Đến như Trịnh Cốc cũng chỉ biết nói:

Trương sinh "cố quốc tam thiên lý"

Tri giả duy ưng Đỗ Tử Vi

Tạm dịch:

Ông Trương "quê cũ ba nghìn dặm"

Người biết chỉ còn Đỗ Tử Vi.

Một bài thơ tứ tuyệt hay đến thế, tại sao lại tuyệt nhiên vắng bóng trong các bộ tuyển tập thơ Đường ở Việt Nam từ thời các cụ Tản Đà, Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim đến Trần Trọng San, Trương Chính, Bùi Khánh Đản, Trần Đình Sử... khi các vị làm sách? Cho mãi gần đây (năm 1998), tập Đường thi tuyển dịch đồ sộ của Lê Nguyễn Lưu có thể gọi là "Đường thi thất thiên thủ" do người Việt Nam tập hợp mới nhắc đến vài bài cung từ của nhà thơ Trương Hỗ, trong đó có bài Hà Mãn Tử và Tặng nội nhân. Nhưng thật đáng tiếc là dịch giả của tuyển tập thơ trên đã dịch Tặng nội nhân là tặng vợ, và từ quân trong bài thơ Hà Mãn Tử lại dịch là bác, anh. Dịch như thế là chưa chuẩn xác, vì Tặng nội nhân còn có thể hiểu là Tặng cho người ở trong cung (cung nữ) và "quân" trong bài thơ trên phải dịch là nhà vua mới đúng.

Điều đó, phải chăng cũng là một sự tiếp nối những bất công đối với tác giả và với bài thơ này?

 

 

Chú thích:

1. Trương Hỗ (? - 853) người đất Nam Dương, tỉnh Hồ Nam Trung Quốc, sống cùng thời với Nguyên Chẩn, Bạch Cư Dị, Đỗ Mục, Trịnh Cốc, Lệnh Hồ Sở. Ông không làm quan, thích ngao du sơn thuỷ, quen thân với nhiều nhà sư. Ông nổi tiếng thơ viết về cung từ, đặc biệt là bài Hà Mãn Tử. Cần lưu ý, tại bản in "Đường thi tam bách thủ" ở Singapore, trang 427 thì viết chữ Hỗ là ; trong Từ điển Từ Hải do Trung Hoa thư cục ấn hành trang 977 thì không có chữ Hỗ mà chỉ có chữ với âm đọc là Hựu. Từ điển HánViệt của cụ Đào Duy Anh thì không có ghi hai chữ trên. Có lẽ do gần tự dạng mà trong một vài tài liệu, có người ghi Trương Hỗ còn gọi là Trương Hựu?

2. Thất tử chính là Kiến An thất tử, gồm 7 nhà luận thi nổi tiếng thời Đông Hán là: Lưu Trinh, Tào Thực, Vương Xán, Trần Lâm, Nguyễn Vũ, Từ Cán, Ứng Dương.

 

 

 

 

Đặng Ngọc Như
Số lần đọc: 330
Ngày đăng: 17.06.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
118. Mạc Phúc Nguyên. - Hồ Bạch Thảo
Chữ Quốc Ngữ, đôi điều cần minh định - Võ Xuân Quế
Ca dao và thi ca II là triết lý cuộc đời - Võ Công Liêm
Lực lượng sáng tác cho thiếu nhi “Đông nhưng chưa mạnh” - Bùi Minh Vũ
117. Mạc Phúc Hải [1541-1546]. - Hồ Bạch Thảo
Trăn trở sự tồn tại người – giá trị nhân bản trong thơ Văn Cao - Cao Thị Hồng
Cảm tác từ tiểu thuyết “Ultima Promessa” (Ước hẹn cuối cùng) của nhà văn Trương Văn Dân - Nguyễn Phú Yên
Hồn cốt Huế trong “truyện khảo…” của một nhà văn rất Huế - Hoàng Thị Bích Hà
Tiếp nhận thêm ánh sáng từ ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu - Võ Phúc Châu
Đọc những vần thơ cho mẹ - Hoàng Thị Bích Hà