Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.215
123.206.821
 
Buồn vui trước ngưỡng cửa tòa soạn
Trần Trung Sáng

 

Nhân ngày báo chí Việt Nam 21-6

 

 

GẶP LẠI ÔNG “XE THỒ” LÀM BÁO

 

    Cách đây khá lâu, trong 1 dịp tham dự họp mặt cựu học sinh Trần Quý Cáp –Hội An, khi ngồi trong chiếc ô tô trở về lại Đà Nẵng, có lẽ nhờ ông Đỗ Hoàng Thiệu (lúc này là Giám đốc Danabank) sắp xếp, mà tình cờ tôi được ngồi cạnh mấy ông đàn anh oai danh lẫy lừng như: Huỳnh Sơn Phước (Phó TBT  Báo Tuổi Trẻ ), Bùi văn Nam Sơn (Nhà NC-cháu Bùi Giáng)…Thế nhưng, người ngồi phía trước tôi – có một ông nhỏ con, lại chiếm diễn đàn nhiều hơn cả.

 

   Tôi thầm rủa trong bụng: Thiệt tình! Thằng cha trí thức nào lại nổ quá xá!..Tôi khều tay ông hỏi nhỏ: “Anh ơi, hồi xưa anh làm công việc chi ở đây mà thấy anh quen quen?”. Ông quay lại chiếu tướng tôi một phát, rồi lắc đầu nhè nhẹ nói: “Cở cậu sợ chưa biết tui đâu! Chớ hồi trước 75, dân Đà Nẵng là ai cũng biết tui hết. Tui là thằng “xe thồ” của dân Đà Nẵng…”. Thoáng trong vài giây, tôi lập tức nhận ra ông và buộc miệng reo lên: “Dân biểu Phan Xuân Huy!” Nghe vậy, ông ta cũng có phần bất ngờ khoái chí, vỗ vai tôi: “Thằng này khá quá hè!”.

      Phan Xuân Huy nguyên là dân biểu tại Đà Nẵng thời trước 75. Ông từng là giảng nghiệm viên tại Đại học khoa học Huế. Năm 1964, ông lãnh đạo phong trào chống hiến chương Vũng Tàu tại Đà Nẵng…Tuy nhiên, câu chuyện tôi kể dưới đây là 1 kỷ niệm giữa tôi và ông PHAN XUÂN HUY trong những ngày đầu giải phóng…

 

TRƯỚC NGƯỠNG CỬA TÒA SOẠN BÁO TIN SÁNG

 

Sau 30-4-75 chưa được bao nhiêu ngày, tôi gặp lại thằng bạn học cũ ở trường Phan Châu Trinh bây giờ đang rất bận rộn, vì vốn có nhiều đóng góp dính líu đến hoạt động CM. Có lẽ để trả ơn chuyện ngày xưa hắn bị giam ở trại cảnh sát Gia Long, thỉnh thoảng tôi có vào thăm nuôi vài lần, nên một cách rất chân tình và nồng nhiệt khi gặp lại nhau, hắn khuyên tôi nên vào Sài Gòn,  hắn sẽ nhờ người bảo lãnh cho tôi làm nghề báo – một việc mà hồi ngồi cùng ghế nhà trường, tôi và hắn đều khát khao. Vậy là trên tay tôi có một lá thư dày cộm ngoài bì ghi tên người nhận là: Phan Xuân Huy, địa chỉ: tòa soạn báo Tin Sáng.

 

    Trước đó, tôi từng có ghi danh học khóa báo chí hàm thụ tạp chí Thời Nay của Nguyễn văn Thái ở SG, nên cũng hình dung được ít nhiều bộ máy tổ chức của một tòa soạn. Ấy thế mà lần đầu bước vào tòa soạn TS, tôi thật choáng ngợp. Đó là 1 khu nhà to rộng, vài ba tầng. Tôi bước vào tìm ông PXH thì người hướng dẫn chỉ tôi lên tầng hai, vào lúc các ký giả đang họp. Tôi nhìn thấy bộ máy này có đến gần 100 người. Toàn là những người trung niên, lớn tuổi rât gạo cội, chứ ko có người trẻ (thực ra báo này trước 75 thuộc ê kíp các dân biểu đối lập của Ngô Công Đức, nay được tổ chức lại). Tôi chờ hồi lâu, sau khi cuộc họp giải tán, thì may quá gặp ông Huy ngay.

 

Ông Huy dẫn tôi vào phòng riêng, mời ngồi rồi bóc thư ra đọc. Nội dung thư, nêu rõ tôi là người bạn mà tác giả lá thư mang nhiều ân nghĩa (dù vậy tôi vẫn chưa biết ông H với thằng bạn tôi quan hệ thế nào) và đề nghị bằng mọi cách ông bảo lãnh tôi vào làm việc báo TS, kể cả nhờ luôn ông giúp tôi chỗ ở tại gia đình ông hoặc cách nào tốt nhất. Đọc xong thư, ông Huy vỗ tay xuống mặt bàn cái rầm thốt lên: - Trời ơi, bọn em ko biết chi hết. Tôi có là cái thá chi ở đây! Thế rồi khi to khi nhỏ, khi như chửi bới…, ông dân biểu (nay là ký giả) chống Mỹ rất anh hùng trong con mắt tôi thời niên thiếu, cho hay nhà ông đã bị ở diện trưng thu, xe hơi ( hình như La Dalat hoặc Con cóc gì đó) cũng bị giữ không cho chạy. Nói cho cùng, ông chẳng là cái đinh gì hết trong cái tờ báo của chính quyền CM. Cuộc gặp gỡ ông PXH làm tôi cụt hứng ngay buổi đầu tiến đứng trước ngưỡng cửa tòa soạn báo chí CM mà tôi hằng mơ mộng.

 

     Trở lại câu chuyện tôi gặp lại ông Phan Xuân Huy sau cuộc họp cựu học sinh trường TQC, mặc dù khi chia tay, ông Huy thể hiện lưu luyến, trao danh thiếp, dặn tôi thỉnh thoảng điện cho ông, nhưng đến tận ngày nay, tôi vẫn chưa bao giờ kể ông nghe lại cái lần tôi gặp ông ở tòa soạn Tin Sáng. Năm tháng rồi mọi thứ cũng trôi qua, tôi vẫn mong sao ông Huy khỏe mạnh, sống thật lâu để làm nhân chứng cho 1 giai đoạn lịch sử đầy hào hùng mà cũng vô cùng khúc mắc…

 

NHUẬN BÚT ĐẦU TIÊN TRÊN BÁO TUỔI TRẺ

 

Sau 10 năm ngày đất nước hoà bình (1985), tôi mới bắt đầu có cái truyện ngắn đầu tiên trên báo Tuổi Trẻ. Thời đó và kể cả đến bây giờ, mỗi truyện ngắn trên báo TT được trả NB rất cao, thậm chí cao nhất nước. Tuy nhiên, tôi sẽ không bao giờ biết được chính xác số tiền NB về cái truyện đầu tiên của tôi trên báo TT là bao nhiêu? Bởi vì tiền đó, trong sổ NB đã có người khác ký rồi.

 

Tuy nhiên, sau này hỏi ra, tôi không hề giận dỗi hay oán trách chi cái người ký tên vào ô nhuận bút của tôi. Bởi nó chính là đứa đã viết thư giới thiệu tôi đến gặp dân biểu Phan Xuân Huy trong những ngày đầu giải phóng tại báo Tin Sáng (dù việc bất thành) như đã nói ở phần trên. Sau này, gặp lại nó tôi hỏi: “Sao ông dám ký nhuận bút của tui?”. Nó bảo: “Hôm đó tao đang ngồi nhậu với ĐTQ và vài đứa ở báo TT, đọc thấy truyện của mày, tao ngạc nhiên quá! Bởi vì xưa nay chẳng có cây bút trẻ nào ở ĐN ló mặt được lên TT. Hơn nữa chắc mày không vô…Tao chạy tới ký nhận đi nhậu tiếp luôn!”.

 

NHUẬN BÚT BÁO THANH NIÊN BỊ “XÙ”…VÌ CUỘC CHIẾN I-RẮC

 

Khoảng những năm 88 đến 95 là giai đoạn tôi cộng tác báo Thanh Niên nhiều hơn cả. Nhuận bút  của báo Thanh Niên, nhất là các tờ báo Tết cũng thường được xếp vào loại khủng, gây sự bàn tàn trong dân cầm bút nghèo đói. Tuy nhiên, 1 trong những cái NB ấy (rơi đúng vào cái Tết con Dê với bài viết “ Con Dê trong hình tượng nghệ thuật tạo hình VN”) đã để lại cho tôi 1 kỷ niệm dỡ khóc dỡ cười. Bởi tự nhiên, nó lại liên quan đến cuộc chiến tranh I-Rắc (thời G. Bush cha).

Nguyên nhân sự việc là thế này: Lúc cận Tết, tôi có quen 1 cô giáo dạy tiếng Anh. Tôi đề nghị cô này hợp tác dịch 1 truyện ngắn về đề tài con Dê để in trên báo Xuân QNĐN, với lời hứa hẹn sẽ tặng hẳn cái NB đó cho cô ta. Báo Tết ra, tôi làm đúng y lời hứa.

 

Vài ngày sau, báo Xuân Thanh Niên lại ra. Ở Đà Nẵng, ngoài bài viết của tôi (chẳng liên quan chi cái truyện dịch tiếng Anh nói trên), có sự kiện in 1 truyện ngắn của cây bút nữ Bích Hồng (cũng đang là PV báo QNĐN) gây xôn xao dư luận, không chỉ bởi nội dung truyện ngắn (nghe nói sau này có dịch lại trên báo chí bên Pháp), mà còn ở chỗ BH đã nhận cái NB khủng chưa từng có ở ĐN (cũng là nghe nói như vậy). Trên các tờ báo, NB cao nhất thường rơi vào thể loại Truyên ngắn, Phóng sự, kế đến là các bài viết lý luận nghệ thuật. Bởi vậy, tôi rất hồi hộp chờ đợi đến phiên mình nhận NB về con Dê trên TN…

 

Một hôm, bất ngờ, bên Nhà Thiếu nhi ĐN nhắn tôi qua để nhận món tiền gì đó của một người bạn vừa từ chiến trường I-Rắc trở về. Hỏi tới hỏi lui mới biết ra: anh LVT – một  người bạn thân của BBT báo TN đang công tác bên I-Rắc, do bên đó cuộc chiến bùng nổ bất ngờ…nên toàn bộ người Việt phải rút về nước. Trên đường về nước, LVT ghé qua báo TN, và được BBT nhờ đem NB về giao cho tôi tại Nhà TN (họ tưởng tôi làm việc ở đây). Cuối cùng số tiền này, theo sự hướng dẫn của chị HH (làm Thư viên NTN – vợ nhà báo LĐH), anh LVT giao cho cô giáo dạy tiếng Anh bạn của tôi. Tôi đi tìm cô này hỏi lại, thì cô ta bảo: Anh qua I-Rắc mà lãnh. A bảo tất cả NB báo Xuân của anh tức là của em mà!

Từ đó đến nay, cô giáo tiếng Anh đã biến mất khỏi cuộc đời tôi. Và do vậy, tôi ko thể nào biết được con Dê của tôi trên báo TN là bao nhiêu?

                                                                                          

 

 

Ảnh: 1/ Ông Phan Xuân Huy qua góc nhìn hoạ sĩ Chóe

2/ Tài liệu lớp học báo chí hàm thụ ThờiNay thời trước1975

           3/ Chân dung TTS thời trai trẻ được giới thiệu trên báo Thanh Niên (Số cuối tuần Tháng 6/1991)

 

 

 

Trần Trung Sáng
Số lần đọc: 377
Ngày đăng: 23.06.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trò chuyện với một đạo diễn trẻ chuẩn bị làm phim về Hành giả Minh Tuệ - Nguyễn Anh Tuấn
Chuyện hồi nhỏ học sinh ngữ pháp rồi mê sách hình tiếng Pháp - Phạm Nga
Về “ Một cõi tâm” bên dòng Linh Giang - Nguyễn Tiến Nên
Cuộc khát sống của con tê giác Việt Nam cuối cùng - Nguyễn Hàng Tình
Cách sống khôn khéo của con người giữa thần và ma - Phạm Nga
Chuyện ngôi mộ của niềm hóa giải - Nguyễn Hoàn
Du xuân Yên Tử ký - Phan Anh
Ước nguyện hòa bình - Minh Tứ
Đẹp Tuyệt Đỉnh Là Phải… Cô Liêu - Nguyễn Hàng Tình
Về quê ăn tết với cái bụng đói - Phạm Nga
Cùng một tác giả
Những que diêm (truyện ngắn)
Trái tim con rồng đá (truyện ngắn)
Mát - xa (truyện ngắn)
Người vác chõng tre (truyện ngắn)
Đêm giáng sinh (truyện ngắn)
Đêm trắng phập phù (truyện ngắn)
Bầy ngựa bơ vơ (truyện ngắn)
Họp lớp (truyện ngắn)
Thơ xích lô (tạp văn)
Con gái (truyện ngắn)
Dì ghẻ (truyện ngắn)
Chú hề làng (truyện ngắn)
Ngày Cậu Cóc Ra Đi (truyện ngắn)
Chùa xưa (truyện ngắn)
Bản tin giờ thứ 25 (truyện ngắn)
Giã từ "mưa Huế" (nghệ thuật)
Chiếc nhẫn cưới (truyện ngắn)
Chuyện ngọ xưa (truyện ngắn)