Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.198
123.205.052
 
Hạ Long miền nhớ
Phan Anh

 

Đã không ít lần đến thành phố (trước đây là thị xã) biển Hạ Long, dù đi chơi hay đi công chuyện, nếu có ở Bãi Cháy tôi cũng thường hay ghé lại Hòn Gai, khi thì ra chơi chợ để ngắm nhìn những hàng cá tôm la liệt trong mỗi buổi sớm mai, lúc lại lững thững dạo bước dưới những chân núi ven biển hay leo lên ngọn Dọi Đèn (tên Hán Việt là Truyền Đăng và bây giờ thường gọi là núi Bài Thơ) để thả hồn, phóng mắt ra với bốn bề trời đất của non nước Hạ Long. Lần nào cũng vậy cảm xúc về thành phố bên bờ biển xinh đẹp lúc nào cũng tươi mới, dâng trào và gợi lên bao điều khoái cảm với muôn vẻ sắc thái từ trầm ngâm, sâu lắng cho đến sảng khoái, say mê một cách thích thú, khó quên.

 

  1. Trên bến phà xưa, bâng khuâng một chiều phố biển
  2.  

Nhớ lại, những chuyến phà của phố biển Hạ Long nay chỉ còn lại trong ký ức. Trên thực tế, nối hai bờ sông Cửa Lục (eo biển Hạ Long) bây giờ là cầu Bãi Cháy, nằm trên quốc lộ 18, từng được đánh giá là cây cầu dây văng mặt phẳng lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Trở lại với một thời để nhớ, trước đó, cách đây gần 20 năm (ngày 2 tháng 12 năm 2006 cầu Bãi Cháy chính thức được thông xe) nối hai bờ vui của Bãi Cháy và Hòn Gai này là những chuyến phà neo đậu bên hai bờ eo vịnh. Theo tư liệu lịch sử của vùng đất mỏ, tháng 3 năm 1883, những chiếc tàu chiến của Pháp tiến vào Cửa Lục và đóng quân trên đỉnh đồi Bãi Cháy đã mở ra 72 năm chiếm đóng và khai thác vàng đen trên vùng đất này. Kể từ ngày quân Pháp chiếm đóng và khai thác vùng than cũng là những ngày mở ra những trang sử đầu tiên của bến phà. Nếu lấy mốc thời gian ấy mà tính cho đến ngày dừng hoạt động, bến phà Bãi Cháy cũng có một quá trình hoạt động trên 120 năm. Một khoảng thời gian quả là không ngắn. Với chừng ấy năm bến phà không chỉ là một phần máu thịt mà đã trở thành một chứng nhân lịch sử của vùng đất mỏ. Trong những năm tháng đau thương và quật khởi trước cách mạng bến phà từng đau đớn bao nhiêu khi phải nhìn dòng người lầm than nhẫn nhục còng lưng đẩy than cho kẻ thù xâm lược thì lại sung sướng tưng bừng náo nức bấy nhiêu khi được chứng kiến dòng người với cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới chào đón đoàn quân cách mạng. Và không phải nơi nào khác ở trên đất mỏ, chính nơi đây, ngày 25 tháng 4 năm 1955, bến phà này một lần nữa được chứng kiến thời khắc kết thúc 72 năm chiếm đóng của người Pháp trên đất mỏ Quảng Ninh. Rồi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bến phà ấy cũng là một trọng điểm đánh phá của kẻ thù xâm lược. Theo như thống kê, không quân Mỹ đã có trên 70 trận đánh phá bến phà Bãi Cháy với hàng nghìn tên lửa và hơn 500 quả bom hòng chia cắt hoạt động vận chuyển vũ khí cũng như kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh nói riêng và miền Bắc nói chung. Nhắc lại qua những năm tháng đau thương và hào hùng ấy để thấy rằng dẫu thời gian có đi qua, dù dấu vết của một thời hoa lửa ở nơi đây dẫu có phôi pha nhưng ký ức về những năm tháng bất khuất, kiên cường trên bến phà Cửa Lục vẫn cứ còn vẹn nguyên trong ký ức của bao thế hệ con người vùng than.

 

Theo ước tính, cây cầu Bãi Cháy khi chưa khánh thành, mỗi ngày bến phà nơi đây từng chứng kiến khoảng 700 chuyến phà trở đi trở về trên hai đầu bến với trên dưới 5 vạn hành khách. Một con số quả không nhỏ. Chỉ vậy thôi chúng ta đủ thấy sứ mệnh to lớn và vinh quang của bến phà trên vùng đất vịnh Cửa Lục. Tuy nhiên sự phát triển và thay đổi là quá trình vận động tất yếu. Lịch sử lật sang trang mới thì đôi bên bờ bãi của bến phà cùng những chiếc phà xưa sẽ chỉ còn lại trong ký ức và chuyển dần thành những câu chuyện cổ tích về những năm tháng đã đi qua tựa như một đi không trở lại, hoặc nếu có khôi phục thì bến phà và những hoạt động của nó cũng mang một ý nghĩa khác (phục vụ khám phá, trải nghiệm, hoài niệm, du lịch …).

 

Bây giờ thay cho bến bãi giữa hai bờ eo biển và những chuyến phà hàng ngày cần mẫn đưa khách qua sông của một thủa xa xưa là một cây cầu dây văng hiện đại và bề thế. Dẫu vẫn biết, cây cầu Bãi Cháy sau khi khánh thành sẽ không chỉ tạo thuận lợi cho việc kết nối giao thông giữa hai trung tâm văn hóa là Bãi Cháy và Hòn Gai của thành phố Hạ Long mà còn tạo sự thông nối huyết mạch cho tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Bắc đất nước. Chẳng những vậy, cây cầu ấy còn là niềm tự hào, hãnh diện của không chỉ của tỉnh Quảng Ninh mà còn là của cả đất nước. Chúng ta không tự hào và hãnh diện sao được khi cây cầu ấy được mang trong mình một kỷ lục đứng đầu thế giới. Đó là chiều dài (khẩu độ) nhịp chính lên đến 435 m, bằng kết cấu nhịp bê tông cốt thép dự ứng lực với dầm hộp được treo trên một mặt phẳng dây văng ở giữa. So với kiểu cầu cùng loại được ghi nhận khi ấy trên thế giới chúng ta thấy có cầu Elom (Pháp) có chiều dài nhịp chính tương ứng là 400 m; cầu Brotonne (Pháp) có chiều dài nhịp tương ứng là 320 m; cầu Sunshine Skyway (Mỹ) có nhịp chính tương ứng dài 366 m, cầu Puenete Coatzacoaltos (Mexico) có nhịp chính tương ứng dài 288 m.

 

Theo các thông số kỹ thuật ghi nhận, cầu Bãi Cháy dài 2487 m có 6 nhịp, chiều cao thông thuyền là 50 m, trụ cao nhất là 137, 5 m, mặt cầu rộng 25, 5 m, chịu được động đất cấp 7, gió bão với tốc độ 180 km/ h. Đứng từ xa nhìn lại, cây cầu có dáng hình rất thanh mảnh. Nó giống như dải lụa vắt ngang eo biển để nối hai quả núi bên đôi bờ Hạ Long và in bóng lung linh xuống mặt nước màu ngọc bích của dòng Cửa Lục trông rất thơ mộng. Khi màn đêm buông xuống, dàn dây văng dài hơn 230 m được trang trí đèn led với đủ các sắc màu kéo thẳng căng từ đỉnh các cột trụ xuống hai bên thành cầu làm cho cây cầu hiện lên trong trí tưởng tượng của mọi người giống như một cung đàn huyền ảo khổng lồ hòa trong gió biển vi vu tô điểm cho phố biển thêm rực rỡ và cũng trở thành một cảnh quan du lịch đầy thơ mộng, hấp dẫn. Đặc biệt, trong ánh bình minh hay buổi hoàng hôn cầu Bãi Cháy giống như một tiên cảnh hiện lên đường bệ và tráng lệ trên mặt nước Hạ Long làm người ta không khỏi thích thú, ngây ngất.

 

Đứng trên cầu Bãi Cháy ta sẽ được thỏa sức hòa mình vào trong gió biển nồng nàn mát rượi và không khỏi nhớ về một thời hào hùng quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của đội quân do Nhân Huệ Vương - Trần Khánh Dư chỉ huy trên dòng Cửa Lục hơn bảy trăm năm trước với những trận phục binh thủy chiến oanh liệt để phá tan đoàn quân lương hùng hậu với hơn 70 chiến thuyền của đế quốc Nguyên Mông do tướng Ô Mã Nhi và Trương Văn Hổ rầm rộ tiến vào xâm lược Đại Việt. Bâng khuâng trên dòng chiến địa, dõi mắt nhìn sóng nước lấp lánh xôn xao ta cứ ngỡ thạch lương của quân Nguyên vẫn còn đâu đó dập dềnh hay bùng cháy dữ dội trên mặt biển xanh bao la mà lòng đầy cảm khoái. Rồi bất giác trong lòng lại chợt nhớ về những chuyến phà của một thời lam lũ hàng ngày từng lặng lẽ đưa khách quá giang trên đôi bờ cửa vịnh với “bên kia Bãi Cháy bên này Hòn Gai”. Cứ thế, dòng người tấp nập, hối hả với tiếng máy nổ, còi xe inh ỏi trên đôi bờ lên xuống cùng tiếng còi hú báo hiệu trên những chuyến phà mỗi khi dời bến lại hiện về nguyên vẹn trong ký ức. Những kỷ niệm thời đó giờ đây quả là đã trở thành một thời để nhớ. Những chuyến phà dĩ vãng nay chỉ còn hiện về trong ký ức. Nhớ vậy mà lòng không khỏi bâng khuâng, vấn vương, tiếc luyến về một thời gian khó với những chuyến phà hối hả, lấm láp nhưng ăm ắp những kỷ niệm chẳng dễ gì phôi pha.

 

  1. Thăm núi Dọi Đèn, mê mải nước non tuyệt mỹ.

 

Núi Dọi Đèn bây giờ được gọi là núi Bài Thơ. Ngọn núi này nằm ngay bên bờ biển với nhiều đỉnh, nhiều mỏm núi đá chênh vênh, nhấp nhô hướng lên trời xanh và bao quanh dưới chân núi là phố thị sầm uất, nhộn nhịp suốt đêm ngày. Nhìn tổng thể, phía Tây và phía Nam của núi tiếp giáp với vịnh biển và có một cung đường bao quanh, chạy dọc theo bờ biển, hiện được coi là đẹp vào hàng bậc nhất của cả nước. Dưới chân núi là một trung tâm văn hóa tâm linh với chùa Long Tiên được coi là cổ tự linh thiêng ở Hòn Gai và đền thờ Đức ông Trần Quốc Nghiễm, một danh tướng của nhà Trần, con trai của Hương Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người có rất nhiều công lao trong những trận chiến chống quân Nguyên Mông ở vùng Đông Bắc Tổ quốc. Xa hơn một chút, cùng với một không gian văn hóa tâm linh, dưới chân núi Bài Thơ còn có một không gian văn hóa khác gồm nhà bảo tàng và thư viện rất hiện đại, thơ mộng nằm ở phía Bắc, cũng ở ngay bên bờ vịnh di sản. Những không gian văn hóa này hô ứng với nhau làm thành một điểm nhấn du lịch mà người ta khó có thể không biết đến mỗi khi xê dịch đến đất mỏ Hòn Gai.

Núi Bài Thơ nguyên là một núi đá vôi, xanh rợp bóng cây nhìn giống như một lâu đài đá lộng lẫy, nguy nga nằm bên bờ biển Hòn Gai. Đỉnh cao nhất của núi theo wikipedia là 168 m, trông có hình ngọn mác, trên đỉnh có treo lá cờ tổ quốc đỏ tươi tung bay trong gió. Từ xa nhìn lại, ở những góc nhìn khác nhau, tùy vào trí tưởng tượng của người xem mà người ta thấy ngọn núi có nhiều dạng hình, khi thì là con hổ, lúc lại là con sư tử hoặc con rồng đang chuẩn bị bay về phía biển … Và theo tự liệu để lại người ta bảo, ngọn núi thi ca này trước khi được coi là biểu tượng văn hóa lịch sử của người Hạ Long thì đã từng được xem là một đài viễn vọng ở nơi cửa biển tiền tiêu của tổ quốc trong suốt thời phong kiến, kể từ trước thời nhà Lê.

Xưa kia, trên đỉnh núi Dọi Đèn, các triều đình phong kiến đã lập các đồn trú để quan sát, canh phòng vùng biển biên viễn xa xôi. Bình thường, những người lính trạm gác núi treo một chiếc đèn lồng rất lớn trên đỉnh núi để báo hiệu về kinh thành Thăng Long rằng biển trời đất nước nơi tiền tiêu được bình yên. Và khi có giặc ngoại xâm xuất hiện ở ngoài cửa biển họ liền lấy củi khô trộn phân chó sói và đốt lên trên đỉnh núi. Khi ấy lửa và khói bốc lên cao, các trạm gác khác nhận tín hiệu và cứ thế truyền thông tin cho nhau về Thăng Long để triều đình nắm bắt và định liệu phương kế động binh bảo vệ đất nước. Cũng từ sự kiện này mà núi có cái tên Hán Việt là Truyền Đăng, tên nôm na người dân thường gọi là Dọi Đèn.

Núi Dọi Đèn là một ngọn núi đặc biệt trong hàng trăm ngọn núi nằm dọc ven biển Hạ Long. Cái nét đặc biệt ấy không hẳn do độ cao vì nó không phải là ngọn núi cao nhất; không phải do dáng hình nên thơ vì ở bên bờ vịnh còn có rất nhiều ngọn núi đẹp đẽ và mơ mộng khác. Có lẽ cái khác biệt của núi này ở Hạ Long là do trên núi được đề thơ của các đấng quân vương và tao nhân mặc khách. Trên núi có 12 bài thơ được chạm khắc lên các vách đá, trong đó nổi tiếng nhất là bài thơ của vua Lê Thánh Tông và chúa Trịnh Cương.

Người ta kể rằng, năm 1468, vua Lê Thánh Tông mang thủy quân đi duyệt binh trên sông Bạch Đằng và tuần tra xứ An Bang (tên gọi của vùng đất Quang Ninh ngày nay). Đoàn quân của đức vua đã vượt biển Đông và tiến về đóng quân ở núi Dọi Đèn, nơi có quân đồn trú. Nhà vua đã lên núi quan sát cửa biển. Trong cảnh đất nước thái bình, đứng trên đỉnh núi cao vua Lê Thánh Tông lại thu được vào trong tầm mắt của mình cả một vùng trời biển Hạ Long bao la với núi non hùng vĩ, thơ mộng. Tức cảnh sinh tình, đức vua đã ứng khẩu đọc một mạch bài thơ trước ba quân và sai người mài đá khắc vào vách núi. Bài thơ được khắc vào vách núi phía Nam. Nội dung bài thơ được nhà thơ Trần Nhuận Minh dịch lại như sau: “Nhận nước trăm sông sóng cuộn đầy/ Núi bày cờ thế, biếc liền mây/ Xưa theo kẻ khác luôn bền chí/ Giờ đã tung hoành một chớp tay/ Ðế Chủ điệp trùng quân hổ mạnh/ Hải Ðông đã tắt khói lang bay/ Trời Nam muôn thuở non sông vững/ Yển vũ tu văn dựng nước này!”. Có thể nói vượt lên ý nghĩa của một sáng tác văn học. Nhìn ở góc độ tư tưởng, bài thơ của Lê Thánh Tông có thể coi là một bản tuyên cáo về hòa bình của dân tộc và tuyên bố về chiến lược xây dựng phát triển đất nước. Cũng kể từ sự kiện này mà núi Dọi Đèn được đổi tên thành núi Bài Thơ và cái tên gọi ấy tồn tại và được sử dụng phổ biến đến ngày nay.

Và rồi, sau 261 năm, đến năm 1792, chúa Trịnh Cương đã họa lại bài thơ của Lê Thánh Tông nhân một chuyến “đi chơi làm phép”, “cưỡi binh thuyền ra tới biển Đông, trông thấy núi non như vẽ. bể lặng sóng trong, quân thủy bộ đều mạnh mẽ như hổ, vang lừng như sấm, tinh thần khi ấy mới sinh hứng thú, bèn thuật theo vần thơ đề vách đá trước, làm ra bài thất ngôn” (lời tựa của chúa khắc trên vách núi – Nguyễn Duy Niên dịch). Nội dung bài thơ của chúa Trịnh Cương cũng được nhà thơ Trần Nhuận Minh dịch lại như sau: “Mênh mông sông tụ triều lên/ Nước in bóng núi, núi in bóng trời/ Bàn tay tạo hóa tuyệt vời/ Thần kỳ nhuần thấm lòng người bấy nay/ Giặc Nguyên xưa bắt ở đây/ Giờ xuân sáng, khói hoa bay quanh người/ Cuộc chơi ai cũng vui cười/ Các quan ca tụng biển trời lặng trong”. Có thể thấy, qua lời họa của nhà chúa, lần đầu tiên người đọc thơ thấy vịnh Hạ Long hiện lên với một vẻ đẹp đầy đủ, kỳ thú như những gì vốn có của một cảnh quan du lịch kỳ thú trên biển mà tạo hóa ban cho Quảng Ninh mà chẳng nơi nào có được: “Nước in bóng núi, núi in bóng trời”, “Giờ xuân sáng, khói hoa bay quanh người” …

 

Đó là những chuyện núi duyên nợ với hồng trần. Tuy nhiên đến Hòn Gai nếu chưa leo được lên đỉnh núi Dọi Đèn để ngoạn cảnh Hạ Long là một điều thiệt thòi đối với những ai mê luyến cảnh đẹp. Con đường dẫn lên núi xen lẫn vào các ngõ xóm của cư dân. Đỉnh núi tuy không cao lắm nhưng lên đến nơi cũng mất chừng khoảng gần một tiếng. Trên hành trình leo núi người lên vừa leo vừa thở hổn hển, khi bước băng băng khi lại dừng nghỉ nhẩn nha để thưởng thức hương thơm gió mát của cây trái và nhất là cái mùi vị nồng nàn, mặm mòi xa xăm của biển khơi được đưa về trong gió. Theo những bậc thang vòng vèo lên lên xuống xuống, chỗ quang chỗ rậm bên các vách núi cheo leo người đi lên núi cũng sẽ được trải nghiệm qua nhiều cung bậc khác nhau của cảm xúc trước sự kỳ diệu của tạo hóa. Khi chạm đỉnh ta sẽ thấy cả một Hạ Long hiện ra đẹp như bức tranh thủy mặc vừa được thu vào trong tầm mắt. Nhìn ra xa phía biển là cảng nước sâu Cái Lân. Đưa mắt khắp lượt trên vịnh biển ta sẽ trông thấy hàng trăm hàng nghìn hòn núi đá vôi xanh rì nhấp nhô như đang đuổi theo nhau giữa bao la sóng nước lăn tăn màu ngọc bích cùng những cánh buồm thấp thoáng ngược xuôi. Ngắm nhìn núi non trên biển biếc như thế ta chợt nhớ về truyền thuyết rồng hạ trên biển mà ngộ ra trí tưởng tượng diệu kỳ và cái lý của người xưa khi đặt tên cho vùng biển là Hạ Long. Cứ thế ngắm nhìn non nước mây trời Hạ Long ta không thoát khỏi cái cảm giác bị choáng ngợp trước thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng. Đặc biệt, nếu lên núi vào buổi hoàng hôn chúng ta như được thưởng thức một bữa tiệc thị giác có thể nói gọn lại bằng hai chữ diệu kỳ. Lúc đó ta sẽ mãn nhãn khi thấy cả không gian Hạ Long hiện lên lộng lẫy, rực rỡ như mới được rát vàng. Núi non, sóng nước trong vịnh biển lóng lánh ánh vàng dưới vòm trời như đang bùng lên rực lửa một cách mơ màng và tráng lệ. Nhìn về phố biển bên kia eo biển Cửa Lục, cầu Bãi Cháy hiện lên trong tầm mắt giống như một cây đàn vĩ đại đang được bày đặt trên một sân khấu khổng lồ của vũ trụ ở nơi cửa biển. Ngó xuống chân núi là con đường rộng thênh thang, dài hút tầm mắt, uốn lượn mềm mại như dải lụa bên biển, đẹp mê mẩn cùng cuộc sống nhộn nhịp hiện đại của phố phường với những ngôi nhà tươi mới nhấp nhô mọc lên san sát bên các tòa cao ốc chọc trời. Mê mải ngắm nhìn phố biển Hạ Long từ đỉnh núi Bài Thơ bất chợt ta nhận ra một sức sống mới, tươi trẻ, căng tràn nhựa sống ở vùng trời Đông Bắc.

 

Lên núi Dọi Đèn, ta phải thừa nhận đây là điểm nhìn phố biển đẹp nhất ở Hạ Long. Chẳng những thế ở trên ngọn núi này người ta sẽ chọn được vô số viu (view) đẹp để ngắm nhìn non nước Hạ Long. Bởi thế những người mê ảnh thường hay lên núi để chek -in, sống ảo trên ngọn núi. Từ trên đỉnh núi cao, một bức tranh sống động về vịnh biển đẹp đến mê hồn hiện lên trước mắt một cách đầy quyến rũ chứ không phải là những bức ảnh hay những thước phim được trích xuất ra từ flycam. Ở trên đỉnh núi Bài Thơ người ta có cảm giác như đang được hòa mình vào với đất trời. Người ta thấy góc nhìn nào cũng đẹp. Ở bất kỳ chỗ nào, dù trông về phía biển hay nhìn vào trong phố thì nơi nào Hạ Long cũng hiện lên như một bức tranh 3D sẵn sàng làm khung nền tôn vinh cho mọi vẻ đẹp xinh xắn, đầy cá tính của những tín đồ mê chek-in. Bởi thế bảo sao giới trẻ hay rủ nhau lên núi …

 

Núi Dọi Đèn không chỉ là thiên đường sống ảo, không chỉ là nơi lưu bút của các văn nhân. Chốn thiên đường ấy còn chứa đựng rất nhiều dấu tích của một thời hoa lửa. Bởi vậy lên núi người ta như thể đang đi giữa một thế giới của những bảo tàng sống động giữa lưng trời giữa bốn bề vách đá. Đây đó từ dưới chân núi lên đỉnh núi ta vẫn còn nguyên những hang Cơ khí chỗ này hang Nhà trẻ chỗ kia, nọ là cửa hàng Mậu dịch, đấy là hang Lớp học hay Trạm Cứu thương, Trung tâm Điện chính Bưu điện Quảng Ninh … Đi giữa cái bảo tàng tự nhiên ấy người ta sẽ như được sống lại với muôn vàn ký ức hào hùng của một thời chiến tranh oanh liệt trên ngọn núi được mệnh danh là pháo đài bất khả xâm phạm của vùng biển Hạ Long. Có lẽ cũng bởi cái sự gắn bó máu thịt như thế mà núi Bài thơ với người đất mỏ không chỉ là một kỳ quan mà còn là hơi thở, nhịp đập trái tim của mỗi con người đất mỏ.

 

Lang thang trong miền nhớ Hạ Long, ngẫm thấy, vùng đất cửa biển này quả là nơi hội tụ của những sơn kỳ thủy tú. Sông núi, biển cả, mây trời nơi đây lúc nào cũng hiện lên sắc xuân tươi đẹp, rực rỡ tựa như gấm hoa. Non nước ấy vừa mang vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ vừa có nét từng trải mặn mòi, quyến rũ. Và, cũng chẳng biết từ khi nào thành phố thanh tân và kiều diễm bên bờ vịnh di sản ấy đã trở thành nơi muốn đến của biết bao người phương xa và cũng là một miền nhớ trong nỗi niềm của biết bao người đất mỏ. Cứ vậy cái miền nhớ Hạ Long khiến cho ai đã đến rồi hay người phải rời xa lúc nào cũng bị “đắm chìm trong nỗi nhớ” mênh mang!

 

 

Cầu Bãi Cháy nối đôi bờ Cửa Lục

 

 

Toàn cảnh núi Dọi Đèn nhìn từ bảo tảng Quảng Ninh

 

 

Vịnh Hạ Long trước hang Sửng Sốt

 

 

Phan Anh
Số lần đọc: 163
Ngày đăng: 24.06.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sài Gòn nắng cũng lắm mong manh - Bùi Hoàng Linh
Cành hồng nghiêng ngã… - Phạm Nga
Sương nắng phôi pha - Nguyễn Thỵ
Nắng hạn, nước và phận người - Phan Trang Hy
Beijing lá phong vàng (8) - Nguyễn Linh Khiếu
Beijing lá phong vàng (7) - Nguyễn Linh Khiếu
Ngày lễ mẹ - Tiểu Lục Thần Phong
Thượng lũng xanh - Phan Anh
Máu trong tôi, máu của bao người - Phan Trang Hy
Beijing lá phong vàng (6) - Nguyễn Linh Khiếu