Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.211
123.205.768
 
Hà Nội - Nhìn thoáng qua Hồi Ký Vũ Ngọc Phan
Phan Văn Thạnh

 

 

Mang tiếng gốc gác (làng Thường Lệ,Huyện Mê Linh - Hà Nội) nhưng bố mẹ di dân phương Nam - gặp nhau(trước 1945), tôi thì gửi cuống nhau tại địa chỉ 284 đường D’Arras - Cống Quỳnh,Q1 Saigon(Bảo sanh viện Từ Dũ) - lập thân,lập nghiệp đi giữa hai bờ mưa nắng của Hòn ngọc Viễn Đông suốt từ bấy đến nay (hơn 75 năm cuộc đời) - soi gương thấy bóng đầy mây/đường trần cao thấp,thân này bôn ba (PVT)- cho nên Hà Nội trước đây với tôi chỉ là khái niệm mơ hồ,một vùng không gian hư ảo trống hoác - Cũng tương tự bọn trẻ Việt sinh trưởng ở hải ngoại nhìn về quê hương sau này .

 

   Năm 1975 đất nước thống nhất,nguồn mạch dân tộc,tình tự quê hương được khơi gợi tuôn chảy,cũng như mọi người trong cảnh phân ly - đoàn tụ,tôi bị thôi thúc tìm hiểu về nguyên quán,nơi dòng sông“số phận”khởi phát . Tài liệu sách báo dạo ấy,có thể nói tập hồi ký “Những năm tháng ấy” - (NXB Văn Học Hà Nội - 1987) của Vũ Ngọc Phan (1902-1987),là bức tranh sống động về Hà Nội xa xưa những thập niên đầu thế kỷ XX. Hình tượng nhân vật tác giả được diễn đạt ở ngôi thứ nhất thông qua ngòi bút của “nhà nghiên cứu phê bình”,thể hiện sự trung thực,thấu đáo cặn kẽ,đôi khi hơi dông dài mở ra những nhánh rẽ dụng ý muốn cắt nghĩa đến nơi đến chốn,giúp người đọc nắm bắt tường tận hiện thực cuộc sống xã hội diễn ra như nó đang hiện diện trong bối cảnh lịch sử nhất định.Chính điều này đã tạo cho người đọc cảm giác “no nê” thích thú.

 

Hà Nội xa xưa

 

 

   Đầu tiên phải nói đến Hồ Hoàn Kiếm điểm nhấn của Thủ đô,ông giới thiệu chi li lai lịch : “Hồ Tả Vọng, tức hồ Hoàn kiếm ngày nay,thông với hồ Hàng Đào bởi một lạch nước,có cầu gỗ bắc qua,và hồ Tả Vọng thông với hồ Hữu Vọng ở phía sau phố Tràng Tiền.Hồ Hoàn Kiếm ở bên trái phủ Chúa Trịnh nên gọi là hồ Tả Vọng đối với hồ Hữu Vọng ở bên phải phủ Chúa.Sau khi hồ Hàng Đào và hồ Hữu Vọng bị lấp,cầu gỗ cũng không còn,thì cái chỗ đặt mấy nhịp cầu ngày trước trở thành một phố,lấy tên là phố Cầu Gỗ…Giữa hồ Hoàn Kiếm có đền Ngọc Sơn do Hà Nội là đất văn vật,nên đền ngoài thờ Văn Xương tinh quân (tức là ngôi sao chiếu về văn học).Đền trong thờ Trần Hưng Đạo và thờ cả Quan Công.Những người mê tín cho rằng đức thánh Trần đã đánh bại hàng vạn quân xâm lược hùng hổ,làm cho ma kêu,quỷ khóc,nếu xin được bùa và giấy ấn của Ngài đem về yểm và dán thì ma quỷ sẽ không dám bắt người bệnh đi.Lối đi vào đền Ngọc Sơn có tháp Bút và đài Nghiên do Nguyễn Siêu xây dựng,nghiên mực đặt trên cửa vào cầu Thê Húc – tức cái cầu mà ánh mặt trời ban mai đậu lại…”(tr.13,14)

Phố xưa như phố Hàng Đào đầu thế kỷ XIX,có độ một trăm nhà thì chỉ độ vài chục cái nhà là nhà gạch - cái nhô ra,cái thụt vào,đường hẹp,chưa có vỉa hè,không trải đá,nước chảy thành rãnh hai bên đường, không có lối thoát;những con ngõ nhỏ, sâu hun hút và những căn nhà chật chội bé tẹo như mắt muỗi.

   Phương tiện đi lại ngày xưa : “Trong phố,người qua lại,hoặc đi bộ,hoặc đi cáng do hai người khiêng,trên phủ một chiếc chiếu để che nắng hoặc căng ở trên một tấm vải.Quan ông quan bà thì đi võng điều trần,võng sang ,võng thường là tùy theo chức tước người ngồi trên võng : quan nhỏ thì một hai lọng;quan to che đến bốn lọng,còn tiền hô hậu ủng,có lính đi trước cầm loa kêu gọi hai bên đường phố đứng dậy,còn có bọn lính đeo túi roi,đeo gươm cắp tráp,xách ống nhổ, điếu ống và giá võng theo hầu lũ lượt.

   Khi Tây đặt ách thống trị ở nước ta dăm năm thì bắt đầu có ba,bốn chiếc xe tay bánh sắt cao lênh khênh,gọi là “xe bọ ngựa”,dành riêng cho mấy quan Tây và quan ta thuộc loại tai to,mặt lớn”- đàn bà trẻ tuổi,con nhà tử tế không ai dám đi sợ người ta lầm mình là vợ Tây - khi có xe bánh cao su,phụ nữ con nhà nền nếp cũng chỉ dám đi xe bánh sắt,vợ tây mới “diện cao su” .

   Nghề kéo xe là nghề dễ kiếm ăn nhất cho những người nông dân ra Hà Nội mà chưa có việc làm.;phần đông là những người kéo xe lương thiện,kéo suốt ngày cũng chỉ đủ bỏ vào miệng và nộp tiền cho cai xe.Bọn cai xe làm công cho chủ toàn là tay anh chị,người kéo xe không nộp đủ tiền thuê,bị chúng lột hết quần áo,nhiều khi bị chúng đánh nhừ tử,phải nghỉ đến mấy ngày mới lại sức…”. Điều này,nhà văn Tam Lang Vũ Đình Chí – người đã được ông chủ nhiệm “Hà Thành Ngọ Báo” Bùi Xuân Học đội lên đầu chiếc nón “Phu kéo xe”thâm nhập thực tế Hà Thành viết phóng sự để đời : tác phẩm “Tôi kéo xe”- 1932 (NXB Phong Trào Văn Hóa Saigon in lại -1969)  – phản ánh nỗi cay cực của một bộ phận cùng đinh sống dưới đáy xã hội lúc bấy giờ.

   Cuộc mưu sinh Hà Nội xưa có mấy nghề cực nhọc : múc cống,lấy phân. “Các nhà Hà Nội thời xưa đều không có đường ống dẫn nước thải trong nhà ra cống rãnh ngoài phố…Các nhà đều làm cống thấm nước - đào sâu chừng hơn một mét,trên đặt một viên gạch bát tràng,nước chảy xuống tự thấm - gặp mưa to,mưa dầm các sân trong nhà đều ngập phải bắc ván - cống thấm ít lâu phải thuê người múc bùn,một thứ bùn đen hôi thối - chứa trong hai thùng sắt tây đem đổ xuống đầm ao hoặc sông. – Còn lấy phân cứ vài ngày đến lấy một lần,đựng vào thúng,phủ lên ít tro và đậy lên trên một cái mẹt – muốn cho họ năng đến lấy,chủ nhà phải thưởng cho họ vài hào mỗi tháng – mãi về sau thành lập công ty vệ sinh đặt ra cái lối mà xưa kia cho là mới là lối đổi thùng”. (tr.17)

   Người Hà Nội xưa được tiếng đẹp,thanh tú,lịch thiệp,nhã nhặn,khôn ngoan được truyền tụng qua cửa miệng dân gian:“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không lịch sự cũng người Tràng An”;hoặc “Chẳng thanh cũng thể hoa mai/Chẳng lịch cũng thể con người Thượng Kinh”.

   Họ rất được quý mến,ngay khi đem bán rau,đậu cho người Hà Nội,cô gái Kẻ Láng cũng muốn sắm sửa quang gánh cho trang trọng và “mượn người lịch sự”gánh đi : Anh giúp em đôi quang tám dẻ cho bền/Mượn người lịch sự gánh lên Kinh kỳ.

   Nói “lịch sự”phải nói đến ăn,đến mặc,đến cư xử,đối đãi,nói năng.Theo tục xưa,trong gia đình Việt Nam,không riêng gì Hà Nội,ngồi vào mâm cơm,người lớn chưa cầm đũa,trẻ con chưa được ăn.Trước khi ăn,trẻ con phải mời ông bà,cha mẹ và các anh chị rồi mới cầm đũa.Dân Hà Nội xưa cũng có người đẹp,người xấu,người trang nhã ,người thô tục…Nhưng người ta nhận thấy rằng,trong sự tiếp xúc giữa con người với con người,ít khi người Hà Nội xưa có những thói thô bạo,tục tằn…”(tr.52,53)

   Người Hà Nội rất trọng học vấn,khoa danh:“Người ta nói:Làng Đông Ngạc(quê mẹ của tác giả),làng Hành Thiện có rất nhiều người đỗ đại khoa.Đến nỗi có người về Đông Ngạc hỏi một người làng :“Chị có biết nhà ông cử Ba ở đâu không?”,chị kia liền trả lời :“Phải nói rõ tên,chứ ba,tư thì ai biết được !Cử tú ở làng này như lợn con ấy …”.

   Nhiều nhà thời xưa người ta gọi là“gia thế”cố sức luồn lọt cho con em mình thi đỗ,sau đó chạy chọt để được làm quan;có thể nói cần làm những việc tồi tệ,sỉ nhục,họ cũng không từ.Đã có câu chuyện về gia đình một quan lớn nọ : “Con nên khoa mục cha mòn trán/Em được công danh chị nát đồ” – Bố đi lạy lục ở những nơi cao nhất để con được đỗ,rồi chị lại thì thọt nơi các cụ lớn Tây để em trai mình được bổ làm quan .(tr.66)

   “Những Năm Tháng Ấy” còn dành nhiều trang đề cập “nghề viết văn” khi xưa mà bản thân Vũ Ngọc Phan là một thực tế,ông kể sơ về công việc biên soạn bộ sách nghiên cứu phê bình giới thiệu chân dung các tác gia văn học đương thời :“Tôi viết Nhà Văn Hiện Đại - (NXB Thăng Long Saigon -1960) - từ tháng 12/1938 đến cuối tháng Giêng năm 1940 thì xong lượt đầu,tất cả 1650 trang trên giấy học trò .Tư liệu dùng vào bộ sách lấy ở sổ tay - tôi có trên 50 sổ tay ghi về văn học Việt Nam,văn học nước ngoài,lịch sử Việt Nam,lịch sử mấy nước (Pháp,Đức Ý,Anh và Trung Quốc,Nhật Bản) .Về sách báo tôi tạm đủ không mất thì giờ đi lại tìm kiếm ở Thư viện trung ương(Biblothèque centrale)… - Giấy nháp của tôi đều là đơn xin học và đơn xin nghỉ của học sinh trường Thăng Long,do anh Phan Thanh và chị Lê Thị Xuyến cho.Giấy rất tốt,các em chỉ viết có một mặt….Suốt đời viết văn,cho mãi đến bây giờ,tôi đều thu nhặt những tờ đã viết hoặc đã đánh máy một mặt để dùng làm giấy nháp.” (tr.174)

   Từ những trải nghiệm “sống- đọc-viết”,ông đúc kết lời khuyên có giá trị đến tận bây giờ:“Từ trước tới nay.Tôi vẫn thích đọc Tônxtôi và Goócki,đọc đi đọc lại không biết chán.Tôi nghĩ : gọi là tài năng hay năng khiếu thì cũng đều được cả,nhưng dù có tài,có năng khiếu mà không đọc sách,không chịu học thì có đi vào nghề văn,cũng chỉ đi được nửa chừng hay đi bằng những bước tập tễnh.Nhà văn càng già càng có nhiều tích lũy về thực tế của cuộc sống,càng có nhiều tích lũy về văn học,về văn hóa,về tình cảm trong quan hệ gia đình và xã hội,nếu lại chịu khó trau dồi về sáng tác,về kỹ thuật thì vẫn có thể sắc sảo như thời thanh niên và trung niên.Tấm gương của Tônxtôi của Goócki là những tấm gương sáng chói,cũng như nhiều tấm gương sáng ngời của các văn hào khác trên thế giới.”(tr.227)

 

Hà Nội ngày nay

   Quê tôi,sau cú “lột xác” Đổi mới (1986) - cư dân chính cống Hà Nội thay đổi triệt để,tính cách bị pha tạp rất nhiều. Kết quả điều tra mới đây cho thấy tại phường Hàng Đào,số người Hà Nội ở mười đời trở lên chiếm không quá 9%; trong khi hàng năm Hà Nội có khoảng 1/5 số người nhập cư đến từ nơi khác. Quá trình đô thị hóa biến nhiều làng thành phố, còn người phố thì sống kiểu làng .

Lối sống “thanh lịch” của người Hà Nội hầu như không còn có thể quan sát được nữa. Thay vào đó là hiện tượng những tính cách xấu gia tăng.Thời bao cấp cấu trúc tính cách người Hà Nội có sự biến đổi rất mạnh. Khi chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, đồng tiền đã chi phối nếp nghĩ và lối sống của nhiều người. Thái độ cục cằn, thô lỗ trong khu vực dịch vụ có xu hướng gia tăng. Hiện tượng “bún quát, phở đuổi, cháo chửi” không còn là ngoại lệ.

   Theo GS.TSKH.Trần Ngọc Thêm(ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh) : “Người Hà Nội hiện tại đang tiếp tục sống với một hệ tính cách bất thường sinh ra từ một thời có tới hai cái bất thường là thời chiến và thời bao cấp”. (nguồn trangocthem.name.vn)

Cũng như Saigon -Tp HCM,Hà Nội ngày nay phát triển dữ dội,chợ búa,siêu thị cửa hàng buôn bán sầm uất - nhà cao tầng là những khối tháp chọc trời xanh - đường sá mở rộng,hệ thống cầu vượt đan chéo,xe cộ nườm nượp - mạch máu giao thông vận chuyển - đời sống diễn ra 24/24 với tốc độ chóng mặt …

   Có thể nói chưa bao giờ Hà Nội vui như bây giờ. Phố xá vui, mặt người vui. - Nhiều người bảo Hà Nội đã sống lại. Nhà văn Nguyễn Khải thận trọng cho rằng: - Nhận xét đó “Có đúng một phần,phần xác thôi,còn phần hồn thì chưa.Cứ nhìn - nghe những người Hà Nội buôn bán,ăn uống, nói năng,cư xử với nhau ở ngoài đường là đủ rõ...”.(Truyện ngắn Một người Hà Nội - Trong tập: “Hà Nội trong mắt tôi”, NXB Hà Nội,1995.)

 

 

 

 Có dịp ra thăm Hà Nội,ngước nhìn những căn hộ chung cư cao tầng ngất ngưởng trời xanh  choáng ngợp,tôi rất khấp khởi trong lòng nhưng lại thoáng nghĩ ngợi không biết những “thị dân chân lấm tay bùn” sẽ sống sao đây khi chưa đoạn tuyệt phong cách tùy tiện,lạc hậu của thôn ổ làng mạc xa xưa ?- Chắc rồi cũng phải thích nghi thôi.

   Nhìn chung rất vui  trước sự “mở mày,mở mặt”của quê cha đất tổ - miền  đất văn vật - nhưng cũng áy náy cho cái hồn cốt,phẩm chất tinh hoa Hà Nội ngàn năm có chiều hướng phôi phai.

Dẫu sao cuộc sống vẫn không ngừng phát triển theo quy luật tất yếu - mọi sự vận động “sinh sôi nẩy nở “mang tính chất“vô thường”- không thể cứng ngắc khư khư ôm cái cũ “giáo điều” lạc hậu – Và,cũng phúc đức cho dân tộc này đã biết sửa sai - kinh tế phát triển từ chỗ “bao cấp” thiếu đói -  bước dần  “no đủ - ăn ngon,mặc đẹp”  - đời sống tươi hơn  - xã hội ổn định…

“Thực mục sở thị”,tôi thấy Việt Nam hôm nay như “chiếc bánh thật to”- to hơn thời miền Nam ngày cũ  - đứng vững gần tròn nửa thế kỷ (1975 - 2024) -  từng bước sánh vai toàn cầu - hãy biết gìn giữ giang sơn cơ đồ - đừng để những “ung nhọt sưng tấy”- làm mục ruỗng niềm tin !…Khi “lò” đốt nóng - khô tươi gì cũng cháy ráo chính là lúc  chúng ta đã ngộ ra lằn ranh “sanh/tử”!

 

 

(Saigon,viết 29/10/2014,chỉnh sửa 16/6/2024)

 

 

 

Phan Văn Thạnh
Số lần đọc: 282
Ngày đăng: 26.06.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Buồn vui trước ngưỡng cửa tòa soạn - Trần Trung Sáng
Trò chuyện với một đạo diễn trẻ chuẩn bị làm phim về Hành giả Minh Tuệ - Nguyễn Anh Tuấn
Chuyện hồi nhỏ học sinh ngữ pháp rồi mê sách hình tiếng Pháp - Phạm Nga
Về “ Một cõi tâm” bên dòng Linh Giang - Nguyễn Tiến Nên
Cuộc khát sống của con tê giác Việt Nam cuối cùng - Nguyễn Hàng Tình
Cách sống khôn khéo của con người giữa thần và ma - Phạm Nga
Chuyện ngôi mộ của niềm hóa giải - Nguyễn Hoàn
Du xuân Yên Tử ký - Phan Anh
Ước nguyện hòa bình - Minh Tứ
Đẹp Tuyệt Đỉnh Là Phải… Cô Liêu - Nguyễn Hàng Tình
Cùng một tác giả
Tự khúc cuối năm (truyện ngắn)
Đà lạt & Tôi (tạp văn)
Tản mạn với CAFE (tiểu luận)
Trôi trong mơ (truyện ngắn)