Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.696 tác phẩm
2.754 tác giả
1.066
121.963.095
 
Giọt từ tâm
Đặng Ngọc Như

 

 

  • Thơ Xuyên Trà:

 

Nhà thơ Xuyên Trà có câu thơ thật ý vị, vì qua đó tự giới thiệu tuổi tác của mình:

Ta, con ngựa không hay

Sao mỗi ngày mỗi chướng?

Em hiền thục, ta một đời ngang bướng  

Tội tình em, từ buổi theo về

(Năm Ngọ, nhớ tuổi đời)

Xuyên Trà cũng có những câu lục bát đọc một lần là nhớ, thuộc vì chạm vào được chỗ sâu kín nhất của tâm hồn con người

Cám ơn, từng tiếng mẹ ru

Cho con thức, giữa mịt mù trăm năm

Dẫu em tát cạn tình đầy

Vẫn nguyên:

một bóng

trăng gầy

long lanh…

Anh ngồi tựa cửa ba sinh

Còn em, như khách vô tình vãng lai…

Thôi rồi!

tôi chẳng là tôi

Cũng như em

đã lần hồi mất, quên

Ba mươi năm bỗng tình cờ

Giữa lòng Phố Hội bây giờ trẻ măng…

Lòng em bờ cát tinh khôi

Ta sông mấy nhánh tình bồi chỗ mô

Đối ngẫu, song đề, cặp bài trùng như từ một nguyên lý sinh đôi bẩm sinh. Đọc thơ Xuyên Trà không nắm được điều đó thì không vào cõi thơ, vũ trụ thơ của ông được (dĩ nhiên là chủ quan).

Mỗi nghệ sĩ đều có một gương mặt tinh thần, ở thơ Xuyên Trà gương mặt ấy hiện ra kiểu nhất quán nghĩa là một bất khả phân ly giữa những cực đối nhau.

Ánh trăng vỡ trên mặt ao xưa

Em tìm chi tháng ngày thơ ấu

Con chim lạ hót trong bờ giậu

Thuở yêu người ngọt giấc liêu trai

Chì cần đọc mới 4 câu, ta đã thấy ở đây sự đồng hiện của cả một thế giới mà trong đó không phải, không chỉ mà là cả cùng lúc quá khứ-hiện tại, thực-mơ, ngoài-trong, ngọt-đắng, tan vỡ-liền lành...và cái chính là người thơ đứng ở bờ nào trước hiện thực giáp ranh - hư ảo đó? 

- Ở cả hai.

Khi nào câu thơ đạt đến cái nghịch lý nghệ thuật mê hoặc đó thì thơ cũng đạt được sức cuốn hút lạ kỳ:

Ta thân củi ướt mềm tro cũng lạnh

Không biết tình còn cháy được bao nhiêu

......

Tất nhiên xác định tính song đề - đối ngẫu là xét tính đặc thù, chỉ dấu cho cảm thụ. Phải thấy được cái hình thức có tính nội dung, hình thức tham gia tổ chức nội dung làm nên phong cách thơ.

Đây là chỗ Xuyên Trà vừa gần vừa khác với Tường Linh ở phong cách. 

 

Rất cần,

Những điều không cần thiết

Rất cần thiết, những điều không cần thiết
Ta loài chim, vẫn chọn một phương trời
Cất tiếng hót không hồ nghi bất trắc
Xoải cánh chiều trong gió lộng ngàn khơi

Rất cần thiết, những điều không cần thiết
Đất nơi nào làm tên gọi quê hương
Khi ta chết đầu sẽ quay về núi
Khóc than chi thêm một khúc đoạn trường

Rất cần thiết, những điều không cần thiết
Bởi tình yêu như tia chớp nhiệm mầu
Ta cất giữ những cuồng si trọn kiếp
Trong ngọt ngào có một nửa thương đau

 Rất cần thiết, những điều không cần thiết
Vẫn ngàn năm sóng nước vỗ chân cầu
Em sẽ hiểu trái tim điều bí ẩn
Đừng hỏi tình ngọn lửa cháy từ đâu …

 

Hạt mê

Chân đi lòng cũng ngại ngần
Mai sau cách biệt không gần nhà em
Ăn quen có lúc lại thèm
Mùi hương thạch nhũ những đêm hẹn hò
Tiếc thầm những cái trời cho
Nhớ ai như nhớ cọng ngò vườn quê
Thơm lây một lối đi về
Từ trong lòng đất hạt mê nảy mầm…

 

  • Giọt rượu – Từ tâm:

 

Tôi có được may mắn đọc thơ Xuyên Trà lúc thơ anh ở lứa tuổi đôi mươi đến lúc thơ ông ở độ lục tuần, nhất là đọc những bài thơ xuất bản gần đây trong tập THÊM MỘT ĐÓA HỒ NGHI

Tôi nhận ra hồn thơ ấy dần chín, không phải trái sầu từ mầm đắng, hay vị thơm quả cấm mà là cái vị ngoại vị, sắc vô sắc của biện chứng thi thiền. Vị ấy, sắc ấy càng đậm ở bài thơ “Rượu nói giùm ta”:

Rượu nói giùm ta

Rượu đã trắng đâu cần chi cốc bạc

Chén hay ly thù tạc cũng quen rồi 
Vá áo phong trần treo tình đỉnh núi 
Đợi gió em về gởi cánh mây trôi

Đêm thức trắng ai khóc thầm chuyện kể
Mùa ly tan dâu bể bốn phương trời 
Ta quá chén, ngửa mặt cười kiêu bạc
Chút danh hờ trôi tấp bến ngàn khơi

Tóc đã trắng bận lòng chi hồ thỉ
Chén rượu mời nhân nghĩa vỗ về nhau
Cõi nhân sinh chưa một lần luân lạc
Sao biết đời thương cảm những niềm đau

Mây cũng trắng như ngày xưa cố quận
Gió muôn chiều hôm sớm biết về đâu
Sao cứ mãi một đời ta lận đận
Quảy trên vai chung thủy mấy lượng sầu

Tay vẫn trắng không còn gì để mất
Tháng tận năm cùng chẳng ở quê cha
Em đâu biết ta cầm lòng không đậu
Nước mắt trào, chắc rượu nói giùm ta…"

(Rượu Nói Giùm Ta - Xuyên Trà)

 

Nguyễn Du có hai câu về rượu đọc thấm thía:

Sinh tiền bất tận tôn trung tửu

Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi

(Sống mà rượu chẳng cạn hồ

Thác thời rượu viếng rưới mồ ai chan)

Thấm thía vì lẽ sống chết, tửu ý, tửu đức trong giao tình của người đời.

Bài thơ Rượu Nói Giùm Ta dài 5 khổ tuyền một sắc trắng trải ra lần lượt chuỗi tục lụy như từng uẩn trong ngũ uẩn để rồi đọng lại một sắc hư không.

Hãy đọc bài thơ này ít ra 5 lần. Đọc để nhận ra cái không nhầm lẫn, không tránh đi đâu được (inevitable), để rồi từ ngạc nhiên đi đến lạ lẫm.

Thử đọc bài thơ theo mạch thứ nhất (1), mạch nổi

Hãy đọc như một nhà phê bình dày dạn E. Hirsch khuyến khích: đọc lúc nửa đêm; hãy vặn nhỏ ngọn đèn khi không có ai hoặc ai đó bên cạnh đã ngủ say. Hãy để hết tâm trí lắng nghe, vì chú ý lắng nghe là lời cầu nguyện tự nhiên của linh hồn.

Ta sẽ nhập vào tâm thức của người uống rượu - không phải vì rượu - để “quán tửu” như Phật Quán Thế Âm.

Toàn bộ 5 khổ thơ toát lên một sắc trắng lạ lùng của vô sắc, níu kéo lòng ta qua từng câu chữ. Bởi "không màu" nên "cũng không phai".

Màu trắng là màu của năng lượng, "sức nóng trắng", màu của sáng tạo, lãng mạn, phôi pha như sắc rượu, chất rượu chưng cất từ đất trời.

Màu của thao thức “đêm trắng”; màu của quê nhà “mây trắng”, của sự nghiêp “tay trắng”; của sinh lão “tóc trắng”.

Trắng là xóa, xóa đi tất cả, ngỡ như chẳng còn lại chút gì.

Nâng ly rượu trên tay như chạm vào màu lạnh lẽo trắng bạc, chạm vào tóc trắng hết rồi hồ thỉ, là mây trắng bay đi trời cố quận, là đêm trắng hết câu chuyện đời và cuối cùng hai bàn tay trắng là chút danh hờ.

Năm khổ thơ như một tiếng thở dài đầy tâm sự, có vẻ muốn phủ nhận tất cả.

Nhưng bài thơ không chỉ có thế.

Màu trắng là ký chú có tính nhân loại, từ lâu đời đã trở thành niềm trắc ẩn nhân thế. Nữ thi sĩ Hoa Kỳ thế kỷ XIX Emily Dickinson vận suốt đời chiếc váy trắng, vừa là phục trang vừa như màu điểm trang chiếc thẻ bài riêng mình để đi vào ngôi nhà thi ca dân tộc như một niềm kinh hãi, ám ảnh. 

Thi ca Việt ta còn đó một Hàn Mặc Tử với dòng sông trắng nắng chang chang, với áo em trắng quá nhìn không ra. Còn có thể kể không hết với áo trắng của Huy Cận, Nguyên Sa, Kiên Giang, Nguyễn Bính....Hơn thế, văn đàn còn làm dậy lên những cuộc tranh luận triền miên về Hai sắc hoa tigôn

Cho nên cười đáp màu hoa trắng

Là chút lòng trong chẳng biến suy

(TTKH)

Màu trắng trong thơ, trong những bài thơ đích thực tồn tại như hai cực biên của tướng và tính trong đạo, vừa vô thường-hữu ngã vừa vô thường-vô ngã khuấy động tâm tư người đọc khôn nguôi, cho nên tửu lượng có chừng mà tửu ý chẳng ngừng.

Màu trắng xóa tràng giang làm dậy lên:

Mạch thứ hai (2) của bài thơ, mạch ngầm. Đây mới là màu trắng của tuệ giác. Đây mới là khuôn gương tinh thần đích thực của bài thơ để ta đọc nó - nói như Whitman - giữa khuya, lúc mà dường như nghệ thuật đã cạn, kinh sách đã buông, bài học đã thành, ngày dương đã xóa, bài thơ hoàn nguyên một sắc trắng chân không, là lúc:

Em biết đó ta cầm lòng không đậu

là lúc:

Nước mắt trào rượu nói giùm ta

Ta cầm lòng không đậu nhưng thuyền thơ đã kịp cập bến nhân gian, và kìa: còn nguyên đó một cõi thế để đi về. Chỉ là tâm tưởng chăng?

Nhưng tâm-vật nhất thể kia mà. Mạch ngầm là chân nguyên.  Vì còn nguyên đó quê cha với mây "cũng trắng" trời cố quận; còn đó chiếc áo phong trần dẫu "", còn thù tạc bởi đã "quen", còn đó hồ thỉ để "bận lòng"; còn đó nhân nghĩa để "vỗ về " nhau; còn đó nỗi luân lạc thành “thương cảm”, còn đó “mấy lượng sầu” để “quảy trên vai”; còn đó "nước mắt trào" trong tiếng cười “kiêu bạc”.

Tất cả còn vì còn “câu chuyện kể" chưa dứt về một kiếp - làm người, làm người đến tận cùng.

Rốt lại nhận thức có được như một bậc chân tu: người ta không thể mất cái không cóSắc tức thị Không. Đó cũng là cái nhìn rốt ráo của Phật gia: ta không cảm thấy có - “tay vẫn trắng”- nên ngộ, vô ưu.

Rượu không chỉ là rượu nên trở thành “tri kỷ”, giúp ta tiến tu.

Bài thơ có giọng lạ, chất lạ, phảng phất chút trầm uất thân thế, uống rượu tiêu sầu của Cao Chu Thần, nhưng mạch chính vẫn là tuy tục lụy mà thoát tục, tuy gợn nỗi đau thân thế, thời thế nhưng vẫn đạt đến độ trong trẻo mạch ngầm-nước-giếng-không-sinh-sóng của tấm lòng Chu An:

Ngã đồng cổ tỉnh bất sinh lan

Mạch nổi - mạch ngầm của bài thơ chảy xoắn xuýt, tuy hai mà một. Nghịch lý nghệ thuật là nghịch lý mê hoặc: Không tức thị Sắc.

Bài thơ bắt đầu bằng sắc trắng của rượu, kết thúc bằng sắc trong nước mắt. Trắng, và Trong, Xốn XangTĩnh Lặng: Nước mắt cứu rỗi, Giọt Lệ-Từ Bi

Viết đến đây, người yêu thơ ông chợt nhớ mấy câu ông viết cũng trong tập Thêm Một Đóa Hồ Nghi.

Ra ngồi giữa nắng chang chang

Thân Tâm định huệ hai hàng sủi tăm

Đã mờ con mắt đăm đăm

Chùa xa vẳng khúc tịnh rằm thọ trai.

 Nghệ Thuật cũng chính là Đạo khi con người tự tìm ra lối giải thoát cho mình.

 

 

Tháng 9.2016

Bổ sung tháng 4.2020

 

 

 

 

Đặng Ngọc Như
Số lần đọc: 173
Ngày đăng: 30.06.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về một bài thơ, xưa nay vắng bóng trong các tuyển tập thơ Đường ở Việt Nam - Đặng Ngọc Như
118. Mạc Phúc Nguyên. - Hồ Bạch Thảo
Chữ Quốc Ngữ, đôi điều cần minh định - Võ Xuân Quế
Ca dao và thi ca II là triết lý cuộc đời - Võ Công Liêm
Lực lượng sáng tác cho thiếu nhi “Đông nhưng chưa mạnh” - Bùi Minh Vũ
117. Mạc Phúc Hải [1541-1546]. - Hồ Bạch Thảo
Trăn trở sự tồn tại người – giá trị nhân bản trong thơ Văn Cao - Cao Thị Hồng
Cảm tác từ tiểu thuyết “Ultima Promessa” (Ước hẹn cuối cùng) của nhà văn Trương Văn Dân - Nguyễn Phú Yên
Hồn cốt Huế trong “truyện khảo…” của một nhà văn rất Huế - Hoàng Thị Bích Hà
Tiếp nhận thêm ánh sáng từ ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu - Võ Phúc Châu