TRONG SỰ HÌNH DUNG CỦA TÔI
[ Đọc văn và hình dung ra người – Kính tặng nhà văn Tạ Duy Anh]
------
Người đàn ông vóc hình có phần nhỏ thó
Ít nói
Lóng ngóng vụng về những chỗ đông người
Thường vắng mặt ở những nơi ngôn từ rập rờn sắc bướm
Thường vắng mặt ở những nơi nói nói nói cười cười lễnh loãng
Thường vắng mặt ở những nơi gióng trống khua chiêng
Khẩu hiệu treo và cờ quạt linh đình
Những diễn từ viết sẵn
Người đàn ông hình như thường im lặng
Trước những ồn ào khen chê
Người đàn ông thu mình lại như chỉ muốn giữ cho mình phần bé nhất
Một chỗ ngồi
Một chốn ẩn cư
Một công việc để có lương đều đều đưa vợ
Không thể không ăn
Không thể không ở
Không thể không nuôi con
Không thể khước từ ma chay cưới xin sinh nhật
Đành sống
Dù nhiều khi ngán ngẩm
Đành sống
Để nhiều khi chán ghét chính mình...
Người đàn ông cầm bút
Viết
Viết
Viết
Để được thực là mình
Để được nói ra tất cả
Không lên gân
Không đùa nhả
Không bịa đặt
Không vẽ vời hoa lá cành đèm đẹp
Không ngó trước ngoảnh sau dè chừng
Không bớt xén sự thật cho vừa lòng những bóng ma vô hình hay những bóng người hữu hình
Đã viết là nói lên sự thật
Người đàn ông
Được là chính mình
Những trang chữ đều đặn như đàn kiến
Hiện hình
Một cõi nhân sinh hỗn độn tận cùng
Một cõi nhân gian người ma thánh phật cộng sinh
Bầm dập te tua nát bấy
Mồ hôi đổ trộn cùng máu chảy
Đất cỗi cằn một phen tận diệt tận sinh
Những thanh âm của một thời sắt máu
Chát chúa, lâm li, gầm ghè, cuồng loạn
Nhập nhèm thiện ác hư ảo hư vô
Người đàn ông lặng lẽ hàng đêm viết
Sự thật hãi hùng …. Đọc lại nhiều khi
Những trang văn
Mệt nhoài, kiệt sức
Người đàn ông lại tự thưởng cho mình
Hình như chỉ là đôi ba điếu thuốc
Xoàng xĩnh thôi
Một - sinh – thú. Người đàn ông đã chọn
Cho riêng mình
Không phiền lụy đến ai./.
NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐÃ CHỌN THƠ VÀ VẼ
[ Trân trọng gửi đến Thi huynh Nguyễn Quang Thiều ]
-------
Người đàn ông đã đặt bàn chân của mình đến bao nhiêu xứ sở
Thành thạo một vài ngoại ngữ
Biết nghe Mozart và Beethoven
Biết thưởng thức xì gà Lahabana và nằm phơi mình trên cát
Bãi tắm bên Vịnh Caribe
Nhưng không đâu bằng ngôi làng vài trăm năm tuổi
Người dân làm ruộng và làm thơ
Người dân làm thơ và làm ruộng
Nhẹ nhàng và nghiêm cẩn
Thơ như nước uống cơm ăn
Cơm ăn nước uống cũng thành nhịp điệu ngân rung thi ca xứ sở
Người đàn ông trở về ngôi làng của mình
Nhắm mắt bước đi mà không sợ lạc
Nhắm mắt bước đi mà không sợ vấp
Nhắm mắt bước đi….
Tứ thơ vĩ đại nhất
Tứ thơ bền bỉ nhất
Tứ thơ đắm đuối nhất
Sinh ra từ Ngôi Làng
Sinh ra từ nơi thỉnh thoảng vẫn ngân vang
Người đàn ông có thể làm rất nhiều nghề
Để sống
Sống ung dung đàng hoàng
Sống nhàn hạ và giàu có. Nếu muốn
Nhưng người đàn ông chọn Thơ và Vẽ
Vẽ và làm Thơ
Nhọc nhằn
Đầy hiểm họa
Đầy tai ương
Đầy những đố kị dèm pha
Đầy những tiếng bấc tiếng chì
Người đàn ông chọn Thơ và Vẽ…
Thơ như những bức họa không sắc không màu không đường nét
Họa như những bài thơ không lời
Mỗi khi cầm bút
Sống cùng những thân phận con người
Sống cùng cỏ cây
Sống cùng hoa lá
Sống cùng muôn loài trong khu vườn đêm
Trên cánh đồng sau mùa gặt chỉ còn những cuống rạ
Trên những bờ bãi chỉ có chuồn chuồn bươm bướm và đom đóm lập lòe
Có thể sẻ chia
Với âm âm tiếng giun tiếng dế
Với tiếng con chó nhỏ
Với tiếng nước vỡ lạnh dưới trăng
Với tiếng kẽo kẹt của ai quẩy nước nơi bến sông
Với tiếng cá đớp mồi nhẹ bỗng
Chọn Thơ và Vẽ
Người đàn ông làm ra thế giới của riêng mình….
Người đàn ông đã đi gần hết thời gian của mình
Tóc ngả màu sương khói
Gương mặt ưu tư
Và dáng hình nhẫn nại
Người đàn ông chọn cho mình những đêm dài mất ngủ
Sống với những hoài niệm, những hồi tưởng, những băn khoăn, những bấp bênh, những muộn phiền, những trớ trêu không dễ gì nói thành lời mực đen giấy trắng
Thì tìm đến sắc mầu đường nét
Thơ không lời
Người đàn ông có thể làm rất nhiều nghề để sống
Sống ung dung đàng hoàng
Có thể rất giàu có
Nhưng người đàn ông đã chọn Thơ và Vẽ
Người đàn ông làm – ra – thế - giới – của – riêng – mình….
HAI LẦN UỐNG RƯỢU…
[Để nhớ nhà thơ Y Phương]
----------
Lâu, rất lâu rồi, dễ chừng hơn ba mươi năm trước
Lần ấy tôi đến nhà ông
Và chúng ta ngồi bên mâm rượu
Đậm chất núi chất rừng
Rượu men lá thoáng qua rất nhẹ
Nhưng uống nửa ngày thì hãy coi chừng….
Tôi người xuôi,
Còn ông người đồng rừng
Rất thuần chủng như ông tự nhận
Quê ông, tôi đã từng đến
Đẹp bậc nhất gầm trời Việt
Chữ nghĩa của tôi nghèo nên đành bất lực
Vì nghèo chữ thành ra tôi và ông có nhiều tâm đắc
Người đồng rừng không ham nói
Nói nhiều hóa nhạt suông
Nơi ông ở
Một phần ba phố thị tỉnh lẻ lôm nhôm
Ba phần tư còn giữ nếp xưa
Nhưng thoáng nhìn tôi đã thấy
Hình như
Chính ông cũng không mấy mặn mà
Ông đã đi nhiều nơi
Từ nam ra bắc và hình như cả ngoại quốc
Tất nhiên là bởi ông có tài
Tài thi ca
Điều ấy không ai không thán phục
Những trang thơ của ông đọc qua có phần thô thô mộc mộc
Nhưng không hề nếu đọc vang lên giữa triền núi, giữa lòng thung hay bên bờ thác nước
Trời!
Ngôn từ tinh khiết
Lạ lùng
Giản dị
Cao quý
Như tâm can người đồng rừng
Đã nói là chân thật
Không ham tu từ không ham vẽ vời không ham chải chuốt
Tinh tế như thổ cẩm hoa văn nhưng rõ ràng mạch lạc
Sắc màu tươi nguyên như sắc hoa sắc cỏ sắc trời sắc núi sắc nước khe sâu…
Bữa ấy tôi nhớ đã làm ông phật ý
Vào lúc chia tay
Tần ngần bên chiếc cổng xây bằng đá thô vững chãi
Tôi khẽ nói đủ để ông nghe
Rồi đây
Ông không về quê đâu
Không về nơi thanh sơn cẩm tú nước biếc gạo trắng thì thụp thanh âm cối giã bên bờ suối
Ông không về đâu
Ông sẽ không về
Nghe tôi thủ thỉ
Ông quả quyết sẽ về
Lúc ấy tôi nghe và thấy ông nói hơi nhiều
Hình như giống người miền xuôi, hình như hơi giống
Năm tháng qua đi
Cái bữa rượu ngày xưa có lẽ ông đã quên, quên hẳn
Cả tôi nữa, ông cũng có thể quên
Giản dị thôi tôi là kẻ vô danh
Vô danh như bao bản làng nơi xa ấy
Năm tháng trôi qua
Ông không trở về và đã thành công dân thành phố
Không sao ông có quyền như thế, không sao
Và thơ ông nhạt dần cũng từ khi ấy
Đọc ông, tôi không buồn
Không làm nhà thơ thì cũng chẳng làm sao
Thỉnh thoảng đọc đâu đó thấy ông than thở
Muốn bỏ phố thị, muốn bỏ phố thị về quê xưa đất cũ
Ồi chao!
Kiểu ấy người ta nói trên nghìn năm rồi
Ít nhất đã có trong thơ Giả Đảo
Người ta chỉ nói vậy thôi
Chứ mấy ai dám bỏ
Và theo nhau diễn
Cũ quá rồi
Nên nghe ông than
Tôi chỉ cười
Thói quen của mấy người miền xuôi lắm lời
Ông đã mắc
Cũng không sao căn bệnh trầm kha
Vô số người cũng thế
Và có thể còn nên thơ và rưng rưng nước mắt…
Rồi có một lần
Rất tình cờ tôi trở lại quê ông
Và lại một bữa rượu rộn ràng cùng bầu bạn
Tên ông, tôi lỡ lời nhắc đến
Còn vống lên đó là niềm tự hào…
Kì lạ thay những người bạn của tôi trùng xuống
Không ai nói câu nào
Không ai hưởng ứng
Bữa rượu đang vui trở thành nhạt thếch
Cuối cùng
Một người cũng lên tiếng
Sao chúng tôi có thể tự hào
Về người đã bỏ chúng tôi ra đi
Đã bỏ chúng tôi
Đã bỏ chúng tôi
Đã bỏ nguồn thơ tuyệt vời
Đã bỏ…
Sao chúng tôi lại có thể tự hào?
Trời. Tôi chỉ biết ngửa mặt than trời!
Người đồng rừng là thế
Rất giản dị
Thế thôi.
NHÂN CÓ VỤ “NGUYỄN MĨNH HỒNG HƯU”
[Vui đùa cùng nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh]
Những lỗ thủng của lịch sử
Em trét mãi hổng xong
Em nhờ trển trét tiếp
Càng trét càng boang tung
Thôi hợp lực cùng trét
Cả nước trét trét. Đùng
Đùng đùng. Điệp điệp trùng.
Trét miên man. Vẫn lủng
Ôi lỗ thủng lịch sử
Nguyễn có mình hông ơi!
Sao anh giỏi đến thế?
Đến mức phải kêu trời!
Rằng xứ này mà giỏi
Chắc bị đánh tơi bời
Nên khôn ngoan ngậm miệng
Ăn đất tơi văn bời
Những lỗ thủng lịch sử
Từ đâu nó sanh ra?
Chắc từ trển rớt xuống
He he ta văn bà
Lịch sử là như thế
Là do kẻ viết ra
Trong cái đám viết ấy
Rất đông bưng văn bô
Bao nhiêu là sự thật
Chúng biến có thành không
Rồi biến không thành có
Ôi chó xồm chó bông
Và rồi sử lủng ra
Thấy biết bao ung nhọt
Hô hào nhau trét trét
Bùng tung và phọt phọt
Nhầm nhọt sử rất ngầu
Đến một ngày nào đó
Mạng mẽo tung văn hê
Bỏn phải ra cúi đầu
Mình hông gây náo loạn
Lịch sử bỗng trườn ra
Hình yêu tinh rắn rết
Cất tiếng cười ha ha.