Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.189
123.204.565
 
Suy ngẫm, chiêm nghiệm với bao nỗi vui buồn trong “Cơn mơ chiều” của nhà thơ Nguyễn Phiếu
Hoàng Thị Bích Hà

 

Nhà thơ Nguyễn Phiếu sinh năm 1952 tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện sống và viết tại Huế.

Anh tặng tôi tập thơ “Cơn mơ chiều” vào cuối năm trước. Tôi chọn theo lối của một người đọc nhiều lần thơ anh và mỗi lần tôi lại khám phá ra một điều gì đó ngoài bài thơ mình đã đọc. Đó là lý do mãi đến bây giờ tôi mới viết những dòng cảm nhận về tập thơ này. Với thời gian sáng tác chưa lâu nhưng anh đã cho ra đời số lượng thơ khá phong phú và đã chiếm được sự đồng cảm của không ít bạn đọc.

 

Tác phẩm đã xuất bản: “Sáo cuội”- Nhà xuất bản Thuận Hóa.Huế- 2011.

-“Vu Vơ chiều”- Nhà xuất bản Thuận Hóa. Huế- 2012

- “Duyên đầu”-Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế-2015

-Cơn mơ chiều”- Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế 2017  

-Sắp xuất bản:

-“ Sau dốc đồi”(Tập truyện ngắn)

-Mưa hạ chí (Thơ )

Thơ Nguyễn Phiếu có nhiều sắc thái tình cảm và cách diễn đạt phong phú, lúc ngọt ngào lãng mạn, khi sâu lắng suy tư, chiêm nghiệm về nhân tình thế thái…nhưng bao giờ cũng đầy tính nhân văn, có những bài lập ý bất ngờ độc đáo. Nhìn chung thơ Nguyễn Phiếu mang dấu ấn riêng biệt, đầy cá tính sáng tạo.

Cảm hứng chủ đạo của tâp thơ “Cơn mưa chiều” là cảm hứng trữ tình. Thơ anh chủ yếu bày tỏ, nói lên tình cảm của tác giả thông qua tư tưởng tình cảm để phản ánh cuộc sống. Tả cảnh ngụ tình và nghiêng về trữ tình tâm tình thỉnh thoảng có đan xen trữ tình thế sự. Có thể nói ở tập thơ này, tác giả đã suy tư, chiêm nghiệm về bao nỗi vui buồn hạnh phúc “Hạnh phúc” hay chia xa “đoạn trường”, “Đời người, đời lá”. Cảm xúc trữ tình được diễn tả trong thơ không ồn ào khoa trương mà bằng những câu chữ giản dị tự nhiên, cô động về dâu bể cuộc đời và nhân tình thế thái.

Có những bài thuộc loại trữ tình phong cảnh, mượn cảnh gửi tình để thông qua thế giới thiên nhiên huyền diệu nhà thơ bộc bạch nỗi niềm tâm sự của mình trước con người và cuộc đời. Mỗi áng mây trời, một gốc bàng, một cánh cò bay, một chiều thu, một sáng xuân đề đọng lại những trầm tư trữ tình của thi nhân.

“Tiếng chiều lắt lay vắng

Ao cũ hóm mắt sâu

Người đâu sao xa ngái

Tình thu từng giọt sầu”

(Tình thu)

Hội ngộ rồi chia ly bao giờ vẫn thế …Nhưng tình bằng hữu gặp gỡ, hàn huyên với những câu chuyện vơi đầy chia sẻ cùng nhau những ngọt bùi cay đắng nhưng không phải khi nào bạn bè cũng đủ đầy ở bên ta vì nhiều lẽ.

-“Và dưới gốc bàng trăm năm vẫn thế

Mừng tao ngộ rồi vội vã chia tay

Sáng nay vẫn còn thiếu vài thằng nữa

Để râm ran chia sẻ chuyện vơi đầy”

Bạn bè tung cánh khắp muôn phương theo thăng trầm dâu bể hay vì kế sinh nhai thì chuyện gặp gỡ được nhau sẽ là điều rất quý. Thời gian trôi. tuổi trẻ cũng dần phai, tóc xanh rồi sẽ bạc chỉ còn lại chút tình người, tình tri kỷ bằng hữu là cứu cánh cho ta ấm lòng trong bộn bề cuộc sống.

“Chuyện đông chuyện tây chuyện tóc đã bạc

Thế sự sinh nhai mỗi đứa phương trời

Chỉ tặng cho nhau chút tình tri kỷ

Dù ngàn sau cát bụi có vàng phai”

(Dưới gốc bàng)

Thơ Nguyễn Phiếu luôn có cái vẻ hồn hậu. Đọc thơ anh dù quen hay dù lạ ta cũng cảm thấy như đang được nghe dòng tâm sự của một người thơ thật cởi mở. Mỗi vùng đất mà tác giả đã có dịp đặt chân đến đều in dấu trong thơ anh: Bài “Xuân Lộc”, “ Sài Gòn quen và lạ”

“Tạ từ mà lòng bâng khuâng trĩu nặng

Xuân Lộc ơi nhớ mãi trong ta”

(Xuân Lộc)

Những hồi ức vui buồn được tác giả gửi gắm trong thơ rất phong phú ở các cung bậc cảm xúc, những suy niệm, trăn trở về những biến đổi, thăng trầm của thế sự.

- “Có biết hay không đời vẫn thế

May ra đẵm thấm chút đắng bùi

Nửa tỉnh nửa say đời mấy chục

Vô thương rút động chén ký quy”

-“ Một thời lưng ngựa vung hào khí

Anh hùng mỡ nạc lắm buồn vui”

(Đời)

Ở thể thơ lục bát anh có những bài thơ mang giai điệu trầm buồn sâu lắng. Kế thừa thi pháp thơ truyền thống gợi chứ không tả mượn cảnh gửi tình để chuyển tải nỗi buồn dịu dàng nhưng lan tỏa khắp không gian trong buổi chiều đông ở quê nhà.

“Mưa chi mưa mãi mưa hoài

Thêm buồn lá rụng để chiều hắt hiu

Bóng ai quảy nặng bước về

Thưa dần phố chợ, hàng me trĩu buồn”

(Chiều đông)

Từ trong nỗi buồn mênh mang đó ta vẫn thấy tâm hồn nhà thơ hướng đến giấc mơ đẹp là khát khao vươn tới hạnh phúc và vẫn tràn đầy niềm tin yêu cuộc đời và yêu người, yêu cuộc sống.

“Đò ôm bến vắng cô liêu

Nhặt gom ký ức mỏi miền khát khao”

(Chiều đông)

“Trong cơn mơ đói khát tình yêu

Ta mơ về một vùng ruộng lúa

Thanh bình êm ả của con chim chiền chiện

Nơi trú ngụ của những cơn gió mộng du”

Vâng! Ước mơ giản dị thôi. Một mái ấm thanh bình nơi vùng quê yên ả, nơi có có ruộng lúa xanh rì, có tiếng chim chiền chiện chao mình trong làn gió sớm.

Nhà thơ bộc lộ sự cảm thông sâu sắc đối với những con người bình dị gần gũi trong cuộc sống xung quanh của tác giả. Tình cảm giản đơn nhưng lại giàu ý nghĩa nhân văn, đầy nỗi niềm thương cảm.

“Mười tám chị đã sớm lấy chồng

Hai ba chồng chết phải ở không

Dốc sức chống chèo tay ba đứa

Cảnh chị sao thấy quá chạnh lòng”

(Chị hàng xóm)

Những suy niệm về cuộc đời trở đi, trở lại với những băn khoặn day dứt về nhân tình hay những trạng thái muôn màu muôn vẻ của tình yêu được tác giả diễn tả bằng những câu thơ giản dị, sinh động.

“ Biết quý biết yêu có lắm thời

Nặng lòng cho lắm gánh đầy vơi

Nhân tình hai chữ nghe xa xót

Thế thái mấy câu thấy nặng lời”

(Sao đành bỏ)

Thơ Nguyễn phiếu là thơ của một tâm hồn nhân hậu, thấm đẫm tình đời. Dù những bài thơ luôn thấm thía nỗi buồn của con người thì đằng sau nỗi buồn đó là khao khát cuộc sống hạnh phúc, tình yêu trọn vẹn. Đây cũng là mơ ước chung không chỉ riêng gì tác giả nhưng đã được anh diễn tả hết sức tự nhiên giàu tính chân thực và lôi cuốn. Anh đã dụng công chắt lọc những cảm xúc, cố gắng tìm tòi sáng tạo riêng về tứ thơ, hình tượng thơ, ngôn ngữ thơ để làm ra những bài thơ tâm đắc. Đó là những vần thơ giản dị nhưng giàu âm hưởng trữ tình vừa dồi dào ý nghĩa triết lý dù là ở các thể thơ truyền thống hay thơ tự do.

 

Nhìn chung thơ Nguyễn Phiếu giàu cảm xúc và hình ảnh, lời thơ chân thành, trong sáng, dễ hiểu. Thơ anh đã có “Thi trung hữu họa” và cũng có cả “Thi trung hữu nhạc”. Tuy vậy người đọc vẫn mong muốn anh chú ý tăng cường tính nhạc trong thơ hơn nữa, sáng tạo hơn nữa về đề tài, nội dung và hình thức nghệ thuật để để đem lại hiệu quả truyền cảm cảm cao hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng lãm ngày càng cao của bạn đọc.

 

Hiệu đính ngày 4/7/2024

 

Hoàng Thị Bích Hà
Số lần đọc: 305
Ngày đăng: 08.07.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
119. Mạc Mậu Hợp [1562-1593]. - Hồ Bạch Thảo
Giọt từ tâm - Đặng Ngọc Như
Về một bài thơ, xưa nay vắng bóng trong các tuyển tập thơ Đường ở Việt Nam - Đặng Ngọc Như
118. Mạc Phúc Nguyên. - Hồ Bạch Thảo
Chữ Quốc Ngữ, đôi điều cần minh định - Võ Xuân Quế
Ca dao và thi ca II là triết lý cuộc đời - Võ Công Liêm
Lực lượng sáng tác cho thiếu nhi “Đông nhưng chưa mạnh” - Bùi Minh Vũ
117. Mạc Phúc Hải [1541-1546]. - Hồ Bạch Thảo
Trăn trở sự tồn tại người – giá trị nhân bản trong thơ Văn Cao - Cao Thị Hồng
Cảm tác từ tiểu thuyết “Ultima Promessa” (Ước hẹn cuối cùng) của nhà văn Trương Văn Dân - Nguyễn Phú Yên
Cùng một tác giả
Chị Xíu của tôi! (truyện ngắn)
Anh tôi! (truyện ngắn)
Chủ nghĩa cưới vợ (truyện ngắn)
Nước tràn ly (truyện ngắn)
Giận kẻ bạc tình (truyện ngắn)
Đời là thoáng chốc (truyện ngắn)
Chú Nghĩa cưới vợ (truyện ngắn)
Bông cúc xanh (truyện ngắn)
Nhảy tàu (truyện ngắn)