Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.175
123.203.942
 
Về các khuynh hướng đổi mới trong thơ
Yến Nhi

 

Về

 

 

             Trước hết xin nhắc lại một vài kỷ niệm của các thế hệ đi trước, tại một buổi nói chuyện chuyên đề nhà thơ Xuân Diệu đã từng trao đổi với chúng tôi:  Nước ta không có những công trình lý luận đồ sộ nhưng trong truyền thống  không phải không có những lý thuyết văn chương được nhắc đến, chẳng hạn lý luận về Sự - Cảnh - Tình trong văn chương (Vân đài loại ngữ) của Lê Qúy Đôn, cách cảm thụ văn chương từ “bì phu qua cơ nhục đến khí cốt”( hình thức - tình cảm - ý thức tư tưởng) mà các kỳ bình văn các cụ đồ làng hay nhắc đến, nói về cách học tập ngôn ngữ dân gian, cũng như mở rộng đề tài trong văn chương ( “thôn ca sơ học tang ma ngữ”, “đại địa văn chương tùy xứ kiến” ) của Nguyễn Du, hay vấn đề cấu tứ trong thơ, một khái niệm văn chương mà thế giới không có, ngay đến Trung Hoa cũng ít bàn đến thì Việt Nam trở thành một lý thuyết nhập môn của người làm Thơ…Các tác giả Việt Nam quen thuộc máu thịt với những kinh nghiệm của cha anh, sau đó trong quá trình giao lưu “tiếp biến văn hóa” với các nền văn chương khác đã chọn lọc tiêu hóa tốt Thi học xứ người làm mới cho quá trình sáng tạo của mình. Các nhà thơ của phong trào Thơ Mới sống và thở trong sinh quyển thơ ca lãng mạn Âu Tây đặc biêt thơ Pháp đã đổi mới thơ Việt và thấm vào người đọc rất nhanh. Tuyển tập Thi nhân Việt Nam mà Hoài Thanh lựa chọn xem là “thơ ca một thời đại”, chúng tôi chưa muốn đề cập đến cao thấp nội dung tư tưởng nhưng có thể xem  thời ấy họ đã đáp ứng phần nào tính truyền thống và cách tân. Các thi phẩm tiêu biểu trong hai cuộc kháng chiến và xây dựng cũng nổi bật với phong cách truyền thống - hiện đại, với sự mở rộng đề tài với đời sống dân tộc, lối nói giản dị giàu âm điệu, chất trào lộng cũng như tình yêu thiên nhiên, khí phách hào hùng… tất cả đêù nối tiếp mạch truyền thống trong thơ Việt và đổi mới cùng nhịp sống thời đại.

 

              Nhắc lại quá khứ để chúng ta hiểu thêm một điều, quả thật, sự đổi mới của văn học thời kỳ nào cũng không thể quên yếu tố truyền thống bên cạnh sự tiếp biến văn hóa,  truyền thống dân tộc được tích hợp với cái mới qua giao lưu văn hóa xứ  người tạo thành sự sáng tạo, sự cách tân của văn học nước nhà. Sự đổi mới ấy là tác động qua lại  của cả một nền văn hóa chứ không phải tập trung vào một vài cá nhân nào hết. Tiếp biến văn hóa diễn ra không giống nhau ở các quốc gia  cũng như ở các dòng văn học dẫu trong cùng một cộng đồng. Điều thú vị đáng ghi nhận là phong trào đổi mới của văn học nước nhà diễn ra  khá sôi nổi trong khoãng nửa thế kỷ lại nay, kể từ sau ngày thống nhất đất, chỉ trong lĩnh vực thơ, nhiều khuynh hướng cách tân xuất hiện tạo nhiều dòng thơ khác nhau mà dòng thơ nào cũng hướng đến phong cách thơ hiện đại giàu chất Việt.

           Trong lĩnh vực văn chương- nghệ thuật, các thời điểm quan yếu dòng chảy tiếp biến văn hóa đã tạo một sự đổi thay về phong cách nghệ thuật ở các quốc gia đúng như nhận xét của Paul Hoover (Mỹ) “ Cái mới trong nghệ thuật luôn là cái được nhập từ một nền văn hoá khác”. Sự đổi thay thời nay khác các thời kỳ trước diễn ra khá đa dạng, giai đoạn này phát triển khá nhộn nhịp tuy chưa có nhiều tác phẩm thực sự thành công nhưng nhìn chung đã có một số kết quả đặc trưng của quá trình tiếp biến văn hóa, với các tiêu chí rõ ràng khá thuyết phục.

 

         Thời trung đại, các cụ trong những thành tựu cuả mình đã biết chọn lọc hấp thụ cái phần tinh hoa của xứ người, giao tiếp nền văn hóa Trung Hoa, tiếp thu tính nhân văn, tình yêu, hòa bình, đạo lí đề cao cốt cách người quân tử, nhưng vẫn giữ cáí phần riêng tự cường dân tộc cùng những sắc thái của văn hóa làng thôn. Cũng như bên cạnh cái đăng đối, giàu ẩn dụ, ngôn ngữ vẫn giữ bản sắc đa âm điệu của tiếng Việt. Quá trình tiếp biến văn hóa sau ngày Thống nhất đất nước nghiêng về Phương Tây, tạo một hệ quả khá đa dạng phong phú trong thơ ca, phân hóa nhiều khuynh hướng.

 

         - Khuynh hướng kế tục thi pháp truyền thống có những yếu tố cách tân. Nội dung đề cao tinh thần dân chủ, nhân đạo, yêu nước, phạm vi đề tài mở rộng, hình thức bổ sung yếu tố ước lệ, tượng trưng vào thủ pháp xây dựng hình tượng, phát huy tối đa vẻ đẹp ngôn ngữ đời thường, đấy là nét tích hợp căn bản của sự tiếp biến. Khuynh hướng này vẫn là dòng chính trong nền thơ ca cộng đồng. Nhiều tác gỉả tiêu biểu cho dòng thơ này như  Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm, Bằng Việt, Trần Đăng Khoa, Vũ Quần Phương, Trúc Thông, Trần Nhuận Minh, Văn Công Hùng, Thạch Quì, Nguyễn Minh Khiêm.., trong dòng chảy của tiếp biến văn hóa, xuất hiện tuy khá đa dạng về phong cách nhưng vẫn thống nhất trên văn đàn trong một khuynh hướng chung, kế tục truyền thống kết hợp cách tân, giàu âm hưởng cổ điển nhưng rất mới mẻ trong tạo hình và cách điệu ngôn ngữ. Truyền thống và hiện đại  lãng đãng như một đám sương mờ ẩn hiện đâu đó trầm tích dưới tầng sâu ngôn ngữ. Những biểu tượng đi về giữa hữu thức và vô thức đôi khi như dẫn dụ người đọc vào những câu truyện, những truyền thuyết cùng những triết lý nhân sinh hiện đại.  Họ đậu được lâu trong lòng độc giả không chỉ ở cách nói mà còn ở các vấn đề họ nói gần gũi khơi trúng với những suy nghĩ, cảm xúc cộng đồng dù là thông điệp về thế sự hay thổ lộ về nhân sinh, quá khứ hay hiện tại. Họ bước  đi thăng bằng trên cái cầu thẩm mỹ dân tộc và hiện đại .

 

                 - Một dòng khác cách tân mạnh mẽ:  đề tài mở rộng “nơi nào có sự sống nơi ấy có thơ ca”, đề cao chuẩn ngôn ngữ, hướng thơ ca vào các phương thức thể hiện mới mẻ, nhiều kiểu kết cấu khác lạ. Cái  mới nổi bật nằm ở thủ pháp xây dựng hình tượng thẩm mỹ trong tác phẩm không dừng lại ở cái giới hạn miêu tả hiện thực một cách  khách quan mà kết hợp thể hiện cuộc sống thông qua “ nội thần chủ thể ”,  kéo theo một ngôn ngữ tạo sinh nhiều biểu tượng, ẩn dụ đậm màu siêu thực, một âm nhạc tùy  biến nội tại theo dòng tâm trạng. Dòng thơ này có thể nhắc đến  Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Hoàng Vũ Thuật, Ý Nhi , Nguyễn Lương Ngọc, Thi Hoàng, Phan Hoàng, Mã Giang Lân, Inrasara, Nguyễn Việt Chiến, Bùi Kim Anh, Trần Hùng, Nguyễn Ngọc Phú… biểu hiện rõ cái mới qua sự nổi bật hòa hợp ở tính tượng trưng và ước lệ hấp thụ phương Tây trong xây dựng hình tượng và  mối biểu cảm siêu thực trong các trạng thái tương giao giữa con người và tạo vật thường thấy trong văn học phương Đông.

 

                 - Một khuynh hướng tìm về với VHDZ nhưng làm mới bằng sự học tập những thủ pháp nghệ thuật cách tân ở thơ ca đương đại, âm hưởng dân dã chi phối cả nội dung lẫn hình thức biểu hiện, sự thay đổi thể thơ truyền thống như thơ lục bát tự do, đổi mới tiết tấu, kết hợp những thủ pháp phú, tỷ, hứng với nghệ thuật tượng trưng, ước lệ , yếu tố tục và một ngôn ngữ đời thường gần khẩu ngữ. Họ là những tác giả khá quen thuôc như Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Lê Đình Cánh, Trương Nam Hương, Vũ Xuân Hoát, Bảo Sinh, Tòng Văn Hân, Tùng Bách, Nguyễn Văn Hùng…, các tác giả tiêu biểu cho các khuynh hương tiếp biến riêng, bên cạnh họ có thể kể thêm nhiều cây bút khác có những tương đồng nảy sinh, gặp nhau không là trường phái nhưng có thể xem như một dòng trong nền thơ cộng đồng.

 

             - Trong sự tiếp biến văn hóa với các nền thơ Âu Mỹ, thơ ca Việt không có sự tụt hậu khoảng cách với những đổi mới, nhưng lại có một bộ phận cực đoan ngã về phiá “bị đồng hóa” tạo nên một khuynh hướng lai căng xa với nghệ thuật dân tộc, độc hành trên con đường tư biện gập ghềnh theo lối “duy mỹ” thuần tuý làm thơ trở nên xa lạ với công chúng!

 

           Trên cấp độ cá nhân, tròng dòng chảy của tiếp biến văn hóa, các tác giả tùy theo “gu” thẩm mỹ cuả bản thân đã hấp thụ những nét tương thích, tích hợp vào các sáng tạo hình thành những phong cách nghệ thuật riêng. Trong cuộc hội thảo về thơ Mai Văn Phấn - Đồng Đức Bốn ( Hải Phòng), sau đó là Hội thảo Thơ Nguyễn Quang Thiều ( Hà Nội ), nhiều tác giả đã nhận thức khá rõ vấn đề đặt ra cho thơ ca đương đại: từ “chưng cất các giá trị truyền thống để hướng tới các chân trời thơ ca mới”, tiếp biến “mở rộng biên độ sáng tạo không ngừng”( Hữu Thỉnh). Thơ Đồng Đức Bốn và Mai Văn Phấn đều khá tiêu biểu cho sự đổi mới nhưng vị trí và mức độ thuộc hai ngã rẽ khác nhau, có thể xem như hai phong cách mà  sự khác nhau chủ yếu ở thủ pháp nghệ thuật, ở cách xử dụng ngôn ngữ. Một bên ưa dùng những thủ pháp ẩn dụ, tỉ dụ, lối chuyển nghĩa dân gian đầy nhạc tính biểu cảm truyền thống, bên kia lại tìm đến một cách nói, cách thể hiện mới đầy tính siêu nghiệm và tượng trưng cùng một ngôn ngữ tạo sinh đa nghĩa. Hay như Trần Đăng Khoa và Vũ Quần Phương, tuy cùng trong dòng chảy truyền thống- hiện đại nhưng Vũ Quần Phương thiên về cách lập tứ mới mẻ còn Trần Đăng Khoa lại có ảnh hưởng nhiều ở cáí  âm hưởng Sự, Cảnh, Tình mà Lê Quí Đôn từng nêu lên trong văn chương cổ điển.

 

               Sự phát triển một nền thơ là do những xung lực nội tại  thúc đẩy nó đổi mới để thích nghi đời sống, dẫu vậy góp sức tạo nên cái mới có hiệu quả không thể không nhắc đến sự ảnh hưởng của các nền văn hóa khác qua quá trình tiếp biến. Sự phát triển các khuynh hướng thơ ca Việt  mà chúng tôi nêu lên, không thể tách rời quá trình tiếp biến văn hóa Đông-Tây mà quá trình thống nhất đất nước tạo điều kiện thuân lợi cho qua trình phát triển . Thơ Việt đang trên đường đổi mới, đã đạt những thành tựu nhất định với yêu cầu truyền thống- hiện đại nhưng vẫn ở đoạn đường đầu để thực hiện phong cách hiện đại thuần Việt đúng như sự mong muốn  nhiều thế hệ tác giả và độc giả./.

 

 

 

Yến Nhi
Số lần đọc: 185
Ngày đăng: 10.07.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Suy ngẫm, chiêm nghiệm với bao nỗi vui buồn trong “Cơn mơ chiều” của nhà thơ Nguyễn Phiếu - Hoàng Thị Bích Hà
119. Mạc Mậu Hợp [1562-1593]. - Hồ Bạch Thảo
Giọt từ tâm - Đặng Ngọc Như
Về một bài thơ, xưa nay vắng bóng trong các tuyển tập thơ Đường ở Việt Nam - Đặng Ngọc Như
118. Mạc Phúc Nguyên. - Hồ Bạch Thảo
Chữ Quốc Ngữ, đôi điều cần minh định - Võ Xuân Quế
Ca dao và thi ca II là triết lý cuộc đời - Võ Công Liêm
Lực lượng sáng tác cho thiếu nhi “Đông nhưng chưa mạnh” - Bùi Minh Vũ
117. Mạc Phúc Hải [1541-1546]. - Hồ Bạch Thảo
Trăn trở sự tồn tại người – giá trị nhân bản trong thơ Văn Cao - Cao Thị Hồng
Cùng một tác giả
Ban Mai (thơ)
Thế sự nhàn đàm (tiểu luận)
Cúc xưa (phê bình)