Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.117
123.229.019
 
Nghiên cứu mỹ thuật đang “teo đi” ?
Đinh Hồng Hải

Nhà bác học xuất sắc nhất của mọi thời đại A. Einstein từng nói: Nếu nghiên cứu khoa học teo đi thì đời sống tinh thần của một đất nước sẽ bị ngừng trệ. Và như vậy thì những khả năng tiến bộ trong tương lai cũng tan thành mây khói. Quan điểm này của Einstein đúng cho tất cả các ngành khoa học tự nhiên và xã hội, trong đó có nghệ thuật tạo hình. Có thể khẳng định rằng, nếu không có nghiên cứu khoa học thì loài người cho tới này vẫn chỉ tiếp tục đời sống “ăn lông, ở lỗ” như các loài động vật khác. Và tất nhiên, sẽ không có những kiệt tác nghệ thuật của Leonardo da Vinci, Van Gogh, Rembrant… ở châu Âu hay Tề Bạch Thạch, Từ Bi Hồng, Hokusai, Hirosighe… ở châu Á để chúng ta thưởng thức và ngưỡng mộ.

 

Ở Việt Nam, do nhiều vấn đề của lịch sử, phải đến năm 1902, Viện Viễn Đông Bác Cổ - một viện khoa học mang tính hàn lâm đầu tiên ở Việt Nam mới được thành lập. Kể từ đây, Việt Nam mới có các công trình nghiên cứu chính thức đề cập đến nghệ thuật tạo hình Việt Nam dưới góc độ của một bộ môn khoa học mang tính hàn lâm của các học giả trong và ngoài nước như L. Bezacier, M. Bernanos, M.Durand, P.Huard, Nguyễn Văn Khoan, Nguyễn Văn Huyên… Đó là nguồn tài liệu quý giá cả về khía cạnh tư liệu lẫn phương pháp luận nghiên cứu cho thế hệ các nhà nghiên cứu về sau.

 

Nghiên cứu lý luận mỹ thuật từ trước năm 1986

 

Cùng với sự tồn tại của Viện Viễn Đông Bác Cổ và Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sự ra đời Trường Quốc gia Mỹ nghệ (1) năm 1946, Viện Mỹ thuật năm 1962 và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 1966 đã mở ra một trang mới trong công tác sáng tác cũng như nghiên cứu lý luận và phê bình mỹ thuật ở nước ta kể từ khi nước nhà độc lập. Phần lớn giai đoạn này gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nên các đề tài sáng tác được nhắc đến nhiều nhất là “chiến tranh và hòa bình”. Trong một bối cảnh như vậy, công tác nghiên cứu lý luận đương nhiên phải gánh một phần sứ mạng lịch sử, làm vũ khí đấu tranh của những nghệ sĩ - chiến sĩ cách mạng. Và thực sự, các nhà nghiên cứu lý luận của giai đoạn này đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng ấy.

 

Chiến tranh qua đi nhưng những dư âm của nó vẫn còn lưu lại khá đậm nét trong ký ức của nhiều nghệ sĩ và nhà lý luận phê bình. Một bộ phận trong số họ tiếp tục công việc sáng tác và lý luận với mảng đề tài chiến tranh cách mạng. Một bộ phận khác trở về với công việc sáng tác và nghiên cứu nghệ thuật dân tộc. Chính sự định hướng của các nhà nghiên cứu lý luận kiêm sáng tác thời kỳ này đã đặt nền nóng cho thành công của một thế hệ các nhà nghiên cứu lý luận phê bình chuyên nghiệp trong giai đoạn kế tiếp.

 

Người có công đầu trong việc phát triển bộ môn nghiên cứu, lý luận phê bình mỹ thuật, đặc biệt là mỹ thuật truyền thống của Việt Nam là họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung. Ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 1929 - 1934. Với 72 tác phẩm hội họa và ký họa, 30 bài nghiên cứu và ý kiến đóng góp đăng trên các báo và tạp chí chuyên ngành(2), Nguyễn Đỗ Cung là một trong không nhiều họa sĩ vừa có tài sáng tác lại vừa có trình độ lý luận xuất sắc. Chính ông là người đầu tiên phát hiện ra vẻ đẹp dung dị nhưng huyền diệu của điêu khắc đình làng và là người đi tiên phong trong công tác bảo tồn các di sản văn hóa của dân tộc. Ông cũng là người sáng lập Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Cùng thế hệ với ông còn có Phạm Đăng Trí, Trần Đình Thọ, Nguyễn Văn Y, Vương Như Chiêm… Họ đều là những họa sĩ có tâm huyết với công tác nghiên cứu, lý luận phê bình và có nhiều đóng góp cho bộ môn nghiên cứu, lý luận phê bình mỹ thuật. Với một “tầm nhìn dự báo tương lai” và việc kết nối được “mối dây liên hệ bền vững giữa quá khứ với hiện tại”(3), Nguyễn Đỗ Cung và những người đồng nhiệm của ông đã xây dựng nên một đội ngũ các nhà nghiên cứu lý luận phê bình chuyên nghiệp như Nguyễn Đức Từ Chi, Nguyễn Du Chi, Trần Lâm Biền, Chu Quang Trứ… Họ chính là tác giả của các bộ sách quan trọng: Mỹ thuật thời Lý (1973), Mỹ thuật thời Trần (1977), Mỹ thuật thời Lê Sơ (1978), Mỹ thuật thời Mạc (1985)… Mặc dù đây chỉ là những công trình nghiên cứu mang tính khái quát nhưng đã có những đóng góp rất lớn trong nghiên cứu chuyên ngành.

 

Có thể nói, nghiên cứu lý luận trong giai đoạn đầu của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại đã thu được những thành tựu lớn lao. Công tác nghiên cứu lý luận trong giai đoạn này không chỉ biết kế thừa những tài liệu từ Viện Viễn Đông Bác Cổ và các nước xã hội chủ nghĩa anh em mà còn tạo ra một hướng đi mới trong việc tìm về bản sắc văn hóa của dân tộc. Tuy chỉ có 10 năm thực sự toàn tâm toàn ý với công việc do không phải lo đối phó với lửa đạn của chiến tranh nhưng các nhà nghiên cứu lý luận phê bình của giai đoạn này đã để lại cho các thế hệ sau một gia tài không nhỏ, tạo tiền đề cho các công trình nghiên cứu rộng hơn và sâu hơn. Rất tiếc là ở giai đoạn sau này (từ 1986 đến nay), cơn lốc của nền kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hóa đã có nhiều tác động tiêu cực, khiến cho sự phát triển của bộ môn nghiên cứu, lý luận phê bình mỹ thật bị ngừng trệ, thậm chí còn có những biểu hiện thụt lùi.

 

Nghiên cứu lý luận mỹ thuật từ năm 1986 đến nay

 

Trong giai đoạn tiếp theo của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, các nhà sáng tác cũng như các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình mỹ thuật ở nước ta đã có nhiều điều kiện hơn để tiếp cận với thế giới bên ngoài. Đời sống vật chất được cải thiện đáng kể so với giai đoạn đầu. Đặc biệt, biên độ của quan điểm, chủ đề sáng tác và bình phẩm nghệ thuật cũng được mở rộng hơn bao giờ hết. Các nghệ sĩ có cơ hội tiếp cận với thị trường nghệ thuật, tự do bán- mua sáng tác. Tưởng như đây sẽ là một giai đoạn khởi sắc của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Nhưng thật buồn, nếu đọc đánh giá về mỹ thuật đương đại Việt Nam của nhà nghiên cứu Bùi Như Hương: “Mỹ thuật Việt Nam đương đại bị mang tiếng là chiết trung, hoài niệm vu vơ, xa rời thực tế, giả tạo tình cảm. Đáng buồn hơn là do thiếu nội dung tư tưởng mà nhiều người luẩn quẩn sa đà vào đề tài “âm dương - phồn thực” giả danh, thô lậu, lại cứ tưởng rằng chỉ có thế mới là hay, là đẹp…” cùng với những sự “vay mượn lắp ghép một cách tùy tiện, sống sít các mô típ, biểu tượng, dẫn đến những kết quả ngớ ngẩn, bi hài”(4). Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hệ quả này? Có vô vàn lý do để biện minh cho các nguyên nhân và vô số nguyên nhân (cả khách quan lẫn chủ quan) dẫn đến hậu quả “thụt lùi” này. Tuy nhiên, có một lý do mà người viết cho là quan trọng nhất: tính thực dụng của nhiều người làm nghệ thuật trong cơ chế thị trường.

 

Xét về bản chất, tính thực dụng không hoàn toàn mang hàm nghĩa xấu vì nó “có giá trị thiết thực, mang lại lợi ích thực tế”. Tuy nhiên, nó “chỉ nhằm vào những gì có thể mang lại lợi ích vật chất thiết thực và trước mắt cho mình, không quan tâm đến những mặt khác”(5). Vì vậy, có thể coi tính thực dụng là một biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân và lối sống vị kỷ. Lối sống này khá phổ biến ở phương Tây và một số nước châu Á phát triển. Mặt trái của tính thực dụng cá nhân là không có ý thức xây dựng tập thể và xa hơn “thiếu nội dung tư tưởng”(6). Với một lĩnh vực sáng tạo có tính chất độc lập tương đối như mỹ thuật, mặt trái của tính thực dụng dường như càng có cơ phát triển mạnh.

 

Một nhà điêu khắc hay một họa sĩ trước giai đoạn mở cửa kinh tế thị trường có thể bỏ ra một năm hay nhiều nhiều năm để sáng tác một bức tượng, bức phù điêu hay bức tranh cho thoả mãn ý tưởng của mình. Rõ ràng, chất lượng của các tác phẩm này thể hiện trình độ đỉnh cao của họ, mặc dù tiền công của giai đoạn này có khi chỉ là một vài tặng phẩm hay tấm bằng khen. Bước vào giai đoạn kinh tế thị trường, hầu như mọi sản phẩm nghệ thuật đều có thể mua bán, trao đổi, miễn là “thuận mua, vừa bán”. Trong bối cảnh đó, nhà sáng tác phải tính toán thêm cả thời gian sáng tác và trị giá tác phẩm của mình. Sự tính toán này vô hình trung chi phối tốc độ và tư duy sáng tác của nghệ sĩ. Một sáng tác nghệ thuật có khi không còn nguyên vẹn “tính thiêng” của nó nữa mà đơn giản chỉ như một công việc theo hợp đồng. Chất lượng xuống dốc đến thảm hại của hàng loạt tượng đài kỷ niệm trong cả nước, tranh “chợ” đã “được” coi như bộ mặt của thị trường mỹ thuật Việt Nam, đẩy thị trường này đến chỗ gần như tĩnh tại bấy lâu nay sau một thời gian ngắn ngủi ban đầu đơm hoa kết quả lành,... Đó là hệ quả đáng tiếc của mặt trái tính thực dụng mà nghệ sĩ mỹ thuật vô tình hay cố ý mắc phải.

 

Khác với những người làm công việc sáng tác, cuộc sống của những người làm công tác nghiên cứu, lý luận phê bình hầu như không mấy thay đổi, có chăng chỉ là việc cập nhật thông tin rộng hơn, dễ hơn, còn “lương vẫn vậy, nhuận bút vẫn vậy” trong khi giá cả vẫn tăng vù vù. Họ ít bị chi phối bởi lối sống vị kỷ và thói thực dụng nhưng dường như họ đã co lại, nép mình vào những suy tư cá nhân vì “chẳng mấy ai nghe mình”(!). Thực trạng này có thể khiến cho “nghiên cứu khoa học teo đi”, và đó thực sự là một “tai họa” cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Vậy đâu là giải pháp cho công tác nghiên cứu lý luận trong giai đoạn hiện nay?

 

Những thách thức lớn của nghệ thuật tạo hình trong thế kỷ XXI

Bên cạnh những sức ép tạo ra từ mặt trái của cơ chế thị trường, nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ do quá trình toàn cầu hóa mang lại.

 

Nguy cơ thứ nhất là tự đánh mất mình. Điều này có vẻ như vô lý nhưng nó lại đang xảy ra. Sự thực là trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc thưởng thức ngay một tác phẩm mới ra đời ở đâu đó xa lắc phía bên kia bán cầu bằng internet không mấy khó khăn. Vì vậy, một họa sĩ hay một nhà lý luận hiện nay có thể cập nhật được cùng lúc nhiều trào lưu, trường phái nghệ thuật của thế giới. Và sự ảnh hưởng của các trào lưu, trường phái nghệ thuật này tới tư tưởng của anh ta là một điều hiển nhiên. Nếu anh ta không có lập trường hoặc không đủ trình độ nhận thức để tiếp nhận cái hay và loại trừ cái dở thì chính anh ta sẽ bị hòa tan trong cái “biển thông tin mênh mông” vừa thu thập được.

 

Nguy cơ thứ hai là tụt hậu. Thực ra, đây đã là một thực trạng, không chỉ dừng ở “nguy cơ” nữa. Tuy nhiên, để tránh nguy cơ tụt hậu quá xa thì việc bắt đầu từ bây giờ tuy muộn nhưng chưa phải đã hết để chúng ta vực dậy nền mỹ thuật Việt Nam trong thế kỷ XXI. Chỉ so với các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, chúng ta đã bị bỏ xa hàng thập kỷ. Mặc dù trong quá khứ, nền nghệ thuật tạo hình của ta (với Trường Mỹ thuật Đông Dương và Viện Viễn Đông Bác Cổ) đóng vai trò là trung tâm đào tạo và nghiên cứu của cả khu vực. Nhất thiết phải bắt đầu từ những hoạch định ở tầm vĩ mô của Nhà nước để giải quyết trọn vẹn vấn nạn học “chay”, lý luận “suông”, nghiên cứu thiếu thực tế và sáng tác “vu vơ” hiện nay.

 

Nguy cơ thứ ba, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc trong nghệ thuật tạo hình. Về vấn đề này, có rất nhiều bàn luận trái chiều. Có ý kiến cho rằng, nghệ thuật được xuất phát từ cá nhân nghệ sĩ và vì anh ta là người Việt Nam nên dù thế nào đi nữa, cái khí chất người Việt cũng không thể nào mất đi trong con người anh ta. Có ý kiến ngược lại, chỉ ra việc học đòi các hình thức sáng tạo Tây phương, nhất là những hình thức nghệ thuật ngoài giá vẽ, sẽ làm mai một bản sắc Việt Nam để hướng đến một thứ nghệ thuật “toàn cầu”. Nhìn lại cách thức học tập kỹ thuật hội họa của Tây phương để tạo nên những bức tranh thấm đẫm tinh thần và văn hóa Việt Nam của các bậc khả kính như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái,... hay như khả năng biến hóa sơn mài từ một chất liệu thủ công truyền thống thành một chất liệu nghệ thuật hội họa độc đáo Việt Nam, chúng ta thấy rõ ràng vai trò của công tác nghiên cứu đối với chính những bậc thầy này. Chúng ta phát triển sau và những chặng phát triển của chúng ta cũng không thoát khỏi quy luật chung của thế giới. Nghệ thuật sơn dầu đến với Việt Nam khi nó đã trở thành cổ điển ở phương Tây. Các loại hình nghệ thuật đương đại ngoài giá vẽ đến với Việt Nam khi nó đã phổ biến hầu khắp thế giới. Vì thế, nếu như chúng ta không có sự tìm tòi nghiên cứu để kế thừa và phát huy nghệ thuật thì sau khi hội nhập văn hóa thế giới, ta sẽ không còn là ta nữa mà chỉ là một cái bóng lờ mờ của kẻ khác vì ta chỉ biết “nhái”, chỉ biết sao chép nghệ thuật của người ngoài.

 

Cuối cùng, xin được trở lại với quan điểm của Einstein để đối chiếu với hoàn cảnh nghiên cứu mỹ thuật của Việt Nam hiện nay. Thực sự là trong hai thập niên vừa qua, chúng ta đã thiếu chú trọng đến công tác nghiên cứu lý luận mỹ thuật, góp phần khiến cho nền mỹ thuật Việt Nam bị mất phương hướng. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với sự “teo đi” của nghiên cứu khoa học. Và dĩ nhiên, “những khả năng tiến bộ trong tương lai” của chúng ta chưa đến mức “tan thành mây khói”. Theo thiển ý cá nhân người viết, giải pháp song song cho nghiên cứu lý luận mỹ thuật Việt Nam phát triển là: lòng nhiệt tình của những người làm sáng tác cũng như nghiên cứu cùng một sự hoạch định đúng đắn ở tầm vĩ mô thì chắc chắn chúng ta sẽ có được “khả năng tiến bộ” trong tương lai. Chúng ta có thể đặt niềm hy vọng vào điều này vì tâm huyết của người Việt Nam nói chung và những người làm nghệ thuật nói riêng đã được chứng minh trong lịch sử.

 

Trích VH&NT_______________

 

1. Tiền thân của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp hiện nay.

 

2. Tổng mục lục Nguyễn Đỗ Cung, Viện Mỹ thuật, Hà Nội, 1983.

 

3. Trần Thức, Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung với sự nghiệp nghiên cứu và trưng bày bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trong cuốn kỷ yếu 30 năm thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam xuất bản năm 1996.

 

4, 6. Bùi Như Hương, Mỹ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu?, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 5, 2003, tr.44-48.

 

5. Viện ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng và Trung tâm từ điển học xuất bản 1998, tr.940.

 

 

Đinh Hồng Hải
Số lần đọc: 6024
Ngày đăng: 18.01.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một vài nhìn nhận về mỹ học của thể loại -Tìm hiểu nghệ thuật phim truyện (bài 4,). - Đặng Minh Liên
Nhận diện khái niệm phim truyện -Tìm hiểu nghệ thuật phim truyện (bài 1,). - Đặng Minh Liên
Đề tài và chất liệu của phim truyện -Tìm hiểu nghệ thuật phim truyện (bài 2,). - Đặng Minh Liên
Cốt truyện và không có cốt truyện -Tìm hiểu nghệ thuật phim truyện (bài 3,). - Đặng Minh Liên
NSND Phạm Khắc - kẻ ham chơi sống lại - Khuyết danh
Hai mươi năm xem lại - Bích Ngọc
Tiếng lòng từ vùng đất hoang - Nguyễn Trung Hiếu
Nghệ thuật góp phần hoàn thiện nhân cách - Nguyễn Thị Thu Thủy
Mỹ thuật truyềnthống: - Khuyết danh
Những người còn sót lại của các dòng tranh dân gian - Khuyết danh