Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.173
123.203.905
 
Tản mạn về “Hạ đỏ có chàng tới hỏi”
NP Phan

 

TÌNH SẦU là bài thơ nổi tiếng nhất và hay nhất của nhà thơ Huyền Kiêu.

 

Ông tên thật là Bùi Lão Kiều (Có lẽ bút danh Huyền Kiêu xuất phát từ tên của ông là Kiều: Kiêu huyền thành Huyền Kiêu), sinh năm 1915, nguyên quán ở tỉnh Hà Đông (cũ). Ngoài viết văn, làm thơ ông còn cộng tác với nhiều báo ở Hà Nội. Ông công tác ở tạp chí Văn Nghệ (HNV), nhà xuất bản Văn học (HLHVHNTVN).

 

Những tác phẩm của Huyền Kiêu: Sang xuân (1960), Mùa cây (1965), Bầu trời (1976).

 

Sau 30 Tháng Tư năm 1975 ông vào Sài Gòn sinh sống. Ông mất ngày 8 tháng 1 năm 1995 (Ất Hợi), hưởng thọ 80 tuổi.

 

Bài thơ “Tình sầu” đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc mang tên Ngày Xưa Một Chuyện Tình Sầu do ca sĩ Duy Quang trình bày. Nhạc sĩ Việt Dzũng cũng phổ bài thơ thành nhạc phẩm Thu Vàng Có Chàng Tới Hỏi.

 

Đáng tiếc là bài thơ “Tình sầu” hiện nay có khá nhiều dị bản. Theo tôi tìm hiểu thì ít nhất có đến ba (bốn) dị bản.

 

Thứ nhất là bản chép lại từ bản viết tay (Hình 1), được cho là thủ bút của nhà thơ Huyền Kiêu, có ghi địa điểm, thời gian sáng tác và chữ ký của tác giả (bằng mực đỏ), như trang mạng thica.net ghi nhận bản này. Tạm gọi là Bản 1.

 

Tình sầu

 

Xuân hồng có chàng tới hỏi:

– Em thơ, chị đẹp em đâu?

– Chị tôi hoa ngứt cài đầu

Đi hái phù dung trong nội.

 

Hè đỏ có chàng tới hỏi:

– Em thơ, chị đẹp em đâu?

– Chị tôi khăn thắm quàng đầu

Đi giặt tơ vàng trong suối.

 

Thu biếc có chàng tới hỏi:

– Em thơ, chị đẹp em đâu?

– Chị tôi khăn trắng ngang đầu

Đi hát tình sầu trong núi.

 

Đông xám có chàng tới hỏi:

– Em thơ, chị đẹp em đâu?

– Chị tôi hoa phủ đầy đầu

Đã nghỉ trong lòng mộ lạnh.

 

Hà Nội mùa thu 1938

 

Bản thứ hai là bản do hoạ sĩ Suối Hoa, con gái của cố thi sĩ Huyền Kiêu công bố. Trang dutule.com dẫn lại trong mục Một bài thơ cũ. Tạm gọi là bản 2.

 

Tình sầu

 

Xuân hồng có chàng tới hỏi

Em thơ, chị đẹp em đâu?

Chị tôi hoa ngát cài đầu

Đi hái phù dung trong nội

 

Hè đỏ có chàng tới hỏi

Em thơ, chị đẹp em đâu ?

Chị tôi khăn thắm quàng đầu

Đi giặt tơ vàng trong suối

 

Thu biếc có chàng tới hỏi

Em thơ, chị đẹp em đâu ?

Chị tôi khăn trắng ngang đầu

Đi hát tình sầu trong núi

 

Đông xám có chàng tới hỏi

Em thơ, chị đẹp em đâu?

Chị tôi hoa phủ đầy đầu

Đã ngủ trong hầm mộ lạnh

 

1940

 

Bản thứ ba, cũng là bản phổ biến nhất, có trên hầu hết các trang mạng. Tạm gọi là bản 3.

 

 

Tình sầu

 

Xuân hồng có chàng tới hỏi

Em thơ, chị đẹp em đâu?

Chị tôi tóc xõa ngang đầu

Đi bắt bướm vàng ngoài nội

 

Hạ đỏ vẫn chàng tới hỏi

Em thơ, chị đẹp em đâu?

Chị tôi hoa trắng cài đầu

Đi giặt tơ vàng bên suối

 

Thu xám cũng chàng tới hỏi

Em thơ, chị đẹp em đâu?

Chị tôi khăn trắng ngang đầu

Đi hát tình sầu trong núi

 

Đông xám lại chàng tới hỏi

Em thơ, chị đẹp em đâu?

Chị tôi hoa phủ đầy đầu

Đã ngủ trong lòng mộ tối

 

1943

 

So sánh giữa bản 1 và bản 2 thì thấy không có sự khác biệt nhiều, ngoài mấy điểm sau đây:

- Bản 1 có dấu (-) đánh dấu lời đối thoại, bản 2 thì không.

- Bản 1: hoa ngứt; bản 2: hoa ngát.

- Bản 1: Đã nghỉ trong lòng mộ lạnh

  Bản 2: Đã ngủ trong hầm mộ lạnh

- Bản 1: năm sáng tác 1938; bản 2: 1940

 

Tôi tìm hiểu thử “hoa ngứt” là hoa gì thì không có kết quả mà chỉ có “hoa ngấy”, “ngấy hương”, họ hoa hồng, một vị thuốc nam.

 

Bản thứ 3, bản phổ biến nhất thì có nhiều khác biệt so với bản 1 và 2:

- Từ “có” trong “có chàng tới hỏi” được thay bằng “vẫn”, “cũng”, “lại” ở câu đầu các khổ thơ sau.

- “Tóc xoã ngang đầu”, “bắt bướm vàng ngoài nội”

- “Hạ đỏ” chứ không phải “Hè đỏ” (?)

- “Đi giặt tơ vàng bên suối” thay vì “trong suối”

- “Thu xám” thay vì “Thu biếc”

- “Đã ngủ trong lòng mộ tối”

 

Tôi nghĩ rằng đã có một sự tam sao thất bản ở đây. Có thể người yêu thơ đã không được tiếp xúc với bản gốc (chính thức) nên đã tự ý đọc hoặc chép thơ theo cảm nhận của riêng mình, hoặc căn cứ vào một bản nào đó trên báo chí rồi truyền cho nhau. Khổ một nỗi là bản này lại là bản phổ biến nhất, nhiều người thuộc nhất.

 

Nhưng mà…

 

Tôi cứ băn khoăn điều này: “Hạ đỏ” hay “Hè đỏ”? Theo như bản gốc của tác giả thì rõ ràng là HÈ ĐỎ, chứ không phải HẠ ĐỎ.

 

Lâu nay vẫn nghe “Hạ đỏ có chàng tới hỏi” giờ thử sửa thành “Hè đỏ có chàng tới hỏi” nghe hơi… sốc, nghe nó không hay, nó thế nào ấy. Vả lại, người ta thường nói Xuân Hạ Thu Đông (Mùa Xuân em đi chợ Hạ, mua cá Thu về chợ hãy còn Đông - Ca dao), chứ ít khi nói Xuân Hè Thu Đông. Thật không hiểu vì sao HÈ ĐỎ hoá thành HẠ ĐỎ…

 

Trước năm 1975, ở miền Nam, thật sự không có nhiều người biết đến Huyền Kiêu. Khi còn tại thế, nhà thơ Đinh Hùng (bạn thân của Huyền Kiêu) có giới thiệu hai bài thơ của Huyền Kiêu là “Tình sầu” và “Tương biệt dạ” nhưng cũng không mấy người yêu thơ biết, không hẳn là vì ông là người của “phía bên kia”, mà thời gian ấy, nhiều tác giả tác phẩm ngoài Bắc, nhất là các nhà văn, nhà thơ tiền chiến vẫn được đưa vào chương trình học, các tác phẩm vẫn được in ấn, phổ biến; mà có lẽ Huyền Kiêu chưa phải là nhà thơ thật sự có tiếng tăm.

 

Mãi cho đến khi nhà văn Viên Linh, một nhà văn có tiếng thời ấy lấy một câu thơ của Huyền Kiêu trong bài “Tình sầu” là câu “Hạ đỏ có chàng tới hỏi” làm nhan đề cho một cuốn truyện dài của ông thì bạn đọc mới tìm hiểu và biết được phần nào nguồn gốc của tên cuốn truyện.

 

Viên Linh tên thật là Nguyễn Nam, sinh ngày 20-1-1938 tại Phủ Lý, Hà Nam. Từ năm 1950, ông sống tại Hà Nội. Tác phẩm đầu tiên ông được trả nhuận bút viết năm 14 tuổi, đăng trên Nhật báo Tiếng Dân ở Hà Nội. Ông di cư vào Nam năm 1954.

 

Ông trưởng thành tại Sài Gòn, hoàn toàn sống bằng nghể cầm bút từ 1962, là Tổng thư ký Tòa soạn nhiều tuần báo chuyên về văn học nghệ thuật như Kịch Ảnh, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Thời Tập... Là tác giả của hơn hai mươi cuốn sách trước 1975. Ông đạt giải nhất Giải Văn học Nghệ thuật toàn quốc của VNCH năm 1974 với tác phẩm “Gió thấp”.

 

Nhà văn Viên Linh mất ngày 28 tháng 3 năm 2024 tại Virginia, Hoa Kỳ, thọ 86 tuổi.

 

Tôi là một trong những người hâm mộ nhà văn Viên Linh (mặc dù lúc đó tôi chỉ mới khoảng 15, 16 tuổi). Tôi rất thích thơ ông trong tập “Hoá thân”, đặc biệt là thơ lục bát, đọc truyện ngắn của ông trên các tạp chí thời ấy, một số truyện dài. Năm 1973, tôi mua cuốn “Những mái nhà thấp” của ông, đọc hết mà không có ấn tượng gì (hic). Đến năm sau (1974) thấy công bố ông được giải thưởng Văn học Nghệ thuật toàn quốc với tác phẩm “Gió thấp”. Thì ra, “Những mái nhà thấp” được tái bản với tên “Gió thấp”. Đọc lại thì mới thấy… hay (hic).

 

Năm 1973, nhà văn Viên Linh đã ký hợp đồng độc quyền với nhà xuất bản Khai Hoá và đã in bộ tác phẩm gồm ba truyện dài: “Hạ đỏ có chàng tới hỏi”, “Lòng gương ý lược” và “Tới nơi em ở”. Tôi chỉ mới đọc được “Hạ đỏ có chàng tới hỏi”, thấy rất hay. Hình như cuốn này đã được tái bản ở Việt Nam vào năm 2017.

 

Trong các ca khúc do Phạm Duy, Việt Dzũng phổ nhạc bài thơ này đều là “Hạ đỏ có chàng tới hỏi”.

 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng có cuốn truyện dài “Hạ đỏ” xuất bản năm 1991.

 

HÈ ĐỎ CÓ CHÀNG TỚI HỎI đã thành HẠ ĐỎ CÓ CHÀNG TỚI HỎI.

 

Vẫn chưa có câu trả lời.

 

                                                                                   

 

 

 

 

NP Phan
Số lần đọc: 457
Ngày đăng: 15.07.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
120. Mạc Mậu Hợp. (2) - Hồ Bạch Thảo
Về các khuynh hướng đổi mới trong thơ - Yến Nhi
Suy ngẫm, chiêm nghiệm với bao nỗi vui buồn trong “Cơn mơ chiều” của nhà thơ Nguyễn Phiếu - Hoàng Thị Bích Hà
119. Mạc Mậu Hợp [1562-1593]. - Hồ Bạch Thảo
Giọt từ tâm - Đặng Ngọc Như
Về một bài thơ, xưa nay vắng bóng trong các tuyển tập thơ Đường ở Việt Nam - Đặng Ngọc Như
118. Mạc Phúc Nguyên. - Hồ Bạch Thảo
Chữ Quốc Ngữ, đôi điều cần minh định - Võ Xuân Quế
Ca dao và thi ca II là triết lý cuộc đời - Võ Công Liêm
Lực lượng sáng tác cho thiếu nhi “Đông nhưng chưa mạnh” - Bùi Minh Vũ
Cùng một tác giả