Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.200
123.205.225
 
Một thoáng nước non hời
Phan Ngọc Anh

  Tác giả bên một góc khu đền tháp ở Mỹ Sơn

                                  

 

Bên linh vật Linga và Yoni ở Mỹ Sơn

 

 

Ngót bốn chục năm trước, tôi từng được biết đến những tháp Chăm qua tập thơ “Điêu tàn” của Chế Lan Viên. Hồi ấy, việc học văn đã được cởi mở hơn những giai đoạn trước đó, chương trình văn học trong nhà trường đã bắt đầu được học về Thơ mới, về văn học lãng mạn. Hơn nữa, thi thoảng, tôi lại được mẹ kể cho nghe những câu chuyện công chúa Huyền Trân về làm dâu nước Chiêm Thành để Đại Việt được mở rộng thêm về phương Nam với hai châu Ô, Lý. Và bắt đầu từ đó, “những tháp gầy mòn vì mong đợi”, “những đền đài đổ nát dưới thời gian”, “những tượng Chàm lở lói rỉ rên than” cùng với “muôn ma Hời loạng choạng dắt nhau đi” xen lẫn với khung cảnh “Những Chiêm nữ nhẹ nhàng quay lại ấp/ Áo hồng nâu phủ phất xõa lời vui”, “Những Chiêm nữ mơ màng trong tiếng sáo/ Cùng nhịp nhàng, uyển chuyển uốn mình hoa” đã gieo vào trong trí tưởng tượng của tôi bao mơ mộng; khiến tôi ấp ủ những ao ước một ngày được đi đến khám phá những xứ sở thần linh của ma Hời để ngắm nhìn các vũ nữ Chăm xưa cùng đền tháp nguy nga trên khắp dải đất miền Trung nắng cháy. Những ao ước tuổi thơ ấy cứ lớn dần và sau này cũng đã trở thành hiện thực trong mỗi chuyến đi về Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Bình Thuận nhưng với thánh địa ở nơi xứ Quảng thì vẫn chưa được hợp duyên.

 

Rồi một ngày tháng sáu nắng nồng, ngồi ngắm sông Hàn hướng ra cửa biển Sơn Trà, bất chợt nỗi niềm mơ ước tuổi thơ lại bùng lên và thôi thúc đôi chân hướng sang xứ Quảng bất kể lịch trình công tác dày đặc và rất eo hẹp thời gian. Dường như sự đam mê đã vượt lên hết thảy; căn ke, sắp xếp lại lịch trình trong điều kiện duy nhất chỉ có thể một buổi sáng. Và rồi sau bao nhiêu đắn đo, rút cục tôi cũng đã rủ rê được thêm mấy anh bạn và quyết định lên đường theo cách của Chế Lan Viên từng viết trong một bài thơ: “Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ/ Quay về xem non nước giống dân Hời” (Trên đường về - Điêu tàn). Theo lịch trình mới lập, hôm sau thức dậy từ 5 giờ sáng, thuê hai chiếc xe máy vision, vượt qua hơn sáu chục cây số với những đồi thông mơ mộng cùng những làng quê thanh bình ẩn mình dưới những lũy tre trên các cung đường xanh mướt núi non của các huyện Hòa Vang, Điện Bàn, Đại Lộc. Cuối cùng chúng tôi cũng đã được đặt chân đến và chìm đắm trước cảnh đẹp thơ mộng ở nơi suối ngàn kỳ vĩ của những khu đền tháp vốn được xem là thánh địa của người Chăm ở làng Mỹ Sơn. Lặng ngắm nhìn khu thánh địa; mê mải trước mỗi ngôi đền, mỗi bức tượng trong những cung bậc khác nhau của cảm xúc, tôi chợt nhận ra nó đẹp vô cùng, nét đẹp vẫn hiện hình kể cả khi đang bị tàn phai. Giữa thung lũng của núi rừng nhiệt đới, ta thấy những tháp Chăm hiện lên đúng là một Angkor Wat của Việt Nam.

 

Đến Mỹ Sơn, ta sẽ thấy khu đền tháp nằm lọt trong một thung lũng nhìn có vẻ khá kín đáo, giữa bốn bề núi rừng dường như vẫn còn giữ được nguyên vẻ hoang sơ như vốn có với thảm thực vật xanh biếc trập trùng và dòng suối trong vắt, réo rắt đưa nước đi qua những gập ghềnh đá sỏi. Với một hệ sinh thái như thế người đến Mỹ Sơn không chỉ cảm nhận được sự thoáng đãng, trong lành của môi trường tự nhiên mà còn thấy hiện lên tất cả sự linh thiêng kỳ bí của những ngôi đền tháp. Người ta bảo, phía Nam của Mỹ Sơn là đỉnh núi Mahapavata (còn gọi là núi Răng Mèo). Ngọn núi này được người Chăm xem như một đỉnh núi thiêng. Người Chăm coi núi này tựa như một Linga. Từ trên đỉnh núi chảy về phía Bắc có một dòng suối đi qua khu thánh địa. Tất nhiên người Chăm cũng coi đây là một dòng suối thiêng. Người Chăm quan niệm núi Răng Mèo là đại Linga và thung lũng nơi có các đền tháp là một đại Yoni, dòng suối thiêng chính là hình ảnh chiếc vòi Yoni. Chúng ta cũng đã từng biết Linga và Yoni là sinh thực khí trong tín ngưỡng thờ thần Shiva của người Chăm. Trong quan niệm của người Chăm xưa Linga và Yoni là hai linh vật tượng trưng cho dương và âm. Linga là bộ phận sinh dục của nam giới. Nó tượng trưng cho thần Shiva (một trong ba vị thần tối cao của Hindu giáo), biểu tượng cho dương tính. Yoni là bộ sinh dục của nữ giới. Nó tượng trưng cho thần Uma (vợ của thần Shiva), biểu tượng cho âm tính. Với quan niệm và cách lựa chọn khu đất linh thiêng để xây cất đền tháp nhằm thờ phụng thần linh như thế chúng ta đủ thấy sự cầu kỳ, thận trọng của người Chăm xưa cũng như những khát vọng, mơ ước của họ về một thế giới vạn vật sinh sôi, nảy nở, sung túc để được bền lâu. Nhưng có lẽ những điều đó mới chỉ là khúc dạo đầu cho một hành trình đầy mê mải và đi hết từ kinh ngạc này đến những kinh ngạc khác bởi những tài hoa của người xưa trên đất này.

 

Cái điều kinh ngạc đầu tiên dễ làm người ta choáng ngợp là sự kỳ vĩ của một khu rừng đền tháp cho dù ít nhiều đã đổ nát, không được còn nguyên vẹn do thời gian và chiến tranh tàn phá. Hẳn là đã có không ít người chưa thể tin nổi đây là sản phẩm của khối óc và đôi bàn tay của những con người ở các thế kỷ mà khoa học kỹ thuật hiện đại vẫn đang còn là những điều viễn tưởng với họ. Nhưng đó là một thực tế hiển nhiên trước mắt không thể chối cãi. Người ta chưa thể hình dung được với cách làm thủ công trong các điều kiện công cụ lao động rất thô sơ nhưng các đền tháp vừa đồ sộ, đa dạng vừa nguy nga, tráng lệ; những bức tượng, đồ thờ được chạm khắc vừa duyên dáng, uyển chuyển vừa xinh đẹp, tinh xảo đến ngay cả khi có đủ những máy móc hiện đại trợ giúp nhưng con người bây giờ cũng khó có thể vượt qua. Chưa đủ, còn kinh ngạc hơn nữa khi ta được tận mắt nhìn thấy những viên gạch hàng ngàn năm dù còn nguyên vẹn trên những tường tháp hay đổ vỡ trong đống hoang tàn thì vẫn giữ nguyên sắc màu đỏ hồng hay đỏ sẫm mà chẳng phai sắc hay rêu phong. Và đau đầu hơn nữa, không chỉ với người thường mà cả ngay với các nhà khoa học, đến nay người ta vẫn chưa thể lý giải được người nghệ sĩ Chăm xưa đã chạm khắc trực tiếp lên gạch sống hay trên gạch chín mà đường nét những nhát khắc quá ngọt ngào, cảm giác đất nung quá ấm áp mỗi khi được chạm tay vào. Không chỉ là những đường nét chạm khắc mà còn là nghệ thuật nhào đất làm gạch, nghệ thuật xây tháp. Với mắt thường thì viên gạch chỉ là viên gạch. Nhưng với những nhà Chăm học thì viên gạch Chăm xưa và chất kết dính những viên gạch Chăm ấy trên các bức tường vẫn là một ẩn số bí mật. Người ta đã từng đúc thí nghiệm những viên gạch bằng kích cỡ với viên gạch Chăm cổ nhưng viên gạch mới bao giờ cũng nặng hơn khoảng một phẩy ba lần; độ bền, độ chịu nén cũng không bằng; đặc biệt viên gạch Chăm xưa khi dội nước vào mặt này thì thoát ra ngay mặt kia, điều này không thể xảy ra với viên gạch mới. Cầm viên gạch Chăm cũ bị vỡ người ta thấy ruột gạch vẫn còn đất sống, có nghĩa chỉ chín vỏ bên ngoài, chín đều các phía nhưng ở giữa vẫn là phần đất sống. Tuy là đất sống nhưng có dầm mưa thì vẫn cứ rắn chắc và không bị bở ra. Viên gạch như thế quả thực là kỳ lạ. Và nữa, những viên gạch trên tường tháp thoạt nhìn ta cữ ngỡ chúng được xếp chồng lên nhau vì chúng khít khìn khịt với nhau, giữa chúng không có mạch vôi vữa gắn kết. Cứ thế chẳng biết hàng ngàn hàng ngàn viên gạch đó được dán với nhau bằng chất liệu gì mà những tòa tháp vẫn cứ sừng sững “trơ gan cùng tuế nguyệt” qua hàng trăm hàng ngàn năm nay. Cái bí ẩn ấy nếu như khoa học chưa thể giải thích được thì chỉ có thể lý giải được bằng những huyền thoại của thần linh chăng? Nhưng dù có huyền hoặc như thế nào đi chăng nữa thì sự tồn tại của những đền tháp vẫn là một minh chứng sống động cho những tài năng và sự kỳ diệu của tạo hóa ban cho người Chăm xưa. Đắm chìm trong những đền tháp ở nơi thánh địa dẫu vẫn biết đó là sản phẩm của những bàn tay trần thế làm ra nhưng sao ta cứ nghĩ nó đến từ thế giới của những đấng thần linh. Phải chăng sự phi thường và trác tuyệt của các công trình hoàn hảo đến mức thần kỳ như thế khiến ta khó tin vào sức mạnh của chính con người. Một sự thật ngỡ như phi thực tế khiến ta không khỏi ta nghĩ điều ấy có lẽ cũng là điều dễ hiểu.

 

            Đứng trước đền tháp ta mới có dịp để ngẫm nghĩ về những điều thần kỳ của tạo hóa, của chính con người. Cái điều thần kỳ ấy có khi bí ẩn đến mức ta cứ tưởng đó là sự trợ giúp của các đấng thần linh cho con người trên mặt đất. Nhưng sự thực vẫn là một minh chứng khó thay đổi cho dù cảm tính vẫn chẳng hề muốn khẳng định của ai khác ngoài những đấng thần linh. Cho nên đứng trước thực tế hiển nhiên và ngẫm cho đến cùng đằng sau những ly kỳ của huyền thoại thì sức mạnh chung quy vẫn là con người. Không phải ai khác những người Chăm xưa chính là chủ nhân của những công trình thần thánh. Họ đã sáng tạo nên những tòa tháp đồ sộ, tinh xảo bằng những sức mạnh thần kỳ. Có thể nói, với đôi bàn tay cần cù, tài hoa và khối óc sáng tạo, vĩ đại; luôn hướng đến những đáng tối cao bằng tất cả sự ngưỡng mộ, thành kính mà họ đã sáng tạo nên nhưng công trình sánh ngang với thần thánh. Ở góc nhìn đầy sáng tạo ấy chúng ta thấy không phải ai khác những người Chăm cổ chính là thần linh, một đấng thần linh để trong ngoặc kép.

 

            Đương thời, khu đền tháp Mỹ Sơn là trung tâm thờ tự quan trọng nhất của vương quốc Chămpa theo đạo Hindu, tôn thờ thần Shiva và lấy biểu tượng Linga, Yoni làm linh vật thờ chính. Bởi vậy ngắm nhìn nghệ thuật kiến trúc của quần thể đền tháp Mỹ Sơn ta không khỏi lấy làm ngạc nhiên khi thấy nó mang dáng dấp và chịu ảnh hưởng rất lớn bởi phong cách kiến trúc và văn hóa của Ấn Độ. Chỉ trong khoảng đường kính hai cây số giữa một thung lũng hẹp, ẩn mình trong rừng cây xanh, trung tâm tôn giáo Mỹ Sơn hiện lên với những công trình đền tháp đồ sộ, trong đó có một tháp (đền) chính (Kalan) và nhiều tháp (đền) phụ nhỏ bao bọc xung quanh. Mỗi ngôi tháp đều có ba phần: đế tháp, thân tháp và mái tháp. Tháp được xây bằng gạch kết hợp cùng các hình trang trí bằng sa thạch với những đường nét kỹ thuật rất tinh tế. Phía mặt ngoài cửa của các tháp có trang trí bằng các hình người, hình động vật, hình cỏ cây hoa lá. Những đường nét chạm khắc của các hình ảnh này cũng rất uyển chuyển và vô cùng sinh động. Mô típ trang trí hoa văn trên các trụ đá cùng với những tượng tròn và phù điêu sa thạch chủ yếu được lấy từ trong các thần thoại của Ấn Độ. Mê mải với những đường nét chạm khắc trên các bức tường ta thực sự bị cuốn hút bởi những vẻ đẹp mỹ miều, sinh động mà người nghệ sĩ thời xưa đã để lại. Những nét đẹp kiến trúc ấy quả là sự kết tinh của trí tuệ và tài hoa nhiều thế hệ, đồng thời cũng phản ánh sâu sắc những nét đặc trưng phong cách nghệ thuật của người Chămpa xưa - một nền nghệ thuật được kết hợp bởi những yếu tố bản địa và ngoại lai. Khám phá khu đền tháp chúng ta cũng dễ dàng nhận ra có tháp đứng riêng lẻ tách biệt nhưng cũng có tháp đứng liền kề bên nhau thành từng cụm với đôi, ba ngọn tháp. Và cũng có nhiều tháp đã bị đạn bom tàn phá, hủy diệt cùng nhiều tháp bị thời gian phong hóa … nhưng dấu tích nền tháp thì vẫn còn nguyên vẹn. Các cửa tháp ta thấy phần lớn đều quay về phía mặt trời mọc, hướng Đông - hướng trú ngụ của thần linh; ngoài ra cũng có một vài tháp cửa mở về hướng Tây hoặc cả hai hướng Đông – Tây với ngụ ý hướng về thế giới bên kia của các vị vua để tỏ lòng hoài niệm tổ tiên. Kiến trúc cơ bản của các khu tháp ta thường thấy trước mặt tháp chính là tháp cổng (Gopura), tiếp với tháp cổng là nhà dài (Mandapa) - nơi đón tiếp các khách hành hương, xung quanh tháp chính là các công trình phụ trợ khác như tháp nước, tháp kho và các đền thờ những vị thần linh khác. Những đền tháp ở Mỹ Sơn đều có hình chóp tứ giác. Các mái tháp được kiến trúc theo nhiều tầng và xếp chồng lên nhau, phía trên đặc phía dưới rỗng, càng lên cao càng thu nhỏ dần để tạo thành cái dáng thanh thoát như thể bay vút lên bầu trời trong xanh.

 

            Dấu tích khu thánh địa có đến hơn bảy mươi công trình nhưng hiện hữu chỉ còn ngoài ba chục, trong đó có khoảng hai mươi công trình còn giữ được dáng vẻ ban đầu. Đáng tiếc là kiệt tác của kiến trúc Chămpa (tháp lớn nhất, cao hai tư mét, có sáu tháp phụ ở xung quanh) đã bị bom Mỹ phá hỏng vào cuối năm 1969. Ôi chiến tranh! Ôi thời gian! Dạo quanh những đền đài đổ nát bất chợt ta không khỏi nghĩ về những giá trị vĩnh cửu, vĩnh hằng; nghĩ về sự hữu hạn với cái vô hạn ... Có lẽ những giá trị vĩnh cửu, vĩnh hằng của tự nhiên mà con người đang hằng hướng đến kia chỉ có trong huyền thoại mà thôi. Thời gian của những kỳ quan dù có tồn tại hàng ngàn năm hoặc lâu hơn thế nhưng so với thời gian vô biên của trời đất thì cũng chỉ là những hữu hạn giữa chốn vô hạn mà thôi. Cứ ngẫm nghĩ như thế rồi tưởng mình đang bị đi lạc bởi những phân tâm về sự mất còn giữa miền thánh đường nhưng rồi vô tình con mắt lại chạm vào không chỉ những thân hình vũ nữ đầy quyến rũ trên các bức tường gạch nung mà ở cả những tượng sa thạch nàng Apsara đang múa, tượng nữ thần …; có cả những tượng không đầu, cụt tay nhưng vẫn hiện về nguyên hình cái vẻ kiêu sa trên tấm thân nuột nà, từ dáng điệu cho đến bộ ngực và đôi chân trần cùng những điệu múa của những phần tay còn lại; tròn trịa, mịn màng, căng tràn nhựa sống; đầy nhịp nhàng, uyển chuyển. Bất giác dòng chảy của trạng thái suy ngẫm lại rẽ sang mạch nghĩ khác: cái đẹp và sự hủy diệt, hòa bình và chiến tranh. Nghĩ thế, từ cái vĩ mô của những tòa tháp tôi trở về cái vi mô của tượng đá. Chắc chắn khi sáng tạo không người nghệ sĩ nào lại làm ra một bức tượng không đầu, mất tay. Hẳn là khi tạo tác những nữ thần hay vũ nữ Chăm uốn mình trong điệu múa như bỏ bùa mê người xem kia người thợ điêu khắc Chămpa đang thăng hoa giữa những khung cảnh “thái bình trong Chiêm Quốc”, “trong ánh ngọc lưu ly huyền ảo” cùng “vua quan Chiêm say đắm thịt da ngà”. Nhưng cái gì đã làm cho những “Chiêm nữ mơ màng trong tiếng sáo”, “nhịp nhàng uyển chuyển uốn mình hoa” thành nỗi truân chuyên dâu bể đến thế kia. Ngẫm nghĩ, người thợ Chăm chuyển điệu múa từ kiếp người vào trong kiếp đá. Tưởng đâu vào kiếp đá rồi thì điệu múa sẽ được trường tồn, vĩnh cửu. Nhưng không, chiến tranh và sự hủy diệt không chỉ làm cho đền tháp điêu linh mà cũng biến tượng đá thành những tang thương kiếp nạn. Biết bao câu hỏi ùa về. Không biết tượng đá có thể tồn tại được bao lâu? Cái đẹp của vũ điệu Chăm kia rồi sẽ còn hay mất? Cái đẹp liệu có cứu rỗi được nhân loại hay không? … Bao nhiêu câu hỏi là bấy nhiêu chất chứa. Những đền tháp đổ nát, những tượng đá không đầu, cụt tay phơi mình trên thánh địa hẳn đã và sẽ còn làm nhức nhối biết bao trái tim người xem. Phải chăng không có chiến tranh? Phải chăng không bị tàn phá? Phải chăng có một ông bụt nào đó hiện lên cho các cháu con người Chăm một điều ước diệu kỳ để những đền đài lại được nguy nga, để cho cánh tay và chiếc đầu xinh đẹp lại được trở về hiện diện trên tấm thân ngà kiều diễm của những nữ thần hay nàng vũ nữ. … Phải chăng? Phải chăng và phải chăng? …

 

            Tiếc rằng, chẳng có nhiều thời gian để được ở lại Mỹ Sơn lâu hơn nữa. Tạm biệt vùng đất linh thiêng với những kỳ quan của xứ Quảng mà trong lòng vẫn còn đầy tiếc nuối để rồi lại ao ước một ngày nào đó được quay trở lại Mỹ Sơn chiêm ngưỡng những vẻ đẹp huyền bí của các tầng tháp cổ trong bóng hoàng hôn dần buông giữa ráng chiều đỏ rực; để được thỏa thích, mê mải trong những điệu múa Apsara huyền thoại của những nàng vũ nữ làm say đắm lòng người dưới chân tháp cổ trong nhịp trống Paranưng, Ginăng và điệu kèn Saranai. Một thoáng Mỹ Sơn từng trải như thế là một thoáng nước non Hời, một thoáng ngây ngất trước sự kỳ diệu của tạo hóa được làm lên từ những khối óc và đôi bàn tay tài hoa khéo léo của người Chăm xưa. Ta đã đến Mỹ Sơn rồi nhưng một lần như thế hẳn là vẫn chưa đủ.

                                                     Đà Nẵng, ngày 2 tháng 7 năm 2024

 

P/s: Khu đền tháp được coi là thánh địa của người Chăm ở làng Mỹ Sơn  xã Duy Phú huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam. Nơi đây có hơn bảy mươi công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chăm pa được xem là quần thể di tích kiến trúc tôn giáo quy mô và quan trọng nhất của nghệ thuật Chăm pa. Những công trình này được làm rải rác trong chín thế kỷ (IV – XIII). Sau hơn năm thế kỷ bị lãng quên, năm 1885 khu thánh địa này được người Pháp phát hiện sau đó đã được các nhà khoa học của Viện Viễn Đông Bác Cổ đến nghiên cứu. Ngày 4 tháng 12 năm 1999, khu đền tháp Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ngày 12/08/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận và xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật Khu đền tháp Mỹ Sơn là di tích quốc gia đặc biệt.

 

 

 

Phan Ngọc Anh
Số lần đọc: 199
Ngày đăng: 18.07.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tôi – người ngoại đạo học được gì từ hiện tượng Thích Minh Tuệ - Hoàng Thị Bích Hà
Le Temps De L’amour - Mỹ Ca
Hạ Long miền nhớ - Phan Anh
Sài Gòn nắng cũng lắm mong manh - Bùi Hoàng Linh
Cành hồng nghiêng ngã… - Phạm Nga
Sương nắng phôi pha - Nguyễn Thỵ
Nắng hạn, nước và phận người - Phan Trang Hy
Beijing lá phong vàng (8) - Nguyễn Linh Khiếu
Beijing lá phong vàng (7) - Nguyễn Linh Khiếu
Ngày lễ mẹ - Tiểu Lục Thần Phong