Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.696 tác phẩm
2.754 tác giả
700
121.957.742
 
Kẻ quay thuê viết mướn và chuyện quả báo
Nguyễn Anh Tuấn

 

Mấy tuần qua, nổi lên thống trị thế giới thông tin cả vỉa hè lẫn chính thống là biết bao lời rao giảng ồn ào về Nhân Quả, Nghiệp báo Luân hồi từ không ít vị “mũ cao áo dài” trong giới tu hành đạo Phật nhằm dẫn dụ Phật tử và đông đảo dân chúng vào mê hồn trận “Cúng dường”, “Giải oan”, “Giải nghiệp”, “Thỉnh vong”, “Trục vong Thỉnh linh bào thai”, v.v. Hắn chợt nhớ lại mồn một cái chết bi thảm của một ông Giám đốc dường phải trả nghiệp báo của ông bằng một tai nạn khủng khiếp mà nhiều năm qua, hắn tìm mọi cách cố tình rũ bỏ khỏi trí nhớ mệt mỏi của hắn nhưng không sao làm nổi…

 

      Đó là vào thời kỳ Điện ảnh Việt tan tác, các rạp chiếu phim lớn nhỏ cả nước biến thành quán bia, vũ trường, hàng ăn, văn phòng dịch vụ đủ loại do “công lao - sáng kiến” vĩ đại của Liên hiệp Điện ảnh; ở Cơ quan bị cắt lương vì không có phim làm, hắn và không ít đạo diễn đồng nghiệp mới tốt nghiệp phải vào phía Nam tìm đường làm phim. Gặp đúng mùa phim “mỳ ăn liền” đua nở rầm rĩ giữa đất Sài Thành hoa lệ, hắn đành ngao ngán nhận làm thuê cho một Công ty dịch vụ văn hóa: viết báo, biên tập sách, tổ chức sự kiện, làm chương trình quảng cáo, clip ca nhạc, phim chân dung, v.v.

 

      Giám đốc Công ty là một lãnh đạo chính quyền Thành phố mới về hưu, có quan hệ rộng khắp từ các tỉnh thành xa xôi tới Trung ương, lại có chút máu mê thơ ca - tuy chỉ là thứ thơ Câu lạc bộ phường song cũng tạm đủ để thuyết phục được hắn đầu quân về với ông. Đặc biệt là cái dự án sách và phim tài liệu về lịch sử Thanh niên xung phong Thành phố sau năm 75 khiến hắn hào hứng nghĩ tới một bộ phim truyện sử thi hoành tráng…

 

      Trong cuộc gặp mặt đầu với kẻ làm thuê tương lai, ông lim dim mắt đọc bài thơ có tên “Yêu em anh gọi thầm Duyên hải” cảm động đến độ dù hắn biết rõ đấy là bài thơ của một anh phụ trách Thanh niên xung phong Thành phố hắn quen, song lại có cảm tưởng như chính ông là tác giả… Nhưng chỉ sau nửa năm hắn đã bắt đầu vỡ mộng giữa hàng đống công việc tủn mủn chạy theo đơn đặt hàng của các cá nhân muốn tô vẽ cho lai lịch gia tộc, hay các đơn vị sản xuất tư nhân & Nhà nước đang mong xây dựng thương hiệu mạnh trong cuộc cạnh tranh bằng mọi chiêu trò quảng bá chấp nhận cả chuyện thổi phồng vô tư, bịa đặt trắng trợn mà không bị đánh thuế…

      Một chủ nhật, ông Giám đốc mời hắn - đúng hơn là gọi - đi làm giúp cho gia đình ông cả ngày.

      Hôm đó, ông tổ chức cho đại gia đình đi chơi công viên ngoại thành Sài Gòn, để cô con dâu đầu tương lai của ông đang thực tập quản lý kinh doanh biết thêm được “không khí văn hóa cao cấp” nhà ông. Hắn có trách nhiệm ghi lại thực sinh động buổi sinh hoạt quý hiếm này bằng phim và ảnh - để “đến khi tích góp đủ tư liệu, sẽ thực hiện một phim tài liệu lịch sử thật xứng đáng về Đại gia đình cách mạng của chú” - như ông chân thành tâm sự với hắn.

      Chụp ảnh thì quá đơn giản, nhưng hắn đâu phải là thằng quay phim, nên tối đó phải lặn lội đi mượn máy quay M7 của một người bạn học nghề cũ, nhờ dạy cách vận hành máy quay…

      Cả ngày hôm sau, lủng lẳng dây máy ảnh máy quay ở hai vai, hắn tất tả một cách đầy “lương tâm nghề nghiệp” để thực hiện những yêu cầu của chủ thuê mình trong các góc máy, các cảnh huống sinh hoạt… Tất cả bọn họ yên tâm rằng: đã thuê được một kẻ làm dịch vụ biết rõ sức mạnh sai bảo của đồng tiền, y hệt một tên nô lệ thời trung cổ phương Tây họ từng biết qua phim ảnh. Và họ ăn uống ê hề mà không cần, không có trách nhiệm nghĩ đến một kẻ phục vụ có tầm quan trọng nhất của cuộc này đang khát khô cổ, mồ hôi ướt đẫm… Chẳng lẽ, lúc đó hắn lại phải hạ mình tới xin họ một cốc nước, một ly bia? Thêm nỗi nhục cho kẻ mang danh đạo diễn điện ảnh quốc gia phải đi làm công việc dịch vụ của một anh thợ ảnh dạo! Dĩ nhiên, làm dịch vụ thì chẳng hề gì, chẳng có gì xấu, chỉ sợ học trò cũ hoặc bạn đồng nghiệp bắt gặp mình trong cảnh ngộ này thì chẳng biết chúi mặt vào đâu?… Có điều, hắn đã có một cuộc tự an ủi rất giàu ý nghiã, tuy chẳng khác AQ bao nhiêu: Chứ sao, mấy ai trong nghề điện ảnh như mình đã được biết rõ tâm trạng của một kẻ làm thuê bán sức lao động cho kẻ nhiều tiền mà cậy của, vô tâm – “cái biết” đó chính là tâm trạng của một miếng mỡ nằm trong chảo mỡ, như văn hào Lỗ Tấn từng nói đến…

      Và điều an ủi có ý nghĩa hơn cả đối với hắn, cũng là thứ giữ cho hắn không đánh mất lòng tự trọng khi ngửa tay xin một cốc nước, chính là ánh mắt cảm thương kín đáo của cô con dâu tương lai nhà quý tộc nọ thỉnh thoảng hướng về hắn… Chính cô đã chủ động đem tới cho hắn một chai nước Lavi. Cô làm như hòa nhập hết sức thoải mái vào cuộc vui, nhưng chỉ hắn mới hiểu: cô là người duy nhất trong đám người vui vẻ kia nhận ra sự bất công, mặc dù hợp lý - ở cái không khí văn hóa mà họ bày ra dành cho cô là chủ yếu… Hắn biết: một tình thương đối với hắn chợt chớm nở trong lòng cô…

      Nhưng dù phong phú trí tưởng tượng đến đâu, hắn cũng không thể nghĩ ra nổi một tình tiết có thực khá thú vị với người đời nhưng lại rất buồn với hắn sẽ diễn ra, ngoài “kịch bản phân cảnh” dự kiến phim của hắn và chắc chắn không thể có vị trí nào trong bộ phim “lịch sử đại gia đình” họ: Cô dâu tương lai của gia đình quý tộc đó sau hôm ấy lại đâm ra mê cái kẻ làm dịch vụ, chắc hẳn là bắt đầu từ cái buổi quay thuê viết mướn của hắn mà cô được chứng kiến từ đầu tới cuối.

      Ba hôm sau, trong một tối làm thêm, lúc các nhân viên về hết, hắn gặp cô ở chân cầu thang vắng vẻ, cô nói với hắn như sắp đứt hơi… Cô thầm thì em tình nguyện theo hắn cùng trời cuối đất… Em sẵn sàng bỏ phứt không thương tiếc thân phận “chuột sa chĩnh gạo” bày sẵn cho em… Em ghê sợ cái tương lai trong ngôi nhà này… Ông ấy có gương mặt đức Phật nhưng lại mang bản tính của một con quỷ tham lam. Và dâm dục nữa…

      Nhưng điều đó lại đặt hắn vào tình huống khó xử, và nguy hiểm. Cuối cùng, hắn phải tìm cách “gạt lệ” chia tay em, bán sới khỏi cái Công ty văn hóa đương ăn nên làm ra kia, nhằm giữ mình, giữ nghề, và giữ cho cả tương lai của em dù em muốn tìm cách chối bỏ, bởi em chưa hiểu cuộc sống đang chờ đợi em là gì...

      Đây là những lời cuối cùng hắn nói với em một tuần sau đó, gần Công ty, ở một góc phố tối om bởi bóng đèn bị cháy chưa kịp thay:

- Huyền à, anh rất hiểu tình cảm của em dành cho anh… Anh rất xúc động và biết ơn… Nếu anh trong hoàn cảnh khác, không phải là kẻ đi làm thuê, sự nghiệp ổn định, anh sẽ là người thật hạnh phúc khi có em…

      Hắn cảm thấy giọt nước mắt long lanh của em qua tiếng thở dài nhè nhẹ.

- Còn anh thấy gia đình họ là cán bộ cơ bản, ông ấy ở R ra, có nhiều quan hệ rất tốt… - Hắn nghẹn lời một lúc bởi chợt cảm thấy sự dối trá vụng về của mình - Con cái họ đều được ăn học tử tế, và cậu Tiến là một thanh niên ngoan ngoãn, không đua đòi ăn diện, anh ta cũng yêu em thật lòng đấy chứ…

      Huyền bật khóc rưng rức không cần kìm nén:

- Trời ơi, anh đừng nói những lời không phải của anh như thế nữa đi! Em tuy chỉ hết Phổ thông trung học, nhưng qua cách ông bà ấy đối xử với các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ mà em chứng kiến mấy tháng qua, em hiểu họ chỉ tìm cách bóc lột chất xám người khác càng nhiều càng tốt… Và họ chỉ coi trọng những người có địa vị cao, những ai thành đạt nhiều tiền của thôi! Đằng sau cái vỏ quý tộc họ đang dày công xây dựng là toan tính lạnh lùng và tàn nhẫn, anh ơi! Họ làm kinh doanh về văn hóa mà không hề quan tâm một người có nhiều mơ ước như anh đang cần gì, nghĩ gì, trăn trở gì… Họ chỉ tìm cách làm sao khai thác anh được nhiều nhất cho công việc kinh doanh của họ, mà trả anh bèo bọt nhất… Nhưng lại muốn anh phải mang ơn họ, bởi họ biết rõ lai lịch anh, một người không giỏi quan hệ, không biết hạ mình quỵ lụy nên bị gạt ra ngoài guồng chính thống nhiều năm nay, bị cắt lương, phải bỏ cơ quan vào trong này tìm đường làm phim… Còn anh đang phục vụ một kẻ thế nào, anh biết không: ông ấy cặp bồ với đứa bạn thân của em, mua nhà bạc tỷ cho nó, và nhét tiền lớn vào tay em để bịt miệng khi em biết chuyện… Không bao giờ em dám nhìn thẳng vào cái gương mặt từ bi giả tạo dầy mỡ mỗi khi ông ta rao giảng đạo đức cho con cháu và nhân viên Công ty…

      Bất giác hắn ôm chầm lấy cô gái chợt trở nên thân thiết vô hạn với hắn, bởi em đã nói ra những tử huyệt đời em và đời hắn bằng nỗi đau lòng của một tâm hồn trẻ trung nhạy cảm, giàu nỗi xót thương. Hắn lau nước mắt cho em, và nhẹ hôn lên đôi môi đẫm lệ… Đèn đường góc phố chợt bật sáng, hắn và em vội vã rời khỏi nhau, phòng gia đình quý tộc nọ phát hiện. Hắn và em chào nhau lần cuối rồi lén lút chia tay như hai kẻ ăn trộm bị bắt quả tang.

      Ngày hôm sau, hắn báo cáo Ban Giám đốc xin tạm dừng các công việc, lấy cớ ra Bắc có việc gấp gia đình, rồi bỏ Công ty ấy đi biệt tăm, không đợi thanh toán nốt các khoản công xá, thù lao họ còn nợ khá nhiều sau mấy công trình viết thuê, làm phim thuê. Bởi mấy món nợ đó chẳng là gì so với “món nợ định mệnh” nặng trĩu của hắn với em, sau cuộc chia tay như chạy trốn. Và không trả nổi “món nợ định mệnh” ấy là một trong những thất bại đau đớn nhất của đời hắn.

      Nhưng thất bại này của hắn thực chẳng đáng kể so với một tai nạn xảy ra mấy tháng sau đó mà dân làm dịch vụ văn hóa kiếm tiền bố thí của ông Giám đốc nọ đến tận ba thập kỷ sau còn phải trợn mắt lè lưỡi kinh hoàng: Xe du lịch đời mới ông ta chở bồ nhí đi nghỉ mát ở Đà Lạt bị rơi xuống vực, chẳng hiểu sao thân hai người nguyên vẹn nhưng riêng đầu ông ta thì bị vỡ tan nát, óc bắn tung tóe đầy xe… Vợ ông, khi biết hết mọi chuyện cũng đành cắn răng bỏ ra mấy cây vàng thuê sư một chùa lớn tổ chức Cầu siêu cho ông, để ông thoát kiếp nạn “chết không toàn thây, “ma không đầu” dưới Âm ty…

      Hôm nay, nhân lúc được các “chuyên gia Gọi hồn Giải oan” thời mới nổi danh nọ truyền cho “cảm hứng”, hắn mới đủ lòng dũng cảm thắp một nén nhang để an ủi, cầu nguyện cho ông Giám đốc xấu số của hắn được yên lòng đôi chút nơi Cửu tuyền…

 

 

Hà Nội, đầu tháng 7-2024

 

(Tranh minh họa của họa sĩ Nguyễn Lý Phương Ngọc)

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 190
Ngày đăng: 19.07.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hà Nội thứ tư - Nguyễn Minh Nữu
Bông cúc xanh - Hoàng Thị Bích Hà
Chuyện của gà con - Ngọc Thảo
Phía dưới đường chân trời - Nguyễn Thỵ
Chay mặn - Võ Công Liêm
Linh giác của trưởng lão nơi chùa quê - Nguyễn Anh Tuấn
Truyện cổ tích trên bến Bình Đông - Nguyễn Minh Nữu
Bên bờ kênh tẻ - Nguyễn Minh Nữu
Ba điều ước của bé - Nguyễn Anh Tuấn
Công án tân thời - Tiểu Lục Thần Phong
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)