Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.696 tác phẩm
2.754 tác giả
1.066
121.963.159
 
Hoàng Đăng Khoa – Cô đơn nở hết mình quỳnh nở
Bùi Thị Diệu

 

Khi kết thúc cuộc trò chuyện với vị thánh đi ra từ rừng sâu, Zarathustra đã cảm thán rằng, Thượng Đế đã chết, không còn gì để tin, không còn gì để đi tìm. Còn Hoàng Đăng Khoa trong thơ đã cảm thán rằng “Chữ thiêng viết bằng máu/cũng bay nét phai màu” (Ngẫu vận). Hoài nghi và phủ định đến cả chữ thiêng, phải chăng Hoàng Đăng Khoa cũng không còn Thượng Đế?

 Giải thiêng, trở về bản chất người của đời thường, đó vốn là điều mà thơ ca hậu hiện đại đã đi và gặt hái được nhiều thành tựu. Khi cuộc sống dường như ngày càng trần trụi, ít chất thơ, nhiều bất an hơn. Ta có thêm một Hoàng Đăng Khoa đầy nghi hoặc, luôn trên hành trình kiếm tìm mình. Trong nhiều dịch chuyển (giữa phố và quê, giữa căn phòng ba mét vuông và cánh đồng, giữa lí luận và thi ca, giữa chân thật và giễu nhại…), anh ghép những mảnh rời thành các bức tranh có thể biểu đạt vẻ đẹp khó nắm bắt của tư tưởng và xúc cảm.

 Thử “đọc” Hoàng Đăng Khoa qua một số mảnh rời.

 Một bài thơ rất đặc trưng của anh: Chậm nhanh gì buồn chẳng như nhau.

 Triết lí/ phủ định ngay từ nhan đề. Bài thơ với cấu trúc đồng đẳng và tăng tiến bắt lấy chữ “buồn” ném tràn ra phận người rồi quăng phủ thi ca. Phận người “buồn từ trong trứng”, khát đồng điệu, thèm tri âm, mà trớ trêu thay:

“chúng mình cách ly nhau đã mấy mùa

chung ngôn ngữ mà không cùng tiếng nói

có cất lời cũng chẳng nghe được nhau”

Nỗi buồn ấy dính mắc, liên kết con người: “nhưng niềm đau người khác/ người này không vô can”. Câu thơ của Hoàng Đăng Khoa rất hiện sinh. Chúng ta gặp nhau, dự phần vào nhau đâu đó ở nhiều nút thắt như thế.

Thi ca cũng “buồn từ trong chữ”. Từ dáng dấp bên ngoài/ chiếc áo có vẻ tân kì: “bài thơ tràn hàng/ không viết hoa mở đầu/ không chấm cuối/ như buồn tràn tuổi/…” đến sứ mệnh/ ý nghĩa mà nó mang gánh: “thơ cũng là văn bản nhật dụng/ dẫu là tinh của chữ là hoa của lời là lệ của đời”. Thơ “cũng là” hay “cũng phải là”? Tinh túy bao nhiêu cũng để dùng, như rượu kia để uống. Tê ran hay vừa ngủ gật vừa tụng, mỗi bài thơ cũng là/ phải là một mảnh để … buồn. Nỗi buồn chết rồi lại phục sinh, như một vòng tròn, lặp lại mãi.

Bài thơ với ngôn từ “bắt trend”: cách ly, mùa covid, mùa sống chậm… rất hiện đại. Nhưng nỗi buồn, cái cô đơn của phận người, sự phù phiếm vô nghĩa của thi ca thì thời nào mà không thế, thời nào “buồn chẳng như nhau”. Nỗi buồn sản sinh thi ca và cái Đẹp, nên hãy thưởng thức nỗi buồn, phải chăng đó là điều thi nhân muốn nói?

Một bài thơ khác của Hoàng Đăng Khoa: Đối diện

giấu cô đơn vào đêm

ngẫm mình hạt cát

rớt xuống sông không hằn nổi vòng loang

 

giấu thất vọng vào đêm

ngẫm thơ mình bông trắng

rớt sân nhà không dậy nổi tiếng vang

 

giấu rỗng rượi vào đâu

khi đời mình mây khói

chưa kịp rớt

                    đã

                                tan

Bài thơ dồn nén trạng thái từ cô đơn, thất vọng đến rỗng rượi, như một lời tự thú. Là hạt cát rơi vào lòng sông, là bông trắng rớt hiên nhà, là mây khói tan vào thinh vắng. Người thơ ấy ý thức về giới hạn của mình. Đó cũng là giới hạn của chúng sinh trên cõi trần gian. Cho nên ta thấy anh luôn cần mẫn, chắt chiu, phát hiện và gom nhặt vẻ đẹp thường hằng, lặng lẽ hiến dâng và trao tặng.

Giải mã mình, Hoàng Đăng Khoa có Những cuộc kết nối không thực hiện được. Bị bủa vây trong thế giới bất an, nhạt, cố đấm, mặc cảm, bất lực, sống cạn, rời (như cơm nguội), ngủ vùi, vừa bội thực vừa đói meo, nói nhảm …, nhà thơ thèm kết nối với con người đến mức phải “khất thực”. Vậy mà khi em gọi tới, thì thi nhân lại quay mặt thở dài, không muốn kết nối. Người gọi tới không đúng thời điểm chăng? Hay EM không phải NGƯỜI? Hay cuối cùng thì thi nhân vẫn lựa chọn vùi mình vào nỗi cô đơn rỗng rượi cả ngàn mùa đến không buồn thức giấc, bởi vì nỗi cô đơn ấy mới khiến nhà thơ sống thật với chính anh?

 

 Giải mã mình, Hoàng Đăng Khoa có Rong rêu. Trong một chiều mưa, khi Khánh Ly đang hát Tuổi đá buồn, tôi nghe bài thơ sống dậy: “gõ bàn phím màn hình hiển thị mỗi chữ buồn/ tuổi như những sân ga hoang hoải phía sau lưng…”. Tuổi ấy, trong những buổi chiều ấy, buồn có vị gì? Vị của lạc loài, trống rỗng khát khô hồn: cuộc sống mỗi người không sách nào dạy nổi/ đôi khi lạc loài giữa ấm áp người thân/ khát khô hồn khát gì không biết nữa/… Giống như cảm giác buồn nôn (nausea) trong tác phẩm của J.-P.Sartre khi không thể hiểu, không thể lí giải được thế giới sự vật. Mỗi giây phút sống, con người đều cố gắng định danh/ định vị/ định nghĩa mình nhưng cuối cùng cũng chẳng nắm bắt được ta là ai, ta ước mong gì. Tưởng như Em có thể cứu rỗi Anh để đời may ra ý nghĩa. Thế mà niềm mơ này rồi cũng rong rêu. Rong rêu không phải là danh từ trong thà là rong rêu lênh đênh trên biển, cái rong rêu gợi sự bé mọn trôi dạt. Rong rêu ở đây là một đặc điểm, một phẩm chất đồng nghĩa với cũ càng, tàn phai, lãng quên, hư mất. Hoàng Đăng Khoa có một từ dùng thành thương hiệu, từ rỗng rượi. Âm r rung ngân của rong rêu chính là cái rung ngân trong rỗng rượi, nối chiều vào mưa, nối mơ vào xưa… Những sân ga cũ bỏ lại, không biết nhà thơ đã kịp trọn vẹn chưa với bao gặp gỡ và chia biệt. Hình như năm đó nhà thơ ba mươi tuổi, một giai đoạn với nhiều khủng hoảng trong đời…

 Đi tìm mình, Hoàng Đăng Khoa còn có Sinh nhật. Vẫn câu hỏi ta là ai, ta cần gì, ta ước mong gì, Hoàng Đăng Khoa chọn Em là người đối thoại. Giải mã bằng lí trí, bài thơ nói rằng: Tháng năm như những ngọn triều, em trở nên hờ hững, còn anh trống rỗng. Tuổi mới, giữa bao phi lí, anh sinh ra lần nữa, nhưng bất an đời đời. Anh run rẩy yêu em, mà vừa yêu đã lạnh. Anh (mang thuộc tính đàn ông/ nghệ sĩ) thèm cái mới, cái khác, cái phía trước. Anh cô đơn. Câu chuyện ấy của con người, không có gì mới lạ. Nhưng Hoàng Đăng Khoa đã cuốn ta đi bằng một nhịp điệu mãnh liệt đến đau đớn của làn sóng ngôn từ, nới rộng và nhân lên đến cực đại giới hạn của cô đơn, phi lí, khát thèm, trống rỗng. Xin đọc một vài dòng trong bài thơ ấy:

“tuổi duềnh lên lúc nửa đêm

anh ngộp thở trong rốn lũ cô đơn đặc quánh”

 

“con thằn lằn khó ở nhảy trần nhà tự tử

anh bất an như đứa trẻ sơ sinh tiếng bộp rùng mình

thằn lằn không chết thằn lằn đứt đuôi”

 

“gặp tiếng yêu em rẩy run giữa ngút ngàn thiên địa

thảm ban mai thông lanh long sương vỡ

anh lỡ môi chạm nơi tiếng yêu vừa bay lên

                                 khát điên cuồng một bờ môi khác”

 

“đêm đơn điệu câm nguyên thủy một màu”

Và nhiều nữa những mảnh rời mang dấu ấn rất Hoàng Đăng Khoa. Quay về trung tâm bản thể mình, lắng nghe những thầm thì riêng tư sâu kín. Đó là vẻ đẹp nhân văn mang tính cứu rỗi của thi ca.

***

Không phải là không còn Thượng Đế, mà là một Thượng Đế khác, trong một ánh sáng khác. Trong thơ Hoàng Đăng Khoa, niềm tin anh luôn hướng về cha mẹ, quê nhà, và chữ. Cha mẹ thắp lên giấc mơ và bóng quê nghiêng xuống thơ anh: “bố ngả nong trải sách ra phơi/ từng cuốn nặng đẫm giấc mơ cày cuốc” (Khát vọng mùa). Hoàng Đăng Khoa đem tình yêu đẹp đẽ ấy đi xa: “rồi sẽ nhớ rất sâu chạp ấy/ người lạ cùng ta cua những cung đường”,  “người trải dó châm mực cho chữ/ dâng ngập ta nỗi nhớ quê xa”… (Viết ở bản Sung). Viết ở bản Sung là một bài thơ đẹp và tình, tươi sáng và xúc động về gặp gỡ, khám phá, đón nhận, thưởng thức và kết nối. Có thể xem là một bài thơ hiếm của Hoàng Đăng Khoa.

Trong thơ, Hoàng Đăng Khoa nói về thơ: “lui dần vào lặng im/ cô đơn nở hết mình quỳnh nở/ nở để lụi tàn” (Nhà thơ). Thơ là một cuộc tìm kiếm bất tận, không dễ dàng, không ngừng nghỉ. Nhà thơ, trong mỗi bài thơ, cũng như một đóa quỳnh, dâng hương sắc trong đêm, hết mình trong khoảnh khắc, chẳng mong cầu. Anh cũng nói về thơ (và văn chương) trong sự đọc: “một cuộc gặp gỡ ngời lên những màu khác”, “sau liên hồi chật hẹp chạm mênh mông” (Cảo thơm). Tính mở trong mọi cuộc đọc cũng chính là tâm thế của Hoàng Đăng Khoa trong phê bình văn học. Như thế, anh có thêm đôi cánh để đi xa.

Đối thoại, hoài nghi, phủ định, thực ra đó chính là cách để các nhà thơ tìm kiếm và khẳng định những giá trị mới trong đời sống mới. Cũng như giễu nhại, đùa cợt là cách để thể hiện những suy tư nghiêm túc về cốt lõi của sự việc. Đối thoại, hỏi đáp trong thơ Hoàng Đăng Khoa thường làm hiển lộ những vẻ đẹp mang tính phát hiện về sự vật. Những bài thơ như Nơi chùa văn, Thơ khó đặt tên, Không đề Phú Yên, Ngẫu vấn… có thể xem là những chùm thơ mà ý tưởng mời gọi nhau xoay quanh một trục chủ đề, để bản chất đời sống phát sáng như những tia chớp:

“- Này thư phòng,

không lẽ chịu thua bầy mối?

- Ở đây ai nói chuyện thắng thua”.

                                                (Nơi chùa văn)

“ – Này dấu ba chấm,

Ngươi lấp lửng thế ai biết là đâu.

- Người tồn hiện là để làm đầy khoảng trắng”.

                                                (Ngẫu vấn)

Khai thác hiệu quả tối đa của cấu trúc đồng đẳng, thủ pháp tương phản, những đoạn thơ lặp lại và mở rộng biên độ suy nghĩ, mời gọi người đọc cùng tham dự trò chuyện. Thơ ấy ít miêu tả, nhiều triết lí, không có sự du dương của ngôn từ. Nhạc tính của thơ nằm bên trong tư tưởng. Không còn những bài thơ với nhịp điệu song song quen thuộc, ta thấy một Hoàng Đăng Khoa luôn nỗ lực làm mới mình.

 

Hoàng Đăng Khoa sẽ đi thật chắc và xa trên con đường chữ nhọc nhằn, với tình yêu anh đang có, phóng ý nghĩ tự do thành chữ, như cá heo trong đại dương, như lừa trên sa mạc, như ngựa giữa đại ngàn: “rừng thăm thẳm chân trời tít tắp/ đường tự do có là đường cũ bao giờ” (Ý nghĩ).

                                                                                              

 

 

 

 

 

 

Bùi Thị Diệu
Số lần đọc: 110
Ngày đăng: 22.07.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đắng ngọt đàn bà - Từ Sâm
Mùi của bếp - Từ Sâm
Cúc xưa - Yến Nhi
Vũ Bằng “Nói có sách” - Phan Văn Thạnh
Nhà thơ nói về thơ - Yến Nhi
Nhìn lại “Vòng Tay Học Trò” - Phan Văn Thạnh
Mùng một tết – xem phim “Mai” - Hoàng Thị Bích Hà
Những quan điểm về sáng tạo thơ ca từ một tập sách - Yến Nhi
Đời như một cuộc trốn tìm… - Yến Nhi
Đọc lại “Vòng tay học trò” sau sáu mươi năm tác phẩm ra đời - Hoàng Thị Bích Hà