Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.696 tác phẩm
2.754 tác giả
1.052
121.959.628
 
Bâng khuâng ngôi nhà
Hoàng Xuân

 

 

Những người con sống xa quê, cứ mỗi lần có dịp trở về bao giờ cũng nặng nghĩa ân tình, và với tôi lần này lại in vào ký ức một điều gì đó bâng khuâng và không kém phần day dứt.... Căn nhà gỗ 3 gian mà mẹ tôi phải suốt đời theo đuổi mới dựng lên được như bây giờ, buộc lòng phải bán nó đi cho một người chủ khác. Có muôn vàn lý do để phải nói lời không thể giữ nó lại được. Nhưng với chúng tôi, những người con của mẹ trong cái tuổi trưởng thành và có phần bắt đầu xế chiều này không khỏi tiếc nuối.

 

Xưa, thời gian chưa xa lắm, cách đây trong khoảng 4 thập kỉ, nhà mẹ tôi ở Làng Còi. Nơi đây mỗi mùa mưa về thường bị ngập lụt, nước lên doành doàng, mưa chan thối đất, thối trời. Làng ấy, ông cha đã làm một chiếc cầu bằng tre và gỗ lim bắc qua cái con sông nho nhỏ đoạn đổ ra hòa nước với dòng sông Gianh. Thời đánh Mỹ, cái cầu ấy bị Mỹ dùng bom tọa độ đánh sập lần lượt các nhịp. Lúc đầu sập một nhịp, và ông cha ta thủa ấy đã đặt tên là Làng Còi. Cũng có ý kiến cho rằng, cái làng ấy lúc bấy giờ trồng rất nhiều cau, nhiều cây cau bị Mỹ đánh gãy mất phần ngọn, nên đặt tên làng là Làng Còi. Xem ra, cả 2 lý do này đều hợp lý, và cái tên làng ấy đều xứng đáng được mang tên để ghi nhớ một thời gian khổ mà cha ông ta đã trải qua.

 

Ông ngoại tôi bị bạo bệnh nên mất sớm, để lại mệ ngoại và ở với con gái út, đó là mẹ tôi. Tôi được sinh ra trong ngôi nhà ở cái Làng Còi này khi đất nước vừa thống nhất được 4 năm. Thời gian ấy do lụt lội nhiều, đa phần nhà dân chỉ là tranh tre nứa lá, nên ai nấy vào trong “Đôộng” tìm cho mình một vị trí cao ráo để dựng lại nhà nhằm tránh lụt. Thế là một cuộc “di cư” đã diễn ra. Là đàn bà con gái sống với nhau, nên mẹ tôi thiếu phần mạnh dạn “di cư”, do đó thuộc diện “di cư” sau cùng. Vì vào muộn, nên chỗ đất rộng rãi và “đẹp” không còn nữa, lại muốn ở gần cậu Vịnh (là anh con bác), mẹ tôi đã quyết định “định cư” lâu dài trên một cái đồi sim, đồi muồng khá chật hẹp, vốn là cái khu vực chuồng bò của hợp tác xã. Và chính cái nơi này tôi đã gắn bó cùng mệ ngoại và mẹ đi hết tuổi thơ cho đến hôm nay. Sau nhiều năm chuẩn bị gỗ làm nhà, nhờ vào ba sào ruộng với chăn nuôi bò hộ gia đình, năm 1990 mẹ tôi đã quyết định “xóa nhà tranh tre nứa lá” bằng một ngôi nhà gỗ 3 gian lợp lá tro theo kiểu “tiền khách hậu chủ” và tường bằng mên đất. Trải qua nhiều lần bán bò và các thứ khác ngày ngày ở chợ Còi, chợ Ống, thì có được ngôi nhà với đầy đủ ngói, bao bờ lô xi măng và cửa bằng gỗ như ngày hôm nay, mà ông cha ta thường gọi là “nhà ngói cây mít”, để chỉ sự giàu có, sung túc lúc bấy giờ.

 

Những người thân thương nhất của chúng tôi lần lượt ra đi, chúng tôi như đứng chơ vơ giữa cái “đồi không mong quạnh”, căn nhà ấy vẫn vững vàng trước bão giông, nắng gió để chứng kiến chúng tôi lớn lên và hòa nhập với cuộc sống mỗi ngày. Đó như là một “con mắt biển” dò dẫm từng bước chân chúng tôi đi và ghi vào ký ức chúng tôi không biết cơ man nào là kỉ niệm vui buồn. Hai đứa con tôi, con o, con chú đều trải qua những tháng ngày thơ bé ở đó. Nó lại như một mạch nguồn tiếp nối các thế hệ, như một người mẹ lớn để các con xa tìm về. Hay đúng hơn như một cái tổ ấm, mà chúng tôi như đàn chim mỗi khi đi xa trở về là được hòa vào lòng cái tổ ấy, để diễn bày không biết bao nhiêu là chuyện bên mệ, bên mẹ... Không biết bao nhiêu thăng trầm biến cố trong suốt gần 4 thập kỉ qua cũng từ căn nhà này. Nó đã chứng kiến sự chia ly, và cả tiếng khóc chào đời của những đứa trẻ, rồi cả tiếng cãi vã nhau mỗi khi “trái gió trở trời”... Nhưng tất thảy, đó là những kỉ niệm êm đềm của thời thơ ấu.

 

Hôm nay, chúng tôi lặng lẽ đứng nhìn những vị khách “bất đắc dĩ” tháo ngói, dỡ nhà, bốc lên xe và lăn bánh về phía hun hút khói mây mà tôi đã khóc. Khóc như một đứa trẻ vừa lên ba. Khóc như một cụ già xa đàn cháu nhỏ... Bao ký ức lại ùa về như một luồng gió hỗn hợp, cứ miên man, miên man mãi.

 

Ông bà ta xưa đã nói “có mới nới cũ”, âu đó cũng là quy luật muôn đời của lẽ tự nhiên, thể hiện sự “tiến hóa” đi lên của xã hội loài người. Cái gì không còn phù hợp nữa sẽ được thay thế bởi cái phù hợp hơn. Thế hệ như mẹ tôi, cố gắng “xóa mái tranh, vách đất”, đến thế hệ chúng tôi lại cố gắng “xóa nhà bán kiên cố” thành những ngôi nhà khang trang hơn, hiện đại hơn, được xây bằng gạch và xi măng, sắt thép. Đó là sự nỗ lực vượt bậc của từng thế hệ trong hành trình chinh phục thiên nhiên và chiếm lĩnh giá trị sống qua mỗi thời kỳ của lịch sử. Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế như vũ bão của nhân loại, nhưng đi liền với nó là sự biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Theo đó, thiên tai hoành hành cũng ngày càng khốc liệt, khó lường hơn, đặc biệt là các cơn bão có sự tàn phá ngày càng “ngang tàng và ương bướng” hơn khi cấp độ gió không chỉ dừng ở 12 là cao nhất như thời các thế hệ cha ông. Trước sự lạnh lùng của mẹ thiên nhiên như thế, con người cũng phải tìm cách để ứng phó với nó, đó cũng là quy luật của tạo hóa.

 

Rồi đây, không xa nữa ngay chính trên mãnh đất đã từng tồn tại ngôi nhà gỗ 3 gian trong suốt 34 năm qua, sẽ mọc lên một ngôi nhà mới khang trang, hiện đại hơn. Và mẹ tôi cũng như các thế hệ cha ông trong ngôi nhà ấy sẽ có một nơi thờ tự kín đáo hơn, chúng tôi cũng không còn lo sợ mỗi khi đài báo bão nữa. Đó cũng là tâm nguyện của chúng tôi, những người con đang sống xa quê vì “miếng cơm manh áo”, vì sự cống hiến tuổi thanh xuân cho cộng đồng, cho quê hương, đất nước. Chỉ có điều, trong căn nhà mới ấy, sẽ không bao giờ được nghe tiếng hát, lời ru của mẹ, của bà như ngôi nhà gỗ năm xưa. Và cũng sẽ chẳng được nghe những âm thanh réo rắt mà “kẽo cà kẽo kẹt” của những chú mối, chú mọt vốn ngàn đời nay đã sống cùng trong các ngôi nhà gỗ qua bao thế hệ.

 

Cơn mưa nhè nhẹ đang lướt qua nơi này, báo hiệu một đợt áp thấp nhiệt đới đầu mùa, đang hình thành và di chuyển ở ngoài biển Đông vào đất liền trên cả dãi miền Trung, Quảng Bình cũng sẽ là điểm đến. Cơn mưa ấy như một mạch nguồn điểm xuyết qua tâm can chúng tôi, những chủ nhân trên mảnh đất đầy nghĩa tình này.

 

      15/7/2024

                                                                                         

 

 

 

 

Hoàng Xuân
Số lần đọc: 155
Ngày đăng: 22.07.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một thoáng nước non hời - Phan Ngọc Anh
Tôi – người ngoại đạo học được gì từ hiện tượng Thích Minh Tuệ - Hoàng Thị Bích Hà
Le Temps De L’amour - Mỹ Ca
Hạ Long miền nhớ - Phan Anh
Sài Gòn nắng cũng lắm mong manh - Bùi Hoàng Linh
Cành hồng nghiêng ngã… - Phạm Nga
Sương nắng phôi pha - Nguyễn Thỵ
Nắng hạn, nước và phận người - Phan Trang Hy
Beijing lá phong vàng (8) - Nguyễn Linh Khiếu
Beijing lá phong vàng (7) - Nguyễn Linh Khiếu
Cùng một tác giả
Lan man chuyện tết (truyện ngắn)
Cậu Tâm (tạp văn)
Tro (tạp văn)
Riêng (thơ)