Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.172
123.203.728
 
“Từ Quan - từ chức” xưa và nay
Phan Văn Thạnh

 

 

Theo quy luật tuổi tác,đáo niên hạn đụng nóc trần pla-phông - đèn đỏ bật - chuông reo báo hiệu “stop” là phải phanh lại thôi - nắm níu gì nữa ?!

 Ông Đào Tiềm trong “Quy khứ lai từ” đã bảo rồi đó : (1)

Quy khứ lai hề, điền viên tương vu, hồ bất quy!

Ký tự dĩ tâm vi hình dịch, hề trù trướng nhi độc bi?

…Quy khứ lai hề, thỉnh tức giao dĩ tuyệt du.

Thế dữ ngã nhi tương vi, phục giá ngôn hề yên cầu?...

Dịch nghĩa

Về đi thôi! Ruộng vườn sắp trở thành hoang vu, cớ sao chưa về?

Đã để tâm hồn cho thể xác sai khiến thì sao còn ảo não, buồn khổ một mình mà làm chi?

…Về đi thôi! Từ đây không giao du với ai nữa,

Ta với đời không còn liên quan gì với nhau nữa. Giao du để làm gì?...

 -Cụ Phan Huy Ích (1750 - 1822) thong dong để lại mấy vần -  “Sài Sơn xuân diếu”- lui về ẩn cư,buông xả hết mọi sự - an nhiên tự tại,rong chơi hòa nhập cùng bản thể vũ trụ :

1-Thăm nhà cửa vườn cây trên núi

Vui lên cao vời vợi xa trông

Bối Am thưa thớt rặng tùng

Mây quanh Thái Lão đá tầng phẳng phiu

Như đàn hát chim reo ríu rít

Ráng sườn non,tranh đẹp nào hơn

Ruộng đồng: xuân ý chứa chan

Áo tơi nón lá,ai đang cày bừa.

2-Ẩn trong núi chẳng vào triều yết

Chống gậy lên núi biếc du xuân

Đã qua sóng gió đường trần

Mới hay mây khói dưới chân non Hồng. (2)

 -Cụ Nguyễn Công Trứ (1878-1858) - phủi tay làm xong phận sự ,thanh thản về dưới hoàng hôn vui thú tiêu dao :

 “Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch,

Tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn.

Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn,

Đồ thích chí chất đầy trong một túi.

Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi tới,

Gẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh.

Này này sĩ mới hoàn danh”. (Kẻ Sĩ)

 -Riêng trường hợp Cụ Nguyễn Khuyến (1835-1909) sống vào lúc nền nếp triều đình nhà Nguyễn đã ổn định. Ông có chí quyết khoa,đậu đến Tam nguyên - hoạn lộ tuy bằng phẳng nhưng không hiển hách. Mười hai năm làm quan thì có đến sáu năm làm ở Sử quán, một thứ nhàn quan. Không được giao trọng trách nên ông cũng không phải trực tiếp vật lộn với các vấn đề gay cấn của tình trạng giặc Tây, giặc khách, đê vỡ, mùa mất thời Tự Đức. Thế rồi tình hình chuyển thành nguy kịch. Thực dân Pháp đánh Bắc bộ, chiếm kinh thành (Hoàng Diệu tuẫn tiết). Tự Đức mất - triều đình lộn xộn. Nguyễn Khuyến lấy cớ ốm đau, xin cáo quan về trí sĩ (1885). Ông để lại Di chúc :

Đề vào mấy chữ trong bia,

Rằng: "Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu" (Trần Tán Bình dịch )

Theo GS Trần Đình Hượu (1926-1995) - Với Nguyễn Khuyến “cáo quan” không phải là xuất/xử mà là hành /chỉ : ở hay về. Ông đã giải quyết vấn đề đó một cách nhanh gọn. Ông tự cho như thế là dũng thoái, ra về dứt khoát, nhẹ nhàng, không dùng dằng mất nhiều thì giờ. Chọn con đường rút lui, Nguyễn Khuyến cũng có cân nhắc, suy nghĩ nhưng vấn đề đặt ra để tính toán là tình thế và sức lực, là mình với kẻ khác, là bản thân với gia đình”(3):

Mười mấy năm qua ấn với thao

Thân này mong được đức vua yêu

Việc nhiều hay ốm đành hưu vậy,

Ngày một lần ăn chửa nỗi nào.

Giúp nước, bạn bè còn lại đó,

Về nhà con cái, chắc hiền đâu.

Từ đây ngất ngưởng ngồi nâng chén,

Lại nỡ làm nhơ sử sách sao?”

(Cảm tác của Nguyễn Khuyến - Đỗ Ngọc Toại dịch)

Các cụ lui về làng quê tịnh dưỡng,- thường đến với nghề  dạy học -“tiến vi quan,thoái vi sư” như :

- Cụ tổ Chu Văn An (1292-1370) quê ở Thanh Trì (Hà Nội) làm Tư nghiệp Quốc tử giám đời Trần Minh Tông (1314-1340). Dâng “Thất trảm sớ” xin chém 7 tên loạn thần, không được vua Trần Dụ Tông (1341-1368) chấp thuận, ông từ quan, về Hải Dương dạy học. Về sau, vua Trần có đôi lần mời ông ra làm quan, nhưng ông đã từ chối và vẫn ở lại làng quê để truyền dạy cái chữ cho môn sinh. Học trò của thầy Chu Văn An sau này có nhiều người nên danh, nên giá như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh. Người đời sau tôn vinh thầy là bậc sư tổ của nghề dạy học ở nước ta và thờ thầy ở Văn Miếu - Quốc tử giám Hà Nội.

- Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), đỗ trạng nguyên và làm quan đời nhà Mạc, chức Tả thị lang. Cũng như Chu Văn An, ông từng dâng sớ xin vua cho chém 18 tên loạn thần. Từ quan, Nguyễn Bỉnh Khiêm về quê làm nghề dạy học và vui thú điền viên. Thơ chữ Hán, chữ Nôm của thầy, rất nhiều bài “hay và đẹp lạ thường”, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

- Cụ Nguyễn Huy Tự (1743-1790) người Hà Tĩnh, từng làm Tri phủ Quốc Oai (Hà Đông cũ) và giữ chức “Nhập nội thị giảng”trong phủ chúa Trịnh. Ông là tác giả của tập“Hoa tiên” nổi tiếng. Khi mẹ vợ mất, ông về quê chịu tang, rồi ở lại quê làm nghề dạy học cùng cha,vĩnh viễn từ bỏ chốn quan trường.

- Cụ Bùi Huy Bích (1744-1818), cùng quê với Thầy Chu Văn An (đời Trần), giữ chức tể tướng thời Lê Trịnh. Thời thế đảo điên, ông rời bỏ thị thành về quê sinh sống bằng nghề “gõ đầu trẻ”. Nhiều lần được các vua Lê Chiêu Thống, Quang Trung, Gia Long vời ra làm quan, thầy đều chối từ…

 

 

 

Kẻ sĩ thời nay

Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Hội An - Quảng Nam - năm 2016, trong bối cảnh “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đột ngột xin nghỉ hưu sớm(trước 2 năm),đã gây sự ngạc nhiên thán phục trong dư luận. Trò chuyện cùng báo Tuổi Trẻ trước ngày “treo ấn từ quan”, ông Sự bộc bạch:

Chuyện nghỉ hưu tất yếu xảy ra với bất cứ người nào và đối với tôi là việc bình thường. Đến lúc cảm thấy có thể do tuổi tác hay do mình không nhất thiết phải tham gia nữa cũng nên rút lui, bởi có làm vài ba năm nữa cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì.

Với tôi, làm ở vị trí lãnh đạo tròn 21 năm từ vị trí chủ tịch qua bí thư là quá lâu. Nó dần trở thành lối mòn, ngại đổi mới, ngại đột phá.

Cứ “đường xưa lối cũ em về” như vậy mãi làm cho thành phố không bứt phá được, chưa kể là sẽ cản trở sự đi lên của anh em. Mình ngồi đó, anh em sẽ không lên được.

Mình làm lâu sẽ trở thành lão làng, hạn chế tư duy của anh em. Ngồi trước mặt mình, anh em cũng khó nói lên được những điều mới. Mình trở thành chỗ dựa cho anh em, dựa mãi lại hình thành thói quen ỷ lại”.

*Hỏi : Trong khi nhiều người đến tuổi nghỉ hưu vẫn muốn tại chức, còn ông vẫn đang sung sức sao phải nghỉ sớm ?

- “Tôi( Ô Sự) quan niệm rằng chủ tịch hay bí thư, vị trí lãnh đạo không phải là gia tài điền sản do ông bà, cha mẹ để lại cho mình mà nó là của xã hội. Vị trí cũng do xã hội đặt anh lên, Đảng giao cho anh. Tôi không muốn làm kẻ tư duy lá chuối. Cây nào đến mùa cũng thay lá non, duy nhất chỉ có cây chuối là tàu lá nó chết còn bám trên cây, người ta phải cắt đi.

Tôi không muốn như vậy. Đã đến lúc mình cần rời vị trí thì phải rời. Một đoạn đường 21 năm với cương vị chủ chốt của thành phố, bây giờ mình đặt gánh xuống trao lại cho anh em có nghĩa là mình rời cái gánh lo toan rất nhẹ nhàng.(Nguồn https://tuoitre.vn)

Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, không ít vị quan vì liêm sỉ mà từ bỏ chức tước mình đang có, về quê sống ẩn dật. Xã hội ngày nay, khái niệm từ quan được thay bằng “từ chức” bởi bộ máy quan lại xưa khác với nay về bản chất. Xưa treo ấn từ quan vì không muốn làm trong bộ máy cai trị thực dân, phong kiến, vì không muốn những hành động của mình gián tiếp hay trực tiếp làm khổ dân. Ngày nay, từ chức vì những vi phạm bản thân hoặc thuộc trách nhiệm quản lý, từ chức vì không còn xứng đáng đứng trong bộ máy công quyền phục vụ nhân dân, từ chức vì nhân dân không còn tin tưởng nữa.

Gần đây nhiều vụ án liên tiếp nổ ra -"chuyến bay giải cứu", vụ Việt Á, vụ án tại Công ty AIC và Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, vụ án tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển, FLC, Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB  - (cán bộ tham nhũng - nhận hối lộ hàng chục tỉ đồng,hàng trăm ngàn,hàng triệu đô…) - Cơ quan nhà nước công khai mổ xẻ,mạnh tay cắt bỏ khối u - Người dân giật mình - không thể tưởng tượng nổi sự  bê bối thối nát của một bộ phận cán bộ đến thế !-  một bầy sâu lúc nhúc - nếu không quyết liệt  trừ khử  có nguy cơ đổ luôn “nồi canh” !

Trở lại với quan điểm về hưu theo niên hạn -“Thời hành tắc hành,thời chỉ tắc chỉ” - không gì phải quá lăn tăn nếu đã có sự chuẩn bị tâm lý đón nhận.

-“Mai về bạn chớ ngẩn ngơ

Nay còn ấn kiếm,bây giờ thường dân

Chẳng xe đưa đón tận sân

Không còn thuộc hạ tụ quần ngoài trong.

-Từ mai ngõ sạch cửa thông

Những phường cơ hội sẽ không tới nhà

Bè”hờ”,bạn”rỡm”,lảng xa,

Chỉ còn nhiều gió trăng qua với mình”. (4)

 

Cán mốc hoàng hôn, phải về thôi - Ai rồi cũng phải già – thôi ta không sống với tha nhân nữa - ta trở về sống với ta - khó khăn theo một cách khác - cũng đành chấp nhận - quán triệt “vô thường” !

Ta về rũ áo mây trôi

Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan

Rằng xưa có gã từ quan

Lên non tìm động hoa vàng ngủ say”… (5)

 

 

(Saigon,viết 6/2015,chỉnh sửa bổ sung 7/24)

 (1)Nguồn https : thivien.net

(2) Nguyên tác “Sài Sơn xuân diếu” - TS.Phan Huy Ích (1750 - 1822) - Trần Lê Văn dịch - tuần báo Văn nghệ Xuân Quí Mùi 2003)

(3) “Vấn đề xuất xử của nhà nho và sự phát triển trong thơ Tam nguyên Yên Đỗ” - Trần Đình Hượu - Nguồn : tonvinhvanhoadoc.vn

(4)“Mai bạn về hưu” - Nguyễn Long - Văn Nghệ số 45(08/11/2003)

(5)Tập thơ “Động hoa vàng” - Phạm Thiên Thư - cơ sở Văn Chương xuất bản lần thứ tư - Saigon,1971,tr 46

 

 

Phan Văn Thạnh
Số lần đọc: 229
Ngày đăng: 29.07.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bâng khuâng ngôi nhà - Hoàng Xuân
Một thoáng nước non hời - Phan Ngọc Anh
Tôi – người ngoại đạo học được gì từ hiện tượng Thích Minh Tuệ - Hoàng Thị Bích Hà
Le Temps De L’amour - Mỹ Ca
Hạ Long miền nhớ - Phan Anh
Sài Gòn nắng cũng lắm mong manh - Bùi Hoàng Linh
Cành hồng nghiêng ngã… - Phạm Nga
Sương nắng phôi pha - Nguyễn Thỵ
Nắng hạn, nước và phận người - Phan Trang Hy
Beijing lá phong vàng (8) - Nguyễn Linh Khiếu
Cùng một tác giả
Tự khúc cuối năm (truyện ngắn)
Đà lạt & Tôi (tạp văn)
Tản mạn với CAFE (tiểu luận)
Trôi trong mơ (truyện ngắn)