Tôi đã đọc liền một mạch “Truyện ngắn Bích Ngân”, như lần theo những mảng tối sang của một bức tranh, tập truyện không chỉ là một tập hợp suông mà làm nên một toàn thể. Tôi nghĩ Bích Ngân có lẽ củng viết liền một mạch tác phẩm mình, cũng cuốn nhanh theo ngòi bút, không dừng lại được nữa trước khi đóng lại một chu kỳ, hoàn thiện một hình dạng, và ở đây cái đọc tiếp nối cái viết trong cùng một nhịp điệu dồn dập, hối hả. Đó là điều người ta gọi là sức lôi cuốn và thuyết phục của một bút pháp khi nhà văn làm chủ được đề tài và cảm hứng của mình, khi nhà văn biết nói điều mình muốn nói, và nói theo cách của mình. Thật vậy, qua từng trang toát ra hơi thở và nhịp đập của vùng đất thân thương nơi tận cùng đất nước, tác giả đã đưa người đọc đến hoặc đến gần hơn, với những mảnh đời và cảnh đời làm nên hồn đất lẫn hồn người, hiền hòa và mãnh liệt, đã mở ra nhiều cánh cửa nhưng còn đó bao điều bí ẩn. Ngôn ngữ và phong cách Bích Ngân in rõ nét đặc trưng Nam bộ, điều này đã hẳn bởi cô sinh trưởng và lớn lên tại đây, trong hơi thở của đất trời, sông nước, cỏ cây, rừng biển, với bao mối dây từ thuở nào buộc chặt trong ý thức lẫn vô thức. Nhưng điều đáng nói và cũng hiện rõ trong tài năng của cô là cái chất giọng Nam bộ vẫn in đậm trên từng trang viết nhưng không nặng phần câu nệ hay cứng nhắc đến cường điệu trong từng câu, từng chữ, mà vẫn toát ra nét tinh tế và trữ tình riêng mở toang mọi giới hạn.
Thuờng khi nhà văn “cắm” nhân vật mình lên trang giấy như người ta thổi sự sống vào đó, thế là bắt đầu một cuộc phiêu lưu riêng, một cuộc đời riêng, một định mệnh riêng.Tôi nghĩ, bằng ngòi bút sắc cạnh và biến hóa, mạnh bạo mà uyển chuyển, Bích Ngân đã làm được công việc đó trong từng truyện ngắn của cô.
Truyện ngắn Bích Ngân thường dung dị, với những con người và cuộc sống thật bình thường, gần gũi, dễ tìm tới nhất, dễ bắt gặp nhất, nhưng tất cả bắt đầu từ đó, khi làng nước bỗng chao lên vì những đợt sóng ngầm, một tiếng động nhỏ, một tia sáng mong manh đủ mời gọi to khám phá một bầu trời, một thế giới, một con người, vẫn gần gũi và vẫn xa xôi.Phải chăng vì thế mà nguời đọc dễ dàng đến với thế giới của cô, và có cảm giác bước ngay vào cuộc phiêu lưu của nhân vật cô ngay từ đầu.Với nỗi bất ổn của bà Năm khi “bà đứng trước bàn thờ hai người chồng” ( “ Đất không cưu mang ” ) . Với nỗi buồn của “Quyên lại sẫy thai” ( “ Ba người đàn bà ” ) . Với niềm vui “ thằng Tài đậu đại học ”, cái tựa đã bao gồm cả cái truyện ngắn rồi ! Nói rằng Bích Ngân lôi cuốn người đọc ngay từ đầu, đoạn đầu, dòng đầu, thậm chí cái tựa, dù tất cả không ra ngoài cái thường nhật không có gì ghê gớm, chấn động hay thảng thốt cả, điều đó cũng đúng. Tự nhiên làm sao cách cô đưa người đọc vào câu chuyện, từ chỗ bắt đầu, từ chỗ kết thúc hay từ một sự kiện, một hình ảnh của cuộc sống miên man, và từ đó lần phăng ra như theo sợi chỉ Ariane đưa người ta qua những chặng đường vòng vo xuôi ngược và đầy bất ngờ trước khi tới “mảnh đất hứa”, một vấn đề, một bi kịch, một câu trả lời, có khi là một câu hỏi còn là câu hỏi, tất cả không tình cờ ( cả sự bất ngờ ! ) hay đơn thuần là ý chí mà đơn giản là nghệ thuật trong bàn tay người nghệ sĩ. Truyện ngắn Bích Ngân có thể là một màn kịch với những đỉnh điểm cao trào, một cuốn phim khéo dàn dựng, tiết tấu nhanh, chừng như nó diễn ra trong khoảnh khắc,tóm thâu trong khoảnh khắc, nó chính là khoảnh khắc đón bắt được từ cuộc sống vô vàn, và thể hiện nó, mô tả nó, đi tới tận cùng với nó ( như một định nghĩa truyện ngắn ), khoảnh khắc cuộc sống, khoảnh khắc văn chương, biết bao điều trong một khoảnh khắc ! Khoảnh khắc “ Chuyện buồn chuyện vui ” của đôi bạn lâu ngày gặp lại. Khoảnh khắc hạnh phúc không lặp lại bao giờ của người con gái đang yêu. Khoảnh khắc bất an của người chồng người cha hạnh phúc với lá thư người yêu cũ qua chính hòn máu rơi của mình v.v.. “ Đất không cưu mang ”, truyện ngắn khép lại tập truyện, cũng chỉ là khoảnh khắc mong manh có thể kéo dài bằng một cái chớp mắt trong đó nén chặt và nổ bùng sự tích hai số phận gặp gỡ và gắn bó với nhau trên vùng đất đầy hứa hẹn nhưng cũng lắm tai ương và bất trắc, một bài thơ ca ngợi tình yêu và cuộc sống với niềm vui và nỗi đau, sự sống và cái chết quyện lấy nhau trong bàn tay định mệnh. Cảnh ông Mười gặp gỡ và dắt dìu mẹ con bà Năm từng bước lầy lội trơn trợt trong tiếng mưa tuôn, sóng gào, cây ngã, lá đổ, chim muông hoảng loạn khi màn đêm ập xuống: nổ lực tuyệt vọng của con người trong cơn thịnh nộ tàn khốc của thiên nhiên, trong khúc hòa tấu miền địa phủ, trên những con chữ nổ tung ! Ngày ông điên loạn, thất thần, kiệt lực vì tai họa dồn dập, ngã vật xuống mặt rẫy ngập phèn lấp lóa màu trắng chết chóc khi đứa con trai đã bỏ ông, khi vợ ông chưa sinh cho ông đứa con gái, dấu ngoặc đã khép lại khoảnh khắc/ đời ông đầy ấp thương đau và hạnh phúc, nhưng với ông phải chăng đã đủ khi bao khát vọng vẫn còn đó, và cả với vợ ông phải chăng tất cả đã kết thúc khi còn đó nỗi bất an, niềm “hối tiếc ngày càng quẫy đạp dữ dội trong tuổi xế bóng” của bà, và còn đó ngay cả một lần về thăm mộ chồng con nơi miền đất bỏ lại không biết bao giờ thực hiện, cũng như còn đó mối xúc động, băn khoăn đọng lại trong lòng người đọc khơi nguồn cho một ý tưởng sâu xa hơn về con người, về số phận.
Ngòi bút Bích Ngân không dừng lại ở bề mặt cuộc sống bình lặng thản nhiên có thể xuôi chèo mát mái, mà luôn thăm dò, tra hỏi, lắng nghe cái phần u ẩn, uẫn khúc của con người qua những kinh nghiệm mất mát, hụt hẫng, đã thành tâm sự đau nhói trong tận cùng bản thể, cái chết của tâm hồn, con sâu trong lòng trái ngọt. Nó tìm tới và luôn trở về với cái bất toàn của con người. Phải chăng vì bản thân cô đã qua thời thơ ấu trong những “hồi trống trận” của cuộc chiến trên vùng đất hoang sơ bí ẩn với bao ám ảnh chết chóc, tai ương, lò luyện đầu tiên giúp cô tạo cho mình một ngòi bút mạnh mẽ, dứt khoát nhưng vẫn mượt mà, sâu lắng và đầy trắc ẩn khi chạm tới niềm đau, nỗi bất hạnh của kiếp người, phải chăng đó cũng là con đường ngắn nhất đưa cô đến với nhân vật mình và thể hiện nó từ phần nội tâm thăm thẳm của nó? Vẫn là con người trong ám ảnh của mất mát, hụt hẫng ( “ Giọt đắng ”, “ Ám ảnh của dòng sông ”, “ Những chiếc lông cò ”…), trong nỗi sợ đã biến thành hoang tưởng khi người ta không biết tai họa đến lúc nào ( “Sợi dây ” ), bởi bất cứ lúc nào nó cũng có thể ập xuống: cơn bão đi qua trong cuộc vui chưa tàn của những người chờ đợi, trong hi vọng chứa chan của người vợ sắp làm mẹ, giờ đây chỉ còn kịp nhìn ngôi nhà thành đống đổ nát trước khi xé ruột trong tiếng gọi chồng “ vút lên tận mây xanh ”, cho ra đời một mầm sống mởi ( “ Nơi bão đi qua ” ).
Cuộc sống vẫn tiếp tục, và trong cái bất toàn của mình con người vẫn phải sống và tìm kiếm cho mình một ốc đảo hạnh phúc, dù để xoa dịu hay lấp đầy khoảng hụt hẫng . Hạnh phúc của Lan trong “ Chuyện buồn chuyện vui ” có thể chỉ là một không gian cho cuộc sống, cho tình yêu nhưng khi thực hiện được giấc mơ nhà cao cửa rộng, tiền của ê hề thì cũng là lúc cô đành “ có con ” với người đã bỏ rơi mình! “ Ba người đàn bà ” trong truyện ngắn cùng tên, mỗi người một cách yêu, đã gặp nhau trong ngang trái, bất toại. “Khoảnh khắc tình yêu”, vỏn vẹn tám trang, có thể là truyện tình đẹp nhất, đằm thắm nhất, bay bổng nhất của tập truyện. Đôi lứa gặp nhau và yêu nhau trong cùng một tình cảm hụt hẫng về mẹ, về cha, trong chính ám ảnh của cái bất toàn ! “ Cho tới bây giờ hạnh phúc mà anh cảm nhận rõ nhất là những ngày còn có mẹ ”, câu nói của người con trai trong truyện cũng có thể là câu nói của bất luận nhân vật nào khác của Bích Ngân. Nhân vật người mẹ, hình ảnh người mẹ vẫn thường trở về trong truyện ngắn của cô, ngòi bút cô như mềm đi hơn lúc nào hết trong xúc động khi viết về người mẹ, như chỉ sợ không đủ lời trước trái tim mênh mông, thăm thẳm vừa là tình yêu vừa là cội nguồn mọi tình yêu khác.
Mẹ, quê hương và tuổi thơ gắn bó, hòa tan nhau trong chữ nghĩa như mở hội, nhảy múa, ca hát, bay bổng trên trang giấy. Người mẹ ở đây không có chiến công, thành tích nào khác ngoài thương yêu, tận tụy, chịu đựng, bao dung, và nước mắt. Người mẹ trong “Cầu thang dốc đúng” đã không cưỡng được ước muốn ôm đứa con trai, hình ảnh người chồng phụ bạc, vào lòng để mặc tình khóc và nói cười với nó, trút bỏ mối hận hơn 30 năm, đứa con không bao giờ hiểu cử chỉ như đánh cắp, như cướp giựt đó là tình yêu lớn lao hơn thù hận, lớn lao hơn cả tình yêu. Mẹ, bao giờ cũng thế, bao la và lặng lẽ như chiếc bóng. Truyện “Thần sông” viết về người mẹ không còn nhưng hiện diện của bà vẫn đầy ấp trong không gian người sống, bà là cô Ba, dì Ba, chị Ba, con Ba vẫn sống trong ký ức và trên cửa miệng mọi người, là thần sông nước lòng lành, là “con nước” với tiếng hát xé ruột …
Mẹ - quê hương - tuổi thơ, ba ý niệm quyện thành một thực thể, như suối nguồn không bao giờ cạn dưới ngòi bút nhà văn. Những đứa con dù tản lạc phương trời nào, vẫn không ngớt trở về với nơi chốn của mẹ - quê hương – tuổi thơ để tắm trong dòng nước mát diệu kỳ của nó. Người ta trở về với “ mặt trời ký ức ”, hân hoan như trong ngày hội, nhưng cũng có bao “đứa con không về” được nữa, buồn thay! Người đàn ông trong “ Trăng bạc ” mà cuộc sống tha hương đã biến thành phế nhân, “ không còn trông rõ con đường dù là con đường dẫn về nơi cắt rốn chôn nhau”, cuối cùng cũng đã trở về, trong cỗ quan tài, hành trình cuối cùng cũng là tâm sự buồn thiu của người thương nhớ đất. Khi biết căn bịnh hiểm nghèo đang gặm mòn sự sống của mình, Hân trong “Ám ảnh dòng sông” chỉ muốn về ngay với mẹ với bao điều muốn nói, về với quê hương, với bến sông đã chìm sâu trong ký ức, cho dù cô gặp lại “bờ bến này có thể là lần…cuối”. Trở về…điệp khúc thân thương và đẹp não lòng thế đấy trong truyện ngắn Bích Ngân.
San Jose, 11/9/05