1.
Trăng sáng, đoàn múa lân múa từ nhà này qua nhà khác, xóm này qua xóm khác, chỗ nào tôi cũng theo coi, sức hấp dẫn đến giờ vẫn còn nguyên vẹn. “Két tờ rùm tùm tùm tùm, két tờ rùm tùm tùm tùm”. Thích nhất ông lân hả miệng nhắp nhắp, ông địa cầm quạt phe phẩy.
2.
Vô nhà ai, ông lân điều khum người từ ngoài ngõ đến bàn thờ (gia chủ) lạy ba lần, hai ông địa cuối mình làm theo. Tiếng trống vang lên dồn dập, ngực tôi rung rinh: “Cắt, cắt, tùm, tùm, tùm, tùm, tùm”. Múa hồi lâu bỗng tiếng trống nhỏ dần: “Cắt tờ rùm, cắt tờ rùm, cắt tờ rùm”. À, thì ra đến giờ nghỉ ngơi, ông lân quỳ sát đất đưa đầu bắt chí giùm, miệng lân nhắp lên nhắp xuống chờ đợi. Hai ông địa xúm tới bắt chí đầu lân, đưa vô miệng cắn bụp, bụp... Lúc này tiếng trống nhỏ dần: “Tờ rùm, tờ rùm, cắt, cắt, cắt”. Hết giờ bắt chí, trống kêu “Tờ rùm tùm tùm”, lân bật dậy múa may tức thì: “Cắt tờ rùm, tùm tùm, cắt tờ rùm, tùm tùm”.
3.
Trước sân, chủ nhà treo gói tiền (phong bì) trên đầu ngọn tre, lân bám cây tre trèo lên thoăn thoắt. Phía dưới, hai ông địa cầm quạt phe phẩy ông lân, tiếng trống nhỏ dần:“Cắt, cắt, cắt, rùm, rùm, rùm, cắt, cắt, cắt”. Cây tre cong dần vì lân đè. Tới gần, lân há miệng đớp phong bì cái phựt. Tiếng trống vang lên (thưởng lân): “Rùm, rùm, rùm, rùm”. Sau đó lân tụt xuống dưới đất nhanh chóng. Múa thêm xí nữa, lân địa chạy vào bàn thờ cảm tạ đi ra “ Cắt, tờ rùm, rùm, rùm. Cắt, tờ rùm, rùm, rùm”… Lân tới nhà khác.
4.
Bấy giờ Sơn Chà có hai đội múa lân nổi tiếng, đó là đội trường Bồ Đề Sơn Chà (Phật giáo) và đội trường Vinh Sơn (Công Giáo), ngoài ra vẫn có các đội khác nữa ít tiếng tăm hơn. Cứ đến tết trung thu các gia đình tư nhân hoặc chùa, nhà thờ, trường học đều có thể thành lập đội múa lân riêng mình, kiếm tiền tự do, múa lân kéo dài nửa tháng ròng mới ngưng. Sẵn dịp tôi xin kể đội múa lân Bồ Đề Sơn Chà, ông “Tuất khùng” là nhân vật số một trong đoàn.
5.
Hồi học trường Bồ Đề Sơn Chà, chúng tôi thường gặp ông Tuất khùng hay đến chùa (chùa và trường sát bên) ghé chơi tán dốc, đặc biệt tháng 8 trung thu, hễ gặp ổng thì chỉ toàn nói chuyện múa lân, cả đời ổng chỉ có múa lân không gì khác. Ông Tuất khùng sống cô độc, tới bữa xóm làng cho ổng ăn cơm, lúc nhà này mai nhà khác. Nhưng phải nói Tuất khùng có năng khiếu múa lân điệu nghệ, đánh trống dòn rụm vang xa, do đó chùa Sơn Chà mới cho ổng nhập đoàn lân là vậy. Gặp Tuất khùng hỏi thử đợt múa lân vừa rồi ra sao (đắt hay ế)? Tức thì ổng trả lời hăng hái đến mức độ nước miếng nước bọt ổng văng ra. Ổng kể từng chi tiết, chẳng hạn khi trống gõ kêu “cắt, cắt, rùm, rùm” thì con lân phải quay mặt hướng nào, điệu bộ lân mơn trớn ra sao, lúc mô thì lân quỳ gối khum người, lúc mô lân nhảy lên cao, lúc mô nghỉ ngơi bắt chí, lúc mô lân hả miệng đớp tiền trên đầu, lúc mô lân chào gia chủ ra về vv… Mọi động tác hoàn toàn theo nhịp trống gõ: “tùm tùm tùm, cắt cắt cắt, tùm tùm tùm, tờ rùm tùm tùm”. Đứng nghe ông Tuất khùng diễn tả nhưng sau đó tạm biệt chớ không ổng nói miết thôi. Dù lớn tuổi (vai anh) nhưng bọn học trò chúng tôi vẫn kêu ổng là “ông Tuất khùng”.
6.
Đêm trung thu tôi theo đoàn múa lân Bồ Đề đi khắp nơi, thích nhất múa xong ra đường ông lân giở đầu trần cho mát mẻ (hoặc thay phiên), hay thiệt, lân là ông Tuất khùng. Coi miết tới khuya không nhớ đường về phải hỏi thăm, sau đó tách đoàn dọt lẹ. Về nhà ngủ say hết biết. Nhưng ký ức múa lân sẽ đọng mãi trong tôi, không bao giờ quên.
Khánh Hòa Tháng 8 năm 2024