Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.168
123.223.779
 
Nhớ về một cái tết
Ngọc Thủy

Tôi nhận ra mùa xuân sắp về qua cái lạnh sắt se, qua những trái so đũa đong đưa và những cánh hoa trắng còn sót lại đang run rẩy trên cành. Đã hơn 30 năm rồi, nhưng cứ đến những ngày sắp tết là tôi lại nhớ. Cơn gió heo may lành lạnh làm tôi nhớ cái lạnh trong nhà tù Phú Quốc. Thấy nhà ai phơi chuối, quếch bánh phồng tôi lại nhớ những ngày chắt chiu từng thìa cơm, ngụm nước để chuẩn bị cho ngày tết. Chuẩn bị suốt cả tháng trời, nhưng rồi không ai đụng đến. Đời tôi đã trải qua hàng chục cái tết, nhưng cái tết năm đó, năm hiệp định Paris được ký kết, cái tết tuyệt thực ở nhà tù Phú Quốc thì cả đời tôi cũng không quên được.

 

Tôi vốn là chiến sĩ của đại đội 305 - bộ đội địa phương Gò Công. Trong một trận đánh càn cuối năm 69 tôi đã bị thương cả hai chân. Chân phải gãy xương mác, chân trái bể gót và gãy cẳng chân. Được đồng đội cứu khỏi trận địa, đưa vào dân y tỉnh ngày trước, mấy ngày sau địch đánh điểm. Tôi và vài người khác bị bắt.

 

Chúng nhốt tôi ở phòng nhì (Mỹ Tho) để khai thác. Đến khi các vết thương bốc mùi hôi thúi chúng mới đưa tôi qua trại 16 để điều trị; nhưng chưa kịp lành, tôi đã bị chuyển sang nhà lao Cần Thơ. Tra đi khảo lại thì tôi vẫn là một chiến sĩ giải phóng, đơn vị của tôi là bộ đội địa phương Gò Công, không có chỗ đóng quân cố định... không tìm được gì hơn ở tôi, chúng mới chịu đưa tôi đi cắt cái chân đã bị hoại tử.

 

Mấy tháng sau, chúng đưa tôi trở lại khu I - nhà lao Cần thơ, nhưng những người quen cũ đã chuyển đi đâu hết. Ở đó bây giờ toàn người lạ, kiểu cách sinh hoạt của họ cũng rất lạ. Họ chấp hành răm rắp mọi qui định của nhà lao, ngoan ngoãn đi chào cờ giặc... Tôi thấy hoang mang quá, không biết địch có mưu mô gì khi giam tôi chung với những người này? Hay chúng định cải danh, gán cho tôi là “hồi chánh”?

 

Những lần có dịp ra ngoài, tôi cố dò hỏi và được biết số anh em cũ bị chuyển qua khu II, khu giành cho thành phần ngoan cố, chống đối. Tôi suy nghĩ, tìm đủ cách, đủ lý do - kể cả lấy lòng tên cai ngục để được chuyển sang khu II. Sau mấy tuần thì tên cai ngục vừa thúc gậy vào lưng đẩy tôi qua khu II, vừa chưởi tôi là thằng ngu.

 

Đúng như lời tên cai ngục đã nói, tháng 7 năm 72 tôi, chú Mười Diệp (một cán bộ đã 60 tuổi, quê ở Vĩnh Long) và anh Hùng (quê Đồng Tháp Mười), cùng một số anh em ở khu II bị đày ra Phú Quốc. Sau này, chú Mười Diệp làm bí thư Đảng ủy nhà lao, cái tết năm đó cũng do chú ấy lãnh đạo, tổ chức. Chú nói: “Hiệp định Pari sắp được ký kết rồi, Mỹ sắp rút khỏi Việt Nam; cuộc kháng chiến của dân tộc mình coi như thắng lợi một nửa, còn một nửa sẽ đến trong nay mai thôi. Tết này ta phải chuẩn bị ăn tết cho đàng hoàng, coi như ăn mừng hiệp định Paris luôn...”

 

Để “ăn tết cho đàng hoàng” chúng tôi đã chuẩn bị từ tháng 11 âm lịch. Mỗi ngày, anh em chúng tôi chiết ra từ suất cơm tù ít ỏi của mình vài muỗng, rải mỏng ra trên một tờ giấy cứng, rồi phơi dưới ô cửa sổ. Thật ra không cần đem tới cửa sổ, cứ để ngay trên sạp ngủ nó cũng khô. Vì phòng giam lợp tôn thiết, bít bùng như một cái hộp. Ngày thì nóng hầm hập như thiêu đốt, đêm thì lạnh thấu xương.

 

Cùng với việc tích luỹ cơm khô, phải “móc” với nhà bếp xin đường (mỗi ngày xin được vài muỗng? Và phải trữ nước uống. Trong cái hầm lò đó mà mỗi ngày một người chỉ được phát một lít nước. Để có nước đủ uống trong những ngày tết, chúng tôi phải lén bọn coi tù, lấy cái cà mèn đựng cơm múc thêm nước mang về. Nhưng đâu phải lúc nào cũng trót lọt, có khi chỉ vì một lít nước, một dề cơm cháy  khét (để thay trà) mà anh em tù cũng bị đánh đập.

Trong hoàn cảnh như vậy mà chú Mười vẫn không quên được việc học tập của anh em. Chú bảo chúng tôi gỡ những tấm bìa giấy bọc mấy cái sọt đựng cá, để kết lại, làm tập học văn hoá.

 

29 tết, chúng tôi nô nức chuẩn bị để tối 30 đón giao thừa. Nhóm thì lo quan hệ nhà bếp để ngào cơm khô, nhóm lo cắt giấy làm hoa- cũng là giấy xé ra từ sọt đựng cá. Nhóm lo mài gạch làm màu đỏ, nghiền thuốc B1 làm màu vàng. Mấy ngày trước chú Mười đã xé đường vải trắng viền chân cái mùng lưới, đem gặt sạch, phơi khô. Bây giờ chú kết lại thành hình chữ nhật, rồi lấy màu vàng của thuốc B1 vẽ ngôi sao, lấy màu đỏ của gạch nhuộm nền cờ. Anh em còn có sáng kiến, móc đất ở đáy giếng phơi khô làm phấn trắng. Những bông hoa giấy sơn màu vàng, đỏ, trắng xám được anh em chúng tôi xoắn lại, kết lên những chiếc que, rồi cắm vào cái bình toong.

 

Đêm 30 tết, chú Mười chọn cái mền còn lành lặn, sáng sủa nhất căng lên vách làm phông, gom những cái gối đẹp nhất chất lên thật cao để làm bàn thờ. Lá cờ tổ quốc có một không hai ấy được treo lên và cái bình hoa được kết bằng công sức của gần 50 con người được đặt lên bên cạnh. Đã đến giờ giao thừa, chú Mười vuốt thẳng mái tóc bạc, đứng trang nghiêm trước bàn thờ. Chúng tôi tự giác đứng thành đội ngũ. Có cái gì đó rất thiêng liêng, rất sâu lắng trong giờ phút nầy. Tất cả lặng im, xúc động như được quay về với cội nguồn. Chúng tôi làm lễ chào cờ và hát quốc ca. tiếng hát dội vào 4 bức vách, âm thanh như được nhân lên, vang vọng. Bọn quân cảnh ập vào, chúng quát tháo, hăm doạ, bảo im. Nhưng chúng tôi cứ hát. Hát hết bài này rồi đến bài khác, hát say sưa, tiếng hát mạnh mẽ hào hùng. Rồi khói cay dày đặc, chúng tôi sặc sụa, oằn oại...

 

Những ngày sau đó không ai đụng đến cơm. Cơm khô ngào đường còn nguyên đó, nước dự trữ cũng còn đó, nhưng chúng tôi nhất quyết tuyệt thực, nhất quyết đấu tranh đòi nhân sinh cho tù nhân, chống đàn áp, đánh đập tù nhân, phải để tù nhân được vui tết như bao nhiêu người khác...

 

Một ngày, rồi hai ngày... lứa tuổi 20 như tôi không còn đủ sức để bước đi, vậy mà ông cụ 60 như chú Mười vẫn bình thản. Cái đói cồn cào từng lúc, từng lúc. Tôi dán mắt vào dĩa cơm khô ngào đường, bụng nhẩm mấy câu thơ của Tố Hữu: “Ăn đi vài con cá, năm bảy cái chột nưa. Có ai biết ai ngờ, thế vẫn tròn danh dự...”. Rồi tôi thấy mái tóc bạc của chú Mười lờ mờ trong bóng đêm. Chú động viên người nầy, khích lệ người kia bằng cái giọng thều thào, gần như cạn kiệt hơi sức. Tôi thấy mặt mình nóng rần, xấu hổ với ý nghĩ vừa chợt thoáng qua. Chú Mười còn chịu được, có em mới 16, 17 tuổi còn chịu được, lẽ nào tôi lại đầu hàng?

 

Đến ngày thứ 3 thì bọn chúng mở cửa ngục, đích thân tên giám thị nhà lao đến xin lỗi chúng tôi, hứa sẽ không đánh đập, đàn áp tù nhân nữa. Và để tỏ ra có thiện chí, chúng đã cải thiện bửa ăn những ngày sau đó.

Gần 30 năm rồi, chú Mười có còn không? Anh em ngày ấy ai còn, ai mất? 26 cái tết thanh bình, 26 lần tôi được đón giao thừa trong sự đầm ấm của gia đình, nhưng hạnh phúc vẫn chưa lấp đầy nỗi nhớ về một cái tết tuyệt thực trong tù năm đó.

 

(Viết theo lời kể của đ/c Đặng Văn Thị, trưởng phòng Chính sách, Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh TG)

 

Ngọc Thủy
Số lần đọc: 2452
Ngày đăng: 20.01.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kể chuyện nhà văn Sơn Nam - Huỳnh Kim
Những thiên thần trong bão lửa - Ngọc Thủy
Nhạc sĩ TÔN THẤT LẬP Lãng mạn,hào hoa và dũng khí - Võ Quê
Mùa sau - Huỳnh Kim
Hành cung "TÂY CỐNG" - Dương Ðình Hùng
Chợ nhóm bên đường - Nguyễn Ngọc Tư
Ẩm thực phương Nam : Hãy làm một chuyến du lịch phương Nam - Trần Đổ Liêm
Đôi điều với nữ họa sĩ Mia - Dương Ðình Hùng
Ấn tượng từ một trại viết - Bùi Trần Lê Văn
Đến Trung Quốc nhìn lại mình - Dương Ðình Hùng