Gia đình tôi tập kết ra miền Bắc khi tôi đang là đứa bé bảy tháng tuổi. Vì chưa đủ tuổi đi học nên tôi không được vào trường Học sinh miền Nam ở Hải Phòng như người chị ruột mà được gửi vào nhà trẻ nơi má tôi làm việc. Một ngày tôi bập bẹ những tiếng đầu tiên ai cũng bật cười vì tôi nói tiếng Bắc y như các cô bảo mẫu. Từ đó giọng Bắc trở thành giọng nói “bản sắc” của tôi cho đến tận bây giờ. Nhớ hồi tôi 3 - 4 tuổi, các cô chú trong cơ quan của má thường nói giỡn: “Con nhỏ này nói rặt tiếng Bắc, mai mốt thống nhất về Nam, hổng cho nó qua cầu Hiền Lương”. Lúc ấy tôi tưởng thật, sợ lắm. Tôi còn nhỏ không hiểu cầu Hiền Lương là gì, tôi chỉ sợ không được về quê hương cùng với ba má và các chị của tôi. Thế rồi tôi lớn lên, học tập trưởng thành trên đất Bắc.
Năm 1975 tôi là người đầu tiên trong gia đình trở về quê hương. Tôi vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội được phân công về Nam dạy khóa học đầu tiên sau ngày 30 tháng Tư. Chưa có tầu Thống Nhất nối liền Nam Bắc, tôi cùng đoàn giáo viên chỉ đi tầu lửa đến ga Vinh, rồi đi xe đò từ Vinh về Nha Trang. Bến xe Vinh ngày ấy rất rộn ràng đông vui. Những đoàn người, đoàn xe vào Nam, ra Bắc nhộn nhịp như thoi đưa. Tôi đã không thể kìm được nỗi xúc động khi nghe các bác tài xế nói giọng miền Nam y hệt như ba má tôi. Nước mắt tôi lặng lẽ trào ra suốt chặng đường dài trên chuyến xe đò cũ kỹ chạy như bão táp. Tôi thương ba tôi cả cuộc đời ao ước có ngày hôm nay nhưng ông đã nằm lại trên đất Bắc không còn cơ hội trở về.
Chợt nhớ câu chuyện ngày thơ bé, tôi hỏi Bác tài xế: “Bác ơi khoảng mấy giờ thì xe qua cầu Hiền Lương ạ”. Bác nói: “Dạ, chắc xế chiều mới tới”. Nghe tiếng “Dạ” của bác, lòng tôi nhói lên một tình thương máu mủ ruột rà. Bác đáng tuổi cha tôi, mái tóc bạc lơ phơ trong gió. Tôi không dám chợp mắt vì sợ vuột qua mất thời khắc thiêng liêng được đặt chân trên lên mảnh đất quê hương miền Nam yêu dấu.
Bác Tài cho xe đi chậm lại, nhắc mọi người nhìn ra ngoài cửa sổ. Kia rồi, cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, một chứng tích lịch sử về biên giới cắt chia hai miền Nam Bắc đằng đẵng hai mươi năm. Mọi người im lặng, ánh mắt đổ dồn về phía chiếc cầu, trong niềm xúc động dâng trào. Chiếc cầu khiến gia đình tôi và bao gia đình miền Nam tập kết ra Bắc đã nói hai giọng nói khác nhau: Bắc và Nam. Và cũng từ đó tôi được biết thêm bao
nhiêu câu chuyện, bao nhiêu cảnh đời hạnh phúc, khổ đau, bi kịch bắt đầu từ chiếc
cầu này.
Tôi miên man nghĩ, nếu như năm 1956 cầu Hiền Lương không trở thành giới
tuyến cắt chia thì có lẽ lịch sử đất nước Việt Nam đã rẽ sang một hướng khác. Tôi
không thể hình dung con đường ấy sẽ như thế nào, nhưng tôi hiểu, số phận của tôi, và gia đình mình, của bác tài xế, của mọi người đang ngồi trên chuyến xe đò về phương Nam này, cùng tất cả công dân Việt Nam đều đã mang trong mình một phần lịch sử dân tộc.