Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.702 tác phẩm
2.754 tác giả
691
122.005.505
 
Trang sử lộng gió chủ quyền trên biển đảo Tây Nam Tổ Quốc
Nguyễn Anh Tuấn

 

 

Chúng tôi đang đến với vùng biển đảo Tây Nam Tổ quốc. Qua cửa sổ máy bay, hiện lên Đảo Phú Quốc cùng các đảo nhỏ lân cận và quần đảo Thổ Chu tạo thành Thành phố Phú Quốc - thành phố đảo đầu tiên được thành lập ở Việt Nam. Trái tim chúng tôi xáo động khôn tả. Đây là phần lãnh thổ thiêng liêng gắn liền với đất nước rộng lớn hình chữ S - Đất Nước Việt Nam, Tổ quốc yêu dấu có hình hài như ngày hôm nay là nhờ ở biết bao bước chân “băng rừng vượt suối” của những người Việt giàu tâm hồn dân tộc từ hàng trăm, hàng ngàn năm qua, nhờ vào công lao mở mang bờ cõi của bao bậc tiên liệt, mà nổi bật nhất là vị chúa cuối cùng của nhà Nguyễn-vua Gia Long…

 

     Hôm nay, tại đảo Hòn Nhạn, chúng tôi cùng các nhà sử học và nhân dân địa phương lại tìm những bước chân “băng rừng vượt suối” của ông cha, đi tìm lại dấu tích của chúa Nguyễn Ánh-vua Gia Long ở vùng Biển Đảo Tây Nam Tổ quốc… Chúng tôi tình cờ đi sau nhà sử học đầu bạc trắng, ông Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, khi ông vất vả trèo núi lên tới cột chủ quyền giữa Biển Đông, và ghi lại được cả những bước chân đạp đá sắc cỏ dại của ông, như sự tái hiện về quãng đời gian truân của vị Chúa Nguyễn cuối cùng đang tìm đường đi cho cả dân tộc - và trước khi đến với cái đích của mình, ngài đã tìm được Biển Đông… Đó là đoạn đời Nguyễn Vương chuẩn bị lên ngôi hoàng đế sau nhiều năm tháng lang thang trên những hòn đảo phía Tây của biển Đông - đặc biệt là quần đảo Phú Quốc, với giấc mơ chinh phục Biển cả, bằng “Tầm nhìn biển Đông” mà gốc rễ là ý thức coi trọng chủ quyền biển đảo Tổ quốc - có cội nguồn từ các vị Chúa Nguyễn đời trước…

 

      Khi nhà sử học tới cột chủ quyền, ông đứng lặng, cặp mắt ngấn lệ; chúng tôi thấm thía rằng: khi các nhà sử học VN hiện đại đang cố gắng xác định lại khát vọng Biển cả của chúa Nguyễn Ánh-vua Gia Long, các vị đã/ đang thực hiện một điều có ý nghĩa to lớn: góp phần xóa bỏ vĩnh viễn định kiến “cõng rắn cắn gà nhà” in sâu nhiều thập kỷ qua trong tâm trí người dân Việt, mở đầu cho sự nghiệp khôi phục lại sự thật lịch sử chân chính về các vị Vua & Chúa Nguyễn Đàng trong - đặc biệt là về vua Gia Long…

 

      Tại mũi Ông Đội - một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của đảo Ngọc ở vùng đất tận cùng của địa phận thị trấn An Thới, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, khi chiều biển Kiên Giang như có linh khí ông cha và hồn sông núi hiển hiện, những người làm phim đã cùng nhiều du khách nghe các nhà sử học kể về quãng đời của vua Gia Long buổi gian nan trên sóng nước núi rừng Phú Quốc. Và, chính các nhà sử học cũng say sưa nghe dân địa phương kể lại về những dấu tích liên quan đến sự kiện chúa Nguyễn Ánh-vua Gia Long thời phiêu bạt vào Phú Quốc, và đã trở thành những truyền thuyết dân gian thú vị, bộc lộ sự gắn bó Quân - Thần đặc biệt, tình yêu và lòng thương quý của dân đối với ngài -  như một vết lõm trên đá được cho là dấu chân nhà vua, như một cái giếng Tiên có cắm thanh bảo kiếm của vua, hay một phiến đá đặc biệt có hình dáng ngai vàng của vua năm xưa khi tới vùng biển này… Ngược lên trên núi là đến thượng nguồn sông Cầu Sấu, nơi từ xưa dân địa phương lập miếu nhỏ thờ vua Gia Long… Từ ngôi miếu này, một người dòng họ Lê quyết tâm đứng ra xây dựng một ngôi Đền khang trang mà hiện đang dần hoàn thiện - đó là Đền thờ vua Gia Long, trước hết là để trân trọng lưu lại những dấu tích thiêng liêng của ngài trên vùng biển đảo này cho các thế hệ con cháu Việt hôm nay và mai sau…

 

     Sách sử đã xác định: trong khoảng 10 năm (tính từ năm 1777 đến năm 1787), nghĩa là từ năm 15 tuổi cho đến năm 25 tuổi, Nguyễn Ánh đã có đến 6 lần qua lại ở vùng biển đảo Tây Nam. Đặc biệt, trong 4 năm liên tục (từ năm 1782 đến năm 1785), trải qua những trận chiến đấu vô cùng ác liệt và những khó khăn gian khổ vượt quá sức chịu đựng của con người, nhưng Nguyễn Ánh đã vượt qua tất cả và thực sự làm nên kỳ tích của một đời người. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong bài báo Lời than thở của bà Trưng Trắc (Les lamentations de Trung Trac) đăng trên báo L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp số ra ngày 24 tháng 6 năm 1922, trong khi lên án vua Khải Định đã hết lời ca ngợi vua Gia Long, nhất là những năm tháng gian nan và hào hùng tại vùng biển đảo Tây Nam này: “Với lòng quả cảm vô song và đức hạnh trong sáng không tỳ vết, như vàng ròng lấp lánh sau ngàn lần thử lửa, ông tổ ngươi, vua Gia Long tôn quý và tài ba bội phần, sau biết bao thăng trầm và khổ đau vô bờ, đã để lại cho ngươi một đất nước giàu có, một dân tộc độc lập, một quốc gia được kẻ mạnh vị nể và kẻ yếu kính mến, với một tương lai đầy sức sống và triển vọng”.

 

     Tại Phú Quốc, ngài gửi con trai Hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc (đại diện cho Nguyễn Vương) sang Pháp làm con tin, và cầu viện nước Pháp cũng là xuất phát từ tầm nhìn về sức mạnh của khoa học kỹ thuật hiện đại trong việc chinh phục biển và xây dựng quốc gia sau này. Điều đó lý giải sâu sắc nguyên nhân dẫn tới Hiệp ước Versailles 28-11-1787, góp phần xóa bỏ vĩnh viễn định kiến “cõng rắn cắn gà nhà” in sâu nhiều thập kỷ qua trong tâm trí người dân Việt.

 

     Tại đây Nguyễn Vương đã liên lạc với một số quan chức người nước ngoài, như Olivier Pumanel (Ô li vi ê Puy ma nen), Jan Chaigneau (Jăng Se nhô), v.v, làm cố vấn kỹ thuật cho mình trong lĩnh vực quân sự, mua vũ khí, đắp thành, nhất là ý đồ xây Công xưởng đóng tàu chiến… Vùng biển Tây Nam sóng gió, trong những năm bôn ba gian khổ ấy đã đào luyện nên một thủy thủ lão luyện, một thủy sư Đô đốc chính hiệu tương lai, khiến các kỹ sư nước ngoài kính nể khâm phục về nghị lực, ý chí phục quốc nồng cháy và tài năng của Nguyễn Vương…

 

     Trong những ngày tháng chuẩn bị lực lượng đó, Nguyễn Vương đã tâm sự với người con gái thứ ba nàng công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh về những gian nan sóng gió của mình, về Hiệp ước Versailles, lòng mong mỏi con trai hoàng tử Cảnh sớm trở về cùng Bá Đa Lộc, kể cả mối tình gần như truyền thuyết của ngài với người con gái ngư dân Phú Quốc - mẹ của công chúa Ngọc Anh. Ngài còn kể cho con gái yêu về hai cuộc hôn thú chính trị do chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên sắp đặt, vì sự tồn vong của Đất nước, đặt nền móng cho việc mở rộng lãnh thổ phía Nam… Cũng tại đây, ngài đã kể cho các công chúa, hoàng tử nhỏ tuổi về công nghiệp của các đời Chúa - như Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên - người đầu tiên tổ chức đội Hoàng Sa, xác lập chủ quyền trên các vùng hải đảo ven bờ và quần đảo Hoàng Sa, về Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đánh thắng quân Trịnh, và hai lần chiến thắng vẻ vang hạm đội Hà Lan hùng mạnh “từng là những kẻ làm bá chủ mặt biển” (theo lời giám mục A. De Rhodes đã kể lại cho ngài)…

 

     Tại đây, Nguyễn Ánh đã vĩnh viễn gửi lại một đứa con khi chưa tròn 3 tuổi. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Mộ Hoàng tử triều trước: ở địa phận thôn An Hòa, đảo Phú Quốc. Hoàng tử tên húy là Nhật, chết yểu, táng tại đây”. Đoàn làm phim chúng tôi đã được chứng kiến lòng thành kính tiếc thương của người dân Phú Quốc đối với giọt máu bất hạnh của ngài tại Đền thờ Hoàng tử…

     Sách Đại Nam nhất thống chí đã viết về đảo Phú Quốc và vua Gia Long: “Phía Tây Nam có cửa Dương làm chỗ ghe thuyền đến đậu yên ổn. Dân miền biển đến ở, lập thành làng xóm. Gần đó về phía Nam có hòn Long Trấn; phía Đông Nam có hòn Dừa, phía Tây Bắc có hòn Năng Nội và hòn Năng Ngoại. Lúc đầu trung hưng, Thế tổ Cao Hoàng đế từng dừng chân ở đây, nhân dân đều giúp sức hết lòng, thám báo địch tình, cung cấp vật dụng, nên sau khi nước nhà đại định, được miễn sưu thuế giao dịch, cho đến ghe thuyền buôn bán hay đánh cá cũng được miễn thuế”.

 

       Trên đảo Phú Quốc hiện nay bên cạnh các di tích ở khu vực An Thới, vẫn còn nhiều di tích đóng quân của vua Gia Long ở khu Bãi Vàm (làng chài Hàm Ninh), ở vịnh biển cổ Bàu Bàng (xã Cửa Cạn)... Tại xã Cửa Cạn, ông dựa hẳn vào những dân chài người Việt từ miền Trung di cư vào để xây dựng một cơ sở hậu cần. Con cháu của người dân địa phương các vùng này còn kể lại chuyện cha ông họ đã cưu mang, phù giúp vua Gia Long bằng lương thực, của cải, thậm chí bằng cả tính mạng của mình...

 

       Như vậy là, vua Gia Long trong những năm tháng gian nan và khốn khó nhất của cuộc đời đã tìm đến vùng biển đảo Tây Nam xa xôi này, dựa vào dân để xây lực lượng, mưu đồ nghiệp lớn. Những hoạt động của vua Gia Long tại đây đã góp phần khẳng định danh nghĩa chủ quyền đối với biển đảo Tây Nam Tổ quốc của quốc gia Đại Việt và của chúa Nguyễn Đàng Trong. Tuy rằng, trong bước đường cùng ông đã mắc phải sai lầm, là có lúc đặt cược sự tồn vong của vương triều vào ngoại bang, nhưng điều may mắn lớn của lịch sử, là sau đó ông đã mau chóng nhận ra dã tâm của kẻ ông cầu viện; và theo nhà sử học Nguyễn Quang Ngọc: “Các thần dân và nhất là chính kẻ thù của ông là anh em nhà Tây Sơn đã mở mắt cho ông và dạy ông từ bài học vô cùng đau xót này. Những bài học thành công và cả những bài học thất bại trên vùng biển đảo Tây Nam đều là hành trang quý giá cho Nguyễn Ánh trở lại Gia Định, đánh bại vương triều Tây Sơn đang xuống dốc, tàn tạ, thiết lập vương triều Nguyễn, đặt tên nước Việt Nam, thống nhất toàn bộ non sông đất nước về một mối và mở ra bước phát triển mới của lịch sử đất nước”.

 

      Sách Đại Nam thực lục ghi lại: Vào tháng 10 năm Kỷ Dậu (1789), nghĩa là vừa mới tổ chức lại chính quyền sau khi từ Xiêm về nước, Nguyễn Ánh đã ban lệnh “tha thuế thân sang năm cho dân sở Phú Quốc. Vua thấy xứ ấy đất hẹp dân nghèo nên tha cho…”. Nhiều dấu tích hoạt động của ông đã đi vào truyền thuyết và đời sống văn hóa tâm linh, sống trong tâm tưởng người dân và hương khói bao đền miếu vùng biển đảo Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du, Hòn Tre, hòn Sơn Rái… 

    Chúng tôi đã được chứng kiến một cuộc gặp gỡ giao lưu vô cùng cảm động giữa các nhà sử học từ Thủ đô về với các chiến sĩ đồn biên phòng Thổ Chu - những hậu duệ của võ tướng Nguyễn Vương đang ngày đêm thực thi công việc bảo vệ chủ quyền Biển đông - tại chính nơi ghi bao dấu tích vua Gia Long thời trẻ tuổi…

    Nhà sử học Nguyễn Quang Ngọc dường như nói hộ các nhà sử học trong Hội thảo mới nhất về Vua Gia Long tại Phú Quốc nhận định khái quát sau: “Những dấu tích 10 năm nếm mật nằm gai của vua Gia Long cùng những người “dân ấp dân lân” ở vùng biển đảo Tây Nam này sẽ mãi mãi trở thành di sản vô giá, thành những cột mốc chủ quyền thiêng liêng và bất hủ trong lòng nhân dân, trong lòng dân tộc”.

    Và đó cũng là động lực tinh thần mạnh mẽ nhất để Đền thờ vua Gia Long được xây dựng trên đảo Phú Quốc và Đền thờ vua Gia Long tại Happyland – Long An! Đặc biệt, Đền thờ do ông Lê Long xây trên đảo Phú Quốc sẽ là nhân lõi quan trọng để từ đó phát triển thành Công viên Văn hóa và Bảo tàng Chúa Nguyễn Ánh-Vua Gia Long. Đây sẽ là Khu Du lịch Văn hóa-lịch sử lớn nhất nước trong tương lai gần, và đồng thời sẽ là Studio film (Phim trường) chưa từng có, thu hút nhiều đoàn phim trong nước và nước ngoài, góp phần kích cầu Du lịch cho Phú Quốc và toàn vùng…

 

Một số sách báo tham khảo:

- Triều Nguyễn và Lịch sử của chúng ta (Nhiều tác giả) NXB Hồng Đức & Tạp chí Xưa và Nay, HN 2017

- Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX (Nhiều tác giả) Nxb Thế giới, HN 2008

- Vua Gia Long & Người Pháp (Thụy Khuê) NXB Hồng Đức 2020

- Vua Gia Long (Marcel Gaultier, Đỗ Hữu Hạnh dịch) NXB Thế giới, 2020

- Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII-XIX Qua các nguồn tư liệu phương Tây (Ng Thừa Hỷ tuyển dịch) NXB KHXH, 2020

- Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792-1793 (J. Barrow, Ng Thừa Hỷ dịch), NXB Thế giới 2011

- Xứ Đàng Trong. Lịch sử kinh tế-xã hội thế kỷ 17-18 (Li Tana) NXB Trẻ, 2013

- Lịch sử nội chiến ở VN từ 1771 đến 1802 (Tạ Chí Đại Trường) NXB Tri Thức, HN 2012

- Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (Yoshiharu Tsuboi) NXB Trí Thức, HN 2018

- Đại Nam thực lục t.1, NXB Giáo dục, HN, 2002.

 - Đại Nam nhất thống chí, NXB Lao động, t.2. 2012

- Những người châu Âu ở nước An Nam (C.B. Maybon, Ng. Thừa Hỷ dịch), NXB Thế giới, 2011

- Lịch sử VN từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX (Lê Thành Khôi). NXB Thế giới, 2014

- Tạp chí Xưa và Nay Số 557 tháng 11/ 2023.

 

 

 Chú thích ảnh:

 

- Biển Phú Quốc

 

 

- Các nhà sử học của Hội Khoa học lịch sử VN trên tàu đến cột chủ quyền giữa Biển Đông tại ở đảo Hòn Nhạn (điểm Cơ sở A1)

- Một góc đền thờ vua Gia Long đang hoàn thiện tại Phú Quốc

 

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 70
Ngày đăng: 04.09.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
123. Vua Lê Thế Tông: giai đoạn ngự trị tại thành Thăng Long. [1593-1599] (2) - Hồ Bạch Thảo
122. Vua Lê Thế Tông: giai đoạn ngự trị tại thành Thăng Long (1). [1593-1599] - Hồ Bạch Thảo
Chủ thể tâm lý qua tư duy của Martin Heidegger - Võ Công Liêm
121. Mạc Mậu Hợp. (3) - Hồ Bạch Thảo
Nguyễn Minh Châu và sự đổi mới tư duy trong việc phản ánh hiện thực chiến tranh cách mạng - Trần Hoài Anh
Tản mạn về “Hạ đỏ có chàng tới hỏi” - NP Phan
120. Mạc Mậu Hợp. (2) - Hồ Bạch Thảo
Về các khuynh hướng đổi mới trong thơ - Yến Nhi
Suy ngẫm, chiêm nghiệm với bao nỗi vui buồn trong “Cơn mơ chiều” của nhà thơ Nguyễn Phiếu - Hoàng Thị Bích Hà
119. Mạc Mậu Hợp [1562-1593]. - Hồ Bạch Thảo
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)