HẬU CHIẾN
[Nhân đọc Liêu Thái bạn tôi...]
1.
Tưởng sẽ khóc nghẹn ngào
Nước mắt tràn đầy mặt
Tưởng sẽ xé họng gào lên than trời trách đất
Tưởng sẽ phải văng tục chửi thề chửi bậy
Tưởng sẽ vung búa lên đập phá...
Kết cục lặng câm
Như hóa đá
Ủ rũ buồn
Buồn không thể tưởng tượng
Buồn như không thể buồn hơn
Phi lí
Ngược đời
Có thể Trời cũng lắc đầu ngao ngán thở dài
Có thể Đất cũng bó tay lắc đầu
Có thể Đức Phật vô lượng từ bi cũng đành buông tay
Có thể Đức Chúa Ba ngôi cũng đành ngoảnh mặt và lần đầu nhỏ lệ âm thầm ...
Ôi chinh chiến!
Ôi hậu chiến!
Thắng và Thua
Vinh quang và Nhục nhằn
Khổ lụy trần ai
Đói và khát
Nghèo kiệt lương tri lương năng
Những toan tính tủn mủn chập chờn bóng chim đêm
Những tháng năm đói khát vĩ đại!
Những tháng ngày hèn hạ vĩ đại!
Những tan tác chia lìa vĩ đại!
Những toan tính nhỏ nhen tầm thường lấm lem lem nhem nhập nhèm vĩ đại....
Buồn ơi!
Ta chào mi mãi
Chào từ sáng qua trưa đến chiều
Chào khi hoàng hôn xám ngắt buông chậm chạp
Chào khi đêm sâu lừng lững hiện về
Chào lúc bình minh vừa ló rạng
Chào mi!
Giã từ mi!
Vĩnh biệt mi...
Sao mi cứ quẩn quanh
Sao mi cứ mọc rễ trong trí trong lòng ta như thế?
Đã đến lúc ta phải cầu xin
Mi hãy đi đi!
Mi hãy buông tha!
Buồn ơi!
2.
Khốc tàn chinh chiến!
Những vết thương kinh khủng trên ruộng đồng, suối sông, bờ bãi, biển khơi, núi rừng
Những vết thương dần được phủ kín bằng sắc xanh cỏ cây hoa lá, lối lại đường đi, chung cư, cao tốc, nông trại, cột điện, biển hàng, khẩu hiệu, quảng cáo
Những vết thương trong óc trong tim trong tâm khảm trong lòng người dường như chưa khi nào bớt đau
Dường như không thể
Những vết thương truyền thừa dằng dai âm ỷ
Những vết thương lặng lẽ âm thầm
Không đi theo xuống mộ phần
Không rơi rụng trên những ngả đường li biệt
Không chìm sâu nơi âm u đáy nước biển khơi
Những vết thương bỏng rát lòng người
Bỏng rát khi về cùng bụi đất
Ôi chinh chiến!
Ôi chiến chinh!
Buồn thương ngằn ngặt lặng thầm trong lòng ta
Không trôi theo nước mắt
Không hóa thành lời...
THÁNG CHÍN NGÀY THỨ NHẤT
1.
Tháng Chín ngày thứ nhất
Thoáng làn heo may
Bớt đi một phần ngột ngạt
Đôi ba khoảng trời biếc
Đủ cho ta ngước nhìn chẳng phải nghĩ suy gì
Đủ cho mắt ta dịu lại
Đủ cho ta tạm thoát nơi trần gian phồn tạp sắc màu phồn tạp thanh âm hỗn loạn xô bồ bản hòa âm bỏng rát nhức nhối
Tháng Chín ngày thứ Nhất
Chút heo may nhẹ nhàng thu xứ Bắc
Đôi ba khoảng trời biếc
Không tìm được đáy nước gương soi
Ta ngước mắt nhìn trong yên lặng
Thanh nhẹ heo may
Cho ta trong khoảnh khắc hư tâm
Khoảnh khắc được quên
Niềm vui nhỏ bé
Ồ đã không tan biến vào ồn ào sặc sỡ
Ta được là ta vô danh giữa vô thường.
2.
Tháng Chín ngày đầu tiên
Sau những trận mưa thanh tẩy
Dịu dàng một thoáng heo may
Dẫu không buông vỉa hè chiều tím vương tóc thề
Không có nắng thủy tinh lấp lánh(•)
Phố xá tấp nập ồn ào
Người lại qua vội vã
Hình như không ai cần heo may một thoáng
Không ai cần những khoảng trời biếc xanh
Mây trên cao buồn như hoa cúc
Vội vã nhân gian hững hờ
Tháng Chín ngày thứ nhất tiết thu
Hờ hững
Thoáng qua
Đượm buồn sắc vàng hoa cúc.
3.
Tháng Chín ngày thứ nhất
Câu thơ cũ vọng về
Ám ảnh buồn
"Người ra đi đầu không ngoảnh lại..."(••)
Ôi! Tứ thơ suốt mấy mươi năm
Ra đi!
Ra đi!
Ra đi!
Ai trở về?
Nỗi vui dang dở
Tiếng cười dang dở
Muộn phiền theo năm tháng chất chồng
Mong manh đoàn tụ
Quá đỗi mong manh
Hoa cúc vàng ngơ ngác
Hiu quạnh khói sương bến sông sâu
Câu thơ chìm đáy nước
Những câu thơ phận người
Tháng Chín ngày đầu tiên
Một thoáng heo may thanh nhẹ
Những khoảng trời xanh ta ngước nhìn...
----
(•) Một nét nhạc Trịnh Công Sơn
(••) Thơ Nguyễn Đình Thi
LỊCH SỬ
Luôn luôn là mãi mãi là đầu mối cho những cuộc tranh luận và nhiều hơn là tranh cãi, tranh đấu, tranh giành, chiếm đoạt
Cuộc chiến ngôn từ cuối cùng tạm hạ màn tại tòa án và rất thường khi là ở nhà tù thậm chí là trường bắn
Giai thoại về cha con nhà nọ thà chịu rơi đầu chứ nhất khoát không né tránh tội ác bạo chúa hôn quân mãi mãi chỉ là hư cấu đáng tin một nửa
Người ta ăn lộc vua được tu từ hoán đổi thành lộc nước
Người ta xênh xang áo dài mũ cao bia đá bảng vàng tiếng thơm lẫy lừng điếc mũi
Người ta viết
Và người ta nói
Tô hồng hôm qua
Hôm nay bớt hồng
Ngày mai nhờ nhờ xam xám
Rồi dần ngả màu đen
Gọi là Lịch sử!
Gọi là viết Sử!
Tất cả những gì đã qua được gọi là Quá Khứ
Chìm trong màn đêm Thời gian
Màn đêm bưng bít
Màn đêm che đậy
Màn đêm mịt mờ hư thực
Thậm chí màn đêm ngụy tạo tinh vi và trắng trợn
Trong màn đêm dài rất dài rất dài
Người ta tha hồ nhào nặn
Tha hồ chế biến
Tha hồ bớt xén
Tha hồ thêm thắt
Những bộ óc uyên thâm
Những trái tim hời hợt
Những cái dạ dày tham lam
Những tròng mắt lạnh sắc
Nâng lên
Hạ xuống
Bớt xén
Bồi đắp
Những hàng chữ khô lạnh đầy toan tính
Những hàng chữ ồn ào váng mỡ
Hiện ra
Hiện ra
Giáo khoa thư bắt đầu một cuộc trường chinh giáo hóa
Cuộc trường chinh nhân bản kiểu dây chuyền
Năm năm
Mười năm
Hai mươi năm
Một trăm năm
Một nghìn năm...
Sự thật chết chìm
Chỉ còn những biến dạng
Chỉ còn những hóa thân
Khô xác
Sặc sỡ hàng mã
Và lặng câm
Và bất động những hình nhân
Ồ Lịch sử!
Cả núi sách làm bạn với bụi bặm cùng mối xông gián gặm
Ai đọc?
Ai tin?
Nào viết tiếp!
Các sử gia nhầu nhĩ bệch bạc
Chong đèn đom đóm lần mò...
NÓI VỚI CON
[Tặng Phượng Nguyễn, bạn tôi]
----
Con đã đến với ba. Đã đến
Chẳng bao giờ là muộn đâu con
Và bây giờ ba bắt đầu học
Bài học làm cha! Bài đầu tiên...
Những bài học không hề mơ mộng!
Trong thơ tình, ba viết một thời
Trong những khúc ca ba vẫn hát
Những ngao du và những cuộc chơi.
Con nhỏ bé và con yếu đuối!
Như mầm cây. Quá đỗi mong manh
Bài học đầu tiên là từ bếp
Từ bỉm, sữa...từ chỗ con nằm.
Từ rất nhiều, rất nhiều...thường nhật
Và mua mua...Tất cả cần tiền
Là tiêm phòng là thuốc là thang
Là thức đêm là ngày ngủ gật...
Ồ! Có một chất thơ rất khác
Ba bật cười, đọc lại ngày xưa
Ô! Một thời rất trong và nhẹ
Thoáng heo may! Hư huyễn làn mưa!
Khi con đến, ba về đời thực!
Những mơ màng gởi lại ngày xưa
Gởi lại ngày xưa những cực nhọc
Đôi khi nhớ lại chỉ cười trừ.
Ba đã hứa! Hứa cùng tiên tổ
Hứa với Trời với Đất với ta
Nỗi cơ cực! Đã là quá đủ!
Lớn lên. Con thấu hiểu thôi mà!
Cứ để mắt trong veo trong vắt
Cứ rạng ngời đi mỗi lần cười
Cứ hét vang! Vung tay! Chạy! Nhảy!
Đừng vội ưu tư nhé! Con ơi!
TẠP GHI
1.
Làng phây sục sôi bình tán
Về cô huê hậu vừa...ngôn
Rằng sách thì em...ít/không đọc
Chưa xong một cuốn! Xanh rờn!
Tôi nghĩ đọc hay...không đọc
Đều thuộc cái quyền con người
Cô ấy suốt ngày bận rộn
Còn tí thời gian ...ngủ vùi!
Thật thà cô ấy thú nhận
Như vậy chẳng tốt hay sao?
Còn hơn chán vạn đứa khác
Bụng căng chữ miệng tào lao!
Còn hơn khối anh khối chị
Ăn đứt nhiều ông nhiều bà
Một đời đọc toàn sách...đểu
Ỉa ra toàn chữ thối tha.
Cô ấy làm nghề...hoa hậu
Cốt xinh cốt đẹp...thế thôi
Cần gì có người trợ giúp
Kể là cả muốn học...bơi!
Chỉ tại chúng ta kì vọng
Hoa hậu phải là...phải là
Thực tình chúng ta rất lố
Thành ra nhầm nhọt thôi mà.
Ta "bắt" hoa hậu phải nói
Những là tự hào tự hào!
Ta "bắt" hoa hậu phải hát
Những khúc quân hành ngày nao!
Chúng ta "tấn phong" hoa hậu
Đại - diện - phụ - nữ - việt - nam!
Phải như...bà trưng bà triệu!
Mang vác truyền thống nước non!
Huê hậu thì cũng là người!
Ăn uống ngủ nghê này nọ
Cũng đổ nước mắt mồ hôi
Kiếm xèng xem chừng cực khó!
Đọc sách không đọc thây kệ
Có thân họ sẽ phải lo
Càm ràm hóa thành khẩu nghiệp
Ta...khôn cũng giống con bò!!!!
2.
Có ông tiến sĩ toán học
Xem ra danh nổi như cồn
Tiếng tây rành như tiếng việt
Thế mà cắc cớ kinh hồn...
Chuyện là thế này! Xin kể
Bạn tôi viết sách thiệt hay
Cuốn nào cũng nhiều người đọc
Đọc xong thì rồi truyền tay ...
Thế là ông tiến sĩ nọ
Nhắn tin hai cuốn, đặt mua
Lời lẽ ở trong tin nhắn
Xem ra lịch sự có thừa.
Con trai bà bạn chuyển sách
Đi về chừng hai mươi cây
Tiền công sẽ được mẹ trả
Là ba - mươi - ngàn! Trả ngay!
Đến nơi! Gọi ông tiến sĩ
Xuống sảnh chung cư nhận hàng
Tiền sách và tiền công chuyển
Tất cả hơn bốn trăm ngàn
Nhưng ông tiến sĩ dứt khoát
Rằng không mắc mỏ thế đâu!
Có một giáo sư giới thiệu
Rẻ hơn! Kiên quyết lắc đầu...
Con trai bỗng dưng...khó xử
Gọi điện kêu mẹ giãi bày
Bà bạn nhẹ nhàng thưa thốt
Nhưng ngài tiến sĩ phẩy tay...
Dứt khoát là không! Không nhận
Chui vô thang máy! Rất nhanh
Cậu con thôi đành ôm sách
Quay về trả mẹ. Cho lành...
Ôi giời! Ông tiến sĩ toán
Đọc sách chắc hơi bị nhiều
Nhưng mà xử sự...như cặc!
Thật là xấu hổ đủ điều.
Tay này! Hình như tôi biết!
Người nhìn thâm thấp lùn lùn
Cặp mắt hình như gián gặm
Vâu vâu vẩu vẩu cái mồm!
Lưng khòm. Cong cong tôm luộc
Giọng thì như chó hóc xương
Mỗi khi đứng trên bục giảng
Nhìn trò! Như muốn lột truồng...
3.
Ta vẫn thường xem phim việt
Giờ vàng trên vê tê vê
Mấy người bạn ta, khi biết
Bảo ta bị hâm! Hâm ghê...
Ừ hâm. Thì hâm. Cũng được
Ta biết từ lâu lắm rồi
Có ông nhà thơ bình tán
Nghe rất chi là...bị vui!
Vạch quần xem chim, lúc buồn
Khoái hơn là xem phim việt
In hệt! Chè thiu cuối chiều
Hây za! Phim việt phim viếc
Kệ bạn cứ chê là hâm
Hoặc mắng cù lần cũng được
Phim việt ta vẫn...cứ xem
Xem phim tức là yêu nước!
Bi giờ vì ta đã già
Cởi cúc xem chim hổng dám
Già rồi hổng dám cởi cúc!
Thê thảm. Ủ rũ. Ta ơi!
Thôi thì gắng xem phim Việt.
Đôi khi cũng thấy vui vui!
*
* *
Chuẩn bị nghỉ lễ quốc khánh
Tạp nhạp ghi thành lục ngôn
Cúng phây ai đọc thì đọc
Hê hê! Khóc vui! Cười buồn!
NHỮNG NGÀY NÀY
Năm 1986 Đặng Tiến bắt đầu 3 năm làm lính biên giới tại Cao Bằng với quân hàm thiếu úy. Ba năm 86 - 89 là quãng cuối cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Vị Xuyên khốc liệt tạm lắng. Bình độ 400, cửa khẩu Chi Ma và Trà Lĩnh cũng còn khá căng. Cũng nhờ có ba năm ấy mà học được thêm rất nhiều điều. Ra quân, về trường cũ thế là cũng đã 35 năm! Bao nhiêu nước đã trôi qua dưới chân cầu sông Bằng, sông Hiến? Bao nhiêu mây trắng đã bay qua đỉnh đèo Cao Bắc, Mã Phục, Khau Chỉa? Chỉ có Đất và Trời mới biết...
----
VÔ ĐỀ
1.
Những người bạn lần lượt bỏ ta đi (•)
Thủa áo trắng học trò cứ dần xa lụi tắt
Thủa làm lính biên cương ngày mỗi ngày hun hút
Chìm dần trong kí ức suy tàn
Mấy mươi năm vật lộn đời thường nhật
Dưới chân cầu nước lặng lẽ trôi
Đỉnh đèo cao mây trắng hững hờ đi rồi đến
Giật mình
Đã muộn
Những người bạn một thời đã lặng lẽ bỏ ta đi
Trí nhớ suy tàn
Nẻo về quá khứ
Khó hơn vượt đèo cao dốc thẳm
Khó hơn tìm lối ra giữa rừng sâu ngút ngát cây và gió
Đường về với ngày xửa ngày xưa mất hút trong bóng thời gian
Hiu hắt hoàng hôn
Sẫm tối hoàng hôn
Rũ buồn cánh chim bay ngược.
2.
Giật mình tiếng tắc kè ma ám
Ai người đã chết dưới khe sâu?
Giật mình nhớ màu xanh rau ngót rừng
Ai người trượt ngã nơi hốc đá?
Giật mình khi nghe tiếng cười
Ai người đã hóa dại hóa điên mối tình đầu oan nghiệt
Giật mình nghe tiếng nổ khô lạnh
Ai đã tử nạn
Súng giảm thanh?
Giật mình đom đóm lập lòe
Ma lưu lạc bìa rừng hẻm suối?
Lùi xa
Lùi xa mãi
Thảng thốt giật mình
Rồi đến khi trí nhớ hoàn toàn suy kiệt
Ta cũng sẽ bỏ ta
Mang tất cả vào cõi hư vô...
3.
Phượng vẫn trổ bông đỏ rực sân trường cũ
Người trở về
Nhớ nhớ quên quên
U u minh minh một thủa rạng ngời
Biếc xanh lá hững hờ cho ai cây không nói
Những con ve cuối hạ kêu khan
Giọng như khàn đi
Như mệt mỏi
Đâu rồi rộn rã tiếng ve xưa?
Đâu rồi gốc bàng già nhẫn nại
Trái bàng rụng trên lối đi hờ hững
Ta cúi nhìn lặng im
Chút hương xưa
Thoáng chút hương xưa mơ hồ
Trí nhớ suy tàn
Một góc ngủ yên không sống lại
Tóc rối bay
Không bàn tay ai vuốt
Kí ức lần lượt bỏ ta đi
Chiều muộn sân trường vàng hoe nắng
----
(•) Mượn ý Trịnh Công Sơn