Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.738 tác phẩm
2.756 tác giả
240
122.257.100
 
Đám cưới bánh mì
Phạm Nga

 

1.
Hòa mời riêng một số bạn bè thân – toàn ở lứa U70 như anh – dự một buổi tiệc đơn sơ tại nhà, nói là ngày kỷ niệm 40 năm chung sống của vợ chồng anh. Vừa khai tiệc, một ông bạn nhiều chuyện ý kiến ngay:

“Các bạn ơi, như kỷ niệm ngày cưới ở năm thứ 40 anh Hòa chị Lụa đây thì Tây họ gọi là đám cưới Hồng Ngọc, còn kỷ niệm 45 năm là đám cưới Lam Ngoc, kỷ niệm 50 năm là đám cưới Vàng, 60 năm thì đám cưới Kim Cương…. Thôi, ai chớ tui giờ phải lo để dành tiền để tương lai còn dự mấy đám ngọc lam, vàng, kim cương kia nữa!”

Mọi người cười ồ lên, vỗ tay tán thưởng, kêu nâng ly “dô” 100% chúc mừng chủ nhà. Có người chưa chi đã nhắc Hòa phải nhớ mời đông đủ bạn bè như bữa nay cho những lần kỷ niệm ngày cưới còn quý giá, ý nghĩa hơn nữa trong tương lai. Hòa đứng lên, cười rạng rỡ:

“Cám ơn. Cám ơn các bạn. Trong tương lai chắc chắn là mình sẽ mời hết các bạn đến dự kỷ niệm mấy ngày trọng đại ấy của vợ chồng mình. Nhưng, có điều này, là về tên gọi cho kỷ niệm ngày cưới, tụi mình không dám nhận kiểu gọi bóng bẫy, liên hệ với toàn những bảo vật quý giá nhất trần đời, như đám cưới Sa-phia, Bạc, Vàng, Hột xoàn… đâu. Dù là lần kỷ niệm ngày cưới lần thứ mấy của mình đi nữa, chỉ xin gọi đơn sơ ngày ấy là… đám cưới Bánh Mì thôi.”

“Đám cưới Bánh Mì? Lý do?”,“Sao lại là bánh mì? Không kể ra nguồn cơn là không được đâu nhe ông!”, “Tình yêu lãng mạn từ… bánh mì ư?”…, cả bàn nhao nhao. Hòa tủm tỉm cười, nhìn sang vợ và dịu dàng hỏi:

“Cho phép anh kể lại chuyện tụi mình hồi mới quen nhé em? Thiệt ngắn, gọn thôi em à.”

Lụa đỏ mặt, cười lúng túng, trả lời thật khẽ:

“Thôi mà anh. Có gì hay đâu mà kể? Hồi đó em … kỳ cục quá trời, bữa nay mà nghe được thì mấy anh chị đây sẽ cười em chết, cười luôn anh đó…”

Chứng kiến cảnh Hòa và Lụa âu yếm nhìn nhau, một chị bạn lớn tiếng nhận xét:

“Trời ạ, đã có cháu nội, cháu ngoại đầy đàng mà coi ông bà vẫn tình tứ quá đi!”

2.
Năm 1971, Hòa tốt nghiệp cử nhân triết, nhận sự vụ lịnh của Nha trung học đi trình diện nhiệm sở là một trường đệ nhị cấp ở thị xã Vũng Tàu. Ăn mặc nghiêm chỉnh, cà-vạt thì tạm cất trong áo, anh ra bến xe đi. Ngồi cạnh anh trên xe là một cô gái trẻ. Cô ăn mặc cũng giản dị, khuôn mặt không tuyệt đẹp nhưng thùy mị, dễ thương dù không trang điểm. Anh thầm nghĩ, nếu đặt vào truyện Thúy Kiều của văn hào Nguyễn Du thì đây không phải kiểu sắc sảo đáng ngại như típ Thúy Kiều, mà là típ Thúy Vân, phúc hậu, dễ mến, thật hợp với những chàng nhát gái như mình.

Trong lòng đang vui nên anh gợi chuyện: “Cô cũng về Vũng Tàu?”. Cô gái liếc nhìn anh – làm bộ thôi, nãy giờ cũng liếc nhiều rồi – cười, nhỏ nhẹ “dạ” một tiếng. Ồ giọng con gái Nam, nghe thiệt chất phác, dịu hiền. Hỏi tên thì cô cho biết tên Lụa, nhà ở gần chợ Bà Chiểu và đang đi thăm một người bà con…

Khi nghe anh cho biết lý do anh xuống Vũng Tàu thì cô gái tỏ ra rất ngưỡng mộ vị giáo sư trẻ. Cô nói rằng cô đã nghỉ học hồi lớp đệ nhị năm ngoái, để đi làm vì nhà nghèo. “Nếu năm nay em còn đi học, không biết chừng em cũng sẽ là học trò của anh. Hèn chi hồi nãy em rất tò mò, không hiểu anh dấu cái con khô mực trong áo để làm gì…”. Chà, tiếng xưng em nghe mới ngọt làm sao!

Xe chạy đến Long Thành thì có một trạm kiểm soát liên hợp. Một anh cảnh sát áo trắng đến bên cửa sổ xe, hỏi giấy tùy thân của anh. Anh xuất trình thẻ sinh viên và giấy hoản dịch. Tình cờ kẹp giữa hai thứ giấy này lại là cái thẻ ký giả, do anh đang là biên tập viên của một tập san nghiên cứu của một viện đại học nên được Bộ Thông tin cấp cho. Nếu chỉ là loại thẻ có ba vạch đỏ in thành đường xiên ở giữa, cấp phát vô số cho mấy cậu nhân dân tự vệ thì chắc anh cảnh sát trả lại rồi. Đằng này, trước loại thẻ “thứ dữ”, ba vạch được in ở góc trái trên, đặc biệt hiếm hoi nên anh cảnh sát xem xét rất kỹ, từ con dấu, chữ ký, cho đến tấm ảnh dán so với mặt người thật… Hồi lâu thì anh cảnh sát nghiêm chào anh kiểu nhà binh, lịch sự trả lại giấy tờ. Anh gật đầu, nói “cám ơn” rồi thong thả cất vào bóp.

Nảy giờ, cô gái tròn mắt theo dõi màn trình diễn ngoài ý muốn của anh. Xe chạy rồi thì Lụa hỏi liền… Anh giải thích vắn tắt nhưng trong lòng thì rất hãnh diện vì cô nàng còn lộ vẻ ngưỡng mộ, kính trọng anh nhiều hơn nữa.

Bờ vai hai người đã chạm vào nhau hồi nào không biết. Anh muốn cho hai bờ vai dính vào nhau luôn nhưng người ta đã ý tứ – tạm thời – tách nhẹ ra. Nhưng ai cấm được một vài sợi tóc con gái cứ bay bay, vờn nhẹ vào gò má anh? Anh thố lộ mình cũng là sinh viên nghèo, đã phải vất vả bươn chãi, vừa học vừa làm mấy năm qua mới đạt được ước nguyện ra trường đi dạy. Cô nàng lại càng cảm động hơn nữa, bờ vai hai người lại chạm vào nhau lâu hơn nữa.

Riêng đôi mắt người con gái thì cứ long lanh, đằm thắm khi nhìn anh. Thôi rồi! “Smoke get in your eye…”, như lời bài tình ca bất hủ của nhóm The Platters một thời, rằng “ Khói tình vươn lên mắt em rồi!”. Vâng, ngay trong phút giây sơ ngộ, niềm quí mến cô gái dành cho đối tượng đã rất tinh khôi, rất chân thực mà nàng không hề che dấu  bởi làm bộ hay làm cao, rồi tình ‘quý mến’ ấy biến thành ‘tình yêu’ hồi nào không hay!

Và cũng rất hồn nhiên, dễ dàng khi cô nàng bộc lộ cảm xúc, tình cảm rất thực của mình. Khi nghe anh nói phải vào đầu giờ làm việc buổi chiều mới có thể đến trường trung học kia, Lụa có vẻ suy nghĩ. Chuyện gì vậy kìa? Cuối cùng thì cô nàng lục trong túi xách lấy ra một… ổ bánh mì không, có vẻ ngại ngùng một chút nhưng rồi quả quyết nói với anh:

– Vậy là anh phải chờ qua buổi trưa, đói bụng chết! Thôi, anh đừng đi ăn uống gì đó tốn tiền, anh ăn đỡ ổ này đi… Rồi đi trình diện gì đó, rồi về Sàigòn cho sớm, không thì ở nhà mong…

Trời ạ, ổ bánh mì tầm thường và rẻ mạt, thậm chí chẳng có chút thịt thà gì nhét vào nhưng quí giá làm sao vì đã chứa đầy ắp tấm lòng của người con gái mới quen. Món quà bánh được trao tặng với tất cả chân tình, hồn nhiên, không chút màu mè khách sáo. Thậm chí hơi… kỳ kỳ vì cô không cần biết ổ bánh mì có xứng hợp với một tân giáo sư cử nhân, thắt cà-vạt trịnh trọng để đi nhận dạy lớp Tú tài mà cảnh sát còn phải nghiêm chào? Nhưng niềm kiêu hãnh về danh giá giáo sư đã không khiến anh cười thầm, chế nhạo cô gái ngớ ngẩn. Trái lại, trong lòng anh chất ngất thương cảm:

– Anh… rất cám ơn Lụa. Em sợ anh đói bụng, cho anh bánh mì, biểu anh ăn mà giống như lo cho một người thân, một ông anh trong nhà vậy. Anh hiểu mà. Em tốt quá. Nhưng như vầy, vì anh không có mang theo túi…

Cô nàng lúng túng, vội vàng ngắt lời anh:

– Ờ há, làm sao anh cầm? Để em kiếm cho anh cái bao xốp hay tờ báo…

Tới đây thì anh không thể nín cười:

– Thôi, thôi mà, mắc công em. Anh cũng không thấy đói. Sinh viên nghèo tụi anh ăn ít lắm. Lụa giữ lại ổ bánh đi, anh không nhận đâu…

Cô nàng xịu mặt, có vẻ buồn:

– Anh không ăn bánh mì hả? Có bao nhiêu đâu anh? Em chỉ sợ anh đói bụng và tốn tiền… Anh nói anh là sinh viên nghèo mà, phải tiết kiệm…

Anh cảm thấy thương cô nàng quá sức, bèn vỗ về:

– Coi kìa! Anh nói chưa hết mà. Không nhận bánh mì nhưng anh muốn nhận… địa chỉ nhà em, được hôn?

Lập tức cô nàng cười tươi tắn, vui vẻ trở lại, y như một cô nhỏ mới bị người lớn làm cho thất vọng về một xin xỏ gì đó nhưng rốt cuộc cũng được toại nguyện. Hai người tiếp tục thủ thỉ chuyện trò, anh ‘xạo sự’ đủ điều, Lụa cứ cười khúc khích, quên mất rằng hai bờ vai hình như đã được phép tha hồ dính vào nhau…

Vì Lụa phải xuống xe trước khi vào thị xã nên hai người tạm chia tay. Cô nàng đứng lên, rón rén nghiêng người bước qua mặt anh. Anh thảng thốt khi tấm thân mềm mại, rất nữ tính, vừa nhẹ nhàng lướt qua. Vừa mới rất gần gũi mà đã phải xa xôi! Khác nào một giấc mơ diễm tuyệt giữa ban ngày. Tạm chia tay có nghĩa là Lụa đã mang theo niềm hân hoan và hy vọng tươi đẹp đang lớn dần trong anh…

3.
Gặp lại ở Sàigòn, tức mới chỉ gặp nhau lần thứ hai, anh tỏ tình luôn!

Vẫn cái tính hồn nhiên, chất phác như lần đầu gặp nhau, người con gái để yên bàn tay cho anh nắm, thẹn thùng cúi mặt, chạy trốn cái nhìn say đắm của anh nhưng chúm chím cười mà hỏi nhỏ lại anh: “Anh thương em… thiệt hôn?”. Lại kiểu nói ngọt lịm, cực kỳ dễ thương của con gái Nam. Vì bị bất ngờ bởi kiểu hỏi rất thật thà này nên anh muốn bật cười nhưng ngăn lại kịp. Nếu trong phim Hồng Công thì chàng trai đã tát yêu cô gái, bảo rằng: “Khờ quá, thiệt chớ sao hổng thiệt!”.

Vì hai bên đều nghèo nên trong mấy năm yêu thương nhau, anh và Lụa phải cố gắng dành dụm, chắt chiu tính chuyện tương lai. Một đám cưới đơn sơ để anh giáo đưa nàng khờ về “dinh”, tức một căn phòng nhỏ cũng hết sức đơn sơ trong nhà cha mẹ anh.

Tại gia đình nhà chồng, vốn thuộc giới trí thức – trong nhà có tới ba nhà giáo – cô dâu tuy ít học một chút nhưng cư xử rất được. Kính trên nhường dưới, không mồm mép trả treo, bếp núc vén khéo, không nề hà việc chân tay nặng nhọc, dơ bẩn… Hòa càng yêu vợ hơn một khi nàng hết sức quí trọng công việc trí óc cùng mớ sách vở tủn mủn của anh. Bản chất phúc hậu nơi Lụa còn thể hiện ở tánh thương yêu chó mèo, chim chóc và chăm chút một ít hoa cảnh ở cái sân nhỏ xíu trước nhà. Chỉ có cái khoản phúc hậu… mệt mề, Lụa muốn sinh nhiều con thì anh không dám tán thành mà chìu vợ.

4.
Rồi có con có cái, rồi biến cố 30 tháng 4. Trong những năm tháng khó khăn thiếu thốn mọi mặt ấy, Lụa vẫn là người bạn đời tuyệt vời của Hòa. Ban ngày tần tảo buôn gánh bán bưng, đêm về cặm cụi ngồi may hàng may gia công đến khuya lơ khuya lắc, chị nỗ lực kiếm thêm thu nhập cho gia đình, giúp chồng có thể tiếp tục cái nghề dạy học thanh bạch – tĩnh từ rất tao nhã mà người đời thường lịch sự dùng để gọi là an ủi cái nghèo của các thầy giáo, cô giáo.

Chính nhờ vào sức xốc vác của người phụ nữ trong nhà, gia đình Hòa thời ấy khổ thì có khổ nhưng họ vẫn có được cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc cùng ba đứa con ngoan ngoãn, chăm học. Nhiều lúc Hòa nghĩ, đích thực là nếu run rủi vợ anh là một cô gái khác – một nữ sinh viên yêu kiều, đài các chẳng hạn, thì không chắc cô ta đã có được đức tính hy sinh, quên mình và ý chí năng nổ, mạnh mẽ như Lụa để giúp anh cùng gia đình vượt qua nỗi bao nhiêu gian nan, khó khăn một thời.

Rồi hai trong ba đứa con tốt nghiệp đại học, đi làm phụ giúp cha mẹ. Hơn thế, vợ chồng Hòa đã ngồi sui, cưới vợ cho con trai đầu lòng và họ đã có một trự cháu nội kháu khỉnh, con gái út lấy chồng cũng vừa sinh một bé gái cho ông bà ngoại tha hồ nựng.

Mái tóc đã điểm sương, Lụa không còn sức xốc vác, gánh gồng như suốt những năm tháng ăn độn nữa, nhưng cô nàng Thúy Vân mộc mạc của Hòa, nàng khờ hơi hơi ngớ ngẩn mà anh gặp gỡ trên chuyến xe hạnh ngộ ngày nào, vẫn là một phụ nữ hiền lành, phúc hậu, đôi khi vẫn cứ hồn nhiên lo chuyện bao đồng, ân cần giúp đỡ người khác, dù có khi là người lạ hoắt lạ huơ.

Và đã hơn 45 năm qua, không bao giờ Hòa quên ổ bánh mì không, trắng ruột, đã ngộ nghĩnh dẫn dắt anh đến một tình yêu bình dị mà chân thực, tựu thành cuộc hôn nhân hạnh phúc dài lâu và bền vững. Do đó, Hòa luôn nghĩ, với ai khác thì ý nghĩa cao vời của những lần kỷ niệm ngày cưới trong cả cuộc  đời phải được thể hiện hoa mỹ, hoành tráng cỡ như “đám cưới Vàng”, “đám cưới Ngọc”…, còn riêng đối với vợ chồng anh, chỉ mộc mạc là “đám cưới Bánh Mì” cũng đã đầy đủ ý nghĩa…

 

Phạm Nga
Số lần đọc: 105
Ngày đăng: 18.09.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhảy tàu - Hoàng Thị Bích Hà
Chuyến đi cuối cùng - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Chùa Cầu Hội An - Thanh Phương
Cô Mười - Tiểu Lục Thần Phong
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào - Trương Văn Dân
Thủy thủ ăn chơi - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Tuất khùng múa lân - Thanh Phương
Lời thề đêm thất tịch - Hoàng Thị Bích Hà
Phiêu diêu giữa đất trời - Nguyễn Thỵ
- Tiểu Lục Thần Phong
Cùng một tác giả
Hoa ôm (ký)
Chuyện ở sau chùa (truyện ngắn)
Người già... (tạp văn)
Cữ sáng... (truyện ngắn)
Đám cưới bánh mì (truyện ngắn)