Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.210
123.205.954
 
Lời giới thiệu “Tự tình với trăm năm” (Nguyễn Hồng Linh)
Nguyên Bình

 

Bến sông xưa dậy sóng tóc phai màu!

 

     Nguyễn Hồng Linh (NHL) là một tác giả xuất hiện đều đặn trên facebook và các trang văn chương trong nước và hải ngoại. Thơ chị thầm thì đến với bạn đọc bằng những tình khúc diễm mộng, tráng lệ, chuyên chở nội tâm sâu lắng của một thiếu phụ đa đoan mà suốt đời đồng hành với thơ, chung thủy với một tình yêu duy nhất.

 

     Sinh ra ở Phan Thiết - Bình Thuận nhưng lớn lên ở Biên Hòa – Đồng Nai. Tốt nghiệp trung học phổ thông, chị theo chuyên ngành tài chánh - kế toán và sau đó sang định cư và làm việc ở thành phố Stuttgart - Đức. Đến nay, Nguyễn Hồng Linh đã xuất bản 4 tập thơ, và TỰ TÌNH VỚI TRĂM NĂM là tập thơ thứ năm của thiếu phụ đam mê văn chương tột cùng này.

 

     Duyên thơ xui khiến tôi (Nguyên Bình) và Nguyễn Hồng Linh kết bạn Fb, đọc nhau thường xuyên và dần dà chúng tôi thấu hiểu về nhau qua những bài thơ thăng hoa từ trái tim. Bởi “thi ca là khoảng cách ngắn nhất giữa hai con người” (Poetry is the shortest distance between two humans.). Một sáng tháng giêng, chị nhắn tin nhờ tôi viết đôi dòng về tập thơ thứ năm mà chị đang ấp ủ. Dĩ nhiên tôi vui vẻ nhận lời, dù biết rằng đây một công việc khó khăn. Bởi viết về một tác giả nội tâm ẩn chứa nhiều phức cảm, dày đặc suy tưởng về tình yêu của một sương phụ tha phương như NHL thật sự không hề đơn giản.

 

     Nhà văn Gustave Flaubert nói: “Không có mảnh nhỏ cuộc đời nào lại không mang trong mình thi ca”. (There is not a particle of life which does not bear poetry within it). Tôi có ý tưởng ngộ nghĩnh cho rằng một nửa NHL là thi ca. Bởi lẽ, tuy đã sở hữu một gia tài văn chương không hề nhỏ, vậy mà NHL vẫn đam mê viết lách từng ngày như là một niềm vui tao nhã. Vừa đi làm vừa sáng tác, hằng ngày từng câu thơ đẹp mang dáng vóc tự sự - trữ tình vẫn êm ả róc rách như suối nguồn thơ mộng hòa nhập vào dòng văn chương đương đại.

     Tình yêu, muôn đời ẩn chứa vẻ đẹp diệu kỳ của nó. Một danh nhân đã nói “Cái còn lại của con người sau khi ra đi là tình yêu”. Một thuộc tính của tình yêu là đợi chờ để hy vọng. Mỗi đôi tình nhân lại đợi chờ người mình yêu theo một kiểu khác nhau. Và đây là cái cách tựa cửa của NHL, nàng thơ đứng ngồi trông ngóng người mình yêu rất đặc trưng của các thi sĩ lãng mạn:

Khi anh đến... tơ vương giăng đầy lối

Giọt tình sầu chất ngất em chờ mong

Em thờ thẫn khát khao vườn mộng mị

Đêm thầm thì sâu lắng dấu yêu xưa.

(Niệm khúc tình tháng sáu)

     Có những phút đợi chờ hồi hộp của buổi hẹn hò, cũng có những nỗi đợi chờ dai dẳng khiến trái tim ta khô héo, ngày dài ta vô vị, thời gian ta xao động, đêm trường ta mộng mị. Thế mà ta vẫn đợi cho đến khi “trái tim đau” bật lên tiếng thở dài trong đêm thinh lặng:

Em chờ anh tình yêu đơm tròn mộng

Tiếng thời gian xao động trái tim đau

Bến sông xưa dậy sóng tóc phai màu

Tiếng thở dài trong nhau đêm thinh lặng...

(Tiếng thời gian)

     Mà thời gian đợi chờ nào phải là phút là giây, thương lắm thi nhân đợi người từ thuở tóc còn xanh, đợi mãi cho đến khi “Tóc đã bạc phai tàn hương mùa cũ”. Thế mà cánh cửa thời gian nàng vẫn để ngỏ, âm thầm trông ngóng, ngày tháng trôi đi và người tình xưa mịt mù ở nơi đâu:

Tôi đợi người qua cánh cửa thời gian

Tóc đã bạc phai tàn hương mùa cũ

Sài Gòn ơi! Hạ vàng còn quyến rũ

Tiễn người đi ươm nụ nhớ về nhau

(Đợi người qua cánh cửa thời gian)

     Đi dọc hành trình thơ NHL là đồng hành cùng trái tim yêu say đắm thổn thức. Đọc đi đọc lại thi tập, tôi cảm nhận được âm vọng của cảm thức tình yêu trong tâm hồn thi nhân cứ dạt dào lan truyền mãi. Lòng tôi đau đáu xót xa với cuộc tình hoài mong ấy, tất cả hiện ra bề bộn mà duyên phận lứa đôi thì mông lung ở cõi xa xăm nào, chưa một lần “trọn vẹn ái ân”, để nàng thơ buông tiếng thở dài:

Chiếu chăn hờ hững tháng ngày xanh

Sông xưa chở nặng bóng hình anh

Gót hài lay động mùa thu vắng

Ngậm ngùi gió khóc lệ mong manh

(Nghìn thu sương khói)

     Thì đây, mặc người sương khói để khi cô đơn ta chuốc rượu giải sầu. Người xa vời ta cũng xin mời người nâng chén. Men nồng say ơi, hãy “xóa đi ký ức” một thời ta bên nhau:

Nâng ly lệ ứa rượu đầy vơi

Chén rượu cho em, chén cho người

Xoá đi ký ức ai mời gọi

Em dại khờ ngây ngất tình say...

(Tỉnh say)

     Có lẽ, với thi sĩ thơ, rượu và trăng là bảo vật cuộc đời ban tặng để bù đắp cho mối tình mù khơi. Nàng bầu bạn với trăng, đêm từng đêm thả hồn nhìn trăng song ngoại để trong khuê các tâm tư lắt lay tủi hờn. Những câu thơ sang trọng quý phái thăng hoa dưới bóng trăng ảo huyền, mặc cho nỗi đau đời dằn xé:

Trăng thiếu phụ lắt lay song cửa

Chốn bụi trần mây hắt hiu đưa

Tàn trăng phấn nhạt hờn xuân úa

Má hồng ngoảnh lại tóc sương chưa?

(Ai chở mùa trăng)

     Trở về cuộc sống thực tại nơi đất khách, từng ngày đi về qua phố lạnh, mùa thu tàn tạ, lá rơi vàng nỗi nhớ, hồn thơ thi sĩ chết lặng:

Phố Stuttgart sầu than thở

Lãng đãng nắng phai mờ

Cung trầm buông phím ngỡ

Hồn thơ chết dại khờ

(Tàn thu vàng nỗi nhớ)

     Chẳng biết làm sao hơn, nàng giận dỗi gói ghém yêu thương trả hết cho người. Tôi biết, trả hết mà chẳng bao giờ phôi phai:

Trả vết lưu đày biệt cố hương

Trả hết trăm năm khúc đoạn trường

Và ta trả người duyên hạnh ngộ

Trả bước phong trần lạnh gió sương…

(Hoa bong bóng vỡ)

     Thời gian đôi khi lại là liều thuốc vỗ về trái tim non bằng những hoài niệm tuyệt đẹp, cái thời áo trắng, phượng hồng, sân trường hè xanh nắng nhuộm. Phải chăng nỗi nhớ đong đầy lại làm vơi đi thực tại hụt hẫng trong bước thăng trầm lưu lạc của thi nhân:

Tháng Sáu! Ai chở hạ về ngang qua ngõ

Nhớ sân trường say đắm một mùa hoa

Nhớ bảng đen, bụi phấn đã rời xa

(Nhớ lắm hạ ơi!)

     Những câu thơ xuôi cứ như mơn man mái tóc người thương, cứ như nâng niu mùi tử đinh hương thoang thoảng trong đêm hẹn hò. Tôi cho rằng, đây là những câu thơ đẹp, chẳng những đẹp cho cuộc tình riêng mang ấy, mà là cảm xúc thánh thiện cho bao lứa đôi yêu nhau:

“Có lẽ nào... ta chẳng nhớ nhau. Tử đinh hương tím như chuyện tình buồn ngày xưa cũ. Vệt nắng nhạt nhoà không đủ ấm bờ vai.

Có lẽ nào... ta chẳng tìm nhau. Mắt lệ tình đã khô trên dòng sông trắng. Đêm tịch liêu sót lại dấu tình phai.”

(Mắt lệ tình)

     Và chuyện tình của nàng thơ với ai đó, rất riêng cùng những kỷ niệm êm đềm một thời bên nhau, giản dị như “con rươi con ruốc trên đồng trũng” mà sao đẹp thế này:

Anh thắp tình anh lên phím đàn

Những ngày xa xứ nhớ cố hương

Con rươi, con ruốc trên đồng trũng

Uống rượu ngâm thơ đợi bạn hiền

(Tiếng đàn thi nhân)

     Thôi thì ta ru đời sương khói, ta lay thức tâm hồn ta, ta du miên qua từng khúc sầu nhớ. Tôi rất tâm đắc những bài thơ NHL tự ru mình, phải chăng từ đó, đời sống tâm linh của thi sĩ ngạt ngào hương, ngôn ngữ thơ tuyệt đẹp, xa rời chốn trần ai phiền lụy:

Tiếng gió ru

mong manh trời sương khói

Dáng quỳnh gầy

bên song cửa đợi ai

Vắt xiêm y

ngang một mảnh trang đài

Men ngây ngất

tàn phai đêm nguyệt tận.

(Dạ quỳnh)

     TỰ TÌNH VỚI TRĂM NĂM là tập thơ tình say đắm của một tâm hồn mẫn cảm yêu thương hồn nhiên ít buông lời hờn trách cố nhân. Thi sĩ Nguyễn Hồng Linh sở hữu một nội tâm phong phú, nếp suy tưởng đậm đà, bút pháp, thi ngôn chân thực, hiếm nét cách điệu nhưng hàm chứa giọng thơ quý phái kinh điển. Chính vì thế mà thơ chị chinh phục rất nhiều lớp độc giả cũng như văn nghệ sĩ trên văn đàn. Danh mục các bài thơ được các nhạc sĩ tên tuổi phổ nhạc và các nghệ sĩ có tiếng diễn ngâm thơ NHL với cảm xúc tột cùng đã chứng minh điều đó.

     Chúc mừng nhà thơ với đứa con tinh thần thứ năm sắp sửa ra mắt công chúng yêu thơ. Chúc chị vui khỏe để tiếp tục sáng tác, đóng góp cho văn đàn đương đại những bài thơ tình tuyệt đẹp.

                      Bà Rịa, ngày 4 tháng 4 năm 2024

                                  

Tác giả Nguyễn Hồng Linh

Tác phẩm Tự tình với trăm năm.

 

 

Trang in lời giới thiệu trong Tự tình với trăm năm

 

 

 

Nguyên Bình
Số lần đọc: 94
Ngày đăng: 24.09.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngô Quang Bửu và giấc mơ thời thơ ấu - Trương Văn Dân
Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá - Chế Diễm Trâm
Tiễn biệt tác giả những bài tình ca về đất Cảng - Trần Trung Sáng
Trần Hoài Anh với Lý luận – phê bình văn học trong đời sống văn học đương đại - Cao Thị Hồng
Tưởng niệm Alice Munro (1931-2024) - Nguyễn Đức Tùng
Lê Triều Điển và Lê Triều Hồng Lĩnh - Trương Văn Dân
Một chốc với “trong những thoáng chốc” - Tiểu Lục Thần Phong
Hình bóng Hemingway ở Paris qua hồi ký A Moveable Feast (Kỳ 6) - Phan Tấn Uẩn
Hình bóng Hemingway ở Paris (Qua hồi ký A moveable Feast) (Kỳ 5) - Phan Tấn Uẩn
Nhà văn Phù Vân! Gió mang niềm nhớ …Và Mây đã bay đi - Trương Văn Dân