1.
Tới Cồn Chài, Cẩm Châu má tôi ở lại nhà dì Tri, sớm mai mới chèo ghe qua Cẩm Nam thăm ông bà ngoại bên kia sông, má và dì Tri là hai chi em ruột. Buổi tối tôi và thằng Thục (con dì dượng) ngủ trên tấm phản, dượng Tri nằm ngoài. Đêm khuya thấy dượng cứ ngồi uống trà vấn thuốc rê hútliên tục, chiếc đèn dầu leo lét trên bàn, vậy mà thằng Thục quay vô vách ngủ tỉnh bơ, còn tôi mở mắt trao tráo nhìn lên trần nhà nghe tiếng “tắc kè, tắc kè” đêm khuya thật khó ngủ. Mơ màng nhớ lại hồi chiều hai đứa đi thả diều mé sông, Thục cầm cuộn dây chạy trước, phía sau tôi nâng diều lên chấp chới ngoài bải cỏ… Một hồi tôi chìm vào giấc ngủ không hay.
Nửa đêm tôi giật mình nghe tiếng súng nổ chát chúa bên tai, mất hồn tôi quờ quạng trên tấm phản gỗ. Lúc đầu là tiếng súng "uỳnh chéo, uỳnh chéo" đàng xa xẹt tới, sau đó là tiếng nổ "tắc cù, tắc cù" đáp trả gần bên, tiếp theo nghe tiếng chân chạy lịch bịch bên ngoài. Sợ hãi tôi nằm co ro đồng thời hé mắt dòm thử, thấy dượng Tri đi lên đi xuống trong nhà thin thíc, có hồi dượng hé mắt nhìn vào tấm phên coi thử bên ngoài, vậy thôi.
2.
Bỗng tôi nghe tiếng má và dì Tri thì thầm buồng nhà dưới, tự nhiên tôi cảm thấy yên tâm một phần. Má nói nhỏ xíu với dì Tri: “Cộng hòa và cộng sản bắn nhau hả mi?”. Dì Tri đáp lại: "Bên ni bên nớ bắn nhau đó chị Tư, đêm mô cũng rứa mà, sáng mai mới biết được chết chóc ra răng chị ơi, thôi ngủ đi chị Tư !". Chị Tư là má tôi. Thì ra quê tôi đang có chiến tranh, vậy mà ngoài Đà Nẵng tôi không hề hay biết, ban ngày là lính Cộng hòa kiểm soát, ban đêm là Cộng sản hoạt động, có điều người dân ở đây vẫn sinh hoạt làm lụng bình thường.
Dì Tri có chồng làng Cẩm Châu cách Cẩm Nam quê ngoại tôi một con sông, má tôi có chồng làng Cẩm Thanh, tản cư ra Đà Nẵng lâu rồi.
3.
Thằng Thục nhảy xuống sông cái ùm lội nước, hắn mở dây cột ghe ở lùm tre, đẩy ghe sát tới bờ để mọi người bước xuống dễ dàng. Nhìn thằng Thục thao tác gọn gàng đẩy ghe, tôi phục hắn quá chừng, trong lúc tôi là vai anh họ hàng nhưng hai đứa bằng tuổi nhau chớ mấy. Lên ghe, dì Tri chèo mũi sau, thằng Thục chèo mũi trước, tôi và chị tôi ngồi giữa ghe, má thì ngồi gần dì Tri, hai người nói chuyện xì xào với nhau liên tục, làm tôi yên tâm vì có tiếng người, trong khi chiếc ghe nhỏ thó giữa dòng sông như chiếc lá mùa thu lơ lửng, dễ chìm lỉm bất ngờ. Lúc này tôi lại thấy nước sông rịn vô ghe liên tục, tôi đâm sợ, lỡ nước tràn ghe thì sao? Nhưng may quá, má cầm sẳn chiếc mo dừa hất nước ra ngoài thường xuyên, tôi mới yên lòng.
4.
Ghe đang lướt tới, mặt nước nhấp nhô, con sóng gỏ vô mạn ghe thành tiếng kêu “bập bòa, bập bòa” liên tục, sau đuôi ghe là làn nước trắng xóa văng lên không trung sau đó rơi xuống dòng sông trở lại, cứ vậy mà chiếc ghe trườn tới lần hồi, làm tôi có cảm giác dĩ vãng đang ở lại phía sau. Ngồi trên ghe quen dần, hai chị em tôi cùng thọc tay xuống mạn ghe đùa nghịch, nước chạm vào bàn tay bắn lên tung tóe hai bên, thích quá chừng. Đàng xa có chiếc thuyền chài đang quăng lưới, lưới chài xoay tròn một vòng trên không trung, tấm lưới xòe ra như chiếc áo đầm thiếu nữ lộng gió, sau đó phủ xuống mặt sông như một vũ điệu tráng lệ. Ui, dân chài chính là nghệ sĩ trong trái tim tôi !
5.
Nhìn phía trước, có một doi cát nổi lên giữa con sông, giống như cái nắm vú hoang dại, nước sông ở đây trong veo nhìn thấu đáy, từng đàn cá nhỏ tung tăn bơi lội quanh chùm rong xanh. Thì ra đó là Cồn Hến, thuộc địa phận Cẩm Nam, quê ngoại tôi gần kề. Khi thủy triều lên xuống, Cồn Hến sẽ trồi lên hoặc chìm xuống dưới nước, hiện hữu hay vô vi, thật là ảo diệu. Thằng Thục chèo ghe nhưng tỉnh táo lạ lùng, khi ghe tới gần Cồn Hến thì hắn liền chống sào đẩy ghe ra xa chớ không dễ bị mắc cạn.
6.
Bên bờ sông, hàng tre kẻo kịt như thông báo tôi rằng đã tới Cẩm Nam, quê ngoại đây rồi. Tự nhiên làm tôi nhớ lời ru của má giữa trưa hè, tôi nằm trên bụng má, má nằm võng đong đưa ru tôi ngủ, má lấy tay xoa lưng tôi liên tục đến khi tôi ngủ say:
"Ầu ơi, dí dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẽo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học (chớ) mẹ đi trường đời...
Ầu ơ ba tiếng ầu ơ
Quạ ăn hết bắp còn xơ với cùi
Ớ ơ... Chớ kể từ ngày bướm cách mặt ba
Họa bài thơ mới (a á a) gửi qua bên người"
Khi tôi cựa mình xoay thế nằm, má ru tôi sâu lắng:
"Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ (chớ) ruột đau chín chiều
Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn về với mẹ mà không có đò".
"Ầu ơ...dí dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra
Bậu ra cho khỏi tay ta
Cái xương bậu nát (ơ ờ) cái da (a à) bậu mòn".
Trong giấc ngủ say tôi giật mình cục cựa, má ru tôi dồn dập:
"Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người quân tử (á a) khăn điều vắt vai
Chiều chiều ra đứng lầu tây
Thấy cô gánh nước tưới cây ngô đồng
Chiều chiều bắt bướm đang bay
Bâng khuâng nhớ bạn, (chớ) bạn rày nhớ ta"
"Ầu ơi, (chớ)...chiều chiều bước xuống ghe buôn
Sóng bao nhiêu nhịp em buồn (là) bấy (ớ ơ ơ) nhiêu"…
Mãi hồi tưởng, bỗng chiếc ghe cạ vào bờ kêu loạt xoạt, thì ra đã tới Cẩm Nam rồi, thằng Thục xuống ghe riết sợi dây vô cây sào găm bùn, mọi người lên bờ đi bộ thảnh thơi.
7.
Bước vào nhà ngoại, chúng tôi đi dưới hàng cau trổ bông, hương cau lan tỏa khắp nơi như mùi hương của thế giới phù phiếm nào đấy, thật vậy, mùi hương thơm phức nhưng khó diễn tả, thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ làm hàng cau lắc lư, bụi phấn rơi lả chả trên không, màu trắng đục, phất phơ trước gió. Đang đi, bỗng bụi phấn rơi trên đầu tôi choáng ngợp, tôi phải đứng lại phủi bụi một hồi, má tôi đội nón không sao. Mưa hồi hôm làm đường đi ướt nhẹp, tôi phải vịn tay má chớ dễ trượt té như không./.
- Tháng 9 năm 2024
(Hình mạng)