Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.738 tác phẩm
2.756 tác giả
1.190
122.287.417
 
Hình bóng biển trời (tiếp theo Chương 13)
Phan Tấn Uẩn

 

 

Gặp Donovan trong quán Lilas , tôi vào đề ngay :

“ Donovan…Tôi có cảm giác nhàm chán khi phải tóm tắt và phân tích những chương trong A Moveable Feast. Nếu tôi bỏ ngang công việc nầy có thể gây khó khăn cho Ernest và cả Donovan. Anh có cách nào giúp tôi có hứng thú làm tiếp công việc nầy  không ?”

Donovan cười lớn, chê tôi thiếu kiên nhẫn theo đuổi đề tài quan trọng về hình bóng một nhà văn lớn, nếu muốn anh trả lời tôi cũng phải làm cách nào để anh có hứng thú ? Tôi mỉm cười, nhìn anh  một thoáng rồi lên tiếng :

“ OK , tôi nhớ có lần Hemingway miêu tả việc ngồi ăn hàu sống với ly vang trắng lạnh tại một quán ven sông ở Paris. Bây giờ tôi sẽ áp dụng trong dịp nầy…”

 

Được uống vang và đồ nhắm ưa thích, Donovan hào hứng nói :

“ Việc cảm thấy nhàm chán khi phân tích và tóm tắt là điều bình thường, nhất là khi phải đối mặt với một công việc lặp đi lặp lại. Để giúp Trác Bạt vực dậy niềm cảm hứng, một vài gợi ý của tôi như : đổi góc nhìn khi phân tích, liên hệ với những trải nghiệm cá nhân, tìm cách tạo ra một cuộc hội thoại, chia nhỏ mục tiêu,hoặc thay đổi cách viết sáng tạo hơn…Trác Bạt có thể áp dụng  ngay… ”

            Thấy tôi im lặng, Donovan nói rõ từng chi tiết như muốn bắt tôi phải làm theo :

            “ Thay vì chỉ tóm tắt nội dung, Trác Bạt có thể viết theo các góc nhìn khác nhau, chẳng hạn viết về cảm xúc cá nhân , phân tích nhân vật với sự đồng cảm, liên hệ nội dung với cuộc sống riêng của mình, tìm gặp Hemingway để  có cuộc trò chuyện sinh động, chỉ tập trung vào các điểm chính trong nội dung để tránh bị áp lực, hoặc đưa sáng tạo vào cách viết, vân vân, thế nào ta cũng cảm thấy hứng thú …”

 

            Nói vậy thôi, nhưng khi đọc những câu văn Hemingway viết, tôi mất ngay cảm giác nhàm chán…

"Ezra Pound and His Bel Esprit" kể về mối quan hệ giữa Ernest và nhà thơ Ezra Pound. Mở đầu, Hemingway viết :

 

Ezra Pound mãi mãi là người bạn tốt và luôn giúp đỡ mọi người. Xưởng vẽ nơi ông sống với vợ Dorothy trên phố Notre-Dame-des-Champs nghèo nàn khác hẳn xưởng vẽ giàu có của Gertrude Stein. Căn phòng đầy ánh sáng với bếp lò sưởi ấm và những bức tranh của các nghệ sĩ Nhật Bản mà Ezra quen biết. Những nghệ sĩ nấy đều có gốc gác quý tộc và đều để tóc dài. Tôi rất ấn tượng với mái tóc đen nhánh đong đưa phía trước khi họ cúi chào, nhưng không thích tranh họ vẽ.Tôi không hiểu những bức tranh nầy, nhưng chúng chẳng có gì bí ẩn, và khi hiểu chúng, tôi thấy chẳng có ý nghĩa gì . Tôi rất tiếc về điều này nhưng không thể làm gì hơn .

(Ezra Pound was always a good friend and he was always doing things for people. The studio where he lived with his wife Dorothy on the rue Notre-Dame-des-Champs was as poor as Gertrude Stein’s studio was rich. It had very good light and was heated by a stove and it had paintings by Japanese artists that Ezra knew. They were all noblemen where they came from and wore their hair cut long. Their hair glistened black and swung forward when they bowed and I was very impressed by them but I did not like their paintings. I did not understand them but they did not have any mystery, and when I understood them they meant nothing to me. I was sorry about this but there was nothing I could do about it.)

 

Ernest thích tranh Dorothy vẽ, thích bức tượng do Gaudier-Brzeska tạc cái đầu của Ezra và những những tác phẩm của nhà điêu khắc nầy qua những bức ảnh chụp lại. Ernest không thích bức tranh Wyndham Lewis vẽ Ezra, nhưng Ezra lại thích nó , chẳng qua do lòng tốt đối với bạn mình. Hemingway tôn trọng tình bạn hay chuyện gia đình của người khác .

Một buổi chiều khi Ernest đang dạy Ezra đấm bốc (box) tại studio của Ezra,lần đầu ông gặp Wyndham Lewis. Ernest mô tả Lewis có khuôn mặt ếch và mặc kiểu“đồng phục của một nghệ sĩ thời tiền chiến”, đội mũ đen rộng vành như người dân khu phố. Ông muốn ngưng dạy đấm bốc, nhưng Lewis nhất quyết yêu cầu họ tiếp tục khiến Ernest nghi ngờ Lewis muốn thấy Ezra bị thương, nhưng chẳng có chuyện gì xẫy ra. Sau khi kết thúc, họ cùng nhau uống rượu và  Ernest có dịp mô tả dung nhan Lewis : “Tôi kín đáo quan sát Lewis mà không nhìn vào ông như khi ông đang đấm bốc,và tôi không nghĩ đã từng thấy người đàn ông nào trông tệ hại hơn thế.” (I watched Lewis carefully without seeming to look at him, as you do when you are boxing, and I do not think I had ever seen a nastier-looking man).

 

Về nhà vào buổi tối, Ernest kể lại với Hadley :

 

“Hôm nay anh gặp gã đàn ông tệ hại nhất trên đời,” tôi nói với vợ .

“Tatie, đừng kể với em về gã ấy,” nàng  nói. “Làm ơn đừng kể. Chúng ta sắp ăn tối rồi.”

Khoảng một tuần sau,gặp Miss Stein, tôi nói đã gặp Wyndham Lewis và hỏi bà đã từng gặp ông ta chưa.

“Tôi gọi ông ấy là ‘Con Sâu Đo’,” bà nói. “Ông ta từ London đến đây ,nhìn thấy bức tranh đẹp và lấy trong túi một cây bút chì ra đo bằng ngón tay cái. Ông ngắm nghía đo đạt và xem kỹ bức tranh được vẽ như thế nào. Rồi ông ta trở về London vẽ lại, nhưng nó không ra gì. Rõ ràng ông ấy không hiểu bức tranh nói gì.”

( - “I met the nastiest man I’ve ever seen today,” I told my wife. - “Tatie, don’t tell me about him,” she said. “Please don’t tell me about him. We’re just going to have dinner.”

About a week afterwards I met Miss Stein and told her I’d met Wyndham Lewis and asked her if she had ever met him. - “I call him ‘the Measuring Worm,’ ” she said. “He comes over from London and he sees a good picture and takes a pencil out of his pocket and you watch him measuring it on the pencil with his thumb. Sighting on it and measuring it and seeing exactly how it is done. Then he goes back to London and does it and it doesn’t come out right. He’s missed what it’s all about.” )

 

 Ernest đặc biệt nhấn mạnh lòng tốt của Pound đối với nhà thơ T. S. Eliot bằng cách khởi xướng một chương trình gọi là "Bel Esprit" với mục đích kêu gọi văn nghệ sĩ đóng góp tài chánh giúp Eliot dành toàn thời gian cho việc sáng tác. Bel Esprit do Ezra củng với Miss Natalie Barney, một phụ nữ Mỹ giàu có và là mạnh thường quân nghệ thuật,tổ chức. Mặc dù Pound và Ernest, cùng các bạn khác cố gắng hết sức quyên góp tiền cho Eliot, cuối cùng chiến dịch vẫn không thành công như mong đợi, nhưng việc này đã thể hiện lòng nhân hậu của Pound đối với nghệ sĩ. Ernest ngưỡng mộ Pound không chỉ vì tài năng thơ ca mà còn vì sự cống hiến của ông đối với cộng đồng nghệ thuật.

            Viết xong bản tóm tắt, tôi đến quán Le Café Dôme gặp Ernest, không quên mang theo cuốn sổ tay ghi chép nhiều thông tin về Ezra Pound.

" Ernest, trong chương Ezra Pound, ông nhắc đến Pound là người rất tốt bụng, luôn cố gắng giúp đỡ người khác. Nhưng tôi thắc mắc, tại sao một nhà thơ với tài năng lớn như ông ấy lại dành quá nhiều thời gian và năng lượng để giúp đỡ mọi người xung quanh thay vì tập trung hoàn toàn vào sự nghiệp của mình?"

 

            Hemingway vui vẻ trò chuyện thân mật với tôi như một người bạn, có lẻ tôi đã nói đúng vào ý thích của ông :

"Tôi hiểu, và cũng đã từng tự hỏi như vậy. Nhưng theo tôi lòng tốt của Ezra không phải là điều có thể giải thích bằng lý do thông thường. Ông ấy có một cái tâm rộng mở đến mức sự nghiệp cá nhân không phải là điều duy nhất quan trọng. Ông ấy luôn muốn nhìn thấy người khác thành công, bởi vì với Ezra, thành công của người khác không làm mờ đi ánh sáng của ông. Nó chỉ làm thế giới của chúng ta tốt đẹp hơn."

 

" Nhưng Ernest có nghĩ rằng sự hào phóng đó có thể làm cản trở sự nghiệp của Pound ? Thật khó hiểu khi một người tài giỏi như Pound lại không được công nhận xứng đáng."

 

" Trác Bạt nghĩ như vậy, nhưng Ezra không bận tâm về điều đó. Ông ấy chỉ quan tâm đến việc bồi dưỡng nghệ thuật, không phải chỉ cho riêng mình mà cho cả những người xung quanh. Sự vĩ đại của Pound không chỉ nằm trong thơ ca mà còn ở việc ông xây dựng một cộng đồng những nghệ sĩ được ông giúp đỡ. Ông làm điều đó một cách vô tư, không cần phải nhận lại bất cứ điều gì."

 

"Trong chương Ezra Pound, Ernest cũng nói về Bel Esprit gây quỹ giúp T.S. Eliot, điều đó cho thấy Pound không chỉ giúp đỡ về mặt tinh thần mà còn cả về vật chất. Dường như Ezra cũng có tài sản lớn…”

 

" Không đúng. Ezra quyên góp cho Eliot nhưng bản thân ông cũng chẳng dư dả gì. Ông là người như vậy, luôn luôn đặt người khác lên trước. T.S Eliot trở thành nhà thơ vĩ đại một phần cũng nhờ Pound nhìn thấy tiềm năng và không tiếc công giúp đỡ."

 

            Tôi lật sổ tay, tìm đọc lại các chi tiết trong tiểu sử Ezra Pound. Một trong những câu chuyện gây khó chịu nhất là Ezra ủng hộ chế độ phát xít của Benito Mussolini tại Ý trong Thế chiến II. Pound đã sống tại Ý trong thời gian dài và trở thành người ngưỡng mộ Mussolini. Ông phát biểu nhiều lần trên đài phát thanh, chỉ trích Mỹ và ca ngợi chế độ phát xít, điều này khiến ông bị coi là kẻ phản bội nước Mỹ. Sau khi chiến tranh kết thúc, Pound bị bắt và đưa về Mỹ, nhưng do tâm lý không ổn định, ông được gởi vào bệnh viện St. Elizabeth's ở Washington, D.C. thay vì bị xét xử. Ông ở trong bệnh viện này suốt 12 năm trước khi được thả…

 

" Hình như đời sống cá nhân của Pound không phải lúc nào cũng suôn sẻ.”Tôi nói. “ Ezra gặp nhiều khó khăn trong sự nghiệp và thậm chí sau này còn bị chỉ trích nặng nề vì quan điểm chính trị ."

            "Đúng vậy.” Hemingway nói. “ Cuộc đời Pound đầy rẫy mâu thuẫn. Ông có những quan điểm mà nhiều người không đồng ý, và tôi cũng không đồng ý với ông nhiều điều, đặc biệt là chính trị. Nhưng điều đó không làm giảm đi sự kính trọng tôi dành cho Ezra về vai trò của ông trong văn học. Con người Ezra phức tạp, nhưng không thể phủ nhận khả năng thiên phú trong việc khám phá ngôn từ và nâng đỡ người khác…"

 

            Pound và Ernest có một tình bạn thân thiết tại Paris. Pound không chỉ khuyến khích Hemingway trong quá trình sáng tác mà còn góp ý về kỹ thuật viết văn. Ernest từng nói rằng Pound đã dạy ông rất nhiều về sự súc tích và sử dụng ngôn ngữ đơn giản nhưng hiệu quả. Ernest thường ca ngợi Pound là nhà thơ có “con mắt nhạy bén nhất”. Thậm chí Pound còn giúp Ernest sửa lại câu văn, cắt bỏ phần không cần thiết ,chỉ giữ lại phần tinh túy…

 

" Tôi vẫn nghĩ thành tựu của Ezra có thể lớn hơn nhiều nếu tập trung vào sự nghiệp riêng của mình mà không mất nhiều công sức giúp đỡ người khác ! " Tôi nói thêm suy nghĩ của mình.

            "Có thể...” Ernest nói. “ Nhưng điều đó không phải là cách Ezra nhìn thế giới. Ông ấy thấy giá trị trong việc giúp đỡ người khác, nếu không như thế thì đâu phải là Ezra như chúng ta nhắc đến . Cuộc đời là vậy – đôi khi sự vĩ đại không đến từ thành tựu cá nhân, mà từ những gì ta cống hiến cho người khác…"

 

            Donovan hỏi tôi sau cuộc gặp Ernest, tôi kể lại các chi tiết trên và kết luận :

“ Nói chuyện trực tiếp với Ernest giúp tôi biết rõ hơn về tính cách và triết lý sống của Hemingway và Pound. Tôi cũng hiểu thêm những gì Hemingway muốn truyền tải trong "Ezra Pound and His Bel Esprit".

 

“ Nhưng vẫn còn thiếu về Ezra Pound …”  Donovan tiếp lời tôi.

Thấy tôi tập trung chú ý , Donovan nói tiếp :

“Ezra Pound là một nhân vật phức tạp, có vai trò quan trọng phát triển văn học hiện đại, đặc biệt là trong phong trào Imagism và Vorticism (*). Ông không chỉ là nhà thơ có ảnh hưởng mà còn là người thầy, biên tập viên , và người bảo trợ cho nhiều nhà văn khác. Có nhiều câu chuyện nổi bật về Ezra ngoài những gì được nhắc đến trong “Ezra Pound” của Hemingway.”

 

“ Donovan có thể kể sơ qua …”

“ Chẳng hạn Pound giúp T. S. Eliot chỉnh sửa và xuất bản tác phẩm nổi tiếng The Waste Land (1922), hoặc chính Ezra phát hiện các nhà thơ T. S. Eliot, Robert Frost, James Joyce, và đặc biệt là Hilda Doolittle trong thời gian làm biên tập cho tạp chí Poetry vào đầu thế kỷ 20, hoặc Pound đã giúp James Joyce xuất bản Ulysses. Đặc biệt, Pound còn có đóng góp cho Kinh Dịch …”

 “ Sao ? Kinh Dịch của Phương Đông ?”  Tôi hơi ngạc nhiên.

“ Vâng.” Donovan nói. “ Pound rất quan tâm đến văn hóa phương Đông, đặc biệt là Kinh Dịch (I Ching). Ông nghiên cứu sâu rộng về triết học Trung Quốc và từng xuất bản các bản dịch thơ cổ Trung Hoa. Tư duy triết học và hình ảnh tượng trưng của Kinh Dịch ảnh hưởng đáng kể đến phong cách thơ ca của Ezra, đặc biệt trong tác phẩm The Cantos của ông, một trường ca phức tạp và đầy hình ảnh tượng trưng mà ông sáng tác trong suốt nhiều thập kỷ…”  

                                               

Trở về cư xá Sorbonne, tôi có cảm tưởng mình đang đứng trước một ngã rẽ giữa nhàm chán và hứng thú. Nhàm chán vì công việc không có chỗ cho sáng tạo, nhưng hứng thú vì được nói chuyện thẳng thắn và chân tình với Hemingway. Cuộc trò chuyện tạo nguồn động lực mới, tôi vẫn như còn nghe giọng nói của Ernest…

Tôi lại có hứng thú làm việc với A Moveable Feast. Không chỉ là cuốn hồi ký , tôi nhìn nhận lại nó như một kho tàng ký ức về các mối quan hệ và các tư tưởng đằng sau mỗi câu chuyện. Công việc bây giờ không đơn thuần là tóm tắt phân tích, mà trở thành các cuộc trò chuyện kéo dài giữa người viết và tác giả. Hoặc hơn nữa, giữa chính bản thân tôi, giúp tôi tìm thấy những góc khuất mới trong những điều tưởng chừng đã quen thuộc. Việc viết lách bây giờ không khác chuyện “tôi viết cho tôi” sau khi trò chuyện vui vẻ với Ernest… 

 

Gainesville tháng 8/2024

 

------------------------------------------------

(*) Chủ nghĩa tượng trưng (Imagism)và chủ nghĩa lốc xoáy (Vorticism)

Được coi là người ủng hộ xuất sắc nhất, Ezra Pound đã đưa thơ ca hiện đại ra mắt công chúng, buộc thế giới phải chú ý đến nó. Năm 1912, ông thành lập Nhóm chủ nghĩa tượng trưng bao gồm Hilda Doolittle, Richard Aldington và F.S. Flint. Nhóm này chuyên khám phá những triết lý, tư tưởng mới và thử nghiệm những thay đổi hình thức của thơ. Tính khách quan, hiệu quả và sáng tạo được xem là ba trụ cột của nhóm tượng trưng.

Vorticism là một phong trào văn học nghệ thuật phát triển mạnh ở Anh những năm 1912–1915.Nó là phản ứng thơ ca trước sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật cơ khí thế kỷ 19 và các sản phẩm do máy móc tạo ra. Văn học Vorticist thường được mô tả là hỗn loạn và ồn ào…

 

 

Ezra Weston Loomis Pound (1885 – 1972)

 

 

 

 

 

 

Phan Tấn Uẩn
Số lần đọc: 38
Ngày đăng: 01.10.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về miền trú ẩn (Phần 14) - Đỗ Nguyễn
Hình bóng biển trời (Tiếp theo chương 12) - Phan Tấn Uẩn
Về miền trú ẩn (Phần 13) - Đỗ Nguyễn
Về miền trú ẩn (Phần 12) - Đỗ Nguyễn
Về miền trú ẩn (phần 11) - Đỗ Nguyễn
Hình bóng biển trời (Tiếp theo chương 11) - Phan Tấn Uẩn
Về miền trú ẩn (phần 10) - Đỗ Nguyễn
Về miền trú ẩn (phần 9) - Đỗ Nguyễn
Hình bóng biển trời (Tiếp theo chương 10)) - Phan Tấn Uẩn
Về miền trú ẩn (phần 8) - Đỗ Nguyễn
Cùng một tác giả
Đêm Mù Mộ Địa (truyện ngắn)
Chuyến về quê (truyện ngắn)
Giấc mơ chiếu manh (truyện ngắn)
Trên sợi tóc buồn (truyện ngắn)
Quán về khuya (truyện ngắn)
Phố đỏ (truyện ngắn)