Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.189
123.204.567
 
Đồng Phú ơi
Hoàng Xuân

 

Ngược dòng Gianh, tôi phóng xe len lỏi băng qua mấy cánh đồng bây giờ đã qua mùa gặt hái, nước còn chưa xuống hết sau con lũ nhỏ do ảnh hưởng bởi cơn bão số 4, đổ bộ vào khu vực Trung Trung Bộ giữa độ nữa cuối tháng 9. Đứng bên này sông, khoảng cách không xa nhưng nhìn sang làng Đồng Phú quả thực không gần chút nào. Cái làng này tựa vào dãy núi Hoành Sơn và hằng ngày soi bóng xuống sông Gianh từ phía hữu ngạn thuộc xã Đồng Hoá, huyện Tuyên Hoá. Con sông đã bao đời nay gắn bó máu thịt với người dân nơi đây, tạo nên bức tranh sơn thuỷ hữu tình và trầm mặc sinh sôi nảy nở những lớp người gan góc chống chọi với giặc dã và thiên nhiên.

 

Làng Đồng Phú tiền thân là hợp tác xã Tự Hoá, hiện có 219 hộ với 903 nhân khẩu, trong đó có ¼ số nhân khẩu là công giáo, nghề nghiệp chủ yếu là làm nông. Một điều rất đặc biệt của cái làng này là có hơn 70% số dân hiện nay có nguồn gốc xuất phát từ xã Phù Hoá, huyện Quảng Trạch, trong đó có một số dân vạn chài lên khai hoang phục hoá từ năm 1966 và sinh cơ lập nghiệp cho đến hôm nay. Buổi ban đầu khi lập làng đến những năm gần đây, hàng chục hộ dân vạn chài mới dần dần tìm đến đất đai để dựng nhà lên cạn. Sau bao biến cố thăng trầm của thời gian và lịch sử, làng Đồng Phú đã thay da đổi thịt, người dân cần cù, siêng năng, sáng tạo để phát triển kinh tế trên tất cả các lĩnh vực. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỷ thuật vào sản xuất, đầu tư thâm canh tăng năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa máy móc công nghiệp vào phục vụ sản xuất, giải phóng một phần sức lao động cho nông dân. Một số hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn đầu tư vào các mô hình phát triển kinh tế, tham gia các chuổi giá trị liên kết. Thực hiện tốt các đề án phát triển kinh tế của huyện, trồng rừng kinh tế, trồng cây bản địa, phát triển đàn gia súc, gia cầm, cải tạo lại vườn tạp sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; các ngành nghề xây dựng, mộc, dịch vụ buôn bán từng bước được phát triển, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho gia đình. Đặc biệt, biết dựa vào lợi thế vừa có sông, vừa có núi, lại vừa biết nắm bắt thời cơ, bà Hoàng Thị Thu đã thành lập HTX sản xuất, dịch vụ nông - lâm nghiệp hương rừng Vĩnh Lợi, trong đó có sản phẩm “Rượu chuối rừng Đồng Hoá” đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Bình năm 2024. Đây là một hướng đi mới, một mô hình năng động, và góp phần làm tha đổi bộ mặt nông thôn ở vùng gò đồi. Toàn thôn hiện có 45 người xuất khẩu lao ra nước ngoài, đây cũng là hướng đi đúng trong việc xóa đói giảm nghèo một cách bền vững. Nhờ làm tốt công tác phát triển kinh tế, nên đời sống của bà con trong thôn từng bước được ổn định, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu/người/năm, đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,6%. Tình làng, nghĩa xóm ngày càng được phát huy, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, chất lượng gia đình văn hoá ngày được nâng lên, diện mạo nông thôn mới có nhiều khởi sắc. Với những kết quả đó, tháng 11 năm 2023 thôn Đồng Phú đã được UBND huyện Tuyên Hoá công nhận làng Văn hoá.

Sự nỗ lực vươn lên của từng con người nơi đây là một minh chứng cho “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Nhưng trong cái sự vươn lên ấy, đứng bên này bờ sông nhìn về làng Đồng Phú, tôi vẫn cảm nhận một khoảng lặng vốn có. Đó cũng là khoảng lặng trong tâm hồn của người dân nơi miền sơn cước này. Con sông Gianh vốn hiền là vậy, nhưng cũng rất dữ dằn và xốc nổi mỗi khi mùa mưa đến. Đã có những sinh mạng nằm lại vĩnh viễn dưới lòng sông này. Và cũng có bao lần tiếng nấc nghẹn của con người trước biến cố thiên nhiên, trước vạn vật khi lũ nhấn chìm cả làng trong nước. Cái làng gan góc là thế, anh dũng là thế, thiên nhiên đầy hữu tình là thế, nhưng nếu ai yêu quý muốn đến với làng trong những ngày mưa lũ cũng không phải dễ, thậm chí còn bị chia cắt kéo dài nếu nước lũ lên cao. Cái làng hình thành bao nhiêu năm thì cũng có ngần ấy mùa nước nổi. Hình ảnh người dân đợi đò, gọi đò thửa nào vẫn còn văng vẳng bên tôi, bên những bà những mẹ trước và sau buổi chợ. Thế rồi một thời gọi đò đã quá vãng, hàng chục năm nay chiếc cầu phao tư nhân bắt qua sông đã được dựng lên. Một nỗi ước mong nối hai bờ thương nhớ. Nhưng chiếc cầu ấy cũng đã bao lần bị nước lũ cuốn trôi, thậm chí là đứt ra từng khúc, đoản mạch ngay giữa lòng sông. Hôm nay, tôi đến đây, cũng vì thế mà chỉ đứng nhìn Đồng Phú như một người con gái đang độ yêu đương mà không thể đến gần. Chiếc cầu đang bị xoay dọc theo dòng chảy của sông, và đương nhiên những ai đến đây lúc này đều không thể qua bên kia làng Đồng Phú. Những con đò năm xưa, dẫu đã thưa thớt nhiều, nhưng không thể không cất lên tiếng “gọi đò”. Dòng sông vẫn lỡ bồi theo năm tháng, củ sắn, củ khoai, miếng trầu vẫn ngày ngày ra chợ, nhưng những ngày mưa lũ sẽ vô cùng khó khăn, dù chỉ một ước mong bình dị giữa đời thường. Trong quang gánh hay xe đạp cà tàng của các mẹ sau vãn buổi chợ Còi sáng nay, tôi vẫn cảm nhận được nét buồn diệu vợi. Và tất cả người dân nơi đây đã bao đời ước ao, bao lần trông ngóng, dù chỉ một tia hi vọng rất nhỏ nhoi, có một cây cầu nối liền 2 bờ sông, để ngày ngày các bà, các mẹ, các cháu học sinh và tất cả mọi người dân nơi đây được thoả lòng sải bước đến chợ, đến trường và tránh được sự chia cắt trong mùa mưa lũ. Nhưng, mong ước ấy cứ bâng khuâng, cứ bồi hồi trong từng mạch nguồn của miền quê yên bình mà lắm nỗi gian truân. Tôi lại vẳng bên tai tiếng ai gọi “Đồng Phú ơi”.

 

       Đồng Hoá, tháng 9/2024

                                                                           

 

Hoàng Xuân
Số lần đọc: 326
Ngày đăng: 02.10.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Văn Thành, độc giả tâm đắc của Bàn tay nhỏ dưới mưa - Trương Văn Dân
Viết bên dòng Potomac (Phần 02: Người Việt sống bên bờ sông Potomac) - Nguyễn Minh Nữu
Viết bên dòng Potomac. (Phần 1: Làm báo ở Washington DC) - Nguyễn Minh Nữu
Hà Nội - Nhìn thoáng qua Hồi Ký Vũ Ngọc Phan - Phan Văn Thạnh
Buồn vui trước ngưỡng cửa tòa soạn - Trần Trung Sáng
Trò chuyện với một đạo diễn trẻ chuẩn bị làm phim về Hành giả Minh Tuệ - Nguyễn Anh Tuấn
Chuyện hồi nhỏ học sinh ngữ pháp rồi mê sách hình tiếng Pháp - Phạm Nga
Về “ Một cõi tâm” bên dòng Linh Giang - Nguyễn Tiến Nên
Cuộc khát sống của con tê giác Việt Nam cuối cùng - Nguyễn Hàng Tình
Cách sống khôn khéo của con người giữa thần và ma - Phạm Nga
Cùng một tác giả
Lan man chuyện tết (truyện ngắn)
Cậu Tâm (tạp văn)
Tro (tạp văn)
Riêng (thơ)