Đó là họ hàng nhà mình đang ở bên đất “cái thằng Mỹ”, những ông anh, bà chị họ rất gần với nhà mình: bên nội thì là họ là hàng cháu chắt của ông bố , bên ngoại thì họ là hàng cháu chắt của bà mẹ. Chuyến đi nhận họ (không nhận hàng nhé) của mình có cả vợ và cô con gái đang làm việc ở đây. Cái hay là cho vợ là biết được cái gọi là “danh gia vọng tộc” gia đình mình. Cái hay đối với con gái là, may ra, nó hiểu thêm được phong tục, lễ giáo và “thấm” cái chất, cái máu Việt, vốn đã ít nhiều phai nhạt sau gần chục năm học hành, làm việc ở nước ngoài.
Tất cả những người này, trước năm 1954, mình đều đã gặp. Ngày đó (1954) mình mới 10 tuổi. Nghĩa là, vẫn có những hình ảnh còn lưu lại trong đầu mình từ những ngày còn nhỏ hơn nữa. Mình không dám nói là chính xác hết, nhưng mà mình vẫn tin những điều mình nhớ là đúng. Bởi bây giờ còn ai nữa mà xác định được đúng sai. Thời gian trôi đã 60 năm, gần hết cuộc đời người rồi còn gì!
Những cuộc gặp này chỉ là để những người già ôn lại kỷ niệm, có dịp gặp nhau trò chuyện, có thể với đa số những ông anh bà chị của mình, đây còn là dịp gặp gỡ cuối cùng. Những cuộc gặp đó không nhắc nhiều kỷ niệm, kỷ niệm của những ngày xưa thơ ấu đó ít lắm. Đa phần đều do mình “khởi xướng” ra những cái sự nhớ, nỗi nhớ, niềm nhớ đó và miền nhớ đó, chẳng thấy ông anh bà chị nào nhớ được về những ngày đó nhiều bằng mình. Mà mình vai vế là em, vào loại ít tuổi nhất.
Houston, thành phố của bang Texas, hiện đang là nơi tập trung đông bà con người Việt, nhập cư vào Mỹ sau ngày 30/4/1975 cũng đang vào độ cuối thu.
Ba ngày lưu lại, chưa nhận biết được gì nhiều. Đa phần là ngồi trên xe, nhìn thành phố và cố hình dung thành phố qua những dòng xe xuôi ngược, những toà nhà xinh xắn mà các ông anh bà chị mình sống mấy chục năm qua và một chuỗi các nhà hàng ăn uống mà các ông anh bà chị, đưa gia đình mình đến ăn.
Mỗi một cuộc di chuyển từ nới mình trú ngụ đến những nhà khác nhau cũng trên 30 phút. Theo kinh nghiệm của ông anh trưởng tộc, trên xa lộ, cứ mỗi phút xe đi được một dặm. Vậy là mỗi chuyến di chuyển để thăm được một người bà con, cũng phải vượt quãng đường cỡ trên 50 cây số, có chỗ còn phải đi cả tiếng đồng hồ. Nếu ở xứ ta, khoảng cách như vậy phải tính thành một “cuộc đi” có những mục đích quan trọng như giỗ chạp, ma chay, cưới xin… chứ đâu có phải chỉ gặp nhau chốc lát rồi tất cả lại kéo nhau ra nhà hàng.
Chuyện trong chuyến đi Houston thăm bà con này nhiều. Ngoài tình cảm máu mủ giữa những người thân, phải nói thật suy nghĩ của mình, cũng không chắc có còn thắm thiết thật hay không, nhưng mình thích ở một điểm khác, chính trị hơn, nhân văn hơn, con người hơn, đó là sự hiểu biết và thông cảm hơn của “bên thua cuộc” với “bên thắng cuộc”. Không có những lời nói hận thù, xỉ vả cho bõ vì cái sự phải bỏ chạy khỏi quê hương và nhân đó lên án sự quản lý yếu kém đất nước, khiến Việt Nam tụt hậu dài dài so với thế giới. Mình gặp một ông anh rể, hiểu biết và có những phát ngôn đúng mức, tuy những phút đầu, cũng có những điểm muốn thăm dò nhau.
Rất may, mình cảm thấy, tất cả đều có sự thông cảm không phải ở độ cứng nhắc, gò bó như những cuộc tiếp xúc sau ngày 30/4/1975. Đó là sự thông cảm thật sự, tuy rằng, bên cạnh những lời phát ngôn thật lòng, mình vẫn nhận ra cái điều họ muốn nói có phần chua cay, đặc biệt với các ông anh, khoe cái thằng Mỹ tốt và chê cái thằng ta dở. Điều đó là tất nhiên, nhưng đúng là vẫn có điều gì đó chưa nguôi ngoai trong lòng họ. Đó là những mất mát, những khốn khó mà họ đã phải trải qua vì cuộc “thiên di vĩ đại”, để bây giờ họ có cuộc sống thoải mái, đảm bảo về vật chất, một cuộc sống nếu xảy ra ở Việt Nam, đó là “nằm mơ giữa ban ngày”. Tiếc rằng cuộc sống đủ đầy hôm nay lại là ở bên đại dương. Thiên đường đấy nhưng lại ở bên kia đại dương!
Ông anh rể mình nói ở trên, chuyện trò với mình và ông trưởng tộc hợp cạ. Cái hợp nữa là ông cũng viết ra những biến cố xảy ra trong cuộc đời của ông với mục đích chia sẻ cho con cháu. Mình cũng đang viết điều đó. Mình đã nói thật nhiều điều, cũng “ní nuận” và hỏi về những suy nghĩ của nhau. Mình đã có một cuộc nói chuyện cởi mở với những người lúc này không trong vai trò anh em, gia đình mà là những người phía bên kia, những người mà mình và cả những người phía “bên kia” từng phải “căm thù hoặc bắn giết” một khi lâm trận. Cuộc đời mà, có ai muốn như vậy đâu nhưng đó là số phận nghiệt ngã của dân tộc này.
Mình đã trả lời ngay lập tức ông anh rể, khi ông hỏi “cậu có suy nghĩ gì khi lâm trận với người ở phía bên kia chiến tuyến”- “mỗi lần lên đường, đều luôn nghĩ đến những người anh em phía bên kia”. Có thật không?, Hơi quá nhưng mà có nghĩ, vẫn hằng nghĩ đến họ và vẫn tự đặt câu hỏi : Tại sao? Mình tin nhiều người không biết đặt câu hỏi đó. Chính vì vậy mới có cảnh “nồi da xáo thịt” trên đất nước này, với dân tộc này.
Vậy là với người trong họ, mình đang có sự hoà hợp, cũng có thể nói, đồng điệu về ngôn ngữ và suy nghĩ. Mình muốn hoà hợp và mình đã chủ động. Thế hệ mình có thể còn những lấn cấn, còn có thể có những con người cực đoan, nhưng mình cố vì mình là người hiện nay, có thể suy nghĩ và phán đoán được sự việc bằng sự tỉnh táo của cái đầu của mình.
Nhưng ở bàn bên cạnh, con gái mình mới lần đầu làm quen với các anh chị của nó, chuyện trò rất vui vẻ với những người mà lần đầu chúng gặp, chúng nó trẻ, chúng nó không biết “ nỗi buồn chiến tranh” như cha mẹ chúng. Để có cuộc gặp gỡ những ngày này, cha mẹ chúng nó vượt chặng đường dài, mất 36 năm. Một khoảng thời gian mất đi một cách vô ích. Nếu không có những thuyền nhân, những cải tạo tù đày để hận thù nặng thêm, không có những cải tạo tư sản để đất nước phát triển, chắc sẽ không có cái cảnh “những bữa ăn bên bờ đại dương” như thế này.
Giờ, mình đang ở cuối thu của cuộc đời. Chẳng hiểu sẽ còn được sống trên đời bao lâu nữa. Con gái bảo “bên này 70 vẫn thanh niên”. Bố mày không bị huyễn hoặc đâu. Nhưng mà bây giờ đúng là cuối mùa thu của chu kỳ tuần hoàn trái đất. Thu ở Hà Nội rất đẹp. Có một lần, mình cũng đã dẫn ông anh họ Mỹ gốc Việt đi ngắm mùa thu và hưởng gió của hồ Hà Nội, nơi mình sống. Mình ca ngợi mùa thu Hà Nội. Lão ta ở Washington DC. Mình cũng đã đến đây và ở vào cái ngày hè có tiết thu. Đã thốt lên “sao mà thành phố nó đẹp. Tất cả thành phố ngày đó như nằm trọn trong rừng với những lá vàng dưới chân và trên cây cũng đầy lá vàng. Nghĩ, chẳng hiểu lão này có chê mình là cực đoan không? “Chỗ tao ấy a, đẹp bằng vạn chỗ này của mày”.
Nhưng ở Houston mình lại nhận ra cái đẹp mùa thu kiểu khác, nó giống Hà Nội hơn, se se vào buổi sáng, phải đắp chăn và bật máy sưởi nóng vào ban đêm, đến trưa lại có thể mặc sơ mi. Hao hao Hà Nội của mình và đặc biệt đẹp hơn vì có những con người đang ở cuối thu nói chuyện với nhau. Nói chuyện với nhau trong sự thông cảm những suy nghĩ của nhau, biết nhượng bộ nhau để đạt cái cao hơn, đó là hoà hợp.
Chúng ta khắc khẩu với nhau quá lâu rồi. Thế giới người ta không nói chuyện với nhau bằng súng đạn và những lời chê bai, dè bỉu. Họ nói với nhau bằng “kính thưa” và những lời nói văn hoá thể hiện sự văn minh của cuộc sống.
Ai trên đời cũng yêu thích cái sự hoà khí. Vậy sao không hoà hợp được?
Đừng cố tình tạo ra sự ngăn cách nữa. Người với người sống để yêu nhau cơ mà.
Chicago - 4/11/2014